John Vietnam Nguyễn
Cố thi sĩ John Vietnam Nguyễn đã sống với tôn chỉ cả đời là “Hãy nhớ gốc gác của bạn” (tôi dịch từ cụm từ: Know your roots). Như các văn nghệ sĩ cùng thế hệ, John Vietnam Nguyễn vật lộn với nhân diện gốc Việt của mình, nhưng trong những cách khác biệt. Tuy sinh ở Mỹ, Nguyễn sử dụng tiếng mẹ đẻ trong sáng tạo. Nguyễn về nguồn, tưởng niệm biến cố Sài Gòn thất thủ và lăn lộn trong di sản sắc tộc của mình. Về kết thúc của cuộc chiến Việt Nam (tôi vẫn cho rằng cuộc chiến Việt Nam vẫn còn đang diễn ra trong nhiều cách, dù các tranh chấp vũ trang đã chính thức kết thúc vào tháng Tư 1975), Nguyễn viết (tác giả chuyển ngữ),
(Nguyên văn Anh ngữ: “April 30th, also known as Black April, symbolizes the Fall of Saigon and the end of the Vietnam War. Today we commemorate those who fled from, fought for, and lived through the war by wearing black as well as writing ‘Saigon’ or ‘Sài Gòn’ on our hands, wrists, and arms. For me, it is an acknowledgment of my roots, and a way to pay my respects where they are due.”)
Cõi âm-thanh và không-gian mang tên John Vietnam Nguyễn gợi lên một cảm giác ‘mái ấm’ cho một nghệ sĩ nhạc ráp gốc Việt sinh tại Mỹ, được anh quy tóm trong dòng chữ ký song ngữ, “One life, one love—Một đời, một tình yêu.” Mặc dù anh ra đi bất ngờ khi còn rất trẻ vì chết đuối sau khi cứu một người bạn trong lúc đi bơi tại hồ Mendota ở Madison, Nguyễn để lại một di sản lâu dài đối với cộng đồng của anh tại nhà, ở trường, và trong nghệ thuật. Tuy tin tức về cái chết của anh (như bài của Richardson 2012) không nói về việc Nguyễn chết đuối sau khi cứu một người bạn, nhưng bạn bè có mặt đã làm chứng cho hành động cao cả này của anh. Cộng đồng địa phương đã thiết kế một tranh tường mural để vinh danh anh (John Vietnam Nguyen’s Memorial Mural x Heaven:
http://www.youtube.com/watch?v=ngYhkh4n5pk), và vận động để đặt tên anh cho một con đường (Emmanuel 2014; Schmich 2014). Trong một thư khuyến khích bạn bè, anh bày tỏ niềm tin mãnh liệt rằng (tác giả chuyển ngữ):
Hip-hop không chỉ là chuyện làm cho có, mà là một lối sống. Emceeing, hay là rapping, không phải là một sở thích. Giá trị sâu xa trong hip-hop hiện rõ trong hành động và thái độ của bạn bên ngoài một vòng cypher hay một bài hát (chú thích của tác giả: cypher, trong nhạc rap, là hát liên tiếp theo vòng; một người hát kiểu freestyling sẽ rap theo kiểu cypher, hết khúc này đến khúc khác; người hát rap phải biết lúc nào đến phiên mình và không cắt ngang một cypher). Tất cả là về hoà bình, tình yêu, tình liên đới, và cùng vui với nhau. Emceeing là cách để đối diện với những vấn đề trong cuộc sống; nghệ thuật là kết quả của đau khổ. Cuối cùng khi đã có đủ luyện tập và cảm hứng, nghệ thuật của bạn sẽ trở thành một điều người khác có thể cảm thông, bởi vì mọi người chúng ta đều trải qua những vấn đề tương tự. Bạn học cách trở thành người lãnh đạo, không phải chỉ trong lúc bạn spitting, nhưng khi những giây phút quyết định xảy đến trong đời sống và bạn phải bước tới. Một emcee không chỉ spit. Mà còn phải có văn hoá hip-hop nằm sâu trong gene của mình. Một emcee không chỉ ngồi thừ và làm ngơ vấn đề. Hãy đối đầu với nó. Những emcees nên nhìn vào số điểm như là cypher. Bắt tay vào. Làm việc của bạn theo cách cần. Và khi xong biết rằng mình đã làm đúng.
JVN tranh tường của John Vietnam Nguyễn
Nguyễn tin tưởng mạnh mẽ vào tiềm năng của mỗi cá nhân, và những câu chuyện duy nhất trong mỗi chúng ta. Anh viết (tác giả chuyển ngữ),
Nếu bạn muốn trình diễn trôi chảy, bạn phải tập đi tập lại. Chịu khó dợt lời. Viết những cụm từ đa âm cùng vần để tập. Học từ mới mỗi ngày. Trình diễn theo kiểu tự do mỗi ngày. Ðặt cho mình tiêu chuẩn cao trong MỌI VIỆC bạn làm. Ðừng bao giờ chấp nhận những gì chưa hoàn thiện. Nếu nhịp chảy của bạn đứt quãng, đừng coi đó là một tác phẩm đã hoàn tất. Hãy chuẩn bị công cụ sẵn sàng trong mọi lúc. Nếu bạn nghiêm túc về việc thu âm, hãy tìm hiểu về những khâu kỹ thuật của nó. Ðừng xin trò chơi điện tử vào dịp Giáng Sinh hay sinh nhật của bạn. Hãy xin một cái condenser microphone (chú thích của tác giả: đây là loại microphone sử dụng pin hay điện, nhưng có cục biến thế để chuyển sóng âm thành sóng điện). Hãy tự thúc đẩy mình hơn bạn bè của bạn. Hãy là nguồn cảm hứng cho họ. Hãy hiểu rằng phải chịu khó thì mới đi đến thành công. Nếu bạn có động lực từ bên trong và hoài bão để thành công, không có gì có thể cản trở bạn, và ánh sáng của bạn cuối cùng sẽ tỏa sáng – và để được như vậy, thì cần kiên nhẫn. Dù gì đi nữa, những công khó khởi đi từ tâm hồn thì luôn được nhìn thấy. Hãy tiếp tục làm việc của bạn. Và kể chuyện của bạn. Không mánh lới.
JVN tranh tường của John Vietnam Nguyễn
Không mánh lới. Ðó là cách Nguyễn sống trọn đời sống ngắn ngủi của mình. Tôi cho rằng chiêu tuyệt nhất của anh chính là bài “A Hapa Rap in Vietnamese,” được trình diễn bằng tiếng Việt với phụ đề song ngữ. Ðây là lời tiếng Việt tôi đã đánh máy từ Youtube video
https://www.youtube.com/watch?v=V3U-hqQ3kGo
thành phố Chicago 773
nghe thử
cái gì mình đi lên
cũng phải đi xuống
không bao giờ mình có
những gì mình muốn
chúng ta biết hạnh phúc ở đâu mà kiếm
trên đời này người tốt là hiếm
người ta nói nhiều chuyện
muốn mình nghề có lương cao
bài hát này là của mình
người ta nghĩ là tự cao
nghe rõ
mấy câu tôi nói vì dễ nhớ
đây là câu chuyện giữa một người Việt và một người Mỹ đó
tôi nghĩ
cuộc đời khi đẹp khi xấu đó
sao thù hận nhau chúng ta cùng dòng máu đỏ
nô lệ của xã hội
chúng ta chưa có tự do
mọi người bị đói kiến thức
mọi người chưa được ăn no
mời các bạn
nghe thử lời này
không có gì dễ ở trên đời này
người ta hỏi hoài
tôi sống ở đâu
(“where’re you from?”)
mà nếu mà biết đi ở đâu trước
đừng hỏi gì hết
đừng nói gì hết
khi tôi không nói gì hết
là tôi đã chết
Cám ơn Thi sĩ John Vietnam Nguyễn đã đưa bao thế hệ ngoại biên về nguồn.
TGT
http://baotreonline.com/Chuyen-muc-tre/Chat-di/john-vietnam-nguyen-long-biet-on-va-ve-nguon.html
No comments:
Post a Comment