Tôi và anh ấy cả hai đều gọi hai người ấy là anh chị, như vậy chúng tôi là anh em. Có đứa bạn thì tin lời tôi, có đứa lắc đầu không tin.
Mỗi khi thấy tôi và anh ấy dắt tay nhau đi phố, chúng nói là
“bồ”. Tôi không tin vậy. Tôi và anh ấy không phải là “bồ” mà chính là
anh em.
Quả thật tôi cần một người anh trai. Mẹ tôi chỉ sinh có
hai người con gái: Chị tôi và tôi. Chị tôi đã có chồng, anh rể tôi là
của chị ấy. Còn tôi, tôi còn nhỏ, chưa lấy chồng, nhưng tôi thấy trong
nhà cũng như cuộc sống riêng tôi, trống vắng lắm.
Tôi cần một
người anh trai, một người anh trai mà tôi có thể nói với anh tôi những
chuyện học hành, vui buồn ở lớp, ở trường, chuyện chơi đùa với bạn bè,
chuyện ăn, chuyện mặc, có khi có những bài học, bài toán, tôi cần được
giảng lại, để tôi hỏi những cái khó, những cái tôi chưa hiểu và còn
nhiều chuyện nữa, như để có thể đi chơi, đi phố với anh trai.
Có
biết bao nhiêu điều cần có đấy, thế mà mẹ tôi lại chẳng đẻ ra cho tôi
một người anh trai. Tôi thèm một người anh trai, để bù đắp vào những
điều thiếu vắng mà tôi đã nói.
Quả thật, nhiều khi thấy bạn tôi đi chơi, đi phố, đi ciné với anh trai, tôi thích lắm.
Tôi thèm được như bạn tôi, thèm một người anh trai. Đó chính là cái thật, cái sâu kín trong lòng tôi vậy.
Anh
ấy là em của anh rể tôi, học trên tôi mấy lớp, bên trường Quốc Học, còn
tôi học năm đầu tiên, lớp Đệ Thất trường Đồng Khánh.
Hai ngôi
trường nầy cũng như hai anh em. Anh ấy không phải người Huế, từ xa đến
Huế trọ học. Thường cuối tuần, anh đến thăm mẹ tôi và chuyện trò chơi
với tôi.
Lúc ấy, tôi cũng không ở nhà mẹ tôi mà ở nhà một người
chú, gần bến xe Phú-Văn-Lâu. Chú tôi có hai đứa con gái nhỏ, đang học
lớp Ba và lớp Tư. Mỗi tối, tôi biểu chúng học bài, tôi dò bài. Thuộc
rồi, tôi cho chúng đi ngủ.
Còn chú tôi thì cứ mỗi tối đọc cho
tôi viết một bài dictée ngắn, cở năm bảy hàng. Rồi tôi dịch, chú ấy sửa,
và chỉ cho tôi những chỗ sai, về ngữ vựng cũng như văn phạm vì tôi chọn
Pháp Văn làm sinh ngữ 1 và Anh Văn làm sinh ngữ 2.
Tôi cần học Pháp Văn nhiều hơn. Vã lại, chú tôi là những người đi học hồi còn Pháp thuộc nên không biết gì về Anh Văn.
Tôi
có xe đạp, nhưng tôi đi bộ đến trường. Từ nhà chú ở gần bến xe Phú Văn
Lâu, tôi đi bộ băng qua vườn hoa bên bờ sông rồi xuống đò Thừa Phủ.
Đò chèo qua bên kia sông, chỉ mấy bước là tới trường.
Bọn
học trò Đồng Khánh chúng tôi ưa đi bộ đến trường, tuy có nhiều đứa, như
tôi vậy, có xe đạp. Tôi ở gần bến đò, đi bộ đã tiện.
Có đứa ở trong
thành nội, trên “thượng thành” phía trong cửa Thượng Tứ, hay gần cửa
Đông Ba, hay quá phía trên cột cờ Ngọ Môn, chúng đều đi bộ hết.
Bọn chúng tôi ở bên nầy sông, phải qua đò. Những đứa bạn ở đường Hàng Me, An Cựu, Phú Cam hay Ga Huế, cũng đều đi bộ.
