Hoa Kỳ, quốc gia nằm ở phía Đông Thái Bình Dương - chứ không
phải Cộng Sản Trung Hoa - với tiềm lực quân sự chế ngự toàn thể đại dương này,
vẫn thường được coi là cường quốc Thái Bình Dương bởi lẽ Hạm Ðội Thứ 7 trực
thuộc Hạm Ðội Thái Bình Dương có tổng hành dinh đóng tại Yokosuka trên đảo Honsu
của Nhật Bản và có cả thảy 3 hàng không mẫu hạm, hằng nghìn máy bay cùng hằng
trăm chiến hạm cũng như tiềm thủy đĩnh đủ cỡ, đủ loại, đang là lực lượng hùng
mạnh vô địch trải rộng khắp miền, từ Guam tới Okinawa và từ Singapore cho tới
Sydney.
Nhưng vị thế đó rồi đây sẽ không còn nữa khi Cộng Sản Trung Hoa,
gọi cho gọn là Trung Cộng, đang ngày càng bành trướng thế lực trên biển (và có
thể là cả trên bộ nếu một mai Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Cộng chiếu
theo bản “Thỏa Thuận Thành Ðô” đầy bí ẩn được ký kết giữa hai Ðảng Cộng Sản
Trung Hoa và Việt Nam hồi năm 1990), đặc biệt là tại hai Quần Ðảo Hoàng Sa và
Trường Sa trên Biển Nam Hoa (South China Sea), nơi lực lượng hải quân Trung Cộng
đang đối đầu quyết liệt với lực lượng hải quân của hai quốc gia Ðông Nam Á nhỏ
bé hơn họ nhiều, là Cộng Sản Việt Nam, nước gọi Biển Nam Hoa theo cách riêng của
họ là Biển Ðông, và Phi Luật Tân, nước gọi vùng biển này là Biển Tây (West
Philippine Sea), căn cứ vào vị trí địa lý của vùng biển đó đối với đảo quốc
này.
*Thế yếu hiện nay của các nước Việt Nam, Phi Luật Tân, Mỹ, Ấn Ðộ và Nhật
Bản
Trong mấy năm trở lại đây, cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản và Ấn Ðộ đều ráo
riết ve vãn Cộng Sản Việt Nam, lộ liễu nhất là trong và sau cuộc khủng hoảng
bang giao giữa hai nước cộng sản “anh em” kia, do việc Trung Cộng bất thình lình
đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu bên trong hải phận (lãnh hải) Việt Nam trên
Biển Nam Hoa để dò tìm dầu khí, với ý đồ không giấu diếm là muốn đặt Cộng Sản
Việt Nam vào tình thế đã rồi là toàn bộ, hay ít ra cũng là hầu hết, Biển Nam Hoa
đã thuộc chủ quyền của Trung Cộng, nếu như Cộng Sản Việt Nam và thế giới không
có phản ứng gì.
Thật ra, những quốc gia tự do, dân chủ đó nỗ lực ve vãn - và
có khi còn tỏ ra chiều chuộng thái quá - quốc gia Cộng Sản tại Ðông Nam Á này
chẳng phải vì họ yêu thương gì lắm dân tộc Việt Nam hoặc cái Ðảng Cộng Sản Việt
Nam đang cai trị đất nước đáng thương đó mà chẳng qua là vì Cộng Sản Việt Nam,
nước có cảng nước sâu Cam Ranh tốt hơn cả Rio de Janeiro của Brazil, đang giữ
một vị thế chiến lược cực kỳ quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, tại
phía Tây Thái Bình Dương, bởi vì Biển Nam Hoa ngoài khơi Việt Nam là thủy lộ
huyết mạch từ Thái Bình Dương thông qua Ấn Ðộ Dương của các nước có kỹ nghệ phát
triển và có nền kinh tế lớn trong vùng, như Nhật Bản, Nam Hàn, Ðài Loan, Ấn Ðộ
và Hoa Kỳ. Nếu Biển Nam Hoa lọt vào tay một cường quốc hùng mạnh và tham tàn như
Trung Cộng thì coi như không riêng gì Việt Nam và Phi Luật Tân mà tất cả các
nước nêu trên, luôn cả Thái Lan, Mã Lai Á, Singapore, Indonesia, Brunei và Úc
Ðại Lợi, cũng khốn đốn lây.
Bề ngoài, có vẻ như cuộc tranh chấp chủ quyền
trên Biển Nam Hoa vẫn đang diễn tiến chứ chưa ngã ngũ, nghĩa là cả Trung Cộng
lẫn Cộng Sản Việt Nam và Phi Luật Tân, cùng với các quốc gia ở phía Nam vùng
biển này, là Mã Lai Á, Indonesia và Brunei, không ai thật sự nắm quyền kiểm soát
hết Biển Nam Hoa. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Cộng đang làm chủ vùng biển đó,
cho dù Hoa Kỳ và thế giới, trong đó có Ấn Ðộ và Nhật Bản, có muốn hay không, chỉ
vì một lẽ đơn giản là, trong thế giới ngày nay, khi Liên Hiệp Quốc chỉ là một tổ
chức bù nhìn của các cường quốc, nguyên tắc mạnh được, yếu thua theo tiến trình
đấu tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên trong Thuyết Tiến Hóa của Charles Darwin
(Evolutionism/Darwinism) mới là yếu tố quyết định sự sống còn của một giống
người hay của cả nhân loại - chứ không riêng gì loài động vật - đặc biệt là các
nước nhược tiểu như Cộng Sản Việt Nam trước nanh vuốt của các quốc gia hùng mạnh
và tham tàn như Trung Cộng. Vả lại, Cộng Sản Việt Nam, vì bị Trung Cộng kèm kẹp
trong vòng ảnh hưởng của họ, chưa hề có được một cường quốc quân sự nào cam kết
bảo vệ bằng một hiệp ước phòng thủ chung, như trường hợp Nhật Bản và Phi Luật
Tân là hai quốc gia cũng đang đối đầu với Trung Cộng trong vấn đề chủ quyền biển
đảo nhưng lại đang được Hoa Kỳ cam kết bảo vệ.
Qua bao cuộc thử thách trên
thế giới từ cuối thế kỷ trước cho tới nay, đặc biệt là trong các biến cố tại
Georgia, Iran, Syria và Ukraine (Crimea), Hoa Kỳ, siêu cường duy nhất của thế
giới, viện cớ tiền bạc và tài nguyên đang cạn kiệt dần, đã chẳng dại gì mà hy
sinh quyền lợi của mình để giúp đỡ kẻ cô thế chống lại cường quyền, mong tiếp
tục giữ vững biệt danh “tay sen- đầm quốc tế” do phe Cộng Sản gán ghép cho
Washington từ thời Chiến Tranh Lạnh đến nay.
Vả lại, Trung Cộng từng tuyên bố
công khai và thẳng thừng rằng họ sẽ hành động một mình (vì họ quá mạnh khiến cả
siêu cường Hoa Kỳ cũng chùn bước) chứ không chấp hành bất cứ phán quyết nào, dù
có lợi hay có hại cho họ, của các tòa án quốc tế trong vấn đề tranh chấp tại
Biển Nam Hoa, trong đó có Tòa Án Luật Biển Quốc Tế (International Tribunal for
the Law of the Sea) và Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of
Arbitration), đừng nói chi tới Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Ðông (Declaration on
the Conduct of Parties, DOC/South China Sea Code of Conduct) từng được các nước
trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN) và Cộng Sản Trung Hoa thỏa
thuận.
