Thursday, August 31, 2023

XIN HÃY ĐÓN NHẬN NGƯỜI TỊ NẠN MUỘN MÀNG Nam Lộc

Ông bà TS Nguyễn Võ Long, GS Nguyễn Xuân Can và tác giả tại BNGHK

Trong bài viết được phổ biến vào đầu năm nay chúng tôi đã đề cập đến viễn ảnh tốt đẹp để giải quyết tình trạng bế tắc của gần 2000 đồng bào tị nạn Việt Nam tại Thái Lan, thì nay hy vọng đó đã đến gần hơn.

Trong cuộc họp với các viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, phụ trách về vấn đề di dân và tị nạn toàn cầu vào ngày Thứ Năm, 24 tháng 8, 2023 vừa qua, chúng tôi cùng một số thành viên của Phong Trào Việt Hưng đã được cập nhật và giải thích cặn kẽ về những diễn tiến của kế hoạch định cư người tị nạn của chính phủ HK niên khóa 2023-2024, đặc biệt là chương trình “Bảo Trợ Tư Nhân” (Private Sponsorship).

Theo bà Sarah Cross, phụ tá thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, đặc trách về di dân và tị nạn, thì Phase One tức Giai Đoạn 1, chính phủ HK tập trung vào nỗ lực định cư người tị nạn từ các quốc gia Phi Châu trong các tháng đầu tiên (từ January cho đến August, 2023). Vào đầu tháng 9 này cơ quan Welcome Corps, viết tắt là WC, (là tổ chức điều hành chương trình bảo lãnh tư nhân), sẽ mở rộng cho vùng Nam Trung Mỹ, và đến cuối tháng 9, 2023 sẽ đón nhận người tị nạn toàn cầu và dĩ nhiên trong đó có cả người tị nạn Việt Nam

Xin nhắc lại rằng Giai Đoạn 1 tức Phase One, có tên là “Matching”, tức là giai đoạn mà WC sẽ giới thiệu đến các “Nhóm Bảo Trợ 5 Người” (Group of Five) các gia đình người tị nạn đã được chính phủ Mỹ chấp thuận cho nhập cảnh Hoa Kỳ, bất kể họ thuộc chủng tộc nào.

Tuy nhiên với những diễn biến tích cực đang diễn ra tại Thái Lan, rất đông người tị nạn Việt Nam đã và đang được phái đoàn Hoa Kỳ phỏng vấn cho đi định cư. Thì như thế ngay trong Giai Đoạn 1, WC sẽ có thể “match”, hay giới thiệu đồng bào tị nạn của chúng ta với các nhóm bảo trợ người Việt. Vì thế chúng tôi xin tha thiết kêu gọi quý vị đồng hương thuộc các “Group of Five” hãy nộp đơn bảo trợ ngay từ bây giờ, ngay trong Phase One, để đến khi Phase Two, tức Giai Đoạn 2 mở cửa thì chúng ta sẽ không phải xếp hàng dài chờ đợi sau rất đông các đơn xin bảo lãnh của những “Group of Five” thuộc nhiều chủng tộc khác.

Khi cơ quan WC nhận được đơn xin bảo lãnh của quý vị và khi họ đọc phần Kế Hoạch Định Cư, tức Welcome Plan, trong đó chúng ta nêu rõ ngôn ngữ chính của mình, chủng tộc của mình và những sự hỗ trợ của cộng đồng địa phương nơi mình đang sinh sống thì chắc chắn họ sẽ “matching” hay giới thiệu cho quý vị những gia đình tị nạn Việt Nam. 

Tuy nhiên để tỏ lòng rộng lượng, nếu có thể, chúng ta cũng nên nhận một hai gia đình thuộc các chủng tộc khác. Người dân Hoa Kỳ và các tổ chức tị nạn ở trên thế giới đã từng ngưỡng mộ hành động nhân ái của cộng đồng người Việt trong nỗ lực bảo trợ các người tị nạn thuộc những quốc gia khác như Syria, Afghanistan hoặc Ukraine v..v... Thì nay thêm một lần nữa nếu mỗi “Group of Five” trong Giai Đoạn 1 chỉ cần giúp đỡ MỘT gia đình người nước ngoài thì hình ảnh đó sẽ ý nghĩa biết bao.

Cũng theo kế hoạch dự trù của Bộ Ngoại Giao HK thì Welcome Corps sẽ tiến hành Phase 2 tức Giai Đoạn 2 có tên là “Naming” vào một ngày rất gần đây. Theo đó thì các nhóm bảo trợ có quyền chọn lựa và đưa tên những người tị nạn mà mình muốn bảo lãnh để giới thiệu với phái đoàn Mỹ cho họ được phỏng vấn định cư. Xin nhớ rằng, để hội đủ điều kiện cho Giai Đoạn 2, người tị nạn cũng phải nhận được quy chế tị nạn do UNHCR hoặc chính phủ HK cấp phát, và phải sống ngoài quốc gia của mình.  

Như đã hứa chúng tôi vẫn tiếp tục tình nguyện để hỗ trợ quý vị trong việc hoàn thành hồ sơ xin bảo lãnh, cũng như giải quyết những trục trặc trong việc nộp đơn với cơ quan WC. Đặc biệt là các nhóm bảo trợ đã và đang nộp đơn trong Giai Đoạn 1 tức Phase One. Nếu quý vị có bất cứ câu hỏi nào, hoặc muốn theo dõi tình trạng đơn từ của mình, xin cứ liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ email: namlocnguyen@yahoo.com

Vào ngày 8 tháng 9 tới đây tôi sẽ có những cuộc họp với một số vị dân cử liên bang HK, đồng thời sẽ tiếp tục thảo luận với các viên chức điều hành cơ quan Welcome Corps. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật và chia sẻ tin tức đến với toàn thể quý vị sau thời điểm đó.

Riêng đối với đồng bào tị nạn của chúng ta tại Thái Lan hiện nay, tôi xin mạn phép để dặn dò quý vị một số chi tiết quan trọng sau đây:

1. Khi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn, nếu đồng bào nào đã có một tổ chức hay cá nhân nào ngỏ ý muốn bảo trợ, thì quý vị hãy đưa tên tuổi và chi tiết của người bảo trợ đó cho phái đoàn phỏng vấn. Như vậy quý vị sẽ có rất nhiều hy vọng được đến định cư nơi mình mong muốn.

2. Trong lúc chờ đợi được phỏng vấn, nếu đã biết ai là người sẽ bảo trợ cho mình, thì quý vị nên gửi chi tiết cùng lý lịch và các lý do tại sao quý vị phải bỏ nước ra đi tị nạn. Điều này sẽ giúp người bảo trợ chia sẻ với phái đoàn Mỹ khi họ nộp đơn bảo lãnh cho quý vị.

3. Đối với những người tị nạn chưa biết ai sẽ là người bảo trợ cho mình, cũng như đối với các nhà bảo trợ chưa biết mình sẽ bảo lãnh đồng bào tị nạn nào, thì tôi sẽ cố gắng liên lạc và giới thiệu cả hai bên với nhau hầu quý vị có cơ hội tìm hiểu để quyết định hồ sơ bảo trợ.

Kính thưa quý vị,

Tục ngữ chúng ta có câu: “Cái Khó Bó Cái Khôn”. Sống chật vật ở Thái Lan không được phép đi làm, không có trợ cấp và không được ai giúp đỡ... cho nên đời sống đồng hương của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Và cũng từ đó đôi khi xảy ra những mâu thuẫn, đụng chạm, có khi phiền phức đến luật pháp. 

Vì thế đôi khi có những tin tức tiêu cực mà quý vị nghe được hay những hình ảnh quý vị xem qua trên các YouTube, nó không phản ảnh trung thực hoàn cảnh đáng thương của những người tị nạn VN hiền hòa và tư cách. Đa số họ đều tương kính, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.

Quá khứ đã chứng minh điều này. Hầu hết những người tị nạn VN từ Phi Luật Tân, Thái Lan hay Indonesia... được cộng đồng chúng ta bảo trợ đến Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu hay Âu Châu... họ đều thành công rất nhanh và trở thành những người tử tế trong xã hội. Không những thế còn có lòng nhân ái để bảo trợ đồng hương bất hạnh của họ, những người tị nạn muộn màng đang chờ đợi ánh sáng tự do. Và ánh sáng đó đang ló dạng ở cuối đường hầm. Xin quý vị hãy rộng lòng dang tay đón nhận họ. 

Thành thật kính chào và cám ơn toàn thể quý vị.

Nam Lộc

Wednesday, August 30, 2023

Tướng Về Hưu - Nguyễn Huy Thiệp

 Nguyễn Huy Thiệp

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa qua đời ngày 20/3/2021 tại Hà Nội, Việt Nam. Sáng Tạo đăng lại truyện ngắn Tướng về hưu của ông để chúng ta cùng đọc và tưởng tiếc một văn tài.

I.
Khi viết những dòng này, tôi đã thức tỉnh trong vài người quen những cảm xúc mà thời gian đã xóa nhòa, và tôi đã xâm phạm đến cõi yên tĩnh nấm mồ của chính cha tôi. Tôi buộc lòng làm vậy, và xin người đọc nể nang những tình cảm đã thúc đẩy tôi viết mà lượng thứ cho ngòi bút kém cỏi của tôi. Tình cảm này, tôi xin nói trước, là sự bênh vực của tôi đối với cha mình.

Cha tôi tên là Thuấn, con trưởng họ Nguyễn. Trong làng, họ Nguyễn là họ lớn, số lượng trai đinh có lẽ chỉ thua họ Vũ. Ông nội tôi trước kia học Nho, sau về dạy học. Ông nội tôi có hai vợ. Bà cả sinh được cha tôi ít ngày thì mất, vì vậy ông tôi phải tục huyền. Bà hai làm nghề nhuộm vải, tôi không tường mặt, chỉ nghe nói là một người đàn bà cay nghiệt vô cùng. Sống với dì ghẻ, cha tôi trong tuổi niên thiếu đã phải chịu đựng nhiều điều cay đắng. Năm mười hai tuổi, cha tôi trốn nhà ra đi. Ông vào bộ đội, ít khi về nhà.

Khoảng năm… cha tôi về làng lấy vợ. Chắc chắn cuộc hôn nhân này không do tình yêu. Mười ngày nghỉ phép bề bộn công việc. Tình yêu đòi hỏi điều kiện, trong đó thời gian cũng cần.

Khi lớn lên, tôi chăng biết gì về cha mình cả. Tôi chắc mẹ tôi hiểu về cha tôi cũng ít. Cả đời cha tôi gắn với súng đạn, chiến tranh.

Tôi đi làm, lấy vợ, sinh con. Mẹ tôi già đi. Cha tôi vẫn đi biền biệt. Thỉnh thoảng cha tôi cũng ghé về nhà, nhưng những lần về đều ngắn. Cả những bức thư cha tôi gửi về cũng ngắn, dầu rằng dưới những dòng chữ, tôi biết ở đấy ẩn chứa nhiều tình thương cùng với âu lo.

Tôi là con một, tôi đã chịu ơn cha tôi về đủ mọi mặt. Tôi được học hành, được du ngoại. Cả những cơ sở vật chất gia đình cũng do cha tôi lo liệu. Ngôi nhà tôi ở ven nội, xây dựng trước khi cha tôi về hưu tám năm. Đấy là một biệt thự đẹp nhưng khá bất tiện, tôi đã xây cất dựa theo thiết kế của một chuyên gia kiến trúc trứ danh, bạn của cha tôi, ông này đại tá, chỉ thạo việc xây doanh trại.

Năm bẩy mươi tuổi, cha tôi về hưu với hàm thiếu tướng.

Mặc dầu biết trước, tôi vẫn ngỡ ngàng khi cha tôi về. Mẹ tôi đã lẫn (bà hơn cha tôi sáu tuổi), vì vậy thực ra ở nhà chỉ có mình tôi có những tình cảm đặc biệt với sự kiện này. Mấy đứa con tôi còn bé. Vợ tôi biết ít về ông, vì hai chúng tôi lấy nhau khi mà cha tôi đang bặt tin tức. Bấy giờ đang có chiến tranh. Tuy thế, ở trong gia đình, cha tôi bao giờ cũng là hình ảnh của niềm vinh dự, tự hào. Cả ở trong họ, trong làng, tên tuổi cha tôi cũng được mọi người ngưỡng vọng.

Cha tôi về nhà, đồ đạc đơn sơ. Cha tôi khỏe. Ông bảo: “Việc lớn trong đời cha làm xong rồi!” Tôi bảo: “Vâng”. Cha tôi cười. Tâm trạng xúc động lây sang cả nhà, mọi người chuếnh choáng đến nửa tháng trời, sinh hoạt tùy tiện, có hôm mười hai giờ đêm mới ăn cơm chiều. Khách khứa đến chơi nườm nượp. Vợ tôi bảo: “Không để thế được”. Tôi cho mổ lợn, đi mời họ hàng làng nước đến để chia vui. Làng tôi tuy gần thành phố nhưng mà tập tục nông thôn còn giữ. Đúng một tháng sau, tôi mới có dịp ngồi với cha tôi bàn chuyện gia đình.

II.
Trước khi kể tiếp, xin nói về gia đình tôi. Tôi ba mươi bẩy tuổi, là kỹ sư, làm việc ở Viện Vật lý. Thủy, vợ tôi, là bác sĩ, làm việc ở bệnh viện sản. Chúng tôi có hai con gái, đứa mười bốn, đứa mười hai. Mẹ tôi lẫn lộn, suốt ngày chỉ ngồi một chỗ.

Ngoài những người trên, gia đình tôi còn có ông Cơ và cô con gái gàn dở của ông. Ông Cơ sáu mươi tuổi, quê Thanh Hóa. Vợ tôi gặp cha con ông khi nhà của họ bị cháy, cơ nghiệp mất sạch. Thấy cha con ông tốt bụng, đáng thương, vợ tôi sắp xếp cho họ ở với chúng tôi. Cha con ông ở dưới nhà ngang, sinh hoạt riêng rẽ nhưng mọi chế độ thì do vợ tôi chu cấp. Không có hộ khẩu, họ không có những tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm như những người dân khác trong thành phố. Ông Cơ hiền lành, chịu khó. Thường ông đảm nhiệm việc chăm vườn tược, lợn gà và đàn chó giống. Nhà tôi nuôi chó béc-giê. Tôi cũng không ngờ việc kinh doanh chó lại thu lợi lớn. Khoản thu này trội nhất trong nhà. Cô Lài mặc dầu gàn dở nhưng lại xốc vác và nội trợ giỏi. Vợ tôi dạy cô cách thức nấu bóng, nấu nấm, nấu gà hầm. Cô bảo: ” Cháu chẳng ăn thế bao giờ”. Cô không ăn thật. Cả hai vợ chồng và hai con tôi không phải lo toan công việc gia đình. Từ ăn uống, giặt giũ, tất cả giao cho hai người giúp việc. Vợ tôi cầm chịch các khoản chi tiêu. Tôi bận nhiều việc, hiện đang vùi đầu vào công trình ứng dụng điện phân. Cũng cần nói thêm: quan hệ tình cảm của vợ chồng tôi êm thấm. Thủy có học thức, sống theo lối mới. Chúng tôi suy nghĩ độc lập, nhìn nhận vấn đề xã hội tương đối giản dị. Thủy am tường các việc lo liệu kinh tế cũng như dạy dỗ con cái. Còn tôi, hình như tôi khá cổ hủ, đầy bất trắc và thô vụng.

III.
Tôi quay lại đoạn kể cha con tôi bàn việc gia đình. Cha tôi bảo: “Nghỉ rồi, cha làm gì?” Tôi bảo: “Viết hồi ký”. Cha tôi bảo: “Không!”. Vợ tôi bảo: “Cha nuôi vẹt xem”. Trên phố dạo này nhiều người nuôi chim hoạ mi, chim vẹt. Cha tôi bảo: “Kiếm tiền à?” Vợ tôi không trả lời. Cha tôi bảo: “Để xem đã!” Cha tôi cho mỗi người trong nhà bốn mét vải lính. Ông Cơ và cả cô Lài cũng thế. Tôi cười: “Cha bình quân! ” Cha tôi bảo: “Đấy là lẽ sống”. Vợ tôi bảo: “Cả nhà đồng phục thì thành doanh trại”. Mọi người cười ồ.

Cha tôi muốn ở một phòng dưới dãy nhà ngang giống như mẹ tôi. Vợ tôi không chịu. Cha tôi buồn. Việc để mẹ tôi ăn riêng, ở riêng làm ông bứt rứt. Vợ tôi bảo: ‘Tại mẹ lẫn”. Cha tôi đăm chiêu. Tôi cũng không hiểu sao hai đứa con gái của tôi ít gần ông nội. Tôi cho chúng học ngoại ngữ, học nhạc. Chúng lúc nào cũng bận. Cha tôi bảo: “Các cháu có sách gì mang cho ông đọc”. Cái Mi cười. Còn cái Vi bảo: “Ông thích đọc gì?” Cha tôi bảo: ” Cái gì dễ đọc”. Hai đứa bảo: “Thế thì không có”. Tôi đặt báo hàng ngày cho ông. Cha tôi không thích văn học. Văn chương nghệ thuật bây giờ đọc rất khó vào.

Một hôm tôi đi làm về, cha tôi đứng ở dãy nhà vợ tôi nuôi chó và gà công nghiệp. Trông ông không vui. Tôi hỏi: ” Có chuyện gì thế?” Ông bảo: “ông Cơ và cô Lài vất vả quá. Họ làm không hết việc, cha muốn giúp họ được không?” Tôi bảo: “Để con hỏi Thủy”. Vợ tôi bảo: “Cha là tướng, về hưu cha vẫn là tướng. Cha là chỉ huy. Cha mà làm lính thì dễ loạn cờ”. Cha tôi không nói năng gì. Cha tôi nghỉ hưu nhưng khách khứa nhiều. Điều đó làm tôi ngạc nhiên, thậm chí thích thú. Vợ tôi bảo: “Đừng mừng… họ chỉ nhờ vả. Cha ạ, cha đừng làm gì quá sức”. Cha tôi cười: “Chẳng có gì đâu… cha chỉ viết thư. Thí dụ: ‘Thân gửi N. tư lệnh quân khu… Tôi viết thư này cho cậu… Hơn năm mươi năm, đây là lần đầu tôi ăn tết mồng ba tháng ba dưới mái nhà mình. Hồi ở chiến trường, hai đứa chúng mình đã từng mơ ước v. v… Cậu nhớ cái xóm ven đường, cô Huệ đã làm bánh trôi bằng bột mì mốc. Bột mì bê bết trên lưng v.v… Nhân đây M. là người tôi quen, muốn được công tác dưới quyền của cậ u v.v… “. Cha viết như thế được không?” Tôi bảo: “Được”. Vợ tôi bảo: “Không được! ” Cha tôi gãi cằm: “Người ta nhờ mình”.

Cha tôi thường bỏ thư viết vào phong bì đựng công văn bằng giấy cứng, cỡ 20×30, trên có in chữ Bộ quốc phòng, rồi đưa cho người nhờ vả mang đi. Sau ba tháng, hết sạch loại phong bì ấy. Ông làm phong bì bằng giấy bìa học sinh cũng to bằng cỡ 20×30. Một năm sau, ông cho thư vào thứ phong bì bình thường vẫn bán ở quầy bưu điện, giá năm đồng một chục cái.

Tháng bảy năm ấy, tức là ba tháng sau ngày cha tôi về nghỉ, chú họ tôi, ông Bổng, cưới vợ cho con.

IV.
Ông Bổng với cha tôi là anh em cùng cha khác mẹ. Thằng Tuân con trai ông làm nghề đánh xe bò. Hai cha con đều ghê gớm, to như hộ pháp, ăn nói văng mạng. Thằng Tuân lấy vợ lần này là lần thứ hai. Vợ trước bị đánh đau quá, bỏ đi. Ra tòa, nó khai là vợ theo trai, tòa phải chịu. Cô vợ lần này tên là Kim Chi, làm nghề nuôi dạy trẻ, con nhà có học hẳn hoi, xí xớn thế nào nghe nói có thai với nó. Kim Chi là cô gái đẹp, làm vợ thằng Tuân đúng là “hoa nhài cắm bãi cứt trâu “. Thâm tâm chúng tôi không ưa cha con ông Bổng, khốn nỗi “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, giỗ tết vẫn phải đi lại, nhưng mà ngày thường cũng nhạt. Ông Bổng hay nói: “Quân trí thức khốn nạn! Rẻ dân lao động! Nể bố nó, không tôi cạch cửa!” Nói thế thôi, ông Bổng vẫn sang vay tiền. Vợ tôi khe khắt, bao giờ cũng bắt ông phải ký cược. Ông Bổng rất ức, ông nói: “Mình là chú nó, trót vay nợ nó mà nó cư xử hệt như địa chủ”. Nhiều món nợ ông cứ lờ đi không trả. Cưới vợ cho con, ông Bổng nói với cha tôi: “Anh phải đứng ra chủ hôn, bố cháu Kim Chi vụ phó, anh là tướng, thế là “môn đăng hộ đối”. Sau này các cháu nhờ phúc của ông, như tôi là thằng phu xe, báu gì.” Cha tôi bằng lòng.

Đám cưới ngoại ô lố lăng và khá dung tục. Ba ô tô. Thuốc lá đầu lọc nhưng gần cuối tiệc hết sạch, phải thay bằng thuốc lá cuốn. Năm mươi mâm cỗ nhưng ế mười hai. Chàng rể mặc comlê đen, cravat đỏ. Tôi phải cho mượn cái cravat đẹp nhất trong tủ áo. Nói là mượn, chắc gì đòi được. Phù rể là sáu thanh niên ăn mặc hệt nhau, đều quần bò, râu ria rất hãi. Đầu tiệc là dàn nhạc sống chơi bài Ave Maria. Một anh cùng hợp tác xã xe bò thằng Tuân nhảy lên đơn ca một bài khủng khiếp:

Ừ… ê… cái con gà quay
Ta đi lang thang khắp miền giang hồ
Tìm nơi nào có tiền
Tiền ơi, mau vào túi ta
Ừ… ê… cái con gà rù…

Sau đó đến lượt cha tôi. Ông luống cuống, khổ sở. Bài văn chuẩn bị công phu hóa thừa. Kèn clarinét đệm rất bậy bạ sau dấu chấm câu. Pháo ầm ĩ. Trẻ con bình luận nhảm nhí. Cha tôi nhảy cóc từng đoạn. Ông cầm tờ giấy mà run bắn người. Một sự ô hợp láo nháo thản nhiên rất đời, thô thiển, thậm chí còn ô trọc nữa làm ông kinh hãi, đau đớn. Ông vụ phó thông gia cũng đâm hoảng hốt, luống cuống, làm đổ cả rượu xuống váy cô dâu. Chẳng nghe thấy gì. Dàn nhạc sống át đi bằng nhừng ca khúc vui vẻ quen thuộc của các ban nhạc Beatles và Abba. Sau đó, rắc rối đầu tiên đến với cha tôi là việc Kim Chi sinh cháu chỉ sau hôm cưới chục ngày. Gia đình ông Bổng bê bối. Ông say rượu, tống cổ cô con dâu ra cửa. Thằng Tuân cầm dao chém bố, may trượt.

Vô phương, cha tôi phải đón cháu dâu về nhà. Gia đình tôi thêm hai khẩu. Vợ tôi không nói năng gì Cô Lài thêm một trách nhiệm. Được cái cô Lài vô tâm, tính lại yêu trẻ.

V.
Một tối, tôi đang đọc Sputnhich, cha tôi lặng lẽ đi vào. Ông bảo: “Cha muốn nói chuyện với con”. Tôi pha cà phê, cha tôi không uống. Ông hỏi: “Con có để ý công việc của Thủy không con? Cha cứ rờn rợn”.

Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hàng ngày các rau thai nhi bỏ đi, Thủy cho vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn. Thực ra điều này tôi biết nhưng cũng bỏ qua, chẳng quan trọng gì. Cha tôi dắt tôi xuống bếp, chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé xíu. Tôi lặng đi. Cha tôi khóc. Ông cầm phích đá ném vào đàn chó béc giê: “Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này”. Đàn chó sủa vang. Ông bỏ lên nhà. Vợ tôi di vào nói với ông Cơ: “Sao không cho vào máy xát? Sao để ông biết?!” ông Cơ bảo: “Cháu quên, cháu xin lỗi mợ”.

Tháng mười hai, vợ tôi gọi người bán sạch đàn chó béc giê. Vợ tôi bảo: “Anh thôi hút thuốc Galăng đi. Năm nay nhà mình hụt thu hai mươi bảy nghìn, chi lạm mười tám nghìn, cộng là bốn mươi lăm nghìn”. Kim Chi hết thời gian nghỉ, đi làm. Nó bảo: “Cám ơn anh chị, em đưa con về nhà đây”. Tôi hỏi: “Về đâu?” Thằng Tuân đã bị bắt giam vì tội côn đồ. Kim Chi đưa con về nhà của bố mẹ đẻ. Cha tôi đưa về tận nơi bằng xe tắcxi thuê riêng. Cha tôi ở chơi với ông vụ phó bố của Kim Chi một ngày. Ông này vừa đi công tác ở Ấn Độ về, ông biếu cha tôi một mảnh lụa hoa và nửa lạng cao tổng hợp. Cha tôi cho cô Lài mảnh lụa hoa, cho ông Cơ nửa lạng cao.

VI.
Trước tết Nguyên đán, ông Cơ nói với hai vợ chồng tôi: “Cháu xin cậu mợ một việc”. Vợ tôi hỏi: “Việc gì?” ông Cơ nói vòng vèo, chẳng đâu vào đâu. Đại để ông muốn về thăm quê. ở với chúng tôi sáu năm, cũng có dành dụm, ông Cơ muốn về bốc mộ bà vợ. Để lâu ngày chắc ván đã sụt. “Nghĩa tử là nghĩa tận”. ở thành phố, cũng muốn về thăm họ hàng làng xóm cho nó mát mặt. Bây giờ đã vậy, sau này “cáo chết ba năm quay đầu về núi”. Vợ tôi cắt lời: “Thế bao giờ đi?” ông Cơ gãi đầu: “Đi mười ngày, về Hà Nội trước hăm ba tết”. Vợ tôi tính: “Được. Anh Thuần này (Thuần là tên tôi), anh có nghỉ phép được không?” Tôi bảo: “Được”. Ông Cơ bảo: “Chúng cháu muốn mời ông về quê chơi. Như đi du lịch”. Vợ tôi bảo: “Tôi không thích. Thế ông bảo sao?” ông Cơ bảo: “Ông đồng ý rồi. Không có ông, cháu cũng chẳng nhớ đến việc cải mộ nhà cháu”. Vợ tôi hỏi: “Thế hai cha con có bao nhiêu tiền?” ông Cơ bảo: “Cháu có ba nghìn, ông cho hai nghìn là năm”. Vợ tôi bảo: “Được, đừng lấy hai nghìn của ông, tôi bù cho hai nghìn ấy, lại cho thêm năm nghìn. Thế là hai cha con có chục nghìn. Đi được”.

Trước hôm đi, vợ tôi làm cơm. Cả nhà ngồi ăn, có cả ông Cơ, cô Lài. Cô Lài vui lắm, mặc bộ quần áo mới may bằng vải cha tôi cho hôm về. Cái Mi và Cái Vi trêu: “Chị Lài xinh nhất”. Cô Lài cười thỏn thẻn: “Chả phải. Mợ mới xinh nhất”. Vợ tôi bảo: “Em đi chú ý đỡ ông những khi tàu xe”. Cha tôi bảo: “Hay thôi không đi?” ông Cơ giãy nảy: “Chết, cháu đã điện rồi: Mang tiếng chết”. Cha tôi thở dài: “Tôi có tiếng gì mà mang?”

VII.
Cha tôi đi Thanh Hóa cùng ông Cơ và cô Lài vào sáng chủ nhật. Tối thứ hai, tôi đang xem tivi thì nghe tiếng “huỵch”, vội chạy ra ngoài thấy mẹ tôi ngã gục góc vườn. Mẹ tôi lẫn bốn năm nay, cho ăn biết ăn, cho uống biết uống, phải giục đi ngoài. Mọi hôm có cô Lài săn sóc không sao. Hôm nay, tôi sơ ý, cho ăn mà không giục đi ngoài. Tôi đỡ mẹ tôi vào, bà cụ cứ gục mặt xuống. Không thấy có vết đau. Nửa đêm tôi dậy, thấy mẹ tôi lạnh toát, mắt dại đi. Tôi sợ, gọi vợ tôi. Thủy bảo: “Mẹ già rồi”. Hôm sau mẹ tôi không ăn, hôm sau nữa, cũng không ăn, không chủ động đi ngoài. Tôi giặt giũ, thay chiếu. Có ngày mười hai lần. Tôi biết Thủy và hai con tôi ưa sạch sẽ nên tôi thay giặt luôn, không giũ ở nhà mà mang ra tận kênh đào. Thuốc đổ vào cứ trớ ra.

Hôm thứ bẩy, mẹ tôi bỗng ngồi dậy được. Đi lững thững một mình ra vườn. ăn được cơm. Tôi bảo: ” Mừng rồi”. Vợ tôi không nói năng gì, chiều hôm ấy thấy mang về chục mét vải trắng, lại gọi cả thợ mộc. Tôi hỏi: “Chuẩn bị à?” Vợ tôi bảo: “Không”. Hai hôm sau, mẹ tôi nằm liệt, lại bỏ ăn, lại đi ngoài như cũ. Người dốc nhanh, thải ra thứ nước nâu sền sệt rất khắm. Tôi đổ sâm. Vợ tôi bảo: “Đừng đổ sâm, khổ cho mẹ”. Tôi òa khóc. Rất lâu tôi mới òa khóc như thế. Vợ tôi nín lặng, rồi lại bảo: “Tùy anh”. Ông Bổng sang thăm. Ông nói: “Bà ấy cứ xoay ngang, xoay dọc trên giường như thế này là gay go lắm đấy!” Lại hỏi: “Chị ơi, chị có nhận ra em không?”. Mẹ tôi bảo: “Có”. Lại hỏi: “Thế em là ai?” Mẹ tôi bảo: “Là người”. Ông Bổng khóc òa lên: “Thế là chị thương em nhất. Cả làng cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người”. Lần đầu tiên, cái ông chú đánh xe bò, lỗ mãng, táo tợn, làm đủ mọi điều phi nhân bất nghĩa hóa thành đứa trẻ ngay trước mắt tôi.

VIII.
Cha tôi về đến nhà thì sáu tiếng sau mẹ tôi mất. Ông Cơ và cô Lài nói: “Tại chúng cháu. Chúng cháu ở nhà thì bà không mất”. Vợ tôi bảo: “Nói nhảm”. Cô Lài khóc: “Bà ơi, bà đánh lừa con bà đi! Sao bà không cho con đi hầu bà?” ông Bổng cười: “Mày muốn đi hầu bà thì đi, tao cho đóng ván”. Khi liệm mẹ tôi, cha tôi khóc. Ông hỏi ông Bổng: “Sao người bà ấy rút nhanh thế? Người già ai cũng chết khổ như thế này à?” ông Bổng bảo: “Anh lẩm cẩm. Hôm nào nước mình cũng có hàng nghìn người chết khổ nhục vật vã đau đớn. Mỗi lính tráng các anh, “đòm” phát là sướng”.

Tôi cho bắc rạp, bảo thợ mộc đóng quan tài. Ông Cơ cứ loay hoay bên đống ván vợ tôi cho xẻ hôm trước. Ông thợ mộc quát: “Sợ chúng ông ăn cắp gỗ à?” ông Bổng hỏi: “Ván mấy phân?” Tôi bảo: “Bốn phân”. Ông Bổng bảo: “Mất mẹ bộ xa lông Ai lại đi đóng quan tài bằng gỗ dổi bao giờ? Bao giờ bốc mộ, cho chú bộ ván”. Cha tôi ngồi âm thầm, trông rất đau đớn. Ông Bổng bảo: “Chị Thủy luộc cho tôi con gà, nấu hộ nồi xôi”. Vợ tôi hỏi: “Mấy cân gạo hả chú?” Ông Bổng bảo: “Mẹ mày, sao hôm nay cứ ngọt xớt thế? Ba cân!” Vợ tôi bảo tôi: “Họ hàng nhà anh kinh bỏ mẹ”.

