Monday, September 14, 2020

Tổng Tuyển Cử 2020 tại Hoa Kỳ ---- Tâm Trạng căng thẳng Giáo sư Vũ Quý Kỳ

Trong vòng hơn 50 năm qua, tại Hoa Kỳ chưa bao giờ có một cuộc tổng tuyển cử căng thẳng như cuộc bầu cử 2020. Dù là đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ, cuộc bầu cử kỳ này có tính cách quyết định cho tương lai nước Mỹ trong những thập niên sắp tới. Vì thế cả hai đảng đều có những nhu cầu cực kỳ gay gắt phải thắng cử trong năm 2020. Điều này khiến cho cả hai đảng đều có những động thái đặc biệt, có ảnh hưởng lớn đến cử tri, khiến cho mọi người thấy cử tri của hai đảng đã có những hành động công khai chỉ trích lẫn nhau một cách cực kỳ mạnh mẽ, hơn là trong những kỳ bầu cử trước kia. Vì thế người ta không mấy ngạc nhiên khi thấy cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng bộc lộ nhiều dấu hiệu căng thẳng trong thái độ chính trị, đối với hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.
Đứng trước hoàn cảnh nói trên, câu hỏi được đặt ra là: tại sao lại xảy ra tình trạng chính trị đặc biệt nói trên? Muốn trả lời câu hỏi đó, người ta phải tìm hiểu tận gốc về hậu quả của cuộc bầu cử 2016.
 
I. Hậu quả của cuộc bầu cử 2016
Cuộc tổng tuyển cử sắp tới vào năm 2020 là hậu thân của cuộc tổng tuyển cử 2016. Đối với một học giả chính trị thờ ơ, cuộc tuyển cử 2016 cũng chỉ là một trong những cuộc tuyển cử bình thường trong nền chính trị của Hoa Kỳ: một triều đại của đảng Dân Chủ đã ra đi và được thay thế bằng một triều đại của đảng Cộng Hòa, như đã từng xảy ra trong quá khứ, qua 44 ông tổng thống Hoa Kỳ trong thời gian hơn 200 năm nay tại Hoa Kỳ. Đâu có gì lạ? Đối với một số người quan sát chính trị tinh ý một chút thì hậu quả của cuộc tổng tuyển cử 2016 đã diễn ra không bình thường chút nào, vì một số đặc điểm sau đây:
 
1. Những hiện tượng gần và dễ thấy
 
Thứ nhất: Đa số giới truyền thông dòng chính, đa số đỉnh cao trí tuệ (elite), đa số học giả dòng chính (main stream pundits), và đa số giới thăm dò quần chúng qua “polling”, đều tiên đoán Hillary sẽ thắng cử với đa số phiếu cực lớn. Kết cuộc, Donald Trump đã thắng quá lớn với phiếu cử tri đoàn. Điều này đã khiến cho Hillary và các đồng chí Dân Chủ của bà ta lâm vào tâm trạng nửa khùng nửa điên.
 
Thứ hai: Đa số giới truyền thông dòng chính đã không kèn không trống “thoái vị”, từ bỏ vai trò cao quý của mình trong công tác loan tin trung thực. Họ biến thành một bọn “hát thuê-viết mướn” cho một phe đảng chính trị vì lý do tiền bạc, hoặc vì lý do tư thù cá nhân, hoặc bất cứ lý do bậy bạ nào khác. Đây là một tình trạng sa đọa chính trị cực kỳ quan trọng đã diễn ra tại Hoa Kỳ, có tính cách đe dọa nền chính trị Dân Chủ của quốc gia vĩ đại này. Nhóm truyền thông này đã biến nhiệm vụ loan tin trung thực thành một nghề bịa tin tức, bóp méo tin tức, nhằm phục vụ một phe nhóm chính trị. Họ đã lạm dụng cái lỗ hổng của “quyền tự do ngôn luận” do hiến pháp công nhận, nhưng không ấn định trách nhiệm. Chính những kẻ làm truyền thông vi phạm quyền hiến định nói trên.
 
