...Obama chưa hiểu rõ vấn đề đã mau mắn lên tiếng ca tụng anh da đen...
Một đêm tháng Hai năm 2012, một thanh niên da đen đi về nhà người quen anh đang tạm trú, bị một thanh niên da trắng gốc Nam Mỹ là nhân viên an ninh khu vực nghi ngờ, theo dõi. Mấy phút sau, hai anh đánh nhau, anh da trắng rút súng ra bắn chết anh da đen tại chỗ. Hơn một năm sau, vụ án ra tòa và anh nhân viên an ninh được tuyên bố trắng án.
Vụ án gây sôi nổi dư luận Mỹ. Dĩ nhiên khối dân da đen phản đối cho đây là bằng chứng công lý Mỹ vẫn kỳ thị da đen, da trắng giết da đen không có tội. Họ cũng tố cáo anh Zimmerman kỳ thị vì thấy anh Martin là da đen nên nghi ngờ là kẻ gian và theo dõi, chứ nếu anh Martin là da trắng, thì anh Zimmerman đã không theo dõi. Khối dân da trắng hoan hô công lý đã được thi hành vì anh nhân viên an ninh chỉ tự bảo vệ.
Một cách tổng quát mặc dù lằn ranh không rõ ràng lắm, phe Dân Chủ cấp tiến ủng hộ khối da đen, phe bảo thủ da trắng ủng hộ anh gốc Nam Mỹ. Vấn đề thật ra không giản dị như vậy. Không giản dị ở điểm có rất nhiều khúc mắc trong nội tình câu chuyện, và không giản dị vì bối cảnh xã hội và chính trị Mỹ.
Trước hết, ta thử nhìn vào câu chuyện. Tại thành phố Sanford, gần Orlando, miền trung tiểu bang Florida, một thanh niên da đen tên là Trayvon Martin, 17 tuổi, đi chơi về khuya, anh mặc áo lạnh có mũ chụp lên đầu, che kín đầu cổ, gọi là hooded sweatshirt. Loại áo thanh niên da đen ưa chuộng. Một thanh niên da trắng gốc Peru tên là George Zimmerman, 29 tuổi, là nhân viên tình nguyện giữ an ninh cho khu phố, có giấy phép mang súng, đi tuần bằng xe hơi.
Anh Zimmerman nghi ngờ anh Martin là thành phần bất hảo, gọi điện về tổng đài cảnh sát, tổng đài khuyên anh nên theo dõi, nhưng ngồi trong xe thôi. Anh Zimmerman theo dõi một lúc, sốt ruột, xuống xe đi theo anh Martin. Một lát sau, hai bên đụng độ, đánh nhau. Dân trong khu phố nghe có tiếng la cầu cứu, rồi súng nổ. Cảnh sát được gọi, đến nơi thấy anh Martin đã bị bắn chết, and Zimmerman thì chẩy máu mũi và có nhiều vết thương sau đầu, chảy máu và xưng to. Zimmerman khai khi đang theo dõi thì bị anh Martin quay lại hỏi tại sao theo dõi. Lời qua tiếng lại, anh Martin xông đánh anh Zimmerman, vật xuống đường đấm liên tục vào mũi và đập đầu xuống lề đường. Zimmerman kêu cứu nhưng không ai đến cứu, bất đắc dĩ rút súng ra tự vệ, bắn một phát vào ngực anh Martin chết tại chỗ. Cảnh sát lấy cung, không bắt anh Zimmerman, vì nhận định đây là trường hợp tự vệ chính đáng, cho về và tiếp tục điều tra.
Dư luận báo chí làm to chuyện, tố cáo cảnh sát kỳ thị, các chính khách cấp tiến, Dân Chủ và da đen tiếp tay khua chiêng gõ trống làm rùm beng. Trước áp lực của dư luận, cảnh sát trưởng Sanford bị cất chức và anh cảnh sát điều tra câu chuyện bị thuyên chuyển. Tân cảnh sát trưởng mau mắn ra lệnh bắt giam anh Zimmerman và truy tố ra tòa. Anh Trayvon Martin được truyền thông ca tụng, gọi là sinh viên gương mẫu. TT Obama dù chưa biết chuyện gì xẩy ra, cũng nhẩy vào cuộc, ca tụng anh Martin và tuyên bố nếu tôi có con trai, tôi muốn nó sẽ như anh Martin.