Ông Bổng hỏi tôi: “Nhà này ai chủ trì kinh tế?” Tôi bảo: “Vợ cháu”. Ông Bổng bảo: “Đấy là ngày thường. Tao hỏi đám ma này thì ai chủ trì kinh tế.” Tôi bảo: “Vợ cháu”. Ông Bổng bảo: “Không được con ơi, khác máu tanh lòng. Tao bảo bố mày nhé”. Tôi bảo: “Ông để con”. Ông Bổng bảo: “Đưa tao bốn nghìn, mày định làm bao nhiêu mâm?” Tôi bảo: “Mười mâm”. Ông Bổng bảo: “Không đủ cho đô tùy rửa ruột. Mày bàn với vợ mày đi. Bốn mươi mâm”. Tôi đưa cho ông bốn nghìn rồi vào nhà. Vợ tôi bảo: “Em nghe hết rồi, em tính ba chục mâm, tám trăm đồng một mâm, ba tám hai tư. Hai tư nghìn, phụ phí sáu nghìn. Việc mua bán em lo. Cỗ giao cho cô Lài. Đừng nghe ông Bổng, lão ấy đểu lắm”. Tôi bảo: “ông Bổng cầm bốn nghìn rồi”. Vợ tôi bảo: “Buồn anh lắm”. Tôi bảo: “Anh đòi lại nhé”. Vợ tôi bảo: “Thôi, coi như trả công. Lão ấy tốt nhưng nghèo”.

Phường bát âm đến bốn người. Cha tôi ra tiếp. Nhập quan lúc bốn giờ chiều. Ông Bổng cạy miệng mẹ tôi cho vào chín đồng vừa tiền chinh Khải Định, vừa tiền một hào nhôm. Ông bảo: “Để đi đò”. Lại cho vào cỗ bài tổ tôm, có lẫn cả mấy quân tam cúc. Ông bảo: “Không sao, ngày xưa bà ấy vẫn chơi tam cúc”.

Đêm ấy, tôi thức canh quan tài mẹ tôi, ngẫm nghĩ lan man đủ điều. Cái chết sẽ đến với mỗi chúng ta, chẳng trừ ai cả. Ngoài sân, ông Bổng với mấy bác đô tùy ngồi đánh tam cúc ăn tiền. Khi nào kết tốt đen, ông Bổng lại chạy vào vái quan tài mẹ tôi: “Lạy chị, chị phù hộ cho em để em vét thật nhẵn túi chúng nó”. Cái Mi, cái Vi cũng thức với tôi. Cái Mi hỏi: “Sao chết đi qua đò cũng phẫi trả tiền? Sao lại cho tiền vào miệng bà?” Cái Vi bảo: “Đấy có phải ngậm miệng ăn tiền không bố”” Tôi khóc: “Các con không hiểu đâu. Bố cũng không hiểu, đấy là mê tín”. Cái Vi bảo: “Con hiểu đấy. Đời người cần không biết bao nhiêu là tiền. Chết cũng cần”. Tôi thấy cô đơn quá. Các con tôi cũng cô đơn. Cả đám đánh bạc, cả cha tôi nữa.

IX.
Từ nhà tôi ra nghĩa dịa đi tắt chỉ năm trăm mét nhưng đi đường chính qua cổng làng phải hai cây số. Đường bé, không đẩy xe đòn được mà phải khiêng vai. Đô tùy thay nhau đến ba chục người, có nhiều người vợ chồng tôi không biết tên gì. Họ khênh quan tài hồn nhiên như việc bình thường vẫn làm, như khênh cột nhà. Vừa đi vừa nhai trầu, hút thuốc, tán chuyện. Khi nghỉ, đứng ngồi ngổn ngang ngay bên quan tài. Có người nằm lăn ra nói: “Mát thật, không bận cứ ngủ ở đây đến tối”. Ông Bổng bảo: “Các bố ơi, đi đi còn về nhắm”. Thế là đi. Tôi chống gậy giật lùi trước quan tài theo tục lệ, “cha đưa mẹ đón”. Ông Bổng bảo: “Bao giờ tôi chết, đô tùy của tôi toàn dân cờ bạc, cỗ không thịt lợn mà thịt chó”. Cha tôi bảo: “Chú ơi, lúc này mà chú đùa à?” Ông Bổng nín bặt, lại khóc: “Chị ơi, chị đánh lừa em chị đi… Chị bỏ em chị đi… “. Tôi nghĩ: “Sao lại đánh lừa? Chẳng lẽ người chết đều đã đánh lửa người sống cả sao? Bãi tha ma này toàn quân lừa lọc?”

Chôn cất xong, mọi người về nhà. Bày ra một lúc hai mươi tám mâm. Nhìn mâm cỗ, tôi thật kính trọng cô Lài. Mâm nào cũng gọi: “Lài đâu?” Cô Lài miệng dạ tíu tít, chạy ra bê rượu, bê thịt. Đến tối, cô Lài tắm giặt, mặc quần áo mới ra hương án khóc: “Bà ơi, cháu xin lỗi bà, cháu không đưa bà ra đồng… Hôm trước bà thèm canh cua, cháu ngại làm, bà chẳng được ăn… Bây giờ đi chợ, cháu biết mua quà cho ai?… ” Tôi thấy đắng ngắt. Tôi nhớ đã chục năm nay tôi chưa lần nào mua được cho mẹ chiếc bánh hay là gói kẹo. Cô Lài lại khóc: “Cháu ở nhà thì bà có chết không bà?” Vợ tôi bảo: “Đừng khóc”. Tôi cáu: “Cứ để cho cô ấy khóc, đám ma không có tiếng khóc buồn lắm. Nhà mình có ai biết khóc bà cụ thế đâu?” Vợ tôi bảo: “Ba mươi hai mâm. Anh phục em tính sát không?” Tôi bảo: “Sát”. Ông Bổng bảo: “Tôi đi xem giờ. Bà cụ được một cái nhập mộ, hai cái trùng tang, một cái thiên di. Có yểm bùa không?” Cha tôi bảo: “Bùa con khỉ. Trong đời mình, tôi chôn ba nghìn người chẳng có người nào thế này”. Ông Bổng bảo: “Thế là sướng, “đòm” phát là xong”. Ông giơ một ngón tay trỏ làm hiệu bóp cò.

X.
Tết năm đó, nhà tôi không mua hoa đào, không gói bánh chưng. Chiều mồng hai, đơn vị cũ của cha tôi cho người về viếng mẹ tôi. Biếu năm trăm đồng. Ông Chưởng, phó của cha tôi bây giờ lên tướng, ra mộ thắp hương. Anh Thanh đại úy cần vụ đi theo rút súng bắn ba phát lên trời. Sau này, trẻ con trong làng kháo bộ đội bắn hai mốt phát đại bác viếng bà Thuấn. Ông Chưởng hỏi cha tôi: “Anh muốn về thăm đơn vị dối già không? Tháng năm tập trận. Đơn vị cho xe về đón”. Cha tôi bảo: “Được”. Ông Chưởng đi thăm cơ ngơi nhà tôi, có ông Cơ hướng dẫn. Ông Chưởng bảo cha tôi: “Cơ ngơi của anh ác thật. Vườn cây, ao cá, chuồng lợn, chuồng gà, biệt thự. Thế là vững tâm”. Cha tôi bảo: “Con tôi làm đấy”. Tôi bảo: “Đấy là vợ cháu”. Vợ tôi bảo: “Cô Lài chứ! ” Cô Lài cười thỏn thẻn, dạo này đầu cứ gật gật liên hồi như bị động kinh: “Chả phải”. Cha tôi đùa: “Thế thì do mô hình V.A.C “. Sáng mồng ba, Kim Chi đi xích lô bế con về thăm. Vợ tôi mừng tuổi một nghìn. Cha tôi hỏi: “Thằng Tuân có thư từ gì không?” Kim Chi bảo: “Không”. Cha tôi bảo: “Lỗi ở bác đấy. Tao không biết mày có chửa”. Vợ tôi bảo: “Chuyện ấy là thường. Bây giờ làm gì còn có trinh nữ. Con làm ở bệnh viện sản, con biết”. Kim Chi ngượng. Tôi bảo: “Đừng nói thế, nhưng mà làm trinh nữ thì mệt thật”. Kim Chi khóc: “Anh ơi, đàn bà chúng em nhục lắm. Đẻ con gái ra em cứ nát ruột nát gan”. Vợ tôi bảo: “Tôi còn hai con gái cơ”. Tôi bảo: “Thế các người tưởng làm đàn ông thì không nhục à?” Cha tôi bảo: “Đàn ông thằng nào có tâm thì nhục.. Tâm càng lớn, càng nhục”. Vợ tôi bảo: “Nhà mình nói năng như điên khùng cả. Thôi đi ăn. Hôm nay có cô Kim Chi, tôi đãi mỗi người một con gà hầm tâm sen. Tâm đấy. Ăn là trên hết”.

XI.
Gần nhà tôi ở có cậu Khổng, trẻ con gọi là Khổng Tử. Khổng làm ở xí nghiệp nước mắm nhưng lại thích thơ, làm thơ gửi báo Văn nghệ. Khổng hay sang chơi. Khổng bảo: “Thơ siêu nhất”. Cậu đọc cho tôi nghe Loócca, Uýtxman v. v… Tôi không thích Khổng, ngờ ngợ cậu ta sang chơi vì một cái gì phiêu lưu còn hơn cả thơ ca nữa. Một bận, thấy trong giường của vợ tôi có một tập thơ chép tay. Vợ tôi bảo: “Thơ của cậu Khổng, anh có đọc không?” Tôi lắc đầu. Vợ tôi bảo: “Anh già rồi”. Bất giác tôi thoáng rùng mình. Một hôm bận trực cơ quan nên tôi về muộn. Cha tôi đón cổng, ông bảo: “Thằng Khổng sang chơi từ chập tối. Nó với vợ mày cứ rúc rích với nhau, bây giờ chưa về, chướng quá”. Tôi bảo: “Cha đi ngủ đi, để ý làm gì?” Cha tôi lắc đầu, bỏ đi lên gác. Tôi dắt xe máy ra đường, phóng lang thang khắp phố cho kỳ hết xăng. Tôi dắt xe đến ngồi ở một góc vườn hoa như một tên du thủ du thực. Có một cô mặt đánh phấn đi ngang qua hỏi: “Ông anh ơi, có đi chơi không?” Tôi lắc đầu. Khổng có ý tránh mặt tôi. Ông Cơ ghét lắm, một hôm bảo tôi: “Cháu đánh nó nhé?” Suýt tôi gật đầu. Lại nghĩ: “Thôi”. Tôi vào thư viện mượn thử ít sách. Đọc Loócca, Uýtxman… tôi cứ mơ hồ thấy những nghệ sĩ trác tuyệt là những con người cô đơn khủng khiếp. Bỗng thấy thằng Khổng có lý. Chỉ tức nó đểu. Sao nó không đưa thơ nó cho người khác xem mà lại đưa cho vợ tôi? Cha tôi bảo: “Anh nhu nhược. Duyên do là anh đếch sống được một mình”. Tôi bảo: “Không phải, cuộc đời nhiều trò đùa lắm”. Cha tôi bảo: “Anh cho là trò đùa à?” Tôi bảo: “Không phải trò đùa, nhưng cũng không phải nghiêm trọng”. Cha tôi bảo: “Sao tôi cứ như lạc loài?” Cơ quan định cử tôi đi công tác phía Nam. Tôi bảo vợ tôi: “Anh đi nhé?” Vợ tôi bảo: “Đừng đi. Mai anh sửa cửa nhà tắm, cái cửa hỏng rồi. Hôm nọ cái Mi đang tắm, thằng Khổng đi qua định giở trò đểu làm nó hết hồn. Thằng khốn nạn ấy em cấm cửa rồi”. Vợ tôi òa khóc: “Em thật có lỗi với anh, với con”. Tôi khó chịu quay đi. Nếu có cái Vi bây giờ thì nó sẽ hỏi tôi rằng: “Bố ơi, đấy có phải nước mắt cá sấu không?”

