Wednesday, June 10, 2015

MƯA SÀI GÒN MƯA SEATTLE


Sáng nay ra phố gội đầu
Giọt mưa sợi tóc ôm nhau khóc òa

 Khi rời California tìm một nơi có đời sống thong thả, yên ổn để nuôi các con, chúng tôi rơi ngay vào một vũng nước mưa: thành phố Seattle của bang Washington. Lúc nào ông trời Seattle cũng mưa được. Không mưa sáng thì mưa chiều, không mưa chiều thì mưa tối. Vào mùa Hạ thì thỉnh thoảng mới có một hôm nắng nguyên ngày. Tối hôm trước đi ngủ, bầu trời đêm cao thăm thẳm, trong veo, không một gợn mây, thế mà nửa đêm thức dậy nghe như có tiếng ai gõ nhẹ trên mái gỗ, lắng nghe một lúc biết là trời bắt đầu mưa.

Tôi nằm im lặng nghe mưa.

Tôi sinh ra ở Việt Nam, một nước thuộc miền nhiệt đới và lớn lên giữa miền Nam mưa nắng hai mùa,giữa những cơn mưa bất chợt ập xuống mùa hạ chói chang và một mùa mưa kéo dài sáu tháng. Mưa trở thành một người bạn thiết, một nỗi thân quen. Có những kỷ niệm ướt sũng nước mưa, chẳng làm sao lau khô được, nên mưa trở thành một nhắc nhở hiện tại.

Tiếng mưa Sài Gòn không giống tiếng mưa Seattle. Mưa Sài Gòn đập ầm ầm thảng thốt trên mái nhà, nhất là những mái nhà tôn. Ban đêm mưa đánh thức giấc ngủ của ta, lôi ta ra khỏi những cơn mộng hay thức ta dậy để tiếp tục yêu thương, hờn giận, để hoàn tất những công việc của ngày qua chưa làm hết. Ban ngày, đôi khi mưa như một ân sủng của trời trút xuống, gột rửa bao bực nhọc, làm mới lại và xóa hộ những điều không muốn giữ. Nhưng mưa lớn cũng là nỗi hãi hùng của những người buôn thúng, bán bưng, nỗi lo âu của người chủ gia đình không mang về đủ một bữa cơm có thịt, có cá buổi chiều. Khi là một cơn mưa trung bình, tiếng mưa rơi lộp bộp trên những tầu lá chuối, âm thanh đều đều như tiếng nhạc đệm, lắng nghe nó cho ta cái cảm tưởng được nhàn nhã, thư thái. Khi mưa nhỏ hạt, tiếng róc rách trên mái nhà lá vừa thơ mộng vừa buồn bã, nghe mãi, đâm ra mê lúc nào không biết.

Tôi nhớ những buổi tan trường, nếu lỡ một trong hai chuyến xe buýt, đành phải đi bộ từ trường về nhà. Quần áo trắng ướt sũng, cặp sách ôm che ngang ngực con gái mới lớn, chạy vội vàng trong buổi chiều, sợ ai nhìn xấu hổ. Ở tuổi muời sáu mười bảy, ít khi bị cảm, bị lạnh. Về đến nhà, mẹ bắt thay quần áo, uống một ly trà nóng, lau khô mái tóc, là ấm người ngay.

 Khi lớn hơn chút nữa, những lần đi chơi với người yêu gặp trời mưa, hai người che chung một cái áo mưa hay một cái dù. Vừa bối rối, vừa sợ, vừa hạnh phúc. Chỉ sợ ướt cái áo dài mỏng, nhưng lại mong sao con mưa đừng tạnh và con đường đừng hết. Ôi những cơn mưa chợt đến chợt đi trong khí hậu nóng ẩm làm mặt đường bốc khói, lượng nước trời trút xuống hào phóng quá, làm ngập lụt những con đường không thoát nước, ta như được bơi trong một giòng sông ngọt ngào, ngắn hạn!

Bây giờ, vào những buổi sáng ở Seattle, đi ra đường gặp cơn mưa lớn hiếm hoi, nghe tiếng mưa rơi trên hàng cây xanh mướt, những chùm lá sạch sẽ, sự rung động êm ả thanh bình thì những cơn mưa vùng nhiệt đới xa xăm với những tiếng đập rộn ràng lại khua vang trong đầu. Mưa lớn ở Seattle chỉ là những cơn mưa nhanh hạt, tiếng gió, tiếng lá chạm vào nhau, có òa ra thì cũng chỉ to bằng tiếng khóc.

Sáng nay ra phố gội đầu
Giọt mưa sợi tóc ôm nhau khóc òa
 (thơ tmt)

Tôi đã quen lắm với mưa Seattle, thân thiện với mưa, vì mưa đi bên tôi hầu như mỗi ngày. Nhờ mưa Seattle, tôi thấy quý sự hiếm hoi của mặt trời rực rỡ và trong mắt tôi, bầu trời trên mái nhà tôi cao và xanh hơn bầu trời của những nơi khác, vườn nhà tôi mưa tinh khiết và mưa lãng mạn hơn bất cứ nơi nào.

