Quán Brodard nay trở thành cửa tiệm dịch vụ máy vi tính. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)
|
Hỏi thăm chị bán thuốc lá lẻ trên vỉa hè gần đó, chị cho chúng tôi biết quán Brodard đã thay-ngôi-đổi-chủ từ 2 tháng nay.
Quán Brodard (ở số 131-133) và Givral-La Pagode, cùng tọa lạc trên đường Ðồng Khởi, quận 1.
Ðây là 3 quán (nhà hàng) điển hình sang trọng của Sài Gòn trước 30 tháng 4, 1975.
Brodard-Givral-La Pagode từng làm sáng lên gương mặt của “Sài Gòn
hoa lệ” - “Hòn ngọc Viễn Ðông” một thời, đã tại vị trong suốt thời gian
lịch sử của miền Nam tự do.
Có thể nói, thiếu ba quán tiệm này, bức chân dung Sài Gòn sẽ chỉ là bức chân dung dang dở.
Sau 30 tháng 4, quán La Pagode bị xóa sổ đầu tiên, trở thành văn
phòng của công ty du lịch lữ hành Saigontourist. Mỗi lần đi tới góc
đường Lê Thánh Tôn-Ðồng Khởi, chúng tôi không khỏi bùi ngùi thương nhớ
quán La Pagode; thương nhớ những buổi sáng cà phê, ly rượu chai bia
những trưa những chiều Sài Gòn, cùng bằng hữu văn nghệ.
Từ thuở học trò, chúng tôi đã theo những người anh văn nghệ, ra
quán La Pagode. Một lần, từ quán La Pagode, chúng tôi bước sang công
viên phía bên kia đường -công viên Vạn Xuân hay Chi Lăng (?)-để nghe và
ngắm nhà thơ Beatnik Hoa Kỳ Allen Ginsberg say sưa đọc thơ Tiếng Gào
(Thi tập The Howl), khi ông ghé Sài Gòn.
La Pagode bị xóa sổ; chúng tôi bám víu vào hai quán Givral và Brodard, là đặc chất Sài Gòn trong những gì còn lại của đô thành.
Rồi quán Givral cũng mất tích cùng quán La Pagode, khi trọn khu tứ giác Eden bị phá bỏ hai năm trước đây.
Khu tứ giác Eden, bao gồm Passages Eden, là công trình kiến trúc
đặc sắc, kiên cố của Sài Gòn xưa; quán Givral nằm một đầu cạnh, quán La
Pagode ở đầu cạnh kia. Quán Givral, với mái vòm cong kiều diễm ở chỗ góc
Ðồng Khởi-Lê Lợi, bây giờ chỉ tồn tại trong quyển sách cũ -tác phẩm The
Quiet American của Graham Green.
Khu tứ giác Eden bị phá bỏ, sau công viên nhỏ và xinh xắn ở đường
Ðồng Khởi, chênh chếch đối diện quán La Pagode. Một công trình kiến trúc
đồ sộ “hoành tráng”, cơ ngơi của tập đoàn Vincom đầy thế lực, đã chiếm
trọn diện tích công viên này.
Chủ mới của căn phố này là công ty Hồng Nhân. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)
|
Cứ điểm cuối cùng của đặc chất Sài Gòn cũ, quán Brodard, như trên
đã nói, bị “mất tích tại chỗ” khoảng hai tháng nay, tức khoảng đầu tháng
4, 2012.
Ðương thời, nếu phần lớn khách ngồi ở quán La Pagode thuộc giới văn
nghệ, quán Givral thuộc giới báo chí, thì quán Brodard thuộc giới trẻ
Sài Gòn.
Quán Brodard nằm giữa góc quành của hai con đường, Ðồng Khởi và
Nguyễn Thiếp. Nhớ tới quán Brodard là nhớ tới giới trẻ Sài Gòn của miền
Nam tự do; trai thanh gái lịch dong dạo trên những đường phố đẹp nhất đô
thành: Ðại lộ Lê Lợi - đại lộ Nguyễn Huệ - đường Tự Do - đường Lê Thánh
Tôn...
Nhớ tới một thời “bát phố Bô-na” (tên trước của đại lộ Lê Lợi, từ
thời Pháp thuộc, là Bonard). Chiều chiều, đặc biệt là chiều Thứ Bảy, và
cả ngày Chủ Nhật, dòng người đi “bát phố” lũ lượt như trẩy hội; vừa đi
vừa ngắm nhìn phố xá của Sài Gòn.
Cũng từng đôi trai gái ấy, từng nhóm bạn trẻ ấy, dừng chân để vào
quán Brodard cửa kính sáng loáng; họ ngồi quán và ngắm-nhìn-lại dòng
người đang “bát phố” trên vỉa hè Catinat -tên trước của đường Tự Do,
đường Ðồng Khởi hiện tại.
Quán Brodard đặc biệt có sản phẩm bánh theo kiểu Pháp. Tiệm bánh
Brodard có mặt tại Sài Gòn từ thời Pháp thuộc, năm 1948; sản xuất các
loại bánh ngọt, bánh kem, bánh croissant, bánh paté chaud... theo kỹ
thuật, công nghệ sản xuất bánh của Pháp. Giới trẻ ngồi chật quán
Brodard; một thời gian sau, quán thiết kế tầng lửng ở trên để bày thêm
bàn ghế, vẫn đông nghẹt, người chậm chân không còn chỗ.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, chủ yếu khách vào quán Brodard là du khách
người nước ngoài, nhiều nhất là người Nhật và người Hàn Quốc. Ba, bốn
tháng trước vào quán Brodard, chúng tôi từng chuyện trò với chị Hanako,
làm việc ở một công ty Nhật Bản tại Sài Gòn. Chị bảo lúc trước chị
thường vào uống cà phê ở quán Givral “Thật đáng tiếc, cả khu Eden kiến
trúc đặc sắc Sài Gòn xưa bị phá bỏ, có quán Givral trong đó,” chị Hanako
nói vậy.
Bây giờ chúng tôi không còn cơ hội gặp chị Hanako dễ mến, khi quán
Brodard này cũng đã không còn nữa. Thương hiệu bánh Brodard vẫn hiện
diện ở Sài Gòn; có tới năm, sáu cửa hàng bán bánh Brodard, do công ty cổ
phần Bông Sen đảm trách. Thế nhưng sự tồn tại của quán Brodard là
chuyện khác.
Cửa hàng bánh Brodard ở đường Nguyễn Thiếp. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)
|
Ðã lâu rồi chúng tôi ngờ rằng, từ sự phá bỏ khu tứ giác Eden, trong
đó có quán Givral, không sớm thì muộn, quán Brodard cũng sẽ tiêu ma,
hay không còn là quán nữa thì cũng chẳng khác gì như vậy. Sự thật đã xảy
ra đúng như điều chúng tôi nghĩ.
Chị Hanako thích ngồi quán Givral; mất Givral, chị chuyển sang ngồi
quán Brodard, vì Givral-Brodard mang dấu tích Sài Gòn cũ. Người phụ nữ
Nhật Bản yêu thích Sài Gòn như vậy, đã thương tiếc cái đặc chất Sài Gòn
bị mất đi. Chị Hanako thương tiếc một, chúng tôi thương tiếc mười, Sài
Gòn mà chúng tôi đã sống hơn quá nửa cuộc đời.
Nguyen Dat/NV
No comments:
Post a Comment