Chúng
đi dọc theo đường Lê Lợi –đường dọc theo bờ sông Hương. Tiếng giày,
tiếng guốc lóc cóc, tiếng chuyện trò, tiếng gọi, tiếng cười làm cho tôi
thấy vui vô…
Chiều thứ sáu, tôi về nhà tôi ở gần hồ Tịnh Tâm vì
ngày hôm sau, thứ bảy, khỏi đi học, tôi và các em con chú tôi khỏi học
bài buổi tối.
Tôi ăn cơm với mẹ, vui chơi ở nhà, và chờ đợi… Ngày hôm sau, thứ bảy, thế nào anh ấy cũng đến thăm tôi.
Khi
anh ấy đến thì qua một tuần, tôi có biết bao nhiêu điều để hỏi, để
chuyện trò với anh ấy. Nhiều chuyện thật vui, ngộ nghĩnh, tôi cứ giữ
trong lòng để chờ cuối tuần, kể cho anh ấy nghe và chúng tôi cười khúc
khích với nhau.
Có một người anh trai thật thú vị. Tôi kể cho anh
ấy tất cả mọi chuyện, kể cả những chuyện rất riêng tư. Có một lần,
chiều Chủ Nhật, tôi không ra nhà chú tôi như thường lệ. Anh ấy hơi ngạc
nhiên, hỏi. Tôi trả lời, rất tỉnh, như các bạn tôi trả lời cho anh của
chúng vậy:
– “Em bị “to be”.
Nghe tôi nói, anh ấy ngạc nhiên, nhưng một lúc sau, anh ấy hiểu ra liền. Như tôi thường nghĩ, anh ấy thông minh lắm…
Không
biết từ lúc nào, có lẽ là từ các lớp đàn chị, trước tôi, từ khi họ học
Anh-Văn. Trong tiếng Anh, “to be” có nghĩa là “bị”, là thụ động từ.
Vì
vậy, cứ mỗi tháng, khi chúng tôi bị chuyện ấy, thì chúng tôi gọi là “to
be”. Đó là một thứ tiếng lóng của bọn học trò Đồng Khánh, từ khi họ bắt
đầu học tiếng Anh.
Tôi cũng như các bạn, dùng động từ ấy để chỉ
chuyện ấy. Và tôi cũng dùng chữ ấy với anh ấy một cách rất tự nhiên, như
các bạn tôi nói với anh của họ vậy, để tránh một danh từ, dù bằng tiếng
Hán-Việt, nhưng nghe vẫn không thấy hay.
Vì mẹ tôi có một ngôi hàng
nhỏ, nên cuối tuần, tôi vẫn thường đi phố để mua hàng cho mẹ bán. Những
món hàng rất thông thường như dầu Nhị Thiên Đường, thuốc Aspirine, nút,
kim chỉ, v.v…
Những ngày đi phố, tôi không mặc áo trắng đi học mà
thường mặc áo màu. Tôi thích mặc màu tím, nhất là màu tím da-lan, và
màu vàng hoàng yến.
Đi bên anh, có khi cầm tay nhau, tôi thấy vui, ấm áp, như được che chở.
Chúng
tôi đạp xe đạp từ phía hồ Tịnh Tâm, ra cửa Ngăn rồi ra phố. Con đường
Hộ Thành trong Thành Nội dài và đẹp, rợpbóng những cây nhãn.
Hai
chúng tôi đạp xe song song bên nhau, y như trong câu thơ của Vũ Hoàng
Chương: “Hai xe cùng dong ruỗi, Hồn mơ về một phương.” (1)
Riêng tôi, tôi vui vì đi chơi với anh tôi và tôi không mơ gì hết.
Một
lần vào một cửa hàng, không thấy món hàng muốn mua, tôi nói với anh ấy
qua cửa hàng bên cạnh. Anh ấy đi trước, tôi đi sau khá xa vì bận coi một
món hàng khác.
Qua đến nơi, không cần xem hàng, tôi nắm cánh tay
anh ấy, kéo sát vào tôi rồi đi ra cửa. Anh ấy nhìn tôi nhưng không nói
gì. Khi ra cửa, tôi nguýt mấy anh chàng đang đứng ở cửa một cái thật
dài. Ra đến vĩa hè, tôi nói:
– “Anh biết tại sao em kéo anh đi ra ngay không?”
– “Không.” Anh ấy trả lời.
–
“Tại vì.” Tôi nói, “mấy thằng đứng ngay cửa, thấy em đi vào, có đứa
nói: “Mặt đẹp như vậy mà đi với cái thằng mặc cái áo dơ òm.” Xấu hay
đẹp, sạch hay dơ, mắc gì chúng nó. Em nắm tay anh kéo cho thật gần cho
bỏ ghét mấy thằng ngứa miệng nói bậy.”
Năm tôi học Đệ Tứ, mẹ tôi mua một căn nhà bên bờ hồ Tịnh Tâm cho anh chị tôi ở.
Năm ấy, anh ấy đã học đại học, buổi chiều thường ghé lại nhà anh chị tôi chơi.
Nhà
đẹp lắm, mặt ngó ra hồ. Sân trước có trồng mấy cây chanh và hai cây dừa
thân nghiêng ra mặt nước, thả từng tàu lá dừa xanh mướt la đà trên mặt
hồ. Nước hồ xanh thẳm, lố nhố phía xa xa những búp sen đầu mùa chưa nở,
những lá sen non còn xanh mướt.
Gió xuân thổi rất nhẹ, phải nhìn kỹ
người ta mới thấy được vài ngọn sóng lăn tăn trên mặt hồ. Những buổi
chiều đến chơi, anh thường ngồi trên một cái ghế xích đu sát bờ nước,
nhìn ra mặt hồ mà không nói một lời.
Khi trời gần tối, có con
chim chích chòe đến đậu trên ngọn lá dừa, cất lên tiếng hót thật dài và
vô cùng thanh thót. Con chim bắt đầu một tiếng “chích” nhỏ, càng lúc âm
độ càng lên cao và kéo dài ra, như một cánh diều gặp gió, vút cao, vút
cao lên…
Đến tột đỉnh của tiếng hót, tiếng chim ngừng lại để một
khoảng lặng đột ngột như tiếng đàn bỗng ngưng bặt trong mộtbản nhạc; rồi
tiếng hót vỡ ra, bùng một tiếng “chòe” như một cái bong bóng căng đến
độ cao nhứt bỗng xì hơi, giải tỏa sự căng thẳng.
Cái xì hơi trả lại sự hòa dịu, thư giản cho bầu không khí êm đềm của một buổi chiều xuân.
Trong
cảnh im lặng ấy, trong tiếng chim chích chòe thánh thót ấy, tôi ngồi
bên anh, lòng không thấy êm ả chút nào mà có khi tưởng như nôn nóng.
Tôi
muốn anh ấy nói với tôi một lời, hay tôi muốn vội vàng kể những chuyện
vui trong một ngày đi học của tôi. Tuy nhiên, khi đến ngồi bên cạnh,
thấy anh ấy đăm đăm nhìn ra mặt hồ êm ả, tôi kính trọng sự im lặng ấy mà
không nói một lời gì.
Một lần, cũng trong cái cảnh lặng im như
vậy, anh bỗng nói với tôi: “Em thấy không, mặt hồ êm quá. Ai ai cũng
mong có một cuộc đời êm đềm như thế!” Khi ấy, còn nhỏ, tôi chưa hiểu hết
ý nghĩa câu nói đó.
Tính tôi hiếu động và nghịch ngợm nên nhiều khi
tôi không chơi với anh ấy nữa. Tôi gọi vài đứa bạn đến nhà anh chị tôi,
căng ngang sân một cái lưới vũ cầu và đánh vũ cầu với các bạn.
Trong
khi chúng tôi ầm ĩ, cười đùa, tranh cãi hơn thua một đường banh, anh
vẫn một mình ngồi im lặng bên mặt hồ, nhìn ra khung cảnh mông lung, nhìn
hòn non bộ giữa hồ hay một áng mây chiều thướt tha trôi trên bầu trời
xuân xanh thẳm.
Có khi bỗng con chim chích chòe bay đến, cất lên tiếng hót trong veo, anh ấy ra hiệu cho chúng tôi im để cùng nghe tiếng chim.
Con
chim đậu trên ngọn lá dừa, cất lên vài hồi hót thánh thót, chờ một con
chim mái đến đậu ở cây dừa bên cạnh, nhảy nhót quanh quẩn chờ con chim
trống hót xong, cả hai ruỗi cánh bay về phía trời xa, nơi có tổ ấm của
chúng để ngủ qua đêm.
