Tuesday, June 30, 2015

BÀ CHÍN LÂU VÀ HÃNG NƯỚC MẮM HỒNG HƯƠNG.



Phận nghèo
Mùa gió bấc năm Mậu Tuất 1898, trong một mái lều tranh vách lá che tạm ven bờ sông Cà Ty thuộc làng Đức Thắng, đứa con thứ chín của một ngư dân nghèo cất tiếng khóc chào đời. Trời trở bấc hơn 3 tháng, người cha không đi biển được, nhà không còn một hạt gạo, tám đứa con nheo nhóc bữa đói bữa no cũng chừng ấy thời gian. Người mẹ nghèo sinh đến đứa con thứ 9 nên sức cùng lực kiệt, ngất đi hơn 1 ngày. Người chồng đã sang nhà người bạn ghe mượn tạm một ít gạo về nấu cháo cho vợ. Để có chất tẩm bổ cho vợ, có sữa cho con bú, thứ thực phẩm duy nhất mà người chồng có được là vò nước mắm chôn dưới đất. Cháo loãng và nước mắm giúp người mẹ nghèo có được những dòng sữa ngọt nuôi con trong cảnh khốn cùng. Nghèo, chữ nghĩa chẳng có, không biết đặt tên con là gì, thôi thì đặt tên xấu dễ nuôi. Cái tên Trương Thị Tuất của người con gái thứ chín ra đời như thế.
Cũng như các anh chị mình, từ nhỏ Trương Thị Tuất phải theo phụ mẹ gánh cá mướn. Nhờ trời phú cho Tuất sức khỏe. Cô làm việc quần quật suốt ngày mà không biết mệt. Dậy sớm từ tinh mơ để đón ghe cá vào, rồi gánh cá đổ vào thùng lều cho chủ, sau đó theo anh chị đi cào muối thuê, chiều về dọn dẹp vệ sinh lều mắm,... Bất kể việc gì cô cũng không nề hà. Không như những cô gái thời đó, do nhà nghèo, một phần lo phụ mẹ cha đến ngoài 20 Tuất mới nghĩ đến việc lập gia đình và người chồng của cô cũng là một trai lều(*) hay làm hay làm. Đó cũng là chàng trai chưa bao giờ nói với cô một lời sổ sàng, khác biệt với bao nhiêu trai lều trong vùng ưa bởn cợt, trêu chọc đàn bà, con gái mỗi khi có dịp. Một đôi lần tình cờ gặp nhau trước lều mắm, anh lúc nào cũng nhìn Tuất rồi tủm tỉm cười. Nụ cười của anh mới hiền lành làm sao! Từ đó mà trái tim Tuất thường đập thình thịch, tay chân trở nên bối rối mỗi khi gánh cá vào lều gặp anh và được anh phụ đổ cá cho. Một hai người biết chuyện nói vào, vì vậy khi cha mẹ hỏi Tuất về chuyện Cang- tên của anh- cậy người mai mốt thì Tuất đỏ nhừ mặt không nói gì! Cũng từ việc lập gia đình với anh Nguyễn Văn Cang một cách trể tràng (lâu) này mà mọi người thời đó gọi đùa cô bằng cái tên Chín Lâu. Chín Lâu rồi trở thành tên thường gọi của cô Tuất lúc nào không hay!


Khởi nghiệp
Vợ chồng ra riêng không có một mảnh đất cắm dùi. Bí quá, đôi vợ chồng trẻ xin chủ lều mắm che tạm một mái nhà bên cạnh vừa để ở, vừa để canh lều cho người ta. Được một thời gian ngắn thì phải dọn đi vì con của chủ lều không cho. Lại phải đi tá túc hết nơi này đến nơi khác. May mắn thì ở được lâu, không thì vài tháng. Cuộc sống nay đây mai đó, trăm bề cực khổ đã làm cô Chín Lâu quyết tâm tằn tiện, dành dụm. Năm 1923, vợ chồng mua được một mảnh đất nhỏ với số bạc 10 đồng ở một nơi hẻo lánh của làng Đức Thắng thời ấy. Ngoài thời gian đi làm thuê, vợ chồng muối một vài mái nước mắm tại nhà để bán lẻ. Từ bé đã gắn bó với con cá, hạt muối, thùng lều,... cùng khả năng thiên phú, nước mắm của vợ chồng Chín Lâu làm ra ai cũng khen ngon và mua ủng hộ. Từ vài mái mắm nhỏ, vợ chồng từng bước mở rộng cho đến ngày trở thành có được một thùng lều rồi hai thùng lều… làm mắm. Nước mắm của vợ chồng được sản xuất bởi kỹ thuật cổ truyền, nhưng cao hơn cả nó kết tinh sự cẩn thận, sự kỷ càng về thời gian muối cá, về lượng muối có độ mặn vừa phải, về sự nén, sự trộn, sự pha chế…Dần dần trở thành một loại nước mắm được người dân xóm chợ ưa thích, tìm mua. Tiềng lành đồn xa. Năm 1927, khi lượng nước mắm bán ra ngày một chiều, vợ chồng Chín Lâu chính thức đặt tên nước mắm của mình là Hồng Hương. Vì sao có tên Hồng Hương thì người phụ nữ giỏi giang của làng biển Đức Thắng xưa giải thích: Vì nó luôn có màu hồng tươi của loại nước mắm được muối đúng quy trình và luôn tỏa hương thơm của tinh chất cá vốn là cá tươi nguyên trước khi muối…
Với bản tính ham làm, chịu khó và quý trọng chữ tín, chỉ vài năm sau nước mắm thương hiệu Hồng Hương với “lô gô” hình con tôm của vợ chồng bà Hồng Hương ( sau đây gọi bà Chín Lâu là bà Hồng Hương ) đã có mặt tại Sài Gòn.


Lừng tiếng Hồng Hương.
Thời ấy, các hãng nước mắm khác phải thuê ghe hoặc chỉ sắm 1- 2 chiếc ghe bầu để vận chuyển nước mắm đi bán, riêng hãng Hồng Hương có một đội ghe hơn 10 chiếc, chở nước mắm ngược ra miền trung, miền bắc và xuôi vào Sài Gòn và Nam kỳ lục tỉnh. Từ năm 1933, tại Phan Thiết nước mắm Hồng Hương luôn là thương hiệu nổi tiếng nhất về chất lượng và sản lượng sản xuất ra. So với sản phẩm cùng loại thì nước mắm Hồng Hương luôn cao giá hơn nhưng được người tiêu dùng chấp nhận. Hồng Hương phải mở nhiều cơ sở phát hành tại Sài Gòn và các tỉnh Nam kỳ. Điều đặc biệt nước mắm Hồng Hương từ Phan Thiết vào Sài Gòn được người Hoa ở Chợ Lớn mua sĩ và phân phối khắp vùng Chợ Lớn. Hầu như cộng đồng người Hoa thời kỳ này khi dùng nước mắm chỉ sử dụng nước mắm thương hiệu Hồng Hương. Hàng sản xuất ra không kịp bán. Tại Phan Thiết từ 1 sở lều ban đầu chỉ trong vòng 15 năm hãng nước mắm Hồng Hương đã phát triển ra hơn 20 sở lều, mỗi lều rộng hàng hecta tại Phan Thiết và Phan Rí. Con đường Duy Tân (đường Nguyễn Văn Trỗi ngày nay) trước 1975 hầu hết là sở lều của nước mắm Hồng Hương.


Bí mật của hãng.
Trong quá trình tìm hiểu về những hàm hộ xưa tại Phan Thiết, chúng tôi có nêu thắc mắc tại sao cũng cá, cũng muối và đều được làm tại Phan Thiết nhưng nước mắm Hồng Hương lại nổi tiếng thơm ngon như vậy. Họ có bí quyết gì chăng? Nhiều bậc cao niên trong nghề nước mắm kể lại trước đây hầu như dân hàm hộ ai cũng nghe nói câu chuyện bí quyết nghề của nước mắm Hồng Hương: Nước mắm thành phẩm trước khi xuất bán được bà Hồng Hương chứa trong thùng lớn 12.000 lít sau đó bà cho đổ vào 3 - 4 xe bò nước hến lấy từ giếng dọc ( nước giếng đào trên động cát có màu trắng đục ) ở khu vực xóm lò tỉn ( nay là đường Trần Quý Cáp thuộc phường Đức Long, Phan Thiết ) rồi trộn đều. Sau khi pha với lượng nước hến này thì nước mắm trở dịu, có vị ngọt đặc trưng riêng biệt của nước mắm Hồng Hương và đặc biệt để lâu không hư. Hầu như các hàm hộ khác đều biết chuyện này nhưng không ai bắt chước thành công. Đem câu chuyện này hỏi con cháu bà Hồng Hương thì chúng tôi được trả lời là họ trước đây cũng có nghe nói nhưng không biết thực hư thế nào (?!)


Những công trình kiến trúc.
Năm 1932, thị xã Phan Thiết được chính quyền thuộc địa kiến thiết lại để phù hợp với tính chất là tỉnh thành quan trọng của Trung Kỳ lúc bấy giờ. Khi ấy, chính quyền thuộc địa có chủ trương khuyến khích phát triển đô thị Phan Thiết nên đã kêu gọi và hỗ trợ những thương gia, nhất là các thương gia địa phương mở đường, xây phố, lập chợ. Nhiều phố xá và chợ búa ở Phan Thiết được xây dựng giai đoạn này.... Cũng như ông Bát Xì và bà Lục Thị Đậu, tiền làm ra từ sản xuất nước mắm bà Hồng Hương đầu tư hết vào nhà cửa, đất đai để bán hoặc cho thuê. Từ năm 1945, trên tuyến đại lộ Trần Hưng Đạo là tuyến đường đường to đẹp nhất đô thị Phan Thiết thời đó, đoạn từ trường Nam Phan Thiết ( nay là trường tiểu học Đức Thắng ) đến bờ sông Cà Ty ( thời đó chưa có cầu Trần Hưng Đạo ) hơn 90% nhà cửa, đất đai dọc tuyến đường này là của bà Hồng Hương. Vị trí ngân hàng Sacombank ngày nay trước đây là phòng ngủ ( khách sạn ) của Hồng Hương. Năm 1973 khi Hiệp định Pari được ký kết bà Hồng Hương cho thuê toàn bộ khách sạn này làm trụ sở của Ủy ban 4 bên. Tòa nhà góc đường Ngô Sĩ Liên - Trần Hưng Đạo cách đó mấy căn cũng thuộc sở hữu của bà. Trong lịch sử hình thành trường trung học Phan Bội Châu, những năm đầu mới thành lập trường cũng thuê lại tòa nhà trên đường Trần Hưng Đạo của bà Hồng Hương để làm trường, về sau trả và người khác thuê để làm trường Tiến Đức, hiện nay vị trí này là trụ sở UBND thành phố Phan Thiết. Đặc biệt, 2 tòa nhà kiến trúc Pháp có mái vòm nằm ở hai bên trụ sở UBND thành phố Phan Thiết được bà Hồng Hương xây dựng từ năm 1954. Có một thời trụ sở chính của hãng nước mắm Hồng Hưng được đặt tại đây. Hai công trình kiến trúc Pháp này hiện còn khá đẹp và được xem như một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất đô thị Phan Thiết hiện nay.... Ngoài ra, bà Hồng Hương còn bỏ tiền đầu tư xây dựng hàng trăm căn nhà phố liền kề ở các đường Chu Văn An, Triệu Quang Phục, Ngô Sĩ Liên, Đồng Khánk ( nay là Trần Phú ) để bán hoặc cho thuê.


Với người thân.
Các người con đều được ông bà Hồng Hương truyền nghề và giúp đỡ tạo dựng ra các hãng nước mắm riêng và khá thành công như hãng nước mắm Hồng Sanh của người con gái thứ bảy, hãng Hoa Hương của người con gái thứ ba, cơ sở của người con thứ tám. Người con rể là ông Dương Quang Thiết (nước mắm Hồng Sanh ) trước 1975 là chủ tịch nghiệp đoàn hàm hộ Phan Thiết. Đặc biệt người em gái ruột thứ mười của bà Hồng Hương là bà Trương Thị Mao cũng được bà giúp đỡ mở hãng nước mắm Hồng Xuyên nổi tiếng không kém. Ngoài việc kinh doanh nước mắm bà Hồng Xuyên còn được nhiều người dân Phan Thiết thời ấy biết đến khi có 2 người con trai hy sinh khi tham gia kháng chiến và có người con rể là bác sĩ Lê Văn Phụng làm đến chức thứ trưởng Bộ Y tế sau năm 1975 và là mẹ ruột của sư bà chùa Bình Quang - Phan Thiết. Trong số các người con của bà Hồng Hương có người con trai đầu là ông Nguyễn Văn Sâm tham gia kháng chiến, tập kết ra Bắc sau đó trở vào Nam công tác tại Quân khu 7 với quân hàm đại tá quân đội nhân dân Việt Nam.


Một thời vang bóng.
Năm 1957, ông Nguyễn Văn Cang mất, bà Hồng Hương vẫn tiếp tục điều hành hãng nước mắm Hồng Hương thêm một thời gian rồi giao lại cho vợ chồng người con trai thứ hai là ông Nguyễn Văn Ngọ và bà Lương Nguyệt Quyên. Sau năm 1975, thì vợ chồng người con gái lớn của bà Quyên là bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân và ông Phan Gia Tự tiếp tục thừa kế thương hiệu Hồng Hương. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là thương hiệu nước mắm Hồng Hương nổi tiếng gần 100 năm giờ đã không còn thuộc sở hữu của gia đình bà Hồng Hương do một bạn hàng ngày xưa của nước mắm Hồng Hương tại Tiền Giang đã nhanh tay đăng ký và đã được Cục Sở hữu công nghiệp cấp chứng nhận độc quyền thương mại năm 1994. Sau năm 1995, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân có tiếp tục làm nước mắm nhưng phải lấy thương hiệu mới là Ngân Hương và đã chấm dứt nghề nước mắm cách đây vài năm do lớn tuổi và con cái không còn ai theo nghề nữa.
Câu chuyện về bà Hồng Hương giờ vẫn được nhiều người nhắc đến như một tấm gương về một người phụ nữ nghèo khó vươn lên từ nghề nước mắm cổ truyền của địa phương và là người đã góp phần to lớn tạo ra nhiều thương hiệu nước mắm Phan Thiết nổi tiếng khắp cả nước. Cũng chính bà đã kiến tạo và để lại cho đời sau nhiều công trình kiến trúc đẹp, góp phần hình thành một đô thị Phan Thiết giàu đẹp ngày nay.

LÊ HUÂN






Monday, June 29, 2015

Hai Thế Hệ, Một Tấm Lòng

 
Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Huống chi chúng mình cũng là người có đôi chút chữ nghĩa Thánh Hiền.
 Cho nên có vài hàng tâm sự.
Thấm thoát mà đã 40 năm, từ khi cha mẹ tay bế tay bồng mang bầy con chạy trốn trước nguy cơ trả thù của những người thắng cuộc. Bây giờ, các bậc cha mẹ này đều ở tuổi trên dưới “cổ lai hy”. Nghĩ lại mà thấy kinh hoàng. Vì so với thời gian “Tôi xa Hà nợi năm lên mười tám khi vừa biết yêu”, rồi 20 năm “Bắc Kỳ Di Cư”, thì thời gian lưu vong xa xứ quá dài. Những 40 năm!.Và họ đã nghĩ đến trách nhiệm của các con trong nối tiếp công việc gia đình, xã hội. 
Di tản tới một môi trường hoàn toàn mới lạ, cha mẹ đã phải vất vả cực nhọc lắm để gây dựng lại cho con cái.
Với tuổi đời trung bình từ 35 tới 40, họ phải bắt đầu lại từ số không với rất nhiều khó khăn. 
Anh ngữ là trở ngại đầu tiên. Chỉ có một số nhỏ có tiếp xúc với nhân viên các quốc gia đồng minh là nói được chút đỉnh tiếng Anh. Còn hầu hết không nói được ngôn ngữ này. Mà không có ngôn ngữ thì rất khó hội nhập vào quốc gia mới. Có nhiều giai thoại rất vui về sự “đàm thoại bằng tay” này. Một lão bà, đi máy bay, mót tiểu, cứ ôm lấy cô chiêu đãi viên hàng không mà la “Rét Run! Rét Run!”. Cô ta không hiểu mô tê ất giáp gì. Nhưng khi bà cụ chỉ tay xuống bụng dưới , nhăn mặt là cô ta biết ý đưa bà cụ vào cầu tiêu...
Kiếm việc là trở ngại kế tiếp. Đa số các bậc làm cha mẹ khi đó là quân cán chính cũ ở Miền Nam, làm việc văn phòng hoặc đánh trận. Cho nên vào Mỹ là không có một nghề nào có thể xin việc được ngay. Ở xứ này, nghề nào cũng cần giấy phép hành nghề. Ngoại trừ nghề rửa chén, lau nhà. Do đó đa số bắt đầu với các công việc tương tự. Để có tiền cấp bách nuôi dưỡng con cái đi học rồi mới nghĩ tới việc học tiếng Anh, học nghề cho mình.
Rồi thích nghi với nếp sống văn hóa Mỹ quốc. 
Văn hóa mình vốn kín đáo, dè dặt, ít nói người Mỹ thì cởi mở, nghĩ sao nói vậy và nói thật nhiều. Họ sẵn sàng tranh luận, phê bình để làm tỏ vấn đề thì ta“ chín bỏ làm mười”, “ai sao tôi vậy”. Nhưng về nhà thì ấm ức, không vui nếu ý kiến của mình bị bác bỏ. 
Họ hướng ngoại, quan tâm tới sự việc chung quanh, còn các cụ ta phần nhiều chỉ nhìn về phía mình, làm một mình.... Vì thế trong những giao tiếp, họ thấy mình quá thụ động và bị hiểu nhầm là bất hợp tác. Cho nên khoảng cách hiểu nhau lại càng xa ra.
Ngay cả với con cái, dân Mỹ cũng có đối xử khác với mình. Họ coi con cái vừa là con vừa là bạn. Đôi bên có sự thảo luận, tìm hiểu rất cởi mở để đi đến hành động.
 Còn khá đông các bậc làm cha mẹ Việt thì vẫn ôm lấy mớ kinh nghiệm hơi xưa của mình mà không chấp nhận lối suy tư, hành động của con trẻ. Các vị vẫn theo tập tục cũ, có nhiều ra lệnh, cưỡng bách mà không có đối thoại, chia xẻ. Các cụ không hiểu, không đánh giá đúng khả năng của con cháu. Và khi gặp sự đối kháng thì các vị lại hờn dỗi, tủi thân, cho là hết quyền lực với con cái...
Và nhiều vất vả khác nữa để vươn lên.
Nhưng chỉ với những kiên nhẫn, cần cù, chung lưng đấu cật với nhau mà các gia đình tỵ nạn Việt đã tạo ra một thế đứng vững vàng trên đất Mỹ. Họ đã có những cơ sở thương mại tương đối thỏa đáng; đã có những việc làm ở hạng trung, không đến nỗi “ chân lấm tay bùn”. Con cái họ đã đạt được nhiều thành tích sáng chói tại học đường. Nhiều cháu đã tham dự vào việc tham mưu, điều hành chính quyền từ liên bang tới địa phương, đại diện dân cử cũng như trong các lãnh vực y tế, khoa học, giáo dục và ngay cả trong quân đội. Và cũng đóng góp nhiều vào sự “dễ thở hơn” cho đồng bào nghèo khó ở quê hương.
Sự thành công của người Việt tỵ nạn đã làm ngạc nhiên không ít cho dân bản xứ. Và đôi khi họ cũng nhìn mình với con mắt ghen tỵ. Và nhiều người đã ví von rằng Nữ Thần Tự Do còn quay lưng về phía châu Á, hướng về trời tây, đón mừng dân da trắng châu Âu cơ mà.
Sau gần 35 năm xa xứ, nhiều bậc làm cha mẹ xưa kia bây giờ cũng đã “ mỏi gối, chùn chân”.Tuổi đời chồng chất. Sức khỏe không còn hùng dũng như xưa. Thị lực giảm, thính giác khi nghe khi không. Bước chân đi đã bắt đầu nghiêng ngả. Vì mấy chục năm chiến tranh, tù đầy hành hạ. Cộng với 40 năm vất vả lập nghiệp từ hai bàn tay trắng.. 
Họ đã nghĩ tới việc bàn giao trách nhiệm cho các con. Trách nhiệm nối dõi tông đường. Trách nhiệm với cộng đồng mình, với đất tạm dung. Và nhất là trách nhiệm với quê hương xứ sở.
Với gia đình, họ kiêu hãnh nhìn bầy con trưởng thành, thịnh vượng, dâu rể, cháu chắt đoàn tụ. Như vậy là họ yên lòng. Chúng có phận của chúng. Vợ chồng già bây giờ “ An hưởng Tuổi Vàng” với nhau. Mọi sự chắc sẽ an lành cho tới ngày ra đi.
Với cộng đồng mình thì còn nhiều điều cần để tâm. 
Làm sao cộng đồng đoàn tụ, nương nhau mà tiến tới, mà hội nhập với dòng chính bản xứ. Tranh đấu cho các quyền lợi y tế xã hội cũng như giáo dục cho nhóm thiểu số mình. Hướng dẫn đồng hương về các quyền lợi cũng như trách nhiệm với đất tạm dung. Quyền của người công dân Hiệp Chủng Quốc, tự do ngôn luận, tự do cư trú, tự do tôn giáo...Những thứ mà đồng bào mình rất thiếu ở quê hương. 
Nhưng mình cũng có những trách nhiệm phải làm. Đóng góp xây dựng, bảo vệ lãnh thổ và quyền lợi Hoa Kỳ, nhiệm vụ bầu cử ( và quyền ứng cử nữa chứ) và các nhiệm vụ khác. Đa số chúng ta đã là người Mỹ gốc Việt rồi mà.
 Rồi bảo vệ văn hóa, truyền thống Việt Nam.
 Mỹ quốc là những trộn lẫn của nhiều văn hóa khác nhau. Các sắc dân khác duy trì văn hóa của họ được thì ta cũng có thể làm được. Nếu chúng ta ngồi lại với nhau. Tương nhượng, khoan dung nhau để đi tới mục đích, dù đường lối có thể khác nhau. “ Mọi con đường đều đưa tới cổ thành La Mã. Hơn nữa, chúng ta còn có cả “ Bốn Ngàn Năm Văn hiến” hỗ trợ cơ mà.
 Đó là trách nhiệm cộng đồng mà thế hệ đi sau có bổn phận phải gánh vác. Với sự khích lệ, góp ý của thế hệ đi trước và với một chút nền móng mà thế hệ này trao lại.
Với quê hương, đất nước thì công việc dường như phức tạp hơn. 
Có người nghĩ là nó hơi ở ngoài tầm tay của chúng ta. Chúng ta đã cố gắng. Chúng ta đã xử dụng rất nhiều nhiệt tâm. Mà kết quả dường như khiêm nhường. Và đã có người trông cậy ở giới trẻ. Giới trẻ trong và ngoài nước.Vì thường thường giới trẻ thực tiễn và cởi mở hơn. Họ có nhiều sáng tạo, hoài bão ước mơ. Họ dám làm, dám thử lửa.
Trong nước, giới trẻ quan tâm tới các nhu cầu canh cải điều hành, phát triển kinh tế, thay đổi giáo dục, bảo vệ lãnh thổ. Họ đang tích cực nhìn ra bên ngoài, để học hỏi, cầu tiến. Như các tiền nhân ta trong phong trào Đông Du thuở trước. Đóng cửa, bế quan tỏa cảng chỉ đưa tới diệt vong, hậu tiến.
Bạn trẻ mình ở nước ngoài thì kiến thức rộng, kỹ thuật cao, sẵn sàng đóng góp tiếp tay với lớp cùng lứa tuổi trong nước. Khi hoàn cảnh thuận tiện. Hy vọng là giữa họ, có một tương quan tốt về tâm tư, ý chí và rất ít tị hiềm, phe đảng.
 Đất nước quê hương là của mọi con dân, dù viễn cư hay tại xứ. Chia nhau công việc hỗ trợ nhau mà làm chứ chẳng nên chuyên chính, tập trung cũng như không theo phương thức của ta là chao đảo, tay sai.
Trong nước cũng như ngoài nước, lớp người sinh trước, thì lần lượt cũng  hai tay buông xuôi. Cũng trao lại bó đuốc cho lớp đến sau. Hy vọng là những bó đuốc được sửa soạn chu đáo và mang nhiều nhiệt tình, tốt ý.
Một điều mừng là lớp trẻ trong ngoài đều sẵn sàng lãnh đuốc. Nhiều người sốt ruột đợi chờ. Họ đã từng tâm sự: “Chúng cháu chỉ đợi các bác, các chú giao cho là chúng cháu sẵn sàng”. 
Và nhiều người lạc quan nghĩ là họ sẽ thành công. 
Để làm đẹp cho quê hương cũng như cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

Friday, June 26, 2015

HỒN PHỐ VÀ CHUYỆN BUỒN VỀ BẢO TỒN ĐÔ THỊ PHAN THIẾT


Người Phan Thiết từng tự hào về đô thị Phan Thiết có hàng trăm năm hình thành và phát triển, nhưng cũng có không ít nỗi buồn về chuyện bảo tồn vốn cổ của Phan Thiết hôm nay.


Kỳ 1: BẢO TỒN VỐN CỔ

Hồn phố
Đối với mỗi con người, hình ảnh về nơi chôn nhau cắt rốn, về nơi mình đã sinh ra và lớn lên, hoặc gắn bó với nơi ấy trong một thời gian dài là những gì rất thân thương. Mãi mãi, dù có đi đâu cũng không thể quên được hình ảnh đẹp đẽ ấy. Với cư dân phố thị thì góc phố, con đường, hàng cây, bưu điện, công sở, mái chùa, dòng sông, cây cầu… là những hình ảnh của quê hương, của ký ức, nó tồn tại hiển nhiên trong tình cảm và tâm hồn họ. Cái nhớ nhung đó hình thành là do sự liên kết giữa hình ảnh phố thị, những nét đặc trưng của phố phường với tâm hồn của mỗi con người. Và con người yêu nó thì qua nó nhìn thấy cả chiều sâu ký ức của một vùng đất. Thấy người xưa như đang về với mình, trò chuyện với mình, và nếu không có nó thì người ta cảm thấy mất liên lạc với quá khứ, cô đơn trong hiện tại cho dù đời sống vật chất của họ đủ đầy và hiện đại. Cái làm nên tình yêu đó gọi nôm na là hồn phố. Không có hồn phố thì sẽ không có ký ức, không có lịch sử của một địa danh, vùng đất… Thế nhưng điều gì tạo nên hồn phố?


Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, một chuyên gia về lĩnh vực khảo cổ, trùng tu và bảo tồn đô thị Việt Nam, “Hồn phố” là khái niệm phi vật thể vì nó là tình cảm, hoài niệm, nhớ nhung… của một người hay một cộng đồng, được nảy sinh và vun đắp trong quá trình sinh sống nơi phố thị. Hồn phố trong mỗi người luôn gắn liền với không gian sống và cụ thể hóa bởi những vật thể quen thuộc hay mang dấu ấn đặc biệt nào đó. Hồn phố là đặc trưng văn hóa tinh thần rất tinh tế và đầy chất lãng mạn của cư dân đô thị, nó tồn tại trong ký ức từng cá nhân, được di truyền và lan tỏa, và rồi nó trở nên vững chắc trong ký ức của cộng đồng. Bởi thế cho nên giữ gìn hồn phố là bảo vệ những gì tốt đẹp trong tâm hồn người đô thị, bảo vệ một lịch sử chung qua những ký ức riêng.


Với cư dân đô thị Phan Thiết, hồn phố của họ là gì? Ai cũng có thể trả lời ngay là những ký ức với những công trình kiến trúc xưa cũ, là cây cầu gỗ thanh thoát bắt qua dòng sông Cà Ty thơ mộng có tháp nước soi bóng, là con đường Lê Hồng Phong, Hải Thượng Lãn Ông rợp bóng cây với những tà áo dài thướt tha giờ tan học,....
Thế nhưng, giờ đây, với nhiều người Phan Thiết xa quê và cả những cư dân đang sinh sống tại Phan Thiết có gì đó như hụt hẫng, thậm chí xa lạ khi chứng kiến hình ảnh đô thị nơi mình đã và đang sống đã không còn giữ được hồn xưa phố cũ. Nhiều công trình kiến trúc xưa gần như đã mất đi để thay vào đó là những tòa nhà bê tông cứng nhắc… giữa không gian không quá rộng.


Thực trạng về bảo tồn đô thị Phan Thiết.
Trung tuần tháng 3 năm 2015, người Phan Thiết đã ngỡ ngàng khi chứng kiến người ta đập bỏ tòa nhà bưu điện trung tâm Phan Thiết xưa có tuổi đời hơn 120 năm tuổi để xây dựng tòa nhà kính 5 tầng. Ban đầu, khi thấy bưu điện thông báo ngưng hoạt động, rào chắn xung quanh, ai cũng nghĩ tòa nhà xưa cổ này sẽ được trùng tu để đẹp đẽ, khang trang hơn. Nhưng chỉ vài tuần sau đó nó đã biến mất trong niềm đau xót của không ít người dân.
Ngược dòng thời gian, từ lúc hình thành đô thị Phan Thiết đến nay, cũng như các đô thị khác ở Việt Nam, tòa bưu điện này cùng với kho bạc, tháp nước, công viên, tòa hành chính tỉnh, trường nữ,.. đã hình thành nên khu trung tâm của đô thị tỉnh lỵ Bình Thuận. Khu vực này với những công trình kiến trúc Pháp sắc nét trong từng họa tiết, hài hòa với cảnh quan đã tạo nên một không gian đô thị đẹp mỹ miều trong mắt cư dân và với cả lữ khách. Đây được xem là khu vực tiêu biểu của Phan Thiết trong ký ức của người dân về thành phố này.


Thế nhưng, đến nay, ngay tại khu vực này, hai tòa nhà kiến trúc Pháp nằm đối xứng nhau đã không còn, thay vào đó sẽ là hai tòa nhà 5 tầng hiện đại phủ kính xung quanh. Ngay cả với người không rành về kiến trúc và mỹ thuật cũng thấy nó không hài hòa có phần lạc lõng giữa không gian kiến trúc của quần thể nhà làm việc tỉnh ủy, tháp nước, công viên, trung tâm hội nghị và UBND tỉnh.. có những đường nét kiến trúc xưa.
Theo các chuyên gia, văn hóa đô thị thường thể hiện đậm đặc ở khu vực trung tâm, được hình thành lâu đời, xây dựng và quy hoạch phục vụ thiết chế hành chính – chính trị - văn hóa của đô thị. Khu vực này tiêu biểu cho “hồn” của đô thị cả về kiến trúc cảnh quan, cả về lối sống và văn hóa. Khu vực cốt lõi này nếu không được bảo tồn, bị phá vỡ về cảnh quan kiến trúc tức là đã phá hủy hồn của đô thị. 


Khu vực trung tâm là thế, mở rộng ra, nhiều công trình kiến trúc cổ rất thân thiết, gần gủi của cư dân Phan Thiết đã và đang dần mất đi trong vòng 15 năm trở lại đây. Tiêu biểu như tòa nhà xưa là trường tiểu học Hoàng Tỷ ( có thời gian là khách sạn Anh Đào ), sau 1975 là bưu điện Phan Thiết, được xây dựng từ thời Pháp thuộc có kiến trúc rất đẹp nằm ở khu vực ngã bãy trước chợ Phan Thiết cũng bị đập bỏ. Bệnh viện Phan Thiết xưa ngay góc Hải Thượng Lãn Ông – Nguyễn Hội cũng bị đập bỏ để xây dựng một trung tâm về phòng bệnh. Mới đây, một tòa nhà trên đường Trần Hưng Đạo được xây dựng từ thời Pháp, xưa thuộc sở hữu của hàm hộ Hồng Hương, từng là trường tiểu học Kiều Đàm, sau 1975 là nhà làm việc của chính quyền địa phương cũng đã bị đập bỏ để xây lại. Đối diện đó là tòa nhà được chính quyền sử dụng làm tòa án từ thời Pháp đến nay, hiện đang đóng cửa và nghe đâu cũng sắp tháo dỡ để xây dựng trụ sở làm việc,...


Ngoài sự mất đi của các công trình kiến trúc do nhà nước quản lý, nhiều biệt thự cổ có tuổi đời hàng trăm năm của người dân cũng bị tháo dở hoặc đang để xuống cấp mà không trùng tu hay bảo tồn vì nhiều lý do.
Theo thống kê của chúng tôi, hiện Phan Thiết còn hơn 20 biệt thự cổ hầu hết của các gia đình hàm hộ nước mắm xưa và nhiều khu phố cổ được xây dựng từ thời Pháp như: Hải Thượng Lãn Ông, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Quyền, Ngô Sĩ Liên, Chu Văn An, Triệu Quang Phục,... Các biệt thự và các dãy phố cổ này người dân sửa chữa hoặc xây dựng lại không theo một quy định về kiến trúc nào nên tân cổ giao duyên, chẳng có mỹ quan đô thị.
( còn tiếp )
Lê Huân

Thursday, June 25, 2015

Mối tình Maneli

 
I. “Mối tình Maneli” nghĩa là gì?
Mối liên hệ giao thiệp thương thảo bí mật của em trai cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là ông Ngô Đình Nhu với Cộng Sản Hà Nội nhằm thúc đẩy hai miền Nam- Bắc của Việt Nam né tránh một cuộc xung đột ý thức hệ ngu xuẩn chỉ có lợi cho Trung Quốc được giới tình báo Hoa Kỳ tặng cho một cái tên là “Mối tình Maneli” ( “Maneli affair”)
Trong cuộc thuơng thảo này, Việt Nam Cộng Hòa đồng ý viện trợ kinh tế bao gồm lúa gạo, sản phẩm gia dụng và y tế cho Cộng Sản Hà Nội nếu Cộng Sản Hà Nội đồng ý tuyên bố đứng trung lập, không gia nhập khối Xã Hội Chủ Nghĩa và cùng với Việt Nam Cộng Hòa tham gia liên minh “Các Nước Không Liên Kết” của Ấn Độ. Việt Nam Cộng Hòa cam kết thuơng mại trao đổi với Cộng Sản Bắc Việt và sẽ cố gắng giúp Hà Nội thoát khỏi tình trạng đói kém do đang bị cô lập với thế giới bên ngoài và phải sống bằng viện trợ chu cấp mọi thứ bởi Bắc Kinh để đến nổi buộc lòng phải đi theo đường lối Đấu Tố của Mao Trạch Đông khiến hai trăm ngàn oan mạng bị giết chỉ trong vài năm.
Cộng Sản Hà Nội lưỡng lự trước nước cờ táo bạo này của ông Ngô Đình Nhu vì biết rõ những cam kết mà Việt Nam Cộng Hòa đưa ra rất thật lòng dựa trên sự ổn định phát triển kinh tế của miền Nam Việt Nam trong suốt gần chín năm sau hiệp nghị Geneve 1954.
Khi tình báo Hoa Kỳ liên tục gởi tín hiệu cho Washington biết về “mối tình Maneli” động trời này của hai anh em ông Diệm, Tổng Thống Kennedy vô cùng tức giận vì ông cho rằng, đây là một sự “phản bội tàn nhẫn.” Tòa Bạch Ốc từ đó quyết tâm loại bỏ hai anh em ông Diệm ra khỏi quyền lực bằng mọi giá.
Thế nhưng mười năm sau, nước Mỹ lại áp dụng y chang kế sách của ông Nhu, Henry Kissinger thất hứa với chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, đi đêm với Chu Ân Lai làm cho Việt Nam mất quần đảo Hoàng Sa và thất thủ hoàn toàn sau đó; dẫn đến cả triệu thuờng dân Campuchia bị Cộng Sản sát hại, trên hai triệu người Việt bị tan nhà nát cửa và tù tội để có được một hòa bình trong nhục nhã. Đây mới đúng là một sự “phản bội tàn nhẫn” như Tổng Thống Kennedy đã từng thốt lên trước đó.
 
II. Tại sao lại gọi là “mối tình Maneli” ?
Maneli là họ của ông Mieczysław Maneli, một người Ba Lan được cho là sanh vào ngày 22 tháng Giêng năm 1922 tại Miechów và mất vào vào ngày 9 tháng Tư năm 1994 tại New York, Hoa Kỳ. Ông là đại diện cho Ba Lan trong Hội Đồng Giám Sát Hiệp Nghị Geneve 1954 về Việt Nam, có tên tiếng Anh là “the International Commission for Supervision and Control in Vietnam,” gọi tắt là ICC hay ICSC. Hội đồng này gồm ba quốc gia, một thuộc thế giới tự do là Canada, một thuộc khối Cộng Sản là Ba Lan và một thuộc khối Không Liên Kết là Ấn Độ.
Chính phủ Cộng Sản tại Ba Lan hoàn toàn không có chủ định can thiệp sâu rộng vào nội tình chính trị của Việt Nam lúc bấy giờ nhưng vì Hà Nội cần Ba Lan làm cầu nối ngoại giao độc lập khỏi sự kềm tỏa của Trung Quốc để tìm hiểu thêm ý định chiến lược của hai anh em ông Diệm. Cho nên, Maneli chỉ ráng đóng vai trong của một sứ giả, truyền đạt những thông điệp cần thiết từ Hà Nội, từ Moscow đến với hai anh em ông Diệm-Nhu và ngược lại. Tuy nhiên, vòng xóay chính trị giữa Moscow- Hà Nội- Sài Gòn- Ấn Độ – Hoa Kỳ khiến ông Maneli ngày càng bị lôi cuốn sâu vào nội tình Việt Nam.
Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ các chuyến đi ngoại giao của Maneli tới Hà Nội Sài Gòn để biết hiểu rõ thêm ý đồ chiến lược của hai anh em Diệm Nhu. Từ đó , cái tên “mối tình Maneli” (“Maneli Affair”) được hình thành.
Kết cục của “mối tình Maneli” là Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Nhu điều bị giết sau vụ đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963. Người bật đèn xanh cho cuộc đảo chánh dẫn đến cái chết của Tổng Thống Diệm là Tổng Thống Hoa Kỳ, John F. Kennedy, sau đó cũng bị ám sát bí hiểm không đối chứng trong cùng một tháng cùng năm. Tại Hà Nội, phe Lê Duẫn cũng lên thay thế quyền hành của Hồ, của Đồng và Tổng Bí Thư Đảng Liên Xô, Khrushchev, người ủng hộ lập trường Việt Nam trung lập của ông Diệm cũng bị truất phế bởi phe đầu đá Brezhnev ngay vào năm 1964.
Riêng Mieczysław Maneli, ông xin tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ vào thập niên 1980 và sống tại xứ sở này cho tới ngày ông mất.
 