Thứ ba: Một biến cố mới đã diễn ra, có tính cách đe dọa nền dân chủ của Hoa Kỳ. Đó là một số khá đông chính trị gia thuộc phe đảng Dân Chủ thiên tả đã không chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử hợp pháp, hợp hiến như thường lệ, và quyết định lật ngược kết quả bằng mọi cách, kể cả bất hợp pháp. Những chính trị gia này thuộc nhóm gia-nô nằm vùng, được gọi là “Deep State”, đã cấu kết với nhau để tạo ra một vụ án chính trị, nhằm bịa đặt và tố gian rằng “ông tổng thống đắc cử đã thông đồng với nước Nga trong cuộc tuyển cử” (Russian collusion). Đây là cái “Nuclear Option” thứ nhất của đảng Dân Chủ: một “Giải pháp Tuyệt vọng”. Sau ba năm điều tra, và 32 triệu mỹ kim chi tiêu hoang phí, vụ án chính trị gian lận bị vỡ lở, và nhiều thành viên đảng Dân Chủ trong vụ án gian lận, lớn hơn vụ Watergate, đang chờ ngày ra tòa để bị xét xử.
Thứ tư: còn nghiêm trọng hơn vụ án “thông đồng với Nga”, ngay đầu năm 2017, đảng Dân Chủ bước vào một giai đoạn thoái trào trên nhiều phương diện căn bản:
a/ Đảng Cộng Hòa nắm toàn bộ Hành Pháp, Thượng Viện và Hạ Viện.
b/ Đa số các Thống Đốc tiểu bang là Cộng Hòa.
c/ Tối Cao Pháp Viện đang đi vào một chu kỳ thay đổi trong đó đảng Cộng Hòa đang tiến tới chỗ nắm đa số áp đảo. trong một thời gian kéo dài nhiều thập niên.
d/ Đây là một nguy cơ rất lớn đe dọa vị thế tồn vong của đảng Dân Chủ, nếu đảng này không chịu lột xác để thay đổi.
Nguy cơ nói trên đã khiến cho nhiều người Dân Chủ trở thành nửa điên nửa khùng. Một dân biểu tiểu bang Minnesota, ông Keith Ellison đã chủ trương dùng bạo lực để chống lại ông Trump. Ông này dường như thuộc nhóm Antifa, hoặc ít nhất ủng hộ đường lối hoạt động của Antifa, một tổ chức Cộng Sản. Và người ta biết rằng nhiều thành viên Antifa đã hành hung những người ủng hộ Tổng thống Trump. Họ là một bọn côn đồ, và cũng bị coi là bọn khủng bố. Họ chủ trương dùng bạo động để bịt miệng những người ủng hộ Tổng thống Trump.
 
Thứ năm, hậu quả của tâm trạng nửa điên nửa khùng đã khiến nhiều đảng viên Dân Chủ đã chọn con đường tắt, bắt tay với khuynh hướng xã hội Mác Xít, thay vì sửa đổi đường lối chính sách, để thành công hơn trên đường dài. Họ theo đuổi giải pháp đấu tranh giai cấp và chiếm chính quyền bằng bạo động. Đảng Dân Chủ muốn “cướp chính quyền” theo kiểu của Hồ chí Minh, khiến những người Việt thiên tả và những người Việt ngây thơ rất khoái. Họ nghĩ rằng chính quyền sắp rơi vào tay đảng Dân Chủ. Còn lâu!
 
Thứ sáu, ngay từ năm 2017, khuynh hướng xã hội Mác Xít bạo động đã bắt đầu xuất hiện, với những bọn côn đồ của đảng Dân Chủ đe dọa những người ủng hộ Tổng thống Trump tại nhà riêng, hoặc tại những nơi công cộng như tiệm ăn, tiệm khiêu vũ, tiệm chiếu bóng (cinema). Những người “Dân Chủ côn đồ” này hành động giống y chang bọn “con cháu bác Hồ”, nghĩa là vừa đánh trống vừa ăn cướp. Trong khi đòi hỏi tự do ngôn luận, thì chúng đã cấm quyền tự do ngôn luận của người khác, sử dụng bạo lực đối với những người phát biểu khác chính kiến, những người ủng hộ Trump.
Hành động côn đồ nói trên cho thấy tâm trạng khùng điên muốn giật sập nền dân chủ pháp trị của Hoa Kỳ. Thái độ bạo hành của phe Dân Chủ cho thấy bề ngoài thì họ hung hăng, nhưng trong lòng họ chứa chất một niềm sợ hãi vì họ đang mất dân. Họ đang mất phương hướng và mất tư cách lãnh đạo. Họ đang giống như một con thú dữ bị dồn vào bước đường cùng, đang vùng vẫy một cách điên cuồng, một cách thiếu thông minh. Đảng Dân Chủ đang giống như một con thuyền bị gẫy cột buồm và mất bánh lái, nhưng vẫn quyết định ra khơi, mặc dầu không biết đi về đâu.
 
Thứ bảy, vì thế qua những tháng bạo loạn vừa qua, người dân Mỹ thấy gì? Người dân Mỹ đi tới kết luận là Đảng Dân Chủ hiện nay chỉ giỏi phá hoại, gây đốt phá và chết chóc, nhưng chưa có một thành tích xây dựng từ ba bốn năm qua. Chẳng những giỏi phá hoại, đảng Dân Chủ trong Hạ Viện còn từng bước cản trở Tổng thống Trump trong cố gắng thực thi lời hứa hẹn với dân. Đây là một kết luận cực kỳ tai hại cho tương lai gần của đảng Dân Chủ trong cuộc bàu cử năm 2020 và một thời gian đáng kể sau đó.
 
2. Nhìn xa hơn---Những bước đi quan trọng của
Tổng Thống Trump: đột phá và nhất quán
Nếu cuộc bầu cử năm 2020 là một cuộc trưng cầu ý dân để đánh giá Tổng Thống Trump và đảng Cộng Hòa, thì những câu hỏi nào sẽ được nêu lên? Đó là những vấn đề quan tâm chính của người dân, mà năm 2016 đã đưa ông Trump vào Tòa Bạch Ốc:
- Kinh Tế: đem việc làm về Mỹ, sau nhiều năm “outsourcing” (việc làm chạy ra nước ngoài)
- Chấm dứt nhập cư lậu (illegal immigration), thanh lọc hệ thống nhập cư
- Bảo vệ biên giới
- Đánh bại khủng bố Hồi Giáo
Mặc dầu những cản trở tối đa của Đảng Dân Chủ, những thành công của Tổng thống Trump thật là không ngờ.
Nguyên nhân chính đem lại thành công cho Trump là:
a/ Tổng thống Trump biết mình phải làm gì;
b/ Tổng thống Trump biết phương pháp nào để đạt mục đích;
c/ Tổng thống Trump có khả năng thương thuyết xuất sắc;
d/ Tổng thống Trump luôn luôn đi trước đối thủ một bước khi ra đòn.
Ông Trump biết phải làm gì khi đối diện với một số quốc gia, và một số vấn đề phải giải quyết. Đối với Syria, ông quyết định rằng quốc gia này không phải là quyền lợi sinh tử của Hoa Kỳ. Do đó ông đã quyết định rút ra khỏi Syria, vì không muốn bị lôi cuốn vào một cam kết lâu dài, trong khi có mối quan tâm lớn hơn nhiều ở Á Đông.
Đối với Iran, ông Trump đã thi hành một biện pháp quyết liệt: hạ sát tướng Soleimani. Nhưng qua một trung gian, ông Trump cho lãnh đạo Iran biết là vấn đề phải được ngưng lại ở đó, mặc dầu ông có khả năng thi hành những biện pháp quyết liệt hơn. Sở dĩ như vậy, vì Tổng thống Trump muốn tập trung nội lực để giải quyết vấn đề Trung Cộng và không muốn rải quân ra quá mỏng tại những chiến trường kém quan trọng.
Đối với các quốc gia Ả Rập, lập trường của Tổng thống Donald Trump là không can thiệp quân sự vào những mâu thuẫn đã diễn ra cả ngàn năm nay, giữa các người Ả Rập với nhau. Ông muốn để cho người Ả Rập tự giải quyết những mâu thuẫn nội bộ. Tuy nhiên, ông không từ chối khả năng làm một đồng minh. Saudi Arabia là một đồng minh đắc lực của Hoa Kỳ trong mặt trận chống ISIS. Mặt khác, vì là đồng minh cật ruột của Do Thái, ông Trump không ngừng tìm cách giải tỏa những mâu thuẫn giữa Do Thái và các nước lân bang Ả Rập. Hiệp ước mới đây giữa Do Thái và United Arab Emirates là một thí dụ.
Đối với NATO, ông Trump đòi hỏi cách ứng xử công bằng giữa hai bên. Do đó NATO phải chia sẻ trách nhiệm phòng thủ, và võ trang. Ông Trump rất khó chịu khi Đức liên kết hệ thống dẫn dầu với Nga. Một hành động có hậu quả chiến lược bất lợi cho NATO.
Giống như Tổng thống Reagan và Tổng thống Bush cha, Tổng thống Trump thả lỏng giây cương trong lãnh vực chiến thuật, để các tướng lãnh toàn quyền hành động ngoài chiến trường. Do đó, ông đã đạt những kết quả rất xuất sắc tại Trung Đông. Tổng thống Trump chủ trương xây dựng một khả năng quân sự vô địch với mục tiêu là “không bao giờ phải đụng đến nó”. Nói vắn tắt là duy trì hòa bình trên thế mạnh. Những người như Obama và Clinton thì không bao giờ hiểu được câu nói đó.
Trong khi phe đảng Dân Chủ mê man trong cơn “mộng du”, tiến hành chiến dịch truất phế Tổng thống Donald Trump (impeachment), thì ông lặng lẽ tiến hành những chương trình củng cố nền tảng pháp lý, chính trị và xây dựng căn bản kinh tế. Cho tới tháng 12, 2019, Tổng thống Donald Trump đã được Thượng Viện chuẩn y 187 quan tòa Liên Bang, vượt xa hai Tổng Thống George W. Bush và Bill Clinton trong cùng một thời gian. Tại hệ thống tòa án Circuit Court, khi ông Trump đắc cử, có 13 tòa án do Dân Chủ nắm đa số. Sau 3 năm ông Trump cầm quyền, có 7 tòa án đã trở thành Cộng Hòa nắm đa số.
Cũng trong thời gian “mộng du” (sleepwalking) đó của đảng Dân Chủ, chính Quốc Hội Dân Chủ đã giúp ông Trump đạt được hiệp ước USMCA (The United States-Mexico-Canada Agreement). Đảng Dân Chủ gián tiếp thú nhận họ đã “mê tít” một phần chương trình của Tổng thống Trump. Về mặt kinh tế, sau ba năm ngồi tại Tòa Bạch Ốc White House, Tổng thống Trump đạt được nhiều thắng lợi kinh tế mà các đời tổng thống khác chưa hề đạt được. Cứ mỗi tháng lại có gần 300 ngàn người có việc làm. Tính gộp lại trong ba năm đầu tiên, có khoảng 9 triệu người kiếm được việc làm.
Sau khi đảng Dân Chủ tỉnh cơn “mộng du”, họ thấy Ông Trump đã lặng lẽ đạt được nhiều thắng lợi lớn lao quá. Vì thế căn bệnh khùng điên của họ càng trở nên trầm trọng. Và căn bệnh này đã ảnh hưởng tới vấn đề tranh cử của Đảng Dân chủ. Những người tinh ý chịu khó quan sát chiến dịch tranh cử của những người khùng điên này trên màn truyền hình sẽ thấy nhiều hoạt cảnh vui đáo để.
3. Chiến dịch tranh cử của đảng Dân Chủ
Có ba chủ đề đáng nghiên cứu về cuộc tranh cử của đảng Dân Chủ, đó là: nội dung, diễn viên, và giải pháp tuyệt vọng (nuclear option).
-- Nội dung
Nội dung của cuộc tranh cử do các ứng cử viên đề ra là một điều mọi người quan tâm. Qua mười mấy tháng tranh cử của giai đoạn sơ khởi (primary), những người quan sát không ghi nhận được nhiều tư tưởng sáng giá của phe chính thống. Không phải là phe Dân Chủ thiếu tư tưởng sáng giá, nhưng dường như họ cố tình giấu kín không cho quốc dân biết. Đây có vẻ là cách làm ăn bất chính “à-la-mode de” Pelosi khi bà ta đưa ra chương trình Obamacare mười năm về trước: bỏ phiếu chấp thuận trước rồi hãy thảo luận sau.
