Thạch Sanh vốn không có tham dự hội chụp cầu hoa kén chồng của công
chúa trong truyện cổ tích rất xưa của Việt Nam. Nhưng cái hội thẩy hoa
ấy là nguyên nhân dẫn đến mối lương duyên lạ lùng giữa anh hùng cổ tích
Thạch Sanh và cô công chúa đẹp mà bị câm. Truyện khá hay với nhiều tình
tiết gay cấn hồi hộp thích hợp với tuổi thiếu niên nhi đồng. Nay Đắc
Xuyên Gia Khang xin phóng tác lại:
Nhớ năm xưa có hai vợ chồng tiều phu già sống ở ven rừng của quận Cao
Bình (nay là Từ Liêm, Hà Nội), họ làm lụng vất vả và hay giúp đỡ những
người nghèo khó, già yếu. Sống với nhau răng long tóc bạc gần xuống lổ
mà vẫn chưa có mụn con. Ngọc Hoàng thương tình bèn sai thái tử xuống
trần sa vào bụng bà vợ làm cho bà ấy có mang. Cả làng thất kinh vì cái
tin động đất ấy. Bà vợ già mang thai đã hơn ba năm mà thai nhi không
chịu chui ra. Ông chồng rầu rĩ buồn chán quá nên mất.
Chồng mất
chẳng được bao lâu thì bà vợ đẻ ra một thằng con trai. Khi thằng bé
khôn lớn trưởng thành thì mẹ nó mất. Người ta không biết nó tên gì nên
gọi nó là Thạch Sanh, mang ý nghĩa sinh ra từ tảng đá vì suốt ngày nó
chỉ biết lấy rìu đốn củi rồi ngồi nghỉ bên tảng đá dưới gốc cây đa. Năm
mà Thạch Sanh biết cầm rìu đốn củi thì Ngọc Hoàng sai thần nhân xuống
giúp cho các môn võ nghệ, đánh đấm để đối phó với yêu tinh và kẻ gian
ác, nhất là tên Lý Thông.
Lý Thông tuy có cái tên cây lý và
cây thông thật hay và đẹp nhưng lại là đứa vô cùng tiểu nhân, gian ác.
Hắn gian ác đến nỗi người đời sau chế ra một câu châm biếm truyền miệng:
"Con người càng lúc càng đông. Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều".
Lý Thông chỉ lớn hơn Thạch Sanh chừng vài ba tuổi, làm nghề cất rượu.
Một hôn hắn có việc đi qua chỗ Thạch Sanh đốn củi, trưa nắng hắn ngồi
nghỉ tại tảng đá. Chợt thấy Thạch Sanh gánh về một gánh củi khổng lồ mà
không biết mệt. Hắn thầm nghĩ nếu kết nghĩa anh em với Thạch Sanh thì
hắn sẽ có hàng vạn cơ hội để làm lợi. Thế là Lý Thông lân la đến ân cần
hỏi chuyện và xin kết nghĩa với Thạch Sanh. Thạch Sanh vô tư nghe lời
ngon ngọt và đồng ý vác rìu say goodbye nói lời từ giã với tảng đá và
gốc cây đa để về nhà Lý Thông.
Ở nhà Lý Thông sống với mẹ của
hắn, hai mẹ con tha hồ sai Thạch Sanh làm các việc nặng việc nhẹ. Trong
làng của Lý Thông dạo ấy có một con Chằn Tinh lộng hành chuyên ăn thịt
người. Triều đình sai quan quân vây bắt thế nào cũng không diệt được nó
bèn sai quan địa phương cất một cái miếu cho Chằn Tinh. Hàng năm thì đem
tế nó một mạng người để nó không bách hại nhiều người. Năm ấy quan
huyện thông báo đã đến lượt Lý Thông phải cống mạng cho Chằn Tinh.
Lý Thông nghe tin xét đánh đó thì hồn xiêu phách lạc, rụng rời cả tay
chân. Hắn té quỵ xuống thềm nhà rồi đi tiểu tiện ngay trong quần vì quá
kinh hãi. Mẹ hắn bỗng thì thầm nhỏ to vào tai hắn kế ma kế độc gì mà
bỗng chốc hắn hoàn hồn trở lại. Hai mẹ con nhoẻn miệng cười nham hiểm
"khà...khà...khà" với mưu sâu chước lớn. Tối hôm ấy hai mẹ con dọn một
bữa cơm tối rất thịnh soạn, đợi Thạch Sanh gánh củi về, Lý Thông bảo:
- Em ạ, đêm nay đến phiên anh đến miếu Chằn Tinh canh gác nó. Ngặt nổi
anh còn nhiều vò rượu để cất cho kịp ngày mai bán, em đi hộ anh nhé.
