Friday, August 30, 2013

Pine Gap, căn cứ tình báo không gian phối hợp tuyệt mật Mỹ - Australia

Pine Gap là một trong những căn cứ kiểm soát vệ tinh gián điệp từ mặt đất lớn nhất và trọng yếu nhất nằm bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ. thời gian sau này nó tiếp quản các nhiệm vụ của một căn cứ khác gọi là Nurrungar ở Australia. Hiện nay, Pine Gap có nhiệm vụ giám sát những hệ thống cảm biến hồng ngoại hiện đại gọi là SBIRS - một phần trong chương trình "phòng thủ tên lửa" mới của Mỹ - nhằm thay thế hệ thống cũ DSP phát hiện bất cứ vụ phóng tên lửa đạn đạo nào. Hệ thống tình báo tín hiệu (SIGINT) của Pine Gap hoạt động liên tục suốt ngày đêm cung cấp cho Lầu Năm Góc mọi thông tin về các mục tiêu trên toàn cầu.
"Khu vực 51" ở xứ chuột túi
Pine Gap được coi là một bản sao của căn cứ không quân tuyệt mật của Mỹ có mật danh là "Khu vực 51" nằm trong sa mạc ở miền Bắc bang Nevada nước Mỹ. "Khu vực 51" (Area 51) là nơi tiến hành nhiều dự án máy bay gián điệp và chiến dịch bí mật của quân đội Mỹ kéo dài trong suốt nhiều thập niên. Với tên gọi chính thức là Căn cứ Quốc phòng phối hợp (JDFPG) - bắt đầu hoạt động vào năm 1970 ở miền Trung Australia.
Mỗi ngày, các đội ngũ chuyên gia già dặn kinh nghiệm của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Cơ quan Tình báo Địa - Không gian (GIA) và các bộ phận tình báo của lực lượng Không - Hải - Lục quân Mỹ cũng như các cơ quan tình báo Australia như ASIO và SIS cùng xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ được truyền về Pine Gap từ mạng vệ tinh gián điệp của Mỹ bay qua khu vực Trung Đông, Trung Á, Ấn Độ Dương, Trung Quốc, Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Người ta cho rằng, Pine Gap cung cấp thông tin về mục tiêu giúp Israel đánh bom Liban vào năm 2006.
Trong cuốn sách "Bên trong Pine Gap", tác giả David Rosenberg - nhân viên NSA từng phục vụ ở Pine Gap từ năm 1990 đến 2008 - tiết lộ căn cứ không gian này đóng vai trò không thể thiếu trong các cuộc chiến tranh ở Iraq, Afghanistan cũng như chiến dịch truy lùng trùm khủng bố Osama bin Laden. Pine Gap là căn cứ quan trọng nhất trong số ít nhất 10 căn cứ tình báo tuyệt mật của Mỹ hiện diện trên lãnh thổ Australia.
Pine Gap đặc biệt nằm ngầm hoàn toàn dưới lòng đất - trong đó có một nhà máy điện hạt nhân bí mật - với các lối vào căn cứ nằm bên trên. Nhà máy điện hạt nhân cung cấp năng lượng cho toàn bộ căn cứ Pine Gap và thậm chí cho cả các lò phản ứng hạt nhân trên các tàu ngầm của Hải quân Mỹ đóng ở ngoài khơi thông qua một con đường hầm dài 1.800km nối liền căn cứ Pine Gap với Căn cứ hải quân North West Cape ở vùng biển phía nam Australia.
Các hệ thống của Pine Gap cũng được kết nối trực tiếp đến Căn cứ Quốc phòng phối hợp Nurrungar (JDFN) ở thành phố Geraldton, miền Tây Australia, các trạm tình báo của Mỹ và Australia như CIA, NSA, ASIO, SIS và Cơ quan Công nghệ và Khoa học Quốc phòng Australia (ADSTO) - tổ chức xử lý các vấn đề về vật thể bay không xác định (UFO) và thu hồi những mảnh vỡ do bị rơi xuống trái đất của chúng. Bao bọc Pine Gap là bức tường an ninh cao 4m thường xuyên được binh lính Mỹ và Australia tuần tra nghiêm ngặt.
Năm 1974, một tờ báo Australia tiết lộ Mỹ tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu liên tục về xung điện từ (EMP) ở Pine Gap từ năm 1966. Những người tham gia dự án EMP đều phải trải qua tiến trình tẩy não và thậm chí bị cấy thiết bị vào trong sọ. Cũng trong năm 1996, có tin đồn nhiều người dân địa phương nhìn thấy một chiếc máy bay hình tam giác hạ cánh xuống khu vực phía tây của Pine Gap, có nhiều UFO đến và bay đi thường xuyên ở các lối vào được ngụy trang của căn cứ!
Pine Gap nhìn từ trên không với những quả cầu trắng.
Năm 1991, Pine Gap có nhiệm vụ theo dõi hệ thống tên lửa Scud của Iraq cũng như mọi sự di chuyển của binh lính nước này. Pine Gap có một nhóm đặc biệt mang tên Ủy ban Hoạch định kế hoạch do thám phối hợp (JRS) họp mặt vào mỗi buổi sáng để quyết định sẽ nghe lén những gì trong 24 giờ tiếp theo. Pine Gap có các siêu máy tính khổng lồ kết nối đến Mỹ, cũng như đến các căn cứ khác ở Nam Phi, Guam, Canberra và Nam Cực. Chính xác căn cứ Pine Gap tiến hành những hoạt động bí mật gì ngoài nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo tín hiệu thì ngay đến các thành viên Quốc hội Australia cũng hết sức mù mờ!
Biểu tượng của mối quan hệ khăng khít giữa cộng đồng tình báo Mỹ và Australia
Đã có thời gian dài chính quyền Australia tuyên bố không có căn cứ quân sự nào của Mỹ ở nước này nhưng trên thực tế, có nhiều căn cứ quân sự và tình báo Mỹ tồn tại từ lâu ở Australia từ sau Chiến tranh thế giới lần 2, trong đó một số căn cứ bị chỉ trích dữ dội nhất trên thế giới. Pine Gap được coi là biểu tượng của mối quan hệ liên minh tình báo điện tử khăng khít kéo dài gần 5 thập niên giữa Mỹ và Australia, và nó cũng nằm ở nơi bí mật nhất của Australia.
Pine Gap là căn cứ hết sức ấn tượng, an ninh cực kỳ nghiêm ngặt, kiểm soát và thu nhận dữ liệu từ các vệ tinh địa tĩnh nghe lén mọi tín hiệu radio, radar và vi ba trên quy mô rất rộng. Pine Gap sở hữu khoảng 33 ăng-ten vệ tinh, trong đó 18 ăng-ten được che đậy bằng những vòm màu trắng - nên cũng được gọi là "những quả cầu trắng" - để phân biệt.
Các nhà thầu quốc phòng Mỹ đầu tiên đầu tư vào Pine Gap là Northrop Grumman và Raytheon cũng như nhà cung cấp các hệ thống vi tính nổi tiếng Hewlett-Packard (HP). Và, Northrop Grumman chịu trách nhiệm vận hành các vệ tinh được kiểm soát từ Pine Gap. Khoảng 1.000 người - trong đó chiếm đại đa số là người Mỹ - làm việc trong căn cứ Pine Gap, song nhờ những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ hiện nay cho nên nhân lực giảm bớt còn 870 người.
Tấm biển đòi đưa Pine Gap ra xét xử trước công luận.
Các "công dân" của Pine Gap nằm trong bóng tối mãi cho đến năm 1975, khi Thủ tướng Australia thứ 21 Gough Whitlam tiết lộ: Ông chủ của căn cứ tình báo không gian này - Richard Stallings - là sĩ quan cao cấp của CIA. Theo David Rosenberg, căn cứ Pine Gap sau này tập trung vào những điểm nóng khác nhau trên thế giới, đóng vai trò chủ đạo trong việc lập kế hoạch và tiến hành cuộc tấn công Iraq trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.
Cuốn sách của Rosenberg - trải qua 16 lần kiểm duyệt của 4 cơ quan tình báo Mỹ trước khi được phép xuất bản - mô tả vai trò chính của Pine Gap trong hai cuộc xâm lược và chiếm đóng phi pháp của quân đội Mỹ ở Afghanistan và Iraq năm 2001 và 2003.
Pine Gap cung cấp thông tin về các mục tiêu đánh bom và ám sát cho những biệt đội tử thần của Mỹ trên mặt đất; đồng thời cũng xác định mục tiêu cho các chiến dịch máy bay vũ trang không người lái (drone) của CIA tiến hành ở Afghanistan, Pakistan và Yemen. Nằm ở Australia, Pine Gap chắc chắn là công cụ do thám "điểm nóng" mới của Mỹ - đó là những cuộc giao tiếp trong chính quyền và quân đội Trung Quốc, vị trí của những lực lượng vũ trang hạt nhân và phi hạt nhân cũng như những trung tâm chỉ huy của nước này.
Cuối năm 2009, khi chiến lược quân sự Mỹ bắt đầu tập trung sang Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Australia tiết lộ "trại ăng-ten" của Pine Gap sẽ được "nâng cấp" hoàn toàn vào năm 2014. Mục đích và số tiền để nâng cấp chưa bao giờ được tiết lộ.
Những tiết lộ mới đây từ cựu nhân viên NSA Edward Snowden cho biết, Pine Gap đóng vai trò chính trong những chiến dịch tấn công bằng drone gây tranh cãi của CIA ở Trung Á và Trung Đông. Theo đánh giá mới đây của Tổ chức Nhà báo điều tra Mỹ (BIJ), những chiến dịch drone của Mỹ đã giết chết hơn 3.500 người, bao gồm ít nhất 890 dân thường. Và, vào đầu năm 2013, chính quyền Obama thừa nhận có 4 công dân Mỹ bị giết chết trong những chiến dịch drone ở Pakistan và Yemen từ năm 2009.
Cuốn sách "Bên trong Pin Gap" của tác giả cựu nhân viên NSA - David Rosenberg.
Chính quyền cựu Thủ tướng Australia Julia Gillard cũng bị chỉ trích nặng nề do tích cực hợp tác với những hoạt động chiến tranh được cho là tội phạm - vi phạm Hiến pháp Mỹ cũng như luật pháp quốc tế - của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tiến hành ở Iraq và Afghanistan cũng như ở Pakistan và Yemen. Edward Snowden cũng tiết lộ: Pine Gap thực sự là một bộ phận trong mạng lưới tình báo điện tử toàn cầu của Washington do NSA quản lý, cụ thể là chương trình có tên mã XKeyscore.
Năm 2011, Julia Gillard cho phép Mỹ mở một căn cứ hải quân mới ở miền Bắc Australia và chuẩn bị sự hiện diện ở các căn cứ khác trên lãnh thổ nước này, trong đó bao gồm một căn cứ drone tại quần đảo san hô Cocos Islands ở khu vực phía đông Ấn Độ Dương.
Các nhà phân tích cho rằng, không loại trừ khả năng chính quyền Australia hiện nay tiếp tục có những thỏa thuận bí mật với Washington cho phép Mỹ triển khai thêm nhiều chiến dịch tình báo phi pháp ngay trên lãnh thổ Australia, đẩy nước này vào bất cứ cuộc xung đột nào giữa Mỹ với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là, trong trường hợp Mỹ tấn công Trung Quốc thì Australia cũng như mọi căn cứ tình báo phối hợp ở nước này sẽ ngay lập tức chiếm giữ vai trò chủ chốt trong cuộc chiến tranh.
Một nguồn tình báo quốc phòng Australia nhận định với hãng tin Faifax Media: "Mỹ sẽ chẳng bao giờ chiến đấu trong một cuộc chiến ở khu vực bán cầu Đông mà không có sự dính líu trực tiếp của Pine Gap".
Từ lâu, chính quyền Australia luôn nhấn mạnh vai trò của Pine Gap trong việc cung cấp thông tin chính xác để Mỹ giám sát các hiệp ước kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Cách đây 10 năm, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Hill dưới thời Thủ tướng Australia thứ 25 John Howard tuyên bố: "Những công việc được thực hiện tại Pine Gap tiết lộ các quốc gia tuân thủ những hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân như thế nào hay phát hiện khi nào họ vi phạm các hiệp ước".
Còn trong một diễn văn hiếm hoi về Pine Gap trước Quốc hội Australia vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith tuyên bố: Pine Gap là "yếu tố trung tâm trong mối quan hệ hợp tác tình báo và an ninh của Australia với Mỹ" đồng thời nhấn mạnh: "Thông tin tình báo thu thập được ở Pine Gap góp phần kiểm soát những hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân và giá trị của dữ liệu từ Pine Gap không thể bị xem nhẹ". Tuy nhiên, Stephen Smith cũng nói rằng, điều đó "không có nghĩa là Australia đồng thuận với mọi hoạt động của Pine Gap".
Pine Gap cũng là mục tiêu bị lên án dữ dội từ phía người dân, các nhóm nhân quyền đòi đóng cửa căn cứ. Năm 1986, một đám đông tụ tập bên ngoài khu căn cứ Pine Gap bày tỏ sự chống đối quyết liệt. Năm 2002, hàng ngàn người, trong đó có cả một số nghị sĩ Australia, tiếp tục biểu tình đòi đóng cửa căn cứ.
Tháng 12/2005, Tổ chức Những tín đồ Công giáo chống chiến tranh (CAW) mở chiến dịch phong tỏa các lối ra vào Pine Gap. Sự kiện rùm beng này sau đó dẫn đến việc hai lãnh đạo của CAW là Edward Crasswick và Terry Spackman cùng với 2 thành viên khác của tổ chức bị tòa án Mỹ xét xử và buộc tội vi phạm an ninh quốc gia. Vụ án gây sự chú ý của dư luận Mỹ cũng như Australia và có tên gọi là "Pine Gap Four"

