Monday, November 11, 2019

Nỗi ô nhục dành cho Cộng Sản - Huy Phương November 10, 2019


Tường cao, dây thép gai và chòi canh của bức tường Berlin hơn 30 năm trước giờ đây là di tích lịch sử. (Hình: Getty Images)
 
(Nhân kỷ niệm 30 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ)
Trong khi 39 người dân Việt chết trong thùng container đông lạnh ở Anh, 9 người theo phi cơ của Quốc Hội trốn ở lại Nam Hàn, hằng trăm người đóng thuyền chạy trốn sang Úc, thì câu nói “nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không?” của Tổng Bí Thư đảng CSVN, chẳng qua là một câu nói của kẻ “ngáo đá” đang hung hăng đứng trên cột điện cao thế Hà Nội mà la lối.
Và câu chuyện đảng và nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đến vái lạy tượng Lê Nin ở Hà Nội, nhân kỷ niệm “Cách Mạng Tháng 10 Nga” mới đây, trong khi ngay tại các xứ sở Cộng Sản, tượng Lê Nin đã bị đập bỏ, kéo lê trên đường phố, là hành động của những kẻ hoang tưởng, mộng du.
Cũng nhân ngày 9 Tháng Mười Một năm nay, kỷ niệm 30 năm bức tường Berlin bị giật sập, chúng ta nhớ lại một câu nói vĩ đại của Tổng Thống Mỹ Ronald W. Reagan: “Tôi có một câu hỏi cho các nhà lãnh đạo ở các nước chủ nghĩa cộng sản: nếu chủ nghĩa cộng sản có tương lai, tại sao mấy ông cần phải xây dựng những bức tường để giữ mọi người lại và dùng quân đội, cảnh sát chìm để bắt mọi người im lặng?”
Và Milton Friedman, giải Nobel Khoa học Kinh Tế 1976: “Hãy nhìn bao nhiêu người từ xứ cộng sản bất chấp cái chết để vượt biên qua xứ tư bản, nhiêu đó cũng cho chúng ta nhân loại đã bình chọn ra sao!”
Bức tường Berlin, từng được Chính Phủ Đông Đức (Cộng Hòa Dân Chủ Đức) gọi là “Tường thành bảo vệ chống phát xít” (tiếng Đức: Antifaschistischer Schutzwall) nhưng không thấy Tây Phương tấn công vào Đông Đức và cũng không ai trèo qua tường để vào vùng Cộng Sản kiểm soát tìm tự do. Cho đến ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, 12 Tháng Mười Một năm 1989, trong lịch sử vượt thoát đã có 171 người thiệt mạng khi cố vượt qua bức tường, nhưng cũng đã có hơn 5,000 người Đông Đức (trong đó có cả 600 lính biên phòng Đông Đức,) đã vượt qua được bức tường bằng cách nhảy từ cửa sổ tòa nhà gần bức tường, trèo qua dây thép gai, bay bằng khinh khí cầu, bò qua cống và lái xe băng qua những phần bỏ ngỏ của bức tường.
Sau khi Thế Chiến Thứ II kết thúc vào năm 1945, nước Đức chia đôi. Đông Đức thuộc về Liên Xô dưới chế độ Cộng Sản (Cộng Hòa Dân Chủ Đức,) Tây Đức thuộc về các nước Mỹ, Anh và Pháp (Cộng Hòa Liên Bang Đức). Thành phố Bá Linh nằm trong vùng do Liên Xô kiểm soát cũng bị cắt đôi: Đông và Tây Bá Linh. Liên Xô tìm cách phong toả Tây Bá Linh trong một thời gian dài nhưng không thành công.
Năm 1949, khi Liên Xô quyết định ngưng phong tỏa Tây Bá Linh, gần ba triệu người đã chạy trốn khỏi Đông Đức, trong số đó có nhiều trí thức có chuyên môn như bác sĩ, giáo sư, kỹ sư.
Từ đó cho đến năm 1958, người dân Đông Đức vẫn tiếp tục ồ ạt ra đi. Tính đến Tháng Sáu năm 1961, khoảng 19,000 người rời Cộng Hòa Dân Chủ Đức qua Tây Bá Linh. Tháng 7 sau đó, 30,000 người, và chỉ trong 11 ngày vào Tháng Tám, có tới 16,000 người Đông Đức vượt qua ranh giới để vào Tây Bá Linh. Đặc biệt là vào ngày 12 Tháng Tám, có 2,400 người đã di tản khỏi Đông Đức, con số lớn nhất trong riêng một ngày, như một cơn thác lũ không có gì ngăn chặn nỗi.
