GN - Ngày 8-4-2012, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đã khánh thành Bảo tượng Phật ngọc bằng đá sapphire nặng 31 tấn (cả bệ), đặt trong một tòa bảo tháp uy nghiêm. Đây là pho tượng Phật ngọc bằng đá quý lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
(Tam Đảo, Vĩnh Phúc)
Ảnh: Chu Minh
Khôi
Với một vùng núi non hùng
vĩ, rừng già nguyên sơ trải dài tới 80km, nằm giữa 3 tỉnh (Vĩnh Phúc, Thái
Nguyên, Tuyên Quang), Tam Đảo có 3 ngọn núi cao ngất tạo nên 3 đỉnh “linh địa”
là Thạch Bàn, Phù Nghĩa, Thiên Thi.
Thiền viện Tây Thiên tọa
lạc ở lưng chừng ngọn Thạch Bàn với khuôn viên gần 5ha giữa khu rừng
ngoại vi rộng 50 ha, được xây dựng quy mô trong những năm gần đây, trở thành một
trong ba thiền viện lớn nhất của cả nước (gồm thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, thiền
viện Trúc Lâm Yên Tử, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên).
Ngôi Đại hùng bửu điện cao
17m, diện tích 673,2m2, không gian của tòa chính điện này vô cùng bề
thế, đủ chỗ ngồi cho 600 Phật tử, du khách viếng chùa vào những ngày lễ
hội.
Bên trái Đại hùng bửu điện
là Nhà trưng bày các hiện vật có niên hiệu Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Tất cả các hạng
mục công trình ở đây từ chính điện, nhà tổ, nhà khách, nhà trưng bày, cổng tam
quan, lầu chuông, lầu trống... đến khu nội viện gồm Tăng đường, thiền đường,
trai đường và các thất chuyên tu đều được xây dựng rất kỳ công và độc đáo mang
đậm dấu ấn của kiến trúc Á Đông.
Những năm gần đây, thiền
viện Tây Thiên đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng chục
vạn lượt khách trong và ngoài nước về hành hương, tham quan. Để đáp ứng nhu cầu
của du khách, thiền viện dành khoảng 40 phòng để du khách ở xa đến có chỗ nghỉ
lại.
Đứng dưới chân núi nhìn
lên, thiền viện thấp thoáng trong mây. Đường lên khúc khuỷu, quanh co,
bốn bề mây bay, thông reo, gió thổi, thoáng rộng và thanh sạch. Nơi đây đã hút
hồn du khách bởi những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ thú.
Núi cao vút tận trời được
phủ lên một lớp rừng già xanh thẫm với nhiều cây cổ thụ, những con suối khi tỏa
ra khi thu lại, chảy quanh co. Hòa trong cảnh sắc hùng vĩ, núi non cẩm tú, thiền
viện trở thành điểm nhấn cho vùng danh lam thắng cảnh Vườn quốc gia Tam Đảo, tạo
nên một khu du lịch văn hóa tâm linh.
Từ mùa Phật đản năm nay trở
đi, du ngoạn lên thiền viện Tây Thiên, du khách sẽ được chiêm bái bảo tượng Phật
Thích Ca bằng đá sapphire tuyệt bích.
Tôn tượng vừa mới được
khánh thành vào ngày 8-4-2012, cùng với tượng đài Quan Âm bằng đá trắng, và lễ
đặt đá khởi công xây móng đại tượng Phật cao 49m bằng đá hoa cương có tên Việt
Nam Hộ Quốc Phật Đài.
Khi chúng tôi tìm lên Tây
Thiên thì lễ an vị bảo tượng đã diễn ra 2 ngày trước đó. Đại
đức Thích Huệ Tịnh, một vị Tăng tu hành tại thiền viện đưa tôi chiêm bái
Phật ngọc.
Bảo tượng được đặt trong
tòa bảo tháp khang trang và uy nghiêm, xây dựng trên diện tích 200m². Toàn bộ
tác phẩm điêu khắc đá quý có chiều cao 3,45 m với khối lượng 31 tấn, tạo tác Đức
Phật Tổ Như Lai đang ngồi kiết già theo tư thế thuở xưa Ngài nhập định 49 ngày
dưới cây bồ-đề.
