Tuesday, September 22, 2015

NGƯỜI VIỆT TRANH CÃI BẤT CẦN LÝ LẼ



Nhà nước Cộng sản Việt Nam không vì số phận của “khúc ruột xa ngàn dặm” mà cần đầu cầu thâm nhập thị trường nước ngoài và làm chủ “con gà đẻ trứng vàng” nên tìm mọi cách khống chế cộng đồng người Việt hải ngoại.
Bao nhiêu quan chức cao cấp của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công du hải ngoại cũng chưa thu phục được người gốc Việt làm cánh tay nối dài cho Đảng Cộng sản, tuy có dụ dỗ được một số người tham lợi.
Với các quân bài gốc Việt thân-Cộng đã gieo, Hà Nội chỉ gây phân tán chút ít trong khi vẫn bị đa số người Việt tị nạn chống đối quyết liệt.
Người Việt hải ngoại cũng đưa nhiều đợt người về cố quốc để vận động thay đổi chế độ mà thất bại nhiều hơn thành công.
Cộng sản Việt Nam có lợi thế về quan hệ ngoại giao, về ngân sách, về danh nghĩa quốc gia. Nhưng, bất lợi về đường lối, chính sách không phù hợp với trào lưu tiến hoá của nhân loại.
Suốt 40 năm qua, Nhà nước Việt Nam áp bức dân chúng tàn tệ, tạo ra đói rét bất công, xây dựng một nền kinh tế làm thuê từ quốc nội cho tời nước ngoài, trong khi cán bộ nhũng nhiễu, hoang phí vô độ.
Với ngân sách giáo dục chiếm tỉ lệ GDP cao nhất thế giới mà chẳng có quốc gia nào công nhận bằng cấp của Việt Nam . Tỉ lệ tiến sĩ trong guồng máy Nhà nước Việt Nam gấp 5 lần Nhật Bản mà trình độ phát triển vẫn đứng sau các nước Brunei, Tân Gia Ba, Mã Lai Á, Indonesia, Phi Luật Tân. Về văn hoá, ngày càng lai căng và cuồng tín làm cho xã hội bại hoại.
Chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ Đảng Cộng sản có ý chí chính trị và khả năng thay đổi chế độ lấy mục tiêu phát triển đất nước lên hàng tối thượng.
Từ Đại hội IV (1976) đến hết Đại hội XII (2015) đầy những ngôn ngữ đội đá vá trời mà Việt Nam vẫn chưa bắt kịp láng giềng nên đa số người Việt quốc nội và hải ngoại khó tin lời lẽ tuyên truyền. Hoá ra đảng viên cộng sản chỉ giỏi nghề chém gió!
Người Việt Hải ngoại đến từ các nguồn gốc và lý do khác nhau như tị nạn chính trị, đoàn tụ gia đình, tị nạn kinh tế, di dân tình báo nên mỗi nhóm đều theo đuổi giấc mơ khác nhau khiến cho mục tiêu chính trị thêm phần phức tạp.
Do đó, người Việt hải ngoại khá đồng nhất về mục tiêu chủng tộc, tập tục, văn hoá mà rất khác biệt về quan điểm và đường lối chính trị.
Hơn nữa, hậu duệ của người Việt hải ngoại ngày càng gắn bó với quê hương mới từ văn hoá, tập tục, lối sống cho chí quan điểm chính trị nên cư xử với Việt Nam tương tự như bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.
Vì thế, đi tìm một sự đồng thuận về quan điểm và đường lối chính trị cũng khó như mò kim đáy biển! Tình báo cộng sản khoét sâu khác biệt này nên tạo ra môi trường tranh cãi triền miên và gay gắt trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
Tuy nhiên, nhờ sinh sống tại các quốc gia dân chủ tiên tiến nên người Việt hải ngoại có điều kiện thu thập, tìm hiểu cặn kẽ mọi sự việc đã, đang và sẽ xảy ra nơi cố hương mà không bị yếu tố tuyên truyền che dậy.
Giới truyền thông hải ngoại đã soi sáng nhiều mảng lịch sử bị che đậy làm cho Đảng Cộng sản hiện nguyên hình không son phấn, dao kéo!
Để biến “khúc ruột xa ngàn dặm” thành một đàn cừu nên Đảng Cộng sản phải tìm mọi cách khống chế môi trường truyền thông hải ngoại.
Thứ nhất, đưa các “điệp viên phái triển” am tường văn hoá, chính trị định cư tại các quốc gia có nhiều người Việt sinh sống để làm giảm nhẹ tội lỗi của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản trong các giai đoạn lịch sử. Đồng thời, thuyết phục dư luận tin vào “sự thay đổi tất yếu” do các “đảng viên tiến bộ” làm “ngọn cờ đầu dân chủ” mà không cần tới cuộc “cách mạng lật đổ” hoặc “cách mạng màu” giống mô hình xảy ra dồn dập trên thế giới từ thập niên 1980 đến nay.
Thứ hai, đưa người có vỏ bọc dày thâm nhập trực tiếp vào một vài cơ quan truyền thông ở hải ngoại để điều khiển đường lối đấu tranh “không gây phương hại tới vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ”.
 
Thứ ba, vận động cho các nhân vật thân-Cộng cầm đầu hoặc ở trong nhóm lãnh đạo cộng đồng, hội đoàn để thao túng sinh hoạt.
 
Thứ tư, tạo ra các sự kiện, ngôn từ gây tranh cãi làm cho người Việt mất phương hướng và chia rẽ.
Trong chế độ dân chủ chín muồi thì bất đồng chính kiến làm nên sức mạnh cho cuộc sống, xã hội, đồng thời cũng gây nhiều sóng gió.
 
Do đó, cần phân biệt giữa cãi nhau và tranh luận trong lĩnh vực chính trị, văn hoá, xã hội. Cãi nhau nghiêng về miệt thị, phỉ báng. Tranh luận hướng về lý lẽ.
 
Những người Việt quốc nội và hải ngoại tự nhận là “nhà đấu tranh vì nước Việt Nam tự do, dân chủ, phát triển, cường thịnh” thường xuyên cáo buộc lẫn nhau bằng các loại ngôn từ như “cực đoan, cuồng tín, quá khích, công kích bất công, bới lông tìm vết, thù nghịch vô lý, nhỏ nhen, ghen tị …”.
 
Ai cũng thích viện dẫn Tu chính án số 1 trong Hiến pháp của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ mà rất dễ nổi xung thiên khi bị phê phán hay chỉ trích về những hành động và ngôn ngữ do mình thể hiện!
 
Không ít vụ kiện trước Toà án ở Mỹ liên quan đến các bài viết bị cáo buộc phỉ báng, mạ lỵ cá nhân bởi vì cộng đồng người Việt hải ngoại chẳng có cơ quan nào được quyền thụ lý, xét xử.
 
Hơn 40 năm chứng kiến biết bao nhiêu cuộc bầu cử địa phương cũng như toàn quốc với nhiều vụ xoi mói từ giấy khai sinh, tới cuộc sống trai trẻ, gia đình, công ăn việc làm nếu ai đó muốn trở thành khuôn mặt công chúng. Chẳng người chất vấn nào bị đưa ra toà. Tại sao người Việt lại tự phong cho cái quyền được đối xử khác hơn?
Khuôn mặt công chúng nào cũng phải biết sợ dư luận, nếu không sẽ dẫn tới việc làm càn, trở thành mối hoạ cho xã hội.
 
Các nhà tự nhận là chiến sĩ đấu tranh cho nước Việt tự do khi bị chất vấn về sai lầm của chế độ cộng sản Việt Nam lại nói “hãy để cho lịch sử phán xét” và buộc tội thù hận vào người đặt câu hỏi!
 
Đảng Cộng sản đã tham gia vào sinh hoạt chính trị của Việt Nam liên tục từ năm 1930 mà vẫn chưa đủ để đánh giá công/tội hay sao? Cách viết lịch sử của Đảng Cộng sản có phản ánh trung thực, đáng tin cậy hay không?
 
Cuối năm 2011, cựu thiếu tướng cộng sản Nguyễn Trọng Vĩnh đăng bài “Từ Đảng Cộng sản ban đầu đến Đảng Cộng sản hiện nay” nhằm đội “Cụ Hồ” lên tận mây xanh. Và, tán tụng “ĐCS sinh ra vì nước vì dân, không phải vì lợi ích riêng tư nào của Đảng”.
Nhưng, chính Tổng bí thư Lê Duẩn tuyên bố “Ta đánh Pháp, đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc” làm cho 4 triệu người Việt chết vì chiến tranh và đấu tranh giai cấp.
Vậy mà, Tướng Vĩnh lên án “những phần tử chống cộng cực đoan phủ định toàn bộ công lao Đảng CSVN”.
Tướng Vĩnh hô hào chống Trung Quốc lại tôn vinh ĐCS, thủ phạm bán nước tại Hội nghị Thành Đô năm 1990, cắt đất, nhượng biển vào các năm 1958, 1999, 2000. Hiện tại, Nhà cầm quyền Đà Nẵng đang chuẩn bị cho phép công ty Trung Quốc tham gia quy hoạch Đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý.
 
Nếu người Việt hải ngoại có tư cách pháp nhân với lãnh thổ, quân đội, cơ quan hành chính như một quốc gia bình thường thì việc thu nhận, hợp tác với những nhân vật đó rất dễ dàng. Bởi lẽ, chúng ta có đủ điều kiện giám sát và chế tài các hoạt động vượt ngoài khuôn khổ pháp luật hoặc đường lối chính sách chung.
Rất tiếc, người Việt hải ngoại chỉ là một bộ phận trong xã hội công dân nên phải hiểu rõ đối phương trước khi hợp tác mới mong đạt tới mục tiêu góp phần xây dựng chế độ dân chủ thực sự tại cố quốc.
Có người công khai buộc tội người Việt hải ngoại đã “thù nghịch vô lý với những trí thức có tâm, có tầm kể cả dũng khi bị bắt buộc phải bị đẩy ra nước ngoài”.
 
Thực sự, “chiến sĩ dân chủ” nào rời quê hương giống như “lá bài đã cháy” do mất điều kiện đấu tranh trực tiếp. Họ cần phải thích ứng với môi trường mới và điều kiện hoạt động xa lạ để góp sức thay vì ôm tham vọng “làm ngọn cờ đầu” để dẫn dắt công cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ, phát triển.
Tham tán Thông tin-Văn hoá thuộc Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Terry White ra tuyên bố “… hoan nghênh quyết định của chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà Tạ Phong Tần và bà đã quyết định đi sang Hoa Kỳ sau khi ra tù”.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền bình luận “Việc thả tù này cho thấy cách thức hiểm độc của chính phủ Việt Nam là buộc các nhà bất đồng chính kiến có tên tuổi từ nhà tù đi thẳng ra nước ngoài lưu vong, với giá phải trả cho tự do là rời bỏ đất nước ngay lập tức”.
Đồng thời, “kêu gọi Hà Nội trả tự do cho các nhà hoạt động khác đang bị cầm tù và cho phép họ ở lại trong nước nếu họ muốn”.
Hoa Kỳ không nhận bất cứ ai chẳng muốn đến nước họ, vậy, chớ nên đánh bóng hình ảnh “cứ như bị áp giải lên máy bay”!
Ba Lan và Tiệp Khắc chỉ mất 10 năm đã lật đổ được chế độ cộng sản khi mà thế giới cộng sản chiếm hơn nửa dân số địa cầu và một lực lượng tưởng chừng không thể đánh bại.
Một số quốc gia Bắc Phi và Trung Đông chỉ mất mấy tháng trong năm 2011 để lật đổ nhiều chế độ độc tài.
Việt Nam thì “thời kỳ quá độ tiến lên dân chủ” phải kéo dài đến bao giờ?
Đừng chờ Đại hội 12 sẽ thay đổi, chớ mong Đảng Cộng sản lột xác mà rơi vào môi trường “tuyên truyền xám”.
Bất cứ hành động nào của Đảng Cộng sản hiện thời cũng tác động trực tiếp lên cuộc sống của người Việt quốc nội lẫn hải ngoại nên cần phải có phản ứng thích đáng tức thời.
                                  
Đại-Dương 
22-9-2015

No comments:

Post a Comment