Có khi vài đứa bạn tôi hỏi tôi về anh. Tôi
cười làm vẻ bí mật. Rồi tôi gọi chúng đến đánh vũ cầu với tôi, lại gọi
cả anh ấy đánh vũ cầu với chúng.
Trong cách sắp đặt ấy, tôi thường tỏ một vẻ tinh nghịch khác thường. Anh chỉ cười nhìn tôi, từ chối.
Sau vài lần như thế, anh ôn tồn nói: “Em đừng làm như thế mất đi cái trong sáng của tuổi xuân.”
Tôi
yêu cái tuổi xuân của tôi, tôi muốn gìn giữ nó trong sáng nên nghe lời
anh ấy, không bao giờ tôi đùa nghịch theo cách ấy nữa.
Tuy nhiên,
vài khi, tôi thấy anh như một người rất trầm lặng, hay đưa tâm hồn mình
vào một cõi mơ mộng xa xăm nào đó, thoát ra khỏi cuộc sống hiện tại,
không chú ý đến những điều xảy ra chung quanh, làm cho tôi bực mình.
Có khi tôi tự hỏi hay anh ấy là một trích tiên, như Lý Bạch vậy. Rồi tôi tự cười thầm vì ý nghĩ vớ vẩn của mình.
Một lần tôi nói: “Anh có biết chỉ với anh là em xưng em. Với tất cả mọi người, em xưng tên. Anh biết không?”
Anh ấy không trả lời, nhìn tôi âu yếm như thầm cám ơn.
Cuộc
sống êm đềm như mặt hồ Tịnh Tâm ấy kéo dài không lâu. Sau ít năm học
đại học, anh nhập ngũ. Học hết trung học, tôi vào trường sư phạm và đi
dạy.
Ở tất cả những nơi tôi đến dạy, bao giờ tôi cũng nhớ đến anh.
Khi dạy ở Cẩm Phô, buổi chiều đi ngang một cây cầu gỗ bắt ngang một con
sông nhỏ, tôi thường dừng lại trên cầu, nhìn giòng nước chảy lặng lẽ qua
cầu mà nhớ đến hồ Tịnh Tâm và nhớ nhất những chiều anh ấy ngồi im bên
mặt hồ êm đềm.
Tôi vói nhìn xuống lòng con sông nhỏ tìm những
đám mây trôi lững lờ dưới đáy sông, nghĩ tới những đám mây trôi trên mặt
hồ Tịnh Tâm mà có lần anh ấy gọi tôi tới chỉ cho tôi ngắm xem.
Nhớ
anh ấy vô cùng, một người anh hay một người yêu chưa bao giờ tỏ tình,
một mối tình câm, trong sáng và lặng lẽ của hai tâm hồn ngây thơ trong
những ngày niên thiếu sống bên nhau?
Vậy mà tôi lại được các cụ
già trong Hội Đồng Xã khen là cô giáo có lương tâm, biết kiểm soát cây
cầu có an toàn vì mỗi ngày đi học, các em đều phải đi về qua chiếc cầu
ấy. Tôi được một cái giấy khen. Buồn cười thật.
Năm 1972, anh ấy tử
trận. Sống làm sao nỗi! Anh cứ đi hết chiến trường nầy qua chiến trường
khác: Kampuchia, Snoul, Dambe, Hạ-Lào, Tây ninh, Long Khánh…
Cứ nghe có trận lớn là có tên đơn vị của anh ấy. Âm thầm theo bước chân anh, tôi bỗng trở thành một người hay đọc báo.
Rồi một hôm tôi thấy cáo tang. Tôi âm thầm với nỗi dau khổ của tôi trong cảnh dạy học xa nhà.
Đám
ma anh ấy ở Huế, tôi không về được. Năm ấy, Quảng Trị vừa mới mất, dân
Huế hoảng sợ chạy tán loạn vào Đà-Nẵng, làm sao tôi về Huế?!
Rồi
tôi lấy chồng. Người chồng tôi hơn tôi những gần chục tuổi, nhưng anh ấy
cũng yêu tôi khi tôi còn bé. Anh cũng âm thầm và chờ đến khi anh ấy tử
trận thì người chồng của tôi sau nầy mới ngỏ lời xin cưới tôi.
