(Xem kỳ 1 ở đây)
Có hai nguồn tin tức đối chọi nhau; thứ nhất là “có một gia đình muốn ‘cướp’ chùa Bảo Quang,” và thứ hai, “chùa Bảo Quang có thể đang bị bàn tay của kẻ xấu từ trong nước thao túng, muốn cướp quyền lực.”
Những ai quan tâm đến ngôi chùa được xem như Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo này đều biết sau khi viện chủ chùa Bảo Quang viên tịch vào ngày 9 Tháng Sáu, 2019, Thượng Tọa Thích Phước Hậu, theo di ngôn của cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, được đưa lên làm trụ trì. Và mọi chuyện “lùm xùm” quanh ngôi chùa này cũng bắt đầu từ đó.
Thượng Tọa Thích Phước Hậu là ai?
Chùa Bảo Quang, với tên gọi đầy đủ là Vietnamese-American Center for Buddhism and Charitable Services – Bao Quang, do cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh sáng lập, từ Tháng Ba, 1990, đã được tiểu bang California chứng thực là một công hội tôn giáo và từ thiện bất vụ lợi (A Non-Profit Religious and Charitable Corporation).
Nói một cách đơn giản, chùa Bảo Quang không thuộc sở hữu của bất kỳ một cá nhân nào.
Chiều Thứ Hai, 18 Tháng Mười Một, phóng viên Người Việt đến chùa Bảo Quang để tìm gặp Thượng Tọa Thích Phước Hậu, là cháu của cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, hiện đang giữ vai trò trụ trì chùa, với mục đích tìm hiểu thêm những vấn đề đang được bàn cãi trong dư luận liên quan đến ngôi chùa này.
Tuy nhiên, Thượng Tọa Thích Phước Hậu từ chối trả lời phỏng vấn của phóng viên, với lý do, “Giáo Hội không cho phép tôi nói gì hết.”
“Mà cũng đâu có chuyện gì, chỉ là hiểu lầm giữa nhà chùa và nhà bếp thôi. Mà chuyện hiểu lầm thì ở đâu cũng có thể xảy ra. Nhưng từ từ sẽ sáng tỏ thôi,” vị trụ trì hiện tại của chùa nói thêm.
Cuộc nói chuyện giữa phóng viên báo Người Việt với vị trụ trì chùa Bảo Quang chỉ dừng lại ở chỗ này. Đồng thời, Thượng Tọa Thích Phước Hậu cũng đề nghị nếu muốn tìm hiểu về chùa Bảo Quang có thể đến gặp Hòa Thượng Thích Chơn Thành.
Hòa Thượng Thích Chơn Thành là trụ trì chùa Liên Hoa thuộc thành phố Garden Grove, là chủ tịch Hội Đồng Lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới (GHPGVNTTG). Trước khi mất, Hòa Thượng Thích Quảng Thanh là chủ tịch Hội Đồng Điều Hành của giáo hội này.
Tại chùa Liên Hoa, cũng trong buổi chiều cùng ngày, Hòa Thượng Thích Chơn Thành cho biết, “Thượng Tọa Thích Phước Hậu là cháu kêu Hòa Thượng Thích Quảng Thanh bằng chú” và đưa cho phóng viên Người Việt xem “Biên bản phiên họp bất thường ngày 18 Tháng Sáu tại chùa Liên Hoa” để “bàn luận về sự truyền thừa Phật sự của chùa Bảo Quang trực thuộc GHPGVNTTG.”
Theo biên bản này thì các chư tôn đức tham dự đã “hoan hỉ nhất trí” tấn phong Thượng Tọa Thích Nguyên Thông, tự Thích Phước Hậu (thế danh Dương Cao Cường) chức vụ trụ trì theo đúng “Lời Di Chúc” mà cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh (thế danh là Dương Thanh Tùng),vẫn lặp đi lặp lại gần một tháng trước khi qua đời để “tiếp tục sứ mạng của tôi còn đang dang dở.”
Sau buổi họp đó, Giáo Chỉ bổ nhiệm Thượng Tọa Thích Phước Hậu chức vụ trụ trì chùa Bảo Quang do Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Phó Thượng Thủ, chủ tịch Hội Đồng Lãnh Đạo GHPGVNTTG ký cũng được ban hành.
Trong khi đó, theo lời bà Hoàng Thị Thương, người có nhiều ơn nghĩa với cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh từ hơn 20 năm trước, cũng là người phụ trách nhà bếp của chùa Bảo Quang, thì “Đầu năm 2019, thầy Quảng Thanh bắt đầu đổ bệnh. Đến Tháng Tư, 2019, thầy làm thư mời cháu thầy chính là Thượng Tọa Thích Phước Hậu ở Việt Nam sang dự lễ Phật Đản theo diện du lịch.”
Trong thư mời mà Hòa Thượng Thích Chơn Thành cung cấp cho phóng viên Người Việt có nội dung Hòa Thượng Thích Quảng Thanh “mời Đại Đức Thích Nguyên Thông, thế danh Dương Cao Cường, địa chỉ là chùa Phổ Hiền, thôn Thanh Lương, xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, sang dự Đại Lễ Phật Đản PL.2563 tại Chùa Bảo Quang vào ngày 19 Tháng Năm, 2019.”
“Khi cháu thầy sang đây rồi, thì cũng là lúc bệnh thầy nặng hơn, nên thầy mới có ý định bảo lãnh cho cháu thầy ở lại Mỹ luôn để làm trụ trì. Chính vì vậy, thầy yêu cầu con rể tôi, là chồng của Christie (Trâm) mang hồ sơ của thầy Phước Hậu đến nhờ Luật Sư Di Trú Darren Nguyễn Ngọc Chương làm giúp,” bà Thương kể.
Bà nói, “Thầy Phước Hậu sang Mỹ là ngày 5 Tháng Năm, 2019, mà ngày 9 Tháng Sáu thì thầy Quảng Thanh mất. Đến ngày 26 Tháng Sáu, con rể tôi mới đến gặp luật sư di trú để nộp hồ sơ của thầy Phước Hậu. Khi đó, luật sư di trú cho biết hồ sơ này mà nộp để xin ở lại Mỹ thì rất khó vì một số lý do.”
Vào năm 2013, Hòa Thượng Thích Quảng Thanh từng bảo lãnh thầy Phước Hậu sang Mỹ định cư. “Nhưng chỉ mới ở 1, 2 tháng thôi thì xảy ra xích mích nên thầy Phước Hậu quay trở về Việt Nam,” bà Thương kể. “Thầy Quảng Thanh khi đó đã có làm giấy tờ gửi lên Sở Di Trú xin rút đơn bảo lãnh đối với thầy Thích Phước Hậu.”
Liên quan đến vấn đề này, bà Thương cung cấp cho Người Việt hai chứng từ.
Một là giấy Hòa Thượng Thích Quảng Thanh gửi Sở Di Trú đề nghị rút lại đơn bảo lãnh đối với Thượng Tọa Thích Phước Hậu vào Tháng Bảy, 2013.
Thứ hai là thư của Sở Di Trú gửi ra ngày 19 Tháng Chín, 2013, báo cho biết “đơn bảo lãnh I-129 cho Cường Cao Dương (tức Thích Phước Hậu) đến Mỹ theo diện Lao Động Không Định Cư (Nonimmifgrant Worker) đã được Sở Di Trú chấp thuận vào ngày 11 Tháng Ba, 2013. Tuy nhiên, đơn này đã bị hủy bỏ theo yêu cầu của người bảo lãnh.”
Ngoài lý do trên, thì theo bà Thương, luật sư di trú cũng yêu cầu Thượng Tọa Thích Phước Hậu “nếu là trụ trì của một ngôi chùa tại Việt Nam có đến 2,000 đệ tử như thầy nói thì phải bổ túc hình ảnh và giấy chứng nhận là trụ trì của chính quyền sở tại.”
Tuy nhiên, thầy Phước Hậu không có giấy chứng nhận trụ trì, vì “luật ở Việt Nam là làm trụ trì 10 năm thì mới được cấp giấy phép trụ trì, còn chùa thầy mới lập năm 2013, nên không có giấy chứng nhận, thầy Phước Hậu giải thích như vậy.”
Chính vì lý do không có đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu, nên luật sư di trú đề nghị chuyển qua xin “work permit” (giấy cho phép làm việc tại Mỹ) cho nhanh hơn. “Nếu đồng ý thì luật sư sẽ mở hồ sơ,” bà Thương nói.
“Nghe vậy, thầy Phước Hậu đề nghị đưa lại hồ sơ để thầy nhờ người khác làm, và đi nói với mọi người rằng con tôi trì hoãn không làm hồ sơ để thầy ở lại,” bà Thương than phiền.
Bà nói thêm, “Hiện tại đến giờ thì chúng tôi không biết ai làm hồ sơ bảo lãnh cho thầy Phước Hậu và tình trạng di trú của thầy như thế nào. Chỉ biết đến ngày 5 Tháng Mười Một là hết hạn visa du lịch 6 tháng của thầy Phước Hậu.”
Những vấn đề liên quan đến tài chánh của chùa Bảo Quang
Theo lời bà Thương, trong suốt 23 năm đi chùa Bảo Quang, bà chỉ đứng dưới bếp nấu ăn và tự xoay sở vấn đề tiền nong, cộng với sự cúng dường của Phật tử “chứ chưa bao giờ tôi đi chợ mà lấy tiền của chùa Bảo Quang, dù thầy Quảng Thanh cũng có hỏi. Lúc nào tôi cũng nói ‘thầy cứ để dành tiền xây chùa, bếp núc con lo được.’ Điều này có nhiều người biết.”
Bà Thương cho biết, “Khi thầy Quảng Thanh mất, thầy để lại $227,000 tiền mặt. Thầy nói với Lộc, con tôi, lấy $200,000 đưa cho thầy Phước Hậu, thầy Phước Hậu sẽ gửi về Việt Nam $100,000, còn $100,000 thầy Phước Hậu sẽ lo vấn đề bỏ bao thư cúng dường chư tăng. Còn lại $27,000 tôi giữ để lo đám cho thầy Quảng Thanh. Dĩ nhiên trong đó có nhiều khoản như hoa và 10 chiếc xe Limousine trong đám tang là gia đình tôi cúng thầy.”
Anh Lộc Hoàng Bạch, con trai bà Thương, cũng là thư ký HĐQT chùa Bảo Quang, đưa giấy cho biết đã giao số tiền $200,000 cho thầy Phước Hậu làm 2 lần, lần đầu $60,000 vào ngày 14 Tháng Sáu, lần thứ hai $140,000 vào ngày 24 Tháng Sáu, có chữ ký của thầy Phước Hậu xác nhận.
Anh Lộc cũng cho biết, “Thầy Quảng Thanh có tiền bảo hiểm nhân thọ là $250,000, người đứng tên thừa hưởng là tôi. Nếu tôi yêu cầu hãng bảo hiểm ký check gửi về cho tôi là họ sẽ ký. Nhưng tôi yêu cầu họ để nguyên đó chờ Board of Directors mới làm việc. Ngoài ra, tài khoản ngân hàng của chùa Bảo Quang cũng hiện đang có khoảng $108,000, và tôi cũng có quyền rút số tiền đó ra, nhưng tôi cũng yêu cầu ngân hàng khóa tài khoản đó lại, chờ HĐQT mới quyết định. Chúng tôi không có ý định chiếm dụng thứ gì của chùa hết. Ngay cả tiền điện nước của chùa Bảo Quang sau khi thầy Quảng Thanh mất, tôi cũng tự trả bằng tiền riêng cho đến Tháng Chín.”
“Từ ngày thầy Quảng Thanh vô nhà thương, giao chìa khóa cho thầy Phước Hậu thì tiền người ta đi đám và tiền trong thùng Phước Sương là do thầy Phước Hậu quản lý. Trước đây là thầy Thích Quảng Thanh giữ những tiền đó, gia đình tôi không dính dáng đến, giờ đến thầy Phước Hậu cũng như vậy,” bà Thương nói thêm.
Theo lời bà Thương, “Lễ cúng 49 ngày của thầy Quảng Thanh gia đình tôi cũng lo hết, thầy Hậu chỉ lo chuyện tiền bỏ bao thư cho tăng ni. Đến cúng 100 ngày, thì tiền hoa gia đình tôi cũng cúng, vì ai cũng biết thầy Quảng Thanh rất thích hoa.”
Tuy nhiên, cũng trong ngày cúng 100 ngày mất Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, một đoạn băng ghi âm do Phật tử chùa Bảo Quang thu lại lời của một người đàn ông, được cho là Thượng Tọa Thích Phước Hậu, nói với một số người, trong đó có người được gọi là “thầy,” có nội dung như sau:
“Tôi bất mãn lắm. Tôi nói thật với chú, chùa này ai cũng biết, khi thầy Quảng Thanh ở trong bệnh viện nói tôi được thừa kế, thầy công nhận điều đó không? (tiếng người kia: đúng rồi). Bây giờ nói là không có di chúc. Đâu có lật ngược được. Mà giáo hội chuẩn bị có cuộc họp đó, chứ tôi không có họp, các chư tông đức họp, đợi qua 100 ngày nhưng chưa có ngày. Ngày mai tôi sẽ đi qua giáo hội hỏi ngày giờ. Có thể tôi hiến cái này cho chính phủ Mỹ, hiến ngôi chùa này luôn đó thầy, tôi hiến luôn đó, tôi có quyền hiến, tôi lấy quyền di chúc để hiến cho chính phủ Mỹ để làm từ thiện cho xã hội, chứ đừng nói là gia đình bà Thương vô đây muốn làm gì làm.” Giọng người đàn ông rất bực tức.
Cũng hòa trong tiếng hát của ca sĩ nào đó, giọng người đàn ông nói tiếp, “Tôi hỏi thầy, cổ tổ chức văn nghệ, cổ bày vẽ, cổ bỏ tiền ra cổ mướn, cổ muốn làm gì làm, mắc gì tính tiền tôi? Mắc gì phải tốn tiền nuôi mấy thằng nhà báo? Mắc gì phải nuôi mấy thằng đó, lúc $500, $300, lấy tiền đâu? Đâu phải tiền cổ bỏ ra. Thầy còn nhớ là thầy Thanh dặn là đem $100,000 về Việt Nam làm từ thiện không? Còn $150,000 là lo đám tang. Cổ đưa tôi $200,00. $100,000 tôi gửi về Việt Nam cúng nhà từ đường, cúng xóm làng bình an. Còn $150,000 lo đám tang thì cổ đưa tôi $100,000, cổ giữ $50,000 hôm nay nói hết rồi, hỏi cổ làm cái gì?”
Bà Thương cho biết thêm, “Cũng trong chiều hôm cúng 100 ngày thầy Quảng Thanh, Hòa Thượng Thích Chơn Thành và Thích Chơn Tôn của chùa Liên Hoa gặp tôi để nêu lên một số vấn đề. Thứ nhất là hỏi về giấy thầy Quảng Thanh bảo lãnh cho thầy Phước Hậu sang Mỹ. Thứ hai là hỏi giấy ủy quyền chùa Bảo Quang, ai là người làm chủ. Thứ ba là hỏi di chúc của Hòa Thượng Quảng Thanh.”
Vậy, những chứng từ đó có hay không? Hòa Thượng Thích Chơn Thành, người được sự ủy thác của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh giúp cho Thượng Tọa Thích Phước Hậu lo tất cả mọi việc liên quan đến Pháp lý của giáo hội nói gì chung quanh vụ “lùm xùm” này? Các Phật tử đặt vấn đề về việc trước nay chùa Bảo Quang đã vận hành sai ra sao?
Mời độc giả đón xem kỳ 3, trên số báo ngày 23 Tháng Mười Một, 2019.
(Ngọc Lan)
No comments:
Post a Comment