Monday, August 19, 2013

Ngày Mai Em Đi Lấy Chồng


(Tựa đề “Ngày Mai Em Đi Lấy Chồng” là tạm dịch từ ca khúc: “Demain tu te maries” Patricia Carli 1963.)

  Cuộc đời hưu trí giống như nước sông chẩy ngược dòng!

Buổi sáng dậy sớm khi mặt trời còn ngái ngủ, pha ly cà phê thơm, tôi ngồi bên cửa sổ trông ra khu vườn nhỏ rồi để tâm hồn lắng đọng giữa không gian tranh tối tranh sáng đầu ngày...

Giờ phút này thật tuyệt vời, chẳng còn phải vội vã chạy theo công việc. Thời đại internet nên mọi chuyện đều sẵn trong tầm tay: trả lời thư, tìm tin tức, đọc truyện ngắn, truyện dài... Tuổi già mất hẳn tương lai và dòng đời chỉ còn là khúc sông cuối nguồn chẩy ngược dòng bởi thế tôi thường hay bị cuốn trôi ngược về quá khứ...

Tình cờ sáng nay đọc đoản văn cũ “Lạc Đường Vào Văn Chương” của Trùng Dương. Hồi ký ấy có đoạn kể lại mối tình đầu của nhà văn với chàng sinh viên y khoa du học tại Bordeaux, một tỉnh nước Pháp bên bờ Đại Tây Dương đã làm tôi ngậm ngùi nhớ lại thập niên 60 thuở mới vào đời. “Người tình” ấy là bác sĩ Đặng Quốc Cường đã sớm qua đời ở tuổi 55 ví như câu thơ trong Kiều: “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau...”.

Tôi với Cường đến Bordeaux năm 1964. Hai anh em thuê chung một phòng ở ngay trung tâm thành phố. Gia đình Cường thuộc thành phần khá giả nên chàng sang Pháp du học khi đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Y khoa Saigon. Gia đình Thái (tên thật của văn sĩ Trùng Dương sau này) tự thuật theo hồi ký: “Bố mẹ đông con nhưng thất cơ lỡ vận nên khi học trường Gia Long, nàng vỏn vẹn chỉ có hai áo dài trắng và một áo mầu xanh dương đồng phục của trường. Mắt cận thị mà mãi khi lên đệ tam trung học mới xin được người anh tiền để làm kính”.

Cường là một thanh niên đẹp trai, hiện đại từ mái tóc đến cách phục sức, vóc dáng thanh lịch gần với hình ảnh Anthony Perkins thuở xưa. Số chàng đào hoa và bảo đảm không đồng tính luyến ái như Perkins. Dạo sau này, xem ca sĩ Lương Tùng Quang trình diễn trong Thúy Nga Paris, tôi ngỡ ngàng tưởng như thấy bạn tôi đứng trước mặt vì hai người giống nhau như khuôn đúc... Cũng khuôn mặt ấy, đôi mắt long lanh, nụ cười rộng khoe hàm răng đều như bắp mà phái nữ thường hay bị cám dỗ.

Trong truyện “Mưa Không Ướt Đất”, Trùng Dương gói gém chân dung cuộc tình vào hai nhân vật Cương và Thư: “Như hai thái cực, không hiểu vì sao họ có thể yêu nhau? Cương yếu ớt, hơi giống con gái nên nhiều lúc anh phải tỏ ra nét trầm tĩnh. Cương thiếu tính nóng nẩy của đàn ông thực sự. Ngược lại tính nết Thư cứng cỏi, bề ngoài lạnh nhạt mặc dù có những đường nét dịu dàng trên khuôn mặt và thân hình...”

Rời quê hương du học, Cường miễn cưỡng bỏ lại Thái bơ vơ với mối tình đầu mà chỉ những lá thư gởi đi, gởi về nối liền hai tâm sự... Buổi chiều cuối tuần sau giờ học, tôi thường thấy Cường thức khuya, mải mê viết những bức thư dài để gởi đi vào ngày thứ hai đầu tuần. Bề ngoài sẵn phong cách hào hoa, khi cầm bút thì lời văn chữ viết cũng hữu tình đẹp nét, tôi chỉ biết khen mà không thể chê Cường ở một điểm nào dù rất nhỏ. Chúng tôi thương nhau như anh em và đây là một trong vài tình bạn đẹp nhất của tôi.

