Cây cầu Ghềnh (tỉnh Đồng Nai) 112 tuổi bị tàu kéo sà lan húc đổ sập đang
gây xôn xao dư luận và làm ách tắc tuyến đường sắt từ Hà Nội vào TPHCM.
Cách đây hơn 60 năm, chính cây cầu Ghềnh này (ngày ấy có tên là cầu
Gành) đã chứng kiến câu chuyện tình của một cô gái Biên Hòa với một
người lính lê dương, người sau này trở thành tổng thống một nước Châu
Phi.
Câu chuyện tình này sau đó đã làm “dậy sóng” báo chí Sài Gòn vào năm
1968 khi vị tổng thống này nhờ chính quyền Sài Gòn tìm vợ con đang thất
lạc ở miền Nam Việt Nam.
Người lính lê dương gác cầu Ghềnh
Trở lại xâm lược Việt Nam sau chiến tranh thế giới lần thứ II, quân
Pháp xâm lược đem theo một đội quân lê dương - là thanh niên các quốc
gia thuộc địa Pháp, chủ yếu là Châu Phi. Binh đoàn lê dương (tiếng Pháp:
Légion étrangère) là một đội quân được tổ chức chặt chẽ, trực thuộc Lục
quân Pháp. Đây là đơn vị đặc biệt của quân đội Pháp vì các binh sĩ của
nó là những người nước ngoài chiến đấu cho nước Pháp, là một đội quân
đánh thuê chuyên nghiệp. Những người lính gia nhập không tuyên thệ trung
thành với nước Pháp mà chỉ tuyên thệ trung thành với Binh đoàn lê
dương. Nhiệm vụ ban đầu của quân lê dương là bảo vệ và mở rộng các thuộc
địa của Pháp, nhưng sau đó đội quân này đã trở thành một lực lượng quan
trọng của quân đội Pháp tham chiến trong cả hai cuộc chiến tranh thế
giới cũng như nhiều cuộc xung đột khác.
Khi Pháp điều động lực lượng này sang tham chiến tại Việt Nam, người
Việt Nam đã Việt hoá từ "legion" thành ra lê dương. Trong đội quân lê
dương sang Việt Nam ngày ấy có một người lính tên Jean Bedel Bokassa đến
từ đất nước Trung Phi. Bokassa đi lính cho Pháp từ năm 18 tuổi, khi ấy
đất nước Trung Phi còn nằm trong thuộc địa của Pháp, lúc đang xảy ra
chiến tranh thế giới lần thứ II. Bokassa theo đội quân lê dương có mặt
tại nhiều nước như Ma-rốc, Algierie, rồi vào năm 1953 ông theo đội quân
“ô hợp” đến Việt Nam. Tại Việt Nam, Bokassa mang lon trung sĩ nhất, đóng
quân tại Chánh Hưng, Sài Gòn (quận 8 bây giờ).
Một thời gian sau, Bokassa được đưa về Biên Hòa làm lính gác cầu, mà
người dân ở Cù Lao Phố hồi ấy gọi là cầu Gành (cầu Ghềnh bây giờ). Người
lính da đen mang lon trung sĩ nhất năm ấy gần 30 tuổi, hàng ngày mang
súng leo lên ca bin đặt cao ở giữa cầu để canh gác và để quay bảng (hai
màu đỏ - trắng) điều khiển xe qua lại cầu. Như nhiều thanh niên gốc Phi,
Bokassa cũng được gạch mặt để “làm đẹp” khi còn bé, lớn lên sẹo hằn sâu
trên mặt, nên người dân ở xóm Đầu Cầu, Cù Lao Phố gọi người lính lê
dương này là “thằng Tây đen mặt gạch” (một số thuộc địa của Pháp có
phong tục, khi thanh niên lớn lên thì gạch mặt để làm đẹp). Hồi đó, ở
những làng mạc xa xôi hẻo lánh, người dân thật sự kinh hoàng mỗi khi
đoàn quân lê dương đi ruồng bố, vì thường kèm theo cảnh đốt nhà, cướp
phá, đàn bà con gái bị hãm hiếp thê lương.