Ngay đêm đó, chính quyền Đông Đức quyết định ngăn dòng người di tản bằng cách đóng cửa biên giới vĩnh viễn. Chỉ trong hai tuần, quân đội, cảnh sát và các công nhân xây dựng của Đông Đức đã hoàn tất hàng rào thép gai và bức tường bê tông, ngăn đôi thành phố.
Bức tường Berlin chia đôi nước Đức hay còn gọi là “bức tường ô nhục.” (Hình: Getty Images)
Nhưng việc xây bức tường Berlin này có nhiều sơ hở, đã không ngăn được dòng người di tản từ Đông sang Tây, nên sau đó, năm 1961, chính quyền Đông Đức thay thế bức tường tạm bằng một bức tường kiên cố hơn, dựng bằng các tấm bê tông cốt thép cao 3.6 m, rộng 1.2 m chôn sâu dưới đất khiến việc trèo qua tường gần như không thực hiện được. Đông Đức gọi bức tường này là để ngăn chận Phát Xít xâm nhập (!) nhưng thực sự là để ngăn chận dân chúng Đông Đức chạy trốn chế độ Cộng Sản. Những khẩu súng máy, vọng gác và lính canh, đèn pha quét hàng đêm, chó dữ, với chỉ thị bắn bỏ những người có ý định trèo qua bức tường bỏ trốn.
Vào ngày 1 Tháng Mười Một năm 1989, kinh tế Đông Đức đang trên bờ vực sụp đổ và chính quyền không thể trả lãi cho những món nợ khổng lồ, các cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn nổ ra ở Leipzig lan tới Bá Linh. Đông Đức cần được Liên Xô hỗ trợ về tài chính và quân sự ngăn chặn tình trạng suy sụp, tuy nhiên, Gorbachev tuyên bố Liên Xô không có trách nhiệm ngăn lượng người di tản quy mô lớn khỏi Đông Đức.
Vào ngày 9 Tháng Mười Một năm 1989, Đông Berlin mở cửa cho dân chúng được tự do vượt qua ranh giới.
Ngay sau đó, bức tường bị đánh sập và Berlin lần đầu tiên được thống nhất ngày 3 Tháng Mười năm 1990, trở thành nước Cộng Hòa Liên Bang Đức ngày nay.
Trong khi đó tại bán đảo Triều Tiên, giữa Nam và Bắc không có “bức tường ô nhục,” nhưng tính tới cuối Tháng Tám năm 2016, đã có 29,688 người người Bắc Hàn vượt thoát sang Nam Hàn sinh sống vì điều kiện sống ở xứ này càng ngày càng trở nên khắc nghiệt, trong đó cả các lính Bắc Hàn và ngay cả Thae Yong Ho, Phó Đại Sứ Bắc Hàn tại Luân Đôn cũng xin tị nạn chính trị.
Park Kun-ha phải trốn qua ngả Trung Quốc trong cuộc hành trình đầy nguy hiểm phải mất 5 năm mới đặt được chân tới thủ đô Hán Thành. Eunsun, một cô gái trốn khỏi địa ngục Bắc Hàn, phải mất 9 năm mới đến được bờ Nam.
Sau Hiệp Định Geneve Tháng Tư năm 1954, Việt Nam bị chia làm hai, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải- Cầu Hiền Lương) làm ranh giới, khoảng một triệu người dân miền Bắc (khoảng 800 ngàn trong đó là người Công giáo) di cư đến miền Nam Việt Nam trong những năm 1954-1955 theo những chuyến tàu thủy do Pháp và Mỹ tổ chức. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khiếu nại cho rằng chính phủ quốc gia đã ép buộc đồng bào di cư vào Nam. Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến đã mở cuộc điều tra đơn khiếu nại của Bắc Việt, nhưng trong số 25,000 người được Ủy Hội tiếp xúc, không có ai nhận là họ bị “cưỡng bách di cư” hay muốn trở về Bắc cả, như lời tố cáo của phe Cộng Sản.
