Người Phan Thiết từng tự hào về đô thị Phan Thiết có hàng trăm năm hình thành và phát triển, nhưng cũng có không ít nỗi buồn về chuyện bảo tồn vốn cổ của Phan Thiết hôm nay.
Kỳ 1: BẢO TỒN VỐN CỔ
Hồn phố
Đối với mỗi con người, hình ảnh về nơi chôn nhau cắt rốn, về nơi mình đã sinh ra và lớn lên, hoặc gắn bó với nơi ấy trong một thời gian dài là những gì rất thân thương. Mãi mãi, dù có đi đâu cũng không thể quên được hình ảnh đẹp đẽ ấy. Với cư dân phố thị thì góc phố, con đường, hàng cây, bưu điện, công sở, mái chùa, dòng sông, cây cầu… là những hình ảnh của quê hương, của ký ức, nó tồn tại hiển nhiên trong tình cảm và tâm hồn họ. Cái nhớ nhung đó hình thành là do sự liên kết giữa hình ảnh phố thị, những nét đặc trưng của phố phường với tâm hồn của mỗi con người. Và con người yêu nó thì qua nó nhìn thấy cả chiều sâu ký ức của một vùng đất. Thấy người xưa như đang về với mình, trò chuyện với mình, và nếu không có nó thì người ta cảm thấy mất liên lạc với quá khứ, cô đơn trong hiện tại cho dù đời sống vật chất của họ đủ đầy và hiện đại. Cái làm nên tình yêu đó gọi nôm na là hồn phố. Không có hồn phố thì sẽ không có ký ức, không có lịch sử của một địa danh, vùng đất… Thế nhưng điều gì tạo nên hồn phố?
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, một chuyên gia về lĩnh vực khảo cổ, trùng tu và bảo tồn đô thị Việt Nam, “Hồn phố” là khái niệm phi vật thể vì nó là tình cảm, hoài niệm, nhớ nhung… của một người hay một cộng đồng, được nảy sinh và vun đắp trong quá trình sinh sống nơi phố thị. Hồn phố trong mỗi người luôn gắn liền với không gian sống và cụ thể hóa bởi những vật thể quen thuộc hay mang dấu ấn đặc biệt nào đó. Hồn phố là đặc trưng văn hóa tinh thần rất tinh tế và đầy chất lãng mạn của cư dân đô thị, nó tồn tại trong ký ức từng cá nhân, được di truyền và lan tỏa, và rồi nó trở nên vững chắc trong ký ức của cộng đồng. Bởi thế cho nên giữ gìn hồn phố là bảo vệ những gì tốt đẹp trong tâm hồn người đô thị, bảo vệ một lịch sử chung qua những ký ức riêng.
Với cư dân đô thị Phan Thiết, hồn phố của họ là gì? Ai cũng có thể trả lời ngay là những ký ức với những công trình kiến trúc xưa cũ, là cây cầu gỗ thanh thoát bắt qua dòng sông Cà Ty thơ mộng có tháp nước soi bóng, là con đường Lê Hồng Phong, Hải Thượng Lãn Ông rợp bóng cây với những tà áo dài thướt tha giờ tan học,....
Thế nhưng, giờ đây, với nhiều người Phan Thiết xa quê và cả những cư dân đang sinh sống tại Phan Thiết có gì đó như hụt hẫng, thậm chí xa lạ khi chứng kiến hình ảnh đô thị nơi mình đã và đang sống đã không còn giữ được hồn xưa phố cũ. Nhiều công trình kiến trúc xưa gần như đã mất đi để thay vào đó là những tòa nhà bê tông cứng nhắc… giữa không gian không quá rộng.
Thực trạng về bảo tồn đô thị Phan Thiết.
Trung tuần tháng 3 năm 2015, người Phan Thiết đã ngỡ ngàng khi chứng kiến người ta đập bỏ tòa nhà bưu điện trung tâm Phan Thiết xưa có tuổi đời hơn 120 năm tuổi để xây dựng tòa nhà kính 5 tầng. Ban đầu, khi thấy bưu điện thông báo ngưng hoạt động, rào chắn xung quanh, ai cũng nghĩ tòa nhà xưa cổ này sẽ được trùng tu để đẹp đẽ, khang trang hơn. Nhưng chỉ vài tuần sau đó nó đã biến mất trong niềm đau xót của không ít người dân.
Ngược dòng thời gian, từ lúc hình thành đô thị Phan Thiết đến nay, cũng như các đô thị khác ở Việt Nam, tòa bưu điện này cùng với kho bạc, tháp nước, công viên, tòa hành chính tỉnh, trường nữ,.. đã hình thành nên khu trung tâm của đô thị tỉnh lỵ Bình Thuận. Khu vực này với những công trình kiến trúc Pháp sắc nét trong từng họa tiết, hài hòa với cảnh quan đã tạo nên một không gian đô thị đẹp mỹ miều trong mắt cư dân và với cả lữ khách. Đây được xem là khu vực tiêu biểu của Phan Thiết trong ký ức của người dân về thành phố này.
Thế nhưng, đến nay, ngay tại khu vực này, hai tòa nhà kiến trúc Pháp nằm đối xứng nhau đã không còn, thay vào đó sẽ là hai tòa nhà 5 tầng hiện đại phủ kính xung quanh. Ngay cả với người không rành về kiến trúc và mỹ thuật cũng thấy nó không hài hòa có phần lạc lõng giữa không gian kiến trúc của quần thể nhà làm việc tỉnh ủy, tháp nước, công viên, trung tâm hội nghị và UBND tỉnh.. có những đường nét kiến trúc xưa.
Theo các chuyên gia, văn hóa đô thị thường thể hiện đậm đặc ở khu vực trung tâm, được hình thành lâu đời, xây dựng và quy hoạch phục vụ thiết chế hành chính – chính trị - văn hóa của đô thị. Khu vực này tiêu biểu cho “hồn” của đô thị cả về kiến trúc cảnh quan, cả về lối sống và văn hóa. Khu vực cốt lõi này nếu không được bảo tồn, bị phá vỡ về cảnh quan kiến trúc tức là đã phá hủy hồn của đô thị.
Khu vực trung tâm là thế, mở rộng ra, nhiều công trình kiến trúc cổ rất thân thiết, gần gủi của cư dân Phan Thiết đã và đang dần mất đi trong vòng 15 năm trở lại đây. Tiêu biểu như tòa nhà xưa là trường tiểu học Hoàng Tỷ ( có thời gian là khách sạn Anh Đào ), sau 1975 là bưu điện Phan Thiết, được xây dựng từ thời Pháp thuộc có kiến trúc rất đẹp nằm ở khu vực ngã bãy trước chợ Phan Thiết cũng bị đập bỏ. Bệnh viện Phan Thiết xưa ngay góc Hải Thượng Lãn Ông – Nguyễn Hội cũng bị đập bỏ để xây dựng một trung tâm về phòng bệnh. Mới đây, một tòa nhà trên đường Trần Hưng Đạo được xây dựng từ thời Pháp, xưa thuộc sở hữu của hàm hộ Hồng Hương, từng là trường tiểu học Kiều Đàm, sau 1975 là nhà làm việc của chính quyền địa phương cũng đã bị đập bỏ để xây lại. Đối diện đó là tòa nhà được chính quyền sử dụng làm tòa án từ thời Pháp đến nay, hiện đang đóng cửa và nghe đâu cũng sắp tháo dỡ để xây dựng trụ sở làm việc,...
Ngoài sự mất đi của các công trình kiến trúc do nhà nước quản lý, nhiều biệt thự cổ có tuổi đời hàng trăm năm của người dân cũng bị tháo dở hoặc đang để xuống cấp mà không trùng tu hay bảo tồn vì nhiều lý do.
Theo thống kê của chúng tôi, hiện Phan Thiết còn hơn 20 biệt thự cổ hầu hết của các gia đình hàm hộ nước mắm xưa và nhiều khu phố cổ được xây dựng từ thời Pháp như: Hải Thượng Lãn Ông, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Quyền, Ngô Sĩ Liên, Chu Văn An, Triệu Quang Phục,... Các biệt thự và các dãy phố cổ này người dân sửa chữa hoặc xây dựng lại không theo một quy định về kiến trúc nào nên tân cổ giao duyên, chẳng có mỹ quan đô thị.
( còn tiếp )
Lê Huân
No comments:
Post a Comment