Mặc Giao điểm sách
Nhà xuất bản Đại Học Indiana Bloomington & Indianapolis đã in và phát hành trong năm 2012 cuốn Nationalist in the Viet Nam Wars (Người Quốc Gia trong những trận chiến tranh Việt Nam) bằng tiếng Anh của tác gỉả Nguyễn Công Luận. Đây là “Hồi ký của một nạn nhân trở thành chiến binh” (Memoirs of a victim turned soldier). Sách dầy 618 trang, kể cả Index, được ấn loát đẹp, sáng sủa, đúng tiêu chuẩn Mỹ.
Về nội dung, sách gồm 6 phần, 30 chương, trong đó tác giả mô tả những sắc thái của chiến tranh bằng những chuyện có thật, bằng những sự kiện thực tế, không viết theo kiểu nghiên cứu gồm những sưu tầm, khảo luận, trích dẫn sách báo và ý kiến các học giả. Tác viết theo trí nhớ (trí nhớ của ông rất sắc bén), rồi đưa ra những suy nghĩ và bình luận “từ vị trí quan sát bên trong nhìn ra và từ dưới ngó lên của một thường dân nạn nhân chiến tranh sau trở thành một người lính quân đội Miền Nam ở cấp thấp và cấp trung với những nhận định và phê phán tự nhiên của một con người tầm thường”. Như vậy tác giả khẳng định là ông không viết hồi ký kiểu mấy ông tướng hay mấy ông lớn nhằm đề cao mình, biện minh cho những lỗi lầm của mình, đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác.
Hồi ký của ông khởi đi từ lúc ông 4 tuổi, năm 1941, trải qua thời Pháp thuộc, Cách Mạng tháng 8, chiến tranh Việt Pháp, chia đôi đất nước, di cư vào Nam, gia nhập quân đội, chiến đấu, làm chiến tranh chính trị, chiêu hồi, theo học khóa huấn luyện quân sự cao cấp ở Mỹ, trở về Sài Gòn đầu tháng 4-1975 để mấy chục ngày sau đi tù cải tạo 6 năm 7 tháng. Cuối cùng chấm dứt gian nan thể xác năm 1990 khi định cư tại Mỹ. Nhưng nỗi đau tinh thần vẫn còn dai dẳng.
Tác giả Nguyễn Công Luận
Mục đích của tác giả khi viết cuốn hồi ký này là để dư luận, nhất là dư luận Hoa Kỳ, được nghe một tiếng nói khác, một sự thật khác về chiến tranh Việt Nam, sau bao nhiêu năm bị đầu độc bằng những thiên kiến chính trị.
Liệu tác giả có làm được việc này không? Chưa thể biết. Nhưng phải nhìn nhận những ưu điểm của cuốn sách: được viết thành thật bằng cả tâm hồn, những chi tiết về sự việc và những suy nghĩ phát xuất từ một người đã trực tiếp tham gia, sách được chính ông viết bằng Anh ngữ, được một trường đại học Hoa Kỳ phát hành. Những ưu điểm đó có thể giúp thực hiện phần nào điều tác giả mong ước. Bằng chứng, theo tin từ nhà xuất bản, giới đại học Mỹ bắt đầu quan tâm tới cuốn sách và số bán gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây.
Sự chân thành và lương thiện trong cách kể và cách suy nghĩ của tác giả đã được hai tướng lãnh Hoa Kỳ xác nhận.
Trong bài tựa cuốn sách, Trung Tướng hồi hưu David T. ZABECKI viết: “Một cuốn sách quan trọng. Một trong những bản tổng kết sự việc (accounts) của Quân Lực VNCH có giá trị lớn và đầy suy tư mà tôi đã được đọc… Đó là một bản tổng kết minh bạch, vững vàng… một cuốn sách rất trung thực mà sự lương thiện của tác giả hiện ra ở mỗi trang”.
