Sunday, December 13, 2020

Chị Hai Của Tôi Tác giả: Năng Khiếu

 

Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải Đặc Biệt 2016. Giải Danh Dự 2017,  giải Vinh Danh Tác Phẩm 2018. Đây là bài viết mới của bà.
Ba tôi mất sớm, để lại cho mẹ một đàn con côi cút. Được bốn năm, thì đất nước xảy ra cơn chính biến. Những tháng ngày đen tối, mẹ tôi vất vả, xoay xở buôn bán bấp bênh, trong một xã hội không an bình. Anh Tư tôi bàn với mẹ tìm đường vượt biên.
Anh Tư và em út, ra đi vào đầu thập niên 1980. Được cô tôi nhanh chân làm “người di tản buồn” năm 1975, bảo trợ hai anh em từ trại tỵ nạn Thái Lan vào Pennsylvania. Mười năm sau anh Tư bảo lãnh mẹ tôi qua đoàn tụ, được hai năm thì gia đình chị Hai Nhàn định cư diện HO.24,  tại California nắng ấm, mẹ tôi ở với chị từ ngày đó. Rồi lần lượt người trước rước người sau, chúng tôi đến Hoa Kỳ theo diện O.D.P. để được quây quần bên mẹ.
 
 ****************
Hiệp Định Genève ngày 20/7/1954 chia đôi đất nước. Ba mẹ tôi vai đeo tay nải, lưng cõng chị Nhàn theo hàng triệu người miền Bắc di cư, xuống tàu há mồm vào Nam. Ba tôi tiếp tục nghề “gõ đầu trẻ” một thời gian, rồi nhập ngũ theo Lệnh Động Viên của chính phủ VNCH. Tôi không nhớ năm nào, chỉ biết ba tôi thuyên chuyển đến nhiều nơi khác nhau. Chị em chúng tôi được sinh ra ở những nơi ba đến làm việc, đứa thì ở Biên Hòa, đứa Bình Dương. Có đứa ở Kontum, thuở thiếu thời mộc mạc như cánh lan rừng. Đứa thì ở Pleiku, thành phố đầy lính, người dân luôn sống trong không khí của tiền đồn, của lửa đạn và chiến tranh. Tại phố núi này ba tôi bị thương, chuyển từ nhà thương Quân Đoàn II về Bệnh Viện Cộng Hòa, mẹ tôi đi theo để nuôi ba. Được hai tháng, thì Tết Mậu Thân 1968, thừa lúc mọi người nghỉ Tết không đề phòng, Cộng Sản đã bất ngờ tấn công những nơi xung yếu và quan trọng của quân lực VNCH. Nhà tôi nằm ngay tầm giao tranh, cháy thành tro. May mà chị Hai Nhàn dắt chúng tôi chạy thoát. Ba được giải ngũ. Mẹ trở lại Pleiku, đem chúng tôi vào Sài gòn và dừng chân tại đây luôn.
 
Ba mẹ tôi có mười người con, chết một còn chín, sáu gái ba trai. Sau mẹ, chị Nhàn là người tôi yêu quý nhất. Mẹ tôi kể, Ba chọn tên Nhàn cho chị, để vần với tên An của mẹ. Chị Nhàn là cả, nhưng theo người miền Nam, chúng tôi gọi là chị Hai. Tôi là con thứ năm, có nước da ngăm ngăm, nên được gọi là Năm Đen.
 
Chị Hai hơn tôi tám tuổi, ngày ấy càng lớn trông chị càng xinh đẹp, với đôi mắt đen và mái tóc dài thả ngang vai. Vì ba tôi là nhà giáo, nên ba luôn quan tâm vấn đề học vấn cho con cái. Chị Hai Nhàn ở vào cái thời mà con gái phải chịu ảnh hưởng Nho Giáo “Tam Tòng Tứ Đức” và lập gia đình ở lứa tuổi đôi mươi, nên mười bảy, mười tám tuổi, chị đã có nhiều đám mai mối dạm hỏi, vì tính nết đoan trang và siêng năng. Nhưng ba tôi vẫn cho chị được phép cắp sách đến trường, không phải đi “gánh vác” sớm như các bạn cùng trang lứa.
 