III. Nội tình của bên trong “mối tình Maneli” :
Không cách gì có thể trình bày hết được chi tiết và cũng không thể nào tóm gọn các chi tiết bên trong của “mối tình Maneli” chỉ qua một bài viết ngắn ngủi vì mỗi chi tiết điều có ý nghĩa vô cùng quan trọng liên quan đến lịch sử bị đát của Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia coi trọng tình tự dân tộc lên trên mọi chủ nghĩa, mọi tôn giáo, dẫn đưa đến tính mạng của gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm, kể cả tính mạng của Tổng Thống Kennedy, cũng như liên quan đến kế hoạch “phế mã tranh tiên” của Hoa Kỳ làm toàn bộ khối Cộng Sản bị sa lầy trong chiến thắng quân sự mà rồi bị kiệt quệ và chia rẽ dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn tại Âu châu.
Tuy nhiên, một điều quan trọng nhất tạo sửng sốt cho mọi nhân vật có liên quan và khiến không ai có thể ngờ tới được nếu biết rõ tình tiết của “mối tình Maneli” là đích thân Tổng Thống Ngô Đình Diệm cam kết sẽ trục xuất Hoa Kỳ ra khỏi miền Nam Việt Nam ngay lập tức nếu Cộng Sản Bắc Việt chịu bãi binh và cùng đồng ý nắm tay với ông tham gia khối các nước Không Liên Kết do Ấn Độ chủ xướng.
Thái độ dứt khoát né tránh chiến tranh ý thức hệ tạo bởi hai siêu cường Liên Xô- Hoa Kỳ có Trung Quốc tham dự của Tổng thống Diệm làm sửng sốt không những Hà Nội mà ngay đến cả Moscow cũng bàng hoàng.
Moscow toan tính rằng việc trung lập hóa Việt Nam sẽ rất hay vì cùng một lúc xóa bỏ ảnh huởng vô cùng sâu rộng của Cộng Sản Trung Quốc lên Hà Nội và hất Hoa Kỳ ra khỏi Sài Gòn mà không cần súng đạn. Việt Nam từ đó sẽ theo liên minh Ấn Độ vốn có đường lối ngoại giao cởi mở đối với Liên Xô. Từ đó, Liên Xô có thể gián tiếp ảnh huởng lên Việt Nam thông qua Ấn Độ; dù sao, Ấn Đô vẫn đáng tin cậy hơn là Cộng Sản Trung Quốc, theo cách nhìn của Khrushchev, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô lúc bấy giờ.
Riêng về Cộng Sản Hà Nội, mở cửa qua lại kinh tế với Việt Nam Cộng Hòa là một điều không thể được vì cả miền Bắc vẫn còn đang rún sợ Đấu Tố và sẳn sàng ồ ạt bỏ Hồ Chí Minh nếu có thông thương với miền Nam Việt Nam. Cho nên, Cộng sản Hà Nội muốn kéo dài nổ lực trung lập Việt Nam của hai anh em ông Diệm để Hoa Kỳ có thì giờ loại bỏ ông Diệm ra khỏi quyền lực dù biết rằng Moscow ủng hộ đề nghị này. Hơn nữa, Cộng Sản Hà Nội trong đó có cả Hồ Chí Minh không đủ can đảm để qua mặt Bắc Kinh như ông Diệm cương quyết qua mặt Hoa Kỳ. Đối với ông Diệm, quốc gia vẫn là trên hết nhưng đối với Cộng Sản Hà Nội thì chủ nghĩa Mác Lê, thế giới đại đồng quan trọng hơn tương lai quốc gia.
 
IV. Hệ lụy của “mối tình Maneli”:
Sau khi “mối tình Maneli” tan vỡ, dân tộc Việt Nam đã phải đổ máu cho chiến thắng tất yếu của chủ nghĩa cuồng Cộng Sản, của thiên đường mù Xã Hội Chủ Nghĩa. Kết thúc cuộc chiến tranh ý thức hệ phi lý vô nghĩa gây ra bởi Cộng Sản Bắc Việt, dân tộc Việt Nam chẳng còn gì ngoài câu nói đau thuơng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu : ” ĐỪNG NGHE NHỮNG GÌ CỘNG SẢN NÓI MÀ HÃY NHÌN NHỮNG GÌ CỘNG SẢN LÀM !”
Thông qua “mối tình Maneli”, các sử gia sẽ thấy ngay được tấm lòng yêu nước của hai anh em ông Diêm. Đối với hai ông, “quốc gia là trên hết!” Hai ông đã cố ráng tìm đủ mọi cách để cho đất nước có hòa bình dân chủ và độc lập bất chấp hy sinh tính mạng. Việt Nam sau này sẽ lại quay về với con đường Việt Nam Cộng Hòa mà hai ông đã khởi xướng và nhìn lại hình ảnh của hai ông như là điểm tựa của một niềm tin, đó là tình thần quốc gia Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chết!
© Tú Hoa

Wednesday, June 24, 2015

Tiểu Tử và những Truyện Ngắn của Ông


Họ tên : Võ Hoài Nam
Sanh : 1930
Nguyên quán : Gò Dầu Hạ ( Tây Ninh )
Bút hiệu : Tiểu Tử

- Tốt nghiệp trường Kỹ sư Marseille năm 1955.
- Dạy lý hoá trung học Pétrus Ký : 1955/1956.
- Làm việc cho hãng dầu SHELL Việt Nam từ năm 1956 đến 30/04/1975.
- Vượt biên cuối năm 1978. Ðịnh cư ở Pháp từ đầu năm 1979 đến nay.
- Làm việc cho hãng đường mía của Nhà nước Côte d' Ivoire ( Phi Châu ) :
1979/ 1982.
- Làm việc cho hãng dầu SHELL Côte d' Ivoire từ năm 1982 đến 1991, về hưu ở Pháp.
- Trước 1975, giữ mục biếm văn " Trò Ðời " của nhựt báo Tiến.
- Bắt đầu viết truyện ngắn khi lưu vong qua Côte d'Ivoire.
- Tập truyện " Những Mảnh Vụn " ( Làng Văn Toronto xuất bản ) là tập truyện đầu tay. 