Thiếu Tướng hồi hưu Lawson W. MAGRUDER III nhận định: “Qua những sách tôi đã đọc về chiến tranh Việt Nam, cuốn sách này bầy tỏ lòng tri ân sâu xa đối với những hy sinh “không thể tin nổi” của các chiến sĩ và nhân dân Nam Việt Nam can trường. Qua cái nhìn của một người yêu nước thực sự, lịch sử và những chiến dịch có tính quyết định về cuộc tranh chấp đã được nhìn lại từ khiá cạnh độc đáo của một nạn nhân trở thành chiến binh… Cuốn sách này là một tác phẩm cần phải được đọc đối với những ai muốn có một hình ảnh đầy đủ và sự thật toàn diện về trận chiến tranh bi thảm đã làm cho thế giới phải quan tâm trong hơn hai thập kỷ”.
Tác giả không phải là cấp chỉ huy lớn nhưng đã kinh qua nhiều hoàn cảnh để có thể biết được chuyện hàng ngày của chiến tranh từ những sự việc thực tế, cụ thể. Thân phụ của ông gia nhập một đảng phái Quốc Gia để chống Pháp dành độc lập đã bị cộng sản bắt và hành hạ đến chết trước khi cuộc kháng chiến bùng nổ. Khi di cư vào Nam, lúc 18 tuổi, ông thi vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt khóa 12 để trờ thành sĩ quan, sau đó còn trở về trường làm huấn luyện viên. Đơn vị quân đội ông ở lâu nhất là Sư đoàn 22 Bộ Binh đóng ở Kontum. Năm 1965, ông về phục vụ tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Năm 1967, ông sang Bộ Chiêu Hồi lãnh trách nhiệm chỉ huy bộ phận Tiếp Nhận gồm có Trung Tâm Quốc Gia Chiêu Hồi, Ban Phân Loại và Ban Chủ Thuyết.
Có thể nói công tác của ông tại Bộ Chiêu Hồi chiếm phần quan trọng nhất trong thành tích phục vụ của ông. Nó cũng chứng tỏ khả năng đặc biệt của ông trong công tác nặng về chính trị, tâm lý và tình báo. Năm 1971, ông đã hoàn thành một tài liệu nghiên cứu về đời sống của dân miền Bắc VN trong chiến tranh dựa vào những lời khai của trên 500 hồi chánh viên. Chiến dịch Chiêu Hồi là một thành công lớn của Chính Phủ VNCH.
Chỉ tính từ 1962 tới 1967, đã có trên 30,000 quân, cán cộng sản trở về với hàng ngũ Quốc Gia. Họ được tiếp đón chu đáo, được giải độc, được sửa soạn để thích ứng với đời sống mới và hội nhập hoàn toàn vào xã hội miền Nam. Đến năm 1973, ông trở về quân ngũ và được cử đi học khóa huấn luyện lục quân cao cấp tại Fort Benning, Hoa Kỳ. Khi khóa học vừa chấm dứt, Miền Nam sắp tan hàng. Nhiều bạn bè Việt, Mỹ khuyên ông ở lại, nhưng ông quyết chí trở về Việt Nam để chia sẻ với anh em đồng đội những cam go, khổ nhục đến giây phút cuối cùng. Người lính Nguyễn Công Luận có lòng và có tài, nhưng vì làm công tác bán quân sự, bán chính trị nhiều thời gian qúa, lại không quen thói cong lưng, cúi đầu, nên chỉ được đeo lon trung tá ở cuối cuộc đời binh nghiệp.
Rút kinh nghiệm về cuộc chiến tranh, Nguyễn Công Luận cho rằng người Mỹ qúa ỷ vào tiền bạc và kỹ thuật để chống lại một đối phương áp dụng chiến thuật du kích với thiên hình vạn trạng. Quân đội Mỹ có kỷ luật nhưng ít giao tiếp với thường dân Việt Nam nên mỗi sai lầm nhỏ đều được khuếch đại để tạo tâm lý chống Mỹ. Quân đội Mỹ đến Việt Nam không đối xử tàn ác với dân Việt như quân đội Pháp thuở trước, dĩ nhiên không kể một vài trường hợp lẻ tẻ do những kẻ có vấn đề tâm thần gây ra, như vụ Mỹ Lai. Ngoài ra, quân đội còn phải tuân lệnh các nhà chính trị từ Washington DC, nên nhiều trường hợp phải bó tay.
