Bản thân Hổ là một sinh vật ăn thịt đứng đầu chuỗi thức ăn, là vị vua đúng nghĩa của rừng xanh.
Bản
thân Hổ là một sinh vật ăn thịt đứng đầu chuỗi thức ăn, là vị vua đúng
nghĩa của rừng xanh. Thiên nhiên ban tặng cho Hổ rừng già để săn bắn và
ngự trị từ nhiều triệu năm qua. Tuy nhiên sự phát triển quá nhanh của
chủng loài cai trị mới của thế giới, loài người, đã đẩy Hổ vào một cuộc
chiến đẫm máu không cân sức.
Kết
quả của cuộc chiến này là sự tổn thất về sinh mệnh cho cả hai chủng
loài, mà nặng nhất là hổ. Cho đến nay hổ đã ở bên bờ vực tuyệt chủng sau
nhiều năm tranh đấu cùng con người. Ấy vậy mà ngày nay từ rất nhiều
người vẫn sợ hổ ăn thịt người, do ảnh hưởng từ trong truyền thuyết và
sách vở.
Trên
thực tế, con người không phải là con mồi lý tưởng nhất của hổ và nó
cũng không quan tâm đến con người trừ khi người ta đi lạc vào lãnh địa
của nó. Đã từng có báo cáo hổ giết người xâm phạm lãnh địa của nó nhưng
không hề ăn thịt. Ngoài ra khi giải phẫu xác của những con hổ giết người
nổi tiếng trong lịch sử, người ta phát hiện rằng chúng đều là những con
hổ đã già, bị gãy răng, móng, và bị thương tật, khiến chúng không thể
nào săn bắt những động vật khác. Khi đó con người với dân số đông ven
bìa rừng và lại khá chậm chạp, trở thành món thay thế để đáp ứng nhu cầu
sinh tồn của nó.
Còn
một lý do nữa khiến hổ ăn thịt người là vào những năm chiến tranh (đặc
biệt là chiến tranh Đông Dương), các con hổ bị đạn pháo làm mất môi
trường sống và món mồi phổ biến của nó là tử thi của các chiến sĩ xấu
số. Khi đã ăn quen mùi, nó đương nhiên sẽ tìm bắt con người như một loại
thức ăn bổ sung mới.
Tuy
vậy các câu chuyện huyền thoại về Hổ dưới đây vốn đã đi vào lịch sử có
thể làm cho cuộc nói chuyện thâu đêm bên nồi bánh chưng của chúng ta
huyền bí và thú vị hơn.
Hổ xám thành tinh ở rừng Thạch Thành, Thanh Hóa
Theo
truyền thuyết của người dân Thạch Thành thời trước thì những con hổ khi
ăn thịt người nhiều thì cứ mỗi một mạng người trên tai nó sẽ xuất hiện
một nốt đỏ. Thời TK19 cho đến trước những năm 1960, vùng rừng Thạch
Thành Thanh Hóa xuất hiện một con hổ xám có hơn trăm nốt đỏ trên tai
tượng trưng cho số nạn nhân nó giết. Khu này có rất nhiều thợ săn hổ
thiện nghệ nhưng suốt cả trăm năm vẫn chưa ai có thể giết con hổ xám
này.
Do
tuổi thọ loài hổ khoảng 25 năm mà con hổ này hoành hành quá lâu nên dân
làng cho rằng nó đã thành tinh nên sống rất lâu không chết. Những nhân
chứng cho biết con hổ này có da lông màu vàng xám chứ không vàng đen như
những con hổ bình thường khác. Con hổ này được dân chúng địa phương thờ
làm Thần Hổ cho đến ngày nay. Dù rằng năm 1958, nó đã bị giết chết bởi 1
thợ săn nổi tiếng tên Trương Văn Tiện, mệnh danh là Võ Tòng, người vì
báo thù cho hai cháu gái đã quyết tìm diệt hổ dữ.
Là
thợ săn thiện nghệ, nên nhìn ánh mắt đỏ rực thành tia đó, ông Tiện biết
ngay là hổ. Ông tiến về phía bên phải tránh vật cản là bụi lau để quan
sát rõ hơn. Không phải đoán mò gì nữa, đó chính là thần hổ xám, con hổ
bị chột một mắt bởi thợ săn khét tiếng xứ Thành Yên.
Thần
hổ xám đã ăn thịt cả trăm người, giết chết 2 cô cháu gái yêu quý tuổi
mới 17-18 của ông Tiện. Biết đó là thần hổ xám, ông Tiện khá sợ hãi,
nhưng nghĩ đến mối thù, ông bình tĩnh hơn, tìm cơ hội giết thần hổ, trừ
hại cho dân.
Tiếng
súng nổ đinh tai, xé toạc màn đêm yên tĩnh. Tiếng hổ gầm khiến cả làng
Lệ Cẩm thức giấc. Khói súng tan, nhìn về phía bụi lau, không thấy màu đỏ
rực như hòn than của mắt hổ đâu nữa. Như vậy, phát đạn của ông đã trúng
mắt, xuyên vào đầu thần hổ xám.
Tuy
nhiên, quan sát kỹ lại, thì ông Tiện thấy khối xám xịt đang phi về phía
mình với tốc độ vũ bão. Ông Tiện quăng súng, rút cây lao, nhằm thẳng về
phía thần hổ khổng lồ đang đà lao tới, phóng một cú trời giáng.
Cây
lao xé gió, cắm phập vào ức hổ xám khổng lồ. Thần hổ xám như một đống
thịt khổng lồ, theo đà lao, cắm vào gốc cây lim già, nằm giãy đành đạch,
thở hồng học, máu tuôn xối xả.
Quyết
không để thần hổ xám có cơ hội nào, ông Tiện rút dao đâm thủng tim,
phổi, cắt đứt họng thần hổ xám. Thần hổ xám hôi rình nằm chết thảm khốc
trên vũng máu.
Ông
Tiện dùng dao cắt đứt đầu hổ, quăng xuống vũng Cồ Cáp. Ông đo bằng bước
chân, thấy mình hổ dài 4 bước, tức khoảng 4 mét. Đó là con hổ to chưa
từng có. Nó chính xác là thần hổ xám. Giết hổ xong, ông Tiện chạy về
làng báo với mọi người. Tuy nhiên, không ai dám vào rừng lúc trời đang
tối. Sáng hôm sau, phải đến 8 giờ, mọi người mới tổ chức vào vũng Cồ
Cáp.
Thế
nhưng, điều lạ lùng là không thấy xác thần hổ xám đâu, mà chỉ thấy vũng
máu đen sì. Mọi người nhảy xuống vũng nước mò, cũng không thấy đầu thần
hổ. Quanh vũng nước, có rất nhiều dấu chân hổ lớn, phải đến cả chục
con. Mọi người tin rằng, bầy hổ đã tha xác thần hổ xám đi nơi khác. Câu
chuyện diệt thần hổ xám của cụ Tiện có người tin, người không, nhưng có
một sự thực, là từ năm 1959 về sau, người dân khắp vùng Thạch Thành
không gặp thần hổ xám nữa, và cũng không có ai bị thần hổ xám ăn thịt.
(Trích bài viết “Thần hổ báo thù” của nhà báo Phạm Dương Ngọc)
Hổ ba móng chiến khu D miền Đông
Hổ
ba móng là một con hổ ăn thịt người nổi tiếng thời kháng chiến chống
Pháp khoảng năm 1948 ở chiến khu D, Đông Nam Bộ. Nó hoành hành ở hữu
ngạn sông Đồng Nai và đã vồ chết ăn thịt khoảng 128 người. Nó được xem
là con hổ sát nhân nhiều nhất trong tất cả các câu chuyện về hổ ở Việt
Nam. Con hổ này gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân vùng chiến khu D,
đến nỗi Ủy ban hành chính tỉnh Biên Hòa mất ăn, mất ngủ vì
nó và treo thưởng cao cho ai tiêu diệt được nó.
Đây
là một con hổ hung hãn và tinh quái chỉ có ba móng, xuất hiện sau trận
đánh La Ngà, có lẽ nó đã ăn quen xác tử sĩ và bản thân lại bị thương ở
chân nên chỉ có thể vồ người riết thành quen. Sau một thời gian dài
hoành hành, hổ ba móng đã bị một số người ở chiến khu D gài mìn vào xác mồi bẫy
và dùng súng tiêu diệt. Sau khi đo đạc, con hổ này dài đến 3m, nặng gần
200kg, phải đến 8 người mới khiêng nổi.
Con hổ cuối cùng ở rừng U Minh Hạ
Thời
khai hoang mở cõi, rừng U Minh là thiên đường của muông thú và dĩ nhiên
đó cũng là vương quốc của loài hổ. Người dân vùng này trong quá trình
khai hoang lập ấp phải tranh đấu sinh tồn rất khó nhọc nơi rừng thiêng
nước độc đầy dã thú và các loài thú dữ như mãnh hổ này.
Đến
nay câu ca dao: “Dưới sông đỉa lội, trên rừng hổ um” vẫn là hình tượng
sống động nhất để miêu tả về rừng U Minh thời xưa. Đến nay, người dân
nơi này vẫn còn kể lại cho nhau nghe câu chuyện về trận chiến với con hổ
cuối cùng của rừng già U Minh Hạ, với một phần tôn trọng và cũng một
phần nuối tiếc những ngày sống giữa thiên nhiên trù phú khi xưa khi chúa
sơn lâm giờ chỉ còn được thờ nơi miếu Hổ và trong các câu chuyện trà dư
tửu hậu.
Lần
đặt bẫy tóm Ông Chảng (tên con lợn rừng độc chiếc nặng 180kg, rất hung
dữ, do ông Ba Hiến, ba của thợ săn Tám Ảnh đặt), vô tình bẫy đã đóng
phải hổ con. Chiếc bẫy nghiến mạnh, nát bấy chân hổ con. Mấy ngày sau
ông Tám Ảnh mới vào rừng thăm bẫy, nên hổ con đã chết. Hổ mẹ nằm bên xác
hổ con gầm “cà um” vang động cánh rừng.