Wednesday, August 28, 2013

Trần Đăng Hồng: So Sánh GDP Đầu Người Của Việt Nam Với Vài Nước Á Châu


Ngày nay, người Việt nào cũng biết là Việt Nam còn nghèo. Chữ “giàu” hay “nghèo” chỉ diễn tả tình trạng định tính chung chung, ta không biết được giàu hay nghèo ở mức độ nào, vì vậy cần phải định lượng bằng con số để có thể so sánh dễ dàng.
Để so sánh mức sống (living standards) giữa các vùng hay quốc gia, các nhà kinh tế xử dụng chỉ số GDP đầu người (GDP per capita). GDP (Gross Domestic Product) là tổng sản phẩm nội địa tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ hay quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm. GDP đầu người là số trung bình (bình quân) của GDP toàn quốc chia cho dân số. Để so sánh mức sống giữa các quốc gia, GDP đầu người phải được chuyển đổi theo cùng một hệ thống tiền tệ, US Dollar (US$). Tuy nhiên, mức sống tùy thuộc vào giá cả và hối xuất của mỗi quốc gia, để chính xác hơn, tính GDP đầu người theo sức mua tương đương (Purchasing Power Parity, PPP) trên cơ sở chênh lệch giá cả hàng hóa ở nước đó so với giá cả hàng hóa tương tự ở Hoa Kỳ.
Từ năm 2010, báo chí cho biết GDP toàn quốc của Trung quốc rất lớn, khoảng $5880 tỉ cho năm 2010, vượt qua Nhật Bản ($5470 tỉ), và nay đứng hàng thứ 2 sau Hoa Kỳ. Tuy đứng thứ 2 thế giới, nhưng mức sống của người Tàu còn rất nghèo so với người Nhật, vì GDP đầu người của Trung quốc chỉ $7.500 trong lúc của Nhật là $34.000 (4,5 lần cao hơn Trung quốc), chưa kể đến sự chênh lệch quá lớn giữa người nghèo và người giàu ở Trung quốc
Dựa vào chỉ số GDP công bố cho thời gian một hai thập niên qua, chúng ta biết Việt Nam hiện nay còn rất nghèo, nhưng không biết nửa thế kỹ trước Việt Nam giàu hay nghèo. May mắn, mới đây (2012), cơ quan Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF, International Monetary Fund) công bố chỉ số GDP đầu người cho 185 quốc gia, bắt đầu từ năm 1960 (1).
Vì không phải là chuyên gia về chính trị kinh tế, người viết bài này không dám lạm bàn về nguyên nhân hay chánh sách kinh tế. Phần này để bạn đọc tự tìm hiểu (hay đã hiểu). Thiển giả chỉ trình bày lại các dữ kiện khô khan của số liệu do WB và IMF cung cấp bằng các biểu đồ dễ dàng theo dõi hơn.




