Wednesday, September 5, 2012

Trinh Tieu Mi " A Xiu"


Nàng là người Việt gốc Hoa. Tên nàng là Trịnh Tiểu Mi, một cái tên rất… “tài tử Hồng Kông”. Mà thật sự, nàng cũng có nét tài tử Hồng Kông, bởi vì nàng đẹp. Ở nhà gọi nàng là “A Xíu”, một cái tên có âm thanh thật dễ thương. Và cũng hạp với con người của nàng: nhỏ nhỏ thon thon, cân đối gọn gàng như con búp-bế.

Gia đình nàng có nhà ở Chợ Cũ Sàigòn.Tầng dưới là cửa hàng bán cà phê đã rang rồi, cà phê hột và cà phê xay đủ loại. Hai tầng trên để ở và sân thượng là nơi rang cà phê.

Nàng là con gái duy nhứt của gia đình, lại là đứa con út nên được cưng như trứng mỏng. Hai người anh đã có gia đình, đã “ra riêng”, cũng bán cà phê nhưng ở tuốt trong chợ lớn. Ngày ngày, nàng phụ “mà má” đứng bán cà phê. Khách hàng tới mua nườm nượp, nhất là giới trai trẻ. Cà phê được pha trộn và rang theo lối thủ công gia truyền, ngon có tiếng. Bán đắt đã đành nhưng cửa hàng đông khách, có lẽ phần lớn tại vì nàng duyên dáng dễ thương ! Bằng cớ là thiên hạ nói “Cà phê A Xíu” chớ không ai nói “Cà phê Hối Ký” là bản hiệu của cửa hàng !

…Chàng là người Việt “chánh cống”, quê ở Cần Thơ. Chàng thuộc gia đình nông dân, ba đời làm ruộng. Chàng tên là Bảy vì là thứ bảy. Dáng vóc chàng cao ráo, “đô”� con, nhưng tánh tình thì trầm lặng ít nói, còn có vẻ… lù đù nữa ! Vì vậy nên hồi đi lính quốc gia, bạn đồng đội “gắn” cho hỗn danh “thằng Bảy Lù”.

Hồi thời trước, nhờ bà con quen lớn sao đó mà chàng được về làm việc văn phòng ở tổng tham mưu. Chàng mướn một căn gác nhỏ ở khu cổng xe lửa số 6 để ở, rồi ngày ngày đi làm bằng xe đạp. Chàng không đủ sức mua Honda nên lúc nào cũng thấy đi xe đạp, cho dầu phải đạp xa cách mấy…

Chàng và nàng gặp nhau lần đầu trong bữa tiệc cưới của một người bạn chung. Chú rễ này cố tình sắp cho họ ngồi cạnh nhau, cùng bàn. Bởi vì khi giới thiệu, anh ta nói : “Đây là Tiểu Mi, người đẹp Chợ Cũ. Chưa có kép nào được lọt mắt xanh của nàng hết. Mày liệu thử thời vận coi ra sau. Còn đây là thằng Bảy, bạn cùng đơn vị. Nó hơi cù lần nhưng dễ thương như một tờ giấy trắng. Anh sắp nó ngồi cạnh Tiểu Mi để nó… hầu Tiểu Mi đó nghen !” Nàng nhìn chàng, mỉm cười mà hai vành tai đỏ ửng. Chàng gật đầu, nói lí nhí : “Hân hạnh…”. Vậy rồi họ quen nhau…

Về đơn vị chàng giới thiệu “cà phê A Xíu”. Mấy xếp lớn xếp nhỏ uống thử, khen ngon. Sau đó, cứ vài hôm là chàng đạp xe xuống Chợ Cũ mua cà phê giùm mấy xếp. Nhờ vậy, họ thân nhau. “Pà-pá , mà-má” của Xíu cũng mến “thằng Bảy”, nên thường nói : “Tội nghiệp thằng nhỏ ! Đạp xe lên xuống mua cà phê hoài mà không nghe than một tiếng”.

Rồi họ được phép đi chơi với nhau. Đi xe đạp, mỗi đứa một chiếc, chạy song song. Những lúc đi như vậy, chỉ có mình nàng nói, còn chàng thì mỉm cười lắng tai nghe, lâu lâu góp vào vài câu, nhưng góp đúng lúc. Nàng thích chàng ở chỗ tế nhị đó. Còn chàng thì thích nghe nàng nói, nói bất cứ chuyện gì. Bởi vì giọng nói của nàng đã dễ thương mà cách nàng nói càng dễ thương gấp bội.

