Thursday, August 22, 2024

THIÊN THẦN LẠC LỐI

Kính chuyển đến quý AC một truyện hay (hay đối với tôi) vì nó làm tôi thấy thương sót và thông cảm với những phụ nữ vì  hoàn cảnh xã hội đã đẩy họ vào đường cùng và nó cũng giúp tôi nhớ lại lời  của một tác giả Pháp (mà tôi không nhớ rõ: có lẽ là của J.J Rousseau ??) do GS Lê Trung Nhiên trích dẫn hồi học Pháp Văn ở Trung học CVA với thầy: " L'homme est bon par sa nature, mais la societe le rend malheureux " ('nhân tri sơ tính bản thiện, nhưng xã hôi đã làm họ đau khổ' ! Tôi xin mạn phép được dịch là nhưng 'XÃ NGHĨA' đã làm họ đau khổ).

Kính chúc vui.

NTL

THIÊN THẦN LẠC LỐI
Posted by GLN
Vốn là một kỹ sư chế tạo máy, tôi nhận được một hợp đồng chế tạo một máy chẻ mây cho một công ty sản xuất thủ công mỹ nghệ mây tre đan thị xã Phụng Hiệp, người bạn giới thiệu hợp đồng cho tôi bảo:
- Công ty đang rất cần cái máy này, mày cố gắng giúp họ, mách nhỏ với mi điều này, chủ công ty là một phụ nữ còn rất trẻ và đẹp.
Biết đâu đấy..,nói đến đây, anh ta nháy mắt một cách đầy tinh quái. Phần cuối của câu nói làm tôi thêm háo hức. Chuyện.., đàn ông mà. Tôi quyết định xuống Phụng Hiệp.
- Thôi được, mai tao sẽ đi Phụng Hiệp mày đưa địa chỉ đây.
- Mày đi qua thị xã Phụng Hiệp theo quốc lộ 1 qua cầu độ 500m dãy nhà bên phải thì gặp ngay công ty PhongLan . Cô chủ công ty tên là Lan số điện thoại là…
Sáng hôm sau, tôi cởi ngựa sắt đi Phụng Hiệp. Hay thật, vừa đi tôi vừa ngẫm nghĩ:
"Tên tôi là Phong, tên chủ công ty là Lan, Công ty lại tên là PhongLan. Điềm lành chắc? Tôi vơ vẩn mỉm cười..."
Không khó khăn gì, tôi tìm được ngay công ty, sau khi hỏi thăm qua loa dân địa phương, ở đây ai cũng biết công ty này. Một công ty khá nổi tiếng. Tôi cứ hình dung đó phải là một công ty lớn lắm nhưng đến cổng công ty, tôi thất vọng tràn trề. Không hề có lấy một tấm bảng hiệu, một cái sân rộng mênh mông lát gạch tàu đỏ phơi đầy những sản phẩm mây tre mỹ nghệ. Một căn nhà ba tầng chắc vừa làm văn phòng vừa là nhà ở. Mấy dãy nhà cấp bốn bao bọc xung quanh khuôn viên. Trong sân, mấy cô gái đang khuân những chồng sản phẩm ra phơi nắng. Thế này mà cũng là một công ty, thậm chí còn là một công ty nổi tiếng? Tôi ngán ngẩm tự hỏi, hay mình nhầm?
Tiến đến một cô gái đang phơi sản phẩm tôi rụt rè hỏi :
- Cô cho tôi hỏi, đây có phải là công ty PhongLan không?
- Dạ đúng rồi, cô công nhân ngẩng lên nhìn tôi tươi tỉnh trả lời.
- Anh hỏi ai ạ?
- Tôi hỏi chị Lan, chủ công ty. Tôi là người đến nhận hợp đồng làm máy chẻ mây cho công ty.
- À ra vậy – cô gái đứng dậy.
– Mời anh vào đây, tụi em mong anh quá.
Cô gái dẫn tôi về phía căn nhà ba tầng, pha nước mời tôi rồi nói tiếp. – Chị Lan đi đón con. Anh ngồi đây đợi chị ấy. Chỉ một lát là chị ấy về ngay thôi.
“Chị ấy đi đón con”
Câu ấy như một gáo nước lạnh dội vào đầu tôi. Bố khỉ! Hôm nay mình ra ngõ gặp gái chắc. Tôi nhủ thầm.
Tôi ngồi xuống cầm chén nước cô gái mời nâng lên chưa kịp uống, thì một chiếc xe con đậu xịch trước cửa nhà. Một cô gái khoảng trên ba mươi một chút bước xuống.
Đẹp..., tôi thầm thốt lên. Không phải một vẻ đẹp mơn mởn đào tơ của những cô gái mười tám đôi mươi, ngây thơ nhí nhảnh mà là một vẻ đẹp đã đủ độ chín, đoan trang, dìu dịu. Không phải một vẻ đẹp khiến người ta khi nhìn thấy phải rạo rực mà một vẻ đẹp khiến người ta phải lắng lại với một cảm giác thanh bình.
Cô ta dắt theo một bé gái chừng chín mười tuổi gì đấy tiến về ngôi nhà.
- Chị Lan, chị có khách.
- Vậy hả em?
Cô chủ vừa hỏi, vừa bước vào trong nhà.
Tôi đứng dậy.
- Anh Phong...
Nhìn thấy tôi, cô ta đứng sững lại, thốt kêu lên. Cái túi xách trên tay rơi xuống đất.
Tôi cố lục tìm trong trí nhớ xem đã gặp cô ta ở đâu nhưng chịu không nhớ nổi.
- Anh không nhận ra em phải không? Em là con bé mười năm về trước đã gửi con cho anh ở bến Ninh Kiều đây mà.
- Ôi! Là em sao?
Tôi kinh ngạc kêu lên. Cô gái xúc động nước mắt đã dàn dụa.
- Vâng, là em đây.

***
Thời gian trôi nhanh thật, thoáng một cái mà mười năm đã trôi qua. Mười năm trước nhà tôi còn ở ngang bến đò sang xóm Chài. Tôi nhớ, đấy là một buổi tối cuối thu. Trời bắt đầu lạnh. Khoảng hơn chín giờ, tôi đi dạo chơi bến Ninh Kiều ven bờ sông Hậu . Ngồi ngửa người trên ghế đá, khoan khoái hít một hơi dài bầu không khí ẩm ướt trong lành mát rượi, Bỗng cảm thấy thèm thuốc, tôi đứng dậy đi qua tủ thuốc lá bên đường mua gói thuốc.
Một cô gái bế một đứa trẻ còn ẵm ngửa đang nói gì đó với cô gái bán thuốc lá tôi nghe không rõ. Tôi chỉ nghe thấy cô gái bán thuốc trả lời : -Tao chịu thôi. Bồng cho mày lại như đêm qua thì chết tao à.
Thấy tôi đi lại , hai cô gái im bặt. Tôi mua một gói thuốc, trả tiền, rồi quay lưng định đi thì cô gái bồng con rụt rè cất tiếng hỏi :
- Anh gì ơi
- Cô gọi tôi? –Tôi quay lại nhìn cô gái.
- Dạ! Cô gái ngần ngừ một lúc rồi mới hỏi :
- Có phải nhà anh ở ngang bến đò xóm chài không?
- Đúng rồi đó - tôi vui vẻ đáp – Cô cần hỏi gì?
Có lẽ thái độ tự nhiên, cởi mở của tôi làm cô gái mạnh dạn hẳn lên
- Anh làm ơn trông cháu dùm em một lúc được không? - Cô gái nhìn tôi với ánh mắt cầu khẩn. - Em có việc phải đi đằng này một chút. Chỉ một lúc thôi.