Việt Nam năm 1960
Biểu đồ 1. So sánh GDP (US$)
đầu người giữa vài quốc gia Á
châu năm 1960 (Vẽ từ tài liệu 1)
Theo biểu đồ 1, vào thời điểm 1960, trong số 10 quốc gia Á châu, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH, South Vietnam, 223$) có GDP đầu người đứng sau Singapore (395$), Malaysia (299$), Philippines (257$), nhưng nhiều hơn Nam Hàn (155$), hơn gấp đôi Thailand (101$), gấp 2,4 lần Trung quốc (92$), gấp 2,7 lần Ấn độ (84$), và gấp 3 lần Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (North Vietnam, 73$).
Trong thời gian từ 1954 đến 1975, năm 1960 là năm VNCH có nền kinh tế huy hoàng nhất. Vào năm này VNCH xuất cảng (xuất khẩu) tổng cộng 84 triệu US$, gồm 2 sản phẩm chánh là cao su (40 triệu US$) và gạo (27,7 triệu US$). Riêng về xuất cảng gạo, năm 1960 là đỉnh cao nhất kể từ 1955 với khoảng 340.000 tấn, nhưng giảm dần sau đó, và từ 1965 Nam VN phải nhập cảng (nhập khẩu) 271.000 tấn, năm 1966 khoảng 434.000 tấn, và 1967 khoảng 749.000 tấn gạo (3). Tổng sản lượng quốc gia VNCH năm 1960 là 82 tỉ đồng VN, trong số này gồm có 4,481 tỉ đồng (5,5%) là tiền viện trợ (3). Hối xuất chính thức trong đầu thập niên 1960 là 1US$ = 118 đồng Ngân Hàng Quốc Gia VN (VNCH, South Việt Nam), trong lúc hối xuất chợ đen năm 1968 là 235-245 đồng (3).
Cũng cần nhắc lại là thời điểm 1960, chiến tranh du kích đã phá hủy khá nhiều nền kinh tế ở nông thôn của Miền Nam, nhất là sản xuất cao su và lúa gạo. Theo tài liệu 2, từ 1955 đến 1961, chính phủ VNCH đã gia tăng đầu tư, nhờ vậy kỹ nghệ (công nghiệp) và nông nghiệp phát triển mạnh, nhưng sau 1961, các yếu tố trên bị suy giảm vì chiến tranh. Vì vậy, năm 1967, lợi tức đầu người (income per capita) Việt Nam Cộng Hòa giảm xuống 126 US$, trong lúc Thái Lan tăng lên 141 US$ (3).

Việt nam trước 1960
Câu hỏi là trước 1960, Việt Nam có nền kinh tế ra sao? Theo Anne Booth (2003), vì hậu quả của đệ nhị thế chiến và chiến tranh dành độc lập sau đó, cho tới năm 1960, vài nước Á châu như Indonesia, Miến Điện và Việt Nam vẫn chưa khôi phục lại GDP đầu người của thời tiền chiến.
Chẳng hạn, Miến Điện có thời kỳ kinh tế huy hoàng nhất là năm 1929 có GDP cao hơn năm 1960 tới 68%. Riêng Việt Nam, đặc biệt là Nam Kỳ có thời kỳ kinh tế huy hoàng nhất là năm 1938, có GDP cao hơn năm 1960 là 69%. Vì Đệ nhị thế chiến (1939-1945) tiếp theo chiến tranh với Pháp (1945-1954) kinh tế Việt Nam kiệt quệ, suy giảm nặng nề, mải tới năm 1956 kinh tế mới bắt đầu tăng trưởng trở lại ở Miền Nam, và năm 1960 Việt Nam Cộng Hòa chỉ mới phục hồi được 60% của GDP đầu người của năm 1938 (4).
Như vậy, ở cuối thập niên 1930s, Việt Nam có một nền kinh tế hùng mạnh có hạng của Á Châu, chỉ đứng sau Nhật Bản, có lẻ ngang ngửa với Malaysia (lúc này Singapore còn là lãnh thổ của Malaysia), Philippines, và hơn hẳn các quốc gia khác như Thái Lan, Trung quốc, Triều Tiên, Ấn Độ và Indonesia.

GDP đầu người của Việt Nam và vài nước Á Châu từ 1980 đến 2011
Việt nam thống nhất lãnh thổ từ sau biến cố 30/4/1975. WB không có công bố số liệu GDP của Việt Nam trong 4 năm từ 1976 đến 1979. Vì vậy, ở đây chỉ trình bày từ năm 1980 cho tới nay (2011).
Biểu đồ 1 trình bày GDP đầu người của 7 quốc gia Á Châu trong thời gian 31 năm kể từ 1980 đến 2011.
Trong thời gian 1980 – 2011, có 3 thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới gồm 1984-1986, 1997-2003 và 2008. Mỗi kỳ khủng hoảng phải mất vài ba năm mới phục hồi lại. Chẳng hạn cuộc khủng hoảng 1997, phải mất 6 -7 năm Singapore mới phục hồi, nhưng chỉ 1 năm với khủng hoảng 2008, trong lúc Nam Hàn với khủng hoảng năm 2008 tới nay mới phục hồi. Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam coi như không bị ảnh hưởng gì (biểu đồ 1).
Theo biểu đồ 1, mọi quốc gia đều có tăng trưởng, nhưng với vận tốc tăng trưởng khác nhau. Nếu tính theo vận tốc tăng trưởng thì Singapore và Nam Hàn mạnh nhất, kế là Malaysia. Mặc dầu Nam Hàn có vận tốc tăng trưởng cao hơn chút ít, nhưng mức khởi đầu quá thấp, nên Nam Hàn vẫn chưa thể nào bắt kịp và Singapore vẫn còn tiếp tục dẫn đầu. Còn Việt Nam phát triển chậm nhất, vẫn ở vị trí chót trong số 7 quốc gia Á Châu nói trên (biểu đồ 1).



Biểu đồ 2. Biến đổi chỉ số GDP đầu người (US$) của Singapore (1), Nam Hàn (2), Malaysia (3), Thái Lan (4), Indonesia (5), Philippines (6) và Việt Nam (7) qua thời gian 31 năm kể từ 1980 đến 2011.
Thay đổi vị thứ. Trong vòng 31 năm qua, Singapore vẫn giữ hàng đầu. Tuy nhiên, Nam Hàn nhảy hạng từ thứ 3 của năm 1980 lên hạng 2 vào năm 1985, và Malaysia tuột hạng từ 2 xuống 3. Philippines từ hạng 4 xuống hạng 6 trong lúc Thái Lan nhảy từ hạng 5 lên hạng 4 từ 1987, và Indonesia nhảy lên hạng 5 từ 2005. Việt Nam vẫn tiếp tục giữ hạng chót trong số 7 quốc gia nói trên.
Cách biệt GDP của vài quốc gia lân cận với Việt Nam



Bảng 1. Số lần cách biệt GDP đầu người giữa một quốc gia đối chiếu với Việt Nam (tỉ số của GDP quốc gia đối chiếu/GDP của Việt Nam) ở hai thời điểm 1980 và 2011. Cột 4 là số lần gia tăng GDP của năm 2011/GDP của năm 1980 của một quốc gia. Cột 5 là số năm cần thiết để GDP tăng lên gấp đôi
Theo Bảng 1, GDP đầu người của Singapore nhiều 9,25 lần GDP của Việt Nam vào năm 1980, và chênh lệch tới 35,86 lần vào năm 2011. Thái Lan và Indonesia chỉ hơn Việt Nam chút ít vào năm 1980 (1,35 và 1,14 lần), nhưng nay Indonesia gấp 2,5 lần và Thái Lan gấp gần 4 lần Việt Nam.
Trong vòng 31 năm qua, GDP của Nam Hàn gia tăng 13 lần, tức chỉ cần 4,7 năm GDP tăng gấp đôi, Singapore 10 lần tức mỗi 6 năm GDP gấp đôi, Thái Lan 7,8 lần trong khi Việt Nam chỉ 2,7 lần, tức Việt Nam phải mất hơn 23 năm GDP mới tăng gấp đôi (Bảng 1). Như vậy, càng về sau Việt Nam càng tụt hậu.

Việt Nam có thể bắt kịp Thái Lan không?
Nhìn biểu đồ 2, chúng ta thấy là Việt Nam sẽ không bao giờ bắt kịp được Philippines, Indonesia, Thái Lan, chứ đừng mơ tưởng bắt kịp Malaysia, Nam Hàn hay Singapore.
Để có thể tiên đoán chính xác, tác giả dựa vào số liệu do IMF cung cấp trong 10 năm qua (2002-2011) để vẻ lại mức tăng trưởng GDP đầu người cho mỗi quốc gia. Sau đó, dùng máy vi tính thử nghiệm các mô hình toán học để vẻ nhiều đường biểu diễn, rồi chọn một đường biểu diễn nào phù hợp có độ chính xác cao nhất. Kết quả cho thấy là các đường biểu diễn cho các quốc gia trình bày trong biểu đồ 3 có độ chính xác cao nhất (R2 từ 0.944 cho Malaysia và 0.988 cho Việt Nam). Ở mỗi đường biểu diễn, chương trình toán học thống kê cũng cho một phương trình. Giải đáp bài tính lần lượt giữa hai phương trình của hai quốc gia để tìm ẩn số thời gian nơi hai đường biểu diễn gặp nhau, tức là thời kỳ GDP của quốc gia này bắt kịp một quốc gia khác.



Biểu đồ 3. Đường biểu diễn biến đổi chỉ số GDP đầu người (US$) của Singapore (1), Nam Hàn (2), Malaysia (3), Thái Lan (4), Indonesia (5), Philippines (6) và Việt Nam (7) qua thời gian 10 năm từ 2002 đến 2011. Đường biểu diễn do chương trình toán học thống kê cho kết quả phù hợp với các số dữ kiện với độ chính xác rất cao (R2 từ 0.944 cho Malaysia và 0.988 cho Việt Nam)
Kết quả phân tích toán học bằng máy vi tính cho thấy đường biểu diễn tăng trưởng GDP đầu người của mỗi quốc gia không phải là một đường thẳng (linear) như mắt ta thấy, mà là một đường cong theo hình dạng của một cánh parabole (parabolic curve). Càng xa trục tâm 0, đường biểu diễn càng cong lên hơn, tức vận tốc tăng trưởng theo phương trình lũy tiến.


Biểu đồ 4. Đường biểu diễn tiên đoán GDP đầu người trong thời gian 50 năm tới (trục tâm 0 là năm 2013) cho Singapore (1), Nam Hàn (2), Malaysia (3), Thái Lan (4), Indonesia (5), Philippines (6) và Việt Nam (7). Tiên đoán dựa theo vận tốc tăng trưởng của thời gian 2002-2011 của biểu đồ 3
Cần nhớ rằng ở thời điểm 0 (tức năm 2013), các quốc gia không khởi hành cùng ở mức 0, mà ở những vị trí khác nhau trên trục tung (Y). Chẳng hạn Việt Nam có tọa độ 1.660 US trong lúc Singapore ở tọa độ 50.899 US$, tức GDP hiện có của các nước này ở thời điểm 2013. Ngoài ra, vận tốc lũy tiến (độ cong) của mỗi quốc gia cũng đều khác nhau.
Theo tiên đoán của biểu đồ 4, Indonesia sẽ bắt kịp Thái Lan trong 23 năm tới (tức 2036) và kịp Malaysia vào 2095. Nam Hàn có vận tốc tăng trưởng lũy tiến chỉ hơn Singapore chút đỉnh nên Nam Hàn vẫn chưa bắt kịp trong thế kỷ 21.
Riêng phần Việt Nam, vì vận tốc gia tăng thấp hơn mọi quốc gia, nên tiếp tục ở hạng chót, không những không bắt kịp được nước nào mà càng ngày càng tụt hậu, càng nghèo nếu so với các nước trên.
Biểu đồ 5 trình bày dữ kiện cung cấp bởi IMF tiên đoán tăng trưởng GDP từ 2011 đến 2017, cũng xác định rằng Việt Nam sẽ không bao giờ bắt kịp các quốc gia nói trên, nếu vẫn tiếp tục tăng trưởng với cường độ hiện tại (vận tốc ban đầu = (1374 – 440)/10 = tức tăng thêm 93.4 US/năm).



 Biểu đồ 5. Tiên đoán GDP đầu người do IMF thực hiện cho thời kỳ 2011 – 2017 cho Malaysia (3), Thái Lan (4), Indonesia (5), Philippines (6) và Việt Nam (7). Vẽ từ tài liệu của IMF (1)
Vì vậy, muốn bắt kịp các nước nói trên, Việt Nam phải có vận tốc tăng trưởng ban đầu tăng cao hơn nữa, trước nhất để bắt kịp Philippines, sau mới tới Thái Lan.
Sau đây là các bài tính với giả sử rằng Việt Nam từ năm 2013 lần lượt đạt được vận tốc tăng trưởng GDP từ thấp lên cao, trước nhất bằng Philippines, rồi Thái Lan, rồi tới Indonesia, Malaysia, Singapore và Nam Hàn.
Nếu Việt Nam tăng vận tốc tăng trưởng GDP ban đầu bằng Philippines (tăng thêm từ 93,4 lên 133 US$/năm), Việt Nam vẫn tiếp tục tụt hậu, vì vậy muốn bắt kịp Philippines phải có vận tốc tăng trưởng cao hơn, càng cao hơn thì bắt kịp sớm hơn.
Nếu Việt Nam có vận tốc tăng trưởng ban đầu và vận tốc lũy tiến (độ cong) bằng Indonesia hiện nay (ban đầu tăng thêm 259 US, tuy thấp nhưng lũy tiến tăng nhanh, xem đường cong ở biểu đồ 5), Việt Nam sẽ bắt kịp Philippines vào năm 2023, bắt kịp Thái Lan vào năm 2040, và bắt kịp Malaysia vào 2093.
Nếu Việt Nam có vận tốc tăng trưởng ban đầu bằng Thái Lan (tăng thêm 337,5 US$/năm, cao 3,6 lần hơn VN), Việt Nam sẽ bắt kịp Philippines trong 4,5 tới, tức giữa năm 2017, nhưng không bao giờ bắt kịp Thái Lan.
Nếu Việt Nam có vận tốc tăng trưởng bằng Malaysia hiện nay (tăng thêm 600 US/năm), Việt Nam sẽ bắt kịp Philippines vào năm 2015, Indonesia vào 2019, Thái Lan năm 2028, nhưng không bắt kịp Malaysia, Nam Hàn và Singapore.
Nếu Việt Nam có vận tốc tăng trưởng của Nam Hàn hiện nay (tăng thêm 1583 US$/năm), Việt Nam sẽ bắt kịp Philippines và Indonesia vào năm 2014, Thái Lan năm 2017, Malaysia vào 2022, Singapore vào 2117 (104 năm nữa).
Nếu Việt Nam có vận tốc tăng trưởng bằng Singapore hiện nay (tăng thêm 2724 US$/năm), Việt Nam sẽ bắt kịp Philippines vào giữa năm 2014, Indonesia vào cuối 2014, Thái Lan năm 2018, Malaysia vào 2020, nhưng không bắt kịp Nam Hàn và Singapore.
Trên đây chỉ là giả thuyết, bởi vì muốn đạt được vận tốc tăng trưởng ban đầu bằng Philippines (tăng thêm từ 93 lên 133 US$/năm) cũng vất vả lắm rồi.

10 quốc gia có GDP đầu người dẫn đầu thế giới năm 2030 và 2040
Sau đây là danh sách của Citygroup công bố vào tháng 2/2011 tiên đoán về 10 quốc gia và lãnh thổ (như Hồng Kông) có GDP đầu người dẫn đầu thế giới vào năm 2030 và 2040 (1).

Theo bảng xếp hạng tiên đoán này, Singapore dẫn đầu thế giới, tiếp theo là Norway, Switzerland và Canada trong năm 2030 và 2040. Nam Hàn từ vị trí 9 năm 2030 sẽ lên vị trí 6 năm 2040, Hoa Kỳ tụt từ thứ 7 xuống thứ 9, trong lúc Hồng Kông không còn nằm trong danh sách “Top Ten” của năm 2040, mà thay thế bằng Anh quốc.

Trần Đăng Hồng, PhD
Tài liệu tham khảo
1. List of countries by past and future GDP (nominal) per capita

http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_past_and_future_GDP_(nominal)_per_capita
2. Economy of the Republic of Vietnam
http://en.wikipedia.org/wiki/Economy_of_the_Republic_of_Vietnam
3. Timothy Hallinan (1969). Economic prospects of the Republic of Vietnam.
www.rand.org/pubs/papers/2008/P4225.pdf
4. Tran Van Tho (2003). Economic development in Vietnam during the second half of the 20th century: How to avoid the danger of lagging behind. In: The Vietnamese Economy: Awakening the dorming dragon, ed. by Binh Tran Nam and Chi Do Pham, Routled Curzon, 2003, Chapter 2.
5. Anne Booth (2003). The Burma Development Disaster in Comparative
Historical Perspective. SOAS Bulletin of Burma Research, Vol. 1, No., 1, Spring 2003, ISSN 1479-8484

Sunday, August 25, 2013

Tình bạn trong đời

 
"Trong cuộc vui đâu biết ... AI ... là ... BẠN Lúc hoạn nạn mới biết ... BẠN ... là ... AI "
 
 
Tình bạn trong đời
 
Dù đã sẵn sàng hay còn chưa chuẩn bị, nhưng rồi một ngày kia, chúng ta cũng phải chia tay thế giới này.
Sẽ chẳng còn ánh mặt trời chói chan chào đón, sẽ chẳng còn một ngày mới bắt đầu bằng giọt nắng trong vắt của buổi bình minh.
Sẽ không còn nữa những ngày xuân hiền hòa, ấm áp.
Tiền bạc, danh vọng, quyền lực, … tất cả với ta cuối cùng cũng sẽ trở thành vô nghĩa.
còn ý nghĩa chăng là những gì ta tạo ra đối với thế giới này
Vậy điều gì là thật sự quan trọng lưu lại dấu ấn của ta trong cuộc sống ?
Quan trọng không phải là những thứ bạn mang theo bên mình, mà là những gì bạn đã chân thành đóng góp cho tha nhân.
Quan trọng không phải là những thứ bạn nhận được mà là những gì bạn đã cho đi.
Quan trọng không phải là những thành công bạn đã có được trong cuộc đời, mà là ý nghĩa thanh cao của chúng.
Quan trọng không phải là những thứ bạn học được, mà là những gì bạn đã truyền lại cho người khác.
Quan trọng không còn là năng lực của bạn, mà chính là tính cách - là những gì mà bạn đã cư xử với mọi người xung quanh.
Quan trọng là những khoảnh khắc cử chỉ, thái độ mà bạn đã vô tình hay cố ý khắc ghi trong lòng người khác, khi cùng chia sẻ với họ những lo âu, phiền muộn, khi bạn an ủi và làm yên lòng họ bằng cách riêng nào đó của mình, hay chỉ đơn giản là một nụ cười hoan hĩ hay một cái nắm tay, đỡ cho một người khỏi ngã.
Quan trọng không chỉ là những ký ức, mà phải là ký ức về những người đã yêu thương bạn.
Quan trọng đâu chỉ là bạn sẽ được mọi người nhớ đến trong bao lâu, mà là họ nhớ gì về bạn (cả tốt lẫn xấu).
Quan trọng không phải là bạn quen biết thật nhiều người, mà là bao nhiêu người sẽ đau xót khi mất bạn trong đời.
Vậy thì, bạn ơi, hãy nhìn cuộc sống bằng ánh mắt yêu thương và hiểu biết. Bởi vì, chỉ có tình yêu thương, sự hiểu biết mới đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống, bạn ạ.
Bạn bè cũng như tiền vậy ..
Có tờ ... thật ..
Có tờ ... giả ..
Có tờ ... lành ..
Có tờ ... rách ..

Chỉ tiếc là mình không phải máy soi tiền nên không thể biết được...
 
Trong cuộc vui đâu biết ... AI ... là ... BẠN
Lúc hoạn nạn mới biết ... BẠN ... là ... AI
 
Bạn thân là gì ?
B: bao dung 
Black heart (cards)
A: an toàn 
Black heart (cards)
N: nhường nhịn 
Black  heart (cards)
T: thương yêu Black heart (cards)
H: hiền hòa 
Black heart (cards)
Â: ấm áp 
Black   heart (cards)
N: ngọt ngào 
Black heart (cards)

Xin Lỗi Tháng Tư !

Thời trai trẻ, gác bút nghiên, gác mọi ước mơ ...lên đường " đánh Mỹ!" 
Cây súng trên vai, máu đỏ trong tim!
Mụ lí trí! Hùng hục vượt Trường Sơn.
Đêm nghỉ, ngày đi, giày vẹt gót, áo sờn vai thấm lạnh!
Mẹ còng lưng vắt kiệt sức, mỏi mòn, thao thức đợi con về!
"Ba mươi tháng Tư" Bên Thắng cuộc, hả hê!!!
Con trở thành kẻ "kiêu binh!" trong đoàn "quân Giải phóng!"
Nhưng! Ba mươi tám năm sau con vô cùng thất vọng!
Không hiểu mình đi Giải phóng cho ai???
Chỗm trệ trên cao, toàn những kẻ bất tài!
Đáy xã hội, nhiều "dân oan!" mất đất.
Những nghịch lý, tai ương...chồng chất!
Khoảng cách "sang, hèn" cứ rộng mãi ra.
Người ở "quê" không còn tha thiết với "ao nhà".
Tràn vào Miền Nam "ngoạ, chiếm, xâm canh...từ núi, rừng, chợ búa, thị thành, lầu cao, gác tía ....!"
Ngay như nhà ta thôi!
Chỉ có mình tôi "gọi là : góp công giải phóng".
Chẳng tước quan gì! Mà cũng cả xóm kéo vào.
Người thì bán rau, lượm ve chai, giặt ủi, bán thịt chó, thuốc Lào ...
Thậm Chí! Có cả lừa gạt, bảo kê, hút chích, đĩ điếm, bụi đời...
Đi đâu, ở đâu cũng gặp toàn người "ngoài ấy".
Còn! đố ai tìm thấy bóng dáng người "miền trỏng!" hiện diện trên quê hương mình đấy?
Nhà cửa, ruộng vườn ngoài ấy họ bỏ hoang???
Quê Hương tôi, tên thật đẹp (làng Vàng).
Cũng có đình, chùa, bờ xôi, ruộng mật!
Không hiểu vì sao nhiều người "bỏ tất ?" để vào Nam chen lấn, đua đòi ?