Cầu Ghềnh vừa bị đụng sập.
|
Nhưng ngay giữa thành phố hay những nơi thị tứ đông người thì người
dân không sợ đám lính lê dương đánh thuê. Những người lính “Tây đen” làm
nhiệm vụ canh giữ cầu Gành trên Cù Lao Phố hẳn nhiên không dám dở trò
sàm sỡ hay thói côn đồ. Những người lính tỏ ra hiền từ, nhu mì như tâm
trạng của những người lính xa nhà, xa quê hương. Bokassa là người lính
gác cầu thuộc loại “khờ khạo” nhất hồi ấy.
Lúc đó, ở gần “tua” gác cầu Gành phía bên Cù Lao Phố, có một cái vòi
nước (phông-tên) công cộng. Bà con ở trong xóm vốn xài nước ngọt sông
Đồng Nai, nhưng từ khi có phông-tên nước này, nhiều người đến hứng để
gánh về xài. Như một công việc nội trợ hằng ngày, gánh nước thường là
nhiệm vụ của đàn bà con gái. Những người khá giả, hoặc những gia đình
không có người quen việc gồng gánh thì mướn người khác gánh nước
phông-tên.
Thời ấy, gánh nước mướn cũng là một cái nghề. Trong xóm Đầu Cầu ngày
ấy, có người con gái tên là Nguyễn Thị Huệ, năm ấy cô vừa 19 tuổi. Nhà
nghèo, không được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn, cũng không có được
một cái nghề ổn định nên ban đầu cô gánh nước cho gia đình dùng, về
sau, với sức vóc của người phụ nữ khỏe mạnh, cô gánh nước mướn cho những
người ở gần nhà. Chẳng bao lâu, cô trở thành một người gánh nước mướn
chuyên nghiệp.
Chuyện tình bên phông-tên nước
Anh trung sĩ nhất da đen Bokassa vốn nhát gái. Sau những giờ làm
nhiệm vụ gác cầu và điều khiển cho xe qua cầu Gành, lúc rảnh rỗi thường
lân la đến chỗ có vòi nước phông-tên công cộng để tập tành “ghẹo gái”.
Phụ nữ Việt Nam thời ấy thường có ác cảm với đám lính lê dương (có lẽ vì
lời đồn họ hay hiếp phụ nữ khi đi càn), nên mỗi khi Bokassa lân la đến
phông-tên nước, các cô gái gánh nước đều lảng tránh.
Đã bao ngày, Bokassa tìm cách tiếp cận, làm quen với mấy cô gái gánh
nước, nhưng các cô cứ trốn biệt, vì chỉ nhìn thấy thân hình cồng kềnh,
kệch cỡm, đen thui như cột nhà cháy, cặp mắt trắng dã như đôi mắt người
chết thì họ đã phát khiếp. Nhưng vì chén cơm manh áo, vì lu nước của gia
đình và của các nhà kề bên đã cạn, cô Nguyễn Thị Huệ vẫn phải “đánh
liều” đến bên phông-tên công cộng để lấy nước, mặc cho người lính “Tây
đen” Bokassa đang lân la quanh đó. Ban đầu, cô Huệ không dám đứng gần
người lính lê dương kia, nhưng về sau, cô nhận thấy ngoài màu da đen
cháy và cái dáng vẻ hung tợn ra, Bokassa tỏ ra hiền hậu, không có gì
đáng sợ, thậm chí cũng có những nét dễ gần.
Đoàn quân lê dương ở Việt Nam.
|
Ngày qua ngày, Bokassa tập tành nói tiếng Việt, với cách phát âm lơ
lớ làm cô Huệ phì cười, chàng lính lê dương cũng thích chí cười theo,
nhe hàm răng trắng nhởn. Dần dà, những cử chỉ ngô nghê, vụng về của anh
lính da đen làm cho cô Huệ thấy có cảm tình hơn là sợ sệt. Rồi cô dạy
cho Bokassa nói tiếng Việt. Rồi cô Huệ không còn cảm thấy ngượng ngùng
mỗi khi đối diện với anh lính da đen này nữa mà trái lại - mỗi khi quẩy
đôi thùng ra phông-tên gánh nước, cô có ý trông chờ gặp mặt anh lính
Châu Phi kia. Bokassa cũng biết cách “ga-lăng” khi thì mua tặng cho cô
Huệ cái khăn, khi thì chai dầu thơm, lúc thì khúc vải để may quần áo…
Cũng có khi lãnh lương xong, anh tặng cho cô món tiền mà cô phải gánh
nước hàng tuần mới có được. Trong những lần cô Huệ dạy Bokassa tiếng
Việt thân mật, họ “vô tình” tay chạm tay... Và việc gì đến phải đến, một
ngày cuối tuần, Bokassa đón cô Huệ về Sài Gòn. Suốt một ngày hôm đó,
hai người cuồng nhiệt quấn lấy nhau.
Kết quả của cuộc tình vụng trộm Phi - Việt này làm cho cô Huệ mang
thai, cái thai ngày một lớn, đến lúc cô không giấu giếm gia đình được
nữa. Cô khai thật với gia đình, nhưng chỉ dám nói có thai hoang, chứ
chưa dám nói mình dan díu với người lính “Tây đen” Bokassa. Cha mẹ cô
nghe như đất dưới chân mình sụp xuống. Nhà nghèo, có đứa con gái làm
chuyện xấu hổ, còn mặt mũi nào dám nhìn lối xóm bà con. Nhưng tình cha
nghĩa mẹ như non như biển, tình thương con là tất cả. Cha mẹ bảo cô dẫn
chàng rể về để bàn tính cho việc làm lễ “thú phạt” - trước lạy tổ tiên
ông bà, sau làm vài mâm cơm đãi họ hàng, bà con cô bác.
“Một liều, ba bảy cũng liều”, đã đến nước này thì chẳng còn gì phải
ngại, cô Huệ đưa Bokassa về nhà chịu “thú phạt”. Hôm ấy, cả nhà cô Huệ
sững sờ khi được nhìn tận mặt chàng rể. Đất dưới chân họ không phải như
sụp xuống nữa, mà trời đất như nổ tan tành. Tưởng đâu chàng rể nghèo
nàn, quê mùa chất phát, không tiền cưới vợ. Nào ngờ… Người cha không nói
không rằng, ông bước thẳng ra sân, cúi đầu bước đi không một lần ngoảnh
lại. Tội nghiệp mẹ cô Huệ, nước mắt bà rơi từng hạt, bà chết lặng không
nói được câu nào. Hàng xóm hiếu kỳ kéo đến đông nghịt trước cửa nhà cô,
họ xì xào, chỉ trỏ. Mấy đứa nhỏ yếu bóng vía trong xóm bất chợt thét
lên rồi cắm đầu chạy bán sống bán chết khi nhìn thấy bộ dạng của
Bokassa. Cô Huệ không có một lời thanh minh, cô chỉ bật khóc và ôm chầm
lấy người yêu, Bokassa lặng lẽ lấy khăn tay lau nước mắt cho người tình.
Họ rời khỏi nhà cha mẹ cô Huệ như một cuộc trốn chạy tủi hổ, vội vàng.
Sau đó, hai người rời khỏi xóm Đầu Cầu, lặng lẽ bước qua cầu Gành, về
xã Tân Thuận Đông, quận Nhà Bè, một xã vùng ven Sài Gòn thời đó - gần
Chánh Hưng, nơi đơn vị của Bokassa đóng quân. Họ mướn nhà ở đây và sống
với nhau như vợ chồng. Nhưng cuộc vui chẳng tày gang, tình nghĩa vợ
chồng đang hương lửa mặn nồng bỗng chốc biệt ly, mỗi người một ngả -
Bokassa chia tay với người vợ trẻ đang mang thai để trở về cố quốc bởi
quân đội Pháp đã hoàn toàn thảm bại tại chiến trường Việt Nam, chính phủ
Pháp phải ký vào Hiệp định Giơnevơ, rút toàn bộ quân ra khỏi Việt Nam.
Tổng thống Bokassa (trái). Martine và con của cô.
Sau khi rời Việt Nam trở về nước Trung Phi cuối năm 1954, Jean Bedel
Bokassa tiếp tục phục vụ trong quân đội. Năm 1966, Bokassa mang quân hàm
trung tá, cầm đầu một binh đoàn lật đổ Tổng thống D.Dacô, trở
thành Chủ tịch Hội đồng Cách mạng, sau là Tổng thống nước Cộng hòa
Trung Phi. Năm 1972, Tổng thống Bokassa, qua con đường ngoại giao, đã
cất công tìm người vợ lạc và đứa con rơi ở miền Nam Việt Nam. Ông tìm
được không chỉ một, mà tới 2 cô con gái ở Sài Gòn.
Ở lại chịu đời đắng cay
Sau tiễn đưa chồng là anh lính lê dương Châu Phi Bokassa xuống tàu
trở về cố quốc, cô Huệ với cái bụng bầu một mình lủi thủi trong căn nhà
vắng lặng ở Tân Thuận Đông mặc cho xung quanh bao lời dèm pha, chê
trách. Tới ngày sinh nở, cô Huệ quyết định quay về với gia đình, cha mẹ.
Người cha từng tức giận, đau đớn khi biết đứa con gái yêu có thai với
lính lê dương và tuyên bố từ con, nhưng ông không thể bỏ con, vẫn mong
ngày cô trở về. Ông ôm đứa con gái vào lòng, nước mắt của người cha già
chảy dài xuống mái tóc của cô. Mẹ cô vui mừng khôn xiết, bà tưởng đứa
con gái yêu đã theo chồng xuống tàu đi biệt xứ.
Ngày sinh nở rồi cũng đến, cô Huệ hạ sinh đứa con gái mình mẩy đen
nhẻm, mái tóc xoăn tít, đôi môi dầy… giống hệt Bokassa. Cô Huệ cho con
mang họ mẹ, nhưng nhớ lời người chồng dặn dò trước lúc chia ly, cô đặt
tên cho con là Nguyễn Thị Martine. Sau khi sinh nở, hoàn cảnh của hai mẹ
con cô Huệ càng lúc càng túng quẫn hơn. Số tiền của Bokassa để lại cho
cô theo ngày tháng cứ cạn dần rồi hết hẳn. Cha mẹ của cô rất thương cháu
ngoại, nhưng sức già lực yếu, hai ông bà chỉ có tình thương và… nước
mắt. Thời gian này, hoàn cảnh hai mẹ con cô Huệ thật bi đát, cô phải
thức khuya dậy sớm, làm đủ mọi công việc để có tiền nuôi con. Rồi cô lại
ôm con rời gia đình, đi làm đủ thứ nghề để nuôi thân và nuôi con - khi
về Gia Định, lúc xuống Thủ Đức, có lần cô bồng Martine về nhà bà con ở
tận Sa Đéc để làm ruộng.
Martine lớn dần, phổng phao, khỏe mạnh hơn những đứa trẻ cùng lứa. Cô
bé cũng làm đủ thứ nghề để phụ giúp mẹ - từ bán báo, đậu phộng, bánh
mì, trà đá… Dù vất vả khổ cực đến đâu, Martine cũng cố gắng vượt qua.
Cũng như mẹ, Martine lớn lên trong tủi nhục, chịu sự dèm pha của mọi
người, sự trêu chọc ác ý của những đứa trẻ xung quanh. Rồi cô cũng biết
thân phận của mình khi nghe mẹ nói: “Ngày lên tàu để rời khỏi Việt Nam,
ba và má khóc hết nước mắt, ba của con vét hết túi tiền đưa cho má để
dành chờ ngày sinh con. Ba con hứa sẽ trở lại Việt Nam để đón mẹ con
mình”.