Thạch Sanh tiếm cầu hoa

Thạch Sanh vốn không có tham dự hội chụp cầu hoa kén chồng của công chúa trong truyện cổ tích rất xưa của Việt Nam. Nhưng cái hội thẩy hoa ấy là nguyên nhân dẫn đến mối lương duyên lạ lùng giữa anh hùng cổ tích Thạch Sanh và cô công chúa đẹp mà bị câm. Truyện khá hay với nhiều tình tiết gay cấn hồi hộp thích hợp với tuổi thiếu niên nhi đồng. Nay Đắc Xuyên Gia Khang xin phóng tác lại:
Nhớ năm xưa có hai vợ chồng tiều phu già sống ở ven rừng của quận Cao Bình (nay là Từ Liêm, Hà Nội), họ làm lụng vất vả và hay giúp đỡ những người nghèo khó, già yếu. Sống với nhau răng long tóc bạc gần xuống lổ mà vẫn chưa có mụn con. Ngọc Hoàng thương tình bèn sai thái tử xuống trần sa vào bụng bà vợ làm cho bà ấy có mang. Cả làng thất kinh vì cái tin động đất ấy. Bà vợ già mang thai đã hơn ba năm mà thai nhi không chịu chui ra. Ông chồng rầu rĩ buồn chán quá nên mất.
Chồng mất chẳng được bao lâu thì bà vợ đẻ ra một thằng con trai. Khi thằng bé khôn lớn trưởng thành thì mẹ nó mất. Người ta không biết nó tên gì nên gọi nó là Thạch Sanh, mang ý nghĩa sinh ra từ tảng đá vì suốt ngày nó chỉ biết lấy rìu đốn củi rồi ngồi nghỉ bên tảng đá dưới gốc cây đa. Năm mà Thạch Sanh biết cầm rìu đốn củi thì Ngọc Hoàng sai thần nhân xuống giúp cho các môn võ nghệ, đánh đấm để đối phó với yêu tinh và kẻ gian ác, nhất là tên Lý Thông.
Lý Thông tuy có cái tên cây lý và cây thông thật hay và đẹp nhưng lại là đứa vô cùng tiểu nhân, gian ác. Hắn gian ác đến nỗi người đời sau chế ra một câu châm biếm truyền miệng: "Con người càng lúc càng đông. Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều". Lý Thông chỉ lớn hơn Thạch Sanh chừng vài ba tuổi, làm nghề cất rượu.
Một hôn hắn có việc đi qua chỗ Thạch Sanh đốn củi, trưa nắng hắn ngồi nghỉ tại tảng đá. Chợt thấy Thạch Sanh gánh về một gánh củi khổng lồ mà không biết mệt. Hắn thầm nghĩ nếu kết nghĩa anh em với Thạch Sanh thì hắn sẽ có hàng vạn cơ hội để làm lợi. Thế là Lý Thông lân la đến ân cần hỏi chuyện và xin kết nghĩa với Thạch Sanh. Thạch Sanh vô tư nghe lời ngon ngọt và đồng ý vác rìu say goodbye nói lời từ giã với tảng đá và gốc cây đa để về nhà Lý Thông.
Ở nhà Lý Thông sống với mẹ của hắn, hai mẹ con tha hồ sai Thạch Sanh làm các việc nặng việc nhẹ. Trong làng của Lý Thông dạo ấy có một con Chằn Tinh lộng hành chuyên ăn thịt người. Triều đình sai quan quân vây bắt thế nào cũng không diệt được nó bèn sai quan địa phương cất một cái miếu cho Chằn Tinh. Hàng năm thì đem tế nó một mạng người để nó không bách hại nhiều người. Năm ấy quan huyện thông báo đã đến lượt Lý Thông phải cống mạng cho Chằn Tinh.
Lý Thông nghe tin xét đánh đó thì hồn xiêu phách lạc, rụng rời cả tay chân. Hắn té quỵ xuống thềm nhà rồi đi tiểu tiện ngay trong quần vì quá kinh hãi. Mẹ hắn bỗng thì thầm nhỏ to vào tai hắn kế ma kế độc gì mà bỗng chốc hắn hoàn hồn trở lại. Hai mẹ con nhoẻn miệng cười nham hiểm "khà...khà...khà" với mưu sâu chước lớn. Tối hôm ấy hai mẹ con dọn một bữa cơm tối rất thịnh soạn, đợi Thạch Sanh gánh củi về, Lý Thông bảo:
- Em ạ, đêm nay đến phiên anh đến miếu Chằn Tinh canh gác nó. Ngặt nổi anh còn nhiều vò rượu để cất cho kịp ngày mai bán, em đi hộ anh nhé.
Thạch Sanh chẳng mảy may do dự vác rìu đi ngay. Đến đêm đang ngủ say trong miếu thì Thạch Sanh thấy con Chằn Tinh hiện hình là một con trăn khổng lồ, hung tợn với những cái nanh vuốt sắc bén đang chuẩn bị tấn công. Thạch Sanh chẳng chút lo âu sợ hãi hay té đái như Lý Thông vì chàng có võ nghệ cao cường trong mình. Khi Chằn Tinh nhảy bổ vào Thạch Sanh tính ăn tươi nuốt sống thì Thạch Sanh lấy rìu phập cho nó vài nhát rồi đời. Xong chàng chặt đầu của nó và vác về nhà.
Hai mẹ con Lý Thông đang ngủ mơ màng cỡi mây bay trong gió chợt nghe tiếng của Thạch Sanh gọi cửa thì điếng người tưởng oan hồn của Thạch Sanh hiện về nên thất kinh bát đảo. Chúng lom khom thức dậy quỳ lạy van vái tám phương bốn hướng. Lý Thông thì toát mồ hôi hột trong khi mẹ của hắn cứ lấy bát quái "Càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài" ra mà niệm thần chú.
Thạch Sanh vô tư kể chuyện giết Chằn Tinh cho hai mẹ con nghe thì chúng mới bình tĩnh trở lại. Trong đầu Lý Thông lại tóe lên kế gian, hắn hốt hoảng bảo Thạch Sanh:
- Chuyện lớn rồi em ơi, con trăn ấy là động vật hiếm quý do vua nuôi đấy. Em giết nó ắt sẽ bị tội chết. Nhân trời còn đang tối em trốn đi ngay. Các việc còn lại để anh lo liệu cho.Thạch Sanh ngu ngơ tin lời Lý Thông, buột miệng nói: "OK, I know. Thank you", xong vác rìu ra đi về lại chốn cũ ở gốc cây đa mà nương náu. Lý Thông vác đầu con Chằn Tinh đến kinh yết kiến vua. Vua mừng rỡ hân hoan phong ngay Lý Thông làm đô đốc.
Lúc bấy giờ trong cung, con gái duy nhất của vua đã quá tuổi nở hoa. Trong nước vua cho tuyển mãi năm sáu đợt mà chẳng vớt được trai xứng đáng nào cho công chúa. Bọn hoàng tử ở các nước láng giềng cũng đã nhiều lần gởi thư tình cảm nhờ sứ thần mang tới nhưng công chúa đã gạt đi hết. Nàng thấy bọn hoàng tử ấy quá rởm đời, văn chương thì thô kệch mà lời lẽ thì sỗ sàng. Đã vậy còn viết dài dòng những lời lẽ nhột nhạt nổi da gà, cuối thư lại vẽ cái cung tên bắn trúng trái tim đang rỉ máu mới gớm chứ lị.
Giải pháp cuối cùng là vua đứng ra tổ chức ngày hội cho công chúa ném cầu hoa, trai nào chụp được cầu hoa thì gả ngay không cần phải là hoàng tử hay thường dân, giàu nghèo hay sang hèn gì cả. Công chúa đứng trên lầu cao cầm quả cầu hoa nhìn xuống phía dưới thì thở dài ngao ngán. Nàng mong cho chẳng có ai chụp được cầu vì nhận ra trai tráng ở phía dưới chân nàng ai cũng thuộc loại dị hợm và thô lỗ. Vua cha đưa mắt ra hiệu bảo nàng hãy ném quả cầu đi, không còn chần chờ được nữa. Bỗng lúc ấy có con Đại bàng bay qua trông thấy công chúa quá đẹp và lộng lẫy, nó liền sà xuống cắp công chúa bay mất.
Thạch Sanh đang đốn củi nghe tiếng la thất thanh trên trời của người con gái liền giương cái cung đang đeo trên người nhắm vào Đại bàng bắn một phát. Vết máu của Đại bàng dẫn Thạch Sanh đến cái hang ổ của nó. Vua sai đô đốc Lý Thông ra quân đi tìm công chúa cho bằng được. Hơn mười ngày Lý Thông tìm không ra hang động của quái vật nhưng lại gặp được Thạch Sanh. Thạch Sanh kể hết sự việc cho Lý Thông và tình nguyện dẫn quân đi vào hang Đại bàng cứu công chúa.
Vào hang động gặp lúc con Đại bàng vẫn còn thương tích sau mũi tên chí mạng, Thạch Sanh phát hiện ra công chúa đang bị giam liền ra hiệu bảo nàng đem thuốc mê đi thuốc con quái vật. Công chúa thấy Thạch Sanh vì mình mà không sợ hiểm ác nên cảm kích lắm, nguyện sau khi thoát nạn sẽ về ở với Thạch Sanh mà không cần cưới hỏi gì hết.Đợi quái vật ngủ mê, Thạch Sanh bảo Lý Thông cùng quân lính lấy dây buộc thả xuống hang kéo công chúa lên trước, sau đó đến mình. Lý Thông vừa kéo được công chúa lên thì sai quân lấp đá nhốt Thạch Sanh ở lại làm mồi cho Đại bàng.
Đại bàng tỉnh giấc không thấy công chúa thì lồng lộn gầm rú phát kinh, nó giương cái mỏ nhọn hoắc tính mổ tim Thạch Sanh để nhai nhưng bị Thạch Sanh cho một cái búa vào cổ toi đời. Chàng đi khắp hang cùng tìm lối ra thì phát hiện một đứa con trai bị nhốt trong cũi sắt. Người đó là thái tử con của Thủy vương.
Thái tử thuật lại năm xưa đang chơi thả diều thì bị con đại bàng cắp đi mất và giam vào hang. Thạch Sanh dùng cung bắn đứt cũi và đưa thái tử về với vua cha ở Thủy cung. Thủy vương rất cảm kích ngưỡng mộ Thạch Sanh, vua không có con gái gả cho Thạch Sanh để đền ơn bèn cho chàng lấy tất cả những vàng bạc châu báu ông có. Thạch Sanh từ chối và chỉ xin lấy một cây đàn tì bà ra đi về chốn cũ.
Riêng hồn ma của Chằn tinh và Đai bàng rất hậm hực tức tối với Thạch Sanh. Chúng hiệp mưu để hại Thạch Sanh bằng cách hoá thân vào cung trộm những bảo vật của vua đem đến để ở gốc đa của Thạch Sanh để vu vạ. Thạch Sanh bị bắt và giam trong ngục tối. Công chúa từ sau khi trong hang Đại bàng trở về thì bị câm, vua cho chữa trị mãi mà chẳng ăn thua gì.
Một hôm Thạch Sanh dưới ngục thất đem đàn ra gảy và ngâm nga hát:

Vùng ngoại ô, tôi có căn nhà tranh
Tuy bé nhưng thật xinh
Tháng ngày sống riêng một mình
Cung điện gần bên, em sống trong giàu sang
Quen gấm nhung đài trang
Đi về xa kiệu đón đưa

Đêm đêm dưới ánh trăng vàng
Tôi với cây đàn âm thầm thở than
Và cô nàng trong cung cấm
Mỗi lúc lên đèn em ngồi tương tư

Mấy tên tù giam chung trong ngục thất nghe Thạch Sanh hát những lời bay bướm như thế thì vỗ tay khoái trá. Được dịp Thạch sanh hát tiếp:

Tôi ca không hay tôi đàn nghe cũng dở
Nhưng nàng khen nhiều và thật nhiều

Hát đến đây Thạch Sanh lên tông không nổi bèn ngâm nga tỉ tê than thở: "Đàn kêu tích tịch tình tang. Ai mang công chúa dưới hang trở về"
Lập tức tiếng đàn và lời nỉ non ấy theo không khí đâm xuyên thủng vách ngục và theo gió bay vào cung của công chúa. Công chúa dường như nghe được tiếng vọng từ tiềm thức bỗng cười nói huyên náo như xưa. Nàng liền vào yết kiến phụ hoàng xin cho truyền người gảy đàn vào cung.
Thạch Sanh vào cung hội ngộ với công chúa. Chàng kể hết mọi sự cho vua nghe. Vua trừng mắt nhìn Lý Thông khiến hắn muốn độn thổ. Vua sai bắt hai mẹ con Lý Thông đem cho Thạch Sanh xét xử. Thạch Sanh nhân nhượng và rộng lượng xin tha cho hai mẹ con hắn và cho về quê làm ăn. Khi đi về được nửa đường có thằng Thiên Lôi trên thiên đình ngứa mắt với bọn gian tà nên đã bổ một phát sấm sét vào đầu chúng nằm nhe răng.
Vua truyền làm lễ thành hôn công chúa cho Thạch Sanh. Bọn hoàng tử lân bang nghe nói công chúa được gả cho thằng khố rách áo ôm nên tức tối hợp quân của 18 nước sang đánh. Thạch Sanh chẳng tốn công dẹp loạn, chàng lấy cây đàn tì bà ra gảy thì lập tức quân sĩ của 18 nước ấy bị thôi miên buông cung đao kiếm khí xuống mà nhảy nhót loạn xạ. Vua cho truyền thiết tiệc chiêu đãi đám quân ấy và phủ dụ chúng bỏ gươm đao. Chúng ăn uống và nghe đàn của Thạch Sanh trong niềm sung sướng, tất cả quỳ lạy vua rồi rút quân về nước.
Vua không có con trai nối dõi nên đã nhường ngôi cho Thạch Sanh. Thạch Sanh lên ngôi lấy tên Thạch Thái Tổ, đại xá thiên hạ, gọi năm đầu là Tì Bà nguyên niên, thuộc triều đại Cổ Thụ.

Tuesday, June 23, 2015

Buổi Tiệc Gây Qũy “Houston Cám Ơn Anh” Thành Công Rực Rỡ: $199,299.39

Phóng viên Xây Dựng
(Tạp Chí Xây Dựng – Năm Thứ 32 – Số 813 – Phát Hành ngày 13-6-2015 tại Houston – TX)
 
Sau 40 năm tàn đàn xẩy nghé, mười năm gần đây, đồng hương tị nạn ở hải ngọai luôn nhắc nhở đến sự chiến đấu can cường, sự hy sinh tuổi trẻ và thân xác của người lính VNCH trong suốt chiều dài cuộc chiến Quốc Cộng. Thành phần được nhớ tới với tất cả sự trân trọng, đó là các thương phế binh đang sống đời tủi nhục ở quê nhà. Do vậy, tại nhiều thành phố, đông người Việt cư ngụ, đã có những chương trình gây qũy hằng năm, kiếm ngân khoản, gửi về tặng các anh chút quà, biểu lộ tinh thần “huynh đệ chi binh”. Rầm rộ và qui mô nhất là các chương trình gây qũy tại miền Bắc và miền Nam Cali, vì nơi đây tập trung đông đảo nghệ sĩ, nơi có nhiều đồng hương tị nạn định cư, hơn thế nữa, còn có một Hội Đoàn qui mô được thành lập, với danh xưng “Hội HO Cứu Trợ TPB và Quả Phụ VNCH”. Hội hoạt theo điều luật (501.(c)(3) của chánh phủ Hoa Kỳ cấp phép cho hội đoàn vô vị lợi. Hội có nhân viên, có văn phòng để làm việc, thành phần Ban Điều Hành được bầu bán theo Nội Qui. Hội có quyền cấp giấy Trừ Thuế cho các mạnh thường quân, đã đóng góp ngân khoản, như Hội Hồng Thập Tự (Red Cross).
 
Trong mục đích hướng về người lính không may mắn này, nhiều năm qua tại Houston, hằng năm vẫn có những chương trình nho nhỏ, tổ chức trong phạm vi thân hữu (Hội Quán Lính) hoặc trong quân binh chủng (Thủy Quân Lục Chiến), hoặc các độc giả của báo (Nhóm Yểm Trợ TPB/VNCH của báo Xây Dựng).. để gửi tình thương về quê nhà, cho các anh em thương tật, mà họ đã có hồ sơ.
(Hình: DS Diệu Thảo, L/SMinh Ý, DB Al Green, DB Hubert Võ, Nghị viên Richard Nguyễn)
Tháng 4 năm nay, 2015, kỷ niệm 40 năm CS cưỡng chiếm miền Nam, một nhóm chuyên viên trẻ, khởi đầu là cô Christine Quỳnh (chuyên viên Địa Ốc), đã có nhã ý muốn lập một tổ chức qui mô theo tiêu chuẩn và điều kiện của một hội đoàn vô vụ lợi, có khả năng cấp giấy miễn Thuế, để từ đó tiến hành việc gây qũy thường xuyên. Cô đem ý định này thổ lộ với nhóm Chủ Trương Tạp chí Xây Dựng.
 
Chúng tôi vốn là thân hữu với Bố Mẹ của Christine Quỳnh - anh chị Nguyễn Đăng Triệu (cựu Đại úy) - nên đã khuyên cô, không cần phải lập thêm Hội nữa. Nếu có khả năng gây qũy, thì nên tiếp xúc và trao tiền cho bà Hạnh Nhân (cựu Trung Tá KQ) đương kim Hội Trưởng Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Qủa Phụ VNCH ở miền Nam Cali, vì Hội đang hoạt động đắc lực, mỗi năm đều tổ chức Đại Nhạc Hội để làm qũy điều hành và yểm trợ các TPB ở quê nhà.
Sau ba buổi điện đàm, lắng nghe kinh nghiệm và cố vấn của người đi trước, Christine Quỳnh, giám đốc Công ty AB Realtors & Mortgage (theo cha mẹ đến Hoa Kỳ theo diện cựu Tù Nhân Chính Trị, 1991), hăng hái xúc tiến công việc.
 
Cô may mắn có một người bạn đời (Bình Nguyễn) rất thông cảm, đồng ý tặng (donation) 10 ngàn đô la..Anh Bình đang làm cho công ty xăng dầu Chevron, nên công ty sẽ tặng số tiền tương đương (10 ngàn đô la). Christine Quỳnh cũng có những người bạn cùng lứa, là các chuyên viên, chuyên gia đang thành công, cũng đồng ý với cô, mỗi cá nhân góp 10 ngàn (Lãng Nguyễn, chủ nhân Direct Furniture và Giám đốc Công ty Điện thoại V247).
(Hình: Christine Quỳnh, Diệu Thảo, Qúy Tôn, Lãng Nguyễn)
Đây là những nhân tố khá tốt, là những bạn trẻ thuộc thế hệ một rưỡi, dễ thông cảm, để cùng nhau bắt tay tiến hành việc tổ chức. Từ hôm đó, ngoài Christine Quỳnh, Lãng Nguyễn, có thêm Lily Minh Tâm Đỗ, DS Diệu Thảo, LS Minh Ý Phạm, Kim Oanh Nguyễn, Hien Vy Christine Helm..  Tổng cộng 7 người.
Hai cá nhân Christine Quỳnh và LS Minh Ý Phạm là khuôn mặt quen thuộc, vì thường xuyên có mặt trên 5 đài truyền hình (hằng tuần) trong show thương mại có tên là Diễn Đàn Địa Ốc. Người thứ 3 là ông Lãng Nguyễn, cũng là khuôn mặt quen thuộc trong các show quảng cáo công ty của ông (Direct Furniture) trên 5 đài truyền hình, chiếu hằng ngày. Sự giao dịch này, tạo thêm sự thuận tiện cho công tác.
 
Thế là chương trình gây qũy mang tên “Houston Cám Ơn Anh” được hình thành và ngay sau đó, được các cơ quan truyền hình Việt ngữ (BYN, VANTV, AB Tivi, Viet TV) tiếp tay quảng cáo, hội thoại v.v. không lấy thù lao. Báo chí có Thời Báo và Xây Dựng, đóng góp miễn phí.
(Hình; Ô. Bình, Christine Quỳnh, Dân biểu Al Green & qúy bà trong BTC)
Có thì giờ, có năng lực, có khả năng tổ chức, có vốn liếng, nên nhóm bạn trẻ này xông xáo thực hiện ước vọng của mình. Người thì lo đặt nhà hàng giữ chỗ, kẻ lo ban nhạc, âm thanh, và mời gọi ca sĩ... Kết quả từ xa về có hai danh ca Ngọc Hạ, Trần Thái Hoà, có MC Nam Lộc. Ca sĩ địa phương thì có các bạn trẻ của nhiều ca đoàn mà Christine Quỳnh đã sinh hoạt từ nhiều năm qua. .. Một trang Web được thành lập (houstoncamonanh.com) với các chi tiết của chương trình. Vé vào cửa được ấn hành kèm theo 20 ngàn vé số.
 
