Đầu năm 2005, Đài BBC loan báo Lý Quí Chung, 65 tuổi, qua đời tại Saigon vì bịnh ung thư. Chung là cựu dân biểu ba khoá (1966-1975) thời Đệ nhị Cộng hoà thuộc cánh trung lập chủ bại, cựu Tổng trưởng thông tin hai ngày trong Nội các Dương Văn Minh. Gần đây, nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, cho phổ biến quyển “Hồi ký không tên, HKKT” của Chung, dày 486 trang, do trùm CS Trần Bạch Đằng đề tựa, tiết lộ nhiều tài liệu liên hệ đến giai đọan hấp hối của chế độ Nguyễn Văn Thiệu.
Bài này tóm lược một số điểm giúp hiểu thêm những hoạt động phản trắc, đâm sau lưng quốc gia, của tổ chức thường được dư luận biết dưới tên “nhóm Dương Văn Minh” mà Chung là một thành phần tích cực.
1 – Chính khứa Lý Quí Chung lần hồi chuyển hướng
Ngay từ những trang đầu của hồi ký, Lý Quí Chung (LQC) không chối (mà còn khoe) y là một thanh niên trốn quân dịch, ra đời trong gia đình trung lưu tại Mỹ Tho, sinh viên Quốc gia Hành chánh bỏ học, tìm các sinh sống trong nghề báo từ 1960, lúc đầu phụ trách săn tin thể thao. Trong thế giới tứ chiến giang hồ này, Chung trôi nổi từ báo Bình Minh, Điện Tín qua Tiếng Nói Dân tộc, Tin Sáng... Nghề viết lách lần hồi đưa y một cách bất ngờ vào chính trường hỗn loạn của Miền Nam thập niên 70. Khi Nguyễn Cao Kỳ nắm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành Pháp, bộ trưởng Thanh niên Võ Long Triều tuyển dụng Chung làm phó giám đốc Nha Thể thao và sau đó, giám đốc Nha Tác động Tâm Lý. Người giới thiệu gởi gấm Chung là đại tá Lê Quang Hiền, một thành viên trong Uỷ ban hỗn hợp bốn bên Tân Sơn Nhứt từng móc nối với phiá Hànội và anh ruột của “liệt sĩ CS” Lê Quang Lộc.
Chung kể lại nơi trang 78- 79: Trước khi nhận lời, tôi có hỏi ý kiến cha tôi (Lý Quí Phát). Không quay lại nhìn tôi, tiếp tục đọc báo, ông nói: “Có thằng điên mới mời mày làm giám đốc!” Với ông, đó là một chuyện khó tin, vì trong con mắt của ông, tôi còn là một thanh niên hư hỏng.
Nhờ Võ Long Triều can thiệp với đại tá Nguyễn Đình Vinh, đổng lý Bộ Quốc Phòng, Chung được hoãn dịch một khoá. Chung viết: “Võ Long Triều là thầy dùi, một trong những đầu mối tập hợp quân cho tướng Kỳ. Người tài trợ cho các ứng cử viên dân biểu được ông Triều tập hợp là tướng Kỳ chứ không ai khác. Rất có thể ông Kỳ đã lấy tiền từ quỹ đen, caisse noire, dành cho Thủ tướng để chi. Trong số người được ông Triều đưa vào danh sách ứng cử có tôi... Ông Triều lúc đó vừa là người đứng đầu một tập hợp chính trị có tên là Phong trào Phục Hưng Miền Nam, PTPHMN. Với sự hổ trợ tích cực phiá sau của thủ tướng Kỳ, ông Triều và những người bạn thân thiết của ông như Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận, Hoàng Ngọc Tuệ, Đỗ Ngọc Yến, Trần Văn Ngô còn thành lập một phong trào hoạt động xã hội có tên là Phong trào phát triển Quận 8. Phong trào này nhằm hô hào chính quyền và dân chúng góp tay biến các khu ổ chuột thành những khu dân cư khang trang” (trang 80-83).
Nhờ sự sắp xếp nói trên, LQC, 26 tuổi, một trong bẩy ứng cử viên chỉ định của PTPHMN, được lọt năm 1966 vào Quốc hội lập hiến ( gồm có 117 dân biểu) của một chế độ mà y gọi là “bát nháo, tham nhũng, mất định hướng, mỗi lúc một suy tàn.” Chung thú nhận: “Tôi bước vào sân khấu chính trị không do chính tôi chủ động mà do định mệnh (sic) chọn lựa”. Rõ ràng chuột sa hũ nếp! Cũng nhờ khéo chạy chọt, Chung được bầu trưởng khối Dân tộc đối lập với Nguyễn Văn Thiệu, gồm có các dân biểu PTPHMN, Phật giáo và độc lập. Chung củng cố chức vị với vai trò chủ tịch Ủy ban điều tra vụ ám sát dân biểu Trần Văn Văn và chủ tịch Ủy ban cứu xét các vụ án chính trị dưới chế độ Diệm. Vài tháng sau, Chung thoát vòng kềm tỏa của Võ long Triều và tách ra khỏi PTPHMN. Từ Quốc hội lập pháp kỳ 1 (Hạ nghị viện 1967-1971) - vì thấy phe Nguyên Cao Kỳ hết ăn khách, Chung chuyển dịch vào giữa, được công khai hoá với những bài xã luận trên báo Tiếng Nói Dân Tộc (do y làm chủ nhiệm) nói về những “người Việt đứng giữa”. Áp phích tranh cử của Chung mang khẩu hiệu xu thời “Một Miền Nam Trung lập trong một Đông Dương trung lập.” Vì khuynh hướng của y không có mấy que gia nhập, LQC tự gán cho mình danh hiệu “người Việt cô đơn”, không đứng về phiá chế độ Sàigòn, cũng chưa (công khai) nghiêng theo kháng chiến. Mặt khác, Chung nói dối khi tuyên bố “không biết gì về cộng sản” và không bị “phiá bên kia” móc nối. Thật vậy, y giao du thân mật với trùm gián điệp Phạm Xuân Ẩn, sinh viên phản chiến Huỳnh Tấn Mẫm, tuyển tên cán bộ đỏ Triệu Công Minh làm tổng thơ ký trong Tiếng Nói Dân Tộc, trọng dụng Huỳnh Bá Thành tức họa sĩ Ớt (trung tá CS chỉ huy Công an tại đô thành Sàigon sau tháng tư 1975) và chứa dấu trong nhà sinh viên Nguyễn Hữu Thái (bị Toà án quốc gia truy nã về tội mưu sát Viện trưởng Nguyễn Văn Bông theo lời kể lại của bà goá phụ N.V. Bông trong quyển hồi ký Mây Mùa Thu).
Trong cuộc bầu cử Hạ Nghị Viện nhiệm kỳ hai vào tháng 8.1971, LQC tuyên bố trên đài truyền hình sẽ từ nhiệm nếu đắc cử và nếu sau đó, Nguyễn Văn Thiệu cũng đắc cử tổng thống trong một cuộc bầu cử độc diễn, để phản đối cuộc bầu cử thiếu dân chủ của Thiệu. Chung trúng cử dân biểu ngày 29.6.1971, Thiệu đắc cử tổng thống ngày 3.10.1971. Vì lỡ hứa với cử tri, Chung phải giữ lời. Báo Tiếng Nói Dân Tộc bị rút giấy phép. Chung phải thuê manchette tờ Bút Thần sau khi tờ Điện Tín (do Chung làm chủ bút) bị đưa ra Toà. Chung như cua gãy càng, lâm cảnh thất nghiệp, vì tính toán hố. Chung nhìn nhận “lập trường đứng giữa là ngây ngô chính trị” (HKKT, trang 146). Trong canh xì phé sắp tàn, Chung xoay tìm một lá bài khác. Lá bài Dương Văn Minh, có vẻ ăn khách hơn.
2 – Gia nhập nhóm Dương Văn Minh
Lý Quí Chung gặp Dương Văn Minh lần đầu tiên vào tháng 6.1967 khi liên danh ứng cử Tổng thống Trần Văn Hương-Mai Thọ Truyền yêu cầu y qua Bangkok, nơi Minh bị Nguyễn Khánh lưu đày, để xin Minh lên tiếng ủng hộ liên danh này. Lúc đó, Ủy ban lãnh đạo quốc gia chống lại ý định hồi hương của Minh. Chung và Tôn Thất Thiện phụ trách báo chí cho liên danh Hương-Truyền. Rốt cuộc, liên danh Thiệu-Kỳ về nhứt với 35% phiếu trong tổng số 10 liên danh ứng cử.
Năm 1971, Chung làm phát ngôn viên báo chí cho liên danh ứng cử Tổng thống Dương Văn Minh- Hồ Văn Minh (chủ trương thoả hiệp với cộng sản). Hai liên danh đối thủ (khuynh hướng chống cộng) là Thiệu-Hương và Kỳ- (Trương Vĩnh) Lễ. Luật bầu cử ngày 3.6.1971 của Quốc Hội thân chính quyền - do phụ tá Nguyễn Văn Ngân giật dây - buộc mỗi liên danh phải được 40 dân biểu, nghị sĩ hoặc 100 nghị viên Hội đồng tỉnh ký tên giới thiệu.
Gần hết hạn nộp đơn, Kỳ thu được 101 chữ ký của các nghị viên nhưng vẫn bị Tối Cao Pháp Viện bác ngày 6-8 vì trong số 101 này có đến 39 chữ ký nằm trong danh sách ủng hộ Thiệu. Trong danh sách niêm yết lần thứ nhứt, bới thế, chỉ có hai liên danh Thiệu và Minh. Ngày 20.8.1971, ông Minh bất thần tuyên bố rút tên với lý do Thiệu đã bố trí guồng máy gian lận bầu cử. Theo Chung, tướng Minh có trao tài liệu xác thực cho Đại sứ Bunker. Trong quyển “Vietnam: A History”, Stanley Karnow ghi rằng Minh từ chối số bạc đút lót một triệu đô-la của Bunker để ra tranh cử. Minh cũng đã xác nhận điểm này với phóng viên Ben Bradley của tờ Washington Post, trước mặt Chung và qua sự phiên dịch của Phạm Xuân Ẩn. Chung cho rằng Nguyễn Tiến Hưng xuyên tạc khi Hưng quả quyết trong quyển sách Hồ Sơ Dinh Độc Lập rằng Dương Văn Minh có bỏ túi số tiền vừa nói.