Sau này dù chị em chúng tôi đều đã có gia đình riêng. Nhưng những năm tháng gian nan vất vưởng, chị em đùm bọc nhau để sống, mẹ cũng lao đao vì cuộc mưu sinh, đã thành vết ký ức in hằn trong tôi.
 
Ngày ba tôi mất, chị Nhàn hai mươi, em út mới hai tuổi. Chị thương mẹ vô cùng, chị bỏ học để đi làm và sát cánh bên mẹ lo toan mọi bề. Đêm đêm nhìn mẹ ngồi lặng lẽ trước hình ba trên bàn thờ, không gian như chùng xuống, chị Hai đến bên mẹ an ủi trò chuyện, ôm đôi vai gầy, cầm bàn tay khẳng khiu của mẹ, chị hứa không đi lấy chồng để ở bên mẹ suốt đời.
 
Năm đó mẹ tôi mới bốn mươi hai, có một bác bạn thân của ba, vợ chết từ ngoài Bắc, chỉ có ba bố con di cư vào Nam. Bác nói với mẹ tôi rằng: “Tôi với anh nhà là chỗ thân tình, không may anh ấy đã ra đi. Tôi muốn được ghé vai gánh bớt gánh nặng cho chị”. Mẹ tôi nghĩ đến cảnh con anh, con tôi, con chúng ta. Lành ít, dữ nhiều, nên mẹ cảm ơn bác, rồi ở vậy nuôi đàn con mồ côi cho đến hết đời.
 
Chị Hai tôi tốt nghiệp, khóa Tu Nghiệp Công Chức tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Năm 1970 chị trúng tuyển vào làm Thư Ký Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa, nằm trên đường Alexandre de Rhodes Saigon, gần nhà thờ Đức Bà, nên sáng nào trước khi vào làm việc, chị cũng ghé nhà thờ viếng Mình Thánh Chúa và cầu nguyện. Chị cần kiệm, không chưng diện, lãnh được bao nhiêu tiền đưa hết cho mẹ. Hàng tháng Bộ NG bán cho nhân viên, một bao gạo 50 ký theo tiêu chuẩn Chính Phủ, chị ràng sau xe Honda Dame chở về, để mẹ nuôi các em. Bốn đứa bé nhất: Giáo 9 tuổi, Hường 7 tuổi, Vy  5 tuổi, Út Trí 3 tuổi, đó là lứa tuổi mà các em cần sự dạy dỗ, giám sát của người lớn, mà mẹ thì mải buôn bán đầu tắt mặt tối từ sáng sớm tới chiều muộn mới về, chỉ có chị em chúng tôi thay nhau, đứa lớn coi đứa bé, nên các em quấn quýt bên chị.
 
Ngoài những lúc đi làm, chị dành thời giờ chăm sóc các em, chị ngồi cặm cụi may cho từng đứa, từ chiếc áo, chiếc quần mới, để ngày cuối tuần, chị dẫn các em đến công viên chạy tung tăng, hoặc vào sở thú cho các em xem voi xem khỉ, rồi ôm các em vào lòng mà ứa nước mắt. Ngày Tết Trung Thu, chị chở ba em nhỏ đến nơi chị làm việc, để lãnh bánh Trung Thu, mà Bộ NG dành cho con em của nhân viên. Ngày lễ nghỉ, chị hay đổ bánh xèo cho chúng tôi ăn, đó là món bánh vừa rẻ vừa ngon mà chúng tôi rất thích. Nên chúng tôi còn gọi là chị Hai bánh xèo.
 