XII.
Tháng Năm, đơn vị cũ cho xe về đón cha tôi. Anh Thanh đại úy cầm thư của ông Chưởng về. Cha tôi cầm thư run run. Thư viết: “… Chúng tôi cần anh, mong anh… nhưng anh đi được thì đi, không ép”. Tôi nghĩ cha tôi không nên đi nữa nhưng nói ra bất tiện. Cha tôi già sụp hẳn đi từ khi về hưu. Hôm nay cầm thư, thấy ông nhanh nhẹn và trẻ trung hẳn. Tôi cũng vui lây. Vợ tôi chuẩn bị đồ đạc cho vào cái sắc du lịch. Cha tôi không nghe, ông bảo: “Cho vào ba lô”. Cha tôi đi chào làng nước một lượt, ra cả ngoài mộ mẹ tôi, lại bảo anh Thanh bắn ba phát súng lên trời. Buổi tối cha tôi gọi ông Cơ đến cho hai nghìn, bảo khắc một cái bia đá gửi về Thanh Hóa đánh dấu mộ vợ. Cha tôi lại gọi cô Lài đến bảo: “Cháu lấy chồng đi”. Cô Lài òa khóc: “Cháu xấu xí lắm, chẳng ai lấy. Lại cả tin nữa”. Cha tôi nghẹn ngào: “Con ơi, con không hiểu rằng cả tin chính là sức mạnh để sống hả con?” Tôi cũng không ngờ những điều như thế lại là điềm báo chuyến này cha tôi ra đi không về. Trước khi lên xe, cha tôi lấy trong ba lô ra quyển vở học sinh. Ông đưa cho tôi. Ông bảo: “Trong này cha có ghi chép ít điều, con đọc thử xem”. Cái Mi, cái Vi chào ông. Cái Mi hỏi: “ông đi ra trận hả ông?” Cha tôi bảo: “ừ”. Cái Vi hỏi:

“Đường ra trận mùa này đẹp lắm có phải không ông?” Cha tôi chửi: “Mẹ mày! Láo!”

XIII.
Cha tôi đi được vài ngày thì ở nhà xảy ra chuyện cười nôn ruột. Số là ông Cơ cùng với ông Bổng vớt bùn dưới ao (vợ tôi trả ông Bổng hai trăm đồng một ngày công, cơm nuôi), bỗng thấy một cái đít chum nổi lên. Hai ông hì hục đào, lại thấy một đít chum nữa, ông Bổng đoán chắc các cụ ngày xưa chôn của. Hai ông báo với vợ tôi. Thủy đến xem, cũng lội xuống đào. Rồi cả cô Lài, cả cái Mi, cái Vi. Cả nhà bê bết bùn đất. Vợ tôi bắt phải ngăn ao, lại đi thuê máy bơm Côle về tát nước. Không khí thật nghiêm trang. Ông Bổng thích lắm: “Công tao thấy trước, cứ phải chia cho tao rnột chum”. Hì hục một ngày đào được hai cái chum sứt trong chẳng có gì. Ông Bổng bảo: ” Chắc còn nữa”. Lại đào. Được thêm một cái chum nữa, cũng vỡ. Cả nhà mệt lả, bụng đói cồn cào. Vợ tôi sai mua bánh mì về ăn lấy sức đào tiếp. Đào gần chục mét thì vớ được cái lọ sành. Cả nhà mừng rỡ, ai cũng đoán vàng. Mở ra trong thấy toàn một chuỗi “Bảo Đại thông báo” bằng đồng đã han rỉ cả. Lại thấy một cái mề đay mủn nát. Ông Bổng bảo: “Thôi chết, tao nhớ ra rồi.”

Ngày xưa tạo với trùm Nhân ăn trộm ở nhà Hàn Tín, bị đuổi, trùm Nhân vứt cái lọ này xuống ao”. Cả nhà được một mẻ cười nôn ruột. Trùm Nhân là tên ăn trộm khét tiếng ở vùng ngoại ô. Hàn Tín trước kia là lính thuộc địa cho Tây, tham gia phong trào “Rồng Nam phun bạc, đánh đuổi Đức tặc”. Cả hai đã chết mục xác từ thuở nảo thuở nào. Ông Bổng bảo: “Không sao, bây giờ cả làng này chết tao cũng đủ tiền đi đò nhét vào miệng họ”. Sáng hôm sau, ngủ dậy thì tôi nghe thấy có tiếng gọi cổng. Tôi ra thấy Khổng đứng ngoài. Tôi nghĩ: “Mẹ khỉ, cái thằng đểu này là điềm gở nhất của số phận mình”. Khổng bảo: “Anh Thuần ơi, anh có điện. Ông cụ mất rồi!”

XIV.
Điện của ông Chưởng: “Thiếu tướng Nguyễn Thuấn, hy sinh khi làm nhiệm vụ hồi… giờ… ngày mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ hồi… giờ… ngày” Tôi lặng người. Vợ tôi xếp đặt mọi việc rất nhanh. Tôi ra thuê xe, về nhà đã thấy gọn đâu vào đấy. Vợ tôi bảo: “Khóa cửa nhà trên. Ông Cơ ở lại”. Xe đi Cao Bằng theo đường số Một. Đến nơi thì lễ an táng cha tôi cử hành đã được hai tiếng đồng hồ. Ông Chưởng bảo: “Chúng tôi có lỗi đối với gia đình”. Tôi bảo: “Không phải thế. Đời người có mệnh”. Ông Chưởng bảo: “Cha anh là người đáng trọng”. Tôi hỏi: “Theo nghi lễ quân đội hả chú”. Ông Chưởng bảo: “Cụ ra trận địa, đòi lên chốt”. Tôi bảo: ” Cháu hiểu rồi, chú đừng kể nữa”. Tôi khóc, chưa bao giờ tôi khóc như thế. Bây giờ tôi mới hiểu khóc như cha chết là khóc thế nào. Hình như đấy là cái khóc lớn nhất đời một con người.

Mộ của cha tôi đặt trong nghĩa trang liệt sĩ. Vợ tôi mang theo máy ảnh bảo chụp mấy kiểu. Hôm sau tôi xin về luôn, ông Chưởng giữ lại nhưng tôi không nghe. Đường về vợ tôi bảo xe đi chậm. Ông Bổng lần đầu mới được đi xa, thích lắm. Ông bảo: “Nước mình thật đẹp như tranh. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao phải yêu đất nước. Chứ ở quê ta, dù ngay Hà Nội có văn minh thật, tôi chẳng thấy yêu gì cả”. Vợ tôi bảo: “Tại chú quen đấy. ở nơi khác cũng thế, họ lại thấy yêu Hà Nội”. Ông Bổng bảo: “Thế là nơi này yêu nơi kia, người này yêu người kia. Tất cả đều đất nước mình, nhân dân mình cả. Vậy thì đất nước muôn năm, nhân dân muôn năm. Hoan hô đèn cù! ”

XV.
Có lẽ câu chuyện của tôi kết thúc ở đây. Sau đó nếp sống của gia đình tôi trở lại như là trước ngày cha tôi nghỉ hưu. Vợ tôi tiếp tục công việc bình thường. Tôi đã hoàn thành công trình nghiên cứu điện phân. Ông Cơ trở nên ít nói, một phần vì bệnh cô Lài nặng hơn. Lúc rỗi, tôi giở đọc những điều cha tôi ghi chép. Tôi hiểu cha tôi hơn. Trên đây là những sự việc lộn xộn của hơn một năm cha tôi nghỉ hưu mà tôi chép lại. Tôi coi đấy như nén hương thắp nhớ người. Nếu có ai đã có lòng để mắt đọc điều tôi viết, xin lượng thứ cho tôi.

Tôi xin cảm tạ.

Nguyễn Huy Thiệp

Sunday, August 20, 2023

Thông báo mới nhất của cơ quan Welcome Corps về chương trình “Bảo Lãnh Tư Nhân” Nam Lộc


Với sự hưởng ứng nồng nhiệt của các nhà bảo trợ qua lời kêu gọi của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Hôm nay, Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023, cơ quan Welcome Corps vừa đưa ra một bản Thông Báo ngắn để cập nhật cũng như hướng dẫn một cách rõ ràng đến các nhà bảo trợ tương lai, đặc biệt là quý vị có ý định tham gia Phase 2, tức là bảo lãnh những người mà mình quen biết hoặc tự chọn, dự trù sẽ được thực hiện vào thời điểm cuối năm 2023.

Mục đích của Thông Báo hôm nay là để cung cấp tin tức, giúp các nhà bảo trợ có đủ thời gian chuẩn bị cũng như thu thập tài liệu hầu có thể gửi đơn xin  bảo lãnh một cách đầy đủ và hoàn chỉnh ngay khi cơ quan Welcome Corps bắt đầu nhận đơn.

Ngoài ra Welcome Corps cho biết là họ cũng đang nỗ lực chuẩn bị để phổ biến và hướng dẫn các điều lệ của quy trình tái định cư cho người tị nạn, đặc biệt là những người mà quý vị tự chọn để bảo lãnh.

Theo Thông Báo mới nhất của cơ quan Welcome Corps, thì có một số hoạt động bạn có thể thực hiện ngay bây giờ trước khi quyết định tham gia vào việc nộp đơn bảo lãnh những người mà quý vị tự chọn:

1. Thành lập Nhóm 5 Người Bảo Trợ
2. Tham gia khóa huấn luyện của cơ quan Welcome Corps
3. Tham dự hoặc xem hội thảo trực tuyến hỗ trợ các nhà bảo trợ nộp đơn bảo lãnh.

Còn đối với các hoạt động khác như sau đây thì cơ quan Welcome Corps khuyên chúng ta nên đợi cho đến khi họ chính thức loan báo chương trình bảo lãnh tự chọn:

1. Không nên hoàn thành Kế Hoạch Chào Mừng (Welcome Plan) vào thời điểm hiện tại.
2. Chưa nên nộp đơn xin kiểm tra lý lịch (background check).
3. Đừng nộp đơn xin bảo lãnh trong lúc này.

Quý vị có thể truy cập website WelcomeCorps.org để tìm hiểu thêm về việc bảo lãnh những người mà mình quen biết hoặc tự chọn. Ngoài ra cơ quan Welcome Corps cũng cho biết là họ sẽ thông báo tiêu chuẩn cùng điều kiện đòi hỏi cho người tị nạn, thông tin về việc nộp đơn cùng những bước tiếp theo.

Trong trường hợp quý vị quan tâm đến việc bảo trợ cho ai đó mà mình chưa quen biết, thì xin truy cập WelcomeCorps.org hoặc tham dự phiên hội thảo trực tuyến hỗ trợ đăng ký sắp tới.

Bản Thông Báo của cơ quan Welcome Corps kết luận:

“Chúng tôi biết đông đảo quý vị đang háo hức với cơ hội mới này và chúng tôi cũng háo hức để hỗ trợ quý vị trong hành trình của mình”.

Friday, August 18, 2023

Chim mẹ cho con ăn luôn cố ý bỏ sót mấy con - nghiên cứu cho thấy đó là trí tuệ của loài chim

 

Chim nuôi con như thế nào? Trong rất nhiều phim tài liệu về động vật, chúng ta có thể thấy cảnh chim mẹ ngậm thức ăn như sâu bọ trở về tổ, sau đó cho chim con đang kêu, mở miệng to đòi ăn. Nhiều người nghĩ rằng chim mẹ mỗi lần bay về chỉ ngậm một vài con sâu, kỳ thật mỗi lần chim mẹ đều ngậm về rất nhiều sâu, chẳng qua nó không ra cho các chim con ăn, mà lựa chọn một lần chỉ cho một con chim non ăn. Chẳng lẽ chim mẹ trời sinh thiên vị sao? Tại sao cố ý để những con khác đói?

Có quan điểm cho rằng, có thể chim mẹ chưa hiểu thế nào là chia đều nên khi bay về đã ngẫu nhiên chọn một con chim con đang há miệng chờ ăn, liền đem toàn bộ thức ăn trong miệng mình đút vào, nó cũng không biết những đứa con khác của mình có đói bụng hay không. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra rằng có một bí ẩn lớn ẩn chứa trong đó.
Chúng ta biết rằng nhiều loài chim đẻ nhiều trứng cùng một lúc, và khi trứng nở, không phải tất cả chim con đều phát triển tốt. Một số chim con sinh ra đã yếu ớt, không khỏe mạnh như anh chị em của chúng. Vì vậy, chim mẹ sẽ bỏ qua những con chim non rất có thể không lớn lên này. Khi cho ăn, những con chim non khỏe mạnh sẽ được chọn cho ăn trước, chỉ khi đủ thức ăn thì chim mẹ mới thuận tiện cho những con yếu ớt ăn.

Chim mẹ có chọn lọc cho chim non ăn.

Có thể mọi người sẽ cho rằng chim mẹ quá tàn nhẫn, dù sao chúng cũng là con của mình, tại sao lại để chúng chết đói? Trên thực tế, đây chính là chỗ trí tuệ của chim mẹ, hoặc là chúng ta có thể nói, là một loại biểu hiện của chim mẹ lấy đại cục làm trọng. Chúng ta biết rằng trong tự nhiên, gần như tất cả các sinh vật đều có kẻ thù tự nhiên, và nguồn tài nguyên trong tự nhiên là có hạn. Nếu có quá nhiều sinh vật thì tự nhiên sẽ thiếu tài nguyên, và chim cũng vậy. Nếu có quá nhiều chim sẽ không đủ thức ăn, nếu chia đều ra thì rất có thể cuối cùng tất cả chúng sẽ ăn không đủ no.

Trên thực tế, tình trạng này rất phổ biến trong tự nhiên, chẳng hạn như loài chim cánh cụt sống ở Nam Cực. Mặc dù loài chim cánh cụt mà chúng ta nhìn thấy rất dễ thương, nhưng có một thực tế, đằng sau sự trưởng thành của mỗi con chim cánh cụt là sự hy sinh của một con chim cánh cụt khác, nói chính xác hơn là sự hy sinh của một quả trứng chim cánh cụt khác đã được đẻ cùng với nó.
Các nhà khoa học cho biết, chim cánh cụt đẻ hai quả trứng mỗi lứa, nhưng mỗi lần chỉ chọn một quả để ấp nở. Vì vậy, chim cánh cụt trên thực tế mỗi lần chỉ có thể sinh một con chim cánh cụt con. Dù có những con chim cánh cụt không đành lòng, đem hai quả trứng chim cánh cụt ấp nở, nhưng sau khi chim cánh cụt con sinh ra, chim mẹ chỉ chọn con cường tráng mà nuôi nấng, và từ bỏ con yếu hơn.

Chim cánh cụt.

Ngoài việc được bố mẹ chọn lọc, sự cạnh tranh sinh tồn của các loài chim còn bao gồm sự cạnh tranh giữa những con chim non. Sau khi nhiều con chim non nở ra, những con chim non khỏe mạnh sẽ cố gắng hết sức để ép những con chim non yếu ớt ra khỏi tổ, thậm chí làm vỡ hoặc đẩy những quả trứng chưa nở ra khỏi tổ. Theo cách này, sau khi không có sự cạnh tranh, nó sẽ tự nhiên trở thành kẻ được sủng ái nhất, và nó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn dưới sự nuôi dưỡng cẩn thận của chim mẹ.
Nguyên Anh biên dịch

Monday, August 14, 2023

Thơ gởi anh Nguyễn Đình Thắng

Đính kèm là hình ảnh các anh Nam Lộc và Phạm Nam cùng Phái Đoàn Việt Hưng trong Buổi Hội Thảo tại Hội Người Việt Edmonton ngày 12 tháng 8 Năm 2023 với các chủ đề: Chống ảnh hưởng của Tầu Cộng, vấn đề Thương Phế Binh, vấn đề tỵ nạn tại Thái Lan và Học bổng Dương Kimmy.


Thư gởi các ông Trần Văn Thành và Nguyễn Tiến,

Tôi là Hoàng Đình Trí xin mạn phép trả lời những thắc mắc của quý ông qua lá thư tôi gửi cho TS Nguyễn Đình Thắng như sau:

Anh Thắng thân mến,
Sau buổi gặp gỡ của anh và tôi với MP Tom Kmiec thì một bản tin được đăng trên Website của BPSOS. Bản tin đã bị sao chép lại, phóng đại và làm sai đi một số dữ kiện gây ra những công kích và vu khống cá nhân của tôi và Hội Người Việt Edmonton. 
 
Cũng như tôi đã trình bày trong buổi họp với ông Tom Kmiec, một lần nữa tôi xin xác định lại là tôi sẵn sàng góp tay ủng hộ việc vận động với chính quyền Canada để xin họ xét lại, giải quyết và cho phép các thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam còn sót lại ở Thái Lan được đi định cư tại Canada. Điều tôi quan tâm duy nhất là số phận của những gia đình xấu số này.
Tôi sẵn sàng ủng hộ tất cả các đoàn thể hay cá nhân nào có thể góp tay, giúp sức trong cùng một mục đính nêu trên. Tôi không ủng hộ riêng một phe phái nào, và sẽ không tham gia vào việc chỉ trích, chống đối hay đả phá lẫn nhau trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Việc này chỉ gây chia rẽ cộng đồng và có lợi cho cộng sản Việt Nam.

Nếu có trường hợp những cá nhân đã khai man để được đi định cư thì chính họ sẽ phải trả lời và chịu trách nhiệm trước luật pháp Canada như họ đã ký trong đơn xin tỵ nạn. Tôi không biết rõ và sẽ không tham dự vào việc "vạch lá tìm sâu" này.

Tuần lễ vừa qua ngày 12 tháng 8 năm 2023, Tôi đã gặp các anh Nam Lộc và Phạm Nam để bàn thảo và xác định về chính kiến của tôi như đã trình bày với anh như trên.

Tất cả chúng ta đều có chung một mục đích là giúp đỡ những người tỵ nạn kém may mắn. Mong sao chúng ta dẹp bỏ mọi nghi ngờ hiềm khích để đạt được kết quả tốt đẹp nhất.

Thân kính,

Hoàng Đình Trí

Việc tôi làm là với tư cách cá nhân và với vai trò một cựu Phó Tổng Thư Ký Liên Hội Người Việt Canada trong thời gian 2012- 2014, không liên quan gì đến Hội Người Việt Edmonton. Vai trò chính của Liên Hội trong thời gian này là vận động các Hội Thành Viên đứng ra bảo trợ và giúp đỡ những người tỵ nạn đến địa phương mình, phối hợp với danh sách của VOICE CANADA bên Thái Lan trao lại.

 Như tôi đã nhấn mạnh trong lá thư trên, tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là góp tay vận động cho những đồng bào tỵ nạn đang còn vất vưởng tại Thái Lan, tôi sẵn sàng chung lưng góp sức với tất cả những ai có cùng mục đích, còn việc nếu thực sự có người nào đã khai man để được định cư thì chính cá nhân đó chịu trách nhiệm với luật pháp và chính quyền Canada, tôi không tham dự vào chuyện này
Tôi yêu cầu các ông vui lòng chấm dứt việc phổ biến những luận điệu xuyên tạc và chụp mũ chỉ có lợi cho cộng sản Việt Nam và xin các ông phổ biến lá thư này đến những người các ông đã gửi.

Trân trọng cảm ơn,

Hoàng Đình Trí

Sunday, August 13, 2023

Giới thiệu sách “Việt Eden, Địa Đàng Hạ Giới” của Ngọc Hà & Du Miên

Du Miên- Ngọc Hà đồng tác giả sách “Việt Eden – Địa Đàng Hạ Giới” (Thanh Phong/Viễn Đông)

Bài THANH PHONG

LITTLE SAIGON – Vào lúc 11 giờ trưa Chủ Nhật, ngày 13 tháng 8 tới đây, ký giả Du Miên và phu nhân Ngọc Hà sẽ ra mắt cuốn sách “Việt Eden – Địa Đàng Hạ Giới” tại Thư Viện Việt Nam, và cặp đôi này xin kính mời tất cả quý đồng hương tới tham dự để biết và yêu mến, hãnh diện nơi mình đang sinh sống (Little Saigon) và tại sao tác giả gọi nơi này là “Việt Eden- Địa Đàng Hạ Giới”.

Từ ngày người Việt tỵ nạn đặt chân đến miền Nam Hoa Kỳ và sau đó thành lập “Little Saigon” để không quên những kỷ niệm quen thuộc của thủ đô Saigon yêu dấu đã bị đổi tên; từ đó đến nay đã có nhiều người viết về Little Saigon nhưng chưa có ai viết tỷ mỷ và dẫn chứng đầy đủ vừa bằng chữ viết vừa bằng hình ảnh và tư liệu quý hiếm như cuốn Việt Eden – Địa Đàng Hạ Giới do hai vợ chồng ký giả Du Miên – Ngọc Hà chủ biên.

Du Miên là tín đồ Cao Đài, qua Sách Sáng Thế Ký (Kinh Thánh Cựu Ước) ông biết khi tạo dựng vũ trụ và vạn vật, Thiên Chúa đã tạo dựng một khu vườn mang tên Eden với đầy đủ cây cối xanh tươi, hoa trái ngon ngọt, chim chóc hót líu lo để hai nguyên tổ loài người Adam và Eva sống êm đềm hạnh phúc, không phải lo lắng cơm ăn, áo mặc. Nếu trên Thiên Đàng con người được sống vĩnh cửu thì dưới đất, Eden chính là vườn Địa Đàng.

Ký giả Du Miên, Ngọc Hà sống tại miền Nam California, và ông là một trong những người góp phần sáng lập ra Little Saigon. Trải qua gần nửa thế kỷ trên mảnh đất này, hai ông bà đã chứng kiến rất nhiều đổi thay, từ khu đất trồng trái dâu hoang sơ biến thành khu phố thị sầm uất, từ chỗ bị chính quyền Hoa Kỳ không muốn người Việt tỵ nạn tập trung đông đảo một chỗ, người Mỹ kỳ thị không muốn thấy những bảng hiệu toàn chữ Việt, không muốn người Việt tổ chức buổi lễ kỷ niệm ngày Quân Lực 19 tháng 6 (Nghị Viên Frank Fry sau là Thị Trưởng Westminster), thậm chí đòi trục xuất người Việt khỏi Quận Cam (Giám Sát Viên Harriett Wieder).

Nhưng nhà báo Du Miên viết trong lời giới thiệu: “Little Saigon quả là báu vật Trời – Phật –Tổ Tiên ban cho đàn lưu dân Việt,” và theo ông, “Mọi việc đều có “yếu tố thiêng liêng, Ý Trời cả,” và Ý Trời đã dành đất lành cho người Việt khắp nơi tìm đến và biến Little Saigon mà ông so sánh như vườn Địa Đàng Eden trong Kinh Thánh.

Sách dày 330 trang, trong đó tác giả chia thành ba Chương và một Phụ Lục. Bắt đầu Chương 1 từ trang 13 đến hết Chương 3 trang 224, tác giả ghi chép và có những hình ảnh dẫn chứng cụ thể từ ngày có danh xưng “Little Saigon” ngày 1 tháng 2, 1981 đến nay, trong đó có rất nhiều chi tiết thuộc loại “thâm cung bí sử” chưa ai viết và nhiều người chưa từng biết như ông nhà báo vẽ bản đồ, ông nhà giáo làm niên giám điện thoại, nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang từng bị một thanh niên địa phương tấn công bằng gậy baseball ngay trong phòng làm việc của ông, vụ sinh viên Lâm Văn Minh sẩy cò làm chết giáo sư Edward Lee Cooperman, đại học Fullerton, vụ án thầy giáo Trần Văn Bé Tư bắn gục ông Trần Khánh Vân.

Ngoài ra, có hai vị lãnh đạo tôn giáo xuất chúng. Linh Mục Đỗ Thanh Hà, người mạnh mẽ ủng hộ công cuộc kháng chiến phục quốc, có công vận động xây dựng Trung Tâm Công Giáo bề thế như hiện nay, và là vị Giám Đốc tiên khởi. Đại lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, ngài là cao đồ của Tổ Sư Minh Đăng Quang, khai sáng Tăng Già Khất Sĩ ở miền Nam Việt Nam. Ngài là vị lãnh đạo Phật Giáo chủ trương hòa mình cùng các tôn giáo bạn ngay từ những ngày còn ở Việt Nam.

Cũng như LM Đỗ Thanh Hà, Hòa Thượng Thích Giác Nhiên ủng hộ nhiệt tình các phong trào kháng chiến phục quốc. Vào thập niên 1990 ngài đã quỳ gối trước hai người đứng đầu cộng đồng tại Little Saigon để “xin các vị hãy cùng nhau đoàn kết, xóa bỏ hiềm khích để phục vụ cộng đồng.”

Ít người biết về lịch sử bốn trụ cờ trên đại lộ Bolsa, việc kỹ sư Hồ Thành Việt bỏ dấu tiếng Việt vào computer, Trúc Lâm Yên Tử ngôi chùa đầu tiên ở Little Saigon. Chủ hệ thống Phở Hòa là ai? BDQ Đặng Văn Thạnh và phu nhân Yến cô nương mở nhà sách Tú Quỳnh tại Little Saigon ra sao? Chuyện Đại úy Cọp Rằn CNN Nguyễn Ngọc Chấn làm phim “Vì Tôi là Linh Mục” với các tài tử nào? Bolsa Ngũ Hổ gồm những ai tạo dựng nên Little Saigon? Và còn nhiều, rất nhiều những điều viết về Little Saigon mà một bài báo không thể giới thiệu hết cả một cuốn sách dầy tới 330 trang.

Việt Eden – Địa Đàng Hạ Giới

Người viết đã đọc từ trang đầu đến trang cuối và cảm nhận cả một công trình, vừa moi óc vừa tìm tòi nhiều tư liệu, hình ảnh để hoàn thành sách Việt Eden – Địa Đàng Hạ Giới mà từ trước đến nay chưa ai viết đầy đủ hơn về Little Saigon. Đây sẽ là một trang sử oai hùng của người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại hải ngoại; một cuốn sách đáng để cho cư dân Little Saigon hãnh diện và làm món quà tặng cho bạn bè, người thân ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt qua câu trả lời của ký giả Du Miên, Chủ Bút tuần báo Saigon cũng là người vẽ bản đồ khu phố Saigon đăng trên báo Saigon, ông trả lời nữ ký giả Rosa Kwong, gốc Hồng Kông khi cô hỏi: Tại sao ông gọi là Phố Mới, Phố Saigon? Chủ bút Du Miên trả lời, “Ở quê nhà Việt Nam, Cộng Sản đổi tên thủ đô Saigon của chúng tôi rồi. Chúng tôi lập khu phố nhỏ, phố mới gọi là Phố Saigon. Saigon thủ đô của nước tôi lớn và hoa lệ, là “Hòn Ngọc Viễn Đông”… Còn ở Westminster đây, bất quá chúng tôi gom nhau lại thành một khu phố nhỏ, một góc chút xíu của Saigon hoa lệ ngày xưa.

Cô ký giả gốc Hồng Kông lặng yên một lúc khi thấy Chủ Bút báo Saigon rơm rớm nước mắt khi nhắc đến Saigon. Cô gật đầu chào mọi người, lặng lẽ bước đi. Vài ngày sau, trong bài tường thuật ngày 1 tháng 2 năm 1981, cô gọi khu phố bé tí, phố Saigon của tuần báo Saigon nói trên là “Little bit of Saigon.” Sau này người ta lần lượt bỏ bớt hai chữ “bit of” còn lại Little Saigon. Và danh xưng Little Saigon có từ đó, từ ngày 1 tháng 2 năm 1981.

Ngay trang bìa, với nét chấm phá ngoạn mục của họa sĩ Đinh Hiển, tức họa sĩ “Hĩm” mà những người cao tuổi ở miền Nam vốn đã nghe danh, họa sĩ vẽ ký giả Du Miên, vai mang ba lô, tay cầm cây bút rảo khắp mọi nơi săn tin, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy cây bút khác thường, cây bút to như cây gậy, chắc hẳn họa sĩ muốn diễn tả điều gì đó về người ký giả, một Chủ Bút, một Chủ Tịch Hội Ký Giả, một Tổng Thư Ký Hiệp Hội Truyền Thông Việt Ngữ tại Hoa Kỳ.. .

Bức vẽ này đã có từ ba chục năm trước, đến nay ký giả Du Miên quyết tìm đến người họa sĩ mà ông yêu quý này, và trời không phụ lòng, Du Miên đã tìm được họa sĩ Hĩm, nay người họa sĩ này đang ở vào tuổi “bách niên giai lão,” ông đã ký tặng trên tấm bút họa và ghi dấu 2023.

Thi sĩ Kiến Hoa Võ Thành Đông đã dùng hình vẽ này trình bày trang bìa cho cuốn sách một cách trang nhã. Ngay trang đầu, tác giả để lời cảm ơn tất cả các nhiếp ảnh gia, phóng viên báo, ảnh, các đài truyền hình Hoa Kỳ – Việt Nam hải ngoại, những người ông biết được tên và cả những tấm hình ông không tìm được tên tác giả ông đều chân thành cảm tạ và xin phép để được trích đăng, “Tất cả đồng bào nhân chứng sống ấy đã là một trong nhiều thành phần đã đóng góp vào lịch sử hình thành Việt Eden Địa Đàng Hạ Giới Little Saigon của chúng ta.”

Trích đoạn trong phần Kết của cuốn sách, tác giả viết:

“Liên tiếp sau sự ra đi lần lượt của những người từng gắn bó với giai đoạn đầu của Little Saigon: Mục Sư Nguyễn Xuân Đức – Đốc Sự Phùng Minh Tiến, ba con cọp trong nhóm “Bolsa Ngũ Hổ”: Đặng Văn Thạnh, Nguyễn Xuân Phước và Nguyễn Văn Thành. Nhiều bạn thân vừa hăm, vừa thúc: “Hai bạn (Du Miên, Ngọc Hà) không viết thì coi như đó là một dấu chấm hết. Các thế hệ tiếp nối sẽ mất cơ hội để hiểu rõ hơn về thuở ban đầu của Little Saigon.” Nên chúng tôi “cùng nhau” viết cuốn sách này như là cách thể hiện sự “nối bước” dưỡng phụ, dưỡng mẫu Việt Định Phương, Trúc Hà, đàn anh đàn chị Thanh Nam, Túy Hồng – hai đôi uyên ương trong trường văn trận bút, sống và chết với nghiệp báo, bên nhau như bóng với hình.”

Tuy đã dành trên 300 trang giấy để viết về Little Saigon nhưng đồng tác giả Du Miên – Ngọc Hà vẫn chưa thỏa lòng qua câu viết “Những sự kiện, nhân vật trong sách chỉ liên quan đến lịch sử lúc Little Saigon khởi lập. Bên cạnh lịch sử khởi đầu ấy, Little Saigon luôn sinh động, còn chờ thêm nhiều ghi chép trong tương lai.”

Ký giả Du Miên từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong ngành truyền thông, từng có các tác phẩm: 3 Năm ở Mỹ; Ngày Phải Tới; Việt gian, Việt cộng, Việt kiều và Việt Nam Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông.

Một nửa của ông, ký giả Ngọc Hà, một phụ nữ tài hoa, từng là Chủ Nhiệm Tuần báo Saigon, tuần báo Trường Sơn và Thời Báo. Ủy viên tiên khởi Hội Ký Giả Việt Nam Hải ngoại, và cũng là một phụ nữ nội trợ đảm đang. Hiện nay mỗi ngày đôi uyên ương này cùng sánh vai nhau trên đường từ nhà đến đài truyền hình VNA-TV, từ đài truyền hình đến Thư Viện Việt Nam để như Thanh Nam, Túy Hồng sánh vai nhau trong trường văn trận bút sống chết với nhau như bóng với hình. Sau giờ làm việc lại trở về nhà để cùng nhau săn sóc khu vườn với nhiều kỳ hoa dị thảo, với tiếng chim hót líu lo và bầy cá Koi khổng lồ bơi lượn trong hồ dài uốn lượn trong vườn. Phải chăng đây cũng là một Eden thu nhỏ mà đôi uyên ương Du Miên – Ngọc Hà đang tận hưởng trong Địa Đàng Hạ Giới tại Little Saigon?  

 


Giới thiệu sách mới
Vợ chồng nhà báo Ngọc Hà & Du Miên rất quen thuộc với cộng đồng người Việt tị nạn gần nửa thế kỷ qua trong ngành truyền thông Việt ngữ vừa ấn hành sách “Việt Eden, Địa Đàng Hạ Giới” vào Hè 2023.
 