Trong buổi họp báo đầu tiên ra mắt ký giả quốc tế, đã xuất hiện đầy đủ ê-kíp thầy dùi của Dương Văn Minh gồm có Vũ Văn Mẫu, Lý Chánh Trung, Hồ Văn Minh, Trần Ngọc Liễng, Hồng Sơn Đông, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Nguyễn Hữu Chung và Lý Quí Chung.
Quyết định rút lui của Minh gây bối rối cho Nguyễn Văn Thiệu nên, để tránh tình trạng độc diễn, « quân sư » Nguyễn Văn Ngân vận động trả lại 39 chữ ký trên đây cho Kỳ và xin Tối Cao Pháp Viện, bằng một phán quyết “ảo thuật” ngày 21.8.1971, chấp nhận cho liên danh Kỳ-Lễ được niêm yết trên danh sách lần thứ hai với liên danh Thiệu-Hương. Ngày 28.8, Kỳ cũng tuyên bố rút lui và đề nghị cả Thiệu lẫn Kỳ đều từ chức để cho chủ tịch Thượng viện Nguyễn Văn Huyền tạm điều khiển chính phủ và tổ chức cuộc bầu cử tổng thống khác trong vòng ba tháng. Thiệu bác bỏ. Ngày 1 tháng 9, Tối cao Pháp viện chấp thuận cho Kỳ-Lễ rút tên (HKKT, trang 218). Trong hồi ký Buddha’s Child, trang 318, Kỳ khoe Bunker đã dụ dỗ y: “Nếu ông cần tiền, chúng tôi có thể giúp hai triệu đô. Chúng tôi sẽ chuyển qua trung gian của tướng (Nguyễn Ngọc) Loan.” Như thế, Kỳ đã tự đánh giá cao hơn Minh, một triệu!
Liên danh Thiệu-Hương – không còn đối thủ - đắc cử ngày 3.10.1971 với 94,3% số phiếu bầu. Một chiến thắng không vinh quang! Trong giai đọan đàm phán tại Paris, nhiều tổ chức phản chiến không ngưng xuống đường. Nhiều hình thức đấu tranh được áp dụng.
Dương Văn Minh phớt lờ trước cách đánh giá thấp và khinh miệt của dư luận Mỹ đối với ông. Trong hồi ký Ending The Vietnam War, Kissinger đề cao Thiệu nhưng mạt sát Minh như sau: “Minh là con người yếu mềm nhứt trong các bộ mặt chính trị. Nếu Hà nội chấp nhận ông – điều này cũng không rõ ràng – thì chỉ vì ông là người dễ dàng lật đổ nhất.”
Với tư cách đại diện báo chí cho liên danh Dương Văn Minh, Chung đến chùa Ấn Quang, Saigon, gặp Thượng toạ Trí Quang, qua sự giới thiệu của dân biểu Huế Trần Ngọc Giao. Để chắc ăn, Chung gia nhập vào Lực lượng Hoà Giải Dân tộc của Vũ Văn Mẫu, con gà cồ của Ấn Quang. Vũ Đình Cường và Bùi Tường Huân cũng nằm trong tổ chức này... Khi Chung ngỏ lời xin Trí Quang ủng hộ D-V-Minh, Trí Quang nhận định: “Bây giờ cần một người cầm cờ, ông ấy (DVMinh) có thể làm được chuyện đó trong lúc này... Tướng Minh không phải là người làm chính trị có bản lĩnh”. Sau đó, Trí Quang gởi Chung đến gặp Tăng thống Thích Tịnh Khiết tại chùa Bảo Quốc, Huế, và Thích Huyền Quang tại chùa Từ Đàm.
Theo Chung, nhóm mệnh danh Dương Văn Minh chỉ chánh thức hình thành vào đầu 1970, một năm sau khi tướng Minh ở Bangkok về Saigon. Mỗi tuần vào ngày thứ tư, họ gặp nhau tại Dinh Hoa Lan, trên tầng lầu của dãy nhà cạnh ngôi nhà chính, ở số 3 đường Trần Quý Cáp, nay là Võ Văn Tần, Saigon. Nhóm gồm có 4 thành phần: a) cảm tình viên như Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Hữu Phi (người bạn tennis), Mai Hữu Xuân, Võ Văn Hải (cựu chánh văn phòng của TT Diệm), Tôn Thất Thiện, Bùi Chánh Thời.. b) ôn hoà: Vũ Văn Mẫu, Hồ Văn Minh, Nguyễn Hữu Chung, Lý Quí Chung.. c) khuynh tả: Trần Ngọc Liễng, Lý Chánh Trung, Ngô Công Đức (sau đào thoát qua Thuỵ Điển), Dương Văn Ba… c) cực tả: Nguyễn Ngọc Lan, Hồ Ngọc Nhuận... Trong nhà, tướng Minh cho “tị nạn chính trị” một số người bị chính phủ truy lùng như db Phan Xuân Huy, db Dương Văn Ba, Nguyễn Văn Cước (hoạt động công đoàn).. Nơi trang 270-271, HKKT, Lý Quí Chung ghi: “Xét về gốc tích thành phần của nhóm ông Minh lộ ra sau 1975, chúng ta sẽ không ngạc nhiên về sự chuyển dịch lập trường của nhóm từ “ở giữa” sang tả, rồi hướng đến sự sẵn sàng liên kết với MTGPMN và Hà nội”. Gần phân nửa thành viên trong nhóm có quan hệ với MTGPMN như các ông Cước, H N Nhuận, Lý Chánh Trung, linh mục N N Lan, T N Liểng… Với Linh mục Lan, thẩm phán Triệu Quốc Mạnh, nhà văn Thế Nguyên, Nguyễn Văn Cước.., Ls Liễng thành lập Tổ chức đòi thi hành Hiệp định Paris..”
