Friday, October 18, 2019

Trời cao có mắt! (Nam Lộc)

Đồng bào tỵ nạn VN tại Thái Lan hiện nay
 Sau những cáo buộc đầy phi lý, không chứng cớ và bịa đặt, của một thiểu số người Việt dựa vào những nghi kỵ và tỵ hiềm cá nhân, thì vào ngày Thứ Năm 10 tháng 10, 2019 vừa qua, một phóng sự điều tra rất công phu, tỉ mỉ của hãng truyển thông lớn ở Canada là CBC News, đã được phổ biến dưới tiêu đề:  
“Làm thế nào một chương trình đặc biệt để tái định cư thuyền nhân Việt Nam để lộ ra những yếu kém của hệ thống di trú Canada” (How a special program to resettle Vietnamese boat people revealed flaws in Canada’s immigration system)
Bài báo nói trên là một minh chứng rõ ràng phản lại những lời vu cáo thiếu đứng đắn, vô trách nhiệm nhằm vào tổ chức VOICE cùng một số thiện nguyện viên có lòng, nhưng cũng là nỗi buồn phiền cho các nhà bảo trợ có tâm và có đức trong nỗ lực giúp đỡ người đồng hương. Hậu quả chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến trình vận động định cư cũng như cuộc sống vốn đã khó khăn của đồng bào tỵ nạn VN đang lánh nạn tại Thái Lan hiện nay và mong có ngày được một quốc gia tự do cho phép họ định cư.
Qua phóng sự điều tra nói trên, không có bất cứ kẻ đưa ra những cáo buộc hay phóng viên nào của CBS News, kể cả các viên chức của chính quyền Canada đưa ra một bằng cớ chứng minh những việc làm mà họ cho là “bất hợp pháp” của VOICE như, “tráo người” hoặc “đưa người trái phép” vào Canada v..v… Ngược lại người đọc có thể sẽ thắc mắc: như vậy thì mục đích của sự “tố cáo” với các cơ quan truyền thông bản xứ về hoàn cảnh của đồng bào mình để làm gì, và lý do nào đã thúc đẩy họ làm việc đó?
Tuy nhiên, nếu gọi là “kết quả” của cuộc điều tra thì người ta nhận ra được những điểm chính sau đây:
Rõ ràng là tất cả sự nhận định hay phát biểu của mọi người, từ phóng viên, đến những vị lãnh đạo, điều hành các tổ chức được nêu tên trong bài báo như Hiệp Hội Người Canada Gốc Việt (Vietnamese Canadian Federation – VCF), VOICE, BPSOS…, hay một số luật sư di trú Canada, đều đồng ý rằng, dựa theo các tiêu chuẩn mà chính phủ đưa ra trên giấy trắng, mực đen thì hầu như tất cả các thuyền nhân trong dánh sách được phỏng vấn đều hội đủ điều kiện, vì họ đều là thuyền nhân cũng như là người tỵ nạn đến Thái Lan trong khoảng thời gian từ 1984-1991 (ngoại trừ thân nhân hay con cái sinh ra sau thời gian đó). Tuy nhiên theo 4 người Việt Nam được phỏng vấn và “tố cáo” với báo chí Canada thì những ai “đã từng về VN, sẽ không hội đủ tiêu chuẩn” để được đi định cư! 
  
Cá nhân tôi có một vài nhận xét như sau:
1. Tại sao cơ quan di trú Canada không thắc mắc về vấn đề “trở lại VN”. mà chính người VN mình lại bận tâm rồi đi tố cáo với họ? Khi sự cáo buộc đó không thành công thì lại tìm cách “méc bu” báo chí bản xứ để làm khổ người mình?
2. Đối với những người từng bị “cưỡng bức hồi hương”, không ai có thể cho rằng họ “đã về Việt Nam”! Bởi vì khi một người bị cưỡng bức, bị trói và khiêng lên phi cơ như con vật, thì đâu phải là sự mong muốn hay chọn lựa của họ? Và nếu vì lý do nói rằng họ “không đủ tiêu chuẩn” để được đi định cư, tôi cho đó là một luận cứ thiển cận và ích kỷ!
3. Đối với những đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan, đôi khi vì nhớ thương gia đình hoặc vì một lý do khẩn cấp nào đó, họ lén lút vượt biên bất hợp pháp về lại VN một đôi lần, thì cũng đâu có thể nào cho rằng họ “ra vào VN một cách chính thức” như những người đã và đang tố cáo họ?
Toàn bộ bài viết và cuộc phỏng vấn không đưa ra một dữ kiện nào để hỗ trợ những luận cứ rất là vu vơ kết án tổ chức VOICE của 4 nhân vật người Việt được tờ báo phỏng vấn hay nhắc đến tên trong đó. Nhưng hầu như tất cả mọi người, kể cả một vị luật sư di trú Canada, ông Guiddy Mamann đều đồng ý một điểm và cho là “Bản Ghi Nhớ Liên Quan Đến Chính Sách Tạm Thời Về Một Số Người Việt Cụ Thể Tại Thái Lan (“Memorandum Of Understanding Relating To A Temporary Public Policy Concerning Certain Vietnamese Persons In Thailand — MOU”) đã không được rõ ràng. Bài báo viết:
“Bản ghi nhớ này quy định rằng những người nộp đơn phải từ Việt Nam đến trong thời gian từ năm 1984 đến năm 1991, và phải đã cư trú tại Thái Lan – nhưng lại không nêu ra điều kiện cụ thể rằng họ phải sống ở Thái Lan liên tục trong suốt khoảng thời gian đó”.
Một số vị điều hành các tổ chức VCF và VOICE cũng được CBC News phỏng vấn, tất cả đều trả lời rõ ràng rằng họ không vi phạm bất cứ điều khoản nào do chính phủ Canada đưa ra trong tiến trình định cư những người Việt nói trên, và vai trò của họ là giúp đồng bào hoàn tất thủ tục điền đơn rồi nộp cho các viên chức của chính phủ Canada để được phỏng vấn và quyết định.
Điều này làm tôi nhớ đến tiến trình định cư hàng trăm ngàn thuyền nhân tại các trại tỵ nạn Đông Nam Á trước đây mà cá nhân tôi đã tham dự trực tiếp trong nhiều năm trời. Các cơ quan thiện nguyện như USCC, IRC, LIRS, CWS v..v.. (tương tự như vai trò của VCF, VOICE hoặc BPSOS…) giúp đồng bào điền đơn và hoàn tất hồ sơ để nộp cho Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, sau khi Cao Ủy cứu xét và cảm thấy những hồ sơ nào hội đủ tiêu chuẩn tỵ nạn thì họ sẽ trình lên cho đại diện của các nước định cư như Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Anh, Úc v..v… Sau đó mọi quyết định đều nằm trong tay các viên chức di trú của những quốc gia đó. Người tỵ nạn khai báo như thế nào, thành thật hay giả dối là hoàn toàn do sự thẩm định của viên chức phỏng vấn. Cơ quan thiện nguyện không chịu bất cứ một trách nhiệm gì. Ai đã từng vượt biên, vượt biển chắc cũng đều biết rõ điều này!
Tiến trình phỏng vấn hơn 100 thuyền nhân và ngưới tỵ nạn cùng thân nhân của họ tại Thái Lan cũng tương tự như vậy, có khác chăng là không có sự tham dự của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, mà hồ sơ được trao trưc tiếp cho cơ quan thẩm quyền của chính phủ Canada tại Thái Lan để họ phỏng vấn. Trong thủ tục này, bài báo có đề cập đến 5 người mà họ cho rằng “không phải là những người mà chính phủ Canada muốn giúp đỡ” (nhưng họ chỉ nêu tên 3 người: một là ông Võ Văn Dũng, cựu thuyền nhân, có người vợ tên Trương Lan Anh, không phải thuyên nhân, nhưng luật cho phép, vợ được đi theo chồng (hay ngược lại), bất kể mang quốc tịch nào và có tài sản hay không!  Còn một là ông Sabay Kieng, người tỵ nạn Việt gốc Campuchia).
Xin nhắc lại rằng tất cả hơn 100 người tỵ nạn nói trên đều nằm trong hai danh sách do linh mục Peter Namwong trao cho tổ chức VCF, VOICE, cũng như trực tiếp cho chính phủ Canada kể từ năm 2006, vì chỉ có ngài mới biết lai lịch của những người này mà thôi. Và kể từ ngày đó cho đến khi họ được cứu xét để đi tỵ nạn thì tất cả đều đã phải chờ đợi từ 8 cho đến 11 năm trời, tiếp tục cuộc sống bất hơp pháp ở Thái Lan. Biết bao nhiêu điều đã xảy ra, vật đổi sao dời!
Thật ra trong suốt hơn 20 năm sống ẩn dật ở Thái Lan kể từ khi trốn trại để tránh bị cưỡng bức hồi hương, người tỵ nạn đã phải tìm đủ mọi cách để sống còn, cũng như để kiếm tiền nuôi sống gia đình, kể cả làm giấy tờ giả để đi lại làm ăn, buôn bán. Sống chui rúc, hay sống sung túc là do họ tự phấn đấu với cuộc đời lưu vong nơi xứ lạ quê người. Có kẻ thì rất khấm khá, có người thì vẫn thiếu thốn. Tuy nhiên không ai, kể cả linh mục Namwong hay VCF hoặc VOICE biết được họ làm gì hay sinh hoạt ra sao? Trong lúc đó thì hồ sơ xin tỵ nạn của họ vẫn nằm đợi chính phủ Canada phỏng vấn! Khi được phỏng vấn, họ khai báo những gì, đúng hay sai thì những người không có thẩm quyền chẳng làm sao mà biết được!
Cho đến nay, nếu qua phóng sự điều tra này của CBC News, mà chính quyền Canada xem lại hồ sơ của các trường hợp trên và khám phá ra có sự sai sót trong qua trình cứu xét thì đó là trách vụ của sở di trú Canada, và hậu quả xẩy ra như thế nào thì người được họ phỏng vấn sẽ phải trả lời! Còn VOICE vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ thiêng liêng, vô vụ lợi của mình là giúp người bất hạnh, giúp được người nào, hay người đó. VOICE cũng tha thiết mong mỏi các cá nhân, các hội đoàn quan tâm đến người tỵ nạn, khi nghe họ kêu gào “xin hãy cứu giúp chúng tôi”, thì hãy cứu họ một cách thực tế, đó là vận động cho họ được các quốc gia tự do đón nhận. Chỉ trích hay moi móc những sơ hở của chương trình định cư như tựa đề của bài báo sẽ chẳng giúp gì được cho đồng bào, ngược lại chỉ tạo thêm khó khăn và nguy hiểm cho cuộc sống của họ hiện nay mà thôi!
Một trong những điểm đáng lưu ý, là ở phần cuối của phóng sự truyền hình cùng đề tài của CBC News TV, cô xướng ngôn viên Canadian có nhắc khán thính giả một câu rằng: “Các viên chức liên bang không nói cho chúng tôi biết là có một người nào đang bị điều tra hay không?”. Tuy nhiên tổ chức VOICE lại rất mong chính phủ Canada sẽ có một cuộc điều tra sâu rộng để giải tỏa mọi lời đồn đoán thiếu trung thực, đồng thời bạch hóa những việc làm hợp pháp của VOICE.
Trước đây, mỗi khi đối chất với những kẻ vu khống việc làm của VOICE nhưng không trưng được bằng cớ nào, thì họ đều vu vơ nói: Chỉ có Trời mới biết mà thôi! Nay thì Trời đã trả lời và minh oan cho những việc làm nhân ái của các thành viên tổ chức nhân đạo này ở khắp nơi trên thế giới. Và quả đúng là: Trời Cao Có Mắt.
Nam Lộc

No comments:

Post a Comment