Bởi vậy, chỉ trong năm, sáu tuần bắt tay làm việc, mà công tác tổ chức diễn tiến khá mau chóng. Hằng tuần, nhóm bạn trẻ này còn ra khu chợ Hồng Kông 4 và các nhà thờ, để bán vé vô cửa ($50 đô la) và vé số ($5 đô la).
(Hình: Bạch Cúc, Trương Hội, HM Thúy, Lệ Thanh, Dũng Ái)
Kết qủa, trong đêm Thứ Sáu ngày 5 tháng 6, 2015, tại nhà hàng Kim Sơn Bellaire, vùng Tây Nam Houston, hằng ngàn khách đã hiện diện, chứng kiến sự hoạt động hữu hiệu của BTC...Trong chương trình có bán tranh đấu giá, có bán rượu (đủ lọai) để mong thực khách ủng hộ, kiếm thêm tiền...
* * *
Thứ Sáu ngày 5, thời tiết Houston rất nóng. Nhiệt độ ở con số 90, nhưng các thành viên trong BTC đã có mặt rất sớm. Hàng ngàn chiếc ghế trong nhà hàng Kim Sơn được bọc khăn trắng, quàng nơ xanh. Mỗi bàn có một bình hoa..Trên sân khấu, các thành viên của hội cựu SVSQ Trường Võ Khoa Thủ Đức đang làm nhiệm vụ trang trí. Ban nhạc, âm thanh đã chuẩn bị giai đoạn cuối cùng.
Sáu giờ ba mươi. Khách lục tục bước vào tìm chỗ ngồi. Một số các chị thiện nguyện viên (áo dài trắng, cổ quàng khăn cờ) trong Ban Tiếp Tân vui vẻ hướng dẫn. Một số khác lo xếp các cùi vé số cho vào thùng.
(Hình: Ô. Bà Ba Hạnh, HM Thúy, Bà Hổ)
 
Bảy giờ. Nhà hàng đông nghẹt. Lúc này, Hiền Vy, Christine và Kim Oanh bù đầu bên giàn máy điện toán, chuyển tên họ các ân nhân lên màn hình. LS Minh Ý Phạm đã ở trên sân khấu, DS Diệu Thảo, Christine Quỳnh, Lily Minh-Tâm Đỗ... đã không còn chậm rãi khoan thai đi đứng nữa.  Ba tà áo dài này “bay” từ hướng Nam sang hướng Bắc. Ai đi bán bàn, thì đây là giờ phút phải hiểu rõ bàn của khách đang nằm ở vị trí nào. Ba chuyên viên trẻ này hôm nay trang điểm rất đẹp, tíu tít trả lời các câu hỏi về chỗ ngồi, về vé số và số tiền đóng góp.. May mắn thay, là mọi sự đã xếp đặt sẵn sàng. ..
Bảy giờ. Chương trình khai mạc dưới sự điều hợp tổng quát của MC Nam Lộc. Lễ chào cờ Mỹ Việt do Hội cựu SVSQ Thủ Đức phụ trách với Hội trưởng Bùi Ngọc Lân và LS Minh Ý Phạm (Anh ngữ).
Hội trường lúc này đã đông nghẹt. Trong hàng quan khách có đầy đủ các vị trong Hội Đồng Liên Tôn, Dân biểu Hubert Võ, Nghị viên Richard Nguyễn, Dân biểu Liên Bang Al Green. Giới truyền hình có vị đại diện của các đài đã yểm trợ cho công tác này. Báo chí có nhà văn Nguyễn Đạt Thịnh (Thời Báo) và chủ nhiệm báo Xây Dựng. Các cựu sĩ quan cao cấp có ông Trang Sĩ Tấn, Nguyễn văn Nam, Liêu Quang Nghĩa, Trương Như Phùng... Các hội đoàn quân đội Houston, mỗi binh chủng mua 1 bàn.
 
Bảy giờ ba mươi lăm. Sau khi đại diện của BTC, là Christine Quỳnh có lời chào mừng, giới thiệu các thành viên trong nhóm. Kế tiếp, Dược sĩ Diệu Thảo cám ơn sự tham dự đông đủ của mọi giới, xin lỗi về những sơ suất của chương trình và ca tụng sự đóng góp nhiệt tình của các ân nhân, trong đó có ông Lãng Nguyễn, chủ nhân Direct Furniture.
(Hình: Ca sĩ Minh Hiếu, HM Thúy)
Direct Furniture là một công ty lớn, nơi ra vào của bất cứ ai vừa thành lập gia đình chuẩn bị mua bàn ghế, giường nệm cho tổ ấm và những người đang cần những chiếc ghế Massage, tìm sự thư giãn sau một ngày làm việc. Công ty thường xuyên chia xẻ tiền lời cho tất cả mọi sinh hoạt xã hội, văn nghệ, đấu tranh, hội đoàn v.v. của thành phố, bằng các phần quà rất giá trị để làm quà xổ số, trị giá hằng ngàn đô la. Chương trình hôm nay, ông Lãng Nguyễn ngoài 10 ngàn đô la góp qũy, còn bán ra được 5 ngàn đô la tiền vé số, sau đó còn mua tranh đấu giá ($1,500)...Bức tranh này của Christine Quỳnh tặng cho BTC.
DS Diệu Thảo cũng ca tụng sự có mặt và đóng góp của ông Quý Tôn, giám đốc Regal Nails ($10 ngàn đô la).
Hai vị chủ nhân trẻ tuổi này lên sân khấu có đôi lời cùng cử toạ. Đại diện công ty Teletron (ông Nam Nguyễn) cũng được mời lên, trao chi phiếu 15 ngàn đô la... BS Nha Khoa David Vũ và phu nhân (Nha sĩ Hải), người ân nhân của gia đình TPB của báo Xây Dựng, (tặng 2 lần tổng cộng 8 ngàn đô la) hôm nay cũng tham dự. Nghe nói ông bà đã góp qũy 5 ngàn đô la, cư sĩ Lâm Trần 10 ngàn đô la, chủ nhân nhà Kim Sơn mua 1 bàn 2 ngàn đô la...
Khoảng 8 giờ. Dân biểu Liên bang, ông Al Green đến tham dự. Ông lên máy vi âm, nồng nhiệt ca tụng tinh thần dấn thân, tinh thần yểm trợ của đồng bào Houston, mời Dân Biểu tiểu bang Hubert Võ và Nghị viên Richard Nguyễn lên, cùng  tặng Bảng Vinh Danh cho BTC.
DS Diệu Thảo, đại diện BTC, dịp này cũng trân trọng cám ơn sự ủng hộ của 4 đài truyền hình và hai tờ báo. Mỗi vị đại diện được mời đứng lên, nhận bó hoa rất đẹp.
Tám giờ mười lăm. Sau vài bài hát hâm nóng sân khấu, chương trình tiếp tục với ông Vinh Nguyễn, đại diện cho anh em TPB ở quê nhà có lời cám ơn đồng hương ân nhân..Bài nói chuyện của ông rất hay, đầy ý nghĩa, nếu có chiếu slide show hình ảnh TPB đi kèm, sẽ làm khán giả cảm động hơn.
 
Mọi người vừa dùng cơm tối 6 món do nhà hàng Kim Sơn phục vụ vừa xem văn nghệ với các giọng ca địa phương... Mười giờ tối. Hai danh ca xuất hiện: Ngọc Hạ và Trần Thái Hoà. Cả hai xuất sắc với những nhạc phẩm gắn liền tên tuổi của họ.
Mười giờ ba mươi: Xổ số. Vé số có nhiều lô trúng giá trị: 4 oz vàng, 3 oz vàng, 2 oz vàng, 1 oz vàng, 1 tivi 55 inches (công ty Direct Furniture tặng).
Trong không khí khô ráo của một ngày hè, đêm gây qũy “Houston Cám Ơn Anh” có một không khí vui nhộn. Mọi người phấn khởi, vì đây là lần đầu tiên một nhóm chuyên viên trẻ, đã phát động một công tác xã hội, có tính cách hướng về người Lính VNCH. Do vậy, đồng hương có phương tiện, đều thể hiện tinh thần yểm trợ, giúp BTC gặt hái thành công. Âm thanh tuyệt hảo. Ban nhạc thời danh (Võ Đức Phương). Không khí sôi động...Ca sĩ hát rất hay....Tất cả 07  thành viên trong BTC đã thực hiện một công tác vô cùng ý nghiã: tưởng nhớ đến công ơn hy sinh của các anh, chú, bác bằng những phần quà thực tế nhất. Người ta hy vọng công tác này sẽ thực hiện mỗi năm, để thành phố Houston sẽ dậy sóng, như một tiếng chuông, gián tiếp nhắc nhở những kẻ may mắn sống trên xứ người, nhưng vô tình, hờ hửng trước sự hy sinh của một lớp thanh niên đã dũng cảm, chiến đấu, bảo vệ miền Nam.. Một bông hồng rất đẹp xin được tặng cho bất cứ ai, còn dành tấm lòng tưởng nghĩ và chia xẻ hạnh phúc cho người lính bất hạnh của Quân Lực VNCH.
Tóm lại, tuy trong buổi tổ chức tại nhà hàng Kim Sơn có đôi chút lượm thuộm, nhưng chương trình “Houston Cám Ơn Anh” xem như rất thành công trên phương diện tài chánh, vì được giới truyền thông yểm trợ mạnh mẽ; vì đây là lần đầu tiên, thế hệ trẻ này đứng lên nhập cuộc..  Chỉ trong một thời gian rất ngắn, bốn năm tuần làm việc, mà chương trình thu hút được số khán giả rất đông, tiền đóng góp ngoài dự tính của BTC. Đó là nhờ sự nỗ lực, sự vận động nhiệt tình của các thành viên trong BTC và sự tiếp tay của các cơ sở thương mại trong vùng.
Trong giờ báo lên khuôn, cô Christine Quỳnh cho biết, tổng kết số tiền thu được $242.299 đô la, trừ chi phí $42.999. số tiền còn lại là $199.299.39. BTC tiên đoán, tổng số có thể lên đến Hai Trăm Ngàn Đô La sau khi nhận đủ số tiền mà các ân nhân đã hứa. Ngân Khoản này sẽ được BTC trao cho Hội Cứu Trợ HO và Quả Phụ VNCH ngày 12 tháng 7, 2015 tại San Jose, Cali trong dịp thành phố này tổ chức Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh./.
 
Phóng Viên Xây Dựng
Hình: Bạch Cúc, Trịnh Cúc, Nam Sơn
 
Trần Trí Hoàng