Wednesday, November 7, 2018

Những ngày tháng ở rừng U Minh - Nguyễn Khôi Việt


Giữa năm 78 Sau khi ở trại Thành Ông Năm, Hóc Môn được mấy tháng. Tôi và 9 người bạn tù khác bị đưa xuống rừng U Minh Hạ, Cà Mau để đi làm ruộng.
Cùng với 50 người nữa của năm trại tù kế cận. Sau một ngày dài ngồi chen chúc như một bầy heo trên chiếc Molotova. Đặt chân lên cánh đồng trống đầu ngọn kinh 10 của U Minh lúc chạng vạng tối, chẳng có nhà cửa gì, chúng tôi giăng mùng ngủ ngoài trời, may mà tối hôm ấy không mưa. Ngày hôm sau túa vào rừng Tràm gần đó, đám thì chặt cây làm nhà. Đám khác đi chặt dừa nước để lợp. Căn nhà được dựng lên trong vòng một tuần. Chẳng phải tài giỏi gì, nước sông công tù. Không làm chuyện này thì cũng việc khác. Vả lại cũng phải cố làm cho mau cho chóng để có chỗ trú thân. Vùng đất cuối trời này mưa nắng không đoán trước được, đang nắng chang chang, tự nhiên ở đâu mây kéo tới làm một trận, sau đó trời lại nắng giống như chẳng có gì xẩy ra.

Miền đất này thật lạ. Ngoài những chỗ đã trồng trọt, đất dưới chân nhiều chỗ đi tưng tưng như trên nệm mút. Cần nấu nướng chỉ lấy cái leng (một dụng cụ để đào đất, đắp mương, giống như cái xẻng nhưng ốm và dài hơn) xắn 3 cục đất để châu đầu lại đốt ở giữa, tuy hơi khói một chút nhưng cháy cả buổi. Vì vậy người dân ở đây lúc đi ngang thường nhắc chúng tôi nấu trên đất xong nhớ tưới nước, không lửa nó bén ra ngoài cháy ngầm cả mẫu, lúc đó chỉ ráp nhau đào mương mới ngăn được cháy mà thôi. Đất qua bao nhiêu đời thực vật, lá Tràm, rễ dây Chạy (một loại cây họ Dương Xỉ) nằm cả thước trên đất than bùn đen tạo thành một loại đất thật lạ lùng với những người mới tới đây như chúng tôi. Chiều tối là khói un khắp nơi. Muỗi nhiều ghê gớm. Lúc ấy tôi mới thấm thía câu: muỗi kêu như sáo thổi. Không un muỗi thì không có cách gì ngồi ngoài mùng được. Nó chích qua quần áo đau nhảy dựng. Dân ở U Minh thường đi ngủ sớm vì muỗi, buổi chiều ăn cơm muộn là phải chui vô mùng ăn. Nhưng đám tù chúng tôi dù ban ngày làm lụng mệt mỏi, buổi tối cũng phải ngồi tụ với nhau uống ly trà hoặc cà phê dành dụm sau những lần thăm nuôi, hát vài bài hát cho quên nỗi buồn nhớ nhà chứ đâu chịu chui vô mùng ngủ. Vì vậy khi chiều tối, đây đó những đống un từ những cục đất lạ lùng hoà quyện trong không khí một mùi khói thơm nồng khó tả. Những giọng ca khắc khoải bắt đầu cất lên. Ngày ấy chẳng bao giờ tôi nghĩ có ngày về, tôi thường hát bài Em tôi của nhạc sĩ Lê Trạch Lựu. Bài hát hình dung em của tôi buồn bã tội nghiệp nơi đó với nỗi mong chờ. Còn tôi nơi này ngày qua ngày nhìn tuổi trẻ của mình chui qua kẽ tay đi mất.
Vùng này chỉ trồng lúa nước, loại lúa chắc ai cũng có nghe là "nước lên đến đâu là lúa cao tới đó". Lúc gặt lúa phải dùng lưỡi hái vì cây lúa thường cao ngang đầu người. Mấy chục người chúng tôi có trách nhiệm làm ruộng trên một diện tích bao la đầy cỏ Sặc và những cây cỏ không tên của vùng đầu ngọn kinh 7,8,9 và 10.
Người nông phu làm ruộng ở U Minh chẳng bao giờ cần tới trâu bò, hoặc cày cuốc gì cả. Dụng cụ duy nhất để làm đất là cái phảng. Dùng nó để chém bay lớp cỏ trên mặt đất rồi sau đó sạ lúa gieo mạ. Khi nước lên hơn mắt cá ngoài đồng là lúc dùng phảng chặt cây cỏ, nhiều nhất là cây cỏ Sặc, thường cao ngang ngực hoặc đầu người, ôm thành từng bó bỏ trên bờ hầu dễ dàng đi thăm ruộng. Chém cỏ phải dưới mặt nước để cỏ sẽ thối gốc và mềm ra thành phân cho cây lúa sau này.
Khi nước lên ngang đầu gối cũng là lúc đám mạ vừa đủ lớn để cấy. Tuy mặt đất màu mỡ của U Minh vốn mềm tự nhiên, nhưng vì không cầy bừa nên cần phải có một dụng cụ cấy lúa kêu là "cây nọc". Một tay cắm nọc xuống đất, tay kia cấy mạ. Cây mạ lúa nước của vùng U Minh cao và to như cây trưởng thành của lúa ba tháng.
Thoạt đầu khi mới cầm cây phảng, người nào cũng bỡ ngỡ và rất khó khăn khi xử dụng. Hãy hình dung nó như một lưỡi dao bề ngang chừng 5cm, đầu ngọn dao lớn hơn một chút, dài khoảng 80 cm, nhưng lưỡi dao gập hình thước thợ ngay với cán dao. Chúng tôi ai cũng vất vả khi làm quen với nó, khi chém cỏ mà lưỡi phảng cứ chém xuống đất. Bản thân tôi cũng bực bội và chửi thề những ngày đầu khó chịu mệt mỏi, khi trên đầu trời nắng chang chang, mồ hôi đầm đìa trong khi cái phảng không chịu "chạy" trên đất như ý mình muốn.
Nhưng khi đã quen sau vài ngày, đôi khi ngồi nghỉ mệt nhìn cái phảng, tôi không khỏi khâm phục các "cụ" nông dân của U Minh ngày xưa, đã nghĩ ra một dụng cụ vô cùng thích hợp với yếu tố đất đai của vùng đất này. Đất U Minh không thể cày bừa như những đồng ruộng bình thường, sau mỗi mùa lúa cỏ cây cao lớn kinh hồn vì đất quá mầu mỡ phì nhiêu. Khi bắt đầu vào mùa để gieo mạ là nước đã lấp xấp không thể cuốc được, và đất thịt rất dính. Vì vậy người U Minh tới mùa chỉ cần cây phảng đi làm một mình cũng phát được cả chục công ruộng dễ dàng.

Lúc phát cỏ cũng là lúc bắt được rùa nắp, rắn, trăn, chuột. Một lần chúng tôi phát một đám cỏ thấp, bắt được một con trăn bằng bắp chân. Lúc ấy trên mình nó đã bị rất nhiều vết chém, cỏ rậm rạp ngang thắt lưng, chắc chúng tôi đứng cắm đầu phát cỏ mà không để ý. Vùng đất này rắn rất nhiều, đa số là rắn độc như Mai Gầm, rắn Hổ đất, đen thui có một chấm ở đầu. Loại rắn dữ dằn nhất mà người U Minh e sợ là rắn Hổ Mây, to lớn, rất độc và thường hay tấn công người. Có một loài rất lạ là rắn Râu, thuộc loại rắn nước, có hai cái Râu dài hai bên miệng, người bị cắn sẽ buồn ngủ li bì, nhưng cho ăn miếng đường tán sẽ hết. Chuyện này chỉ nghe từ người dân nói cho chúng tôi biết để phòng ngừa, bọn tôi lúc phát cỏ trúng rắn Râu hàng ngày, nhưng chẳng có người nào bị nó cắn. Suốt những năm tù nằm sâu trong rừng già đầy rắn độc và những loại côn trùng nguy hiểm, chẳng thấy ai bị chết vì rắn độc cắn. Chỉ có một người trong đội của tôi lúc ở Phước Long bị ngộ độc nấm, ói mửa, hoa mắt nhìn không thấy đường, nhưng rồi cũng bình yên không sao cả. Nghĩ cũng lạ, gần như ai nấy chỉ mặc quần ngắn, đa số đi chân đất (trong đó có tôi). Mò mẫm chặt cây, đốn tre, xắn măng, đào mì từ những rẫy cũ của bộ đội sót lại, len lỏi trong những rừng rậm để lấy dây mây. Đã không bị rắn cắn mà những đám trăn rắn đó còn nạp mạng, nếu chẳng may bị chúng tôi phát giác. Sống trong nỗi cực nhọc đói khổ, chống chỏi với thiên nhiên khắc nghiệt, phản xạ để sinh tồn trở nên rất bén nhạy. Tôi cũng như các bạn tù khác, đi rừng chặt cây hoặc tre nứa, đi chân đất, mặc quần đùi may bằng vải bao cát, hoặc từ những chiếc quần dài lâu ngày rách te tua cắt lên thành quần ngắn. Thường xuyên đi qua những cánh rừng đầy những dây Mây, nhưng hầu như chẳng có ai bị dẫm phải gai Mây nằm đầy mặt đất, hai bàn chân hình như nó cũng có mắt hoặc cảm nhận được thì phải. Con người là sinh vật nguy hiểm nhất trong rừng, vì nó ăn hết tất cả mọi vật. Có lần tôi nói đùa với bạn bè như thế.
Phải chăng trong cùng cực khổ sở, Đấng Tối Cao đã phù hộ che chở cho chúng tôi.
(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment