Thursday, December 5, 2019

Luật Sư Trương Phú Hòa: HĐQT chùa Bảo Quang vi phạm ‘By Law’ nhưng vẫn hợp pháp Ngọc Lan/Người Việt

Luật Sư Trương Phú Hòa: HĐQT chùa Bảo Quang vi phạm khế ước “By Law’ nhưng vẫn hợp pháp. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Những “xung đột” xảy ra tại chùa Bảo Quang giữa những người đang giữ vai trò điều hành trong Hội Đồng Quản Trị (HĐQT – Board of Directors) và tân trụ trì cùng một nhóm Phật tử kể từ Tháng Chín, 2019 đến nay vẫn còn đang tiếp diễn, thậm chí có chiều hướng gia tăng theo những gì được công bố trên một số báo đài.
Nhân sự kiện này, nhật báo Người Việt đã mời Luật Sư Trương Phú Hòa hiện có văn phòng tại thành phố Fountain Valley, miền Nam California, là người đã hành nghề luật từ năm 1991, chuyên về luật thương mại, trả lời một số câu hỏi liên quan đến các vấn đề của chùa Bảo Quang.
Trong đó, Luật Sư Hòa có nói, “Hiện tại những người trong HĐQT không phải là bất hợp pháp ‘illegal’ mà chỉ là quá hạn bầu bán.”
Ông cũng cho rằng, “Khi một vị trụ trì mất đi mà nói ‘tôi để cái này lại cho người này, cho người kia’ là vị đó đã vi phạm Điều Lệ, tức ‘By Law,’ vì luật của tiểu bang không cho tẩu tán hay phân chia tài sản của ‘non-profit organizations.'”
Chùa Bảo Quang, một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Quận Cam nói chung và Little Saigon nói riêng, do cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh sáng lập vào năm 1990 theo quy chế “non-profit corporation” (công hội bất vụ lợi).
Trước khi cố hòa thượng viên tịch, chùa Bảo Quang, tên gọi đầy đủ là Vietnamese-American Center For Buddhism and Charitable Services – Bao Quang, có một ban điều hành, cũng là HĐQT, với ba thành viên, trong đó Hòa Thượng Thích Quảng Thanh vừa là trụ trì vừa là chủ tịch, ông Lộc Hoàng Bạch là thư ký và bà Christie Hoàng Bạch là thủ quỹ.
Mặt tiền chùa Bảo Quang trên đường Newhope, thành phố San
ta Ana, California. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Trong những ngày cuối đời, ngay trên giường bệnh, người sáng lập chùa Bảo Quang đã “di ngôn” lại rằng cháu ông, Thượng Tọa Thích Phước Hậu (tức Ðại Ðức Thích Nguyên Thông) từ Việt Nam sang Mỹ theo visa du lịch vào Tháng Năm, 2019, sẽ làm trụ trì, ông Lộc Bạch và bà Christie Bạch sẽ tiếp tục ở trong HĐQT.
Tuy nhiên, sau lễ cúng 100 ngày mất của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh vào Tháng Chín, 2019, sự mâu thuẫn giữa vị tân trụ trì và HĐQT bùng phát liên quan đến việc “ai có quyền đối với các quyết định của ngôi chùa,” đặc biệt là nổi lên dư luận “các thành viên HĐQT muốn cướp chùa,” kéo theo phản ứng của nhiều Phật tử đứng về cả hai phía.
Đỉnh điểm là vào ngày Thứ Ba, 26 Tháng Mười Một, ông Lộc Bạch, chủ tịch HĐQT, đến chùa với mục đích kiểm tra tài sản theo thông báo đã được đưa ra trước đó 5 ngày. Tuy nhiên, tân trụ trì đã không có mặt để mở cửa những nơi cần thiết, đồng thời một số Phật tử đã lên tiếng chống đối, cũng như hô to những câu “Đả đảo cướp chùa.” (Xem thêm ở đây)
Mời quý vị theo dõi nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên Người Việt và Luật Sư Trương Phú Hòa
***
Người Việt: Kính thưa luật sư, liên quan đến những vấn đề đang diễn ra tại chùa Bảo Quang ở Santa Ana thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả, xin luật sư giải thích thêm về ý nghĩa của một tổ chức hoạt động theo quy chế bất vụ lợi, cụ thể ở đây là chùa Bảo Quang, là như thế nào?
Luật Sư Trương Phú Hòa: Tiểu bang California có nguyên bộ luật nói về cách thức hoạt động của các công ty trong tiểu bang. Bộ luật đó chia ra làm 2 loại công ty. Một loại là công ty “for profit organizations,” tức là công ty hoạt động để sinh lợi tức cho các người chủ trương. Một loại là “non-profit organizations,” tức là công ty hoạt động không để kiếm lợi. Luật chi phối cho hai loại công ty này hoàn toàn khác nhau.
Công ty “for profit organizations” có mục đích lợi nhuận, có chủ nhân rõ ràng, có thể là cá nhân, hoặc một công ty khác, có thể là chủ nhân của công ty xin phép tiểu bang được thành lập.
Trong khi đó, công ty “non-profit organizations” thì hoàn toàn khác những công ty thương mại. Với những công ty này, chính phủ cho phép hoạt động là để khuếch trương các hoạt động vô vụ lợi, những người được hưởng lợi là dân chúng tiểu bang. Thành ra  tiểu bang California có những quy luật đặc biệt đòi hỏi những công ty “non-profit organizations hay corporations” phải thi hành đúng.
Để một công ty được hoạt động trong tiểu bang California thì khởi đầu họ phải xin một giấy phép hoạt động, giấy phép đó được gọi là “articles of incorporation.”
Giấy phép hoạt động “articles of incorporation” của 
chùa Bảo Quang do tiểu bang California cấp Tháng Ba, 
1990. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Với chùa Bảo Quang, thì giấy phép này được nộp và được cho phép hoạt động từ Tháng Ba, 1990. Trong giấy phép này, ở điều khoản số II có nói rõ ràng là “để phát huy tín ngưỡng Phật Giáo.”
Riêng điều khoản thứ IV của giấy phép có nói rõ là công hội “non profit corporation” này cũng xin được miễn thuế với IRS tức Sở Quan Thuế Liên Bang, theo điều khoản 501©(3).
Xin quý vị hiểu rõ là giấy cho phép hoạt động “articles of incorporation” chỉ có hiệu lực giữa công hội này với người xin giấy phép, không dính dáng đến vấn đề thuế. Cho nên một công ty hay một nhóm người hoạt động dưới hình thức” non-profit organization” không có nghĩa là không phải đóng thuế.
Nếu họ muốn không phải đóng thuế thì họ phải xin giấy phép của sở thuế liên bang. Theo điều khoản của sở thuế, các tổ chức “non-profit organizations” hay nhóm người hoạt động dưới hình thức vô vụ lợi mà có lợi tức trên $25,000/năm thì phải nộp một mẫu đơn 990 cho sở thuế biết tình hình tài chánh của công ty. Đó là điều bắt buộc phải làm.
Người Việt:Thưa luật sư, với một cơ sở “non-profit corporation” như chùa Bảo Quang thì quyền sở hữu tài sản thuộc về ai?
Luật Sư Trương Phú Hòa: “Non-profit organization hay corporation” là để phát huy những quyền lợi cho công chúng. Thế nên khi một người đã đăng ký xin giấy phép dưới hình thức vô vụ lợi “non-profit organization” thì không ai là chủ của tài sản đó, tài sản đó là của công chúng, đặt dưới sự kiểm tra của tiểu bang. Khi một công ty hay một nhóm người đăng ký hoạt động dưới hình thức vô vụ lợi mà không tiếp tục hoạt động dưới giấy phép của tiểu bang nữa thì những tài sản đó phải được tiểu bang theo luật lệ đem trao cho những công ty vô vụ lợi khác chứ không được cho cá nhân hay một người riêng biệt nào.
Giấy xác nhận chủ quyền (Corporation Grant Deed) của chùa Bảo Quang là “Vietnamese-American Center for Buddhism and Charitable Services – Bao Quang.” (Hình: Luyến Phạm cung cấp)
Người Việt: Như vậy, với một công ty hoạt động bất vụ lợi thì những người điều hành, những thành viên HĐQT có quyền mang tài sản đó đi cho hay đi bán để họ được hưởng lợi hay không?
Luật Sư Trương Phú Hòa: Khi nhận trách nhiệm điều hành công ty vô vụ lợi thì thành viên HĐQT phải giữ uy tín là bảo tồn tài sản của công ty vô vụ lợi này cho quần chúng chứ không được cho riêng một cá nhân hay một nhóm người nào có liên đới quyền lợi.
Như với chùa Bảo Quang, giấy phép mà tiểu bang cấp cho hoạt động là để phát huy tinh thần Phật Giáo thì tất cả những gì họ nhận vào như tiền, tài sản hay bất cứ thứ gì cũng đều nhằm mục đích phát huy tôn giáo, không được sử dụng cho mục đích cá nhân hay riêng tư nào hết.
Người Việt: Như vậy, với một ngôi chùa hoạt động theo quy chế bất vụ lợi, mà vị trụ trì khi mất đi lại di ngôn lại cho một người nào đó quyền được trụ trì ngôi chùa, thì điều đó có được xem là hợp pháp không?
Luật Sư Trương Phú Hòa: Trụ trì không có quyền để lại di chúc (will), vì đó là quyền cá nhân của một người để phân chia tài sản. Hơn nữa, tài sản của một tổ chức bất vụ lợi không thuộc về bất cứ một cá nhân hay công ty nào khác, mà nó thuộc về quần chúng và tiểu bang dùng để phát huy tinh thần của “article of incorporation.”
Thế nên khi một vị trụ trì mất đi mà nói ‘tôi để cái này lại cho người này, cho người kia’ là vị đó đã vi phạm Điều Lệ, tức “By Law,” vì luật của tiểu bang không cho tẩu tán hay phân chia tài sản của “non-profit organizations.” Nếu vị trụ trì có tài sản riêng thì ông ấy có quyền chia riêng theo di chúc, nhưng chùa thuộc về tổ chức bất vụ lợi thì không có quyền đụng đến vì đó là tài sản của quần chúng.