Thoáng chút e ngại nhưng rồi tôi cũng đồng ý vì tối nay tôi cũng chẳng bận bịu gì, Cô gái mừng quýnh trao vội đứa bé cho tôi rồi tất tả đi ngay. Hình như cô ta sợ tôi đổi ý.
Tôi bồng đứa bé lại ghế đá ngồi chờ. Một tiếng rồi hai tiếng trôi qua. Cô gái vẫn không quay trở lại. Tôi bắt đầu sốt ruột. Tôi bồng đứa bé lại chỗ cô bán thuốc lá hỏi:
- Này cô, mẹ cháu bé đi đâu mà đến bây giờ vẫn chưa thấy về ?
- Anh không biết con Lan đi đâu à?
Cô gái bán thuốc lá nhìn tôi với một ánh mắt đầy ngạc nhiên như thể tôi là người trên sao Hỏa đến không bằng.
- Mẹ con bé đi khách chứ còn đi đâu nữa.
- Đi khách? – Tôi kêu lên kinh ngạc. - Con còn đỏ hỏn thế này….?
Tôi nói đến đấy rồi không biết nói gì nữa. Mười một giờ đêm, đường xá đã thưa người qua lại . Thỉnh thoảng tôi lại thấy một vài cô gái trang điểm lòe loẹt đi lại lởn vởn dọc ven bờ sông . Hóa ra tất cả bọn họ đều là gái bán hoa. Bây giờ tôi mới hiểu. Trên đời này chỉ còn một thằng khờ duy nhất, có lẽ chính là tôi.
- Con bé cũng khổ.
Cô gái bán thuốc lá thở dài:
– Nó vốn là sinh viên quê ở Vị Thanh, ra Cần Thơ học rồi vớ ngay phải một thằng sở khanh, có chửa, thằng ấy chạy mất, còn nó phải nghỉ học, về quê thì không dám về, hai mẹ con vạ vật ở đất Cần Thơ làm nghề này để kiếm sống.
Sống mũi tôi cay sè. Trời càng về đêm càng lạnh. Tôi sợ con bé bị bệnh nên quyết định đưa con bé về nhà mình. Tôi bảo cô gái bán thuốc:
- Tôi phải đưa con bé vào trong nhà. Ngoài này lạnh quá con bé sẽ bệnh mất. Nếu mẹ nó về chị bảo mẹ nó vào nhà tôi đón con nhé. Tôi để đèn chờ.
Gần một giờ sáng cô gái mới gõ cửa nhà tôi. Thấy tôi, cô ta cúi mặt lí nhí nói lời xin lỗi. Tôi nhìn cô ta lắc đầu cố nén một sự vừa thương hại vừa kinh tởm.
- Bây giờ hai mẹ con cô về đâu?
- Dạ mẹ con em về chợ Xuân Khánh.
"Trời, chợ Xuân Khánh cách nhà tôi hơn năm cây số. Một giờ sáng rồi làm gì còn xe ôm. Chẳng lẽ tối nào cô gái cũng phải bồng con đi bộ hơn năm cây số về nhà? Trong tôi dâng lên một cảm giác thương xót khôn tả. Tôi dắt xe ra cửa bảo cô gái:
- Thôi để Phong đưa mẹ con Lan về .Tôi xưng tên để cô gái dễ gọi chứ cứ anh gì ơi hoài cũng kỳ.
-Dạ thôi anh Phong ạ, làm phiền anh nhiều quá, mẹ con em đi bộ về cũng được.
- Đi bộ thì đến sáng à, lên xe đi.
Tôi đèo hai mẹ con về ngôi nhà trọ. Một căn nhà cấp bốn người ta dựng để cho những người ngoại tỉnh thuê. Cô gái mở cửa, bật đèn mời tôi vào nhà.
Một căn nhà bé xíu, đồ đạc chẳng có gì nhưng được cái gọn gàng ngăn nắp. Cô lấy một cái ghế nhựa mời tôi ngồi và ngượng ngùng :
- Nhà em không có nước. Mà cũng chẳng có ly tách nữa, cô gái thú thật.