Nhưng ở đây không có cây
bồ-đề, mà sau lưng Ngài tựa vào vách đá tạc hình hài lá bồ-đề. Gương mặt tượng
mang hình nét thuần hậu mềm mại của người Việt. Thế mới biết Phật ở đâu thì sẽ
mang hình hài văn hóa dân tộc nơi đó, chẳng thế mà trong kinh Phật có câu “ngàn
muôn ức hóa thân Phật” .
Chính vì thế Ngài hóa thân
ở đất nước nào thì sẽ được người dân nước đó thổi hồn riêng qua góc nhìn của họ.
Toàn bộ tượng ánh lên màu đen bóng long lanh của ngọc, bề mặt mịn đến mức không
một tì vết.
Theo thầy Thích Huệ Tịnh,
chưa tạc thì khối đá có màu nâu xám, nhưng tạc xong, càng đánh thì càng lên màu
đen bóng. Bệ tượng vẫn là nguyên khối đá tự nhiên xù xì. Chiêm ngưỡng bảo tượng,
ta khâm phục sự kỳ công của những nghệ nhân Việt Nam tài hoa chế tác, đây thực
sự là một kiệt tác nghệ thuật có tầm vóc, tôn vinh vai trò vị thế và tinh thần
Phật giáo tại Việt Nam.
Thầy Thích Huệ Tịnh cho
biết, ý tưởng chế tác bảo tượng được nung nấu trong lòng Tăng Ni Phật tử từ năm
2009, khi người dân cả nước từng nô nức chiêm bái pho tượng Phật ngọc Hòa bình
thế giới được rước triển lãm qua nhiều nước (trong đó có Việt Nam), hiện nay an
vị tại nước Úc.
Những thành viên của Hội Đá
quý Hà Nội dự cảm với câu hỏi: Việt Nam có rất nhiều đá, nghệ nhân nước ta cũng
không phải kém cỏi gì, lẽ nào chúng ta lại không có một pho tượng bằng đá quý
như người Úc?
Khát khao có được một công
trình thật ý nghĩa tôn vinh được vị thế và vai trò của đạo Phật trong đời sống
người dân đất Việt, Hội Đá quý Hà Nội đã bàn bạc thống nhất cùng thầy trụ trì
thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Đại đức Thích Kiến Nguyệt về ý tưởng đi tìm đá
quý tại Việt Nam để chế tác tượng Phật ngọc cho nước Việt.
Những người có tâm huyết bắt đầu hành
trình đi tìm đá. Từ tháng 8 năm 2009, ròng rã trong nhiều tháng trời, đại diện
Hội Đá cảnh Việt Nam cùng các chuyên gia thẩm định đá quý đã tỏa đi khắp các
“vựa” đá quý trên mọi miền đất nước để săn tìm đá. Đi Yên Bái thấy vùng Văn
Chấn có rất nhiều loại đá quý, có những khối đá lớn tương đối đẹp, nhưng họ vẫn
chưa ưng ý.
Sau 2 năm miệt mài tìm kiếm, vào cuối
năm 2010, đoàn đến xã Châu Thành, Quỳ Hợp, Nghệ An, đoàn đã tìm được mỏ đá quý
Corindon (quý chỉ sau kim cương), phát hiện được 6 khối đá đặc biệt hiếm. Ở lòng
suối, nước chảy miên man suốt hàng triệu triệu năm, bởi vậy mọi loài đá cuội đều
có hình tròn, bầu dục do nước chảy làm chúng mòn vẹt.
Thế nhưng kỳ lạ thay, 6 khối đá vẫn
không có một chỗ nào có biểu hiện của sự mài mòn, mà vẫn nguyên mọi cạnh sắc.
Ước tính tổng khối lượng của 6 phiến đá khoảng 200 tấn. Theo nghệ nhân
Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Hội Đá quý Hà Nội, các nhà khoa học địa chất đã kiểm
nghiệm và kết luận: cả 6 khối đá đều thuộc loại corindon, chứa 80-90% là
sapphire với độ cứng đạt tới 9, trong khi đó độ cứng lớn nhất là 10 thuộc về kim
cương. Các vị phấn khởi quá bảo nhau: Phật ở đây rồi!
Tìm được ngọc rồi, nhưng quá trình vận
chuyển đá về Tây Thiên mới là kỳ công. Ban đầu, người ta đưa máy cẩu, máy xúc
đến để cẩu các khối đá lên, nhưng các khối đá cứ trơ trơ dưới suối, không lay
chuyển được. Họ mới điện thoại cho thầy Kiến Nguyệt khuyên:
“Đất có thổ công, sông có hà bá. Các vị
hãy thắp hương và xin thần hộ pháp, thổ địa ở đấy để cho đem các cục đá này về
tạc một pho tượng Thích Ca Mâu Ni, như thế có thể cẩu được lên”. Những người săn
đá làm theo, mang hương hoa ra thắp hương khấn long thần thổ địa, quả nhiên đưa
được đá lên xe ô tô tải.
Chưa hết, khi biết người ở nơi khác đến
lấy đá quý dưới suối, người dân bản địa tiếc của kéo nhau ra giữ lại, không cho
đưa đi. Nghệ nhân Ngọc Châu kể: Chúng tôi đã bị một số người dân địa phương cản
trở, dùng xe công nông chắn đường, mặc dù chúng tôi đã làm việc với các cơ quan
chức năng và được phép tiến hành việc này.
Thậm chí, có một cô gái còn nằm chắn
ngang đường không cho lấy đá. Khi được giải thích rằng chúng tôi lấy đá về là để
tạc tượng Phật, sẽ đặt ở Tây Thiên để người dân khắp nơi đến chiêm bái, thì cô
gái và dân làng mới chấp nhận cho đi.
Vượt bao khó khăn trở ngại, 80 tấn đá
quý đã được đem về thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, hành trình từ Quỳ Hợp về đến
Tây Thiên mất tới một tháng. Dẫn tôi đến chỗ hai khối đá lớn đặt ở sân trước tòa
bảo tháp Phật Ngọc, Đại đức Huệ Tịnh cho biết, 2 khối đá lớn đã được sử
dụng.
Một khối tạc tượng Phật ngọc ban đầu
nặng hơn 20 tấn, sau khi tượng hoàn thành nặng 13 tấn. Một khối 18 tấn để nguyên
làm bệ tượng. Còn 2 khối ngoài sân này để dành sau này tạc tượng Phật hoàng Trần
Nhân Tông và tạc một pho Di Lặc.
Kể về quá trình tạc tượng cũng muôn vàn
công phu. Rất nhiều nhóm nghệ nhân được mời đến để chế tác tượng nhưng họ đã bỏ
cuộc, vì đá quá rắn. Bao nhiêu mũi dùi, máy cắt, máy mài đá khi chạm lên khối đá
đều bị mẻ lưỡi hết, mà đá vẫn trơ trơ. Không có một mũi dao nào tạc, khắc, làm
mài mòn được loại đá này, bởi vì sapphire là một thứ vũ khí để phá vật liệu khác
chứ vật liệu khác không thể phá được nó.
Phải đến khi các nghệ nhân Phạm Ngọc
Châu, Hoàng Nam Hải, Vương Ngọc Tiến nhận thực hiện cùng với một nhóm nghệ nhân
khác hỗ trợ, họ lắp toàn bộ các mũi dùi, lưỡi cưa bằng kim cương vào các máy
mài, máy cắt đá thì mới thực hiện được. Công việc chế tác tượng Phật ngọc tiến
triển vô cùng chậm chạp.
Hai nhóm nghệ nhân của Hà Nội tạc bằng
máy để định hình dáng, đường nét thô, sau đó một tốp nghệ nhân ở Đà Nẵng ra để
chạm khắc chi tiết, chỉnh lại cho đẹp đẽ và mài bóng pho tượng. Sau gần 2 năm
kỳ công mài dũa tạo tác, pho tượng Phật ngọc bằng đá sapphire, cao 3,45m, nặng
31 tấn đã được hoàn thành, trong sự ngỡ ngàng khâm phục của rất nhiều
người.
Thầy
Thích Kiến Nguyệt nhận định: Đây là một pho tượng Phật làm từ đá Việt, do bàn
tay người Việt tác thành thì tự thân đã là bảo vật quốc gia. Pho tượng mang linh
khí Việt Nam, nghệ thuật và tâm hồn người Việt Nam, gần gũi với thiên nhiên,
bình dị như con người Việt Nam, bởi bản thân tượng còn mang phần đá nguyên sơ từ
đất mẹ.