Nhưng vào những ngày mưa kéo dài cả tuần lễ, thì những giọt mưa âm thầm lặng lẽ dai dẳng chẩy xuống như những dòng lệ mầu xám trong một bức tranh sơn dầu, nhắc tôi nhớ đến bức tranh nằm sâu trong tâm khảm: một chiếc phà chở quan tài từ từ tách bến Sài Gòn qua bên kia Thủ Thiêm, trên nóc quan tài ướt sũng một lá quốc kỳ xô lệch trông như một chiếc chăn cũ vàng ố, rách nát, bát nhang tắt ngấm vì nước mưa, người lính đi tháp tùng đứng im lìm như một pho tượng của ngàn năm cũ. Mưa thản nhiên rơi trên quan tài, rơi trên đầu, trên cổ người lính từng giọt, từng giọt. Tôi đứng nhìn ông Trời họa sĩ vẽ tranh vào không gian. Mầu xám của nền trời căng ra như một khung vải, chiếc quan tài phủ quốc kỳ xộc xệch, người lính đứng bên, mặt lạnh, xanh tái như mầu áo trận, trên chiếc phà cũ kỹ, bạc phếch. Tất cả được họa sĩ Trời mang vào trong tranh, dưới một gam mầu lạnh. Tôi mang theo bức tranh này trong suốt mấy chục năm ở quê người, đó là tài sản duy nhất sót lại của đời người di tản.

 Lúc tôi đến trại Pendleton cũng là vào một đêm mưa. Mưa không to lắm, nhưng khí hậu sa mạc của California về đêm làm mọi người lạnh cóng. Trẻ con, người lớn và ngay cả người già, mỗi người đều được phát cho một chiếc áo lính cùng cỡ để mặc cho ấm. Trong đêm tối, chúng tôi trông như những bụi cây không đều nhau, biết đi. Chúng tôi đứng xếp hàng chờ nhận lều, giơ tay vuốt mặt, ướt sũng nước mưa và nước mắt.

 Ngày tôi lấy chồng cũng vào một ngày mưa. Ở California giữa tháng chín mà mưa, thế có lạ không! Theo phong tục Mỹ, cô dâu chú rể vừa bước ra ngưỡng cửa nhà thờ, người ta tung gạo như mưa vào người để chúc may mắn. Ở quê tôi người ta chỉ ném gạo theo sau những chiếc quan tài vì sợ người chết bị đói. Mẹ tôi (dù là người Công Giáo) thấy giữa đám cưới mà bị ném gạo thì hoảng quá giơ tay ngăn lại. Tôi nghĩ cả hai phong tục đều hay cả. Nếu lấy nhau mà không được nuôi bằng tình yêu thì cũng bị đói vậy. Cơn mưa nào cũng mang theo ý nghĩa của nó.

 Chị em tôi ở Mỹ lâu lắm rồi, lâu đến nỗi thỉnh thoảng nghĩ đến mà bàng hoàng cả người. Vì tính ra khoảng thời gian mình ở Mỹ đã dài bằng khoảng thời gian ở cả Hà Nội và Sài Gòn cộng lại. Thế mà chúng tôi vẫn hay nhắc đến những cơn mưa ở quê nhà. Chúng tôi hay nói: “Tối qua mưa nặng hạt và to tiếng như mưa ở Sài Gòn” hay “Mưa rả rích mấy ngày liền như thế này thì có kém gì Huế!”. Nhưng ở đây lâu thế mà sao không thấy ai hứng nước mưa để uống, để pha trà nhỉ? Người kỹ tính lắm thì cũng chỉ pha trà bằng nước bán trong chai. Tôi nhớ ngày trước, nhà tôi có căng một miếng vải màn trắng trên miệng một chiếc vại để ngoài sân hứng nước mưa uống quanh năm. Người Việt sang đây giản dị hóa, đã bỏ hết những chuyện uống cầu kỳ này.

Mưa ở Seattle làm cho những dẫy núi bao bọc chung quanh thành phố trông tinh khiết và cao cả hơn lên, những cây tùng, cây bách giữ mãi một mầu xanh thẫm, chạm tay lên lá, lá mịn màng, trong sạch như thiếu nữ mới lớn, mưa làm nước hồ thăm thẳm mềm mại như một giải lụa. Tiếng chim hót trong mưa thánh thót hơn, con sóc, con chồn lúc nào cũng có một bộ lông còn mới dưới mưa. Và hình như sống ở nơi có nhiều mưa, con người điềm đạm và bao dung với nhau hơn. Tuổi trẻ thì giản dị, tự nhiên. Tôi đã thấy những học sinh trung học ở đây đứng thản nhiên hôn nhau dưới mưa trước cổng trường.

Ôi những cơn mưa ở hai đầu trái đất! Mưa Sài Gòn và mưa Seattle. Cũng chỉ là những đám mây tụ lại, rồi rơi xuống. Nhưng khi rơi trên nóc một chiếc quan tài của người lính, trên chiếc áo dài trắng của cô học trò trung học, trên mái tóc của hai người yêu nhau, trên vai áo của người tỵ nạn Việt Nam, mưa khác biệt thế nào so với khi rơi xuống trên những cành thông ở Seattle hay giữa một đám cưới ở California? Và khi vẽ mưa trong những bức tranh ở những nơi khác nhau, người ta có vẽ cho nó những hình thể khác nhau, chọn những gam mầu khác nhau?

Ước gì có ai vẽ được linh hồn của những giọt mưa!

No comments:

Post a Comment