Riêng tôi!
Đã hơn sáu mươi năm, đang ở cuối cuộc đời .
Vẫn cháy bỏng! Muốn được về nơi mình "chôn nhau, cất rốn!"
Đã mấy năm nay, tôi đã làm kẻ "chạy trốn!"
Trốn khỏi "sai lầm !" những năm, tháng ...đã đi qua!
Trở về quê hương, cất lại một nếp nhà!
Tập làm nông, ngớ ngẩn tìm những mảnh gốm xưa, và "Hoài niệm!" thuở ấu thơ ....
Bỗng choàng tỉnh! Đôi khi tìm thấy mình trong đó.
Cửa, cổng nhà tôi cứ mở toang! Kể cả khi trời đang nổi giông, nổi gió ...
Mỗi tháng Tư về tôi lại nhớ vào Nam!
Xin lỗi ! "tháng Tư!"
Xin lỗi ! Miền Nam, những việc tôi đã làm!
Xin lỗi tất cả!
Cả những người "bên thua cuộc!"
Biết sao được !
Mọi người chúng ta sinh ra, đâu có thể chọn được thời cuộc
Nhưng! Lẽ đời, Đen, trắng phải phân minh!
Xin lỗi! "tháng Tư!"
Hãy tha thứ cho mình! Rất chân thành, chứ không phải lời giả dối.

BÌNH-NGỌC

Friday, August 23, 2013

Ngôi mộ Vua Hàm Nghi ở THONAC (Pháp)



