webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:zAObHfcuZiY...
Phần I
Tại
phiên họp ở Bạch ốc ngày 25 tháng 10, 1963, xếp lớn của Conein là
McCone, Giám đốc CIA, tỏ vẻ lo lắng Conein quá “hiển hiện” (overt), vì
ai cũng biết anh ta là CIA. Bộ trưởng Quốc phòng McNamara than phiền,
“chúng ta giống như một bọn tay mơ. Chúng ta đang mưu sự với một đại sứ
quá chú trọng tới báo chí và một người Pháp không bình thường”, ý nói
Conein. Bộ trường Tư pháp Robert Kennedy muốn cắt đứt mọi liên lạc giữa
tòa đại sứ với các tướng lãnh mưu đảo chánh, nhưng rõ ràng là điều này
không thể được. Cuối cùng, Tổng thống John Kennedy kết luận là Hoa Kỳ
không còn lựa chọn nào khác, Conein là đường giây liên lạc duy nhất. Một
điện tín đã được gửi từ Washington tới tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, lưu
ý Đại sứ Lodge theo dõi sát Conein, và đừng để đại sứ quán liên hệ quá
mật thiết với cuộc đảo chánh.
Đoạn trên đây được dịch từ cuốn
Why Vietnam Matters, một trong những tài liệu mới nhất về biến cố
1-11-1963 của cựu nhân viên tình báo Mỹ Rufus Phillips, xuất bản năm
2008 (1). Theo hồi ký của Phillips, Conein là người đã có vai trò quan
trọng trong biến cố làm thay đổi cả cục diện lịch sử Việt Nam. Nhưng từ
mấy chục năm nay, mỗi năm vào dịp kỷ niệm đầu tháng 11, Conein thường ẩn
hiện trong các bài viết như ma chơi, không rõ ràng đầy đủ. Nhờ các tài
liệu mới, như cuốn sách của Rufus Phillips, mà tác giả chính là người
làm việc chung với Conein tại Việt Nam trong nhiều năm, cũng như dựa vào
cuộc phỏng vấn Conein của hệ thống TV/Radio WGBH, người viết xin ghi
lại sau đây những sự kiện mới được biết về Conein.
Cuộc đời ngang dọc
Lucien
Conein là một người khá đặc biệt, đầy mâu thuẫn, và liên hệ tới nhiều
chuyện thực hư khó phân biệt. Là người Pháp, từng chiến đấu cho nước
Pháp, nhưng cũng phá Pháp tại Sài Gòn để bảo vệ ông Diệm. Là người từng
hợp tác với Việt Minh chống Nhật, rồi lại phá Việt Minh sau Hiệp định
Genève. Là người cùng với Lansdale giúp ông Diệm củng cố chế độ, rồi sau
lại giúp các tướng đảo chánh lật ông Diệm. Là thành viên danh dự của
“Thân hữu đảo Corse” (Corsican Brotherhood) một “xã hội đen” nổi tiếng
hơn cả Mafia về những hoạt động phi pháp, nhất là buôn ma túy, nhưng
được cử đứng đầu cơ quan chống ma túy của chính quyền Mỹ. Là người được
thưởng nhiều huy chương cao quý, khi chết được mai táng theo đúng lễ
nghi quân cách tại nghĩa trang quân đội Arlington, nhưng cũng có tin đồn
đã dự phần trong mưu đồ ám sát Tổng thống Kennedy.
lucienconein
Chân dung Lucien Conein vào khoảng Đệ Nhị Thế Chiến
Ra
đời tháng 11 năm 1919 tại Paris, lên 5 tuổi, Lucien mà về sau thường
được gọi là Lou Conein, hay chỉ vắn tắt là “Lou”, được mẹ góa gửi sang
Mỹ cho bà dì trông nuôi. Dì là chị em ruột của mẹ lấy một quân nhân Mỹ
sang phục vụ tại Pháp hồi Đệ nhất Thế chiến. Conein vẫn giữ quốc tịch
Pháp, sống với dì và lớn lên tại Kansas City, tiểu bang Missouri. Ngay
từ nhỏ, Conein đã tỏ ra nghịch ngợm, phá phách. Thời trung học, Conein
có người bạn thân nhất được bố cho dùng xe hơi, nhưng với điều kiện chỉ
được đi 20 miles một tuần, căn cứ vào đồng hồ odometer. Conein thường
phá lệ bằng cách lái xe giật lùi đi quanh thành phố.
Năm 1939, Đệ
nhị Thế chiến bùng nổ, Conein xin gia nhập quân đội Pháp, trở về chiến
đấu trên đất Pháp. Khi quân của Hitler xâm chiếm Pháp, Conein trở lại
Mỹ, gia nhập quận đội Hoa Kỳ, và nhờ biết tiếng Pháp, được chuyển sang
cơ quan tình báo chiến lược OSS (Office of Strategic Service). Năm 1944,
Conein được huấn luyện nhảy dù, nhảy xuống mặt trận Phi châu, có căn cứ
ở Algiers, giúp phe kháng chiến Pháp chống Đức. Tại Algiers, Conein có
đứa con đầu tiên, và người vợ đầu tiên là một phụ nữ Pháp.
Trong
thời gian giúp kháng chiến Pháp, Conein làm viêc chung với “xã hội đen”
Corsican Brotherhood, và trở thành thân thiết với nhiều người gốc đảo
Corse.
Khi Hitler tự tử và Đức đầu hàng vào mùa Hè năm 1945,
Conein được gửi sang Đông Dương để tổ chức đánh Nhật. Thời gian này,
Conein đã hợp tác với Việt Minh. Có nguồn tin nói rằng anh ta đã gặp cả
Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp.
Theo Rufus
Phillips, Conein nhận rằng mình là người Mỹ đầu tiên vào Hà Nội sau Đệ
nhị Thế chiến, sau khi ông nhảy dù xuống chiếm giữ một phi trường trong
tay người Nhật. Theo tướng Trần Văn Đôn, tác giả quyển Việt Nam Nhân
Chứng, ông đã gặp Conein ở Hà Nội năm 1946: “Ông ấy nói với tôi rằng ông
ta là người lái xe Jeep đầu tiên vô Hà Nội ngày 6-3-1946.”
Năm
1951, Conein được gửi sang Tây Đức, lập cơ sở tình báo ở Nuremberg để
hoạt động tại các nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc. Công tác này không
đem lại nhiều kết quả.
Phá Cộng tại miền Bắc
Năm 1954,
Conein là người thứ nhì trong nhóm Lansdale được cử sang Sài Gòn giúp
chính quyền Nam Việt Nam sau Hiệp định Genève. Cảm tưởng của Rufus
Phillips khi gặp Conein lần đầu là ấn tượng về một người bề ngoài có vẻ
nguy hiểm, lúc nào cũng như muốn nổi giận; mắt xanh, lông mày rậm, ăn
nói thô lỗ, tục tằn. Bao giờ cũng mở đầu đối thoại với Lansdale bằng một
câu chửi thề, tiếp theo là “Ông chẳng biết cái cứt gì đang xảy ra cả”,
sau đó mới nói tới công việc.
Nhưng đôi khi, Conein cũng tỏ ra
hiền lành, dễ thương. Phillips kể: Vào một buổi chiều Chủ nhật năm 1955,
anh ta đã biểu lộ một khía cạnh khác, khi một nhóm người Việt được mời
tới dùng bữa trưa và bơi lội tại căn nhà chúng tôi mướn có hồ bơi. Tôi
ngạc nhiên thấy “Lou” dưới hồ bơi, nhấc bổng đám trẻ cho ngồi trên vai
anh và ném chúng xuống nước, giữ gìn không làm chúng sợ. Anh cười đùa,
nô giỡn với tụi trẻ. Tôi cảm động trước cử chỉ của anh ta đối với trẻ
con và rõ ràng là anh ta vui vẻ hồn nhiên.
Trung Tá Edward
Lansdale tới Sài Gòn ngày 1 tháng 6, 1954, trước khi ông Diệm được mời
làm thủ tướng ngày 16, và về Sài Gòn ngày 26 tháng 6. Lansdale đứng đầu
nhóm một chục người, gọi là phái bộ quân sự Mỹ tại Sài gòn (Saigon
Military Mission – SMM). Lucien Conein đến Sài Gòn ngày 1 tháng 7, 1954.
Trong hồi ký In the Midst of Wars, xuất bản năm 1972, Lansdale viết:
“Thiếu tá bộ binh Lucien Conein đã phục vụ trong đạo quân Lê dương nước
ngoài cho đến khi nước Pháp bị thất thủ năm 1940, sau đó gia nhập OSS
của Mỹ để làm việc với Kháng chiến Pháp; và vào thời gần kết thúc Đệ nhị
Thế chiến ông đã nhảy dù xuống Việt Nam để giúp du kích quân chống
Nhật. Là một quân nhân nhảy dù ăn nói bặm trợn, ông ta đã dậy tôi nhiều
điều về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1944-1945, những bài học mà tôi đã
phải thận trọng rút ra từ những câu nói đầy những lời chửi thề tục tằn
tôi chưa từng bao giờ được nghe phát ra với giọng điệu mạnh dạn như
vậy.” (tr. 162).
Sau Hiệp định Genève chia cắt Việt Nam, Lansdale
chia phái bộ SMM thành hai nhóm, một nhóm do Lansdale trực tiếp chỉ
huy, hoạt động giúp chính quyền tại miền Nam đối phó với tình hình. Nhóm
kia dưới quyền chỉ huy của Conein, làm những công việc về người di cư
tại miền Bắc. Lansdale không nói rõ Conein làm gì, nhưng trong cuốn
Edward Lansdale, The Unquiet American xuất bản năm 1988, Cecil Currey
viết: Trông nom làn sóng người di cư chỉ là một phần công việc để che
dấu những việc làm của Conein và những người trong nhóm của anh ta.
“Công việc thực sự của họ gồm hai phần: một là thiết lập một tổ chức bán
quân sự tại chỗ ở miền Bắc để sẵn sàng hành động khi Việt Minh tiếp thu
từ tay Pháp, và hai là phá hoại. Conein lập căn cứ ở Hà Nội, và chi
nhánh ở Hải Phòng.” (tr. 157)
Về tổ chức bán quân sự, có hai nhóm
đã được thành lập, một nhóm mang tên “Binh”, gồm 13 người, phần lớn
được tuyển lựa từ thành viên các đảng phái quốc gia, được đưa ra ngoài
bằng cảng Hải Phòng, gửi đi huấn luyện tại căn cứ huấn luyện của CIA tại
đảo Saipan. Nhóm thứ nhì gồm 21 người, mang tên “Hao”, được tuyển lựa
tại Sài Gòn, lên tầu ngày 23 tháng 11, 1954, cũng tới Saipan để được
huấn luyện. Sau đó, cả hai nhóm được mang vào bố trí tại miền Bắc, trước
thời hạn Việt Minh kiểm soát toàn thể phía Bác vĩ tuyến 17. Trong khi
đó, nhóm của Conein cũng phụ trách việc chuyển tám tấn rưỡi đồ tiếp liệu
và vũ khí vào chôn dấu cho các nhóm bán quân sự sẽ sử dụng sau này.
Trong số này có 14 radios, 300 súng carbines, 90 ngàn đạn súng trường,
50 súng ngắn với 10 ngàn viên đạn, và 300 cân (pounds) chất nổ.
Cho
đến khi Việt Minh tiếp thu Hải Phòng vào ngày 16 tháng 5, 1955, cả hai
toán Binh và Hao đã được bố trí xong. Conein nói trong cuộc phỏng vấn
dành cho Cecil Currey ngày 24 tháng 6, 1985 rằng “Tôi có trách nhiệm lo
cho những cơ sở này sinh tồn. Điều này khiến tôi rất bận rộn. Họ đã được
bố trí khi chúng tôi ra đi…. Nhưng họ đã không tồn tại quá hai năm
trước khi bị tiêu tùng”. Sau này, theo Lansdale, vì ông ta rời VN vào
năm 1956, số phận của hai nhóm bán quân sự tại miền Bắc trong tay CIA,
và họ đã làm hỏng.
Về công tác phá hoại, cũng trong cuộc phỏng
vấn nêu trên dành cho Currey, Conein nói rằng ông ta đã chuẩn bị nhiều
mục tiêu định phá ngay trước khi quân Pháp ra đi, nhưng vì vẫn còn một
phái bộ nhỏ của MAAG và lãnh sự quán Hoa Kỳ không ra đi cùng ngày với
Pháp, nên kế hoạch phải hủy, để không liên lụy tới Mỹ. Vẫn theo Conein,
chỉ có hai vụ “chơi bẩn” đã được thi hành, một là pha một loại acid vào
dầu máy xe bus chạy trong thành phố, khiến xe không hỏng ngay, nhưng bị
hư hại dần dần. Vụ thứ nhì là trộn “than nổ” với than chạy máy xe lửa,
khiến đầu máy bị nổ. Conein nói vậy thì biết vậy, nhưng sự thật chưa
chắc đã như vậy. Ví dụ, nếu người viết không nhớ lầm, phương tiện giao
thông công cộng tại Hà Nội vào năm 1954, ngoài xích lô đạp, chỉ có tầu
điện, không có xe bus, cũng không có taxi.
Phá Pháp phò Diệm
Sau
công tác miền Bắc, Conein trở lại Sài Gòn, làm việc với Lansdale. Theo
Rufus Phillips, có lần tin tức của Conein đã giúp ông Diệm thoát chết.
Tác giả Why Vietnam Matters kể rằng, vào thời gian hưu chiến trong trận
đánh giữa Bình Xuyên và quân chính phủ của Thủ tướng Diệm cuối tháng Ba
1955, “Lansdale có một cuộc họp khẩn với các viên chức làm việc trực
tiếp với ông. Conein tới trễ và phát biểu sau cùng. Với thái độ bình
thường mọi ngày, nói rằng qua tin tức từ những người bạn gốc Corse, ông
biết có một âm mưu ám sát ông Diệm bằng chất nổ, trái bom đã được đặt
trên con đường ông Diệm sẽ đi qua trong vài giờ nữa. Lansdale tái mặt.
‘Tại sao anh không cho tôi biết sớm hơn?’ Conein vẫn trả lời như thường
lệ: ‘Tại vì ông có hỏi tôi đâu?’ Lansdale vội vàng chạy vào dinh báo cho
ông Diệm biết.”
Chân
dung Tổng Thống Ngô Đình Diệm trên bìa Time Magazine (5 tháng 4, 1955)
với lời điểm “Thời cơ đã muộn, tình thế [lại] bấp bênh” (“The hour is
late, the odds are long”)
Vào thời gian “hỗn quân hỗn quan” của
Sài Gòn đầu năm 1955, trước khi vĩnh viễn từ biệt thuộc địa, quân Pháp
còn quậy khá ồn ào, kể cả đàn áp tinh thần đám người Mỹ bắt đầu bước
vào. Nhiều trái bom đã nổ, từ chuyện phá thư viện Mỹ đến xe người Mỹ sử
dụng. Qua những nguồn tin của Conein, nhóm Lansdale biết rằng người của
Đại tá Carbonel, Trưởng nhóm TRIM (Training Relations Instruction
Mission – Phái bộ huấn luyện hỗn hợp Pháp Mỹ) đã liên hệ tới các vụ nổ
bom chống Mỹ này. Lansdale họp nhóm, tuyên bố tình hình đã đến lúc phải
chấm dứt. Phillips kể:
Chiều hôm ấy, khi ghé qua trụ sở, như tôi
vẫn thường làm để liên lạc với anh em trong nhóm, thấy chẳng có ai ngoại
trừ Conein đang một mình trong bếp. Trước mặt anh trên bàn bếp là những
thỏi chất nổ plastic C-3, ngòi nổ mầu cam, kíp nổ, một hộp nắp đậy, và
những cuốn băng ma sát. Conein lẩm bẩm chửi thề, vừa tiếng Pháp, vừa
tiếng Anh – “salauds, espèces de con, bastards, goddamn son of bitches,
assholes” – trong khi cắt những thỏi C-3, bọc chúng bằng ngòi nổ và băng
ma sát, ấn nắp đậy vào những chỗ cắt để kíp nổ rồi gắn kíp nổ với nắp
đậy vào ngòi nổ bọc chung quanh C-3. Ngạc nhiên, tôi hỏi anh ta đang làm
gì vậy. “Việc đéo gì đến anh; không thấy những của quỷ này giống cái gì
à?’ là câu trả lời của anh. Tôi hỏi liệu tôi có giúp gì được không. Anh
đưa cho tôi con dao và bảo tôi cắt những thỏi C-3 còn lại thành những
miếng dài khoảng 12 phân rồi dán những ngòi nổ vào, giống như những
miếng khác. Không ai trao đổi thêm một lời. Chúng tôi làm việc trong im
lặng, trừ những loạt chửi thề, cho đến khi tôi làm xong. Tôi hỏi anh có
chắc là không cần tôi nữa, Conein lại xổ nho “không, đồ khốn kiếp, cút
mẹ nó đi cho được việc. Coi như không hề nhìn thấy những thứ này, nghe
không!” Tôi đi.
Sau nửa đêm, Conein chở vị hôn thê Elyette
Brochot, không nói rõ mục đích, lái xe qua các đường phố Sài Gòn. Anh
đưa cho nàng những thỏi chất nổ để trên đùi. Trước tiên, Conein đến nhà
Đại tá Carbonel, rồi nhà của những đầu xỏ khác. Elyette (sau thành vợ
thứ ba của Conein) đưa anh trái bom do chính anh đã làm. Anh đốt bằng đồ
châm thuốc lá, rồi tung qua tường vào vườn mỗi nhà. Trái nổ cuối cùng
ném vào vườn nhà đại sứ Pháp. Hôm sau, có than phiền gửi tới tòa đại sứ
Mỹ, nhưng rồi phía Pháp ngậm tăm, vì cùng ngày cảnh sát VN đã bắt được
một số sĩ quan cấp dưới của Pháp, trên một xe Jeep có chở chất nổ và một
danh sách các mục tiêu Hoa Kỳ. Vụ nổ bom chấm dứt.
Sau khi
Lansdale về Mỹ vào cuối năm 1956 do bất đồng ý kiến về vai trò của Đảng
Cần Lao, có tài liệu cho biết Conein trước khi về Mỹ đã làm việc với
William Colby vào cuối thập niên 50, lo huấn luyện các biệt kích người
Thượng ở cao nguyên. Khoảng 1962, Lucien Conein trở lại Việt Nam, đóng
vai cố vấn cho Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương, là Tổng ủy Di cư thời
54-55 mà Conein đã quen biết. Conein và ông Lương là hai con người với
hai nếp sống hoàn toàn khác nhau. Tuy không đến nỗi xung khắc, nhưng
phải đi theo Bộ trưởng Lương trong những cuộc kinh lý, nghe những buổi
nói chuyện dài buồn tẻ, Conein phát chán. Có lần anh đã phải viết trên
một mẩu giấy nhỏ, lén đưa cho ông Lương, nhắc nhở: “Tuyên ngôn Độc lập –
500 chữ, Diễn văn tại Gettysburg – 200 chữ, nói ngắn thôi.” Nhưng Lou
than với Phillips “Chẳng ăn thua mẹ gì cả.”
Liên hệ đảo chánh
Theo
tác giả Việt Nam Nhân Chứng là Tướng Trần Văn Đôn: “Sau lệnh thiết quân
luật 20-8-1963, ông ấy (Conein) thường đến gặp tôi nhưng tôi dè dặt
không tiết lộ điều gì, chỉ cho biết quân đội không tham gia việc tấn
công chùa.”
Theo cuộc phỏng vấn của WGBH (Đài TV và Radio ở
Boston, thành viên của hệ thống PBS – Public Broadcasting Service) ngày 7
tháng 5, 1981, Conein đã chú ý tới ý hướng phản kháng trong giới tướng
tá từ đầu tháng Bảy. Trong cuộc tiếp tân nhân dịp Quốc Khánh Mỹ 4 tháng 7
tại nhà Đại sứ Hoa Kỳ, có đông đủ tướng lãnh VN tham dự, Conein nghe
nói và được mời đi với họ tới một hộp đêm ở dưới hầm khách sạn
Caravelle. Qua câu truyện trong cuộc gặp gỡ này, Conein “đánh hơi” thấy
khuynh hướng chống đối chế độ của các tướng.
Vụ tấn công chùa đêm
20 tháng Tám nhằm mục đích củng cố chế độ đã gây hậu quả trái ngược. Có
thể nói chính kế hoạch tai hại này đã làm nảy sinh kế hoạch đảo chánh.
Trên đường đến Việt Nam nhậm chức, Đại sứ Cabot Lodge định ghé thăm
Tokyo, Manila, Singapore rồi mới tới Sài Gòn. Nhưng vừa tới Nhật, đang
đêm ông Lodge nhận được điện tín khẩn từ Washington, yêu cầu phải tới
ngay Sài Gòn để đối phó với tình hình khẩn trương vì vụ tấn công chùa.
Ông
tới Sài Gòn chiều 22 tháng 8. Ngay hôm sau, hai phụ tá thân tín nhất
của ông là Freddy Flott và Mike Dunn yêu cầu gặp khẩn cấp Rufus
Phillips, hiện đang hoạt động trong lãnh vực bình định nông thôn. Lý do
gặp gỡ là trước khi đi Việt Nam, ông Lodge được Lansdale cho biết Rufus
Phillips quen nhiều người Việt, nên muốn Phillips cho biết một cách
trung thực thái độ của người Việt như thế nào đối với tình hình sôi động
lúc bấy giờ. Phillips hỏi đã tham khảo ý kiến CIA chưa. Rồi, nhưng CIA
không phải là người Việt, ông Lodge muốn biết rõ quan điểm từ phía người
Việt. Phillips hứa làm điều này, cam đoan không thêm bớt hay thiên vị.
Ngay chiều hôm ấy, Phillips gọi đến nhà ông Lê Văn Kim, nói truyện với bà Kim, hẹn gặp ông vào buổi tối.
Những
“người Việt” của Phillips chỉ có ba người là các ông Nguyễn Đình Thuần,
Lê Văn Kim, và Bùi Diễm. Tuy bề mặt, ba người này có thể coi như đại
diện cho ba khuynh hướng khác nhau: Ông Thuần, Bộ trưởng Phủ Tổng thống
kiêm Bộ trưởng phụ tá Quốc phòng, tiếng nói của những người thân tín ông
Diệm, phe cầm quyền. Ông Bùi Diễm, một chính khách đối lập, đảng Đại
Việt. Tướng Kim là tiếng nói quân đội. Nhưng trên thực tế, tiếng nói của
ba người này là một.
Các Tướng Kim, Đính, Đôn, Vỹ và Xuân vào thời gian bị quản thúc tại gia ở Đà Lạt (14 tháng 9 năm 1964)
Ông
Kim là người thân của Tướng Minh và Tướng Đôn. Theo Tướng Đôn viết
trong Việt Nam Nhân Chứng: “Lê Văn Kim trước kia là bạn, về sau trở
thành em rể của tôi. Ông Kim là đầu não tổ chức đảo chánh. Tôi gặp Thiếu
Tướng Kim ít nhất mỗi tuần một lần. Chúng tôi là anh em nên gặp nhau ít
bị nghi ngờ. Sau ngày thiết quân luật, Thiếu Tướng Kim là liên lạc giữa
tôi và Trung tướng Dương Văn Minh.”
“Năm 1955, ông Kim tiếp thu
Bình Định mà không phải nổ một tiếng súng. Người Mỹ sát cánh với ông Kim
lúc đó là Ruph Philip (sic) (đúng ra là Rufus Phillips), phụ tá của Đại
Tá CIA Lansdale. Ông Kim cũng là người thân với Bùi Diễm. Ba người này
tiếp xúc với nhau lo về mặt chính trị.”
Với quan điểm của những người Việt trên đây, chẳng cần ai xuyên tạc hay thêm bớt, cũng đủ đưa anh em ông Diệm tới chỗ chết.
Best but not brightest
Trong tác phẩm Ký nổi tiếng The Best and the Brightest, nhà báo lớn David Halbertstam từng được giải Pulitzer viết:
Tướng
Dương Văn Minh, khuôn mặt nhà binh được kính trọng nhất tại Nam Việt
Nam, người thân cận với nhóm Lansdale từ những ngày đầu khi ông giúp
đánh dẹp đám Bình Xuyên, đã tiếp xúc với người bạn cũ của ông là Lou
Conein, và hỏi xem có nói chuyện được không. Conein đã ở Việt Nam 18
năm, hầu hết với CIA; ông ta đã là một trong những người Mỹ đầu tiên
nhảy dù xuống vào hồi cuối Thế Chiến II. Ông ta biết giới quân sự không
cộng sản rất rõ, vì theo như lời kể của ông, họ là những người chính ông
đã tuyển mộ. Sắc sảo, thô lỗ, hay thêu dệt, ông ta giống một phiên bản
Mỹ của lính nhẩy dù Pháp, một người mọc lên từ mầm mống mạo hiểm gay
cấn. Ông ta biết đất nước và con người, và ông ta đùa giỡn với hiểm
nguy, chính hiểm nguy làm cho cuộc đời hứng thú hơn. Một bàn tay thiếu
hai ngón tay, và truyện bàn tán khắp Sài Gòn về tại sao những ngón tay
bị mất đó, chẳng hiểu do nguyên nhân cao cả hay không; những nhà báo
biết rõ Conein thích ông ta và trong sổ điện thoại luôn ghi ông ta với
biệt danh “Brown Ba-ngón”, theo tên nhà thể thao bóng chầy Mordecai
Brown. Vị Tư lệnh Hoa Kỳ ở Sài Gòn khinh thường ông; ông bị nghi ngại
rằng đã ở đây quá lâu, quá gần gũi với địa phương; ông ta bốc đồng,
không đáng tin, chơi trò nguy hiểm – thứ nguy hiểm nhất. Ông ta cũng là
một trong số rất ít người Mỹ có được sự tin cậy của giới quân sự Việt
Nam, người coi thường Harkins và coi Harkins như Nhu nối dài (sau này,
khi việc mưu sự với các tướng Việt Nam sâu đậm hơn, Bạch ốc đánh điện
cho Lodge gợi ý nếu kiếm được người nào đáng kính hơn Conein thì tốt
hơn, và Lodge trả lời đồng ý, nhưng không thể tìm được ai thay thế, và
Tướng Trần Văn Đôn đã “tỏ ra cực kỳ ngần ngại trong việc mưu tính với
bất cứ ai khác’) (tr. 286-287).
Lời tường thuật của nhà báo hàng
đầu nước Mỹ đối chọi với những dữ kiện trong quyển Why Vietnam Matters.
Theo Rufus Phillips, không phải Tướng Minh kiếm Conein, mà ông Lodge nhờ
Phillips giới thiệu Conein với Tướng Kim, để ông Kim giới thiệu với
Tướng Minh.
Chú thích:
1. WHY VIETNAM MATTERS, An
Eyewitness Account of Lessons Not Learned (Tại sao Việt Nam Có Tầm Quan
Trọng, Một Hồi Ký Nhân Chứng về Những Bài Học Chưa Thông Suốt) của
Rufus Phillips, do Naval Institute Press xuất bản năm 2008 (trang 202).
Nguồn
gốc của đoạn này: Tape recording of White House meeting, Oct.25, 1963,
JFKL, Presidential Recordings Collection, Tape 117 A53 (Cassette 3 of 3)
– ghi chú của Rufus Phillips (tr. 344).
No comments:
Post a Comment