Thêm vào đó, còn tới 102,861 người tự tìm đường bộ hoặc ghe thuyền và phương tiện riêng để vào Nam.
Trong số các nhà văn nhà thơ từ miền Nam đi tập kết ra Bắc vào năm 1954 có Vũ Anh Khanh và Xuân Vũ. Xuân Vũ sau này, khoảng 1965, đã vượt Trường Sơn vào Nam cầm bút trở lại để phơi bày thực trạng của nhân dân miền Bắc và cái giá mà ông và bạn hữu phải trả vì sự lầm lẫn của mình về Cộng Sản, thì nhà thơ Vũ Anh Khanh, trong khi bơi qua sông Bến Hải, bị bắn chết giữa dòng sông.
Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, vi phạm Hiệp Định Paris, chế độ Hà Nội tiến công chiếm miền Nam. Để tránh nạn Cộng Sản, đã có hàng nghìn người di tản khỏi Việt Nam. Sau đó, với tính chất cai trị sắt máu, Cộng Sản cưỡng chế người dân đi vùng kinh tế mới, và tập trung trên một triệu người miền Nam vào các trại tù cải tạo, những làn sóng di tản bằng đường biển bắt đầu gia tăng.
Đến cuối năm 1977, đã có trên 15,000 người Việt sang tị nạn tại các nước trong vùng Đông Nam Á.
Năm 1978, khi nhà cầm quyền Cộng Sản phát động chính sách cải tạo tư sản, và tiếp theo đó là việc xua quân sang Cam Bốt, và phải đương đầu với cuộc chiến biên giới với Trung Quốc, làn sóng tị nạn bằng đường biển đã tăng lên gấp bốn lần, với đa số người ra đi thuộc khối người Việt gốc Hoa, để sau đó được đưa sang định cư tại các tỉnh phía Nam Trung Quốc.
Vào cuối năm 1978, đã có 62,000 thuyền nhân người Việt tị nạn tại các nước Đông-Nam Á. Riêng trong Tháng Sáu năm 1979, đã có trên 54,000 thuyền nhân Việt Nam đến tị nạn tại các nước nói trên.
Hàng chục nghìn thuyền nhân bỏ nước ra đi đã bị bão tố, bị nạn hải tặc đánh cướp, hãm hiếp, giết chết bỏ thây trên biển cả.
Theo số liệu của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, trong khoảng thời gian 1975-1995 đã có 849,228 người vượt biên bằng đường biển và đường bộ đến định cư tại các nước tự do, nhưng số người vượt biên chỉ thành công 50%, cứ một người đến được bờ tự do thì có một người chết trên Biển Đông hay trong rừng thẳm.
Và vào thời điểm 2017, người Việt Nam dưới chế độ CHXH Việt Nam-Độc Lập-Tự Do-Hạnh Phúc sau 42 năm đã thấm đòn cai trị của đảng Cộng Sản, còn đóng tàu vượt biển sang Úc.
Bây giờ sau 42 năm, người Việt trong nước đã biết rõ thế nào là chế độ Cộng Sản rồi, nếu có một cơ hội để rời đất nước ra đi, thì đây là một cơ hội tốt không ai từ chối.
Qua chuyện chia cắt của Đức Quốc, Triều Tiên rồi đến Việt Nam, các cấp đảng viên Cộng Sản, dân chúng miền Bắc, các dư luận viên, hàng ngũ bộ đội, công an… nhận định và giải thích ra sao về chuyện dân chúng của các nước trên, luôn luôn liều chết, vượt biên giới bỏ chế độ Cộng Sản Đông Đức, Bắc Hàn, Bắc Việt và bây giờ là CSVN để chạy sang phía tư bản, xứ tự do, phía phi cộng sản.
Chế độ Cộng Sản nếu tốt đẹp, no ấm, tự do, hạnh phúc thì con người không ai liều chết để ra đi như vậy. Rõ ràng bên kia và bên này khác nhau như đêm và ngày, tự do và tù đày, mà con người phải có một lựa chọn cho bản thân mình và con cháu đời sau. Không có gì, kể cả cái chết, ngăn được bước chân những người ra đi, chọn cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình và tương lai cho con cái! 
(Huy Phương)

No comments:

Post a Comment