Ngày trước có nhiều lần tôi dùng cần câu
trúc để câu cá biển ở Dinh Cậu, trên bờ đá chắn sóng ngay cửa sông Dương
Đông Phú Quốc. Cá lớn, cá nhỏ rất nhiều, nhưng vì không quăng ra xa
được nên dễ vướng đá làm mất lưỡi câu.
Khi đến Mỹ định cư tôi mua
cần câu máy ngay, vì tôi sống ngay tại Little Sài Gòn, miền Nam Cali
nắng ấm, từ đây ra biển chạy xe chừng 15 phút.
Cảng biển ở bờ Thái
Bình Dương của Mỹ thì rất nhiều: Cảng Portland, Seatle, San Francisco,
Long Beach, San Diego… nhưng nơi tôi ở chỉ có một cảng nhỏ nằm trong cái
vịnh dành riêng cho tàu du lịch và tàu buồm thể thao là Newport Beach.
Tuy
nhỏ nhưng nó cũng có kè đá hai bên chạy tuốt cả hơn cây số ra ngoài
biển, kè này gọi là water breaker nên cho dù biển có sóng lớn tạt ngang
thì tàu ra vô vẫn an toàn không sợ bị dạt vào bờ cát.
Cửa biển
Dương Đông có kè đá thấp vì làm bằng những cục đá nhỏ, nhưng kè ở đây họ
xếp những cục đá to bằng cái nhà, cái xe tải, không biết người ta đã
mang từ đâu về và bằng cách gì mà rinh nó ra tận ngoài biển như thế này.
Những tảng đá được xếp liền kề nhau, có đổ thêm ít bê tông cho dính
liền, bề ngang chừng 20 m và dài hơn cây số, ngoài cùng có hải đăng ánh
đèn chớp tắt hàng đêm và nếu có sương mù thì lâu lâu nó lại tự động hú
lên ra hiệu cho tàu biết đường mà vào cửa biển.
Nhớ nhà, tôi thường đứng nhìn ra biển khơi mịt mù sương khói.
Cứ
khoảng mười hay 15 dặm lại có một cầu bắc dài ra biển, ngoài cùng
thường là một nhà hàng, cầu này chân thường làm bằng bê tông và xe hơi
chạy ở trên được. Lan can ở hai bên, có ghế băng ngồi câu và cả hệ thống
nước phông tên để rửa tay nữa.
Cá ở đây nhiều nhất là cá nục
chuối lớn bằng cườm tay, có khi nó lớn như con cá ngừ (bonita), cá nục
gai thì nhỏ bằng cẳng cái mà thôi.
Đến mùa hè, người ta đứng đầy
trên cầu, cả người câu lẫn khách du lịch, mỗi lần có bầy cá ùa vào thì
cần nào cũng dính cá, có ông mắc nhiều lưỡi quá, kéo lên cả chục con một
lúc, mà vì từ mặt nước lên đến cầu cao quá, nên nó giãy kinh hồn, có khi
lên tới nơi chỉ còn ba bốn con.
Cá nục ăn mồi mực, tôm, nhưng ta
chỉ cần một vài miếng mồi khởi đầu mà thôi, sau khi được con đầu tiên
thì cắt khúc ra cỡ bằng ngón tay mà câu. Nó ăn vào lúc nước lớn, khi một
con dính thì cả đàn nhào theo, lưỡi câu có mồi, có chút lông gà, hay có
khi chẳng có cái mốc xì gì, chỉ lấp lánh ánh mặt trời là nó cũng đuổi
theo táp ráo nạo.
Màn đêm buông xuống, mặt biển nhìn tối thui thì
dùng một cây đèn lân tinh bằng ngón tay út, ánh xanh lè mà cột gần thẻo
câu, loại đèn này sáng được chừng 10g rồi phải vất đi. Câu đêm có khi
dính cá đục, cá lù đù, cá đuối, còn câu ngày thì có cá nhám, cá nhòng
(baracuda răng rất bén nên phải xài thẻo bằng dây cáp). Nếu câu mồi sống
bằng cá cơm, cá lòng tong biển thì sẽ được cá ngừ rất lớn. Mồi đủ thứ
có bán ngay tại chỗ, kể cả cá sống.
Cá ở Mỹ hình như “khờ” hơn ở VN, hay là tại người ta ít ăn cá nên nó còn nhiều như vậy?
Mà
nghĩ cũng kẹt cho người Âu Mỹ, những con cá nhỏ, hoặc nhiều xương, nếu
họ không đóng hộp thì làm sao mà ăn? Họ cũng không ăn món canh chua như
mình, còn kho cá lên, gắp bỏ vô miếng bánh mì thì làm sao mà nhá cho
được? Hóc xương bỏ bà!! Bởi thế câu lên rồi hầu hết họ thả xuống biển,
còn VN ta thì cứ từng xô 20 lít (loại thùng nhựa đựng sơn) chất cá vô
xách về hết. Ăn không xuể thì cho bạn bè, bạn có chê thì ta ướp muối xấy
khô, có khi còn dám làm nước mắm ở sân sau nữa, cũng may là cái nắp
thùng sơn tốt quá nó không bị xì hơi ra, hông thôi hàng xóm Mỹ ngửi thấy
họ gọi cảnh sát vì nghi có xác chết thúi trong vườn thì thêm phiền hà
lắm lắm.
Với cá nục tươi như thế, tui chỉ khoái kho nước kiểu Huế
để ăn với bún, miếng thịt cá trắng bóc có lớp váng mỡ với ớt bột, ớt
trái bẻ đôi, cộng bún trắng ngần, cộng rau thơm xanh mướt, ôi thôi ăn
ngon chết bỏ. Ngoài ra, còn có thể cuốn con cá nục vô trong lá mướp, lá
nho rồi nướng trên than, khi chín thì mở lớp lá mà rưới hành mỡ lên, gỡ
thịt cuốn với bánh tráng rau sống, chấm mắm nêm thì có khi nuốt cả lưỡi
hoặc chết … vì bội thực!!!!
Câu
trên cầu riết rồi đâm chán nên tui xách cần đi ra ghè đá câu cá ngừ
chơi, cần câu cá ngừ dĩ nhiên là cần tốt và dây to, mồi giả bằng inox
sáng lấp loáng, chỉ có điều phiền là cứ quăng rồi lại quay vô hoài mau
chán lắm, nên tui móc con mồi sống vô lưỡi câu rời.
Quăng dây và
cục chì lớn ra xa, lấy dây, lưỡi câu có khoen móc vô đuôi cá mồi lòng
tong sống (smell fish) rồi móc vào dây chính (phải làm như vậy thì con
cá mồi không bị sút ra văng đi mất khi mình quăng với cục chì khá nặng
đi xa).
Sức nặng của cá mồi sẽ theo dây mà chạy tuốt ra tới gần
chì neo, nó đong đưa phập phờ, đầu ngóc lên, đuôi vẫy vẫy làm cho mấy
con cá ngừ ngứa mắt, ứa gan lắm.. và thế là.. ập, là rồi đời con cá
ngừ!!!
Con ngừ khi dính câu thì chạy như ngựa
phi, nó lạng qua lách lại quay tay đã lắm, nhưng khi nó còn khoẻ, ta
phải nương thả dây câu ra bớt, chừng nào nó khờ rồi hãy kéo vào bờ, chớ
không thôi có ngày trớt quớt.
Một hôm đang câu cá ngừ tôi thấy có
ông VN ngồi hút thuốc giữa hai hòn đá lớn, tay lại cầm lon bia dỡ lên
hạ xuống, thấy lạ tôi mò đến gần và hỏi:
-Ông làm gì vậy?
-Câu tôm.
Lúc đó tôi mới để ý thấy trên cái ống lon có cuốn sợi cước, tôi hỏi:
-Được con nào chưa?
-Có mấy con rồi, tui bỏ trong bao bố, dấu đàng hốc đá kia cà.
Tôi
chui vào hốc đá, mở miệng bao (loại bao bố đựng gạo đã thấm ướt nước
biển) thì tá hoả, ở trỏng năm sáu con tôm lớn bằng cổ chân, chân cẳng
râu ria chàm ngoàm đang dương mắt lên nhìn tôi.
Tôi nuốt nước miếng ngồi gần đó nhìn anh ta câu, bỏ mặc cần câu và thùng cá của tôi ở tuốt đàng xa.
Nhìn
kỹ mới thấy anh cắt thịt cá nục tươi ra bằng cỡ ngón tay mà móc vô lưỡi
ba ngạnh chĩa ra ba phía, lưỡi câu bằng i nóc lớn như cây tăm, bên dưới
lưỡi câu chừng một gang tay là cục chì bằng ngón chân cái. Dây câu rất
lớn có thể bằng cây tăm tròn, và dài khoảng 10m mà thôi.
Những cục đá
tuy xếp cạnh nhau nhưng còn nhiều lỗ hổng tạo thành những cái hang
thiên nhiên cho tôm trú ẩn, người ta chỉ cần thòng mồi vào giữa khe các
tảng đá mà câu.
Tôm hùm ở Mỹ chia làm hai loại: Tôm có râu sống ở
Thái Bình Dương thì không có càng, tướng nó trông oai phong như viên
tướng Tàu trong cải lương Hồ Quảng; Loại thứ hai là tôm có càng to như
càng cua, sống ở Đại Tây Dương mà ta thường gọi là Maine Lobster vì ở
tiểu bang này có nhiều lắm.
Hầu hết tôm bán trong nhà hàng đồ biển là
tôm có càng, ăn dở hơn tôm râu dài nhiều lắm. Thỉnh thoảng tôi thấy ở
chợ có bán loại tôm ngon này, giá dĩ nhiên mắc hơn một chút, khoảng
$9/pound có nghĩa là dưới $20/kg. Ấy vậy mà bên Úc bán tới 25 đô, nhưng
khi thấy ở Nha Trang bán tới 40 đô/kg thì mấy thằng Việt Kiều dỏm như
tôi đành lè lưỡi và rút lui có trật tự. Bán gì mà mắc quá dzậy, chỉ có
những đại gia, mấy anh Tàu hay Đại Hàn mới dám mua ăn mà thôi.
Thấy
tôi ngồi dòm với ánh mắt thèm thuồng quá, anh kia mới chia cho tui ít
lưỡi ba ngạnh và dặn nên cẩn thận vì khi bị sóng đánh hay con tôm tha
cục mồi vô kẹt đá thì phải bứt đứt lưỡi câu là cái chắc, mà lưỡi câu thì
anh ta gần hết rồi.
Tôi hún hớn làm y hệt (monkey see, monkey do) và
y như rằng, chưa biết mùi vị con tôm ăn mồi ra làm sao thì đứt mất mấy
cái lưỡi, đành ngồi đực mặt ra mà ngó anh ta kéo lên mấy con tôm liên
tiếp.
Khi anh chuyển ra ghè đá sát biển vì lúc này nước đã ròng sát,
tôi cũng đi theo như một đứa trẻ con thấy chuyện lạ, bỗng anh ta giựt
mạnh rồi cứ kéo lên buông xuống hoài, sau cùng nói nhỏ:
-Con tôm này lớn lắm, nhưng tui bị vướng vô một đám dây cước đã móc vào đá, chắc điệu này phải bứt dây bỏ!
Tôi
vội nói khoan đã và nắm lấy sợi dây câu, nó giựt búng liên hồi. Quay
qua quay lại chỉ thấy hai đứa tôi và trời cũng tồi rồi, chỉ còn ánh sáng
của hải đăng gần đó, tôi bèn làm một phát “sexy” rồi nhảy ào xuống
biển, phăng theo sợi dây câu xuống khoảng vài thước nước thì vơ vào tay
một con tôm chừng 1kg đang lùng nhùng trong đám bùi nhùi cước câu mà ai
đã vất bỏ xuống đây từ đời nào. Tôi ôm chú tôm và trụ chân vô tảng đá
bứt và rinh toàn bộ chiến lợi phẩm gồm tôm, lưỡi câu và cả chục cục chì
lên bờ.
Lúc định bỏ con tôm vào bao bố thì người bạn mới quen nói:
-Con
này tui định bỏ, mà anh bắt được thì là của anh. Nhân tiện hôm nay tui
câu được khá nhiều nên biếu thêm anh vài con ăn lấy thảo.
Không
còn sự vui mừng nào hiển hiện trên mặt tôi hơn lúc đó, tôi cám ơn rối
rít và mang ngay ba con tôm về khoe với vợ, vất cả thùng cá ngừ xuống
biển không thèm cầm về. Và chắc các bạn cũng đoán được là hôm sau tôi ra
biển rất sớm với đầy đủ lưỡi câu cùng chì. Phen này tôm hùm chết cả lũ
với tôi.
Thế nhưng cuộc đời đâu có dễ ăn ngay như rứa??
Cả tuần sau tôi mới bắt đầu câu được tôm, có ngày vài con cũng có khi cả chục con.
Tôi ra thư viện kiếm sách nói về tôm hùm mà đọc để biết thói quen và thức ăn của nó.
Cách đây hơn 100 năm tôm hùm bò lổm ngổm trên bãi biển của Mỹ mỗi khi triều xuống, nhiều đến nỗi không ai muốn ăn.
Khi
chiến tranh Nam Bắc kết liễu, chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ, người ta phải
mướn người làm và thường thì trong hợp đồng có câu: “Không bắt công nhân
ăn tôm hùm 1 tuần 2 lần”. Đúng là chuyện lạ! Nhưng bạn hãy tưởng tượng
coi, nếu bắt chúng ta ăn tôm hùm rang muối mỗi lần 1 con tổ chảng và ăn
hai lần một tuần thì liệu bao lâu chúng ta sẽ khóc thét lên?
Những ngày ấy, người ta dùng tôm hùm để nuôi tù, hay bóc ra làm mồi câu cá, uổng ghê!!!
Loài
tôm hùm có khi bị thợ lặn bắt gặp nó kéo đi nhón gót từng đàn như đi
diễn binh, hình như đó là ngày đi tìm bạn tình. Con tôm to nhất mà tôi
thấy đăng trên báo Register là nặng hơn 80 pound (40kg) do thợ lặn bắt
được ở kè đá Balboa này.
Khi đã câu có kinh nghiệm, tôi có thể cảm
thấy được qua dây câu là con tôm đang bám mồi, râu nó cạ vô như có ai
lấy cái que đóm thuốc lào mà cà lên dây đờn vậy, sau đó nó ghì mồi để
kéo vô hang, cũng có khi hang ở phía cao hơn ta sẽ thấy dây bỗng nhẹ
tênh (như kiểu bình phao). Lúc bị ghì hay bị bỗng mà giựt mạnh thì thế
nào cũng dính, nhưng đưa được tôm lên bờ lại là chuyện khác: Miệng con
tôm nhỏ và cứng ngắc nên ít khi lưỡi dính vô miệng nó, mà thường là xóc
vô khớp chân. Khi kéo nó lên thì nó nằm êm ru, nhưng vừa quá khỏi mặt
nước là nó búng cái bạch, cả con tôm to lớn rớt tõm xuống biển và thằng
cha câu tôm thì ngồi vân vê cái cẳng tôm lớn như cây đũa mà tiếc hùi
hụi.
Có người sẽ hỏi là tại sao không dùng vợt mà xúc, xin thưa là
khe đá nhỏ tí, làm sao thò vợt xuống được, có khi dính con tôm lớn phía
dưới đáy mà khe phía trên lại nhỏ nên lấy thế lượn qua kéo lại thật lâu,
đến nỗi khi lên tới nơi râu ria gai góc trên đầu chú tôm bị cà vô đá
trụi lủi coi như thằng trọc.
Những ngày đi câu về khuya, tôi đành hấp
tôm lên hết, tống vô tủ đá rồi đem cho bạn bè vào ngày cuối tuần. Mấy
đứa con tôi chê mùi tôm thúi (tổ cha tụi nó) còn “bà nội” tui thì mới có
bầu nên ngửi thấy mùi tôm luộc là lại ói, thế có tức không?
Nhớ hồi mới qua, thèm ăn tôm quá phải chạy tuốt qua Mễ ăn một con 10 đồng, bây giờ có nhiều thì lại “chảnh”.
Tết
Nguyên Đán xong, tôi rủ người bạn đi câu mấy con tôm để cúng giỗ ông
già vợ (ổng mất ngày mùng 8 Tết), hai anh em hút hết gần gói thuốc rồi,
trời đã khuya lắm mà bị tổ trác hay sao câu không được con nào, chúng
tôi bảo nhau cuốn dây đi về thì lưỡi dây của tôi như vướng vào nhánh
rong lớn, nhưng kéo thì nó lại lên. Khi ánh đèn pin tôi đeo trên trán
chiếu xuống mặt nước tôi thấy hai con mắt đỏ kè, tôi la:
-Mực ma ông ơi, tiếp tôi với.
Hai
thằng hì hục kéo lên thì ra một con tôm nái, nó dãy dữ dội quá nên tay
có găng mà chúng tôi đều toé máu mới dồn nó vô bao được.
Con tôm đưa về cân hơn 8pound (gần 4kg), phải lấy cái nồi nấu phở 50 lít mới bỏ nó vô mà hấp được.
Lúc bỏ vô cái dĩa làm bằng foil nó còn thò đầu thò đuôi ra ngoài coi kềnh càng như một Dương vận hạm.
Khói hương nghi ngút, ông nhạc tôi ngồi trong hình mặc áo dài khăn đóng coi trịnh trọng lắm, ông nhìn con tôm, nhìn ly rượu Remy mà tôi mới rót ra, ánh mắt long lanh như muốn nói:
-Khá lắm! Phải chi còn mấy đứa con gái nữa, tao cũng gả hết cho mày!
Nguyễn Ngọc Hạnh
No comments:
Post a Comment