Vì Hải Quân Trung Cộng hiện đang là lực lực mạnh nhất trên Biển Nam
Hoa ngày nay, cho nên họ cứ tự tiện ra vào nơi đây như chỗ không người, muốn đưa
giàn khoan dầu tới đâu thì cứ tới, muốn nới rộng đảo nào hay bãi đá nào tại
Hoàng Sa và Trường Sa thì cứ làm, và muốn vẽ bản đồ lãnh thổ của họ bao trùm tới
đâu trên Biển Nam Hoa thì cũng cứ tùy ý muốn của họ, như trường hợp cái bản đồ
gồm 9 đoạn đứt khúc (nine - dotted line) của vùng biển này do họ công bố, mà
Cộng Sản Việt Nam ưa gọi một cách nôm na là “Ðường Lưỡi Bò” sau khi Hà Nội đã
thất bại trong việc ngăn chặn sức liếm láp cực kỳ khó chịu của cái lưỡi bò đó.
(1)
Hoa Kỳ, và cả Ấn Ðộ cũng như Nhật Bản, các cường quốc khác của thế giới
có quyền lợi hàng hải trên Biển Nam Hoa, rất bực tức và lo ngại, nhưng chẳng làm
gì được Trung Cộng trong lúc này, và có thể là cả trong tương lai dài lâu
nữa.
*Nguyên do khiến các cường quốc Hoa Kỳ, Ấn Ðộ và Nhật Bản đành bất lực
nhìn Trung Cộng chiếm hết Biển Nam Hoa
Các lý do quân sự, chính trị và
kinh tế đã đưa đẩy 2 cường quốc Hoa Kỳ và Nhật Bản ở Thái Bình Dương và cường
quốc Ấn Ðộ ở Ấn Ðộ Dương bó tay nhìn Cộng Sản Trung Hoa nuốt trọn Biển Nam Hoa,
chận đường các thương thuyền và tàu chiến Hoa Kỳ và Nhật Bản đi từ Thái Bình
Dương qua Ấn Ðộ Dương và ngược lại, buộc Ấn Ðộ phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ chính
sách “Hướng Ðông” (“Look East”) có từ hồi 1991 qua bốn đời Thủ Tướng: P.V.
Narasimha Rao, Atal Bihari Vajpayee, Manmohan Singh, và Narendra Modi.
Không
hiểu Cộng Sản Việt Nam nghĩ sao chứ Hoa Kỳ khá lo buồn khi nhìn đảo Phú Lâm
(Woody Island), đảo lớn nhất trong Quần Ðảo Hoàng Sa từng bị quân Trung Cộng
đánh chiếm của Việt Nam Cộng Hòa hồi Tháng Giêng năm 1974, trở thành một căn cứ
quân sự quy mô, với một phi trường có khả năng tiếp nhận các chiến đấu cơ phản
lực và một quân cảng hoàn chỉnh, nơi trú đóng của 4,000 hải quân và thủy quân
lục chiến Trung Cộng. Người Mỹ biết rằng đây chính là một “hàng không mẫu hạm
không thể đánh chìm” của hải quân Trung Cộng một khi chiến tranh xảy ra tại Ðông
Nam Á giữa Trung Cộng và các lực lượng muốn duy trì tự do hàng hải trên Biển Nam
Hoa.
Ðến Tháng Giêng năm 2015, Hoa Kỳ lại lo lắng nhìn Bãi Ðá Chữ Thập (Fiery
Cross Reef) ở quần đảo Trường Sa, mà Trung Cộng từng chiếm cứ khỏi tay Cộng Sản
Việt Nam hồi năm 1988, nay đã được Trung Cộng biến thành một căn cứ quân sự.
Trước đó, hình ảnh từ vệ tinh do thám Mỹ chụp được cho thấy Trung Cộng đã ra sức
hút cát đại dương và tô bồi thêm cho đảo Gạc Ma (Johnson South Reef), cũng từng
bị Trung Cộng cướp khỏi tay Cộng Sản Việt Nam trước đây để biến thành đảo riêng
của họ, rồi nối dài thêm phi đạo của một phi trường mà họ mới dựng lên nơi đây
thành một sân bay quân sự có thể dùng cho các chiến đấu cơ phản lực. Nếu Hoa Kỳ
không để cho Trung Cộng cưỡng chiếm Quần Ðảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa hồi
năm 1974 trong thế kỷ trước thì Trung Cộng đã không có một đầu cầu thiết yếu để
xua quân đánh chiếm luôn nhiều đảo và bãi đá khác trên quần đảo Trường Sa ở phía
Nam của Hoàng Sa. Về lỗi lầm tày trời này thì cặp bài trùng Richard Nixon và
Henry Kissinger, tổng thống và ngoại trưởng Mỹ hồi thập niên 1970, trước hơn ai
hết, phải hứng chịu mọi trách nhiệm trước lịch sử. (2)
Nhật Bản cũng lo buồn
không kém Hoa Kỳ khi thấy Trung Cộng bành trướng tiềm năng quân sự tại các quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi Hải Quân Nhật Bản từng chiếm đóng và trấn giữ
suốt thời gian Nhật Bản hất cẳng Pháp để nắm quyền cai trị ba nước Việt-Miên-Lào
trên bán đảo Ðông Dương thuộc Pháp. Với kinh nghiệm tại Biển Hoa Ðông (East
China Sea) ở phía Ðông Trung Cộng và phía Tây Nhật Bản, nơi Trung Cộng từng
thiết lập một Vùng Cấm Bay (No-Fly Zone/Air Defense Identification Zone), không
cho phép phi cơ dân sự và quân sự của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn và các nước khác
bay qua, Nhật Bản biết rằng, rồi đây, tàu thuyền và phi cơ của họ cũng sẽ không
được phép đi ngang qua Biển Nam Hoa một khi Trung Cộng quyết tâm áp đặt một Vùng
Cấm Bay tương tự giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi họ đang có các căn
cứ quân sự, mà bản doanh có thể được đặt trên chiếc “hàng không mẫu hạm không
thể đánh chìm,” tức là trên đảo Phú Lâm trong Quần Ðảo Hoàng Sa hoặc có thể là
trên một số hòn đảo và bãi đá khác tại Quần Ðảo Trưởng Sa nữa. (3)
Phần mình,
Ấn Ðộ đang ưu tư, lo lắng đứng nhìn thời thế thay đổi tại Biển Nam Hoa khi Trung
Cộng dần dà chiếm đóng hết đảo này tới đảo khác trên hai Quần Ðảo Hoàng Sa và
Trường Sa mà không có một sức mạnh nào cản nổi, bởi vì cả Cộng Sản Việt Nam và
Phi Luật Tân đều không đủ sức mạnh - hoặc thiếu quyết tâm, như trong trường hợp
rất đáng nghi ngờ của Cộng Sản Việt Nam - để kiềm chế hoặc ngăn chặn sức bành
trướng quân sự của Trung Cộng trong vùng, trong khi Hoa Kỳ, cho tới nay, chỉ nói
mà không làm, nên Trung Cộng chẳng hề nao núng.
Là một cường quốc lớn tại Á
Châu, Ấn Ðộ cảm thấy cần thiết phải có tự do lưu thông hàng hải tại Biển Nam Hoa
để tàu thuyền và phi cơ của họ có thể an toàn đi lại từ Ấn Ðộ Dương sang Thái
Bình Dương và ngược lại thông qua eo biển Malacca, nằm giữa bán đảo Mã Lai Á và
đảo Sumatra của Indonesia. Ngay cả việc dò tìm dầu khí của các công ty dầu Ấn Ðộ
tại thềm lục địa của Việt Nam cũng sẽ không thể thực hiện được một khi Trung
Cộng đã chiếm trọn Biển Nam Hoa và lên tiếng đòi chủ quyền trên tất cả các giếng
dầu phong phú trong vùng biển này.
Nguồn tin thông tấn xã AFP hôm 27 Tháng
Giêng năm 2015 cho hay Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ Tướng Ấn Ðộ
Narendra Modi đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia trên thế giới bảo đảm “an ninh
hàng hải và hàng không trong khu vực, đặc biệt tại Biển Ðông (tức Biển Nam Hoa)”
qua một thông cáo chung nhân dịp nhà lãnh đạo Mỹ kết thúc chuyến viếng thăm Ấn
Ðộ. Trước đó, vào ngày 25 Tháng Giêng, cùng lên tiếng trong một bản tuyên bố
nhan đề “Tầm Nhìn Chiến Lược Chung cho Vùng Á-Châu-Thái Bình Dương và Ấn Ðộ
Dương” (“Joint Strategic Vision for the Asia-Pacific and Indian Ocean”), Tổng
Thống Obama đã cùng với Thủ Tướng Modi xác định rằng hai quốc gia Mỹ và Ấn rất
quan ngại về “những căng thẳng chung quanh các cuộc tranh chấp lãnh hải” tại
Biển Nam Hoa. Ngày 28 Tháng Giêng năm 2015, các ngoại trưởng thuộc Hiệp Hội Các
Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN) nhóm họp tại Mã Lai Á đã cùng nhau bày tỏ sự lo ngại
về chuyện Trung Cộng liên tục đòi chủ quyền tại nhiều khu vực trong Biển Nam
Hoa, đặt các quốc Ðông Nam Á vào thế phải đối mặt với tham vọng bá quyền nước
lớn của Trung Cộng trong khi không có nước nào trong vùng đủ sức đối đầu về quân
sự với nước láng giềng phương Bắc khổng lồ đó. (4)
*Vì đâu nên nỗi?
Sự thể
này có nhiều nguyên do, trong đó có các nguyên do sau:
1. Hoa Kỳ bỏ rơi Việt
Nam Cộng Hòa, để mất quần đảo Hoàng Sa vào tay Trung Cộng
Việc Hoa Kỳ bỏ
cuộc nửa chừng, để cho Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt (1975) và
kèm theo đó là việc Hoa Kỳ, chỉ một năm trước đó, đã làm ngơ không can thiệp để
cho Trung Cộng chiến mất quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa (trong trận Hải
Chiến Hoàng Sa giữa Hải Quân Trung Cộng và Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa vào ngày
19 Tháng Giêng năm 1974), là sai lầm chiến lược lớn lao nhất của Hoa Kỳ trong
thế kỷ trước, (5) mặc dù Hoa Kỳ vẫn được tiếng là kẻ đã chiến thắng cuộc Chiến
Tranh Lạnh (1945-1991) trong tư cách là cường quốc lãnh đạo Thế Giới Tự Do và
nghiễm nhiên trở thành siêu cường Số 1 của thế giới sau sự sụp đổ của Cộng Sản
Ðông Âu và sự tan rã của Liên Xô, tức Liên Bang Xô Viết. Có điều, Trung Cộng
cùng 2 chư hầu của họ tại Á Châu, là Việt Nam và Bắc Hàn, cũng như Cộng Sản Cuba
thân Liên Xô ở Tây Bán Cầu, đã không sụp đổ theo đúng các đánh giá khôn ngoan
nhất mà loài người có thể đưa ra trong thế kỷ trước.
Có thể lúc bỏ rơi Việt
Nam Cộng Hòa hồi năm 1973-1975, các chính trị gia Mỹ, nhất là Quốc Hội Mỹ (là kẻ
nắm hầu bao trong mọi cuộc chiến), chỉ có mục đích thiển cận là nhằm tiết kiệm
mỗi năm chừng nửa triệu Mỹ kim tiền viện trợ - Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của
Việt Nam Cộng Hòa cũng chỉ cần có thế đặng giữ vững Miền Nam Việt Nam - để dành
số tiền đó lo cho phúc lợi của dân chúng Mỹ trong nước. Ðâu có ai biết rằng, vì
để mất Việt Nam Cộng Hòa trong thế kỷ trước, qua thế kỷ này Hoa Kỳ đã phải chi
ra mỗi năm hàng chục tỉ Mỹ kim để chống đỡ những ngón đòn của Trung Cộng trên
khắp các mặt trận toàn cầu, đặc biệt là tại Biển Nam Hoa, thủy lộ sinh tử của Mỹ
và các nước đồng minh từ Thái Bình Dương qua Ấn Ðộ Dương.
Sự sụp đổ của Việt
Nam Cộng Hòa, chiếc tiền đồn chống Cộng của Thế Giới Tự Do, đã trở thành sự sụp
đổ của chiếc tiền đồn của Hoa Kỳ và các nước đồng minh Á Châu của Mỹ, như Nhật
Bản, Ấn Ðộ, Nam Hàn và Phi Luật Tân, trước tham vọng bá quyền của Trung Cộng tại
Á Châu. Một Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn tồn tại, với hải, lục không quân tinh nhuệ
và với một đội quân được các chuyên gia quân sự đánh giá là hùng mạnh vào hàng
thứ 7 trên thế giới trước năm 1975 mà còn được bảo vệ bằng một hiệp ước an ninh
chung với Hoa Kỳ, sẽ làm Trung Cộng nản lòng trong bất cứ tham vọng bá quyền nào
của họ, ít nhất là tại Ðông Nam Á và Biển Nam Hoa, đừng nói gì tới chuyện thách
thức vị thế bá chủ của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương.
Cần phải nói thêm rằng,
ngoại trừ Israel - với cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái giàu mạnh và rất có thế
lực tại Hoa Kỳ - Việt Nam Cộng Hòa là đồng minh tốt nhất và đáng tin cậy nhất
của Hoa Kỳ trong suốt dòng lịch sử nếu đem so với các đồng minh khác trên toàn
thế giới, như Afghanistan và Iraq chẳng hạn, là những kẻ sẵn sàng xả súng bắn
vào người bạn đồng minh Hoa Kỳ cho dù họ chưa hề bị bỏ bỏ rơi ngang xương như
trường hợp của Miền Nam Việt Nam cách nay 4 thập niên.
Với những bộ óc khá ưu
việt - cỡ bộ óc của các Giáo Sư Bửu Hội và Nguyễn Xuân Vinh thuộc thế hệ trước
cũng như của nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, mẹ đẻ loại bom ép nhiệt
thermobaric, và Tiến Sĩ Nguyễn Ðịnh, cha đẻ loại vũ khí bắn tia Free Electron
Laser, của Hoa Kỳ thuộc thế hệ hiện nay - và với tiềm năng dầu khí dồi dào tại
thềm lục địa Miền Nam Việt Nam, thế giới không thể loại bỏ khả năng Việt Nam
Cộng Hòa trở thành một cường quốc nguyên tử (vì lẽ sinh tồn tự nhiên của một
nước nhỏ bên cạnh một nước láng giềng to lớn và hung ác), cho dù cường quốc này
có thể cũng sẽ phải ẩn thân trong vòng bí mật như Israel. Ðó thật sự là cơn ác
mộng của Trung Cộng, kẻ chưa hề biết sợ mà từ bỏ chủ trương bá quyền Ðại Hán. Và
dĩ nhiên, hồi thế kỷ trước, một khi Trung Cộng thấy Hoa Kỳ quyết tấm giữ vững
Miền Nam Tự Do để bảo vệ sườn phía Tây của Thái Bình Dương thì họ không bao giờ
dám đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa như họ đã làm hồi năm 1974, chỉ 1 năm trước
ngày Sái Gòn sụp đổ vào tay Cộng Sản Bắc Việt. Còn chuyện đảo Gạc Ma và Bãi Ðá
Chữ Thập - do Cộng Sản Việt Nam quản lý sau khi Việt Nam Cộng Hòa cáo chung - bị
Trung Cộng đánh chiếm hồi năm 1988 thì chuyện đó sẽ không làm sao xảy ra được
nếu Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
2. Hoa Kỳ giúp Trung
Cộng phát triển kinh tế mong trục lợi từ một thị trường béo bở
Một lỗi
lầm chiến lược trầm trọng vào bậc nhất khác của Hoa Kỳ trong thế kỷ trước di hại
tới thế kỷ sau là Hoa Kỳ đã giúp Trung Cộng phát triển kinh tế những mong trục
lợi từ một thị trường béo bở như thị trường đông cả tỉ người trên lục địa Trung
Hoa, thay vì giúp Nga chấn hưng kinh tế sau khi Liên Xô tan rã.
Sự tồn tại
dai dẳng và không thể nào đảo ngược lại được của chế độ độc tài Cộng Sản tại
Trung Hoa - qua sự thất bại thảm thương và cay đắng của các phong trào đòi tự
do, dân chủ tại Thiên An Môn (1989) và Hồng Kông (2014) - cho thấy Hoa Kỳ, với
chính sách “Trợ Tàu, diệt Nga” thời Chiến Tranh Lạnh, đã tự ý tạo ra cho chính
mình một kẻ thù mới hùng mạnh và nham hiểm bội phần so với kẻ thù cũ Liên Xô.
Giờ đây, Trung Cộng đã trở thành đối thủ sinh tử của Hoa Kỳ, kẻ đang “tranh bá,
đồ vương” với Hoa Kỳ trên khắp các mặt trận có quy mô thế giới.
Rõ ràng là
nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Hoa Kỳ, thông qua việc chuyển nhượng khoa học, kỹ
thuật không chút e dè của các công ty Mỹ lúc nào cũng tối mặt trước lợi nhuận
thu vào bất kể quốc gia hưng vong, nền kinh tế Trung Cộng, chẳng bao lâu nữa sẽ
(thật sự) vượt qua Hoa Kỳ để tiến lên vị thế hàng đầu thế giới vẫn do Hoa Kỳ nắm
giữ từ sau Thế Chiến 2 đến nay. Có thể nói rằng, khi giúp Trung Cộng mở mang
kinh tế (kéo theo kỹ thuật tân tiến), Hoa Kỳ đã vô tình giúp Trung Cộng khả năng
mua sắm được hàng không mẫu hạm Liêu Ninh cùng các tiềm thủy đĩnh nguyên tử và
chế tạo được các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 cỡ Chengdu J-20 and
Shenyang J-31, chẳng thua thua kém gì các siêu máy bay chiến đấu F-22 Raptors và
F-35 Joint Strike Fighters Lightning II của Hoa Kỳ. (6)
Hồi Tháng Giêng năm
2015, trong một bài viết trên tạp chí The National Interest nhan đề “The Foreign
Policy Essay: Why China Will Become a Global Military Power,” tức “Luận Về Chính
Sách Ngoại Giao: Vì Sao Trung Cộng Sẽ Trở Thành Cường Quốc Quân Sự Của Thế
Giới,” Oriana Skylar Mastro, giáo sư môn nghiên cứu an ninh tại trường Edmund A.
Walsh School of Foreign Service thuộc Ðại Học Georgetown University, cho rằng
sớm muộn gì rồi quốc tế cũng phải chấp nhận sự thể Trung Cộng là một cường quốc
quân sự của thế giới.
Nguồn tin Tân Hoa Xã hồi cuối Tháng Mười Một năm 2014
từng cho hay “Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định thời đại Mỹ là siêu
cường duy nhất thế giới sắp kết thúc, Bắc Kinh quyết tâm cạnh tranh sánh tầm ảnh
hưởng với Washington tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.” Ðiều này cho thấy việc
Trung Cộng lăm le thôn tính nhược tiểu Việt Nam chỉ nằm trong mục tiêu ban đầu
của họ mà thôi, trong khi mục tiêu tối hậu của quân Ðại Hán là làm sao có thể
thôn tính luôn cả siêu cường Hoa Kỳ.
Theo lời tiên đoán của đại văn hào Nga
Aleksandr Solzhenitsyn (1918-2008), tác giả The Gulag Archipelago, tức quần đảo
Gulag, từng sống lưu vong tại Mỹ năm 1974 nhưng sau đó chán ngán xã hội Mỹ chỉ
biết chăm chú hưởng thụ vật chất mà xao lãng mặt tinh thần nên đã quay trở lại
Nga năm 1994, Hoa Kỳ sẽ sụp đổ từ bên trong chứ không cần phải bị ai đánh từ bên
ngoài, bởi vỉ đây là một siêu cường đầy những lỗ hổng, với cả hai đảng chính trị
lớn chỉ biết lo cho quyền lợi của đảng mình (chẳng khác gì Cộng Sản, nhưng vẫn
còn khá hơn), với “lục phủ, ngũ tạng” đều rệu rã, và với lòng hận thù chủng tộc
sâu sắc tới độ nền pháp trị dữ dằn kiểu Mỹ vẫn không kiềm chế nổi.
Trung Cộng
có thể sẽ không đối đầu với Hoa Kỳ qua một cuộc chiến tranh nguyên tử theo kiểu
Bắc Hàn từng hăm dọa Mỹ, nhưng rõ ràng là họ đang dùng ngón đòn vật chất, mà
tiền bạc là chính, để “mua đứt” các cơ sở kinh tế của Mỹ và gây ảnh hưởng lên
các nhà lãnh đạo siêu cường này bằng cách tài trợ các chuyến đi du lịch đầy thú
vui và lắm khoái lạc để sau này bắt bí, buộc “người tiêu thụ” các thú vui đó
phải điều chỉnh chính sách quốc gia sao cho có lợi cho Trung Cộng. Từ cả chục
năm nay, Trung Cộng đã thực hiện không biết bao nhiêu là cuộc tấn công trên mạng
(cyber attacks) trong khuôn khổ cuộc chiến tranh điện toán (cyberwarfare) vào
các cơ sở kinh tế, kỹ nghệ và quân sự của Mỹ nhằm đánh cắp khoa học, kỹ thuật
cùng các thông tin thương mại, đồng thời sử dụng các chiêu thức tuy cổ điển
nhưng hữu hiệu, trong đó có cả khổ nhục kế và mỹ nhân kế, với mục đích làm suy
yếu giới lãnh đạo Mỹ lúc nào cũng ham vui và cần tiền để vận động bầu cử, song
song với việc ráo riết cạnh tranh nhằm triệt hạ ảnh hường của Hoa Kỳ trên khắp
thế giới, rõ rệt nhất là tại các nước Phi Châu và Nam Mỹ.
Cần biết rằng bản
chất của người Mỹ là thực tiễn và ham thich tiền bạc nên họ rất dễ sa vào các
bẫy sập của Trung Cộng. Cũng nên biết rằng, từ năm 1949, lúc cộng sản chiếm
quyền tại Hoa Lục, cho đến nay, chính sách ngoại giao Ðại Hán của Cộng Sản Trung
Hoa rất nhất quán và hầu như không hề thay đổi, dù là dưới thời Mao Trạch Ðông
hay Ðặng Tiểu Bình hay Hồ Cẩm Ðào trước kia hoặc Tập Cận Bình ngày nay. Trong
khi đó, cũng trong khoảng thời gian kể trên, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đã
thiếu tình liên tục và có khi còn mâu thuẫn nhau trầm trọng, dưới đời 12 vị tổng
thống, là Harry Truman, Dwight Eisenhower, John Kennedy, Lyndon Johnson, Richard
Nixon, Gerald Ford, Jimmy Carter, Ronald Reagan, George W.H. Bush, Bill Clinton,
George W. Bush, và Barck Obama.
3. Hoa Kỳ quá tự tin vào sức thu hút của chủ
nghĩa tư bản và nền tự do, dân chủ
Một lỗi lầm lớn lao nữa của Hoa Kỳ là
sự thể Chú Sam quá tự tin vào sức thu hút của chủ nghĩa tư bản và nền tự do, dân
chủ của thế giới bên ngoài các xã hội độc tài, đảng trị tại Cộng Sản Trung Hoa,
Cộng Sản Việt Nam, Cộng Sản Bắc Hàn và Cộng Sản Cuba. Khi giới thiệu chủ nghĩa
tư bản vào Trung Cộng và Việt Nam, Hoa Kỳ cứ làm như là chủ nghĩa tư bản hay ho
tới độ sẽ cảm hóa được dân chúng tại đây và làm say mê Bộ Chính Trị của các đảng
Cộng Sản đang cai trị tại Bắc Kinh và Hà Nội tới mức họ sẽ bỏ phăng đi đường lối
cộng sản mà chạy theo chế độ tự do, dân chủ do Hoa Kỳ bày vẽ. Sự thật thì cả hai
đảng Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam đều tương kế, tựu kế, cứ việc ngửa tay lấy
tiền của từ “bọn tư bản” để rồi nỗ lực nuôi nấng và củng cố đảng cộng sản của
mình cho ngày càng thêm bền vững.
Một ví dụ sống động là tấm gương do cựu đại
sứ Mỹ tại Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Michael W. Michalak (2007-2011) để
lại. Ông Michalak rất hãnh diện về nhiệm kỳ của ông ở Việt Nam, bởi lẽ chính
trong thời gian này mà số du học sinh Việt Nam sang Mỹ du học đạt tới một đỉnh
cao mới, với số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ vào cuối nhiệm kỳ của ông tăng
gấp đôi so với lúc ông vừa mới nhậm chức cách đó 4 năm. Cũng như bao chiến lược
gia tài ba trên đất Mỹ, vị đại sứ cứ tin rằng hễ giáo dục được càng nhiều con em
các lãnh tụ cộng sản Việt Nam bao nhiêu theo lối Mỹ thì triển vọng các nhà lãnh
đạo tương lai của Việt Nam từ bỏ chế độ độc tài, đảng trị hiện nay để chuyển
sang chế độ tự do, dân chủ kiểu Mỹ càng tươi sáng hơn bấy nhiêu. Sự thật thì kết
quả đã trái ngược hoàn toàn, bởi vì con cháu các lãnh tụ cộng sản được gởi đi du
học tại Mỹ, khi nối ngôi cha ông của họ, đã không đưa đất nước đi theo chế độ tự
do, dân chủ kiểu Mỹ - để chỉ có thể cai trị tối đa là 8 hay 10 năm giữa những
lời phê phán và chỉ trích gay gắt trong một xã hội có tự do ngôn luận - mà họ đã
ra sức trói buộc Việt Nam trong chế độ cộng sản độc tài để họ được quyền cai trị
suốt đời mà không ai dám hé môi phản đối, cho dù đất nước đang có nguy cơ mất
vào tay Trung Cộng nếu Việt Nam không chịu thay đổi thể chế chính trị.
(7)
Tương tự như thế, đã có hằng nghìn trí thức và chuyên gia Trung Cộng, một
số không nhỏ là con cháu các đảng viên gạo cội trong Ðảng Cộng Sản Trung Quốc,
từng du học Hoa Kỳ từ cuối thập niên 1970 tới nay, nhưng chưa hề có ai, khi leo
lên tới vị trí lãnh đạo trong guồng máy cai trị của Bắc Kinh, nghĩ tới chuyện từ
bỏ chế độ độc tài, độc đảng do phe cộng sản nắm giữ mà đi theo con đường đa
nguyên, đa đảng để tạo cơ hội cho các đảng phái khác thay họ mà lên cầm quyền.
(8)
*Thay lời kết
Trong những ngày tháng này, những người Quốc Gia của
Việt Nam Cộng Hòa cũ còn ở trong nước hoặc đang ở hải ngoại sắp sửa tưởng niệm
40 năm ngày mất nước, tức tưởng niệm 40 năm biến cố Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30
Tháng Tư năm 1975, một biến cố mà mới đầu ai cũng tưởng như chỉ là nỗi bất hạnh
riêng của 20 triệu đồng bào Miền Nam Việt Nam nhưng không ngờ lại là nỗi đau
chung của cả một dân tộc gồm 90 triệu người đang phải sống dưới một chế độ chính
trị bất công, bạo tàn và tồi tệ chưa từng thấy mà đành bất lực, không có cách
nào dứt bỏ đi được, cứ y như là một thứ nghiệp báo phải mang vào thân mãi tới
khi nào ông Trời ngó lại và cho thoát đi thì mới dứt được kiếp lầm than, hay nói
như Nguyễn Du: “Ðã mang lấy nghiệp vào thân/Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời
xa...”
Sau bao nhiêu tháng, năm sống cuộc đời lưu vong trên “đất khách” mà
nay đã là quê hương mới của mình, người Việt tha hương có thể đã thấm thía với
sự thật là hầu như cái ác đang thắng cái thiện trên khắp thế giới, chứ không
riêng gì ở Việt Nam. Ðối với những ai còn vọng tưởng tới một tương lai xán lạn
cho tổ quốc Việt Nam về sau, những người đó cần lưu ý ít nhất là 2 điều
này:
1. Khác với trường hợp nước Nga của ông Vladimir Putin qua vụ Ukraine,
đối tượng mà Hoa Kỳ và các quốc gia Liên Âu tha hồ cấm vận kinh tế và chính trị,
thế giới không thể nào cấm vận hoặc trừng phạt kinh tế và chính trị để ngăn chặn
tham vọng bành trướng Ðại Hán của Cộng Sản Trung Hoa, cho dù nước này có hung ác
đối với các nước nhược tiểu (cỡ Tây Tạng, Tân Cương hoặc Việt Nam) đến cách mấy
đi nữa và lại còn đang rình rập để chờ cơ hội thâu tóm cả Hoa Kỳ, bởi vì quyền
lợi kinh tế, tức là quyền lợi vật chất, của các nước tự do, dân chủ trên thế
giới - nhất là Mỹ - tại Cộng Sản Trung Hoa đã quá chằng chịt và quá lớn lao tới
độ không thể dứt ra được nếu họ không muốn chính mình cũng bị “hụt ăn.” Hơn nữa,
thật khó cho các nền kinh tế hạng nhì, hạng ba của thế giới lại đi cấm vận nền
kinh tế hàng đầu thế giới, một vị thế mà, chẳng sớm thì muộn, Trung Cộng sẽ
giành được, bởi vì các công ty tại Mỹ và Âu Châu, vì thiếu tiền, vẫn cứ tiếp tục
“bán mình” cho các nhà đầu tư Trung Cộng mà không hề biết lo cho tương lai của
“tổ quốc” mình khi các kỹ thuật tân tiến do họ nắm giữ lọt vào tay một đối thủ
nham hiểm. (9) Mà chừng nào Ðảng Cộng Sản Trung Hoa còn thì các Ðảng Cộng Sản
Việt Nam và Bắc Hàn vẫn tồn tại, và đó là chân lý bất di, bất dịch, cho dù sông
có thể cạn, núi có thể mòn. Phải biết rằng, trong cuộc giằng co, nếu có, giữa
Trung Cộng và Cộng Sản Việt Nam, thời gian luôn đứng về phía Trung Cộng chứ
không phải về phía Cộng Sản Việt Nam, hay nói nôm na là “hễ ai dài hơi hơn thì
người đó sống.” Mà rõ ràng là Trung Cộng lúc nào cũng dài hơi hơn. (10)
2.
Căn cứ vào quyết tâm không chịu rời bỏ chủ nghĩa Cộng Sản của các nhà lãnh đạo
tại Hà Nội để Việt Nam có thể tách rời khỏi ảnh hưởng của Ðảng Cộng Sản Trung
Quốc cùng những lời tuyên bố và hành động của các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam
trong và sau biến cố giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam hồi
Tháng Năm năm 2014 khi họ chỉ coi đây là “chuyện nhỏ,” nên hiểu rằng Cộng Sản
Việt Nam sẽ không bao giờ ngã về phía Mỹ, Nhật Bản và Ấn Ðộ để hy vọng có thể
giữ gìn độc lập và toàn vẹn lãnh thổ như mọi người ngày đêm vẫn cứ tơ tưởng.
(11) Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Ðộ cũng không cần phải cho tiền, tặng vũ khí cho
Cộng Sản Việt Nam chống đánh Cộng Sản Trung Hoa làm chi cho uổng công và hao
của.
Các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam lúc nào cũng ỡm ờ và lập lờ trong vấn
đề chống hay theo Trung Cộng - phần thì nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế để được
o bế và cho không món này, món nọ, phần thì để xoa dịu đồng bào trong nước cho
bớt đi sức đòi hỏi và chống đối - dù trong bối cảnh cảnh tổ quốc lâm nguy, làm
cho các nhà lãnh đạo thế giới từ Barack Obama (cùng John Kerry) cho đến Shinzo
Abe và Narendra Modi phải lăng xăng, lính quýnh, và làm cho toàn thể dân tộc
Việt Nam bị trị cứ phải mừng hụt hoài. Thật là: “Người khôn ăn nói nửa chừng...”
đúng y như câu ca dao thâm thúy của Việt Nam tự nghìn xưa từng nói
vậy.
Ghi chú:
(1) Hoa Kỳ, và cả Nhật Bản cũng như Ấn
Ðộ, đang ở trong một vị thế rất lúng túng khi muốn ngăn chặn Trung Cộng xâm
chiếm toàn bộ Biển Nam Hoa, bởi vì nếu muốn làm như thế thì hai nước ở phía Tây
và phía Ðông quay mặt vào vùng biển này, tức Cộng Sản Việt Nam và Phi Luật Tân,
phải ở cùng chiến tuyến với họ. Trong khi đó, trên thục tế, Mỹ, Nhật và Ấn chỉ
có được Phi Luật Tân, nước có một quân đội chẳng mạnh mẽ gì, là đồng minh quân
sự trong khi Cộng Sản Việt Nam, từ trước tới nay, chưa hề là đồng minh của Mỹ,
Nhật hay Ấn, ngoài điều may mắn duy nhất là Cộng Sản Việt Nam ngày nay đã thôi
không còn coi Hoa Kỳ là “kẻ thù của nhân dân ta” nữa, mặc dù Hoa Kỳ từ trước tới
nay vẫn vậy, chứ có khác gì đâu. Tình trạng này càng làm tăng thêm giá trị vô
song của Việt Nam Cộng Hòa xưa cũ đối với Hoa Kỳ và các đồng minh Á Châu-Thái
Bình Dương của họ. Nhưng chính Hoa Kỳ, chứ chẳng ai khác, đã tự mình để mất đi
“quân cờ” Việt Nam Cộng Hòa từ hồi 1975 đến nay rồi, giờ đây Hoa Kỳ lấy cái gì
mà đánh đấm nữa trên ván bài “chuyển trục về Á Châu” (“Pivot/Rebalancing to
Asia”) của mình?
(2) Không gì trớ trêu hơn là sự thể, chỉ sau hơn 2 thập niên
khi Liên Bang Xô Viết và Cộng Sản Ðông Âu sụp đổ - kéo theo sự sụp đổ của “liên
minh ma quỷ Nga-Hoa” và nước Nga dân chủ dưới quyền Tổng Thống Boris Yeltsin
đang trên đường trở thành một “đồng minh” của Mỹ và các nước dân chủ, tự do
khác, nước Nga ngày nay của Tổng Thống Vladimir Putin, với lề lối cai trị chẳng
khác gì của một tổng bí thư đảng cộng sản, đang biến Hoa Kỳ trở lại thành kẻ thù
của mình, đồng thời còn quyết tâm phục hồi cái “liên minh ma quỷ Nga-Hoa” trước
đây - qua việc Nga chấp nhận bán khí đốt và vũ khí tối tấn - cỡ máy bay chiến
đấu SU-35 và hỏa tiễn phòng không S-400 cho Trung Cộng mà không còn sợ sệt gì
cho an ninh biên giới của mình nữa- để chống lại Hoa Kỳ và Âu Châu. Chiến lược
“Trợ Tàu, diệt Nga” của Tổng Thống Nixon và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Kissinger
nhằm đánh sụp cái “liên minh ma quỷ Nga- Hoa” nay đã trở thành công dã tràng xe
cát.
(3) Hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới, Nhật Bản, chứ không phải
Cộng Sản Việt Nam, rất có nguy cơ bị Trung Cộng đánh trước nay mai vì mối thù
truyền kiếp giữa 2 cường quốc Á Châu này, nhất là vì cái nhục mà nước Trung Hoa
vào thời trước khi cộng sản nắm quyền tại lục địa (1949) phải hứng chịu dưới bàn
tay quân phiệt Nhật, từ vụ Quân Ðội Thiên Hoàng Nhật tấn công vào Lư Cầu Kiều
cho tới vụ tàn sát hằng chục nghìn dân Trung Hoa ở Nam Kinh (The Nanking
Massacre) - mà thế giới vẫn ưa gọi là Vụ Cưỡng Hiếp Nam Kinh (The Rape of
Nanking)- trong 2 năm 1937 và 1938. Giới lãnh đạo Trung Cộng đã không giấu giếm
ý đồ muốn rửa hận bằng một trận huyết chiến máu chảy thành sông, xương chất
thành núi với Nhật Bản, chỉ ngặt một điều là Chú Sam hiện vẫn còn hùng mạnh và
đang có hiệp ước an ninh chung với xứ Phù Tang nên Trung Cộng đành nghiến răng
kèn kẹt mà nuốt giận. Nếu một mai Hoa Kỳ suy yếu và co cụm lại thì Nhật Bản sẽ
biết tay Trung Cộng ngay. Ngày 22 Tháng Chạp năm 2014, thông tấn xã Kyodo của
Nhật loan tin Trung Cộng đang ráo riết xây dựng một căn cứ quân sự lớn ngoài
khơi tỉnh Chiết Giang gần quần đảo Diaoyu Dao (Ðiếu Ngư) - mà Nhật gọi là quần
đảo Senkaku- nơi Trung Cộng và Nhật Bản vẫn tranh chấp chủ quyền dằng dai. Nguồn
tin thông tấn xã AFP hôm 29 Tháng Giêng năm 2015 cho hay Quân Giải Phóng Nhân
Dân Trung Quốc đã khởi đầu một loạt các cuộc tập tận trên bộ, trên không và trên
biển nhằm “cải thiện khả năng chiến đấu” của các lực lượng võ trang của họ để
giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh cục bộ (local wars).” Rõ ràng là
Trung Cộng đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự quyết liệt với
Nhật Bản trong vùng Biển Hoa Ðông, chưa cần tính tới các nước nhỏ trong vùng
Biển Nam Hoa.
(4) Một bài báo của Michelle FlorCruz trên tờ International
Business Times, ngày 29 Tháng Giêng năm 2015, cho biết Hoa Kỳ tuyên bố cần đến
sự trợ giúp của các máy bay tuần thám Nhật trên Biển Nam Hoa nhằm theo dõi cuộc
tranh chấp lãnh hải đang gây căng thẳng giữa Trung Cộng và các quốc gia Ðông Nam
Á. Hoa Kỳ, Ấn Ðộ, Nhật Bản và các quốc gia Ðông Nam Á ngày nay càng lo lắng về
chủ nghĩa bành trướng bá quyền của Trung Cộng tại Biển Nam Hoa chừng nào thì
việc Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa vào tay cộng sản hồi thập niên 1970 trong
thế kỷ trước càng trở nên một lỗi lầm chiến lược tày trời của Quốc Hội Hoa Kỳ
thời đó.
(5) Theo tài liệu “Hải Chiến Hoàng Sa” của Wikipedia tiếng Việt, hồi
năm 1970, Ðô Ðốc Elmo Zumwalt, tham mưu trưởng Hải Quân Hoa Kỳ, đã họp báo tuyên
bố tại Guam rằng Hoàng Sa và Trường Sa không nằm trong chiến lược triển khai các
hải đảo tiền đồn của Ðệ Thất Hạm Ðội Hoa Kỳ. Theo nhận định của Hải Quân Việt
Nam Cộng Hòa thì đây là sự kiện trao đổi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và là nguy
cơ cho Việt Nam Cộng Hòa trong việc bảo vệ Hoàng Sa. Nếu vậy, việc Hoa Kỳ làm
ngơ cho Trung Cộng chiếm Hoàng Sa là chủ trương đã có từ lâu (1970) của (Hải
Quân) Hoa Kỳ - nhằm tránh những cuộc đụng độ không cần thiết giữa lực lượng Mỹ
và lực lượng các quốc gia đang lăm le tranh đoạt những hòn đảo và bãi đá thuộc
Quần Ðảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó, ngoài Việt Nam Cộng Hòa, còn có Cộng
Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng) và Trung Hoa Dân Quốc (Ðài Loan) trong số
các nước khác - chứ không phải là cuộc trao đổi quyền lợi giữa Nixon và Chu Ân
Lai sau này, bởi vì chính sách “ngoại giao bóng bàn” giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng
chỉ khởi sự từ hồi Tháng Tư năm 1971, và 1 năm sau đó, tức Tháng Hai năm 1972,
mới diễn ra cuộc viếng thăm lịch sử (nhưng tai hại) của Tổng Thống Hoa Kỳ
Richard Nixon đến Bắc Kinh.
(6) Theo Thông Tấn Xã Australian Associated
Press, Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ Quan NSA của Mỹ, đã tiết lộ với tạp chí
Ðức Der Spiegel rằng Trung Cộng đã đánh cắp được bản vẽ máy bay F-35 Lightning
II từ công ty Lockheed Martin, nhà thầu chế tạo phi cơ này, hồi năm 2007, rồi
dùng các chi tiết lấy được đó để chế tạo ra các chiếc Chengdu J-20 và Shenyang
J-31.
(7) Tại cuộc hội thảo về “Quan Hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: 20 năm thành công
hơn nữa” (“Vietnam-United States: 20 more successful years”) do Học Viện Ngoại
Giao Việt Nam, Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Trị Quốc
Tế của Hoa Kỳ và Ðại Học Portland của Hoa Kỳ phối hợp tổ chức ở Hà Nội vào ngày
26 Tháng Giêng năm 2015, Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Cộng Sản Việt Nam, ông Ted Osius, có
tuyên bố rằng “Hoa Kỳ mong muốn giúp Việt Nam trở thành một quốc gia lớn mạnh,
giàu có và độc lập.” Hai nhân vật khác cũng lạc quan không kém về mối quan hệ
giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là Murray Hiabert và Phương Nguyễn thuộc Trung Tâm
Nghiên Cứu Chính Trị Quốc Tế, đồng tác giả bài báo nhan đề “An Assertive China
Opens the Door to Closer US-Vietnam Naval Ties,” tức “Một Nước Trung Hoa Hùng Hổ
Ðưa Ðến Mối Quan Hệ Hải Quân Mỹ-Việt,” cho rằng nhờ Trung Cộng quá hung dữ nên
Cộng Sản Việt Nam phải hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. Cũng nhờ lạc quan, hồi năm
ngoái, Hoa Kỳ đã bãi bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, mở
đường cho các nhà buôn vũ khí Mỹ bán ra các máy bay, chiến hạm và súng ống tân
tiến cho kẻ thù cũ của mình tại Ðông Nam Á mà không chút e dè rằng đây có thể là
một con dao 2 lưỡi nếu nghĩ tới các bí mật về vũ khí của Hoa Kỳ từng được sang
tay cho Trung Cộng qua ngã 2 đồng minh thân thiết của Mỹ (thời Chiến Tranh Lạnh)
nhưng cũng có quan hệ này nọ với Trung Cộng, là Pakistan và Ðài Loan (Trung Hoa
Dân Quốc xưa).