Vậy rồi họ yêu nhau lúc nào không biết ! Họ chưa từng nói “yêu nhau” nhưng họ biết họ yêu nhau. Bởi vì họ nói tình yêu bằng đôi mắt và họ nghe lời yêu bằng tất cả con tim…

Một hôm -chàng nhớ hoài cái hôm đó, đến bây giờ vẫn còn nhớ rõ, và có lẽ mãi mãi về sau … ờ… mãi mãi về sau … chắc chẳng bao giờ quên- hai đứa hẹn nhau đi chơi, Xíu nói : “Em để xe đạp ở nhà. Đi chơi mà đạp xe song song cứ phải nhìn qua ngó lại, sợ té sợ đụng, có khi quên bẵng đi mình đang nói cái gì … thành ra mất đi cái thú đi chung với nhau”. Rồi nàng nghiêng nghiêng đầu nhìn chàng, cười cười : “Em muốn anh chở em đi, được không ?”. Chàng sung sướng, gật đầu. Nàng ngồi lên pọt-ba-ga, hai chân buôn thõng một bên, một tay nắm lấy phía sau yên xe. Dáng nàng ngồi thong dong thoải mái. Chàng đạp xe, nghe nhẹ phiêu phiêu. Một lúc, chàng hỏi “Xíu ngồi có được không ?”. Nàng trả lời: “Được chớ anh”. Rồi tiếp: “Anh thấy không ? Mình đi chung một xe như vầy, nói chuyện với nhau có phải thích hơn không ? Dĩ nhiên, anh ngồi phía trước, em phía sau, mình không nhìn nhau được trong khi nói chuyện. Nhưng mình đâu cần nhìn nhau mà mình vẫn thấy nhau phải không anh ?”.Chàng nghe mát cả lòng. Chàng gật đầu rồi nhấn mạnh lên bàn đạp cho xe đi nhanh nhanh như để nói lên niềm phấn khởi ! Rồi đột nhiên chàng nói, lời lẽ không biết từ đâu tuôn ra : “Xíu à ! Chở Xíu đi như vầy, có phải đạp suốt ngày, suốt tháng, suốt năm… anh cũng đạp nổi.” Nàng cười sung sướng, đưa tay véo hông chàng một cái. Sao nàng thèm cắn người yêu thật đau cho hả “cái gì đó” đang căng đầy lồng ngực…

Từ đó, có đi chung thì luôn luôn chàng đèo nàng sau xe…Dễ thương quá là tình yêu của Bảy và Xíu !

Vậy rồi có ngày 30 tháng tư 1975… Phải có ngày đó, để đổ nát được cách mạng đề cao. Phải có ngày đó, để hoang tàn được cách mạng xem là thành tích. Miền Nam giống như nùi giẻ rách, nhờ đã được giải phóng hoàn toàn !

Hai người anh của Xíu đã đưa vợ con di-tản. Pà-pá, mà-má và Xíu ở lại buôn bán lai rai, chờ coi có “làm ăn gì được không”. Cửa hàng bây giờ thâu gọn lại chỉ còn có hai thùng kiếng nhỏ đặt phía trước. Bảng hiệu đã được gỡ xuống cất trên sân thượng. Mấy dụng cụ rang cà phê được chất ngổn ngang trong một góc, giống như đồ phế thải. Làm như vậy để thấy cái vẻ nghèo nàn, làm ăn khó khăn…

Bảy học tập ba hôm rồi về làm thợ phụ cho bác Năm thợ hồ ở cùng xóm. Chàng có “xẹt” qua Chợ Cũ thăm người yêu mấy lần. Bây giờ họ không còn thì giờ để đi chơi với nhau bởi vì ai cũng bận rộn bởi các buổi hội họp, học tập, khai báo, đi mết tinh v.v… là những thứ sanh hoạt rất cần thiết để đưa nhân dân lên làm chủ (Nhà Nước nói như vậy). Thành ra mỗi lần họ gặp nhau, họ coi thời gian quý như vàng ! Có lẽ vì vậy mà bây giờ họ nhìn nhau nhiều hơn là họ nói chuyện với nhau…