Tôi an ủi cô gái :
- Không sao đâu. Mà muộn lắm rồi, tôi cũng phải về đây.
Tôi đứng dậy chào cô gái ra về. Vừa bước ra khỏi cửa, đột nhiên cô gái bảo tôi :
- Anh Phong ơi, anh coi chừng giùm em con bé một lúc nữa cho em tắm ù một cái được không ?
Còn biết nói gì nữa, tôi đành quay trở lại ngồi xuống chiếc giường. Cô gái lấy quần áo ra ngoài sân vào buồng tắm. Tôi ngồi lơ đãng nhìn xung quanh nhà, tự nhiên tôi nhìn thấy một cuốn tập, tò mò.Tôi cầm lấy giở ra đọc, bên trong là các bài thơ của Nguyên Sa và Tô Thùy Yên được chép nắn nót với những dòng chữ rất đẹp, có hai câu thơ không biết tác giả:
"Cha phải ngừng tay rửa chén.
Mẹ dừng sách giữa chừng trang"
Được cô gái gạch dưới bằng những nét bút rất đậm, trên dòng gạch đó tôi thấy một vài vết hoen tròn nhỏ, tôi đoán là nước mắt.
Em khóc ư? Có phải câu thơ đã gợi lại cho em một giấc mơ về một gia đình yên ấm hay vì câu thơ đã làm em nhận ra cái tương lai mù mịt của con gái mình. Em khóc vì em hay em khóc vì con mình?
Tôi không biết. Nhưng dù bất cứ vì cái gì đi nữa thì em cũng là người còn biết khóc. Tâm hồn em chưa chai cứng. Con tim em chưa vô cảm. Nước mắt, thứ giúp ta phân biệt được phần người với phần thú vẫn còn trong em. Tôi cầm cuốn tập trên tay vơ vẩn nghĩ.
- Anh cũng thích thơ à?
Tiếng cô gái hỏi làm dứt đoạn dòng suy nghĩ, tôi ngẩng lên. Cô gái vừa trong nhà tắm ra, son phấn đã hết, trước mắt tôi hiện lên một khuôn mặt Thiên thần, trong sáng và dung dị.
Trời ơi, ai dám nghĩ rằng khuôn mặt Thiên thần kia lại là của một cô gái đứng đường. Tôi gật đầu mỉa mai:
- Ừ, hồi còn sinh viên tôi rất thích những bài thơ được chép trong tập.
- Thế anh thích nhà thơ nào nhất?
Tôi nhìn thẳng vào mặt cô gái.
- Tôi thích nhất nhà thơ Nguyên Sa và Tô Thùy Yên.
Cô gái cúi mặt nhìn xuống đất. Một khoảng yên lặng kéo dài. Tôi không thể chịu đựng được sự im lặng kinh khủng đó định từ biệt ra về thì cô gái ngẩng lên nhìn tôi. Mắt cô đanh lại
- Tôi biết anh nghĩ gì. Tôi biết, anh khinh bỉ tôi. Anh tưởng tôi muốn sống như thế này sao? Cô gái cười gằn, một nụ cười bất cần đời.
- Các người lớn tiếng rao giảng về đạo đức cho chúng tôi nhưng các người lại quên mất một điều là chúng tôi cần phải sống. Tôi làm gì đây ở đất Tây Đô này? Anh có thể cho tôi vay mười triệu để làm vốn không? Nếu có thể, tôi sẽ lập tức bỏ nghề này. Không chứ gì? Anh không có tiền mà nếu có tiền anh cũng không dám cho tôi vay. Đúng không? Vậy thì các anh đừng rao giảng nữa. - Cô gái dừng lại, nuốt nước bọt đánh ực một cái. - Tối nay tôi không có khách nên tôi không có tiền để trả cho anh. Nhưng tôi không muốn thiếu nợ anh. Tôi chỉ có thể trả nợ anh bằng thân thể của tôi thôi. Anh hãy nhận lấy đi.
