Ngọc Lan/Người Việt
SANTA ANA, California (NV) – Kiện! Kiện! Kiện!Đó là chuyện “lùm xùm” tại chùa Bảo Quang, Santa Ana, bấy lâu nay và vẫn đang tiếp tục, nhất là nay lại có một bước ngoặt mới, đó là, chùa nộp đơn kiện sư trụ trì, Thượng Tọa Thích Phước Hậu (Dương Cao Cường), về một số vấn đề liên quan đến quyền hạn trách nhiệm, thu chi tài chánh, và thất thoát tài sản.
Bị đơn là Thượng Tọa Thích Phước Hậu, cùng ông Tony Bùi, Phil Bùi, và khoảng 50 người chưa có tên cụ thể.
Đơn kiện được Luật Sư Adina T. Stern, đại diện chùa Bảo Quang, gửi đến Tòa Thượng Thẩm California, Orange County, qua Internet hôm 21 Tháng Hai, mã số hồ sơ là 30-2020-01133763 CU-NP-CJC.
Trước đó, hôm 4 Tháng Hai, các bị đơn này có nộp đơn kiện chùa Bảo Quang và hai thành viên Hội Đồng Quản Trị (HĐQT) của chùa là ông Lộc Hoàng Bạch và cô Christie Hoàng Bạch, mã số hồ sơ là 30-2020-01129597 CU-MC-CJC, sau khi Thượng Tọa Thích Phước Hậu bị một luật sư “gửi giấy báo đòi trục xuất ông ra khỏi chùa trong vòng 30 ngày.”
Mới đây, tòa ấn định hai bên sẽ có một buổi dàn xếp đầu tiên vào ngày 14 Tháng Năm.
Tuy nhiên, vào ngày 4 Tháng Ba vừa qua, phía chùa Bảo Quang, thông qua Luật Sư Adina T. Stern, đã gửi tiếp đến Tòa Thượng Thẩm các tờ khai cùng nhiều chứng từ nhằm yêu cầu có phiên tòa khẩn cấp liên quan đến việc trục xuất “ông sư giả mạo” (rogue monk) Thích Phước Hậu.
Chính vì vậy, vào sáng Thứ Năm, 5 Tháng Ba, Tòa Thượng Thẩm đã có phiên tòa “ex parte” dành riêng cho luật sư cả hai phía
Nội dung đơn kiện của chùa Bảo Quang
Đơn kiện cho biết Trung Tâm Phật Giáo Việt Mỹ (Vietnamese American Buddhist Center) được Hòa Thượng Thích Quảng Thanh thành lập năm 1990.
Theo đơn kiện, vị hòa thượng nộp giấy phép thành lập chùa vào ngày 9 Tháng Ba, 1990.
Ngày 12 Tháng Sáu, 1990, tiểu bang California xác nhận chứng từ “Certificate of Amendment of Articles of Incorporation” liên quan đến việc đổi tên chùa thành “Vietnamese-American Buddhist Center for Charitable Services-Bao Quang.”
Đơn kiện cũng cho biết ba người ký tên vào đơn xin đổi tên chùa lúc đó là Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, chủ tịch; ông Thế Vinh Trần, thư ký; và ông Howard Lâm, thư ký.
Kèm theo đơn kiện còn có bản Quy Định (Bylaws) mà theo nguyên đơn là được lập ra vào khoảng Tháng Sáu, 1990.
Đơn kiện cho biết, bản Quy Định 1990 này không có điều khoản, giao kèo nào dành cho Phật tử, tuy nhiên, theo quy chế hoạt động của tổ chức tôn giáo bất vụ lợi, khi có việc gì đòi hỏi có sự chấp thuận của tất cả Phật tử thì chỉ cần HĐQT chuẩn thuận là được.
Điều 5, Khoản 16 của quy định cũng cho biết “các vị trí trống trong HĐQT có thể được bổ sung bằng những người điều hành khác, không ít hơn một người, hoặc bằng người điều hành duy nhất còn lại.”
Đơn kiện cho biết, vào ngày 3 Tháng Giêng, 2001, ông Thế Vinh Trần và ông Howard Lâm từ chức. Theo quy định, lúc đó, Hòa Thượng Thích Quảng Thanh là người điều hành duy nhất còn lại, nên ông đã bổ sung thêm cô Christie (còn có tên là Trâm) và anh trai của cô, là ông Lộc (còn được biết dưới tên là Na) vào HĐQT.
Theo đơn kiện, như vậy, kể từ ngày 3 Tháng Giêng, 2001, đến ngày 6 Tháng Sáu, 2019, HĐQT của chùa bao gồm Hòa Thượng Thích Quảng Thanh là chủ tịch, ông Lộc là thư ký, và cô Christie là thủ quỹ (nguyên văn).
Nội dung đơn kiện cũng cho biết, vào năm 2012, nguyên đơn nộp đơn xin visa không định cư (non-immigrant visa) cho ông Dương Cao Cường (Thượng Tọa Thích Phước Hậu), cháu của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, sang Mỹ.
Ngày 11 Tháng Ba, 2013, Sở Di Trú Hoa Kỳ (USCIS) đồng ý cấp visa cho ông Cường.
Tuy nhiên, ngày 26 Tháng Bảy, 2013, giữa hòa thượng và người cháu có bất hòa.
Ông Cường trở về Việt Nam, và bên nguyên đơn cũng nộp đơn lên USCIS xin rút lại đơn bảo lãnh ông.
Thế nhưng, khoảng hai năm sau, ngày 5 Tháng Năm, 2019, ông Cường trở lại Mỹ với visa du lịch.
Cuối Tháng Năm, 2019, bác sĩ phát hiện hòa thượng bị ung thư, và ông viên tịch ngày 9 Tháng Sáu sau đó.
Ngày 5 Tháng Sáu, 2019, trước khi viên tịch, trước mặt ông Lộc và Thượng Tọa Thích Phước Hậu, Hòa Thượng Thích Quảng Thanh chỉ định người cháu mình làm trụ trì lo phần đạo (Phật tử), các dịch vụ cúng kiến của chùa, còn ông Lộc và cô Christie vẫn là thành viên HĐQT của chùa.
Theo đơn kiện, HĐQT cho rằng, vì được chỉ định làm trụ trì, nên thượng tọa có đủ tư cách để làm việc như một vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo và liêm chính. Theo đó, thượng tọa được quản trị số tiền $200,000 do bá tánh đóng góp.
Số tiền này được dùng trang trải chi phí tang lễ của hòa thượng.
Vị sư trụ trì cũng được yêu cầu thu nhận tiền cúng dường để chuyển tới HĐQT chùa.
HĐQT cũng yêu cầu, Thượng Tọa Thích Phước Hậu, trong vai trò nhà sư, không sở hữu tài sản, làm việc tự nguyện, thực hiện các sinh hoạt tôn giáo ở chùa, thu tiền cúng dường của Phật tử, và cư trú trong chùa.
Cũng theo đơn kiện, phía chùa tiến hành làm thủ tục xin visa theo diện làm việc không định cư tại Mỹ cho Thượng Tọa Thích Phước Hậu, người chỉ hiện có visa du lịch, chùa cần nhiều giấy tờ của ông. Tuy nhiên, từ Tháng Chín, 2019, ông bắt đầu lảng tránh và không hợp tác trong việc cung cấp các giấy tờ theo yêu cầu. Không chỉ vậy, ông cũng không chịu thảo luận với HĐQT về các bước cần thiết trong việc điều hành một tổ chức bất vụ lợi, ví dụ như không chịu hiểu “receipt” là gì và từ chối cung cấp các hóa đơn chứng từ thu chi của chùa.
Đơn kiện cũng cho biết vị sư trụ trì từ chối giải thích thu chi ở chùa từ Tháng Sáu, 2019, đồng thời chiếm đoạt sổ sách, báo cáo của chùa.
Nguyên đơn cũng tố cáo ông cùng một số người đã thay đổi các ổ khóa ở chùa và không cung cấp chìa khóa mới cho HĐQT.
Theo đơn kiện, vì nghĩ rằng bản Quy Định 1990 bị mất, nên vào ngày 14 Tháng Mười, 2019, các thành viên HĐQT đã tổ chức một phiên họp đặc biệt để đệ trình một bản mới lên tiểu bang California.
Đơn kiện cũng nhắc lại các sự kiện lộn xộn xảy ra tại chùa vào các ngày 17 Tháng Mười Một, 2019, và 12 Tháng Mười Hai, 2019.
Đơn kiện cho rằng bản quy định mà ông Tony Bùi mang ra để chất vấn về tính pháp lý của HĐQT là giả mạo vì nó không có chữ ký của các thành viên HĐQT.
Đơn kiện cho biết vì Thượng Tọa Thích Phước Hậu từ chối xác nhận khả năng và lý lịch tu hành của ông ở Việt Nam, từ chối trả lời việc thu chi số tiền cúng dường, từ chối cho HĐQT thực hiện việc kiểm tra tài sản của bảo tàng, từ chối để chùa tiến hành việc xin visa, nên vào ngày 2 Tháng Giêng, 2020, HĐQT đồng ý việc trục xuất ông ra khỏi chùa.
Cũng theo đơn kiện, ngày 5 Tháng Hai, 2020, nguyên đơn đã tìm thấy được bản sao của Quy Định 1990 mà HĐQT nghĩ rằng đã bị mất. Bản sao này nằm ở Sở Thuế, được gửi kèm lúc chùa nộp đơn xin miễn thuế cho tổ chức bất vụ lợi. Bản Quy Định 1990 có ký nhận của Sở Thuế.
Đơn kiện cho rằng, với sự trợ giúp của một số bị cáo, Thượng Tọa Thích Phước Hậu bất chấp lệnh trục xuất, tiếp tục thực hiện các sinh hoạt ở chùa, cũng như thu gom tiền cúng dường từ Phật tử.
Từ những nội dung trên, đơn kiện đề nghị tòa ra phán quyết: Những thành viên hiện tại của HĐQT, bao gồm Lộc Hoàng Bạch, Christie Hoàng Bạch, và Kiệt Cao (được bổ sung sau khi hòa thượng viên tịch) được thực thị nhiệm vụ là thành viên HĐQT; Thượng Tọa Thích Phước Hậu không được làm việc dù là tự nguyện ở chùa; tuyên bố Quy Định giả không có hiệu lực; chấp thuận giá trị của “Bylaws” được đệ trình ngày 14 Tháng Mười, 2019.
Nguyên đơn cũng đề nghị tòa ra lệnh cho các bị đơn không có quyền thay đổi chìa khóa chùa; không có quyền hay nhân danh đối với tài sản của chùa; không được sang nhượng, chuyển giao, cầm cố bất kỳ tài sản nào của chùa; các bị cáo không được thu giữ tiền cúng dường của chùa.
Tờ khai thêm của Lộc Hoàng Bạch và Christie Hoàng Bạch
Trong tờ khai ông Lộc gửi đến Tòa Thượng Thẩm hôm 4 Tháng Ba, trong phần nói về cách tổ chức của chùa Bảo Quang, có cho biết “Phật tử không có quyền bầu cử, quyết định, cũng không được yêu cầu đóng tiền thành viên. Tuy nhiên, Phật tử có quyền tự nguyện đóng góp cho chùa, không bắt buộc.”
Ông Lộc, qua tờ khai này, nêu lên việc ông Tony Bùi xuất hiện trong cuộc phỏng vấn của Phố Bolsa TV, yêu cầu Phật tử đóng tiền “hội viên” (membership) cho Thượng Tọa Thích Phước Hậu. Cũng trong đoạn video này, ông Tony Bùi xác nhận rằng ông đã mở một tài khoản ngân hàng cho chùa để nhận tiền cúng dường, và ông đang giữ các ngân phiếu mà Phật tử đóng góp cho chùa.
Trong tờ khai này, ông Lộc cũng nhắc đến chi tiết Thượng Tọa Thích Phước Hậu nói “ông có 2,000 đệ tử ở Việt Nam,” nhắc đến việc vị sư trụ trì nói không hiểu “receipt” là gì, từ chối cung cấp chứng từ nhận tiền cúng dường cho HĐQT, nhưng ông lại là người ký tên nhận $500 tiền cúng dường của một Phật tử tên Trinh Nguyễn; từ chối cung cấp chứng từ chi tiêu số tiền $200,000 mà ông đã nhận để lo đám tang Hòa Thượng Thích Quảng Thanh.
Trong tờ khai của cô Christie Hoàng Bạch, nội dung cũng tương tự tờ khai của ông Lộc, có nhắc đến lý do đưa thêm Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng và Thượng Tọa Thích Huệ Minh vào HĐQT từ ngày 30 Tháng Mười Một, 2019.
Tờ khai của cô Christie cũng nhắc đến những lời đồn về việc Thượng Tọa Thích Phước Hậu không có biểu hiện của một nhà sư và có một phụ nữ đến thăm ông ở phòng riêng của ông tại chùa. Bên cạnh đó, cũng có lời đồn ông không có ngôi chùa lớn có 2,000 Phật tử như ông từng nói.
Với nhiều lý do được nêu ra, tờ khai của ông Lộc và cô Christie nhờ tòa giúp đỡ trong việc trục xuất “ông sư giả mạo.”
Kèm theo đơn kiện còn có rất nhiều giấy tờ, chứng từ liên quan đến việc thành lập chùa Bảo Quang, các tài khoản ngân hàng để mua ngôi chùa hiện tại vào năm 2001, giấy tờ khai thuế, xin miễn thuế theo quy chế tổ chức bất vụ lợi… (Ngọc Lan)
—— Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment