Những người Việt và Thượng đang bị cảnh sát Thái bắt giữ!
Trong
lúc hàng triệu người Việt ở trong nước, cũng như tại hải ngoại. Không
phân biệt tôn giáo, hầu như mọi người đều tưng bừng, nô nức chào đón
Giáng Sinh 2018. Nhưng ít ai ngờ được rằng hàng trăm tù nhân lương tâm
vẫn kiên trì cầm hơi, chịu đựng tại các trại giam ở trong nước. Họ là
những người đi tù vì quê hương! Trong khi đó, tại hải ngoại, cũng có
hàng trăm người Việt tỵ nạn đang âm thầm bị giam giữ trong các trại tù
di trú ở Thái Lan. Họ là những người đi tù vì hai chữ tự do.
Theo
như báo cáo của các thiện nguyện viên tại Bangkok thì hiện có khoảng
gần 130 người tỵ nạn đang bị bắt giữ trong trại giam của sở di trú Thái
Lan, Immigration Detention Center (IDC), gồm có cả người Việt lẫn đồng
bào thiểu số. Dù nhiều người trong đó cũng đã được Cao Ủy LHQ cấp cho
quy chế “tỵ nạn”. Họ đang sống trong lo âu và vô vọng. Không biết khi
nào sẽ được thả và cũng chẳng biết niềm hy vọng mong manh, một ngày nào
đó được định cư ở đất nước tự do có đến với họ hay không? Nhưng trước
mắt hiện nay là phải đối diện với thiếu thốn, khổ đau và chia cách!
Chính phủ Thái Lan giam giữ họ riêng biệt, và Giáng Sinh năm nay là một
Giáng Sinh buồn. Chồng ở một nơi, vợ một nẻo và các con thì bị nhốt tại
một địa điểm khác.
Mặc
dù 2018 là một trong những năm mà người Việt tại hải ngoại rất quan
tâm, cũng như để ý đến hoàn cảnh của hơn một ngàn người Việt tỵ nạn đang
sống vất vưởng ở Thái Lan. Nhiều buổi nhạc hội gây quỹ trợ giúp đã được
tổ chức tại nhiều nơi và gần đây nhất, vào những ngày cuối năm. Theo
sau ba buổi “Chợ Đêm” của cộng đồng người Việt tại Houston, Texas,
thì anh chị em trong nhóm Hoài Việt cùng đồng hương chúng ta tại
Philadelphia cũng như Cộng Đoàn Thánh Tâm và đồng bào VN ở thành phố
Dayton, Ohio cũng đã tự nguyện thực hiện các buổi quyên góp giúp người
tỵ nạn. Nhưng tất cả đều tập trung vào quỹ định cư theo điều kiện mà
chính phủ Canada đòi hỏi qua chương trình “Private Sponsorship” mà tổ
chức VOICE tại Canada đang nỗ lực tiến hành với dự trù là sẽ phải có
khoảng $700 ngàn dollars, để giúp cho 50 đồng bào trong danh sách đầu
tiên được đến bến bờ tự do.
Cũng
chính vì thế mà Giáng Sinh năm nay dường như ít có tổ chức nào để ý đến
hoàn cảnh của hàng trăm trẻ em tỵ nạn cùng những người đang sống tại
các trại giam di trú. Theo danh sách mà chúng tôi nhận được thì hiện có
65 người đàn ông, 23 phụ nữ và 44 trẻ em tỵ nạn đang bị giam giữ tại
IDC. Còn ở bên ngoài thì hiện có khoảng gần 500 trẻ em, gồm cả người
Việt gốc H’Mong, Khmer cũng như người Việt thuần túy sống tản mác ở
nhiều nơi. Cô Grace B., một thiện nguyện viên từ Mỹ đến giúp đỡ thì đang
lo cho khoảng 135 em, đa số là người gốc Thượng. Còn về phía quý vị
lãnh đạo tinh thần như mục sư Hòa, mục sư Pá, mục sư Thạch Sinh v..v..
thì đang giúp cho gần 300 em. Riêng phía cựu thuyền nhân tỵ nạn còn xót
lại thì đa số tập trung về khu vực giáo phận do linh mục Peter Namwong
cai quản và được cha tiếp tục giúp đỡ dù ngài rất thiếu thốn nhiều
phương tiện.
Các trẻ em được cô Grace B. săn sóc.
Thôi
thì của ít lòng nhiều, tôi đã cố gắng quyên góp trong phạm vi gia đình,
anh chị em và một vài thân hữu để gởi chút quà cho những người thiếu
may mắn hơn mình. Đặc biệt là hai cháu vừa ra trường và bắt đầu có việc
làm. Tôi cũng muốn nhân dịp này để các cháu được chia sẻ những đồng tiền
đầu tiên kiếm được trong đời cho các trẻ em bất hạnh hơn mình.
Các trẻ em tỵ nạn và những món quà Giáng Sinh khiêm nhượng.
Đêm
Giáng Sinh, trong không khí đoàn tụ gia đình, tôi bất ngờ nhận được hai
cú điện thoại từ trong trại giam di trú ở Bangkok, Thái Lan. Một của
các tù nhân tỵ nạn trong khu phụ nữ, và một từ những người đàn ông, gọi
để cám ơn vài món quà khiêm nhượng mà gia đình và bạn hữu chúng tôi gởi
đến cho họ hầu tìm một chút ấm áp trong ngày Chúa ra đời. Tôi cũng buồn
theo họ vì sự mất mát, chia lìa cùng nỗi lo lắng vì phải xa cách nhau
trong một đêm mà cả thế gian đang quây quần, hạnh phúc bên gia đình. Lại
càng buồn hơn khi qua video phone, tôi phải chứng kiến những giọt lệ
tràn lên đôi mắt của những bà mẹ phải sống xa các con! Và có lẽ buồn
nhất khi được biết tin anh Ngô Văn Bé, người Thương Phế Binh xấu số, bị
giam lâu năm đã vừa qua đời trong trại tù di trú, không kịp nhận món quà
nhỏ bé của những người tri ân gởi đến!
Di ảnh TPB Ngô Văn Bé!
Tưởng
cũng nên nhắc lại, trước đây cũng bị giam tại IDC còn có một TPB khác
là anh Bùi Văn Quý, nhưng anh đã bị chính quyền Thái trả về VN vào tháng
Bẩy năm 2018, riêng chị Quý thì vẫn trốn ở lại Thái Lan.
Hàng chục ngàn đồng hương ở Houston tham dự đêm gây quỹ định cư đồng bào tỵ nạn VN đang sống tại Thái Lan.
Tôi
không biết mình sẽ phải làm gì để an ủi được họ trong lúc này? Có lẽ
điều thực tế nhất là chuyển đến họ những lời thăm hỏi từ các đồng hương
từ Hoa Kỳ, từ Canada, từ Úc hay các nước ở Âu Châu, chỗ nào cũng có
người quan tâm đến họ và mong mỏi được hỗ trợ cũng như đón tiếp đồng bào
ruột thịt của mình có cơ hội được định cư tại các đất nước tự do.
Nam Lộc
California, ngày cuối năm 2018
Biết ai tâm sự.
ReplyDeleteThân gửi anh Nam Lộc
Bài viết cuối năm của NL chỉ góp thêm vào những nỗi buồn của tuổi già. Cuối năm tôi đang ngồi tổng kết danh sách các bạn đã ra đi. Phần lớn là các chiến hữu trên 80 tuổi. Làm danh sách để tưởng nhớ nhưng rồi sẽ gửi cho ai. Số người ra đi đông hơn người còn lại. Thất thập cổ lai hy.. bát thập sắp ra đi.. Tuổi 70 đã hiếm quý thì tuổi 80 còn nói năng gì nữa. Anh Nam Lộc giang hồ bốn phương trong thế giới di dân ty nạn thấy niềm vui ít hơn chuyện buồn. Anh chia xẻ tin buồn cho thân hữu có nhẹ được tâm tư không? Trong số thân hữu nhận được bản tin cuối năm chẳng biết quý ông bà nào 80 chưa. Tài tử Kiểu Chinh mới ngoài 80 nên bước vào hàng ngũ U9 (under 90) nhưng suốt đời được thiên hạ gọi bằng Cô. Cá nhân tôi ở tuổi 86 mà các bạn gái mới lãnh tiền già gọi bằng anh là bà xã 83 mắng cho mấy mắng. "Nói cho các cháu biết, con rể chúng tôi là chủ tịch hội cao niên. Phải gọi là bác. Anh anh em em cái gì. Vớ vẩn." Cuối năm, nhân đọc tin buồn phương xa của Nam Lộc xin gửi tặng các bạn cao niên những vần thơ sầu rụng: Hãy cất đầu thật cao. Không một lời than thở. Dù cõi trần gian khổ, Vẫn lưu luyến không đi...(Còn 2 câu, sang năm làm tiếp...)
Tái Bút: Xin anh Nam Lộc, cô Kiều Chinh và cháu Trịnh Hội và quý thân hữu nào có liên lạc vui lòng cho chúng tôi số tel.. Số phôn cũ bị mất hết rồi. Cảm ơn.