Thời gian sau, chánh quyền “đánh tư sản mại bản”.Gia đình Xíu không tránh khỏi “đại nạn” này. Những người “cách mạng” xong vào nhà ngang nhiên và hùng hổ như một bọn cướp. Họ “bươi” từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, từ sau ra trước… giống như gà bươi đống rác. Gặp gì kiểm kê nấy. Vậy rồi… hốt hết ! Mà-má và Xíu chỉ biết ôm nhau mà khóc, còn Pà-pá thì ngồi trên ghế xích-đu, xích tới xích lui hút thuốc, nín thinh.

Sau “trận” đó, nhiều người nhảy lầu tự tử. Nghe thấy như vậy, Pà-pá nói: “Làm như vậy đâu có giải quyết cái gì ? Tụi nó còn cười, nói mình ngu ! Từ từ rồi tính nữa.” Trong khi chờ đợi pà-pá “tính nữa”, mẹ con Xíu ngồi xổm trên vỉa hè bán giò-cháo-quẩy bánh tiêu… Bây giờ, Bảy vẫn đạp xe xuống thăm Xíu. Lần nào cũng được nàng cho một cái bánh. Chàng ngồi xổm một bên, ăn. Không đói, nhưng vẩn ăn. Và ăn thấy ngon !

Cách mạng không…”quản lý” được thời gian nên thời gian vẫn đi qua, ngạo nghễ. Thiên hạ lần lượt đi chui-cũng gọi là “vượt biên” -Phần đông đi bằng đường biển. Có người đi thoát, có người bị bắt. Những người đi thoát, có khi mất tích, có khi bị cướp. Dầu vậy, đi chui cũng đã trở thành gần như là một phong trào !

Thấy mỗi người vượt biên phải đóng nhiều cây vàng cho người tổ chức, cán bộ cách mạng “nhào ra làm ăn”. Họ cũng tổ chức đi chui, nhưng là một loại đi chui không sợ bị bắt vì có chánh quyền … hộ tống. Vì vậy, thiên hạ gọi là “đi chui bán chánh thức” ! Người Tàu được ưu tiên đi bằng cách này. Cho nên họ đi ồ ạt…

Một hôm, được thơ hẹn của Xíu, Bảy xin nghỉ việc buổi chiều, đạp xe xuống “Con Rùa” đường Duy Tân, đợi. Một cô gái chở Xíu tới bằng Honda, gật đầu chào Bảy, đợi Xíu bước xuống rồi quay xe đi vội vã. Xíu mặc áo dài trắng, tóc được cột túm lại sau ót. Nhìn đôi mắt mọng đỏ của người yêu, Bảy linh cảm có một cái gì không ổn. Bảy hỏi: “Có chuyện gì vậy, Xíu ?”. Nàng không trả lời, nhưng nói giọng trống rỗng: “Anh chở em đi. Đi đâu cũng được”. Đợi nàng vén vạt áo ngồi vững vàng lên pọt-pa-ga, chàng mới đạp xe đi. Đi chầm chậm, đi thẳng. Lần này, Xíu không nắm phía sau yên xe. Xíu vòng một tay ôm lấy nửa người của Bảy. Lần đầu tiên được bàn tay thon nhỏ của người yêu đặt lên bụng mình, Bảy thật xúc động. Chàng đạp xe mà tưởng chừng như trên đường phố chỉ còn lại có hai đứa…

Một lúc sau, Xíu mới nói: “Pàpá cho phép em đi chơi với anh từ giờ tới năm giờ chiều”. Rồi nàng nghẹn ngào: “Đi với nhau lần cuối”. Bỗng nàng chồm tới, vòng cả hai tay ôm chặt lấy người yêu, úp mặt lên lưng chàng, khóc ngất. Chàng nghe rớt ra từng tiếng rời rã trên lưng: “Tối … nay … em … đi …”. Mồ hôi bỗng vã ra như tắm, nhưng Bảy vẫn còn tỉnh táo để đặt một bàn tay lên bàn tay người yêu bóp nhẹ. Cử chỉ đó làm Xíu không kềm được nữa. Nàng vừa khóc lớn vừa giúi giúi mặt lên lưng người yêu, mạnh thật mạnh- Làm như nàng muốn chui hẳn vào người của chàng để hai đứa chỉ còn là một, để nước mắt và mồ hôi của hai đứa hòa quyện với nhau cùng chung niềm thống khổ, để đừng thấy đừng nghe đừng biết gì gì nữa, chết lịm đi cho cuộc tình khép lại, vĩnh viễn khép lại… Tội nghiệp ! Rồi ngày mai, rồi mãi mãi, cuộc đời này còn ý nghĩa gì nữa đâu ?