Một "Nghĩa cử Cần Vương"
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, 25 năm ở Mỹ, hiện cư ngụ tại Irvine cùng gia đình. Với 6 bài viết trong năm, Cao Đắc Vinh là tác giả được bình chọn vào danh sách Chung Kết giải Viết Về Nước Mỹ 2013.
 Bài viết mới là chuyện có thật của hai cư dân Orange County, tình cờ thực hiện được Một "Nghĩa Cử Cần Vươngở một thôn làng xa xôi, nơi có ngôi mộ cô quạnh của vị vua anh hùng bị người Pháp lưu đầy 55 năm biệt xứ.
Mến tặng Mai T. Lân & Bác sĩ Bùi N. Trinh MD
~~~~~~~~~~~~~Chiếc Jumbo 747 Air France sửa soạn đáp xuống phi trường Charles De Gaulle, phi đoàn trưởng cất tiếng chào mừng du khách sắp đến nước Pháp. Trinh cài giây an toàn, chỉnh đốn lại ghế ngồi rồi nắm tay Lân thản nhiên chờ đợi...

Chuyến du lịch thường niên của họ dự tính sẽ nghỉ nửa tháng hè ở vùng Dordogne thuộc miền Tây Nam nước Pháp. Phong cảnh nơi đây nổi tiếng với những lâu đài cổ, đồi núi cây xanh, nắng hạ ấm áp, tiện lợi cho việc tĩnh dưỡng nghỉ ngơi.

Lân và Trinh gặp nhau vài năm trước ở Cali trong hoàn cảnh “Tự Tình” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương “vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”. Bên nhau, họ xây dựng lại cuộc đời vào lúc con cái đã trưởng thành. Lân là cựu học sinh ESSEC Business School ở Paris và Trinh, bác sĩ chuyên khoa nhi đồng ở Little Saigon, Orange County. Xã hội Mỹ thu nhập cao nhưng công việc quanh năm suốt tháng bận rộn, vì thế để thay đổi không khí, buông xả những nhọc nhằn, họ tìm đến miền quê thanh tịnh Âu châu... Ngày thì nằm dài đọc sách, chiều đi bộ quanh đường làng khi những con chim rừng líu lo bay về tổ.

Lân tình cờ thuê được một phòng tại Auberge Castel Merle trong làng Sergeac. Sau bữa sáng điểm tâm, họ thăm các vùng phụ cận, chiều về quán trọ ăn tối, đặc biệt nơi này nổi tiếng “foie gras” và rượu vang vùng Domme tuyệt vời... Dân tình ở làng nhỏ thân mật ngoài sự tưởng tượng. Vợ chồng chủ quán Christopher và Anita Millinship quyến luyến hai người khách phương xa, thường ưu ái chuyện trò với họ vào buổi chiều rảnh rỗi. Một hôm, Christopher nói với Lân và Trinh:

- Gần xã Sergeac này, có Chateau de Losse của hoàng tộc Annam khi xưa, ngày nay được liệt kê vào hàng di sản quốc gia, các bạn đã đến thăm chưa? Hoàng gia cũng chôn cất ở làng Thonac bên cạnh, lái xe chỉ 2, 3 cây số...

Lân và Trinh, hai du khách đến từ xứ Mỹ ngàn dặm, ngẩn ngơ với cái tin vừa thoáng nghe nhưng phấn khởi tưởng như sắp gặp lại đồng hương thân quen ở nơi xa lạ... Một hoàn cảnh “độc nhất vô nhị”! Họ về phòng, hết còn muốn đọc sách nghỉ ngơi, cố tìm hiểu lịch sử để sáng mai thăm Thonac và nhất là mộ vị vua anh hùng nước Việt. Hoàng Đế Hàm Nghi vì tấm lòng ái quốc mà bao năm bị đọa đầy rồi phải gởi cốt xương tàn ở chốn xa xôi này sao? Khó tin mà chuyện có thật nơi quê người...
Chateau de Losse.
Lịch sử khái quát dẫn họ về lại quá khứ... Ngày 2 tháng 8 năm 1884, vua Hàm Nghi mới 13 tuổi lên ngôi ở điện Thái Hòa mà không thẩm ý Khâm sứ Rheinart như công ước đã ký kết. Hành động này bầy tỏ chủ quyền độc lập của nước Nam bất chấp sự bất bình của quan chức bảo hộ.

Nửa tháng sau, Đại tá Guerrier hung hăng như tên gọi, cầm đầu 185 sĩ quan binh lính đến hoàng thành dự lễ phong vương. Guerrier buộc triều đình Huế phải để phái đoàn đi lối giữa vào Ngọ Môn thường dành riêng cho vua. Quan triều Nguyễn cự tuyệt... Quân Pháp phải nhượng bộ, chấp nhận mọi thành phần quan khách đi cửa phụ hai bên trừ 3 người là Đại tá Guerrier, Khâm sứ Rheinart và Đô đốc Wallarrmé vào cổng chính.

Tính khí khái của vị Hoàng đế trẻ vừa lên ngôi vô tình khơi lại niềm kiêu hãnh dân tộc tự chủ, gióng lên tiếng chuông thức tỉnh thần dân. Bất kể lính Pháp đóng quân tại cố đô, vua Hàm Nghi và triều đình Huế vẫn tỏ thái độ đối đầu không hèn...

Năm sau 1885, Thống tướng De Courcy biệt phái sang Đông dương để phụ lực đặt nền bảo hộ. Khi sửa soạn yết kiến vua Hàm Nghi, De Courcy ra yêu sách cũ là phái đoàn tháp tùng 500 người phải đi vào cung vua bằng cửa giữa dành riêng cho đại khách. Triều đình Huế lại đề nghị như lần trước cho đúng lễ nghi nhưng De Courcy từ chối thẳng thừng.

Bị khinh thường nên vua quan nước ta âm thầm tập trung hỏa lực tấn công trại binh Pháp ở đồn Mang Cá. Lính Pháp phản công tảng sáng hôm sau, quân triều Nguyễn thua, bỏ kinh thành Huế chạy đến Tân Sở. Nơi đây, vào đầu tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi tuyên hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và nông dân nổi dậy chống Pháp dành độc lập. Dân chúng hưởng ứng phong trào rất đông... Tiếc thay vì lực lượng tản mát nên thế cô! Tháng 9 năm 1888, nhà vua bị bắt do nội phản, lúc mới 17 tuổi và bị đầy sang xứ Algerie ở Bắc Phi.

Suốt cuộc đời lưu vong, cựu hoàng tỏ rõ chân tướng anh hùng, vẫn áo dài khăn xếp giữ vững cốt cách dân tộc và thời gian đầu ở Alger, ngài từ chối học tiếng Pháp vì dè bỉu ngôn ngữ của kẻ xâm lăng. Đến năm 1904, vua Hàm Nghi bước vào tuổi trung niên, an phận kết hôn với cô Marcelle Laloe, con gái của chánh án tòa thượng thẩm Alger. Đám cưới long trọng trở thành một hiện tượng văn hóa của thủ đô Alger mà chú rể xứ Annam vẫn trịnh trọng khăn đống áo dài bên cạnh chiếc áo cưới lộng lẫy của cô dâu Tây phương. Cảm động thay tấm lòng khí khái trung kiên!

Căn nhà nhỏ bên cạnh lâu đài, nơi công chúa Như Mây đã sống tuổi già với vị quản gia.

Thonac là quê vợ nên vua Hàm Nghi và bà Laloe đã mua Chateau de Losse lúc sinh thời. Thời gian sau, công chúa Như Mây sống cuộc đời độc thân trong lâu đài. Những năm cuối vì thiếu tiền bảo quản nên công chúa phải bán đi rồi dọn sang căn hộ nhỏ ở chung với quản gia. Dân làng Thonac đánh giá hạnh phúc của gia đình cựu hoàng rất cao. Vua Hàm Nghi và bà Laloe có 3 người con: công chúa Như Mây, hoàng Tử Minh Đức và công chúa Như Lý.

Công chúa Như Mây trước khi mất năm 1999 đã làm di chúc để quản gia sống trọn đời trong căn hộ rồi sau đó con cháu mới được bán. Bà là phụ nữ đầu tiên đậu thủ khoa kỹ sư canh nông Pháp được cư dân ở đây mến mộ và lưu truyền những kỷ niệm tốt đẹp.

Hoàng tử Minh Đức xuất thân từ trường quân đội Saint-Cyr, năm 1946 từ chối nhiệm vụ lệnh sang Đông Dương với lời tuyên bố: “Tôi không thể cầm súng bắn lại đồng bào tôi”. Ông không có con kế thừa và mất năm 1990.

Công chúa Như Lý tốt nghiệp tiến sĩ y khoa, lập gia đình với Công tước Francois de la Besse. Bà từ trần năm 2005, để lại 3 người con. Đầu thế kỷ 21, vì nhiều lý do thích đáng, bà đã khước từ đề nghị của chính phủ Việt Nam cộng sản cải táng vua Hàm Nghi về Huế...

Mặt trời tháng Bẩy vừa tỏa ánh nắng đầu ngày trên sông Vézère, Lân và Trinh đã lên đường thăm Thonac nơi tọa lạc Chateau de Losse rồi viếng mộ hoàng tộc ở nghĩa trang. Vừa bước vào, hai người đã thấy nhiều khu vực cũ thiếu bảo trì. Những ngôi mộ bỏ hoang, không được chăm sóc theo định kỳ thì xã trưởng dán thông báo sẽ bốc tro cốt đi nơi khác.

Giữa không gian thê lương cố hữu ở nơi chôn cất, nỗi buồn không tên chiếm hữu tâm hồn người tảo mộ lúc nào không hay và còn buồn hơn khi đứng trước tấm bia của vị Hoàng đế lạc lõng nơi quê người. Mầu thời gian trên mộ tạo hình ảnh hoang tàn tại khu đất hoàng gia. Rêu phong mọc trên lớp đá vân cẩm thạch thành mầu đen che kín.
                                                                               
                                           Bia mộ vua Hàm Nghi.
