Ngọc Lan/Người Việt
SANTA ANA, California (NV) – Chuyện lôi thôi ở chùa
Bảo Quang, thành phố Santa Ana, vẫn chưa chấm dứt, vì vị sư trụ trì của
chùa vừa nộp đơn kiện Hội Đồng Quản Trị (HĐQT), sau khi bị một luật sư
“gửi giấy báo đòi trục xuất ông ra khỏi chùa trong vòng 30 ngày.”Những người đứng đơn kiện là ông Dương Cao Cường (tức Thượng Tọa Thích Phước Hậu), trụ trì chùa Bảo Quang. Cùng đứng tên với vị sư trụ trì là hai người nói là đại diện Phật tử chùa, ông Tony Bùi và ông Phil Bùi.
Bên bị kiện là ông Lộc Hoàng Bạch và cô Christie Hoàng Bạch, hai thành viên HĐQT chùa, và Trung Tâm Phật Giáo Chùa Bảo Quang (Vietnamese-American Buddhist Center For Charitable Services).
Đơn kiện được Luật Sư Marks S. Rosen, đại diện ông Tony Bùi, gửi đến Tòa Thượng Thẩm California, Orange County, qua Internet hôm 4 Tháng Hai, mã số hồ sơ là 30-2020-01129597 CU-MC-CJC.
Ông Tony và ông Phil, theo đơn kiện, là cư dân Orange County, tiểu bang California, đang hành xử trong tư cách cá nhân và cũng đại diện cho Phật tử chùa Bảo Quang. Ông Phil Bùi trước đây là phụ tá cho Thượng Tọa Thích Phước Hậu.
Bị đơn là ông Lộc Hoàng Bạch và cô Chrisite Hoàng Bạch đã và đang nắm giữ vai trò điều hành ngôi chùa, và cũng là người phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại gây ra đối với nguyên đơn, đơn kiện viết.
Đơn kiện có nhắc lại quá trình hình thành chùa Bảo Quang, một cơ sở tôn giáo bất vụ lợi.
Theo đó, cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh thành lập chùa Bảo Quang từ năm 1990, và giữ vai trò tối cao trong chùa từ đó cho đến lúc viên tịch ngày 9 Tháng Sáu, 2019.
Tháng Ba, 1990, hòa thượng viện chủ đệ đơn xin tiểu bang cho phép ngôi chùa được hoạt động theo hình thức một tổ chức tôn giáo bất vụ lợi. Điều lệ hoạt động của chùa cũng được nộp trong thời gian này.
Một số điều lệ được trích dẫn trong đơn kiện cho biết tổ chức của chùa bao gồm một trụ trì và một HĐQT. Trụ trì được HĐQT và giáo hội chỉ định. HĐQT có 20 thành viên được bầu chọn từ những thành viên ban điều hành. Nhiệm kỳ của HĐQT là hai năm.
Cũng theo điều lệ này, người được xem là Phật tử của chùa (regular membership) phải đóng lệ phí $25 một năm, Phật tử bảo trợ (sponsoring membership) đóng lệ phí $1,000/năm, và Phật tử danh dự (honorary membership) không giới hạn số tiền đóng góp.
Phật tử của chùa sẽ có một cuộc họp thường niên được ấn định vào lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy đầu tiên của Tháng Tư.
Theo đơn kiện, cơ sở tôn giáo bất vụ lợi này được hình thành từ tiền đóng góp của bá tánh và tiền lệ phí của các Phật tử. Cơ sở tôn giáo bất vụ lợi này khởi đầu ở địa chỉ 11561 Magnolia Street, Garden Grove, CA 92841. Năm 2001, cơ sở tôn giáo bất vụ lợi này mua ngôi chùa hiện tại ở đường Newhope với giá khoảng $1.6 triệu.
Để mua địa điểm mới này, cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh đã bán tài sản trước đó được khoảng $500,000.
Đơn kiện cho biết giấy tờ mua ngôi chùa này được Hòa Thượng Thích Quảng Thanh trưng ra cho thấy có khoản tiền mặt là $56,743.51, giá trị của các bức tượng Phật, đá, sách báo tôn giáo là $58,000. Giá trị ngôi chùa trên đường Magnolia là $436,619.50. Ngoài ra không có khoản nợ nần nào.
Báo cáo tài chính kết thúc vào ngày 31 Tháng Mười Hai, 2001, của chùa cho thấy các khoản đóng góp từ Phật tử thành viên là $97,353.92 và tiền dư còn lại của năm 2000 là $425,009.11.
“Tiền mua ngôi chùa mới đã được trả hết bằng tiền lệ phí của Phật tử thành viên và tiền đóng góp của bá tánh,” theo đơn kiện.
Cũng theo đơn kiện, sau khi dọn về ngôi chùa mới trên đường Newhope, cũng là lúc Hòa Thượng Thích Quảng Thanh đã có tuổi, ông chấm dứt việc họp hành HĐQT cũng như họp mặt Phật tử thường niên, trong khi vẫn tiếp tục vai trò trụ trì, coi hết mọi việc của chùa.
“Không có bất kỳ phiên họp HĐQT nào từ năm 2002. Không có bất kỳ phiên họp Phật tử thành viên nào để bầu hội đồng quản trị kể từ năm 2002,” theo đơn kiện.
Cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh đưa cháu ông, là Thượng Tọa Thích Phước Hậu (từ Việt Nam sang) vào chùa với tư cách là phụ tá và là người kế vị, đơn kiện viết.
Năm 2013, Hòa Thượng Thích Quảng Thanh lại mời Thượng Tọa Thích Phước Hậu đến chùa ở tạm để huấn luyện ông trở thành người kế vị. Tháng Tư, 2019, cố hòa thượng mời Thượng Tọa Thích Phước Hậu quay trở lại để kế vị ông, sau khi biết mình bị bệnh ung thư.
Những bài liên quan về chùa Bảo Quang
Đơn kiện cũng cho biết, khi hòa thượng viên tịch, ông Tony Bùi và ông Phil Bùi quản lý mọi việc ở chùa.
Hòa Thượng Thích Quảng Thanh có một tài khoản ngân hàng của chùa.
Sau đó, ông Tony và Phil tiếp tục giúp Thượng Tọa Thích Phước Hậu quản lý chùa, bao gồm cả việc trả hóa đơn điện nước cũng như các chi phí khác, vẫn theo đơn kiện.
Đơn kiện cũng cho rằng “sau khi Hòa Thượng Quảng Thanh viên tịch, ông Lộc Bạch và cô Christie Bạch đã cố gắng khẳng định quyền kiểm soát ngôi chùa. Họ cho rằng họ là thành viên duy nhất của HĐQT và cũng khẳng định điều lệ của chùa chưa hề tồn tại. Họ đã nộp đơn sửa đổi các văn bản và tuyên bố họ là chủ tịch và thủ quỹ của HĐQT.”
Đơn kiện cũng nhắc đến việc ông Lộc chuyển địa chỉ tài khoản ngân hàng chùa Bảo Quang ở ngân hàng East West Bank về nhà riêng của ông ở Lake Forest. Kể từ đó, không có khoản tiền nào từ tài khoản này dùng cho chùa, không trả tiền điện nước, cũng như không hỗ trợ chi phí nuôi dưỡng Thượng Tọa Thích Phước Hậu.
Đơn kiện cũng cho biết trong quá trình tìm hiểu, nguyên đơn khám phá ra rằng năm 2012 có một số ngân phiếu được trả cho Lộc Hoàng Bạch và Christie Hoàng Bạch hoặc người thân của họ. Theo đó, có hai tấm ngân phiếu trả cho ông Lộc Hoàng Bạch số tiền $8,000 và $7,000. Hai tấm ngân phiếu khác trả cho ông Mai Đại, chồng cô Christie, mỗi ngân phiếu là $25,000.
Cũng trong đơn kiện này, nguyên đơn cho hay vào ngày 10 Tháng Mười Hai, 2019, một luật sư tên Adina Stern gửi thư báo trục xuất ông Hào Nguyễn (tức Thượng Tọa Thích Tuệ Đạt), phụ tá của Thượng Tọa Thích Phước Hậu, ra khỏi chùa trong vòng 60 ngày. Đến ngày 3 Tháng Giêng, 2020, ông Stern lại gửi giấy báo trục xuất Thượng Tọa Thích Phước Hậu ra khỏi chùa trong vòng 30 ngày.
Theo đơn kiện này, ông Tony và ông Phil yêu cầu tòa ra lệnh tổ chức một cuộc bầu cử hội đồng quản trị cho chùa. Bên nguyên đơn cũng mong muốn có một quyết định mang tính pháp lý về quyền hạn của các bên, tước bỏ quyền hạn của bị đơn để tránh các tổn thất mà họ có thể gây ra cho bên nguyên đơn, đồng thời bên nguyên đơn không có quyền trục xuất Thượng Tọa Thích Phước Hậu.
Các bên nói gì về vụ kiện này?
Trả lời phỏng vấn của báo Người Việt liên quan đến vụ kiện này, ông Luyến Phạm, đại diện HĐQT chùa Bảo Quang, cho rằng, “Luật sư đang xem xét hồ sơ kiện nên chưa thể lên tiếng.”
Tuy nhiên, ông Luyến cũng cho biết lý do phía HĐQT nhờ luật sư tống đạt lệnh trục xuất Thượng Tọa Thích Phước Hậu ra khỏi chùa trong vòng 30 ngày là vì “phía HĐQT không nắm được tình trạng di trú của vị sư trụ trì, đồng thời vị sư không hợp tác với HĐQT trong việc điều hành, bảo quản tài sản chùa.”
Về phía nguyên đơn, ông Tony từ chối trả lời các câu hỏi của nhật báo Người Việt.
Trước đó, phóng viên Đằng-Giao của nhật báo Người Việt cũng đến chùa Bảo Quang gặp trực tiếp Thượng Tọa Thích Phước Hậu để được nghe ông lên tiếng về những gì có liên quan đến cá nhân ông cũng như những điều ông nói trên YouTube.
Tuy nhiên, thượng tọa chỉ nói, “Tôi không có gì để nói về những điều người ta bịa đặt, vu khống cho tôi. Bị hàm oan mà bào chữa là hèn nhát.”
Ông tiếp: “Phật Giáo là đạo về luật nhân quả. Có thể kiếp trước tôi phạm tội vu oan giá họa cho người khác nên kiếp này tôi phải nhận nghiệp báo.”
Ông nhấn mạnh: “Luật nhân quả công minh lắm, một người không thể bị hàm oan lâu đâu. Nếu mình vô tội thì sớm muộn gì mọi người sẽ thấy điều đó.”
Chỉ tay về phía chính điện chùa Bảo Quang, ông nói: “Chú tôi (cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh) là người tự tay xây dựng ngôi chùa này mà họ còn dám nói là có hai vợ, hai con thì tôi có nhằm nhò gì.”
Ông nói thêm: “Cuộc đời là một sự thử thách. Đây là sự thử thách mà tôi phải tự mình vượt qua. Nếu tâm mình trong sáng thì mọi việc sẽ tự nó qua hết. Tôi tin rằng một ngày gần đây mọi việc sẽ được làm sáng tỏ.”
Hiện tại, tòa chưa ấn định ngày xử vụ kiện này. (Ngọc Lan)
No comments:
Post a Comment