Hai người vẫn đèo nhau đi… Đầu óc trống rỗng. Chẳng còn nói được với nhau chuyện gì hết. Và chắc cũng chẳng còn biết phát âm là gì nữa ! Niềm đau quá lớn đã làm cho họ như người câm. Hai người câm…

Xíu vẫn ôm lấy người yêu, áp một bên má lên cái lưng chắc nịch của người yêu, quên mất rằng đây là lần đầu tiên Xíu chạm vào người của Bảy ! Lâu nay, mặc dầu yêu nhau tha thiết, họ chỉ dám nắm tay nhau thôi, và nắm tay nhau chỉ có mấy lần. Xíu nhắm mắt, tưởng chừng như thời gian đang ngừng lại. Nàng bỗng nghe rõ hơi thở, nghe rỏ nhịp tim của Bảy, những thứ mà lâu nay nàng chưa từng nghe. Mũi nàng bỗng hửi được mùi mồ hôi, hửi được mùi da thịt của Bảy, những thứ mà lâu nay nàng chưa từng dám nghĩ tới. Nàng bỗng nghe hơi ấm từ người của Bảy chuyền sang người nàng âm thầm nhưng rõ rệt, thứ cảm giác dìu dịu lân lân mà lâu nay nàng chưa từng được biết. Nàng bỗng nhận thức rằng người yêu nàng là đây, còn hiển hiện trong vòng tay. Rồi sẽ không bao giờ được như vầy nữa. Bởi vì đây là lần đầu và cũng là lần cuối, lần cuối… Thương xót quá ! Nàng siết chặt người yêu với tất cả sức mình mà nước mắt trào ra không dứt…

…Rồi Bảy cũng phải đưa Xíu về. Chàng vừa thắng xe, chống chân xuống đất, nàng đã đứng xuống chạy ù vào nhà. Tà áo dài trắng của nàng lất phất vài cái như vẫy chào lần cuối trước khi khuất sau cánh cửa. Bảy chống tay lên ghi-đông, đầu gục xuống giữa hai vai. Chàng có cảm giác như mình đã kiệt sức…

…Xíu đi rồi, ngày nào Bảy cũng đạp xe đi long bong. Không biết đi đâu, cứ đạp chầm chậm, đạp hoài. Khát, thì tấp vô uống cái gì đó. Đói, thì tấp vô ăn đại cái gì đó. Ăn gì uống gì, không cần để ý tới nữa.

Vậy mà Bảy cũng đạp tới cái công viên nhỏ mà hai đứa thường hẹn nhau. Chàng dựng xe cạnh chiếc băng xi măng mà hai đứa thường ngồi, rồi bước lại ngồi giống như ngày xưa chàng vẫn ngồi để đợi nàng tới. Nhưng bây giờ thì chàng ngồi một mình, ngồi thật lâu. Và không biết tại sao lại phải ngồi như vậy !

Rồi lại đạp xe đi loanh quanh. Không cần biết đi đâu…

Vậy mà Bảy cũng đi đến “Con Rùa” đường Duy Tân, chỗ hai đứa thường đến ăn kem, uống nước dừa. Chàng dựng xe rồi lại ngồi lên bệ gạch, chỗ quen ngồi để đợi nàng đến. Chỗ đó nhìn thẳng xuống sau lưng nhà thờ Đức Bà, nàng luôn luôn đi từ hướng đó đi lên, hướng mà bây giờ chàng nhìn đâm đâm, nhìn mãi…

Vậy mà Bảy cũng đi đến con đường Đinh Tiên Hoàng, khúc rộng thênh thang dẫn dài xuống bờ sông. Hai đứa thường đi bộ ở đó vì đường vắng và mát. Đường đó bây giờ vẫn vắng và mát, Bảy dẫn xe đi bộ chầm chậm như ngày xưa…

Rồi Bảy còn đến nhiều nơi nữa : sở thú, vườn Tao Đàn, con đò Thủ Thiêm, chùa Vĩnh Nghiêm, quán thạch chè Hiển Khánh… Những nơi những chốn mà hai đứa, ngày xưa, đã từng đến một lần, hai lần, nhiều lần. Không biết cái gì đã đưa đẩy chàng đi như vậy ?

Bảy không biết rằng mình đang đi lượm những mảnh vụn của cuộc tình. Nếu không có cái “ngày cách mạng thành công”, thì cuộc tình đó đã không bị đập tan thành mảnh vụn… Để thấy cái gọi là “cách mạng thành công” đã thật sự thành công trong nhiệm vụ phá tan đập nát tất cả những gì của miền Nam, kể cả những gì nhỏ bé nhứt tầm thường nhứt như tình yêu của chàng trai và cô gái đó !

Chuyện không nói Xíu có đi được đến bờ đến bến nào không. Điều mà người ta biết là có vài chiếc tàu “đi chui bán chánh thức” bị chìm vì gặp sóng to gió lớn. Việt cộng đã cho đi bằng loại tàu gần như phế thải, không còn đủ tiêu chuẩn vượt đại dương.

Nhưng chuyện nói rằng Bảy vẫn đạp xe đi loanh quanh, hết ngày này qua tháng khác. Và bây giờ Bảy hay đứng ở bờ sông Sàigòn, nhìn xa xâm rất lâu để chỉ gọi thầm có hai tiếng : “Xíu ơi…”.






Be the fir



-


















Subject: Nhà văn TIỂU TỬ - Tiểu sử & Chúc mừng sinh nhật !






Nhà văn Tiểu Tử Võ Hoài Nam


Posted on 12/07/2012 by Mỹ Đức




Tiểu sử nhà văn Tiểu Tử :



Nhà văn Tiểu Tử, tên thật là Võ Hoài Nam. Ông là con trai duy nhứt của giáo sư Võ Thành Cứ, cựu giáo sư trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn. Ông sanh ngày 19 tháng 7 năm 1930 tại quận Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam. Ông tốt nghiệp kỹ sư tại Marseille, Pháp quốc năm 1955. Ông về Việt Nam, dạy tại trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký niên khóa 1955-1956. Tháng 10 năm 1956, ông vào làm việc tại hãng xăng Shell Việt Nam cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Năm 1979, ông vượt biên và định cư tại Pháp. Sau đó, ông nhận làm việc cho công ty Đường Mía của nhà nước tại Côte d’Ivoire, Phi Châu, từ 1979 đến 1982. Ông qua làm hãng xăng Shell Côte d’Ivoire cho đến khi về hưu (1982-1991). Hiện ông đang nghỉ hưu tại Paris, Pháp quốc.

Trước 1975, ông phụ trách mục biếm văn “Trò đời” trên nhựt báo Tiến, với bút hiệu Tiểu Tử. Bút hiệu nầy ông vẫn dùng cho những bài tạp văn và truyện ngắn của ông tại hải ngoại, sau 1975.

Ông đã xuất bản tập truyện ngắn “Những mảnh vụn” năm 2004 và “Bài ca vọng cổ” năm 2006.

Ngoài “Bài ca vọng cổ” ông đặt tựa cho tập truyện ngắn, còn các truyện ngắn khác mà ông rất tâm đắc, như “Nội”“Thằng chó đẻ của má”. Thật vậy, đọc truyện ngắn “Nội”, “Thằng chó đẻ của má”, độc giả có cảm giác như lãng đãng hình bóng của bà mẹ quê của mình trong đó. Nó gần gủi và thân thương. Độc giả có cảm tưởng như tác giả nói giùm hoàn cảnh thương tâm của chính gia đình mình: Mẹ già gần tám mươi tuổi, mà cam tâm chịu đựng nỗi đau cắt ruột để khuyên con, cháu mình vượt biên. Tiểu Tử tâm sự:

“Và tôi thật xúc động với hình ảnh bà mẹ già phải đẩy đứa con duy nhứt đi vượt biên để vui mà sống với ít nhiều hy vọng! Thật là ngược đời: có người mẹ nào lại muốn xa con? Chỉ có ở chế độ xã hội chủ nghĩa mới xảy ra những chuyện “đổi đời” như vậy!”

