(Đêm Nhạc Hội Nhật Trường - Trần Thiện
Thanh
đầu tiên tại Sydney, 14.9.2012)
Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)
Trong một buổi mạn đàm, tôi đã bày tỏ cảm tưởng với anh Phan Đông Bích,
anh Hiếu và các anh trong Ban Tổ Chức VIETSTARS ENTERTAINMENT là quý anh chị em
đã thể hiện trọn lòng tổ chức công phu, huy hoàng, tốn kém, và đặc biệt đã dùng
đúng ngôn từ trong chủ đề “Anh không chết đâu Anh” về nhạc hội Nhật Trường - Trần
Thiện Thanh. Trong lĩnh vực âm nhạc VN thời chiến cũng như hiện nay, dù tác giả
Nhật Trường không còn hiện diện với chúng ta, nhưng thực sự tên tuổi Anh chưa
bao giờ chết, không bị lãng quên, qua dòng nhạc viết về Tình Ca, Quê Hương Dân
Tộc, và đặc biệt là về Đời Lính. Sự hy sinh cao cả của những người đi bảo vệ
quê hương, thịt xương hòa tan vào lòng Đất Mẹ, và những giọt lệ long lanh của
quả phụ - người tình, Sự Thật mà đã trở nên như Huyền Sử qua cung phím sáng tạo
tuyệt vời của người lính Trần Thiện Thanh và người nghệ sĩ tài hoa Nhật Trường,
hóa thân thành một. Tình Lính VNCH đối với quê hương dân tộc sống mãi với Thời
Gian. Người Lính VNCH cũng không bao giờ chết, theo nghĩa tử sinh bình thường. Trên
vòm trời Nghệ Thuật bao la, riêng về âm nhạc, tên Nhật Trường đã hiện ra và
sáng mãi như một áng mây xanh đầy Thiện Mỹ, (Thiện Thanh) trọn tình ghi lại âm
thanh vời vợi giữa trời mây và giữa Lòng Người qua nhiều thế hệ, lưu lại nghìn
sau. Cho ta hãnh diện, luôn cả ngậm ngùi.
Cơ duyên tao ngộ hóa thành kỷ niệm không quên trong đời giữa tình đồng đội,
tình nghệ sĩ thi-ca, trong thời chinh chiến cũng như suốt bao năm tháng lưu
vong xứ người, một lần nữa, tôi hân hạnh đi tìm gặp người Anh Em còn sống mãi
trong lòng tôi, qua đêm nhạc “Anh không chết đâu Anh” đầu tiên tại Sydney trong
chuyền viễn du của đoàn nghệ sĩ Asia từ Hoa Kỳ qua Úc. Gồm 26 nghệ sĩ, tiếc là
nhạc sĩ Trúc Hồ không qua được vì bận công việc bất ngờ. Trình diễn thành công trong
tuần qua tại tiều bang Victoria (Melbourne), hôm nay – 14.9. và ngày mai, 15.9.
tại Sydney, rồi bay lên vùng trời nắng ấm Brisbane, nạm vàng dác ngọc âm thanh
Nhật Trường trải dài qua nhiều tiếng hát cũng không bao giờ “chết”.
Tôi được biết Nhạc Hội Nhật Trường tại Sydney trong hai ngày đêm, ngoài
chương trình chính thức bắt đầu từ chiều tối đên khuya, còn có chương trình ca
nhạc dành riêng cho các nghệ sĩ nổi danh Úc Châu vào ban ngày, trên sân khấu
ngoài trời. Còn có các lều vải khang trang dành cho các hội đoàn sinh hoạt,
trình bày tài liệu, và các nghệ sĩ từ Hoa Kỳ qua giao tiếp cùng đồng hương Úc
Châu, phổ biến băng nhạc. Toàn bộ khu đất rộng trong Câu Lạc Bộ Mounties Oval ở
Mt.Pritchard đã biến thành một hội chợ thu nhỏ, nhộn nhịp tiếng người và âm
thanh ca nhạc giữa những ngày đầu Xuân, tưởng chừng như mọi người đang trẩy hội
trên quê hương.
Tôi bước vào rạp mênh mông như một đại hý viện, nồng ấm Tình Người,
ngoài trời bỗng dưng trở lạnh bất thường, với bao kỷ niệm êm đẹp một thời tràn
ngập trong lòng. Tôi không thấy Anh, nhưng qua ánh mắt của cả ngàn khán giả,
qua những bắt tay thân tình với các nghệ sĩ từng quen, có cả nghệ sĩ Thanh
Toàn, con trai của nhạc sĩ Nhật Trường, tôi chợt tưởng như Anh đang mĩm cười hiện
diện đâu đây. Ngày vẫn còn dài (Nhật Trường) và áng mây xanh Thiện Mỹ (Thiện
Thanh) vẫn còn đó, hồn nhiên và chung thủy, tài hoa thiên phú.
Toán rước Quốc Kỳ VNCH nghiêm chỉnh tiến vào rạp trong bầu không khí im
lặng, tôi cũng nao lòng như thấy anh linh của những người Lính VNCH đã một thời
hy sinh đang hiện về đây. Đêm trình diễn âm nhạc bỗng chốc hóa thành như đêm tưởng
niệm Anh Hùng. Tâm trạng của người lính già mong được có ngày thấy lại quê
hương dường như đang ứa nghẹn một dòng lệ vào buổi hoàng hôn.
Trong ánh đèn mờ ảo bắt đầu chương trình nhạc hội, tôi thấy có sự hiện
diện của Dân Biểu Nick Lalich, có lẽ là quan khách Úc duy nhất đêm nay, có quý
vị Chủ Tịch Cộng Đồng Liên Bang và Tiểu Bang NSW, có chiến hữu Chủ Tịch Hội
CQN/NSW, chiến hữu cựu Chủ Tịch Tổng Hội CQN Úc Châu, LS Lưu Tường Quang, TS Mỹ
Vân từ Nam Úc, và nhiều nhân vật thân quen trong sinh hoạt cộng đồng, đoàn thể,
truyền thông, tại Sydney. Tất cả đều đến đây đêm nay lắng nghe Tiếng Lòng qua
Âm Nhạc của một người Bạn vẫn còn sống mãi.
Suốt gần bốn tiếng đồng hồ, qua lời giới thiệu và điều khiển chương trình
nhịp nhàng của các MC tài danh, nhạc sĩ Nam Lộc, Thùy Dương, Ngọc Đan Thanh, đã
làm cho sân khấu không có một phút dư thừa trống vắng. Đặc biệt, một lần nữa,
nhạc sĩ MC Nam Lộc lại đem đến cho khán thính giả nhiều dịp cười thỏa thích qua
lời giới thiệu các ca sĩ, xen lẫn với đôi điều chống cộng ẩn dụ nhưng nóng bỏng
lòng người với nhiều nghĩ suy chính đáng. Ví dụ, khi giới thiệu các ca sĩ đương
thời nổi tiếng mang họ Hồ, MC Nam Lộc lại nói đến tên vài hồ nước : - trên quê
hương VN, chúng ta không bao giờ quên được tên Hồ Hoàn Kiếm lịch sử, Hồ Xuân
Hương ngát thơm tại Đà Lạt thuở nào, và cũng là tên của một vị nữ thi sĩ lừng
danh trong Văn Học VN, Hồ Than Thở gợi hứng thi ca cho những mối tình dang dở, bây
giờ chúng ta có thêm tên của các ca sĩ thân quen là Hồ Lệ Thu và Hồ Hoàng Yến,
nhưng có một cái tên cũng mang họ Hồ nhưng không ai muốn nhắc đến. Lời giới thiệu
tuy có vẻ khôi hài nhưng lại là những viên đạn.
Chen giữa chương trình âm nhạc được tuyển chọn từ các nhạc phẩm lừng
danh của Nhạc Sĩ Nhật Trường là các màn trình diễn thời trang áo dài với đoàn
người mẫu trên sân khấu, màu sắc chập chờn như cánh bướm vườn xuân, thướt tha
qua lại như tiên nữ đang trao tặng đào tiên cho Lưu-Nguyễn nhập Thiên Thai từ
trong mộng ảo. Rồi, những tràng pháo tay vang lên chào đón từng ca sĩ từ phương
xa về đây tụ hội, cất vang tiếng hát đi vào lòng người, hoài niệm một thời, tưởng
nhớ một người, với bao kỷ niệm nao lòng bừng dậy. Nhiều tên tuổi lừng danh trên
vòm trời Văn Nghệ Hải Ngoại từ bao năm qua, không phải chỉ là hình bóng được in
trên bìa các băng nhạc, mà đang hiện ra qua vóc dáng thân quen trên sân khấu rộn
ràng tiếng nhạc. Tường Nguyễn, Tường Khuê, Băng Tâm, Đan Nguyễn, Ngọc Huyền,
Lâm Nhật Tiến, Đặng Thế Luân, Y Phương, Don Hồ, Thiên Kim, Hồ Hoàng Yến, Thanh
Toàn, Lâm Thúy Vân, Quốc Khanh, Ánh Minh, Diễm Liên, Thanh Lan, Phi Tiễn, Tiên
Dung ... Và, dường như có luôn cả hình bóng của tác giả Trần Thiện Thanh đang đứng
đấy, trao gửi một đời tận chuyển âm thanh bất tử vào Lòng Người hôm qua, giờ
đây và mai sau.
Đặc biệt, bài ca Bắc Đẩu do hai ca sĩ Lâm Nhật Tiến và Diễm Liên trình
bày đã làm cho riêng tôi và có lẽ toàn thính giả hiện diện, những người đã từng
sống qua thời chiến chinh trên quê hương thuở nào, yên lặng đón nhận từng âm
thanh nghẹn ngào, nao lòng thấy hiện ra chân dung của người lính Mũ Đen, đại úy
Nguyễn Ngọc Bích, đã bị “chết” đến ba lần. Tử trận, pháo kích và mìn của VC, ba
lần bị tung xác lên giữa vùng trời khói lửa. Rồi, lại đến Thanh Lan đang khóc
thật qua từng phím nhạc, qua từng lời ca não nùng, tiếng kêu vời níu, “tiếng súng Anh nhiệm mầu... Anh sống thênh
thang trong lòng bao người biết thương đời Lính...”, vì lẽ đó, Anh không chết
Đâu Anh, người Anh Hùng tên Đương đang còn hiện hữu. Và, Lâm Thúy Vân, Quốc
Khanh, đưa chúng ta về lại ngọn đồi Charlie, tên chưa quen với người dân thị thành,
gắn liền với tên Nguyễn Đình Bảo lẫm liệt hiên ngang đi vào Quân Sử VNCH, cùng
bao Anh Hùng khác đã nằm xuống cho chúng ta được đứng lên và sống hôm nay.
Bản đồng ca cuối chương trình phần 2 với toàn ban nghệ sĩ, là bản nhạc
Việt Nam Tôi Đâu của Việt Khang từ trong nước chuyển ra, đã và đang làm rung động
lòng người còn có lương tâm suy nghĩ và hành động Cứu Nước trước âm mưu xâm lược
của Trung Cộng qua sự hèn hạ hiến dâng của cộng sản VN. Lời ca tiếng hát bừng
lên, có lúc thiết tha như lời gọi Mẹ, có khi đầy căm phẩn uất hờn, thúc giục mọi
người đứng dậy bảo vệ núi sông, giải trừ chế độ bạo tàn, ngăn chặn bước chân
xâm lược ngoại bang, để Việt Nam còn sống mãi thiên thu trong Tự Do Độc Lập thực
sự và trong quyền sống chính đáng của Toàn Dân Việt.
Tôi ra về giữa đêm khuya chợt buốt lạnh xứ người, tiếng vọng âm thanh Việt
Nam Tôi Đâu và Anh Không Chết Đâu Anh quyện vào tiếng lòng, giúp tôi thêm vững
bước.
Võ Đại Tôn
No comments:
Post a Comment