Anh
Tạ Văn Bình (Khánh Bình Tây, Trần Văn Thời, Cà Mau), con trai cố thợ
săn Tám Ảnh nhớ lại: “Ba tui kể rằng, khi vào rừng thu bẫy, thì nghe
thấy tiếng hổ cà um vang động cả rừng. Bầy chó săn hung dữ của ba tui
nghe tiếng hổ thì mất hết hồn phách, lủi sau lưng chủ. Tiến lại gần, ba
tui thấy hổ con đã chết. Hổ mẹ nằm canh xác con. Thấy ba tui, hổ mẹ đứng
dậy, mắt đỏ vằn nhìn ba tui. Con hổ đó thân dài 3 mét, nặng tới 2 tạ”.
Dù
đối mặt với hổ đã nhiều, giết hổ vô số, nhưng ông Tám Ảnh cũng cảm thấy
chờn chợn trước con hổ quá lớn này. Dù không cố ý, nhưng cái chết của
hổ con là do ông, nên ông đã chọn đường rút lui.
Vài
hôm sau, con hổ tìm đến cánh rừng ven ấp Tân Ân, nơi sinh sống của cha
con Tám Ảnh. Cứ đêm xuống, nó lại về sát ấp “cà um” vang động núi rừng.
Tiếng gầm của nó cất lên ai oán. Người dân sợ hổ không sao ngủ được. Cả
ngày lẫn đêm người dân đóng cửa ở trong nhà, không dám vào rừng, làm
rẫy. Biết rằng lỗi này do Tám Ảnh, nên dân làng kéo đến bắt vạ. Họ yêu
cầu cha con Tám Ảnh phải giết hạ con hổ này, nếu không sẽ phải chịu
trách nhiệm nếu ai đó bị hổ vồ.
Không còn cách nào khác, cha con thợ săn Tám Ảnh phải vào rừng đối mặt với con hổ dữ.
Chuẩn
bị đồ nghề kỹ càng, hai cho con Tám Ảnh chèo thuyền dọc mép sông Cái,
tìm vào nơi con hổ “cà um” suốt đêm. Hai cha con tính trực tiếp dùng
thân thể làm mồi, dụ con hổ ra khỏi rừng.
Thuyền
vừa cập bờ, chưa kịp đi tìm đối thủ, thì con hổ khổng lồ đã lừ lừ bước
ra từ bãi lau lác. Chỗ đó là mép sông, là bãi đất trống. Hổ săn mồi
thích nơi có lùm cây để ẩn nấp, tấn công bất ngờ, nhưng khi đùa giỡn,
hành hạ con mồi thì nó tìm nơi đất trống.
Chỗ
đất trống này rất hợp với nó. Có lẽ nó muốn kẻ thù phải chết trong đau
đớn. Nhưng với ông Tám Ảnh, chỉ chỗ đất trống mới phát huy được hết thế
võ hiểm. Vác giáo trong tay, ông Tám Ảnh nhảy phóc lên bờ, mặt đối mặt
với hổ. Hai kẻ gườm nhau tìm điểm yếu. Ông Ba Hiến cầm cây gỗ đứng dưới
thuyền, sẵn sàng nhảy lên hỗ trợ con.
Con
hổ nhìn đối thủ chừng 10 giây, thì đập đuôi, phóng thẳng lên không
trung chụp tới. Biết rõ hướng tấn công của nó, nên Tám Ảnh né sang một
bên, đồng thời vung lao vụt thẳng vào lưng hổ.
“Lẽ
ra cha tui có thể hạ nó ngay, nhưng ổng muốn táng vào lưng để cảnh báo
nó. Tuy nhiên, con hổ không bỏ chạy, mà càng hung dữ hơn, quyết ăn thua
với ba tui. Vậy nên nó phải mất mạng” – anh Bình kể lại.
Bị
vụt cú trời giáng vào lưng, con hổ đau đớn nên càng sôi máu. Nó lấy lại
thế và tấn công lập tức. Biết rằng không hạ hổ không xong, nên ông Tám
Ảnh quay mũi giáo. Hổ chụp tới, ông tránh sang bên, dùng hết sức bình
sinh đâm mũi giáo trúng nách hổ.
Cú
đâm cực mạnh khiến mũi giáo sắc nhọn xuyên lớp da hổ, thấu tim. Một
dòng máu đỏ tươi nóng hổi phụt thẳng vào mặt Tám Ảnh. Con hổ lảo đảo, đổ
kềnh xuống đất. Máu trào thành vũng. Cha con ông Tám Ảnh vần hổ xuống
thuyền chở về ấp Tân Ân. Dân ấp kéo đến xem xác hổ khổng lồ đông như
hội.
Anh
Bình bảo: “Sau vụ ấy, ba tui thề sẽ không bao giờ giết hổ nữa. Thế
nhưng, ba tui bảo, sau vụ đó, ổng chẳng gặp thêm con hổ nào. Có lẽ đó
cũng là con hổ cuối cùng của U Minh Hạ”.
Minh Bảo
No comments:
Post a Comment