Người Mỹ duy nhất mà tướng Minh tiếp là cựu trung tướng Charles Timmes, một nhân viên CIA (được William Colby thuê để thay thế Lou Conein, cố vấn nhóm tướng đảo chính TT Diệm năm 1963). Để gây cảm tình (và đồng thời dò la tin tức, nhân tiện theo dõi hành động), Timmes thường đến tặng Minh vài chậu hoa lan hiếm có hay cá quý mỗi khi có dịp xuất ngoại. Timmes cũng luôn lui tới với Kỳ, không ngoài mục tiêu kiểm soát hành tung. Chính Timmes đã sắp đặt với Frank Snepp sự ra đi của TT Thiệu và Trần Thiện Khiêm tối 29.4.1975.
Điểm đáng lưu ý: Chung xác nhận, suốt sáu năm cộng tác với D V Minh, Chung “không thấy giữa Minh và toà đại sứ Pháp có một quan hệ nào trừ những ngày cuối tháng 4.1975.” (HKKT , trang 266)
3 – Thời khắc lịch sử ô nhục: đầu hàng
Hiệp định Paris được ký ngày 27.1.1973. Nhân danh “thành phần thứ ba”, LQC tổ chức với Lực lượng Hoà giải Dân tộc của Vũ Văn Mẫu và Nhóm Đòi Thi Hành Hiệp định Paris của Trần Ngọc Liễng một buổi Hội thảo tại chùa Ấn Quang, có báo giới và truyền hình nước ngoài tham dự, để ủng hộ Hiêp định này và đòi TT Thiệu từ chức. Tiếp theo là những cuộc xuống đường rầm rộ và những chiến dịch vận động quần chúng ở Huế, Đà Nẵng..v..v.. Năm 1974, Tướng Minh chính thức đến viếng Trí Quang và tiếp Trí Quang tại Dinh Hoa Lan, CBS thu hình và hai bên có ra thông cáo. Chính quyền Thiệu suy sụp mau chóng vì Mỹ rút quân và cúp viện trợ, kinh tế lẫn quân sự.
Sáng mùng một Tết Ất Mão, D V Minh đích thân đến thăm các dân biểu và nghị sĩ đối lập tổ chức “đêm không ngủ” và tuyệt thực tại tiền đình Hạ viện. Phước Long thất thủ. Tướng Nguyễn Khắc Bình, tổng giám đốc cảnh sát- công an, cho bắt giam một số đối lập: Hà Huy Hà, Tô Nguyệt Đình, Quốc Phượng, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Lan, Châu Tâm Luân... Hồ Ngọc Nhuận nghi Huỳnh Bá Thành (không bị bắt) là tay trong của Trung ương Tình báo nên đề nghị với tướng Minh không cho vào Dinh Hoa Lan nữa. Sau 30.4.1975, vài bài báo cho rằng chính Huỳnh Bá Thành đã trực tiếp khuyên tướng Minh đầu hàng.
Vào tháng 3.1975, sự tháo chạy khỏi Kontum, Pleiku về hướng Nha Trang quả thật kinh hoàng. Ngày 20.3.1975, TT Thiệu ra lệnh cho Ngô Quang Trưởng tử thủ ở Huế nhưng trước đó hai ngày, Huế đã bắt đầu di tản. Có tin đồn việc rút khỏi Cao Nguyên và Quảng Trị là do sự thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và Bắc Việt. Ngày 30.3.1975, đến phiên Đà nẳng rớt vào tay địch. Đầu tháng 4.1975, nhóm D V Minh họp báo tại Đường Sơn Quán (do Mai Hữu Xuân làm chủ), gần xa lộ Đại Hàn, tuyên bố với giới thông tin ngoại quốc quyết định của tướng Minh thay thế Thiệu...