Nói đến đây, cô gái lấy tay giật phăng chiếc áo mình đang mặc. Những chiếc cúc áo đứt tung. Tôi lên xe bỏ chạy.
Về đến nhà, tôi pha một ấm trà ngồi uống. Không uống được . Những lời cô gái nói cứ như những mũi kim xoáy vào đầu tôi.
Chao ôi! Sao tôi có thể có lúc thấy khinh bỉ em, thấy thương hại cho em? Kẻ đáng bị khinh bỉ, đáng bị thương hại lẽ ra phải là thằng tôi mới đúng. Một thằng đàn ông sức dài vai rộng, được học hành tử tế như tôi đã giúp được ai trong đời đâu. Có chăng chỉ là một chút thương đời vu vơ, chẳng đem một chút ích lợi gì. Còn em, em đã hy sinh cuộc đời mình cho đứa con của mình. Nếu em vứt bỏ đứa con của mình ngay sau khi đẻ như bao nhiêu cô gái đã từng làm thì chắc chắn rằng em đâu phải làm cái công việc nhơ bẩn này. Xinh đẹp như em lại có học. Nếu vứt bỏ đứa con, biết đâu với vẻ đẹp dịu dàng thiên thần của em, có khi em đã là vợ của một ông chủ giàu có từ lâu rồi. Đâu đã đến lượt tôi phải thương hại cho em. Ôi! Bọc ngoài của cô gái đứng đường, em thánh thiện biết bao.
Tôi nhìn lên trời về sáng. Thiên thần, người ở đâu? Phải chăng em chính là thiên thần bằng xương bằng thịt trên thế gian này? Nếu tôi có mười triệu. Nếu! Nếu! .... Không chịu nổi, Tối đến, tôi lại đi ra chỗ tối qua.
Tôi đi thẳng đến chỗ cô gái bán thuốc lá tối qua hỏi cô ta:
- Cô gái tối qua hôm nay không ra đây hả cô?
- Có đó anh .
- Cô gái chỉ tay về phía gần bến đò.
- Lúc nãy em thấy nó bồng con đi lại đằng ấy.
Tôi cám ơn cô gái và đi về phía cô gái chỉ. Tôi thấy em đang ngồi ở ghế đá nhìn ra ngoài sông. Chắc em không gửi con được cho ai. Tôi tiến lại. Ngồi xuống bên cạnh em.
- Em cho tôi xin lỗi. Tôi sai rồi. Tôi đã không nghĩ đến hoàn cảnh của em. Đúng là em không có sự lựa chọn nào khác. - Tôi không dám nhìn vào em. Tôi nhìn xa ra phía ngoài sông cười cay đắng. - Mà tôi cũng chẳng giúp gì được em cả. Tiền thì tôi không có. Tôi chỉ có mỗi một thứ, tình thương, thì em lại không cần. Thế này đi, Tối em cứ mang con vào nhà tôi, tôi sẽ trông giúp. Mình thỏa thuận thế nha. Em đưa con bé đây cho tôi.
Thế là từ đó tối nào tôi cũng coi chừng con bé cho mẹ nó đi khách. Được đâu chừng hơn hai tháng thì không thấy em xuất hiện ở bến Ninh Kiều nữa. Sau đó ít lâu tôi cũng chuyển nhà đi nơi khác. Bây giờ tôi gặp em ở đây.

****
Cô chủ lau những giọt nước mắt vẫn đang còn giàn giụa, em quay ra bảo với cô công nhân đã tiếp tôi.
- Em ra gọi tất cả mọi người vào đây cho chị.
Một lúc sau, mọi người đã tập trung đông đủ. Tất cả họ đều là những cô gái còn rất trẻ Cô chủ chỉ vào tôi giới thiệu với mọi người :
- Chị giới thiệu với các em. Đây chính là anh Phong, người mà chị vẫn kể cho các em.