So
với pho tượng Phật ngọc Hòa bình thế giới nặng 4,5 tấn, thì bảo tượng Thích Ca
Tây Thiên nặng tới 13 tấn (không kể bệ) nặng hơn rất nhiều. Trên thế giới có rất
nhiều pho tượng khổng lồ được tạc vào núi đá, nhiều đại tượng được đúc bằng đồng
hoặc xây bằng xi-măng lớn hơn nhiều.
Tuy nhiên, chưa thấy một thông tin về
pho tượng bằng đá sapphire nào khác trên thế giới to lớn đến như thế. Vì vậy,
Phật ngọc Tây Thiên là pho tượng Đức Phật bằng đá quý lớn nhất thế giới tính đến
thời điểm hiện tại. Đây cũng được xem là pho tượng Phật Ngọc mang “quốc hồn quốc
túy” Việt Nam, thể hiện đầy đủ tinh thần Phật giáo, từ bi hỷ xả, yêu chuộng hòa
bình, cứu nhân độ thế, pháp tuệ vô biên.
Cùng với lễ khánh
thành Phật ngọc, Trúc Lâm Tây Thiên còn khánh thành tượng đài Quan Âm hai mặt,
tay cầm cam lộ, tay cầm nhành liễu, mặt xoay về phía trước, lưng xoay vào chùa,
thể hiện tinh thần hạnh nguyện của hạnh Bồ-tát thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng
sinh.
Đồng thời, làm lễ khởi công xây dựng Việt Nam Hộ Quốc Phật Đài. Đây sẽ là đại tượng Phật Thích Ca khổng lồ cao tới 49m, bằng đá chất liệu đá hoa cương với trọng lượng hơn 20 nghìn tấn, ngự ở độ cao hơn 300m so với mực nước biển, trên ngọn đồi Hữu Bạch Hổ, bên phải chính điện thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.
Đại tượng cũng dựng lại hình ảnh Như Lai kiết-già dưới cây bồ-đề, con số 49 là lấy theo ngày Đức Phật ngồi thiền định trong suốt 49 ngày đêm. Bên trong tượng Phật được thiết kế rỗng gồm 10 tầng. Tổng số vốn đầu tư dự định cho tượng Phật khổng lồ nhất Đông Nam Á này là hơn 199 tỷ đồng, dự kiến 2-3 năm nữa sẽ hoàn thành.
Theo Đại đức Huệ Tịnh, hiện đã tìm được mỏ đá hoa cương ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái để làm nguyên liệu tạo tác đại tượng. Thiền viện đã xin cấp giấy phép được khai thác mỏ đá hoa cương này, đang chờ ý kiến của Thủ tướng để UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt.
Đồng thời, làm lễ khởi công xây dựng Việt Nam Hộ Quốc Phật Đài. Đây sẽ là đại tượng Phật Thích Ca khổng lồ cao tới 49m, bằng đá chất liệu đá hoa cương với trọng lượng hơn 20 nghìn tấn, ngự ở độ cao hơn 300m so với mực nước biển, trên ngọn đồi Hữu Bạch Hổ, bên phải chính điện thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.
Đại tượng cũng dựng lại hình ảnh Như Lai kiết-già dưới cây bồ-đề, con số 49 là lấy theo ngày Đức Phật ngồi thiền định trong suốt 49 ngày đêm. Bên trong tượng Phật được thiết kế rỗng gồm 10 tầng. Tổng số vốn đầu tư dự định cho tượng Phật khổng lồ nhất Đông Nam Á này là hơn 199 tỷ đồng, dự kiến 2-3 năm nữa sẽ hoàn thành.
Theo Đại đức Huệ Tịnh, hiện đã tìm được mỏ đá hoa cương ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái để làm nguyên liệu tạo tác đại tượng. Thiền viện đã xin cấp giấy phép được khai thác mỏ đá hoa cương này, đang chờ ý kiến của Thủ tướng để UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt.
Chu Minh
Khôi
No comments:
Post a Comment