Trên đây là nói về lập trường chính thức của đảng Dân Chủ trong giai đoạn sơ khởi “primary”, là giai đoạn mà chưa ai có tư cách nhận mình là đại diện cho đảng ta. Trong giai đoạn này người ta được nghe đầy hai con ráy về những chương trình cứu nước, bằng những giải pháp mà nói chung có tính cách ảo tưởng của chủ nghĩa Marxist. Nó ảo tưởng vì họ đề ra những chương trình chi tiêu quá lớn làm cho người dân Mỹ sẽ bị “ba đời khánh tận”, mà sự thành công thì không có gì bảo đảm.
Người ta không được nghe những chương trình có tính cách thực tiễn, như: Làm thế nào để người dân có thêm việc làm? Làm thế nào để có thêm tiền bỏ vào túi người dân? Làm thế nào để cân bằng mậu dịch với Trung Cộng và lấy về số thất thu mậu dịch 8,000 tỷ mỹ kim mất vào tay Trung Cộng? vân vân …
Sau khi điểm sơ qua về nội dung của cuộc tranh cử, ta hãy nhìn lại xem ai sẽ là đại diện cho những nội dung khác nhau.
Đó là vấn đề “diễn viên” trong cuộc tranh cử sơ bộ (Primary Contest).
-- Diễn viên trong cuộc tranh cử sơ bộ
Dĩ nhiên, dưới đây là nhận xét qua con mắt chủ quan của tôi. Và tôi thành thực nhận thấy toàn bộ những diễn viên trên 20 nhân vật, không có ai sáng giá, ngoại trừ ông Berny Sanders là người có khả năng ăn nói và phân tích sự việc. Nếu tôi là một thành viên của đảng Dân Chủ thì tôi phải vô cùng thất vọng. Điều nhận xét này thực ra không khác xa với kết quả sau mấy tháng tranh cử, cho thấy không có ai nổi bật lên trên những người khác. Tất cả giống như một đàn cóc nhái ễnh ương kêu ì ộp và chen lấn nhau trong một đêm mưa lớn mùa hè.
Trong đám cóc nhái ễnh ương đó, đảng Dân Chủ đã “nhặt đại” ra một đại diện làm ứng cử viên tổng thống. Đó là Joe Biden, người đã bị trượt ứng cử viên tổng thống trước kia vì tài đạo văn của người khác. Trong tương lai, Joe Biden còn có thể bị kẹt vào một vụ tham nhũng với Ukraine và Trung Cộng. Chúng ta hãy tạm thời quên đi những vụ tham nhũng nói trên. Điều mà đảng Dân Chủ đang lo sốt vó là truyện tranh cử với đảng Cộng Hòa sắp tới. Ông Biden có đủ khả năng đấu võ mồm với ông Trump hay không? Sau 47 năm làm chính trị tại Hạ Viện, Thượng Viện, rồi làm phó Tổng Thống, Ông Biden có thành tích gì để so sánh với Ông Trump?
Điều làm đảng Dân Chủ lo lắng nhất là Ông Biden đang đi vào bóng xế của cuộc đời, với một bộ óc lú lẫn và một khả năng tuyệt vời về ăn nói loạng quạng, nói trước quên sau. Làm sao ông Biden có thể đấu với Ông Trump trong ba cuộc “Presidential Debates” sắp tới? Chính Bà Pelosi cũng khuyên Ông Biden nên hủy bỏ cuộc tranh luận với Ông Trump.
-- Giải Pháp Tuyệt Vọng (Nuclear option)
Đem tất cả những thành công của ông Trump sau ba năm làm tổng thống để so sánh với những thành tích của ông Biden, đảng Dân Chủ không có một tia hy vọng nào để thắng. Trừ phi sử dụng một trong những thủ đoạn hạ cấp của giang hồ, với một cái hỗn danh là một “giải pháp tuyệt vọng” (nuclear option thứ hai). Đó là lý do mấy tháng nay, đất nước Hoa Kỳ đã nổ tung tại những thành phố hoặc tiểu bang thuộc đảng Dân Chủ: những vụ biểu tình phản kháng nhân danh chống kỳ thị theo sau bằng những cuộc đập phá, hành hung, cướp của, gây chết người. Thêm vào đó là việc đốt phá các công viên và các di tích lịch sử.
Chiêu bài chống kỳ thị đã làm mồi lửa cho những xúc động ban đầu, có ảnh hưởng không tốt cho chính quyền đương nhiệm của Liên Bang. Nó đặt chính quyền Liên Bang vào một vị trí khó xử. Nếu phản ứng mạnh bằng vũ lực, thì có thể làm bùng lên những phản ứng ở nhiều nơi khác, và càng làm cho câu chuyện bùng lớn hơn. Trái lại, nếu không có biện pháp can thiệp bằng công lực, thì chính quyền phải chịu trách nhiệm về những đốt phá tanh bành. Mặt khác, cảnh sát của các thị xã thuộc quyền điều động của Thị Trưởng hoặc Thống Đốc tiểu bang chứ không thuộc quyền Liên Bang.
Chính vì lý do trên, đảng Dân Chủ ban đầu coi giải pháp tuyệt vọng này là “vũ khí cao cấp” để gỡ thế cờ bí, và quyết định không cho chính quyền liên bang can thiệp. Đồng thời khai thác tình trạng rối loạn cho mục tiêu chính trị, và ngăn cản không cho cảnh sát hành động để đem lại trật tự. Ngoài ra, những người thuộc phe Dân Chủ còn đề nghị giải thế lực lượng cảnh sát.
Những tai to mặt lớn của đảng Dân Chủ như Pelosi, Nadler, Maxine Watters, Kamala Harris, và giới truyền thông dòng chính đã sáng tác những bản hợp tấu để thổi lửa vào những cuộc bạo loạn. Kamala Harris khuyến khích tiếp tục bạo loạn, ngay cả khi đã xong bầu cử. Black Lives Matter hợp tác với bọn khủng bố Marxist là những kẻ giương ngọn cờ “công bình xã hội”, trong khi những nhóm chạy cờ đàng sau là những thành phần ngây thơ, không biết là mình bị lừa bịp cho mục tiêu tranh cử.
Nhưng cái gì cũng có hậu quả của nó. Khi cơn rối loạn bắt đầu, nhiều người ngây thơ nhẹ dạ đã hưởng ứng những cuộc biểu tình tại một số địa điểm của đảng Dân Chủ, vì họ vốn theo khuynh hướng dân chủ cấp tiến. Khi cơn rối loạn kéo dài, đời sống của người dân bắt đầu trở nên khó khăn, và người dân bắt đầu mở mắt ra và nhìn thấy mưu mô đen tối của đảng Dân Chủ. Họ trở nên bất mãn.
Cuối tháng 8, 2020, Don Lemon của đài CNN đã nghĩ là nên chấm dứt cái “giải pháp tuyệt vọng” nói trên, vì có thể gây bất lợi cho đảng Dân Chủ nhất là cho Biden. Ngày Chủ Nhật 30 tháng 8, 2020, cơn bạo loạn “nhân tạo” đã gây ra một vụ nổ súng chết người như thường lệ tại Portland, Oregon. Nhưng lần này Biden đã lên án vụ bạo loạn.1
Câu hỏi được đặt ra: “cuộc bạo loạn đã diễn ra từ ba tháng qua, tại sao ông Biden lại im thin thít, không có một lời lên án nào, cho tới bây giờ?” Dân biểu Dan Crenshaw (Cộng Hòa – TX) đã trả lời câu hỏi trên: Biden nói như thế chỉ vì dư luận quần chúng đã xoay chiều “…you’re only commenting now because the polling told you to”.2
-- Gió đang xoay chiều.
Những cuộc bạo loạn do đảng Dân Chủ thổi phồng lên có thể trở thành con dao hai lưỡi gây phản tác dụng cho đảng Dân Chủ, và có thể làm Biden mất phiếu như chơi. Tới đầu tháng 9, cái nóng của mùa Hè đang bắt đầu hạ nhiệt, chờ cái mát của mùa Thu. Đảng Dân Chủ đang nhìn thấy cái “nuclear option” thứ hai lại thất bại, như cái nuclear option thứ nhất (cuộc điều tra Russia – Collusion). Đảng Dân Chủ có một cái nuclear option thứ ba không?

No comments:

Post a Comment