(8) Trái với tính toán của các chiến lược gia lỗi lạc của Hoa
Kỳ trong mưu đồ cung cấp một nền giáo dục siêu đẳng để thâu tóm tinh hoa quốc
tế, một số không nhỏ các khoa học gia ưu hạng gốc Trung Hoa, từng được đào tạo
chuyên môn hoàn hảo tại các học viện kỹ thuật lừng lẫy của Hoa Kỳ, đã chọn con
đường về nước cũ để phục vụ nhằm sớm đưa đất nước họ tiến lên địa vị siêu cường
trên thế giới, bởi vì, bên trong mỗi một người Trung Hoa, luôn tiềm ẩn giấc mộng
Ðại Hán, coi Trung Hoa là trung tâm hội tụ những gì là tinh hoa của thế giới.
Việc các khoa học gia Mỹ gốc Trung Quốc ưa đánh cắp các bí mật của Mỹ trong lãnh
vực kinh tế (trường hợp ông Kexue Huang hồi năm 2011) và quân sự (trường hợp của
kỹ sư Chi Mak hồi năm 2005) để trao cho Trung Cộng và sự thể một số tướng lãnh
đồng minh Ðài Loan của Mỹ đánh cắp bí mật quân sự và vũ khí rồi giao cho Trung
Cộng (trường hợp các Tướng La Hiền Triết hồi năm 2011 và Hứa Nãi Quyền hồi năm
2015) đã chứng minh rằng người Trung Hoa có tinh thần dân tộc (Ðại Hán) cao hơn
bất cứ giống người nào khác trên thế giới.
(9) Từ đầu thế kỷ 21 tới nay, Hoa
Kỳ luôn tránh né chuyện đụng độ với Trung Cộng vì quyền lợi kinh tế chằng chịt
của các tập đoàn tư bản Mỹ (chuyên giật dây các nhà lãnh đạo ở Washington) cũng
có mà vì tâm lý “dại gì lại đem chén kiểu đổi chén sành” cũng có. Hồi Tháng Tư
năm 2001, lúc Tổng Thống George W. Bush mới lên cầm quyền, vị tổng thống thuộc
loại “cao-bồi Texas” này cũng không dám dùng hải và không quân phong tỏa đảo Hải
Nam (như người ta cứ tưởng thế) để lấy lại chiếc máy bay thám thính đã bị Trung
Cộng cưỡng ép hạ cánh xuống đảo này vì bị coi là đã xâm phạm không phận Trung
Cộng trong một chuyến bay do thám. Trung Cộng bắt được chiếc phi cơ đó, một
chiếc EP-3E ARIES II, và đã lấy đi nhiều bí mật quân sự cũng như tháo gỡ một số
máy móc kỹ thuật trên chiếc phi cơ trước khi đem trả “cái xác không hồn” này về
cho Mỹ. Cũng thế, trong vụ Iran tịch thu chiếc máy bay drone của Hoa Kỳ, một
chiếc RQ-170 Sentinel, lạc đường bay qua biên giới nước này, hồi Tháng Chạp năm
2011, thời Tổng Thống Barack Obama, Mỹ đâu có dám hành quân lấy lại chiếc máy
bay này. Iran đã kéo chiếc máy bay đó về một nơi thanh vắng và mời các chuyên
gia quân sự háo hức của Nga và Trung Cộng đến phanh thây, xẻ thịt chiếc máy bay
để ăn cắp kỹ thuật, rồi mỗi nước từ đó chế tạo ra những chiếc drone giống hệt
như chiếc máy bay đáng thương đó của Mỹ. Giới lãnh đạo đa mưu, túc trí Bắc Kinh,
chứ không phải Mạc Tư Khoa, đã ngồi quan sát rất kỹ phản ứng của Hoa Kỳ qua 2 vụ
này để có thể đi các nước cờ kế tiếp. Các quốc gia Trung Cộng, Nga và Iran -
không chừng còn có cả Bắc Hàn nữa - những kẻ ưa thách thức Hoa Kỳ, đều bắt mạch
thấy Hoa Kỳ bây giờ cũng vẫn chỉ là một “con cọp giấy,” coi bộ còn tệ hơn thời
Chiến Tranh Lạnh ngày nào nữa, bởi vì ngày nay quyền lợi to lớn của các đại công
ty Mỹ luôn trói tay các chính quyền liên tiếp ở Washington không cho đụng tới
Trung Cộng, trong khi các khoản chiến phí khổng lồ lại làm cho Mỹ phải nghĩ đi,
nghĩ lại, nếu không nói là ngán ngẩm, trước viễn tượng phải lâm chiến với các
nước khác như Nga hoặc Iran hoặc Bắc Hàn.
(10) Ðiều mỉa mai là sự tồn tại của
chế độ Cộng Sản tại Việt Nam chỉ dựa vào cái “không biết” và cái “biết” của
chính người dân Việt Nam. Trước năm 1975, vì “không biết” chủ nghĩa Cộng Sản là
tồi tệ, đa số dân chúng ở Việt Nam - kéo theo giới phản chiến tại Mỹ và các nước
Âu Châu - đã đi theo hoặc hùa theo Cộng Sản để dẫn đến chiến thắng cuối cùng của
họ tại Miền Nam Tự Do vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Sau năm 1975, chính vì
“biết” rằng Cộng Sản Việt Nam sẽ tồn tại lâu dài nếu họ cứ bám riết theo đàn anh
Trung Cộng, một số người Việt Nam, ở trong nước cũng như ở hải ngoại, bằng cách
này hay cách khác, vẫn tiếp tục ủng hộ chính quyền Hà Nội. Tuy nhiên, điều này
sẽ không còn đứng vững được nữa một khi nền kinh tế Trung Cộng sụp đổ - kéo theo
xuống vực sâu giấc mộng tranh bá, đồ vương của Trung Cộng - theo như sự tính
toán của một số kinh tế gia quốc tế hiện nay.
(11) Nếu Cộng Sản Việt Nam chịu
từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản để đi theo con đường dân chủ đa nguyên, đa đảng thì
Việt Nam sẽ không cần gì đến Trung Cộng. Nhưng nếu Cộng Sản Việt Nam vẫn cứ khư
khư giữ lấy chế độ độc tài, đảng trị Cộng Sản (như họ đang làm hiện nay) thì
đương nhiên là họ phải bám riết theo Trung Cộng để được che chở mà sống còn,
thay vì chạy theo Mỹ để rồi cứ bị siêu cường này áp lực phải chuyển sang con
đường tự do, dân chủ phóng khoáng mà họ cho là hay nhất (như họ đã từng làm đối
với Miền Nam Việt Nam thời Ðệ Nhất Cộng Hòa dưới quyền của Tổng Thống Ngô Ðình
Diệm, để rồi Việt Nam Cộng Hòa suy yếu rồi mất luôn vào tay Cộng
Sản).
No comments:
Post a Comment