Sau khi định cư ở xứ người, Tiểu Tử trông ngóng về người mẹ già ở tại quê nhà hiu quạnh, luôn nhớ mong con và cháu ở phương xa:

“Tôi biết: Má tôi là cây cau già – quá già, quá cỗi – nhưng vẫn cố bám lấy đất, chỉ vì trên thân cây còn mấy dây trầu… Hình ảnh đó bỗng làm tôi ứa nước mắt. Thương má tôi và nhớ cả quê hương. Cái quê hương tuyệt đẹp của tôi, mà Việt Cộng đã cướp mất. Cái quê hương mà trên đó tôi không còn quyền sống như ý mình muốn, phát biểu những gì mình nghĩ, ca tụng những gì mình thích. Ở đó, ở quê hương tôi, tôi còn bà mẹ già, bà mẹ tám mươi đã cắt ruột đuổi con đi, bỏ quê hương mà đi, để bà còn chút gì hy vọng sống thêm vài ba năm nữa! Bây giờ, vợ con tôi cũng đã đi hết. Má tôi còn lại một mình. Thân cây cau giờ đã nhẵn dây trầu, thêm tuổi đời một nắng hai mưa. Tôi biết! Má ơi! Con biết: Cây cau già bây giờ đang nhớ thắt thẻo mấy dây trầu non…”

Tiểu Tử có văn phong đặc biệt “miền Nam”. Ông xử dụng một bút pháp rất tài tình, ngắn gọn, nhưng cô đọng, ý xúc tích mà gợi hình. Từ ngữ ông dùng rất gần gủi với nguời miền Nam, một thứ từ ngữ đi thẳng vào lòng người, đem đến cho người đọc cảm xúc trọn vẹn và mãnh liệt, nhưng thân quen….

……….

Truyện của Tiểu Tử càng đọc càng thích thú, say mê, dìu độc giả về những kỷ niệm thân yêu của một thời trên quê hương Tây Ninh yêu dấu. Ông Vương Văn Ký, người cùng sanh trưởng tại quận Gò Dầu với Tiểu Tử, đã viết tặng ông câu đối, như sau:

“Cố quốc đậm đà tình Tiểu Tử,
Trời tây thắm thía điệu Hoài Nam”

Trích: Giới Thiệu Truyện ngắn “Nội” Cuả Tiểu Tử Võ Hoài Nam 
Tác giả: Lê Tấn Tài
Nguồn: http://www.dongnaicuulongucchau.org.au/tapsan03/

Dưới đây là những truyện ngắn và phiếm luận của nhà văn Tiểu Tử do
BVCV sưu tầm. Kính mời qúy độc giả và các bạn thưởng thức:


2.  Cái loa

3.  Cái mặt (Phiếm luận)

4.  Cái miệng (Phiếm luận)

5.  Chuyện bình thường (Phiếm luận)





10.             Chuyện giả tưởng

11.             Cơm nguội

12.             Con mẹ hàng xóm

13.             Con Mén

14.             Con rạch nhỏ quê mình

15.             Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn

16.             Đạp Xích-lô

17.             Đèn trung thu

18.             Đi xe đò, đi xe ôm

19.             Giọt mưa trên tóc

20.             Làm thinh

21.             Made in Việtnam

22.             Mài dao, Mài kéo

23.             Mũ Bảo-hiểm

24.             Mùa thu cuộc tình

25.             Ngụy

26.             Người viết mướn

27.             Những hình ảnh đẹp

28.             Người bán liêm sỉ

29.             Nội

30.             Ông già ngồi bươi đống rác

31.             Ông Năm Từ

32.             Tấm vạc giường

33.             Thầy Năm Chén

34.             Thằng chó đẻ của má

35.             Thằng dân (Phiếm luận)

36.             Thằng đi mất biệt

37.             Thèm

38.             Tiết Nhơn Quý

39.             Tô cháo huyết

40.             Tôi đi bầu

41.             Tôi nằm gác tay lên trán

42.             Viết một chuyện tình

43.             Xíu

No comments:

Post a Comment