Về phiá Quân Đội VNCH, tác giả nhận định lính tráng của ta nghèo, gia cảnh khó khăn nhưng chịu gian khổ, tinh thần chiến đấu cao. Nhiều người đào ngũ vì sợ và không chịu được khổ, nhưng không ai bỏ đi theo cộng sản. Họ trốn tránh sống qua ngày rồi lại tìm cách gia nhập cảnh sát, nghiã quân, địa phương quân ở địa phương. Các tướng lãnh không quan tâm đủ vấn đề huấn luyện và khai triển những tài năng khoa học quân sự. Chúng ta có qúa nhiều tướng như Pattons nhưng thiếu những tướng như Marshall. Thật ra chúng ta cần cả hai loại tướng này, và phải có thêm một Napoléon nữa. Tác gỉả tin rằng với lớp sĩ quan trẻ có học và có kinh nghiệm, chỉ cần 5 năm sau, họ có thể thay thế các đàn anh lớp trước và xây dựng một quân đội hữu hiệu hơn (tr. 549). Ngoài ra, tác giả cũng than phiền về sự yếu kém của mặt trận đấu tranh chính trị trong khi chúng ta nắm chính nghiã.
Nói về chính nghiã của cuộc đấu tranh Quốc Cộng, tác giả không dài dòng lý thuyết, nhưng đưa những kết qủa cụ thể để chứng minh. Trong khi phe cộng sản chỉ có thể làm người dân sợ bằng bạo lực, không ai phục, thì phe Quốc Gia đã tạo được sự tin tưởng và yêu mến. Quân đội Quốc Gia đi tới đâu là dân đi theo tới đấy. Người Quốc Gia càng bị cộng sản bắt tù đầy, cải tạo, càng gia tăng quyết tâm chống cộng. Trái lại, nhiều tù nhân cộng sản trong các trại tù của VNCH đã giác ngộ, nhiều người còn tự ý xin nhập đạo Phật, Công Giáo hay Tin Lành.
Ngay trong nhà tù của cộng sản ngoài Bắc, cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã cải hóa được 4 sĩ quan phụ trách việc canh giữ Hồng Y. Bốn người này đã xin theo đạo Công Giáo. Nhiều cai tù tại những trại mà tác giả bị giam ở miền Bắc có cảm tình với tù nhân, đã kín đáo giúp đỡ tù nhân nhiều cách. Nhờ thế tù nhân mới đỡ khổ đôi chút.
Tác giả kể, khi đoàn tù từ trong Nam được đưa đến những vùng xa xôi miền Bắc, dân làng chửi bới đoàn tù là bọn tay sai của đế quốc Mỹ. Nhưng chỉ vài tháng sau, khi họ hiểu hơn, họ đã thay đổi thái độ, kín đáo cho đồ ăn và đứng bên đường tiễn đưa với những giọt lệ khi đoàn tù được di chuyển đi chỗ khác. Khi tác gỉả phải đi lao động ở ngoài trại, một cựu bí thư quận ủy đã mời nhóm bốn người tù trong đó có tác giả về nhà riêng uống trà, bất chấp sư phản đối của sĩ quan trại 4 có nhiệm vụ canh gác. Một lần khác, một cựu chủ tịch xã gần trại 6 đã gặp tác giả và hai bạn tù ở giữa đồng lúa để báo tin họ sẽ được chuyển về Nam trong vòng một tháng. Ông ta nói:
“Các anh hiện là tù nhân, nhưng một ngày nào đó các anh sẽ xây dựng lại đất nước. Chúng tôi chúc các anh may mắn. Hãy giữ gìn sức khỏe cũng như đức tính và nhân cách để trở thành những người xây dựng tiêu biểu một nước Việt Nam mới” (tr. 513).
Về thực tế, miền Nam tuy thua, nhưng đã để lại cho cộng sản một xã hội thịnh vượng không kém các quốc gia lân bang không có chiến tranh, đã đào tạo được một đội ngũ trí thức, chuyên viên đủ các ngành, xử dụng mấy chục năm chưa hết, nếu không có phong trào vượt biên. Vì vậy, tác giả hãnh diện là ông đã đấu tranh cho chính nghiã, dù đứng về bên thua (tr. 557).
Nói về việc hòa giải dân tộc, tác giả có một lập trường cởi mở, khoan dung nhưng rất nghiêm túc. Ông viết:
“Từ đáy sâu của tâm hồn, tôi không mang hận thù với đảng viên và binh lính cộng sản. Nếu có, chỉ là chống lại những người lãnh đạo đảng cộng sản đã đem chủ nghiã cộng sản vào Việt Nam, đã gây ra cuộc thanh lọc chính trị dẫn đến cuộc chiến tranh đẫm máu 30 năm và làm cho Việt Nam trở thành một trong 10 nước bị xếp vào hạng cuối trong 60 năm qua.
“Dù nhiều người quốc gia không nuôi hận thù và không kiếm cách trả thù, nhưng cũng không hợp lý khi nói họ phải quên đi những gì chế độ cộng sản đã làm cho đất nước và đồng bào. Ai có thể quên được một mối tình đẹp đã tan vỡ? Ai có thể quên được một vết cắn đau trí mạng của một con chó dại?... Những vết thương có thể lành, nhưng những vết thẹo hiếm khi lặn hết…
“Tôi tin rằng việc hòa giải tối ư cần thiết sau một trận chiến tranh. Nhưng nó đòi hỏi thiện chí hỗ tương của cả hai bên. Tôi mong rằng những nạn nhân chiến tranh bên phiá cộng sản cũng có cùng một ý kiến như tôi. Sự hiểu biết hỗ tương phải được xây dựng không có sự can thiệp của bất cứ thế lực nào. Hòa bình trong tâm tưởng mỗi người chúng ta một ngày nào đó sẽ đến trong tương lai tươi sáng của Việt Nam” (các tr.557, 558).
Với quan niệm như thế, trước câu hỏi của một số bạn miền Bắc “ Nếu bên các anh thắng, các anh sẽ đối xử với đảng viên, cán bộ và sĩ quan cộng sản như thế nào? Các anh có xử giống như chúng tôi đối xử với các anh không?”, tác giả đã trả lời:
“Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ không gửi tất cả sĩ quan và cán bộ cao cấp cộng sản vào trại tập trung, ngoại trừ những lãnh tụ hàng đầu ở trung ương. Có thể xảy ra vài vụ trả thù cá nhân, kể cả giết chóc, vượt ngoài sự kiểm soát của chính quyền trung ương, nhưng không có trả thù lan rộng và quyết liệt như cộng sản đã xử với chúng tôi năm 1975. Chắc chắn cũng không có sự kỳ thị đối với con cái của người thua. Những gì chúng tôi đã làm trước 1975 trong chương trình Chiêu Hồi đã chứng minh những điều tôi nói.
“Chúng tôi sẽ duy trì tất cả mọi nghiã trang chôn cất những người lính cộng sản đã ngã xuống, và tiếp tục trả tiền trợ cấp cho các chiến binh cộng sản tàn phế và các qủa phụ…
“Các cựu viên chức chính phủ và quân đội cộng sản sẽ được giữ lại làm việc. Những huy chương cộng sản và những biểu hiệu tuyên dương sẽ được bảo tồn và nhìn nhận. Những người cộng sản đã bỏ mình trong cuộc đấu tranh dành độc lập cho Việt nam sẽ được ghi nhớ, trừ Hồ Chí Minh và những lãnh đạo cộng sản cao cấp, họ là những người chịu trách nhiệm việc phổ biến chủ thuyết cộng sản tại Việt Nam và gây ra cuộc chiến tranh tàn phá. Nhưng tất cả mọi kế sách nhằm phục hồi đảng cộng sản sẽ bị cương quyết dẹp tan”.
“Tôi cũng kể lại chuyện cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ khi quân đội miền Nam phải đầu hàng quân đội Liên Bang. Tướng Grant đã nhận sự đầu hàng của tướng Lee với tất cả sự kính trọng. Lính miền Nam được tự do trở về nhà với đồ đạc cá nhân gồm cả ngựa và họ có thể sống như bất cứ công dân Mỹ nào, không bị làm nhục, không bị trả thù hoặc bị đối xử tàn tệ” (các tr. 513, 514).
Tuy nhiên, theo tác giả, viễn ảnh xây dựng miền Nam sau khi dẹp được cộng sản cũng không mấy sáng sủa. Giả dụ cộng sản thất bại trong cuộc chiến do họ gây ra tại miền Nam, họ vẫn không từ bỏ tham vọng thôn tính miền Nam. Như vậy hòa bình thực sự cũng không có ở Việt Nam và Đông Dương. Đảng cộng sản sẽ vẫn còn mai phục những phần tử du kích ở miền Nam để hoạt động âm thầm hay phá hoại khi có thời cơ, ít ra cho tới 1991, năm chế độ Liên Xô xụp đổ. Trong trường hợp đó, an ninh tại những vùng nông thôn xa xôi vẫn bị đe dọa và việc phát triển kinh tế của miền Nam cũng bị cản trở (tr. 554).
Ngày nào còn đảng cộng sản cai trị một nửa đất nước miền Bắc thì miền Nam vẫn chưa yên dù tạm thời bình định được cuộc chiến tranh xâm lấn. Người cộng sản không bao giờ từ bỏ tham vọng bành trướng dù có phải hy sinh xương máu của nhân nhân và tài nguyên quốc gia. Trận chiến vừa qua đã gây tử vong cho 1.4 triệu binh sĩ cộng sản, 260,000 binh sĩ Quốc Gia, 500,000 thường dân (đa số trong Nam), chưa kể những người chết trong các trại tập trung và những nạn nhân trên đường vượt biển tìm tự do.
Tất cả những hy sinh đó đã đổi được những gì ngoài quyền hành tuyệt đối và độc đoán của đảng cộng sản, trong khi dân mất hết mọi quyền căn bản, kinh tế suy kém, xã hội suy đồi, luân thường đảo ngược, lãnh thổ và lãnh hải bị xâm chiếm. Kết luận hiển nhiên: chỉ khi nào đảng cộng sản không còn cả nanh lẫn nọc trên đất nước Việt Nam thì quê hương mới thật sự thanh bình và người Việt Nam mới có thể thực sự bắt tay xây dựng lại đất nước.
Cuốn Nationalist in the Viet Nam Wars của Nguyễn Công Luận đã trình bầy rất rõ chủ đề đó. Một chủ đề, không phải một giả định, phản ảnh thực tế một cách chính xác. Chuyện của một người Quốc Gia yêu nước cũng là chuyện của tất cả mọi người Quốc Gia yêu nước. Chúng ta nhìn thấy hình ảnh của mình trong hình ảnh của Nguyễn Công Luận, bắt gặp hoàn cảnh mình đã sống trong hoàn cảnh Nguyễn Công Luận tả trong sách. “Người Quốc Gia trong những trận chiến Tranh Việt Nam” là một cuốn sách rất đáng đọc, đáng được giới thiệu cho bạn bè ngoại quốc, nhất là cho những người trẻ Việt Nam để họ hiểu được, thấy được những lầm than, nỗ lực và hy sinh của thế hệ cha anh cho đất nước và cho chính họ.
Mặc Giao
No comments:
Post a Comment