L Q Chung kể lại: Ngày 17.4.1975, đại sứ Pháp Jean Marie Mérillon cùng cố vấn Pierre Brochard đến Dinh Hoa Lan hội kiến với ông Minh, trước sự hiện diện của Chung. Họ hứa ủng hộ giải pháp D V Minh. Cũng trong lúc đó, Nguyễn Cao Kỳ thăm dò ý kiến của hai tướng Cao Văn Viên (tổng tham mưu trưởng) và Trần Thiện Khiêm (thủ tướng về hưu được 6 tháng) để đảo chính Thiệu. Trùm CIA Thomas Polgar ra lệnh cho tướng Timmes chận đứng ý đồ. Sự kiện này được Hoàng Đức Nhã xác nhận sau 1975 với Larry Berman, tác giả của No Peace, No Honor. Đại sứ Graham Martin cùng đi với tướng Timmes đến gặp Kỳ tại nhà để khuyên Kỳ kiên nhẫn. Từ lâu, Kỳ không có cảm tình với lớp tướng già như Minh, Đôn, Khánh... Thật ra, chính giới Mỹ cũng không ưa gì Kỳ. William Bundy, thứ trưởng ngoại giao thời Lyndon Johnson, phê bình: “Kỳ là cái đáy thùng, sự chọn lựa cuối cùng và tệ hại nhất của một quân đội tuyệt vọng!”. Stanley Karnow, trong Vietnam- A history, mô tả Kỳ “giống như một tay thổi kèn saxo trong một hộp đêm hạng hai.” Nhà văn Frances Fitzgerald, tác giả của Fire on the Lake, cho rằng Kỳ là “một kẻ lừa bịp,... một tướng lãnh làm mất tin tưởng, không có khả năng nắm quyền bính.”
Ngày 23.4.1975, để chận trước đảo chính, Thiệu từ chức, theo đề nghị của Hoàng Đức Nhã bằng một công điện mật mã gời từ Singapore. Thiệu đọc một bài diễn văn nảy lửa trên truyền hình, tố cáo Mỹ bội hưá và vô nhân đạo. Thiệu trao quyền cho phó tổng thống Trần Văn Hương, như Hiến pháp quy định. Hai đại sứ Martin (Hoa kỳ) và Mérillon (Pháp) thuyết phục Hương nhường quyền cho Minh. Ngày 25.4.1975, Martin giúp vợ chồng TT Thiệu và Trần Thiện Khiêm bí mật rời Sàigòn đi Đài Loan. Graham Martin lì hơn Thiệu, không bỏ chạy, dù có chỉ thị rút ra nhanh của Washington.
Ngày 26.4.1975, lưỡng viện Quốc hội (với 136 dân biểu, nghị sĩ trong tổng số 219) nhóm để nghe các tướng Trần Văn Đôn, Cao Văn Viên, Nguyễn Khắc Bình và Nguyễn Văn Minh phúc trình về tình hình an ninh. Với mục đích trấn an khối dân cử “gia nô”, nắm đa số, Lý Quí Chung – với tư cách đại diện của D V Minh - đề nghị biểu quyết a) Sẽ không có sự trả thù vì ủng hộ Thiệu hoặc chống đối lập b) Chính quyền mới sẽ cấp hộ chiếu (visas) ra đi chính thức cho những ai muốn rời VN. Kết quả: Lúc 20 giờ 54 tối, vói số phiếu 147/151, dưới sự điều khiển của chủ tịch Trần Văn Lắm, Quốc hội thuận truất phế Hương và trao quyền cho Minh bằng một quyết nghị do Ls Trần Văn Tuyên giúp thảo ra.
Tại sao đến ngày 28.4.1975 mới cử hành lễ tấn phong D V Minh và ngày 30.4.1975 mới trình diện tân nội các ? Chung tiết lộ: chính “thầy bói nghiệp dư” Hồ Văn Minh, ứng cử viên phó tổng thống trong liên danh D V Minh năm 1971 –đã đề nghị hai ngày “tốt” này. Dương Văn Minh chọn Ls Nguyễn Văn Huyền, trí thức công giáo, nguyên chủ tịch Thượng viện, làm phó tổng thống, và nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, phật giáo, từng cạo đầu để phản đối TT Diệm, làm thủ tướng. Thành phần Nội các gồm có Hồ Văn Minh (phó thủ tướng), Nguyễn Văn Trường (Giáo dục), Bùi Tường Huân (Quốc phòng), Lý Quí Chung (Thông tin)…...Vào giờ chót, Hồ Ngọc Nhuận tránh mặt , không nhận Bộ nào và cũng không đồng ý cho ông Minh lãnh chức Tổng thống.
Trong 48 giờ ngắn ngủi tại chức, LQC, thừa lệnh tân tổng thống, vận động Pháp công nhận Chính phủ D V Minh. Mọi việc không đi đến đâu. Chung lên Đài truyền hình , với Huỳnh Tấn Mẫm kè bên cạnh, kêu gọi đồng bào ở lại, trong cảnh hỗn loạn tột cùng. Sau ngày Ban Mê Thuột thất thủ, D V Minh đã không chấp nhận kế hoạch của Kỳ lập vùng kháng chiến ở Miền Tây, lấy Cần Thơ làm thủ đô. Minh miễn cưỡng dự lễ bàn giao với Trần Văn Hương ngày 28.4.1975 lúc 16 giờ 45 vì Minh từ chối “trở thành người kế tục TT Thiệu theo Hiến pháp của Đệ nhị Cộng hoà mà ông hoàn toàn phủ nhận giá trị “. Quyền Tổng thống Hương bắt tay ông Minh: “Nhiệm vụ của Đại tướng rất nặng nề!”. Không có sự bàn giao giữa hai thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Nguyễn Bá Cẩn vì Minh cho đây là điều vô ích. Hơn nữa, lúc đó, Cẩn đã đào thoát khỏi VN (HKKT,trang 383).
Chung ghi: Từ khi Quốc hội biểu quyết cử Minh thay thế Hương, lực lượng không quân ở Tân Sơn Nhứt đã đóng cổng, chối từ nhận lệnh điều động của TT Minh. Khi ông Minh và đoàn tùy tùng vừa từ Dinh Độc lập trở về Dinh Hoa Lan thì các loại súng ở Dinh Độc Lập và Hải quân ở bến Bạch Đằng bắn lên như điên nhưng chẳng biết bắn vào mục tiêu cụ thể nào. Mọi người đều chui xuống bàn.
Chung kể thêm, nơi trang 386: Tối 28.4.1975, Đô đốc Chung Tấn Cang, tư lệnh Hải quân, vào Dinh Hoa Lan gặp ông Minh, có lẽ nói về quyết định ra đi. Sau đó, có tin ông Minh chấp nhận cho con rể là Đại tá Đài đưa con gái và hai cháu ngoại của ông lên tàu di tản với Đô đốc Cang. Bà Minh ở lại. Vào lúc này, có thể ông Minh đã biết không có hy vọng thương thuyết với quân giải phóng. Trong quyển sách Cruel Avril, Olivier Todd cho biết: cùng đi với Chung Tấn Cang vào gặp Minh, có hai sứ giả của cựu thủ tướng Trần Văn Hữu, thời Bảo Đại, là Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh (năm 1984, hai người này liên hệ với vụ CS xử tử Trần Văn Bá). Họ đề nghị ông Minh mời Hữu về làm thủ tướng vì “Hànội và Chính phủ Cách mạng lâm thời tán đồng vai trò của ông Hữu.” Cũng trong ngày 28.4.1975, từ Paris về đến Bangkok, cựu dân biểu Ngô Công Đức điện đàm với ông Minh cho biết không có cách nào kết thúc chiến tranh bằng chính trị.
Sáng 29.4.1975, Sàigòn hoảng lọan hoàn toàn. Tướng Nguyễn Khắc Bình đã bỏ chạy, chỉ còn phó tổng giám đốc cảnh sát Phạm Kim Quy. Quy cho biết y chỉ có thể điều động được một sư đoàn cảnh sát dã chiến và sẽ cố gắng thi hành chỉ thị của tổng thống (Minh) giữ trật tự trong đô thành. Lý Quí Chung đề nghị nên tuyên bố ”Sàigòn bỏ ngõ” và “để quân giải phóng kiểm soát, bảo vệ an ninh.” Ông Minh giao cho db Hồ Văn Minh soạn thảo bản tuyên bố. Chiều tối, tướng Vĩnh Lộc, tổng tham mưu trưởng, cùng chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (từ lâu theo MTGPMN) đến thuyết trình với ông Minh rằng tình thế tuyệt vọng. Chung liền đề nghị với ông Minh nên vào Dinh Độc lập ngủ đêm nay. Minh phản đối vì ông đã từng tuyên bố trước đó với bạn bè, nếu thành Tổng thống, ông không bao giờ xử dụng Dinh Độc Lập, “Mình sẽ vào đó đánh quân vợt mà thôi!” Rốt cuộc, vào lối 9 giờ tối, ông Minh và gia đình đồng ý vào Dinh Độc Lập vì nơi đây có hầm chống pháo kích kiên cố. Cùng đi, có hai cặp vợ chồng LQC và Nguyễn Hữu Chung.
Tám giờ sáng ngày 30.4.1975, TT Minh tuyên bố với Nội các: Vì Chính phủ không có khả năng giữ an ninh nên ông quyết định trao quyền cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam. Phòng họp yên lặng, không ai phản đối. Lối 15 phút sau, kỹ thuật viên đài truyền thanh đến Dinh để thu âm bài tuyên bố giao quyền, lần thứ ba mới thu hoàn chỉnh. Tướng Nguyễn Hữu Hạnh dành đích thân mang băng ghi âm đến Đài “cho chắc ăn.” Y cũng cho biết sẽ thảo ra và cho phát thanh – với tư cách quyền Tổng tham mưu trưởng- một nhật lênh chỉ thị cho quân đội buông súng. Tướng Vĩnh Lộc sáng hôm đó, đã chạy khỏi Sàigon bằng tàu hải quân với tướng Trần Văn Trung. Nguyễn Cao Kỳ và Ngô Quang Trưởng cũng đã rời Sàigòn trên một chiếc trực thăng riêng. (HKKT, trang 400).
Trong lúc chờ đợi quân cách mạng xuất hiện, tướng Minh cho nhân viên Nội các biết họ có quyền chọn ra đi hay ở lại. Ông thông báo luôn cả số bến và số cổng để lên tàu VN Thương Tín còn đậu ở hải cảng Sàigòn. Chỉ có Nguyễn Hữu Chung điện thoại cho hay y quyết định ra đi cùng gia đình. Bùi Tường Huân kẹt lại giờ chót.