Năm 1972, Martine được 18 tuổi, cô làm bốc vác ở Nhà máy ximăng Hà
Tiên (Thủ Đức), một công việc mà đàn ông sức vóc đôi khi còn ngán ngẩm.
Một ngày cuối năm 1972, khi đang bốc vác, Martine bỗng thấy người cậu
chạy tới hớt hải nói to: “Mày đi về thay đồ mau, chuẩn bị đi gặp ba mày
là Tổng thống nước Trung Phi”.
Tổng thống tìm con
Giữa năm 1972, báo chí Sài Gòn dẫn nguồn tin từ các hãng thông tấn
nước ngoài một thông tin đặc biệt: Tổng thống Bokassa của nước Cộng hòa
Trung Phi mở tiệc ăn mừng lớn vì vừa tìm được người vợ lạc và đứa con
rơi ở Sài Gòn. Theo nguồn tin nói trên, Tổng thống Bokassa khi đi lính
lê dương ở Việt Nam đã có con với một cô gái Việt và bỏ lại Sài Gòn khi
ông về nước năm 1954, giờ ông nhờ Bộ Ngoại giao Pháp (vì Cộng hòa Trung
Phi chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Sài Gòn) tìm kiếm dùm ông đứa
con rơi đang thất lạc tại Sài Gòn. Những người có trách nhiệm của chính
quyền Sài Gòn thời ấy đã cất công đi tìm, cuối cùng đưa được một cô gái
lai, da đen tên Baxi, con của bà Ba Thân ở Xóm Gà, Cây Quéo - Gia Định,
giao cho Bộ Ngoại giao Pháp đem về Trung Phi. Tổng thống Bokassa đã tổ
chức tiệc ăn mừng rất lớn để đón đứa con lưu lạc gần 20 năm. Dư luận báo
chí Sài Gòn khi ấy khá thiện cảm với Tổng thống Bokassa khi cho rằng
ông là một người cha có trách nhiệm, tuy làm đến chức vị cao nhất nước
nhưng vẫn không quên đứa con rơi của mình trên chiến trường Đông Dương
lúc Pháp còn coi Việt Nam như một nước thuộc địa.
Sau khi các báo đưa tin, có một người đàn ông tìm đến tòa soạn báo
Trắng Đen xin gặp chủ nhiệm hoặc chủ bút tờ báo. Người đàn ông nọ nhắc
về câu chuyện cô Baxi ở Xóm Gà được đưa qua nước Cộng hòa Trung Phi làm
con gái của Tổng thống Bokassa. Rồi ông nói dứt khoát: “Không phải con
nhỏ Baxi là con của Tổng Thống Bokassa đâu mà chính cháu tôi mới đúng”.
Rồi người đàn ông - tự xưng là anh vợ của Tổng thống Bokassa - mở một
túi nilon, trong đó gói một số giấy tờ và hình ảnh, nói: “Đây là hình
của chị tôi tên Nguyễn Thị Huệ và Tổng thống Bokassa khi còn ăn ở với
nhau tận bên Tân Thuận Đông; còn đây là hình cháu gái tôi tên Martine,
họ mới đúng là vợ và con của Tổng thống Bokassa”. Ngoài hai tấm hình,
người đàn ông còn trưng thêm một tờ giấy khai sinh mang tên Nguyễn Thị
Martine, tên mẹ Nguyễn Thị Huệ, tên cha vô danh.
Những người có trách nhiệm ở báo Trắng Đen đã nhận ra ngay một cơ hội
lớn cho tờ báo. Ngay chiều hôm đó, ban biên tập đã lên kế hoạch khai
thác đề tài “độc” này. Chủ nhiệm tờ báo tung phóng viên đi mọi hướng
theo tài liệu để điều tra. Họ tìm gặp Martine, khai thác về đời tư cô
gái; đến nơi ở của bà Huệ và nơi Bokassa trước khi về nước đã từng sống
chung với bà Huệ… Để độc quyền thông tin, báo Trắng Đen không để lộ chỗ ở
của Martine trên các bài viết, vì họ biết chắc rằng, sau vụ đưa tin sẽ
không tránh được các báo khác đổ dồn khai thác. Ngay hôm sau, báo Trắng
Đen đưa lên trang nhất hàng tít chạy dài 8 cột với nội dung: “Baxi không
phải con gái của Tổng thống Bokassa?!” - “Một bà mẹ chứng minh con gái
mình mới là con ruột của Tổng thống Bokassa nước Cộng hòa Trung Phi?!”.