Thời gian ấy, hai đứa như hình với bóng. Những chiều thả bộ vừa đi vừa trò chuyện trên con đường đến quán cơm sinh viên. Xong bữa, hai đứa về học, hôm nào nhớ mong thì lại viết thư tình... Đôi khi, Cường cho tôi đọc thư của Thái. Tôi thích văn chương nàng vì nổi bật chất nghệ sĩ bất cần đời! Cường giới thiệu tôi với Thái và có lần hai đứa cùng nhận được thơ nàng rồi mỗi người một góc say sưa yên lặng đọc... 
Chúng tôi san sẻ cuộc sống và tình yêu thầm kín trong những năm tháng xa nhà và ngẫu nhiên tôi trở thành chứng nhân khi tình yêu của hai người tan vỡ... Ở xa, Thái không hiểu tại sao lại nhận được đĩa hát 45 “tour” của Cường gởi về từ Bordeaux? Trong hồi ký ấy có đoạn như sau: “Người tình đầu của tôi được bố mẹ lo cho đi Pháp học vì lúc ấy chiến tranh đã bắt đầu với sự ra đời của Mặt Trận Giảỉ Phóng Miền Nam. Từ Bordeaux, anh gửi về tặng tôi đĩa hát 45-tour bài Demain tu te maries”. Đó là thông điệp của Cường gởi về Thái trong một hoàn cảnh bắt buộc. Bài hát trình bầy bởi Patricia Carli năm 1963, tôi xin tạm dịch: “Ngày mai em đi lấy chồng”.

Năm 1966, hai đứa chúng tôi phải thi phần hai vào cuối niên học nên ở lại Bordeaux không đi nghỉ hè. Cường quen với Catherine, cô đầm có mái tóc nâu, hiền lành chất phác mà ai gặp lần đầu cũng dễ dàng tin yêu. Catherine làm y tá cho một bệnh viện ở thành phố nhưng tâm hồn và dáng dấp vẫn mang theo chút hương đồng cỏ nội miền quê ngoại.

Bố mẹ cô sống ở nông trại của gia tộc gần Angoulême, cách Bordeaux hơn 100 km về hướng Bắc. Nơi đây mỗi buổi sáng rộn ràng tiếng gà gáy và hoa dại mọc hoang vu đến tận chân trời. Thửa đất mênh mông ấy có vô số cây sim chín leo trên hàng dậu và những cây táo đỏ mọc khắp nơi. Một nơi lý tưởng để cậu sinh viên Cường về đây yên tĩnh học hành vì khí hậu mùa hè giữa lòng đô thị rất nóng nực. Theo lời mời của Catherine, Cường rủ Quân về quê cùng học thi vì hai người chung khoá. Riêng tôi, ở lại Bordeaux một mình trong căn gác trọ.

Thế nhưng câu chuyện của họ không êm đềm như cảnh quê thanh tịnh. Dưới bóng cây táo đỏ hàng ngày Cường mang bài vở ra ngồi học, Catherine sắp xếp hai buổi phục vụ đồ ăn thức uống cho chàng. Trưa hè, có những lúc hai người nằm trên thảm cỏ, vờn quanh chỉ thấy những chú sóc chạy nhẩy và hoa dại nở rộ khắp nơi. Thế rồi một chiều nào... đam mê không chờ đợi nhưng phải đến đã đến!

Cuối hè gần ngày thi, Catherine cho Cường biết đã mang thai và bố nàng muốn gặp để hỏi han sự tình. Chàng thoái thác đến sau ngày thi. Mấy tháng hè yên ổn ở miền quê, được gia đình Catherine nuôi dưỡng từng ngày chàng chỉ biết ăn học nên kết quả kỳ thi mỹ mãn toàn phần.