Tất cả ồ lên một tiếng. Họ nhìn tôi với con mắt ngưỡng mộ làm tôi thật sự bị lúng túng. Tôi không biết em đã nói gì về tôi với họ . Nhưng cứ nhìn những ánh mắt của họ thì tôi biết, với họ, tôi cứ như ông bụt trong truyện cổ tích ngày xưa. Mà nào tôi đã làm được gì cho em đâu. Trong đám đông đột nhiên có một tiếng nói cất lên :
- Chị ơi! Liệu trên đời này có còn một anh Phong thứ hai nữa cho chúng em gặp được không hả chị?
Tôi nhìn về phía người hỏi. Một cô gái còn rất trẻ cũng trạc tuổi em ngày xưa. Cô bé nhìn tôi với một cặp mắt u buồn. Cô chủ mỉm cười trả lời:
- Chị không biết. Nhưng ít nhất thì em cũng gặp được chị rồi còn gì...
Tôi chợt hiểu, tất cả những cô gái này đều có số phận giống em ngày xưa. Hèn gì công ty của em tuy nhỏ nhưng đã nổi tiếng đến thế. Tôi vội vàng cải chính những điều em đã nói :
- Các cô đừng tin những gì cô chủ của các cô đã nói. Tôi chẳng giúp gì được cho cô chủ của các cô đâu. Được như ngày nay hoàn toàn là do nỗ lực của chính cô chủ của các cô. Không…..
- Không phải thế đâu các em ạ.
– Em cắt ngang lời tôi. -Các em có biết tại sao chị có thể từ bỏ được con đường cũ để trở thành như ngày nay không?
Em dừng lại, đưa mắt nhìn tất cả mọi người. Tất cả đều im lặng chờ đợi câu trả lời.
- Đó là vì một câu hỏi. Em nói tiếp.
- Một lần anh Phong đây đã hỏi chị “Em có nghĩ đến con gái em không? Chẳng lẽ em muốn con gái em treo trước cửa nhà mình tấm biển “Nghề điếm gia truyền” hay sao"?
Chính câu hỏi đó đã làm chị bừng tỉnh các em ạ. Giọng em trầm hẳn xuống.
- Tiền cũng quan trọng, nhưng tiền cũng chẳng giúp được gì nếu lòng tự trọng và trách nhiệm làm người không được đánh thức dậy trong mỗi con người.

*****
Những hôm sau, tôi lao đầu vào làm cho xong chiếc máy, Tôi làm nó hoàn hảo như món quà tôi có thể tặng em để chuộc lại những gì đã xát muối vào lòng em. Và cuối cùng, chiếc máy chẻ mây hoàn hảo đã hoàn tất. Ngày mai tôi lại trở về Sài Gòn với một cảm giác buồn vui lẫn lộn.
Tối hôm ấy, tôi nghỉ lại ở nhà em. Nửa đêm, tôi không ngủ được, Những hình ảnh của em mười năm về trước lại hiện về trong tâm trí. Đột nhiên có tiếng gõ cửa. Tôi đi ra mở cửa. Em bước vào, trên người choàng mỗi một chiếc khăn tắm lớn. Em vừa bước ra từ phòng tắm. Em nhìn thẳng vào tôi
- Anh! Bây giờ em có thừa đủ tiền để đền ơn anh nhưng như thế đối với em là không đủ. Anh không những đã cứu vớt cuộc đời em mà còn cứu vớt cả cuộc đời con gái em. Em nghĩ rằng chỉ có cách này mới xứng với lòng biết ơn của em đối với anh
Em buông tay, chiếc khăn tắm rơi xuống đất.
Một thân thể thiên thần từ đó đã trở thành một nửa không thể thiếu của cuộc đời tôi...

No comments:

Post a Comment