Sự thật, anh Martin, là dân cư ngụ ở Miami, đi theo ông bố lên Sanford thăm bà hôn thê mới của ông bố. Ở Miami, đã bị đuổi học ba lần, anh đi Sanford chơi với bố vì lúc đó đã bị đuổi, không đi học. Mấy lần bị cảnh sát bắt, có lần khám trong người thấy có vật dụng mà cảnh sát cho là đồ nghề để đi ăn trộm, có dụng cụ hút ma túy, và có nữ trang đắt tiền mà anh khai là do người quen tặng. Anh George Zimmerman làm nghề bán bảo hiểm trong khi theo học đại học luật, được trường coi như là sinh viên tốt, có điểm cao. Làm nhân viên an ninh buổi tối. Nhưng chuyện cá nhân cũng không phải hoàn hảo. Anh từng đánh nhau với cảnh sát, bị vợ khởi tố tội đánh vợ. Anh có bố gốc Đức, mẹ gốc người Peru da đen.
Có nghiã là anh Zimmermann có ba dòng máu, da trắng, da nâu và da đen, nhưng truyền thông mô tả là “da trắng” không nhắc đến gốc da đen và da nâu. Ra tòa, bồi thẩm đoàn gồm sáu phụ nữ, trong đó có một bà gốc Nam Mỹ, năm bà da trắng. Theo các chuyên gia về luật, công tố viện đã làm nhiều lỗi lầm, truy tố anh Zimmerman về tội cố sát (second-degree murder), mặc dù không có bằng chứng gì. Công tố viên cố gắng mô tả anh Zimmerman như một người hung hiểm, nặng thành kiến kỳ thị da đen, chủ ý muốn giết anh Martin vì cái tội là da đen. Trong khi đó lại không đưa ra được một bằng chứng cụ thể nào.
Trong suốt phiên xử, các chuyên gia đã nhận thấy có nhiều hy vọng anh Zimmerman sẽ trắng án vì những luận cứ buộc tội quá yếu. Bà quan tòa, là người thuộc đảng Dân Chủ, có thành tích là một quan tòa thân thiện với quan điểm cấp tiến, cũng nhận thấy điểm này, nên sau khi hai bên công tố và luật sư bào chữa đã trình bày xong, trước khi bồi thẩm đoàn vào phòng kín luận tội, đã lên tiếng nhắc nhở bồi thẩm đoàn có thể cứu xét trường hợp ngộ sát (manslaughter), chứ không bị giới hạn vào việc luận tội cố sát.
Nói cách khác, bà thấy tội cố sát không vững, nên tìm cách nhắc khéo bồi thẩm đoàn kết tội ngộ sát cũng được. Một hành động nói lên ý định muốn tìm cách kết tội anh Zimmerman. Bồi thẩm đoàn trực diện với yếu tố mới, đã phải yêu cầu bà quan tòa định nghiã rõ ràng thế nào là ngộ sát. Bồi thẩm đoàn sau 16 tiếng đồng hồ thảo luận, đã kết luận anh Zimmerman vô tội, không cố sát mà cũng không ngộ sát.
Theo luật Mỹ, chỉ có tội khi nào có chứng cớ rõ rệt, không còn một chút nghi ngờ nào nữa (beyond any reasonable doubt). Một bà trong bồi thẩm đoàn sau đó đã lên truyền hình tiết lộ một số dữ kiện. Theo bà, thì tất cả các bằng chứng hai bên trình bày đã đưa bồi thẩm đoàn đến kết luận anh Zimmerman đã sai lầm khi xuống xe, đi bộ theo anh Martin, nhưng anh Martin là người đã gây sự đầu tiên, đã đánh anh Zimmerman, đã đập đầu anh này xuống lề đường, đe dọa tính mạng của anh này, và anh Zimmerman là người đã lớn tiếng kêu cứu mà không có ai đáp ứng hết. Theo định nghiã của luật, trường hợp anh Zimmerman là tự vệ chính đáng, mặc dù anh có súng trong khi anh Martin tay không.
Theo lý luận của bồi thẩm đoàn, bị đập đầu xuống lề đường có thể đe dọa tính mạng, bị chết, do đó anh Zimmerman có quyền tự vệ bằng mọi phương tiện để tránh bị đánh đến chết, không phải là ngộ sát hay cố sát. Một chuyên gia cũng xác nhận vết đạn bị bắn từ cách khoảng vài phân, đi xuyên ngực từ dưới lên trên, chứng tỏ anh Zimmerman rút súng bắn từ dưới lên trên khi anh đang bị anh Martin đè dưới đường.
Câu chuyện đến đây coi như chấm dứt trên phương diện luật pháp, nhưng dư âm xã hội chính trị còn cực kỳ nặng nề, chưa kể đến tính mạng anh Zimmerman. Trước toà, luật sư của anh Zimmerman đã khẳng định bất kể phán quyết như thế nào thì số phận anh Zimmerman cũng không khá hơn. Hoặc là đi tù, hoặc là tính mạng sẽ bị đe dọa suốt đời, hay ít nhất cũng cả chục năm nữa.
Ngay sau khi tòa có quyết định, anh Zimmerman và cả gia đình đã phải đi trốn biệt tăm, không ai biết đang ở đâu, trừ luật sư và cảnh sát có trách nhiệm bảo vệ gia đình. Dân da đen bất mãn ra mặt, xách động bởi hàng loạt chính khách da đen như các mục sư Jesse Jackson và Al Sharpton, nổi lên biểu tình trên một số thành phố lớn, phần lớn trong ôn hoà, nhưng cũng vài nơi có bạo động.
Phản ứng này không có gì đáng ngạc nhiên, vì đã xẩy ra rất nhiều lần ở Mỹ trong quá khứ. Mỗi lần da trắng da đen đụng độ với nhau là luôn luôn có bạo động, nếu nạn nhân là dân da đen trong khi thủ phạm là dân da trắng và được tòa không kết tội. Để xoa dịu dư luận, bộ Tư Pháp xác nhận sẽ điều tra xem toà án và anh Zimmerman có “vi phạm nhân quyền” của anh Martin hay không. Ở đây, vấn đề kỳ thị trắng đen đã được chứng minh vẫn còn là một cái gai to lớn trong xã hội Mỹ.
Khi TT Obama tranh cử lần đầu, chính ông, với sự phụ họa của truyền thông cấp tiến, trong sự kỳ vọng của tất cả dân Mỹ, trắng cũng như đen, đã khẳng định việc bầu cho ông sẽ mang nước Mỹ vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của “hậu kỳ thị” tức là không còn kỳ thị nữa. Ngay từ hồi đó, kẻ viết này đã khẳng định đây chỉ là suy nghĩ trong hy vọng hão huyền, một suy nghĩ đến từ sự ước mơ chứ không phải đến từ nhận định thực tế, mà người Mỹ gọi là wishful thinking, nếu không phải là tuyên truyền để được đắc cử.
Trái lại, việc TT Obama đắc cử sẽ chỉ làm trầm trọng hơn vấn đề kỳ thị màu da. Làm sao vấn đề kỳ thị màu da giảm bớt được nếu tiêu chuẩn bầu cử quan trọng nhất chính là màu da. Vấn đề tự nó đã là một mâu thuẫn vĩ đại. Ngay cả TT Obama, từ sau ngày bầu cử, đã mau chóng biến thành tổng thống tạo mâu thuẫn nhiều nhất lịch sử cận đại Mỹ. Trong vấn đề kỳ thị màu da, ông không những đã chẳng làm gì để xoá bỏ lằn ranh trắng đen, mà trái lại đã cố tình đứng hẳn về phiá dân da đen, tự cho mình là dân da đen trong khi thực tế ông là người có hai dòng máu. Chính sách xã hội của ông là một chính sách nâng đỡ dân nghèo, nới rộng tiêu chuẩn an sinh xã hội để hàng triệu người được hưởng đủ mọi quyền lợi như phiếu thực phẩm, trợ cấp medicaid, trợ cấp thất nghiệp, ...
Con số người lãnh phiếu thực phẩm và tiền thất nghiệp đã lên đến những kỷ lục chưa từng thấy trong lịch sử, trong khi dân nhà giàu và trung lưu với lợi tức từ $200.000 trở lên, suốt ngày bị hăm dọa tăng thuế, và bị tô vẽ như những kẻ thù của nhân loại, là thành phần chỉ biết bóc lột dân nghèo. Vô hình chung, cuộc đấu tranh giai cấp tân thời mà TT Obama đã khơi mào cũng mang nặng âm hưởng màu da khi đại đa số dân nghèo được giúp đỡ là dân da màu trong khi đại đa số dân trung lưu và thượng lưu bị TT Obama đe dọa lại là dân da trắng.
Tạo ra cảm tưởng TT Obama áp dụng một chính sách kỳ thị ngược, cũng như đưa đến tình trạng bất mãn lớn trong khối da trắng, đã là một trong những lý do khai sinh ra các phong trào Tea Party. Không những chẳng hoá giải gì vấn đề kỳ thị trắng đen, tệ hơn vậy, trong vụ Trayvon Martin này, TT Obama chưa hiểu rõ vấn đề đã mau mắn lên tiếng ca tụng anh da đen. Làm người ta nhớ lại vụ trước đây có ông giáo sư da đen, Henry Gates, bỏ quên chià khoá nhà, phải cậy cửa vào nhà mình.
Bị hàng xóm báo, cảnh sát da trắng chạy đến, hỏi giấy tờ chứng minh ông giáo sư là chủ nhà, thì ông này kháng cự, còn hống hách hỏi anh cảnh sát có biết ông ta là bạn quen lớn với TT Obama không. Ông giáo sư bị cảnh sát còng tay bắt về bót.
Khi vừa nghe qua câu chuyện, chưa biết trắng đen ra sao, TT Obama đã mau mắn sỉ vả cảnh sát Mỹ trắng là “ngu xuẩn” ngay. Sau đó thấy mình hố nặng, bèn tổ chức mời ông giáo sư và anh cảnh sát đến Tòa Bạch Ốc uống bia làm lành, khoả lấp lời nói hớ chưa kịp tính toán của mình.
Sau khi anh Zimmerman được tuyên bố trắng án, TT Obama lại lên tiếng bênh vực anh Martin và nói anh Martin “có thể là tôi 35 năm trước”. Trong cả hai trường hợp, ông tổng thống của đại đoàn kết toàn dân đã rõ ràng là đổ dầu vào lửa. Tệ hại hơn nữa, trong cả hai trường hợp, tổng thống đều đứng sai vị trí, bênh vực phe có lỗi. Ông giáo sư cậy cửa vào nhà, không chịu xuất trình giấy tờ còn mang sự quen biết với tổng thống ra dọa rõ ràng là bên có lỗi. Còn trong vụ anh Martin thì việc toà phán quyết anh Zimmerman không làm gì vi phạm luật, chỉ tự vệ chống những đòn tấn công của anh Martin, rõ ràng anh da đen Trayvon Martin không hoàn toàn oan ức.
Chính sách xã hội và hai sự kiện trên chứng tỏ dường như chính TT Obama là người vẫn có thành kiến rất lớn trong vấn đề kỳ thị trắng đen, gọi là kỳ thị ngược, tổng thống da đen kỳ thị dân da trắng. Vụ án này cũng đặt TT Obama trong một thế kẹt: cả hai khối dân da đen và dân gốc Nam Mỹ đều là hai khối cử tri then chốt của ông và đảng Dân Chủ. Bênh bên này sẽ tạo khó với bên kia. Hiển nhiên ông đã chọn đứng về phiá dân cùng màu da với ông. Trong vụ anh Zimmerman này, truyền thông một lần nữa đã để lộ nguyên hình thành kiến của mình.
Ngay khi câu chuyện xẩy ra, nhiều báo lớn và đài truyền hình đã nhanh nhảu chạy tin “and da trắng bắn chết anh da đen”. Khi biết được anh Zimmerman không phải da trắng mà là dân gốc Nam Mỹ có máu đen từ mẹ, truyền thông sửa lại chút đỉnh, gọi anh Zimmerman là “white Hispanic”, vẫn giữ chữ “white” mà không đề cập đến phần đen trong máu anh này. Đài NBC, là đài truyền hình cấp tiến và thân chính quyền Obama nhất, đã cắt xén câu nói của anh Zimmerman, để chụp cái mũ kỳ thị, có thành kiến với dân da đen lên đầu anh này.
Đài này trích câu nói của anh Zimmerman trên điện thoại gọi cảnh sát khi mô tả anh Martin là “anh này coi bộ đáng nghi ngờ, anh ta là đen”. Làm như thể theo anh Zimmerman, đen là đáng nghi ngờ. Sự thật, đây là hai câu chắp làm một. Anh Zimmerman mô tả anh Martin là đáng nghi ngờ. Sau đó được cảnh sát hỏi anh đó là người gì, “trắng, đen, hay gốc Nam Mỹ?”, thì anh Zimmerman thành thật khai “dường như đen”. Hai câu trả lời nhập làm một đã mang ý nghĩa khác hẳn những lời nói của anh Zimmerman.
Đài NBC sau đó đã xin lỗi, nhưng các luật sư của anh Zimmerman đã đệ đơn thưa NBC. Đài ABC thì loan tin anh Zimmerman không có thương tích gì hết. Sau đó, cũng lại phải xin lỗi vì những hình ảnh máu me của anh Zimmerman được phổ biến rộng rãi, không chối cãi được. CNN loan tin anh Zimmerman gọi anh Martin là “coon”, là một danh từ có tính sỉ nhục để chỉ dân da đen. Rồi CNN cũng phải xin lỗi đã loan tin sai vì không có bằng chứng gì về chuyện này. Nói tóm lại, truyền thông cấp tiến đã công khai đứng về phe anh da đen cho “phải đạo chính trị”, loan tin thất thiệt lung tung có lợi cho anh này. Sau đó, dù cải chính hay xin lỗi thì cũng đã tạo thành kiến trong dư luận quần chúng rồi. Nói chung, nếu theo dõi báo và truyền hình, thì anh nhân viên an ninh da trắng đã bắn chết một sinh viên da đen chỉ vì lý do ghét da đen, vậy mà lại được trắng án. Bảo sao dân da đen không bất mãn được?
Vụ án Zimmerman / Martin chỉ xác nhận một điều: việc bầu một người da đen làm tổng thống đã không mang nước Mỹ vào kỷ nguyên “hậu kỳ thị”, trái lại, kỳ thị da màu từ cả hai phiá vẫn còn là một vấn nạn lớn của Mỹ. (21-07-13)
Vũ Linh
No comments:
Post a Comment