Cả hai đều là con tổng thống
Đúng như kỳ vọng của những người có trách nhiệm của báo Trắng Đen, vụ
Baxi - Martine Bokassa tức thì trở thành trái bom nổ trên mặt báo. Ngay
hôm phát hành số đầu tiên về vụ này, giới bán báo cổ động không ngừng
đòi tăng thêm số lượng. Số in tăng trên 80.000 bản, tòa soạn phải huy
động thêm máy để in cho đủ số giao cho các nhà phát hành. Những tờ báo
khác cũng bắt đầu nhập cuộc về vụ Martine Bokassa, nhưng không báo nào
có thêm chi tiết hơn Trắng Đen, vì mọi nguồn tin đã được báo Trắng Đen
tạo thế độc quyền. Rồi phóng viên tờ Time (xuất bản tại Mỹ) tìm đến xin
mua bản quyền tấm hình chụp bà Huệ và Bokassa, càng làm cho vụ việc thêm
sôi động, thông tin bắt đầu lan tỏa ra phạm vi thế giới. Số bán hằng
ngày của báo Trắng Đen tăng lên 100.000 tờ/ngày, rồi vượt lên 160.000
tờ/ngày, người làm báo ở Sài Gòn lúc đó nằm mơ cũng không thấy nổi số
lượng in ấn này.
Vụ việc càng trở nên thuyết phục khi phóng viên tìm thấy sổ hộ tịch
của những năm 1955 -1956 có giấy chứng sinh của bà Huệ ghi tên cha của
con là ông G.Bokassa. Họ chụp lại bản chính và cho rửa nhiều tấm, gửi
cho Bộ Ngoại giao, nhờ chuyển tới tay Tổng thống Bokassa, chứng minh
Martine mới là đứa con ruột thịt của ông ta. Đồng thời, ban biên tập còn
gửi thêm một bộ khác qua đường hàng không đến Pháp cho đặc phái viên tờ
Trắng Đen đang thường trú tại đây đưa đến Bộ Ngoại giao Pháp, giao tận
tay và nhờ chuyển đến Tổng thống nước Cộng hòa Trung Phi Bokassa. Ngoài
hai nơi trên, tòa soạn còn gửi đến Tòa Đại sứ Pháp ở Sài Gòn nhờ chuyển
các tài liệu kèm với hình bà Huệ và Tổng thống Bokassa, hình của Martine
tới đất nước Trung Phi.
Bằng những nỗ lực tuyệt vời của những phóng viên, bằng những biện
pháp mang tính nghiệp vụ cao của tòa soạn báo Trắng Đen, Tổng thống
Bokassa từ nước Cộng hòa Trung Phi xa xôi đã sớm nhận được những bằng
chứng thuyết phục cho thấy, bà Huệ và cô Martine mới là những người ông
cần tìm. Rồi một chuyến bay đặc biệt đã chở mẹ con bà Huệ, cả gia đình
bà, người đại diện cho báo Trắng Đen cùng nhiều quan chức Sài Gòn và
Pháp rời Tân Sơn Nhất trực chỉ Châu Phi. Một nghi thức tiếp đón trọng
thể được đích thân ngài Tổng thống tổ chức để chào đón vợ con mình.
Nhưng, đúng như tính tình nhân hậu vốn có, Tổng thống Bokassa chẳng
những không trách mẹ con bà Ba Thân và cô gái lai Baxi (đã mạo nhận là
vợ con tổng thống), mà còn nhận Baxi làm con nuôi, cho sống đời vương
giả giống như mẹ con bà Huệ và cô Martine.
No comments:
Post a Comment