Người Việt: Xin luật sư giải thích “By Law” có ý nghĩa như thế nào đối với một công ty, cụ thể ở đây là một ngôi chùa?
Luật Sư Trương Phú Hòa: “By Law” (Điều Lệ), giống như một khế ước mà những người thành lập công ty xem như quy luật của công ty. “By law” đó cũng như một hình thức mình hứa với tiểu bang khi mình được giấy phép hoạt động thì mình sẽ thi hành đúng luật pháp đòi hỏi, để tiểu bang duy trì giấy phép hoạt động “non-profit corporation” cho công ty.
“By Law” của chùa Bảo Quang. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Nếu không thi hành đúng “By Law” thì tiểu bang có quyền rút giấy phép không cho hoạt động.
Tôi xin nói rõ hơn là “By Law” của một công ty bất vụ lợi khác với “By Law” của một công ty hoạt động vì lợi tức.
Những người nhận trách nhiệm thi hành “By law” của công ty bất vụ lợi phải có nhiệm vụ và trách nhiệm bảo tồn tài sản và những gì trực thuộc công ty đó. Nếu giờ đây họ phung phí, mang tài sản cho cá nhân hay làm không đúng theo quy định là phát huy tinh thần của “article of incorporation” thì đó là vi phạm nặng nề trách nhiệm đối với tiểu bang, kể cả đối với quần chúng mà họ đã được giao.
Một số Phật tử (trái) ngăn không cho ông Lộc Bạch (phải), chủ tịch 
HĐQT chùa Bảo Quang kiểm tra tài sàn của chùa. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Người Việt: Xin luật sư cho biết khi HĐQT của một tổ chức bất vụ lợi bị các thành viên phản đối hay tranh chấp thì biện pháp giải quyết là như thế nào?
Luật Sư Trương Phú Hòa: Board of Directors, tức HĐQT, được thành lập là do sự bầu bán của quần chúng, vì đây là công ty của quần chúng. Cho nên nếu HĐQT không thi hành đúng luật của tiểu bang về bầu bán thì HĐQT đó cũng đã gián tiếp vi phạm luật.
HĐQT là người nắm quyền trong công ty vô vụ lợi mà làm những điều sai thì quần chúng có quyền đòi hỏi bầu bán lại, vì quần chúng là chủ nhân của tổ chức bất vụ lợi này.
Người Việt: Như vậy, những người trong HĐQT của chùa Bảo Quang mà không qua bầu bán, thì họ có quyền hạn tiếp tục đối với vai trò quản trị ngôi chùa đó không?
Luật Sư Trương Phú Hòa: Hiện tại những người trong HĐQT không phải là bất hợp pháp “illegal” mà chỉ là quá hạn bầu bán. Bởi vì theo “By Law,” khế ước của chùa, thì mỗi hai năm họ phải tổ chức bầu lại, nhưng những người này không tổ chức bầu thành ra họ chỉ vi phạm nội quy, chứ không có nghĩa là họ là “illegal” trái luật.
Người Việt: Như vậy ai sẽ là người đứng ra tổ chức bầu lại HĐQT mới?
Luật Sư Trương Phú Hòa: HĐQT hiện tại phải là người đứng ra tổ chức việc bầu bán lại. Họ phải làm theo đúng những gì “By Law” nêu ra. Không thể nào có chuyện một nhóm người tự động đứng ra bầu bán một ban điều hành mới rồi gửi danh sách lên cho tiểu bang, điều đó là không hợp pháp.
Xin nhắc lại là HĐQT hiệu hữu mặc dù không làm theo đúng nội quy “By Law” nhưng họ vẫn là người có quyền hành, và quyền hành của họ là phải thi hành đúng nội quy. Việc tổ chức bầu lại HĐQT theo khế ước “By Law” là để làm giảm trách nhiệm của họ chứ không là họ lại tiếp tục vi phạm nội quy nữa.
Người Việt: Thưa luật sư, liên quan đến việc HĐQT của chùa Bảo Quang muốn kiểm tra tài sản của chùa nhưng vị trụ trì không hợp tác, không mở cửa, thì sự việc này đúng sai như thế nào?
Luật Sư Trương Phú Hòa: Trước tiên HĐQT phải làm đúng thủ tục tức là ra thông báo cho tất cả mọi người biết lý do vì sao họ muốn kiểm tra, ví dụ như vì thấy có dấu hiệu mất mát, phải có ngày giờ, có thời gian tính… chứ không phải tự dưng muốn kiểm tra là kiểm tra.
Về phần vị trụ trì không đồng ý mở cửa để cho HĐQT kiểm tra tài sản là người trụ trì sai. Trụ trì không có quyền cấm HĐQT làm chuyện đó, vì HĐQT có quyền cao hơn ông trụ trì. Về mặt pháp lý giấy tờ, HĐQT vẫn là người chịu trách nhiệm về việc bảo quản tài sản của ngôi chùa.
Người Việt: Cám ơn luật sư đã dành cho Người Việt cuộc phỏng vấn này.
Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com

No comments:

Post a Comment