Vui mừng vì đã đỗ đạt, Cường họp những đứa bạn thân để lo đối phó với chuyện tình duyên. Câu hỏi đặt ra là phải trả lời ông bố tương lai ra sao về chuyện lấy hay không lấy Catherine làm vợ? Nếu cưới, chuyển ngân có thể sẽ bị cắt và chàng phải bỏ học! Cường, Quân, Hùng và tôi, bốn người quanh bàn tròn không chút kinh nghiệm về việc hệ trọng này nên lo lắng cho Cường. Cuối cùng, cả đám đồng phát biểu một ý kiến chung là nhất quyết phải từ chối lễ thành hôn để hạ hồi phân giải vì gia đình ở xa, tiền bạc không có mà ưu tiên là việc học vào lúc này.

Theo lời mời, bốn đứa chúng tôi như một phái đoàn, quần áo chỉnh tề đến gặp bố của Catherine... Từ dạo mới lớn, chưa lần nào chúng tôi sống không khí căng thẳng như trưa ngày hôm ấy! Ở tuổi đôi mươi, sống bên nhau với tình bạn nhiệt thành nên mọi người cùng tình nguyện theo Cường để yểm trợ và truyền sức mạnh... Đi gặp gia đình vợ tương lai mà phái đoàn mang bộ mặt thi cử vấn đáp mặc dù câu hỏi và lời giải đã thuộc nằm lòng... Ai cũng hiểu “con đường đến La mã” chỉ còn “lối mòn” duy nhất là chuyến đi này nên phải “cố thủ” bằng mọi cách.

Đến nơi, chúng tôi ngồi vào hai hàng ghế trong căn bếp rộng. Lát sau, vì có tật ở chân, bố Catherine chống nạng khập khễnh bước ra. Khuôn mặt gầy gò bộc lộ sự thản nhiên cố ý làm cho cuộc gặp gỡ mang vẻ bình thường. Từ tốn, ông bắt tay mọi người với nụ cười trên môi. Chúng tôi ngạc nhiên về cử chỉ ân cần nên đâm ra luống cuống bởi trước khi đến đây, ai cũng tưởng tượng sẽ gặp bộ mặt giận dữ và buồn khổ của ông.

Sau giây phút ban đầu, ông mời chúng tôi cà phê và rượu mạnh theo tục lệ Âu châu. Tôi thấy Cường rút bao thuốc Pall Mall hút không ngừng, có lẽ để tay chân và đầu óc bớt căng thẳng khi sắp phải đối diện với phần vấn đáp mà chàng biết câu trả lời sẽ đầy thất vọng. Bên này là trách nhiệm, bên kia là bổn phận đối với quê hương, gia đình và người yêu đang đặt hết tin yêu nơi chàng.

Khi bố Catherine cất tiếng, cả gian nhà đột nhiên im lặng. Lời ông ôn tồn như đang tâm sự với những người thân. Giọng ông kẻ cả và không một ẩn ý trách móc nào nên mọi người cảm thấy yên ổn. Chúng tôi ngồi bên nhau, có đứa rụt rè nhìn xuống tìm sự bình tâm thanh thản, có đứa nhìn lên mong ước một điều gì. Catherine đăm chiêu hướng về phía chân trời ngoài đồng cỏ như tự hỏi cuộc tình này... sẽ ra sao ngày mai?

Giữ sự thân thiện, ông quay sang phía Cường trình bầy mục đích của buổi họp:

- Mon cher Cường! Tôi không giận vì tình yêu chẳng bao giờ là điều đáng trách nhưng anh cần tự hỏi ngay lúc này xem có thật lòng yêu Catherine? Anh không bắt buộc cưới con tôi chỉ vì cái thai sắp ra đời! Chúng tôi sẵn sàng lãnh trách nhiệm ấy vì là mẹ và ông bà ngoại.

Thiết nghĩ, tình yêu cũng sinh ra và lớn lên vì thế chúng ta hãy để nó tự do cảm nhận và chọn lựa. Từ đó, theo thời gian nó sẽ dễ dàng khôn lớn còn ngược lại, không sớm thì muộn tình yêu ấy sẽ thành bãi chiến trường. Chẳng ai đi tìm hạnh phúc trong chiến tranh, anh đồng ý?

Người con gái khi trao thân thường phải có mối tình dẫn dắt nên tôi biết Catherine yêu anh nhưng... tình đơn phương như người đứng một chân sẽ không bao giờ vững như tôi đang chống nạng đứng đây!

Một lần nữa, tôi tha thiết xin anh đối diện với chính mình và tự hỏi lòng? Chúng tôi chỉ nhận lời anh cầu hôn nếu tình yêu của anh đối với Catherine là chân thật. Ngược lại, anh cứ thản nhiên ra về sau buổi họp này vì chúng tôi tin là bất cứ sự ép buộc nào để giải quyết một cách bất đắc dĩ chuyện tình của con gái tôi với anh là... sai đường lối.

Khi ông vừa dứt lời, Cường bàng hoàng như bị lạc đề thi. Theo dự tính, chàng chờ ông bố nói vào để chàng nói ra, chẳng ngờ giây phút cuối thế cờ ấy lại chao đảo... Tất cả những tính toán vô tình như nước chẩy hoa trôi. Nét mặt chàng xúc động về bài phát biểu đầy nhân cách. Quan trọng hơn cả là chàng không có “tội” và hoàn toàn tự do quyết định số phận mình. Nỗi lo âu canh cánh từ bấy lâu nay bỗng nhiên đã lọt vòng cương tỏa và chàng sẽ chẳng cần phải báo cho bố mẹ và người yêu cái tin động trời này!

Trong niềm “hân hoan” tưởng tượng ấy, chàng quay về phía các bạn để tìm hiểu nhưng thấy mọi người ngơ ngác như đàn nai. Bỗng nhiên, chàng thấy rộn ràng cảm động với ý nghĩ cao thượng và trong khoảnh khắc, thấy mình không thể phụ tình! Cường buông thõng câu kết để đáp lễ mà không ý thức được từ đâu đến... có thể tự đáy lòng phát ra mà chính chàng không hay:

- Oui! Jaime Catherine (Dạ! Tôi yêu Catherine).

Ra về trong băn khoăn. Chúng tôi yên lặng, chẳng ai nói một lời, có lẽ lời nào bây giờ cũng thành vô nghĩa? Tôi cảm phục bố Catherine về lối suy nghĩ và cách đối xử lạc quan. Ông như một thiền sư thấm nhuần sức mạnh của “chân không”, dựa vào tình thương để xoa dịu những khổ đau nên bao vấn đề dù nan giải cũng bay đi nhẹ nhàng.

Tháng sau ở Bordeaux, đi bên nhau thơ thẩn giữa phố xá đông người, tôi thấy Cường mua đĩa hát “Demain tu te maries”. Đã tưởng vì ca sĩ hát hay nhưng tình cờ đọc hồi ký của Trùng Dương, tôi mới hiểu chàng mua để gởi về một người như món quà mang sẵn thông điệp trong lời ca...

Cường thành hôn với Catherine một năm sau đó. Vợ nuôi chàng ăn học, trở thành bác sĩ y khoa ở Đại học Bordeaux và làm việc trong chức vụ Medecin des Hospitaux, Chef de Service du Centre Hospitalier de Dinan bởi nghị định 3 octobre 1994 của chính phủ Pháp. Cường đã sống đời hạnh phúc bên vợ con trước khi từ giã cõi tạm này bởi chứng bệnh ung thư.

Ở Saigon, đúng một năm sau, văn sĩ Trùng Dương “lạc đường vào văn chương” với tác phẩm đầu tay: “Mưa Không Ướt Đất” cũng là một thông điệp nối tiếp cho bài hát buồn “Demain tu te maries”. Kể từ đó, Trùng Dương như một ngôi sao lạ trên vòm trời văn học ở miền Nam Việt Nam trước 1975.

Tôi vừa kể câu chuyện thật đằng sau một cuộc tình. Xa mặt thường có những rủi ro đi đến... cách lòng! Buồn vì lỡ làng nhưng phải chăng đường nhân duyên và định mệnh của con người đã có sẵn khi vào đời? Tin như thế, sẽ giúp chúng ta chấp nhận số phận nếu không may gặp trắc trở trong tình trường...

Cao Đắc Vinh

No comments:

Post a Comment