Thạch Sanh chẳng mảy may do dự vác rìu đi ngay. Đến đêm đang ngủ say
trong miếu thì Thạch Sanh thấy con Chằn Tinh hiện hình là một con trăn
khổng lồ, hung tợn với những cái nanh vuốt sắc bén đang chuẩn bị tấn
công. Thạch Sanh chẳng chút lo âu sợ hãi hay té đái như Lý Thông vì
chàng có võ nghệ cao cường trong mình. Khi Chằn Tinh nhảy bổ vào Thạch
Sanh tính ăn tươi nuốt sống thì Thạch Sanh lấy rìu phập cho nó vài nhát
rồi đời. Xong chàng chặt đầu của nó và vác về nhà.
Hai mẹ con
Lý Thông đang ngủ mơ màng cỡi mây bay trong gió chợt nghe tiếng của
Thạch Sanh gọi cửa thì điếng người tưởng oan hồn của Thạch Sanh hiện về
nên thất kinh bát đảo. Chúng lom khom thức dậy quỳ lạy van vái tám
phương bốn hướng. Lý Thông thì toát mồ hôi hột trong khi mẹ của hắn cứ
lấy bát quái "Càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài" ra mà niệm thần
chú.
Thạch Sanh vô tư kể chuyện giết Chằn Tinh cho hai mẹ con
nghe thì chúng mới bình tĩnh trở lại. Trong đầu Lý Thông lại tóe lên kế
gian, hắn hốt hoảng bảo Thạch Sanh:
- Chuyện lớn rồi em ơi, con
trăn ấy là động vật hiếm quý do vua nuôi đấy. Em giết nó ắt sẽ bị tội
chết. Nhân trời còn đang tối em trốn đi ngay. Các việc còn lại để anh lo
liệu cho.Thạch Sanh ngu ngơ tin lời Lý Thông, buột miệng nói: "OK, I
know. Thank you", xong vác rìu ra đi về lại chốn cũ ở gốc cây đa mà
nương náu. Lý Thông vác đầu con Chằn Tinh đến kinh yết kiến vua. Vua
mừng rỡ hân hoan phong ngay Lý Thông làm đô đốc.
Lúc bấy giờ
trong cung, con gái duy nhất của vua đã quá tuổi nở hoa. Trong nước vua
cho tuyển mãi năm sáu đợt mà chẳng vớt được trai xứng đáng nào cho công
chúa. Bọn hoàng tử ở các nước láng giềng cũng đã nhiều lần gởi thư tình
cảm nhờ sứ thần mang tới nhưng công chúa đã gạt đi hết. Nàng thấy bọn
hoàng tử ấy quá rởm đời, văn chương thì thô kệch mà lời lẽ thì sỗ sàng.
Đã vậy còn viết dài dòng những lời lẽ nhột nhạt nổi da gà, cuối thư lại
vẽ cái cung tên bắn trúng trái tim đang rỉ máu mới gớm chứ lị.
Giải pháp cuối cùng là vua đứng ra tổ chức ngày hội cho công chúa ném
cầu hoa, trai nào chụp được cầu hoa thì gả ngay không cần phải là hoàng
tử hay thường dân, giàu nghèo hay sang hèn gì cả. Công chúa đứng trên
lầu cao cầm quả cầu hoa nhìn xuống phía dưới thì thở dài ngao ngán. Nàng
mong cho chẳng có ai chụp được cầu vì nhận ra trai tráng ở phía dưới
chân nàng ai cũng thuộc loại dị hợm và thô lỗ. Vua cha đưa mắt ra hiệu
bảo nàng hãy ném quả cầu đi, không còn chần chờ được nữa. Bỗng lúc ấy có
con Đại bàng bay qua trông thấy công chúa quá đẹp và lộng lẫy, nó liền
sà xuống cắp công chúa bay mất.
Thạch Sanh đang đốn củi nghe
tiếng la thất thanh trên trời của người con gái liền giương cái cung
đang đeo trên người nhắm vào Đại bàng bắn một phát. Vết máu của Đại bàng
dẫn Thạch Sanh đến cái hang ổ của nó. Vua sai đô đốc Lý Thông ra quân
đi tìm công chúa cho bằng được. Hơn mười ngày Lý Thông tìm không ra hang
động của quái vật nhưng lại gặp được Thạch Sanh. Thạch Sanh kể hết sự
việc cho Lý Thông và tình nguyện dẫn quân đi vào hang Đại bàng cứu công
chúa.
Vào hang động gặp lúc con Đại bàng vẫn còn thương tích
sau mũi tên chí mạng, Thạch Sanh phát hiện ra công chúa đang bị giam
liền ra hiệu bảo nàng đem thuốc mê đi thuốc con quái vật. Công chúa thấy
Thạch Sanh vì mình mà không sợ hiểm ác nên cảm kích lắm, nguyện sau khi
thoát nạn sẽ về ở với Thạch Sanh mà không cần cưới hỏi gì hết.Đợi quái
vật ngủ mê, Thạch Sanh bảo Lý Thông cùng quân lính lấy dây buộc thả
xuống hang kéo công chúa lên trước, sau đó đến mình. Lý Thông vừa kéo
được công chúa lên thì sai quân lấp đá nhốt Thạch Sanh ở lại làm mồi cho
Đại bàng.