Tôi
lấy chồng như là “cho xong chuyện”. Ai cũng phải có chồng. Một người yêu
mình khi mình còn niên thiếu, âm thầm chờ đợi những gần mười năm. Tôi
còn kén chọn gì nữa. Tôi rất trung thành với chồng.
Chắc chắn
tôi không sống trong cái cảnh “Đêm đêm bên cạnh chồng già, và bên cạnh
bóng người xa hiện về” (2) Nhưng quả thật, tôi vẫn còn nhớ anh ấy, nhớ
thời niên thiếu, nhớ khi tôi thèm một người anh trai và tôi đã “được”
anh ấy.
Trời ban cho tôi một người anh trai. Vì vậy, hôm nay, khi
chồng đã chết, khi con đã lớn, tôi đi nửa vòng trái đất trở lại quê nhà.
Anh thân yêu!
Vậy
là em đã trở về căn nhà cũ, nơi anh em mình chia tay nhau đã hơn 40
năm. Cũng may, qua bao nhiêu năm chinh chiến, căn nhà cũ vẫn còn.
May
mà mẹ em đã không bán căn nhà nầy trước khi mẹ qua đời. Mẹ để lại làm
nhà từ đường, đặt trên bàn thờ những bình hương, tượng trưng cho những
người đã khuất.
Mỗi tối, khi chuông chùa vang lên từng tiếng rời rạc
và lặng lẽ, em thắp đèn trên bàn thờ và đốt hương cắm lên những bình
hương ấy.
Dĩ nhiên, không có bình hương nào là của anh ở đây. Vì vậy, mỗi khi thắp hương trên bàn thờ, em lại nhớ đến anh.
Mộ
anh chôn ở đâu? Em đâu biết! Có phải là ở nghĩa trang Biên Hòa hay một
nghĩa trang, một bãi tha ma nào đó mà nay đã thành bình địa.
Tên anh có khắc trên một đài kỷ niệm nào đó bên dưới hàng chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn” thì nay cũng đã bị đập phá mất rồi.
Làng quê anh không còn. Mẹ anh đã qua đời, anh chị em anh người đã mất, người lưu lạc đất khách.
Có thể họ còn nhớ ngày anh tử trận nhưng không chắc ai có thể đốt cho anh một nén hương. Càng nghĩ, em càng thêm đau lòng!
Em
lại trở về căn nhà cũ, bên bờ hồ Tịnh Tâm, sau khi em lưu lạc quá nửa
vòng địa cầu. Em sợ xứ người, sau khi chồng em qua đời, các con em đã
lớn đều có nhà cửa và có cuộc sống riêng.
Em bỏ căn nhà quạnh quẽ
nơi xứ người để trở về đây, không phải vì quê hương là chùm khế ngọt. Nó
còn quá chua hơn một chùm khế chua và cũng không phải để tìm lại những
kỷ niệm của thời niên thiếu.
Tuy nhiên, anh hiểu đấy, với những người đã khuất, như anh, dù có muốn quên cũng không thể nào quên được!
Bắt chước anh, buổi chiều, em lại ngồi trên một chiếc ghế xích đu bên bờ nước, nhìn ra mặt hồ Tịnh Tâm như anh ngày xưa vậy.
Mùa
xuân đã về, mặt hồ êm đềm và xanh trong. Ngoài kia, lại lú lên những
búp sen đầu mùa, những lá sen non. Cũng như anh, em nhìn mặt hồ thật kỹ,
để có thể thấy được những ngọn sóng lăn tăn trên mặt hồ xanh.
Anh thân yêu!
Có
những đám mây trắng giăng ngang từng sợi nhỏ, trôi lững lơ trên bầu
trời xanh thẳm, đang soi xuống mặt hồ. Em nhìn lên bầu trời, lại cũng
những đám mây ấy đang chầm chậm trôi về hướng Tây, về dãy núi Trường
Sơn.
Tiếc rằng ở đây, không như ngồi ở bờ sông Hương, để em có thể thấy núi xanh chạy dài tới cuối chân mây.
Những đám mây ấy, một thời anh cũng ngồi đây, mãi mê theo dõi.
Ngày
ấy, anh nghĩ gì về những đám mây trôi lững lờ kia? Còn em, ngày nay,
ngồi đây, cũng nhìn những đám mây ấy, em lại nghĩ đến anh.
Em
nghĩ đến những đám mây tượng trưng cho những linh hồn. Và linh hồn nào
là linh hồn của anh, sẽ trôi vào một khoảng hư vô, một nơi mình cũng
không còn nhận ra mình vì tất cả mọi linh hồn đều hòa nhập vào một cõi
không gian vô tận.
Cũng như mọi chiều, em đang chờ con chích chòe đến
đậu trên cành lá dừa. Nó sẽ hót thánh thót như ngày xưa ấy. Em cũng
lắng nghe tiếng chim ấy. Cái âm thanh khởi đầu trong sáng, kéo dài mãi
ra và lên cao vút.
Tới chỗ tột cùng, tiếng “chích” ấy ngừng lại, bỏ một khoảng im lặng ngộp thở rồi “chòe” ra một tiếng thư giản, dịu dàng.
Không
như ngày xưa, em ít lắng nghe tiếng chim. Nhưng mấy chiều hôm nay em cứ
ngồi chờ con chim trở về, lắng nghe nó hót một cách chăm chú như anh đã
từng nghe ngày xưa ấy.
Em tưởng như trong tiếng hót của con chim
chích chòe có cái gì là của anh. Trong đó có tiếng anh nói dịu dàng với
em hay linh hồn anh tiềm ẩn?
Em ngất ngây với tiếng hót của con chim trống, trong khi nhìn con chim mái nhảy nhót ở tàu lá dừa bên cạnh.
Thỉnh
thoảng, con chim mái quay đầu ngước nhìn con chim trống, như chờ đợi
màn trình diễn chấm dứt để hai người yêu nhau dắt tay nhau ra về.
Bỗng
nhiên em mong cho buổi trình diễn hãy khoan chấm dứt. Tiếng hót con
chim chích chòe đang đưa hồn em vào một cõi xa xăm. Nhưng hết rồi anh
ơi! Hai con chim đã ruổi cánh bay về phương trời xa mất dạng.
Em
nhìn ra mặt hồ và lại nghĩ đến anh. Anh từng nói ai ai cũng muốn có một
đời êm đềm như mặt hồ xuân. Có lẽ anh cũng vậy. Nhưng rồi anh đã phải
đi. Tiếng gọi linh thiêng của tổ quốc đã đánh thức anh dậy, kéo anh ra
khỏi mặt hồ êm đềm, đưa anh vào những trận tiền binh đao súng đạn.
Anh
đã đi trong chiến tranh, trong vòng lửa đạn bời bời và anh đã nằm lại
đó, một nơi nào đó, để lại cho em, chiều hôm nay, trong cảnh muộn phiền
của một tuổi già đầy nhung nhớ!
Em lại nhìn ra mặt hồ êm. Và
“Chiều lên dần dần, chiều không xuống…” (3) Đầu tiên, mặt hồ đen thẫm
lại. Bóng tối từ đó lên cao dần.
Hàng cây bên kia hồ trở thành một vệt đen dài, khiến em không còn trông rõ bóng người qua lại trên con đường cạnh bờ hồ bên ấy.
Chỉ có mấy ngọn dừa vươn cao là còn níu lại được chút nắng muộn màn, trông “như những cây nến khổng lồ” (3).
Rồi những ngọn nến ấy cũng tắt nốt. Chỉ còn những đám mây trên vòm trời cao thẳm đang hòa màu đỏ cam rực rỡ với ánh nắng chiều.
Bỗng những đám mây ấy trôi đi xa và chuyển sang màu tím rồi tối sẫm lại.
Anh thân yêu,
Khi giã từ, anh đã “quên” không nói với em một lời từ biệt, cái ý nghĩ ấy khiến em nhìn lên trời và kìa. Anh hãy xem…
…Mây đã đi xa rồi! Ước chi linh hồn em là đám mây ấy để có thể tìm thấy anh ở cuối chân mây!
Hoàng Long Hải
----------------------------------------------
(1) “Trước đây mười chín năm . Thơ Vũ Hoàng Chương
(2) Thơ TTKH
(3) Một câu và ý trong bài “Hoàng Hôn” của Xuân Diệu
No comments:
Post a Comment