Khoảng 11 giờ 30 sáng, chiếc xe tăng CS đầu tiên loại T-54 tiến trên đại lộ Thống Nhất về phía Dinh Độc lập, ủi sập cổng, sau khi bắn hai phát đại bác long trời lở đất. Tiếng chân chạy ồn ào trong đại sảnh, có tiếng đạn lên nòng, một khẩu lệnh vang dội: “Mọi người đi ra khỏi phòng ngay!” D V Minh là người bước ra đầu tiên, thiếu tá tùy viên Hoa Hải Đường đi bên cạnh, phiá sau là Vũ Văn Mẫu, Lý Quí Chung… .. Nhiều bộ đội ở đầu kia đại sảnh hét to: “Mọi người giơ hai tay lên!”. Minh, Mẫu và tuỳ tùng nhất loạt tuân lệnh. Gần bên bộ đội võ trang, lố nhố những gương mặt quen thuộc: Nguyễn Vạn Hồng (Cung Văn), Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Bá Thành, Huỳnh Văn Tòng, Huỳnh Tấn Mẫm... Tất cả mang thường phục. Chúng la to: Mình thắng rồi! Mình thắng rồi ! Viên đại úy chỉ huy xe tăng ký hiệu 843 (về sau, đuợc biết tên là Bùi Quang Thận) nói với tướng Minh: Anh chỉ cho tôi đường đi hạ cờ ngụy. Minh quay qua Chung: “Toa dẫn người này đi.” Chung dùng thang máy đưa viên sĩ quan lên sân thượng của Dinh, kéo cờ vàng ba sọc đỏ xuống, thay bằng cờ MTGPMN.
Trở lại phòng họp, bên cánh phải Dinh, Chung nghe một người bộ đội (có lẽ chính trị viên; tên được biết về sau là Bùi Văn Tùng) hất hàm bảo ông Minh: Anh hãy viết ngay một tuyên cáo đầu hàng. Tướng Minh trả lời rằng sáng này, ông đã có một tuyên bố trao quyền rồi. Viên chỉ huy nói: “Anh chẳng có gì để trao. Anh chỉ có thể tuyên bố đầu hàng! “
Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu và LQC được đưa đến Đài phát thanh trong hai xe jeeps để thu băng. Bản tuyên bố đầu hàng do Bùi Văn Tùng soạn thảo. Sau khi đọc vào lúc 13 giờ 30, Minh và Mẫu được đưa trở lại Dinh Độc Lập. Từ ngày 30.4.1975 cho đến 2.5.1975, các ông Minh, Mẫu, Nguyễn Văn Huyền. và một số nghị sĩ, dân biểu vẫn còn được phép ở trong Dinh để gặp Trần Văn Trà, Cao Đăng Chiếm, Mai Chí Thọ... đại diện Ủy ban Quân quản, xong họ tự do ra về.
4- Sau ngày 30.4.1975
LQC bị bịnh ung thư nặng nên phải ngưng một thời gian khá dài mới viết được phần hai của quyển hồi ký. Phần đầu gồm có 24 chương liên hệ đến 13 năm hoạt náo chính trị của y tại Miền Nam VN. Cuối tháng chạp 2002, sức khoẻ phục hồi phần nào, Chung viết thêm hai chương chót, dài 62 trang, về cuộc sống… lăn lóc 30 năm trong địa ngục cộng sản. Chung qua đời đầu năm 2005. Chương “Sau ngày 30.4.1975”, 34 trang, tuy ngắn nhưng phản chiếu khá đủ những nỗi thất vọng của y về “thiên đường” xã hội chủ nghĩa.
Vì giỏi chạy chọt nên Chung nhận được chiều 12.6.1975 thơ của Cao Đăng Chiếm , Phó chủ tịch Ủy ban Quân quản Saigon, hoãn cho y “học tập tập trung”. Nhóm dân biểu phản chiến Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Phan Xuân Huy, Đinh Xuân Dũng, Nguyễn Phúc Liên Bảo... cũng hưởng được ân huệ này: phần thưởng của sự phản bội! Tuy nhiên, Chung cũng phải trả một giá rất đắt: toàn thể tài sản bị tịch thâu, cha Chung bị liệt nửa thân mình vì uất ức mất hết của cải; gia dình Chung ly tán, 6 em gái và một em trai bỏ nước ra đi; Chung phải gỡ bán từng cánh cửa trong nhà để mua thực phẩm. Hai “công tử cưng” của Chung phải đi mài bản kẻm trong một nhà in và làm bồi bàn khách sạn.
Năm 1975, bốn tháng sau ngày “giải phóng”, Võ Văn Kiệt, bí thơ thành ủy TP-HCM, cho phép Ngô Công Đức, chủ nhiệm, tái xuất bản tờ Tin Sáng, có Dương Văn Ba, Nguyễn Hữu An, Nguyễn Văn Binh, Hồ Ngọc Nhuận... cộng tác. LQC đảm trách vai trò phó biên tập. Mục tiêu của Kiệt là tập trung nhóm dân biểu phản động này lại vào chung một giỏ để tiện việc kiểm soát, đồng thời ra chỉ thị cho họ rình rập lẫn nhau để dâng công và viết lách tuyên truyền cho Đảng. LQC cho biết: Ngay từ lúc đầu, có những “mâu thuẫn nội bộ” về vấn đề quản lý, tiền bạc; “ các gắn bó với nhau từ thời cũ lại không suông sẻ”. Tin Sáng tuyên bố “hoàn thành nhiệm vụ” (sic) sau 5 năm. Từ đó để độ nhựt, “nguyên tổng trưởng Thông tin, nguyên dân biểu đối lập ngụy quyền LQC” – tước danh thời vàng son mà Chung thường nhắc để tự an ủi – đành cam phận đi nhặt tin ... bóng đá, bán cho các báo. Cho đến ngày qua đời, LQC phụng sự tất cả là bảy tờ tạp chí và nhật báo CS. Chung than thở chán nản: “Tôi là một quả chanh đã hết nước rồi!” (HKKT, trang 434)
Lối năm 1988, bất chấp mọi đàm tiếu, LQC viết một bức thơ cho Võ Văn Kiệt, lúc đó Phó chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng, bày tỏ nguyện vọng “ngày nào đó trở thàng đảng viên Đảng CSVN”. Kiệt không màng phúc đáp. Trong cảnh chim lồng cá chậu, Chung ê chề nhận thức trước khi qua đời: Sau 30 năm, tôi vẫn phải gánh trên lưng mình cái lý lịch “viên chức cao cấp chế độ cũ” như một cục bướu..., tôi chưa bao giờ là một thành viên trọn vẹn của chế độ mới. Tôi vẫn hiểu được rằng thật khó cho người cộng sản tin dùng trọn vẹn một người không phải của mình... Một trong những câu nói đầu tiên sau thời gian cha tôi bị tắt tiếng là nói với tôi một cách giận dữ: “Tao không muốn gặp mày nữa. Gia đình mày như thế này, cha mày như thế này, mà mày còn viết báo cho cộng sản. Tao từ mày.” (HKKT, trang 426). Sự trở mặt của LQC đối với phía quốc gia không được CS bồi đáp đúng mức.
Sau vài hôm - cùng với Trần Văn Hương, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Huyền - bị Mai Chí Thọ và Tạ Bá Tòng nhồi sọ về đường lối cách mạng và chủ thuyết Mác Lê, ông DV Minh ngoan ngoãn trở về đời sống dân giả và tuyên bố hãnh diện được đi bầu. Năm 1982, ông Minh nhờ một bạn học cũ là bà Bùi Thị Mè (được CS vinh danh “Bà mẹ chiến sĩ”) năn nỉ với Võ Văn Kiệt, bí thơ thành ủy TP. HCM, cho phép xuất ngoại sang Pháp. Lúc đến chào từ biệt, ông Minh cho Kiệt biết Toà Tổng lãnh sự Pháp có ngỏ ý, theo chỉ thị từ Paris, lo cho ông bà Minh mọi phương tiện, kể cả vé máy bay nhưng ông Minh đã từ chối: “Mọi việc đã có chính phủ tôi lo rồi!”. Mặt khác, ông Minh hứa khi sống ở nước ngoài ông sẽ “không có một lời tuyên bố nào bất lợi cho nước nhà.”(HKKT, trang 445). Ông bà DV Minh được mang theo hành lý với số cân không hạn chế và không bị kiểm tra, theo lệnh của Kiệt. Năm 1984, với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Kiệt đi dự Quốc khánh của Cộng hoà Dân chủ Đức. Trên đường về, Kiệt ghé Paris thăm Phạm Ngọc Thuần, Phạm Hoàng Hộ và Dương Văn Minh. Một trong những câu nói đầu tiên của ông Minh khi gặp Kiệt tại nhà bác sĩ Danh là: « Anh đã biết đó, tôi luôn giữ lời hứa khi rời khỏi Sàigòn. Sang đây, tôi không tiếp xúc báo chí và cũng không có một lời tuyên bố nào bất lợi cho ở nhà » Có hai lần ông Minh chuẩn bị hồi hương nhưng không hiểu vi sao dời lại. Cuối cùng, ông Minh qua California sống vơi người con gái và quá vãng tại đây.
Nơi trang 447 của HKKT, LQC viết: Khi ông DV Minh và vợ đi khỏi Sàigòn rồi, tôi có dịp gặp Thượng tọa Trí Quang, ông nói: “Thật rất tiếc. Đáng lý ông Minh nên ở lại đất nước bởi chính ông là người từng kêu gọi dân chúng không nên bỏ quê hương ra đi. Nhiều người vì nghe ông ở lại. Thế mà bây giờ ông lại ra đi...”
Tác giả bài này được cựu đại tá Nguyễn Linh Chiêu, hiện sống ở Huntington Beach, California, cho biết: Năm 1983, ông Chiêu có tổ chức một bữa cơm tại Paris để gặp lại hai bạn cũ Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn. Trả lời câu hỏi của ông Chiêu tại sao thủ tướng Vũ Văn Mẫu đòi trên Đài phát thanh Sàigòn sáng ngày 30.4.1975 Quân đội Mỹ phải rút khỏi VN trong 24 tiếng đồng hồ? Tướng Minh cho biết chính đại sứ Hoa kỳ Graham Martin đã yêu cầu Tổng thống Minh có quyết định ấy để tạo lý do cho Mỹ chuồn gấp.
Lý Quí Chung kết thúc quyển Hồi Ký Không Tên với câu hỏi: Ông Dương Văn Minh là người của Pháp, Mỹ hay Cộng sản? Và Chung liền tự trả lời: “Tôi nghĩ ông Minh chỉ là người yêu nước!”.
Ba thập niên sau ngày Miền Nam bị bức tử, lịch sử có sẵn sàng xác nhận như thế hay không?
No comments:
Post a Comment