Vì nhà tôi ở Bảy Hiền sau chợ Tân Bình, nên thuận tiện việc học hành cho các em, chỉ được một hai người lên Đại Học, còn lại đều tốt nghiệp cấp ba. Đó là vốn liếng quý giá cho các em bước chân vào đời. Chúng tôi thật may mắn được làm em của chị. Nhưng tiếng lành đồn xa, vừa mãn tang ba đã có hai ba đám ngỏ lời, cũng là chỗ người làng quen biết. Họ rỉ rón với mẹ: “Tôi thấy cháu vừa được người được nết, nên muốn kết tình thông gia với bà?...”.
 
Mẹ trả lời: “Cảm ơn bà đã để ý đến con tôi, để tôi dò ý cháu xem”.
 
Nhưng chị đều từ chối, không nhận lời. Vì còn trách nhiệm với đàn em…
 
Rồi một hôm, cậu Năm em họ của mẹ, biết chị Hai tôi đang làm việc tại Bộ NG, trong Nha Nghiên Cứu Sưu Tầm, phụ trách việc gửi đến các nơi cần thiết, những cuốn sách “Ngoại Giao Kỷ Yếu”. Có tựa đề: “Hiệp Định về Chấm Dứt Chiến Tranh, Lập Lại Hòa Bình ở Việt Nam” (Ký tại Paris ngày 27-01-1973) nên cậu đã dẫn một người bạn là Sĩ Quan An Ninh, đang làm việc tại Bộ Tổng Tham Mưu, đến nhờ chị dẫn vào ông Giám Đốc, xin cuốn sách đó. Cuộc gặp lần ấy đã kết thành duyên phận giữa chị Hai tôi và anh Rể. Vì từ đó anh theo cậu đến nhà tôi, để tìm hiểu chị, mà những đứa em nhỏ bé, đứa thì ôm vai đứa bá cổ, như người anh đi xa mới về. Vài tháng sau bố anh đến, nói chuyện với mẹ tôi thật lâu. Để đêm về, tôi thấy chị hay trở mình, đôi  lúc thở dài. Rồi mẹ khuyên chị: “Thân con gái chỉ có một thời! Anh em thì ‘kiến giả nhất phận’. Mai sau các em khôn lớn, chúng phải lo bổn phận gia đình. Về già con vò võ một mình cô đơn”. Và chị đã vâng lời mẹ.
 
Sau này, nói về cuốn sách “Ngoại Giao Kỷ Yếu” mà anh chị quen nhau, đối với chị buồn nhiều hơn vui.
 
Tại sao? Chị Hai giải thích: Cuốn sách “Hiệp Định Ba Lê, là một Hiệp Định không có lợi cho miền Nam. Vào giai đoạn ấy các bên tham chiến và Hoa Kỳ, đều muốn mưu tìm một giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, Sau năm năm trời thương thuyết (1968 tới 1973), nhằm chấm dứt chiến tranh. Buộc các bên ngưng bắn, để Mỹ rút về nước trong danh dự. Nhưng thực chất Cộng Sản Việt Nam đã không thi hành nghiêm chỉnh, không thực hiện những điều khoản đã thỏa thuận. Chỉ vài tháng sau khi Hiệp Định Paris 27-01-1973 được ký kết, CS Bắc Việt đã vi phạm, xua quân tấn công Việt Nam Cộng Hòa.
 
Vì chủ trương thay đổi chiến lược của chính phủ Hoa Kỳ và quyền lợi riêng tư, mà Mỹ đã không giữ lời hứa, là sẽ phản ứng mạnh mẽ, nếu Bắc Việt vi phạm Hiệp Định. Mỹ cũng không giúp VNCH chống đỡ những cuộc tấn công từ miền Bắc. Không tiếp tục viện trợ vũ khí, đạn dược. Để rồi miền Nam thiếu súng đạn, thiếu tất cả mọi thứ. Trong khi miền Bắc được tiếp tế bởi Liên Xô và Trung Cộng. Sự chênh lệch về phương diện quân sự, là điểm khởi đầu dẫn tới sự cáo chung của miền Nam, đưa đến thảm họa năm 1975”. Gieo bao đau thương cho dân lành. Trong đó có gia đình chị Hai tôi.
 **********
Chị Hai tôi tên là Nhàn, nhưng chị lại vất vả lắm, chị cứ mải miết ở nhà nuôi các em. Khi bạn bè cùng tuổi đã tay dắt, tay bồng, chị mới lập gia đình. Giáng sinh năm 1973, chị tôi lên xe hoa theo chồng. Bước chân đi mà nước mắt lưng tròng, chị quay lại dặn dò:

“Em ơi! Em ở lại nhà,
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương. 
Mẹ già một nắng hai sương,
Chị đi một bước trăm đường xót xa…” (NB)

Chẳng bao lâu đất nước đổi chủ. Anh rể phải đi tù, như những người sĩ quan VNCH khác. Chị lại bồng con đi thăm nuôi chồng trong tù “cải tạo”. Bươn chải trong xã hội mới. Nhưng chị luôn an phận và chấp nhận, để làm tròn bổn phận dâu con trong một gia đình “Tứ đại đồng đường” sống chung một mái nhà “đi thưa về trình”, mà vẫn đầm ấm yên vui.
 
“Gái có công thì chồng chẳng phụ”. Sau sáu năm tù đày, anh rể tôi được thả về, anh rất yêu thương quý mến chị. Nên khi sang đến Mỹ, anh cùng với chị thay chúng tôi phụng dưỡng mẹ già. Vì thời trẻ mẹ tôi vất vả lo cho đàn con, đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe về già. Nhưng nhờ anh chị chăm sóc chu đáo, mẹ được an vui bên con cháu trong tuổi hạc.
 
Bảy gia đình ở Cali và hai gia đình bên Texas, thành đại gia đình kể cả dâu rể cháu chắt, năm, sáu chục người. Mỗi dịp lễ, cửa nhà anh chị lại rộng mở, đón chúng tôi qui tụ về đầy đủ bên mẹ. Chị Hai tôi là đầu tàu, lại ở Mỹ gần 30 năm, nên quá quen thuộc với những ngày lễ truyền thống, từ New year, Thanksgiving đến Christmas…. Chị tỉ mỉ gói từng món quà nhỏ, bánh kẹo hay đồ chơi, rồi đặt ra những trò giải trí, có thưởng, khiến không khí đêm Giáng Sinh rộn rã tiếng nói cười. Ngày Mother’s Day, hay Tết chúng tôi tụ họp chúc mừng Mẹ, trong niềm vui đoàn tụ, quây quần bên bàn ăn, thưởng thức những món Việt Nam tự tay chị Hai nấu như: Phở gà, hủ tíu Nam Vang, dê giả cầy… Chị đã để hết tâm sức vào làm với cả tấm lòng yêu thương, nên rất ngon. Chúng tôi cứ áy náy, nhà mình đông quá làm chị Hai cực. Nhưng chị nói: “Một năm có vài ngày lễ, các em về đầy đủ, thấy mẹ vui là chị mừng. Hãy trân quý những giây phút đoàn viên này”.
 
Đặc biệt những đứa cháu lớn lên tại Mỹ, cứ mong đến ngày Thanksgiving để được ăn gà tây bác Hai nướng. Có năm chị tính đổi món khác, nhưng các cháu phản đối, rồi nhao nhao lên nói: - Con thích ăn Turkey bác Hai nướng. Con thích nhân nhồi trong con gà hơn…. Mà thật, năm nào con gà nướng của chị cũng được con cháu, chiếu cố tận tình, chỉ chừa lại bộ  xương. Hôm nào đầy đủ mặt “bá quan văn võ”, Lễ Tạ Ơn chị phải nướng hai con gà mới đủ.
 
Tôi còn nhớ năm 2014, mùa lễ Thanksgiving đầu tiên mới qua Mỹ. Ông xã tôi vừa xin được việc Assembler trong hãng điện tử vài tháng, cũng được tặng một con gà tây 19 lbs, như mọi người. Ổng khệ nệ bưng con gà bự tổ chảng về nhà, loay hoay với con gà mãi, không biết phải làm sao? Tôi bèn gọi điện thoại hỏi chị Hai, thì may quá chị cười rồi bảo: “Còn hai ngày nữa mới tới ngày lễ, trước nhất em bỏ nó vào ngăn đá. Sáng sớm mai lấy ra ‘xả đá’, ngày mốt mang qua đây, chị sẽ chỉ cho em cách chế biến thành món thật ngon mà em chưa từng được ăn”.
 
Đúng ngày lễ tôi đem con gà đến. Chị bảo tôi ngâm trong nước lạnh, cho đến khi thịt thật mềm.Thấy chị rinh con gà nặng chịch mà ái ngại, tôi vụng về đỡ lấy tính làm, nhưng coi bộ được phục vụ mọi người là niềm vui của chị, tôi đành làm “thợ vịn”. Vừa làm chị vừa chỉ cho tôi hết những bí quyết và kinh nghiệm mà chị đã nướng con “gà gô” này nhiều lần.
 
Chị bảo tôi lấy sẵn một chén muối và năm trái chanh. Rồi chị xát muối vào thân con gà chà thật kỹ, xong xả nước âm ấm, làm như vậy nhiều lần cho hết chỗ muối. Sau đó tiếp tục xát chanh khắp thân gà, nhất là ở (nách) bên dưới cánh, chị dùng ngón tay kỳ cọ như tắm cho em bé, tôi thấy ghét nổi lều bều trên mặt nước đen ngòm, như người ở dơ lâu ngày không tắm. Xát chanh xả nước lạnh nhiều lần như vậy, khi nào ra nước trong mới được. Chị nói: “Da gà tây dầy lắm không sợ rách. Thân nó lớn bằng một con heo sữa, mà không bao giờ được tắm như heo, nên gà tây sau khi nhổ lông, ghét tích lũy nhiều ngày để lại mùi hôi rình. Tôi tính như vậy là chị rửa hết gần một tiếng đồng hồ, thật công phu.
 
Trong khi chị Hai kỳ cọ, massage cho con gà, thì tôi bóc hành lột tỏi, rồi thái mỏng được một chén nhỏ. Xé gói gia vị có tên Bag’n Season- Original Chicken để sẵn. Kế đến múc ba muỗng gia vị trong lọ, có tên Perfect Pinch-Original Chicken, thêm hai muỗng soup nước mắm, một lon Cocorico, một lon nước soup gà. Cho hết các thứ hỗn hợp Đông, Tây này vào một tô lớn quậy đều, sẽ tạo nên một sự hòa hợp hương vị thơm ngon.
 
Đợi con gà ráo nước. Chị đặt nằm ngửa tênh hênh trên một cái khay, xối hết tô nước hỗn hợp lên con gà. Sau đó khoảng mười lăm phút, lại múc nước dưới khay rưới từ ức xuống, cho tới quá trưa gà thấm đều. Chị mở oven lên 350 độ F, rồi đặt con gà vào lò cho đến khi nóng chảy mỡ, thì múc nước juices từ con gà tiết ra dội lại khắp con gà, vớt hành tỏi bỏ lên ức gà cho thơm, khoảng 30-40 phút rưới một lần. Cho đến khi gà vàng đều, kéo khay ra khỏi lò lật úp gà xuống để nướng phía lưng.
 
Phần tôi được chị phân công làm nhân nhồi trong bụng con gà. Tôi quay lạp xưởng cho chảy mỡ, rồi bỏ hành hương thái mỏng vào phi cho thơm, cho tôm khô đã ngâm sẵn vào, sau đó cho giò lụa thái hột lựu đảo đều, thêm chút nước mắm. Khi xôi vừa chín tới, liền trộn nhân vào, ghế nhiều lần cho ngấm đều, thành xôi thập cẩm.
 
Sau cùng chị mang gà ra lần cuối, lật ngửa con gà để nhồi nhân vào bụng, ém chặt lại, đút lò nướng tiếp, cho đến khi con gà thành màu vàng nâu rất đẹp. Chị nói gà đã chín rồi, hai chị em khiêng gà ra khỏi lò. Như vậy là chị nướng một con gà khoảng năm tiếng đồng hồ.
 
Chị đặt con gà vào khay mới, múc hết nước ở khay cũ ra tô, để dùng làm nước sốt, ăn với khoai tây nướng, hoặc bắp hộp trộn cheese. Con gà tây nóng hổi hấp dẫn được đặt chễm chệ trên bàn, giữa các món ăn của mọi người đóng góp. Nào là: Khoai tây nghiền trắng, cạnh Salads xanh, carrots đỏ, bánh mì vàng óng bơ. Còn thêm mấy món Việt Nam, chả giò, nem nướng…. Để phòng ai không ăn quen thức ăn Mỹ. Nhưng đắt hàng nhất là miếng ức gà, chị ướp sao mà ngon, mà bùi như miếng gan heo, không còn hôi mùi gà tây.
 
Buổi tối Thanksgiving hôm ấy thật ấm cúng  bên mẹ, chúng tôi nói lên lòng biết ơn. Nhờ Anh Tư bảo lãnh đợt đầu cho ba người. Còn ba đứa sau mẹ đậu quốc tịch, anh chị Hai bỏ thời giờ đi làm giấy tờ, tôi là đứa con cuối cùng đến Mỹ trong chín đứa con của mẹ. Đối với tôi bữa tiệc “Tạ Ơn” đầu tiên trên đất nước Hoa Kỳ, Thật ý nghĩa và sâu sắc, từ món gà tây đút lò, chị Hai đã tỉ mỉ chỉ bảo, làm em nhớ lại những ngày chúng em còn thơ dại, đã được chị chăm sóc dạy dỗ. Trong hoàn cảnh ấy khiến tôi xúc động đến trào nước mắt.
 
Tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng con đến được xứ sở này. Cảm ơn ba mẹ, đã sinh ra, nuôi nấng dạy dỗ chúng con nên người. Cảm ơn anh chị em đã cùng tôi lớn lên trong gia đình đông đúc. Cảm ơn anh chị Hai đã cho chúng em sống chung, những ngày tháng còn ngỡ ngàng  mới định cư. Cảm ơn anh rể đã san sẻ tình thương của anh cho chúng em, ngay từ những ngày đầu tiên anh mới quen chị. Đến nhà để tìm hiểu gia cảnh, mà anh đã dang tay ôm hết những đứa em bé nhỏ, côi cút của chị vào lòng và thương yêu như ruột thịt, anh đã đánh trúng vào tâm lý của chị Hai, đã làm chị của em cảm động, để rồi cùng anh nắm tay dìu dắt chúng em cho tới ngày nay.
 
Cảm ơn đất Nước Hoa Kỳ đã cưu mang gia đình tôi, từ những ngày cơ cực, cùng hàng triệu người Việt tỵ Nạn, để được sống tự do, được học hỏi, để có công ăn việc làm ổn định. Cảm ơn những người bạn làm cùng sở, và những người bản xứ chung quanh, đã đối xử tử tế với tôi.
 
***************                                                
Lễ Thanksgiving năm nay mẹ tôi không còn nữa. Mẹ đã bỏ chúng con ra đi thanh thản, an nhiên tự tại, trong ngôi nhà ấm cúng tại thành phố Westminster, trong vòng tay hiếu thảo của anh chị Hai và bên tiếng khóc tiếc thương, của đàn con cháu đông đúc nơi xứ người.
 
Chị Hai ơi! Em xin thay mặt tất cả các anh chị em, cám ơn chị với trăm ngàn lời, nói sao cho vừa. Chúng em luôn thương yêu chị thật nhiều. Chắc trên thiên đàng, mẹ rất hài lòng với người con gái lớn của mẹ. Xin mẹ cầu cùng Chúa, phù hộ cho chị em chúng con nhiều hơn.
                                                                                                           
Năng Khiếu

No comments:

Post a Comment