Đại bàng tỉnh giấc không thấy công chúa thì lồng
lộn gầm rú phát kinh, nó giương cái mỏ nhọn hoắc tính mổ tim Thạch Sanh
để nhai nhưng bị Thạch Sanh cho một cái búa vào cổ toi đời. Chàng đi
khắp hang cùng tìm lối ra thì phát hiện một đứa con trai bị nhốt trong
cũi sắt. Người đó là thái tử con của Thủy vương.
Thái tử thuật
lại năm xưa đang chơi thả diều thì bị con đại bàng cắp đi mất và giam
vào hang. Thạch Sanh dùng cung bắn đứt cũi và đưa thái tử về với vua cha
ở Thủy cung. Thủy vương rất cảm kích ngưỡng mộ Thạch Sanh, vua không có
con gái gả cho Thạch Sanh để đền ơn bèn cho chàng lấy tất cả những vàng
bạc châu báu ông có. Thạch Sanh từ chối và chỉ xin lấy một cây đàn tì
bà ra đi về chốn cũ.
Riêng hồn ma của Chằn tinh và Đai bàng rất
hậm hực tức tối với Thạch Sanh. Chúng hiệp mưu để hại Thạch Sanh bằng
cách hoá thân vào cung trộm những bảo vật của vua đem đến để ở gốc đa
của Thạch Sanh để vu vạ. Thạch Sanh bị bắt và giam trong ngục tối. Công
chúa từ sau khi trong hang Đại bàng trở về thì bị câm, vua cho chữa trị
mãi mà chẳng ăn thua gì.
Một hôm Thạch Sanh dưới ngục thất đem đàn ra gảy và ngâm nga hát:
Vùng ngoại ô, tôi có căn nhà tranh
Tuy bé nhưng thật xinh
Tháng ngày sống riêng một mình
Cung điện gần bên, em sống trong giàu sang
Quen gấm nhung đài trang
Đi về xa kiệu đón đưa
Đêm đêm dưới ánh trăng vàng
Tôi với cây đàn âm thầm thở than
Và cô nàng trong cung cấm
Mỗi lúc lên đèn em ngồi tương tư
Mấy tên tù giam chung trong ngục thất nghe Thạch Sanh hát những lời bay
bướm như thế thì vỗ tay khoái trá. Được dịp Thạch sanh hát tiếp:
Tôi ca không hay tôi đàn nghe cũng dở
Nhưng nàng khen nhiều và thật nhiều
Hát đến đây Thạch Sanh lên tông không nổi bèn ngâm nga tỉ tê than thở:
"Đàn kêu tích tịch tình tang. Ai mang công chúa dưới hang trở về"
Lập tức tiếng đàn và lời nỉ non ấy theo không khí đâm xuyên thủng vách
ngục và theo gió bay vào cung của công chúa. Công chúa dường như nghe
được tiếng vọng từ tiềm thức bỗng cười nói huyên náo như xưa. Nàng liền
vào yết kiến phụ hoàng xin cho truyền người gảy đàn vào cung.
Thạch Sanh vào cung hội ngộ với công chúa. Chàng kể hết mọi sự cho vua
nghe. Vua trừng mắt nhìn Lý Thông khiến hắn muốn độn thổ. Vua sai bắt
hai mẹ con Lý Thông đem cho Thạch Sanh xét xử. Thạch Sanh nhân nhượng và
rộng lượng xin tha cho hai mẹ con hắn và cho về quê làm ăn. Khi đi về
được nửa đường có thằng Thiên Lôi trên thiên đình ngứa mắt với bọn gian
tà nên đã bổ một phát sấm sét vào đầu chúng nằm nhe răng.
Vua
truyền làm lễ thành hôn công chúa cho Thạch Sanh. Bọn hoàng tử lân bang
nghe nói công chúa được gả cho thằng khố rách áo ôm nên tức tối hợp quân
của 18 nước sang đánh. Thạch Sanh chẳng tốn công dẹp loạn, chàng lấy
cây đàn tì bà ra gảy thì lập tức quân sĩ của 18 nước ấy bị thôi miên
buông cung đao kiếm khí xuống mà nhảy nhót loạn xạ. Vua cho truyền thiết
tiệc chiêu đãi đám quân ấy và phủ dụ chúng bỏ gươm đao. Chúng ăn uống
và nghe đàn của Thạch Sanh trong niềm sung sướng, tất cả quỳ lạy vua rồi
rút quân về nước.
Vua không có con trai nối dõi nên đã nhường
ngôi cho Thạch Sanh. Thạch Sanh lên ngôi lấy tên Thạch Thái Tổ, đại xá
thiên hạ, gọi năm đầu là Tì Bà nguyên niên, thuộc triều đại Cổ Thụ.
No comments:
Post a Comment