Friday, November 8, 2019
Xác nào là em tôi ? - Trung Nguyễn
28-10-2019
Cả nước đang xôn xao về vụ 39 người chết trong xe container trên đường nhập cư lậu vào nước Anh. Cảnh sát Anh đang điều tra nhưng có lẽ xác suất rất cao là phần lớn, hoặc tất cả, những người chết đều là người Việt Nam.
Robinson ra tòa với 39 cáo buộc ngộ sát, âm mưu tham gia buôn người, hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp và rửa tiền. Đây là tài xế điều khiển xe container chở 39 nạn nhân rời cảng Purfleet rạng sáng 23/10. Sau khi điều khiển xe đỗ tại khu công nghiệp Waterglade khoảng 40 phút sau đó, Robinson mở thùng container và phát hiện các thi thể nên thông báo cho nhà chức trách.
Sau khi bắt và thẩm vấn Robinson, cảnh sát Anh đã bắt thêm ba nghi phạm khác liên quan đến cái chết của 39 người vào ngày 25/10. Cả ba nghi phạm này đều nộp tiền bảo lãnh để được tại ngoại.
Mo Robinson, tài xế xe container chở 39 thi thể. Ảnh: Facebook/ Mo Robinson.
Họ đang trên đường đến một xứ sở mà công dân ở đó có thể thực hiện những quyền con người căn bản đã được nêu ra trong Tuyên ngôn độc lập Mỹ và được ông Hồ Chí Minh nhắc lại trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. Đó là các quyền “sống”, quyền “tự do”, và quyền “mưu cầu hạnh phúc”.
Người dân nước Anh đã thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số trên chuyến container định mệnh ấy. Tôi cũng đọc được rất nhiều lời tiếc thương và cầu nguyện cho các nạn nhân trên mạng xã hội Facebook. Hiện tại chúng ta còn phải đợi cảnh sát Anh đưa ra kết luận điều tra cuối cùng nhưng việc các gia đình Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Tĩnh, có con em đang tìm cách nhập cư lậu vào Anh nhưng mất liên lạc với gia đình là có thật. Tính đến chiều chủ nhật 27/10/2019, đã có 24 gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh báo cáo người thân mất tích ở châu Âu với nhà cầm quyền.
Báo VnExpress cho biết trung bình mỗi gia đình phải bỏ ra gần một tỷ đồng để có thể nhập cư lậu vào nước Anh. Cái giá bằng tiền rất lớn và có nguy cơ mất trắng nếu bị bắt, thậm chí mất cả mạng sống, nhưng nhiều gia đình vẫn quyết định mạo hiểm ra đi.. Tất nhiên là họ phải cầm cố sổ đỏ để có thể vay được tiền với hi vọng con cái đi làm ở châu Âu sẽ gửi tiền về trả được nợ và thoát nghèo.
Hậu quả của việc chọn Formosa
Tôi có một số bạn ở Nghệ An, Hà Tĩnh phải đi xuất khẩu lao động ở nhiều nước. Các bạn ấy tâm sự với tôi là, kể từ sau thảm họa Formosa, kinh tế Hà Tĩnh, Nghệ An đi xuống nghiêm trọng và các bạn ấy không còn cách nào khác phải rời quê đi kiếm việc làm ở nơi khác. Một số chọn vào Sài Gòn, một số chọn sang Lào, Campuchia, Nga và một số tìm cách đi được những nước phát triển hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc và tất nhiên có châu Âu, trong đó có nước Anh.
Ở đây, chúng ta thấy chính sách chạy theo tăng trưởng GDP bằng mọi giá, bất chấp ô nhiễm môi trường của đảng cộng sản Việt Nam đã khiến kinh tế có vẻ tăng trưởng nhưng thật ra thiệt hại kinh tế – xã hội lớn hơn rất nhiều. Cái lợi về kinh tế nếu có thì chỉ rơi vào tay thiểu số các tập đoàn tư bản nước ngoài và các quan chức tất nhiên cũng được hưởng lợi từ việc báo cáo tăng trưởng GDP của tỉnh nhà, chưa kể những khoản hối lộ, lại quả.
Ông Chu Xuân Phàm, đại diện Formosa, đã từng xấc xược tuyên bố: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được”. Tức là bản thân Formosa và nhà cầm quyền Việt Nam khi quyết định xây nhà máy ở Hà Tĩnh đã biết rõ hậu quả tai hại mà nó sẽ gây ra cho người dân Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh thành khác gần Hà Tĩnh nói chung.
Hậu quả của việc nhà cầm quyền chọn Formosa thay vì tôm, cá, môi trường là cái chết của những người Hà Tĩnh, Nghệ An,… trên những chuyến đi đầy mạo hiểm ra nước ngoài. Mạng dân Việt rẻ hơn ngoại tệ và những con số tăng trưởng GDP.
“Địa ngục” trước cổng “thiên đường”
Những người bạn Hà Tĩnh, Nghệ An của tôi cũng kể cho tôi nghe về những chuyến nhập cư lậu kinh hoàng được những người thoát chết kể lại.
Đầu tiên, từ Việt Nam, họ sẽ bay đến Nga. Từ đó họ đi đường rừng qua Ba Lan. Sau đó họ đi xe container tới Paris, có những lúc họ phải đi bộ vượt rừng trên đoạn đường này. Đến Paris, họ sẽ được đi theo hai hạng: hạng VIP mắc tiền và hạng thường rẻ tiền hơn. Ai đi hạng VIP sẽ được ngồi ghế trước gần tài, còn ai đi hạng thường sẽ phải ở trong thùng container. Đến bến bãi ở Anh thì họ sẽ chia nhau ra trốn đi.
Nhiều người Việt Nam do không chịu nổi mùa đông khắc nghiệt ở Nga, Ba Lan, có lúc lạnh đến âm 50 độ C, nên đã bỏ mạng trên đường rừng. Đi vào mùa đông thì ít có nguy cơ gặp lính tuần tra hơn. Nếu như lính biên phòng Nga tuần tra những con đường mòn đó thì chắc chắn sẽ thấy xác người Việt Nam, có lẽ vẫn còn tươi vì nhiệt độ quá lạnh.
Hầu như chuyến vượt biên nào cũng có người chết nhưng không ai biết. Tuy nhiên lần này con số người chết quá lớn nên mới gây chấn động cả thế giới. Người Việt Nam vẫn ngã xuống trên con đường đi tìm nơi có quyền “sống”, quyền “tự do”, và quyền “mưu cầu hạnh phúc”.
Tôi viết câu chuyện này ra để mong rằng bất kỳ ai muốn nhập cư lậu vào các nước châu Âu phải suy nghĩ thật kỹ về cái giá phải trả.
Trung Nguyễn
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment