Người Đi Tìm Quá Khứ Giao Chỉ đọc hồi ký Kiều Chinh
(Đoạn mở đầu viết lúc chưa đọc sách, đoạn sau viết sau khi đọc sách)
Nhà xuất bản nổi tiếng của Hoa Kỳ
Barnes and Noble vừa phát hành cuốn hồi ký 500 trang của Kiều Chinh.
Giới văn chương Mỹ gọi cô là nghệ sĩ lưu vong. Tra cứu trên Internet
chúng ta thấy bản văn Anh ngữ nhà Barnes khen ngợi
tác giả. Bản văn Việt Ngữ khen ngợi cô Kiều Chinh do nữ đại úy Phan của
quân lực Mỹ viết. Cuốn hồi ký đặc biệt này đã ghi bán 30 đồng giấy
thường và sách bìa cứng giá 40 đồng. Đại úy Phan là nữ quân nhân trẻ
hiếm có đọc được cuốn hồi ký tiếng Việt đã ước mong
rằng sẽ có phiên bản Anh Ngữ sớm phát hành. Trong cộng đồng Việt Nam
cũng đã có khá nhiều hồi ký chính trị của các nhà lãnh đạo và các nhân
vật nổi tiếng trong trường văn trận bút. Nhưng rất hiếm những cây bút nữ
lưu Việt Nam viết hồi ký văn nghệ. Trong giới
điện ảnh thì chỉ có riêng Kiều Chinh. Đã có nhiều tác giả viết về con
người thường được coi là đệ nhất minh tinh của màn ảnh miền Nam Việt Nam
từ sau cuộc di cư 1954. Bây giờ đến lượt Kiều Chinh viết về mình. Xem
ra có phần muộn màng. Một số lớn khán giả của
cô không còn nữa. Chẳng còn Mai Thảo để điểm sách hay Nguyên Sa để đọc
thơ. Ngay như bạn ta Bùi Bảo Trúc cũng chờ đợi mãi không được, đành bỏ
đi. Đặc biệt các danh tài văn nghệ nữ giới dù cao niên bao nhiêu các
khán giả muôn đời vẫn thấy còn trẻ mãi nên suốt
đời luôn gọi là cô. Cô Thái Thanh. Cô Thanh Nga. Cô Kiều Chinh. Dù cô
còn đó hay cô đã đi xa. Tiếc thay các cô đi xa mà chẳng để lại Hồi Ký.
May thay cô Kiều Chinh chưa vội đi xa và còn để lại hồi ký. Tác giả mới
gọi cho chúng tôi nói là sách đã có rồi. 500
trang bìa cứng thì dù nội dung ra sao quả thực cũng là một tác phẩm
nặng ký đấy. Hỏi rằng sách có nói gì đến ông Trump hay Biden không.
Không có đâu. Nếu vậy sách này hiền. Có nói đến trận Covid 19 không?
Không có. Nếu vậy sách này lành mạnh. Sách đã chích
đủ 2 kỳ. Nếu vậy Hồi Ký này khỏe mạnh đấy. Có thể đọc mà không phải đeo
khẩu trang. Anh Giao Chỉ sẽ order nhà Barnes để xem Kieu Chinh By Kieu
Chinh ra sao. Như vậy sách sẽ không có chữ ký. Bèn đi máy bay xuống nhận
sách có chữ ký của tác giả. Tò mò xem cô
Kiều Chinh viết về cô ra sao
Một cuộc đời nên quay thành phim:
Sau cùng tôi đã đọc hết 500 trang
sách. Dù đã quen biết đôi chút với đệ nhất minh tinh Việt Nam, và đọc
khá nhiều sách và tài liệu viết về Kiều Chinh nhưng
phải đọc hồi ký này mới
thực sự biết rõ về cuộc đời của cô kiều nữ Nguyễn Thị Chinh. Quả thực
không thể thuật sự tóm tắt về cả cuộc đời, nhưng có thể ghi lại những
nhận xét để giúp cho quý độc giả muốn biết tin tức. Kiều Chinh không
phải là nhà văn. Không phải là cây viết chuyên
nghiệp nên tác phẩm đã có người biên tập. Một nhà thơ làm công việc này
và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng ta có thể hiểu rằng KC đã ghi
chép và ngồi kể lại cuộc đời để người chấp bút viết lại. Một tác phẩm
công phu với rất nhiều chi tiết, đầy đủ hình
ảnh và những tình tiết éo le hấp dẫn từng phân đoạn. Tôi nghĩ rằng tác
phẩm nên ghi tên nhà thơ chấp bút. Các hồi ký danh tiếng của thế giới
đều có tên người biên tập. Mai này nếu có ai nghĩ rằng nên quay cuộc đời
KC thành phim thì diễn tiến của tác phẩm hết
sức đầy đủ và phong phú. Bao gồm cả bi kịch và rất nhiều giây phút vinh
quang hào hứng.
Những lần tuyên dương và những giải thưởng.
Kiều Chinh trong suốt cuộc đời đã
được gặp biết bao nhiêu danh nhân thế giới. Được nhận sự khen ngợi và
tưởng thưởng của rất nhiều lãnh vực và trong nhiều hoàn cảnh. Các vị
nguyên thủ quốc gia, các tỷ phú giám đốc công ty
thương mại và điện ảnh. Các vị lãnh đạo tôn giáo. Nhưng nếu độc giả lưu
ý sẽ thấy trường hợp vô cùng đặc biệt là trước giây phút lâm chung cô
dâu Nguyễn Thị Chinh đã được sự khen thưởng của bà mẹ chồng khó tính. Con Chinh đâu rồi, lại đây để mẹ cảm ơn. Không
lời khen ngợi nào giá trị hơn. Một tuyên dương đặc biệt khác là giây
phút KC cùng với các cựu quân nhân Mỹ tại VN khánh thành trường tiểu học
cho trẻ em nghèo làng Mọc là làng quê của thân phụ. Không có ai trao
giải hay tuyên dương người tài tử danh tiếng
trở về trả nợ quê hương. Nhưng chính hoạt động nhân đạo này đã đem lại
oan khiên chính trị khi cô bị lên án theo cộng sản và chịu nhục nhã bị
đuổi xuống tại diễn đàn Bolsa khi lên giới thiệu thượng nghị sĩ McCain
Những chuyến bay và những giây phút trên mây.
Trong suốt cuộc đời KC là người đi
mây về gió nhiều nhất. Hàng trăm chuyến bay. Nếu không phải là bạn bè
của các tỷ phú thượng hạng làm sao có cơ hội nằm ngủ trên giường bay
trên phản lực tư nhân bay về Việt Nam khi đi công
tác việc thiện. Ai được mời bữa ăn tối giữa đại đô thị Hoa Kỳ đưa rước
bằng trực thăng từ nóc nhà cao ốc này đến nóc nhà cao ốc khác. Cùng với
biết bao nhiêu chuyến đi từ phi trường này đến phi trường khác có người
đưa đón hay chỉ một mình lẻ bóng. Phải kể
thêm cả những chuyến bay vô định vào những ngày vô tổ quốc sau 30 tháng
tư 1975.
Bi kịch của đời người nổi tiếng.
Tác phẩm dành rất nhiều trang để
nhắc lại bi kịch đau thương của bà mẹ với người con trai trong tai nạn.
Không phải chỉ vì tình thương mà gồm cả lòng can đảm khi đòi hỏi chứng
kiến các chuyên viên trực tiếp cứu chữa bệnh
nhân. Thêm một chương khác đã viết về niềm thất vọng cùng cực khi KC đã
quyết định tự vẫn. Những đoạn đời này tuy là thảm kịch nhưng cũng đã vô
tình đem lại quân bình cho một tác phẩm không phải tất cả đều là khải
hoàn ca.
Bốn nhân vật trong một cuộc đời.
Sinh ra trong một gia đình giàu
có, nhưng bất hạnh trở thành mồ côi mẹ lúc niên thiếu và xa rời người
cha thân yêu lúc trưởng thành. KC trong suốt cuộc đời đã đóng vai một
người vợ bị bỏ rơi, một bà mẹ đơn thân. Nhưng đời người
đàn bà bị tình phụ lại trở thành cơ hội của định mệnh. Ai đưa con sáo sang sông. Con sáo sổ lồng, con sáo bay xa. Là
một tài tử duy nhất của VN đóng hàng trăm phim danh tiếng từ trong nước
đến hải ngoại. Trong tất cả các bộ phim đều là hình ảnh của thế giới tự
do. Vai trò thứ ba gần như là diễn giả Anh ngữ duy nhất của Việt Nam đi
nói chuyện chuyên nghiệp có khế ước thù
lao. Hàng trăm lần thuyết giảng đều là các đề tài văn hóa xã hội ca
ngợi nhân quyền và quyền bình đẳng của phụ nữ. Sau cùng KC cũng là nhân
vật đi làm việc thiện tình nguyện cùng các tổ chức bất vụ lợi Hoa Kỳ
hướng về quê hương Việt Nam. Trải qua bao năm chinh
chiến người chiến binh Hoa Kỳ và Việt Nam đã chiến đấu bên nhau. Ngày
nay cựu quân nhân Mỹ trở lại Việt Nam trên cả 3 miền đất nước qua sứ
mạng hòa bình xây trường cho con trẻ. Kiều Chinh là phụ nữ duy nhất miền
Nam nhập cuộc. Cô tham dự cuộc chiến tranh chính
trị bên cạnh các chiến binh Hoa Kỳ. Cả 4 vai trò đều vượt qua điểm
trung bình đến gần hoàn thiện. Điều đáng ghi nhận là trong vai trò làm
vợ, làm dâu và làm mẹ Việt Nam, cô bé di cư Bắc Kỳ 16 tuổi đã làm tròn
bổn phận. Suốt cuộc đời tài tử, diễn giả và xã
hội người mẹ đơn thân không bị lôi cuốn vào những chuyện ái tình tục
lụy tuy rằng đã gặp nhiều cơ hội. Nhiều chuyến đi huy hoàng trong những
vai quan trọng, tác giả đã dành 1 chương viết về chuyến đi của một phật
tử cô đơn, lôi thôi, lếch thếch kéo theo hành
trang tìm về nước Phật.
Đặc điểm của hồi ký.
Đây là cuốn sách mà tác giả tự
mình đi tìm lại quá khứ. Sự xuất sắc của một con người không hề được
trang bị đầy đủ khi bước vào đời. Tác giả không phải là người có trình
độ đại học. Không qua một lớp huấn luyện về kịch
nghệ. Khởi sự từ nghịch cảnh, xa cách anh chị và người cha ngay từ tuổi
thơ trong hoàn cảnh di cư đất nước chia đôi. Với thân hình cao và thon
thả, cô gái trở thành thiếu phụ đi đóng phim và quen biết với giới văn
nghệ và lấy trường đời làm lớp học. Người
phụ nữ lễ giáo không buông thả đã sống trong tinh thần tự lập và đạo
đức để đạt được thành công. Khéo léo trong giao tế, có thiên phú về diễn
xuất và Anh ngữ nên đã sớm trở thành một phụ nữ kiểu mẫu và điển hình
trong chiến tranh cũng như sau này ở thời hậu
chiến. Nhưng cũng phải ghi thêm rằng nàng là người có nhiều tham vọng
và nắm bắt được cơ hội qua tình bằng hữu.
Hoa Kỳ là miền đất của cơ hội.
KC với sự giao thiệp tinh tế và
khôn ngoan nên có rất nhiều bạn bè ở mọi nơi và mọi quốc tịch. Đã gặp
nhiều cơ hội giúp cô vượt qua nghịch cảnh. Duy có một điều là người nổi
tiếng KC dù có bao nhiêu bạn bè nhưng sau cùng
cũng vẫn rất cô đơn. Bao nhiêu người thân được chia xẻ những giây phút
vinh quang hay những ngày thăng hoa trong điện ảnh. Ai chứng kiến trong
những lần diễn giả nói chuyện với 3 ngàn khán giả đứng lên vỗ tay. Niềm
vui này ai là người để chia xẻ. Làm sao người
nổi tiếng đã có được những giai đoạn sống đặc biệt như thế. Phải chăng
vì cuộc sống riêng tư gia đình không hạnh phúc. Ai đưa lối, ai dẫn đường để tìm những lối đoạn trường mà đi. Phải
chăng chính cuộc chiến tranh Việt Nam đã đưa thiên hạ tìm đến một
phụ nữ Việt Nam được chọn làm tài tử toàn thời gian lâu dài đến thế.
Người nổi tiếng cô đơn trong những chuyện đi về và trong cả những giấc
ngủ đợi chờ trình diễn từ những chân trời xa lạ.
Sau cùng tác giả nào cũng phải về
già. Nàng đã cố xây dựng một CÕI TÔI cho tuổi hoàng hôn, nhưng rồi phải
thay đổi xuống cấp đến 5 lần. Cõi riêng cứ nhỏ dần. Rồi cũng như mọi
người, cõi riêng khi thành cát bụi thì cũng sẽ
như chúng ta. Trong lòng
đất ai cũng sẽ có ngôi nhà một phòng ngủ cho giấc ngàn thu nhỏ bé. Không
cần phóng tắm. Chẳng bận tâm nóng lạnh hay điện nước. Nhưng hơn mọi
người nàng để lại một hồi ký 500 trang kể rằng
đã có lần buồn muốn chết nhưng rồi phải sống lại để gửi đến bằng hữu.
Ra mắt sách để tìm lại chính mình.
Tháng qua, tôi xuống quận Cam gặp
một bà già thanh tú ngoài 80 mà sao còn khỏe mạnh, gương mặt quen thuộc
lái xe nhanh nhẹn. Ai mà trông như Kiều Chinh sao còn trẻ vậy. Tôi nhận
được sách tặng có chữ ký . Xin cảm ơn bằng
bài viết chân tình.
Năm 1954 có anh thiếu úy rất trẻ
dẫn lính đi làm phu khuân vác đón di cư. Ngày chẵn công tác ở bến tàu,
ngày lẻ ở phi trường. Có nhiều cô gái Hà Nội ngu ngơ tròn mắt ngắm cảnh
Sài Gòn. Trong số này có cả cô bé Nguyễn thi
Chinh 16 tuổi.
Giao Chỉ San Jose
No comments:
Post a Comment