Lân và Trinh nhìn nhau, không nói nhưng hình như cùng tự hỏi lòng:

- Quê hương còn hay mất? Tòa Đại sứ Việt Nam cộng sản tại Paris làm gì ở xứ sở này mà gần 40 năm nắm chính quyền đã lãng quên vị vua Nguyễn anh hùng hiếm hoi của dân tộc, một thời đã vì đất nước quên mình!

Buổi sáng tại nghĩa trang, có một bà tuổi trung niên đang ngồi khóc bên cạnh nấm mộ vừa lấp đất. Hai người đến hỏi thăm thì được biết chồng bà mới qua đời! Bà Culine là cư dân làng Thonac, biết nhiều về hoàng gia theo lời đồn từng thế hệ. Từ khi hoàng tử và hai công chúa khuất mất thì khu đất của vua Hàm Nghi hầu như không người chăm sóc.

Xã trưởng vì nể tình và thấu hiểu hoàn cảnh vị vua Annam bất hạnh nên vẫn giữ nguyên, không dán giấy nhưng Lân và Trinh đã động lòng, không thể để mộ bia của một quân vương anh hùng nước Việt trong tình trạng tối tăm u uất như thế!

Trinh hỏi thăm bà Culine về người quản lý chuyên lo chỉnh trang phần mộ. Họ tiếp xúc và sẵn lòng chi trả tất cả phí tổn để làm mới lại khu an nghỉ của hoàng gia trước khi kết thúc chuyến nghỉ hè dự tính an nhàn mà biến thành công tác xã hội mang theo những kỷ niệm khó quên...
Ngôi mộ cô quạnh khi Lân & Trinh thăm viếng.
Ngẫm nghĩ lại câu chuyện vừa kể, vua Hàm Nghi vì muốn bảo tồn danh dự của dân tộc Việt trước thực dân Pháp mà bị đầy ải một đời gian truân. Quân vương nước Nam đã dám nói không với Đại tá Guerrier và khi Tướng De Courcy nói không với Triều đình thì ngài nổ súng, rời ngai vàng và tuyên hịch “Cần Vương”. Vua Hàm Nghi không ngần ngại làm những gì phải làm dựa theo đạo lý giống như lời ngài dậy dỗ các con: “Si vous ne pouvez pas être de bon Vietnamien, soyez de bien Francais” (Nếu các con không thể là người Việt Nam tốt thì hãy là người Pháp tốt.)

Tháng Bẩy ở Washington D.C năm 2013, Chủ tịch cộng sản Việt Nam cũng dẫn đầu phái đoàn đến gặp Tổng thống Obama không kèn không trống. Tên ông là Sang mà hóa ra “Hèn”, ngồi họp mà chỉ để ý đến điệu bộ bề ngoài, thấp thỏm cứ quơ tay cài nút áo rồi lại thôi! Chẳng biết đầu óc ông còn gì khi đã ký hiệp định “nhất trí” tự ý chui đầu vào thòng lọng của Tập Cận Bình.

Coi chuyện vị đại diện nước Việt Nam hôm nay ckhông khỏi ngậm ngùi khi nhớ những hành động ái quốc của vua Hàm Nghi. Nhà vua đã đứng thẳng người trước súng đạn của quân Pháp năm xưa ngược lại hôm nay, chủ tịch cộng sản Việt Nam Trương Tấn Sang đã cúi đầu, cong lưng khi đứng bên cạnh vua Tầu Tập Cận Bình. Trong khi ấy, những con dân đang vận động cho độc lập, dân chủ, nhân quyền thì bị bỏ tù, tinh thần dân tộc của các bạn trẻ chống kẻ tử thù phương Bắc lại lãnh những bản án nặng nề. Cứ vậy, từng bước, nước Việt Nam đang chìm dần vào cảnh đêm dài Bắc thuộc lần thứ 5...
Mộ vua sau khi được trùng tu và một bông hoa lẻ loi.
 
Lân là bạn học cùng trường với tôi ở Pháp cách đây đã trên 40 năm. Kể lại câu chuyện hy hữu này, tôi cảm thấy hãnh diện theo từng chi tiết. Việc làm riêng lẻ nhưng lơi ích mà Lân và Trinh đã làm ở Thonac (gọi lệch lạc ra tiếng Việt là Thôn làng nghe thật trìu mến) còn mang một ý nghĩa linh thiêng mà đất nước chúng ta ngay lúc này rất cần đến... Đó là ngọn lửa yêu nước và tinh thần độc lập của phong trào “Cần Vương”.

Đầu tháng Bẩy năm nay 2013, vô tình nhưng hữu ý, Lân và Trinh đã làm được một “Nghĩa Cử Cần Vương” bởi vì ngôi mộ của vua Hàm Nghi vừa được chỉnh trang đổi mới. Ước mong tinh thần cần vương giữ nước rồi cũng sẽ bừng dậy trở lại, như tháng Bẩy năm 1885 cách đây đúng 128 năm.

Cảm ơn Mai T. Lân & Bác sĩ Bùi N. Trinh MD đã chia sẻ việc làm nhiều ý nghĩa này với tôi và người Việt ở khắp năm châu.

Cao Đắc Vinh

Thursday, August 22, 2013

Ở HUẾ

Lăng Cô
Mặt trời dậy sớm
Lúc năm giờ
Nhìn qua bên kia sông
Gia Hội còn mờ
Cầu nghiêng bóng nước sông Hương
Chìm bao năm tháng


Nhà Viêm Tịnh ở Hàng Bè
Đường bờ sông im vắng
Những con đò xuôi đâu
Đêm không còn lao xao sóng lặng
Bao cuộc đời
Đã tắp bến nơi nao
Hay vẫn long đong cùng mây trắng              


Cà phê Bon ngồi dăm ba người bạn
Lê Ngọc Thuận ở Mỹ Chánh vào
Buổi xuân thời qua từ nhiều năm
Nhiều năm ấy bao buồn vui
Những ngày tang trắng thất lạc nhau
Mùa binh biến năm xưa không bao giờ phai kỷ niệm
Những cuộc đời những con người  và những bí mật không hề khai quật
Bởi tiếng gọi của lương tri
Huế năm ấy u buồn
Những người con không trở lại


Về Túy Vân sơn
Qua cầu Trường Hà
Quê hương người mẹ già 96 tuổi
Có thấy người con phương xa về
Huỳnh Ngọc Thương
Một chút tình phơi bên hàng chè tàu
Những năm thơ ấu như huyền thoại
Cuộc đua tranh của đời sống
Đã mất đi tình người tình bà con chòm xóm
Chỉ còn là tiền là lợi lộc ẩn mình dưới vỏ bọc ngụy trang
Làng quê dầu có nhiều thay đổi
Những con đường bê tông
Đã bịt kín những lối về ngày xưa hương thơm mùi đất ẩm của ngày hè
Nhìn thấy cửa Tư Dung
Núi Mu Rùa – nơi dừng chân của huyền thoại công chúa nhà Trần
Một trang lịch sử bồi hồi của cuộc tình đất nước 


Chiều ghé tháp Chàm Phú Diên
Được xây từ thế kỷ thứ tám của dân tộc Chiêm
Khi chưa là sính lễ cầu hôn của Chế Mân
Khi đất phía Nam chưa khai phá
Công trình còn dở dang
Dấu vết một thời biến loạn


Cháo thơm mùi gạo đỏ
Bên lề đường sớm mai
Trước gallery anh Vĩnh Phối
Đường Bạch Đằng
Cô bán hàng xinh tươi thơ ngây trước câu đùa vui của khách
Cũng ngon như bún Mệ Kéo
Khách không ngớt ra vào chờ đợi


Ngày của Huế bắt đầu
Bên cà phê trước tòa soạn báo Sông Hương
Những người bạn của thời xưa vừa gặp lại
Những ngày áo trắng sân trường
Với tình yêu mơ màng người bạn gái cùng lớp
Bài thơ theo chân người dọc đường về bao nhiêu năm tháng
Mãi mãi chỉ là lời tỏ tình âm thầm của giấy trắng      


Thăm người em gái chợ Đông Ba
Mới hôm nào nay đã ba con
Miệng vẫn cười xinh giữa rừng hàng nhôm nhựa
Những ngày vui chung dưới một mái nhà
Năm một chin bảy mốt trong phủ Gia Hưng
Tôi đã ra đi về phía Nam để lại một mối tình trong sáng
Đẹp ngời cung điện cố đô xưa


Về làng Chuồn
Quê hương thơ ấu
Tuổi mười hai mười ba
Mỗi chiều đi dạo dọc con đường làng với Quảng
Cuộc tình của dì Lạc
Những ngày nắng Huế cùng dì đạp xe đạp đi học ở Bồ Đề hữu ngạn
Làm bao nhiêu bài thơ về người bạn gái cùng lớp
Không nhớ hết những kỷ niệm
Như hai cây vú sữa vườn nhà Ngoại đã không còn
Và cây ổi trước sân nhà ông bà Nội đã biến mất
Mang theo vị hương dịu ngọt của thằng bé thuở xưa
Khúc hát êm đềm của đồng quê ngày ấy
Chỉ còn lại ngôi mộ song thân nằm đây
Trên cánh đồng làng bát ngát
Qui cố hương – bài ca muôn thuở của cuộc đời


Những con đường thành phố Huế nhiều cây xanh hơn
Nhưng không khuất lấp được những kỷ niệm quá khứ
Những cửa Thành được trùng tu xây mới bê tông
Nhưng không sao làm quên được màu rêu phong cũ
Khu Đại Nội đông vui rất nhiều đoàn du khách nước ngoài
Không dễ có khoảng trống lặng im âm trầm hoàng triều cố cựu


Những buổi trưa tìm đến hàng cơm Chị Tẹo
Ăn cá bớp kho xấp
Hay dĩa thịt luộc tôm chua
Canh cá kình
Hương vị Huế thấm dần trong da thịt
    

Ở Huế mà như không ở Huế
Những mối tình ở trên mây
Như sự yêu đương phù phiếm của Nguyễn Miên Thảo
Hay cuộc tình hai vợ của Nguyên Quân
Như chàng thanh niên Huế ngày xưa tự làm ảo thuật với mình
Bằng những hẹn hò hoang tưởng
Tội nghiệp những quán cà phê bên bờ sông Hương
Làm chứng nhân cho lời tỏ tình của những chàng thi sĩ mơ mộng


Ở Huế mà như không ở Huế
Tôi lướt qua ngày và đêm trên đôi cánh giữa trời mây
Lâng lâng ngày trở lại


Huế những ngày đầu tháng 8/2013

TỪ HOÀI TẤN