Nhà báo Du Miên từng là phóng viên chiến trường của nhất báo Trắng Đen ở Sài Gòn. Khi đặt chân tị nạn năm 1975 ở San Diego, với hoài bão của anh, tiếp tục công việc cầm bút vì vậy anh và các thân hữu đã dấn thân vào lãnh vực nầy. Khởi đầu từ báo Hồn Việt San Diego năm 1975… Đồng sáng lập nguyệt san Hồn Việt. Chủ Bút tuần báo Sài Gòn, Trường Sơn, Thời Báo (Chủ Nhiệm: Ngọc Hà)…
 
Với tựa đề “Việt Eden, Địa Đàng Hạ Giới”, nội dung trong quyển sách nầy là tài liệu quý báu về Little Saigon, trở thành “thủ đô tị nạn” từ ngày được hình thành đến “cái nôi” của cộng đồng người Việt tị nạn trong mọi sinh hoạt. Tác phẩm dày 330 trang, hình màu gồm 3 Chương: Chương I (trang 13 đến trang 81), khái quát về Bolsa Ngày Ấy đến Chợ Xuân Chiến Sĩ Cộng Hòa. Chương II (trang 83 đến trang 170) sự phát triển của Little Saigon từ năm 1980 đến năm 1999. Chương III: (trang 171 đến trang 224) tiếp nối sự phát triển của Little Saigon từ năm 1999 đến nay. Phần Phụ Lục (trang 225 đến trang 330).
 
Danh xưng Little Saigon có từ ngày ngày 1 tháng 2 năm 1981 nhưng phải trải qua thời gian dài vận động để hợp thức hóa tên gọi trong chính quyền địa phương và tiểu bang. Theo bản đồ của nhật báo Register, khu vực Little Saigon thuộc thành phố Westminster và vài con đường của thành phố lân cận, Bắc có Garden Grove, Đông có Santa Anna, Nam có Fountain Valley… Điểm đặc biệt trong quyển sách nầy với nhiều hình ảnh và mỗi tấm hình được chú thích rõ ràng.

saigon
 
Trước đây có nhiều bài viết về về Little Saigon nhưng chỉ đề cập đến từng lãnh vực như ẩm thực, giáo dục (Trung Tâm Việt Ngữ), sinh hoạt cộng đồng của người Việt tị nạn, các cơ sở kinh doanh, truyền thông Việt ngữ… Nay, quyển sách nầy tổng hợp nhiều lãnh vực, nhiều sự kiện từ khi mới định cư đến nay. Và khi thương xá Phước Lộc Thọ trên đại lộ Bolsa, thành phố Westminster được hình thành năm 1985, được coi là trung tâm của Little Saigon.
 
Đây là quyển sách tổng hợp sự kiện xảy ra theo dòng thời gian nên không thể tóm lược hết mà chỉ đề cập vài nét tổng quát với độc giả.
 
– Vương Trùng Dương
(Little Saigon, August 08, 2023)

Buổi ra mắt sách vào 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều, Chủ Nhựt, ngày 13 tháng 8, 2023, tại Thư Viện Việt Nam, 10872 Westminster Avenue, #214, Garden Grove, CA 92843. Mọi chi tiết vui lòng liên lạc dumien@aol.com

Wednesday, August 9, 2023

Sa Đéc

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ HÌNH ẢNH NGÀY XƯA CỦA TỈNH SA ĐÉC (NAY LÀ ĐỒNG THÁP) 26/05/2022 Thời Pháp thuộc, địa bàn tỉnh Đồng Tháp ngày nay bao gồm hầu hết địa bàn tỉnh Sa Đéc, cộng thêm quận Hồng Ngự của tỉnh Châu Đốc, một phần của tỉnh Long Xuyên và một phần nhỏ đất của tỉnh Mỹ Tho. Tên gọi Đồng Tháp chỉ xuất hiện từ năm 1976, khi chính quyền mới hợp nhất 2 tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong (tỉnh lỵ của Kiến Phong đặt ở Cao Lãnh) để thành lập tỉnh Đồng Tháp, ban đầu tỉnh lỵ đặt ở Sa Đéc, đến năm 1994 dời về thị xã Cao Lãnh. Sa Đéc thập niên 1960 Tên tỉnh Đồng Tháp được lấy từ cái tên Đồng Tháp Mười, là tên gọi vùng đất ngập nước của đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa thuộc tỉnh Định Tường thời nhà Nguyễn, trải rộng trên các tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp của hiện nay. Như vậy, khi nói về lịch sử hình thành tỉnh Đồng Tháp ngày nay, người ta thường nhắc đến tỉnh Sa Đéc, là tên tỉnh tồn tại suốt thời Pháp thuộc cho đến năm 1975, với rất nhiều lần tách nhập lãnh thổ. 

Vùng đất Đồng Tháp được khai phá vào khoảng thế kỷ 17, thế kỷ 18 dưới thời các Chúa Nguyễn. Từ đầu thế kỷ 17, đã có lưu dân Việt đến vùng Sa Đéc khẩn hoang, lập ấp. Thời vua Gia Long, Sa Đéc thuộc huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh. 

Từ năm 1832, sau cải cách hành chính của vua Minh Mạng, phần đất tỉnh Đồng Tháp ngày nay nằm trên địa bàn của hai tỉnh thời nhà Nguyễn là tỉnh Định Tường và An Giang. 

Hai tỉnh này lần lượt bị Pháp chiếm vào năm 1861 và 1867, sau đó chính quyền thuộc địa xóa bỏ tên gọi các tỉnh, chia lại khu vực hành chính, đặt ra các hạt Thanh tra. 

Đối với tỉnh Định Tường cũ, Pháp chia thành 4 hạt thanh tra, trong đó phần lãnh thổ thuộc Đồng Tháp hiện nay mang tên Hạt thanh tra Kiến Tường, ban đầu lỵ sở đặt ở Cao Lãnh. Sau này lỵ sở dời về Cần Lố, nên tên Hạt cũng đổi thành Hạt thanh tra Cần Lố. 

Đối với tỉnh An Giang cũ, Pháp chia thành các hạt, trong đó phần lãnh thổ thuộc Đồng Tháp hiện nay mang tên Hạt thanh tra Tân Thành, được thành lập dựa trên phần đất của phủ Tân Thành thuộc tỉnh An Giang cũ. Vì lỵ sở của hạt Tân Thành đặt ở Sa Đéc, nên sau đó hạt đổi tên thành Hạt thanh tra Sa Đéc kể từ 16/8/1867. 

Lúc này trong Hạt thanh tra Sa Đéc có huyện Phong Phú, tương ứng với tỉnh Cần Thơ hiện nay. Đến 4/12/1867, huyện Phong Phú được tách ra khỏi Sa Đéc để thành Hạt thanh tra riêng, lỵ sở đặt ở Cần Thơ nên được gọi là Hạt thanh tra Cần Thơ. (Thời gian sau đó, lãnh thổ Cần Thơ có thêm vài lần tách nhập vào địa phận Sa Đéc). 

Ngày 20/9/1870, Hạt thanh tra Cần Lố (thuộc tỉnh Định Tường cũ) giải thể, một phần nhập vào Hạt thanh tra Sa Đéc. 

Cái tên Sa Đéc xuất phát từ tiếng Khmer là Phsar-Dek, có nghĩa là “chợ sắt”. Tòa tham biện Sa Đéc Nghị định ngày 5/1/1876 của Thống đốc Nam kỳ chia địa bàn Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính, mỗi khu vực có một số tiểu khu hay Hạt tham biện, từ đó Hạt thanh tra Sa Đéc thành Hạt tham biện Sa Đéc, thuộc khu vực hành chính thứ 3. Bản đồ tỉnh Sa Đéc năm 1885 – Rạch Cần Thơ ở Sa Đéc năm 1886 Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên gọi các Hạt tham biện ở Nam kỳ thành Tỉnh (province), từ đó Hạt tham biện Sa Đéc thành Tỉnh Sa Đéc. Dinh tỉnh trưởng tỉnh Sa Đéc – Sa Đéc năm 1912 Năm 1913, chính quyền thuộc địa quyết định giải thể tỉnh Sa Đéc để nhập vào địa bàn tỉnh Vĩnh Long. 

Phần đất của tỉnh Sa Đéc được chia thành 3 quận: Sa Đéc, Cao Lãnh, Lai Vung thuộc tỉnh Vĩnh Long. Nhà thờ Hòa Khánh ở Sa Đéc đầu thập niên 1920, thời điểm thuộc tỉnh Vĩnh Long Năm 1924, Toàn quyền Đông Dương cho tái lập tỉnh Sa Đéc với 3 quận trực thuộc: Châu Thành (đổi tên từ quận Sa Đéc), Cao Lãnh và Lai Vung. Bản đồ Sa Đéc năm 1930 Ngày 17/2/1956, chính quyền VNCH vẫn duy trì tỉnh Sa Đéc, nhưng tách một phần ra để thành lập tỉnh mới tên là Phong Thạnh. Cái tên này xuất phát từ tổng Phong Thạnh năm xưa thuộc Hạt thanh tra Cần Lố tách ra từ tỉnh Định Tường cũ rồi sau đó nhập vô Hạt thanh tra Sa Đéc như đã nói ở trên. Tỉnh Phong Thạnh bao gồm phần đất đai của quận Cao Lãnh của tỉnh Sa Đéc, quận Hồng Ngự của tỉnh Châu Đốc, một phần của quận Chợ Mới thuộc tỉnh Long Xuyên, và một phần nhỏ của quận Cái Bè thuộc tỉnh Mỹ Tho. Tỉnh lỵ của tỉnh mới Phong Thạnh đặt tại Cao Lãnh. Tỉnh Sa Đéc còn lại 3 quận mang tên Châu Thành, Lai Vung và Lấp Vò. 

Chỉ 8 tháng sau khi thành lập, đến ngày 22/10/1956, tỉnh Phong Thạnh đổi tên thành tỉnh Kiến Phong, đồng thời toàn bộ phần còn lại của tỉnh Sa Đéc bị giải thể, sáp nhập vô tỉnh Vĩnh Long. Cái tên tỉnh Kiến Phong xuất phát từ tên huyện Kiến Phong thuộc tỉnh Định Tường cũ. Khánh thành tỉnh lộ 23 ở Sa Đéc năm 1966. 

Tròn 10 năm sau đó, vào ngày 24/9/1966, chính quyền VNCH quyết định tái lập tỉnh Sa Đéc như cũ, tách ra từ tỉnh Vĩnh Long. 

Bản đồ Sa Đéc năm 1974 – Bản đồ tỉnh Sa Đéc năm 1976, ngay trước thời điểm sáp nhập với tỉnh Kiến Phong để thành tỉnh Đồng Tháp Tháng 2 năm 1976, chính quyền mới cho hợp nhất 2 tỉnh Kiến Phong và Sa Đéc thời VNCH thành tỉnh mang tên Đồng Tháp, tỉnh lỵ đặt tại Sa Đéc, với 6 huyện ban đầu là: Cao Lãnh, Châu Thành, Hồng Ngự, Lấp Vò, Tam Nông, Lai Vung. Thời gian sau đó, các huyện này lại được tách ra thành các huyện mới: Tháp Mười, Thanh Bình, Tân Hồng… Ngày 29/4/1994, chính phủ ban hành nghị định di chuyển tỉnh lỵ Đồng Tháp từ thị xã Sa Đéc về thị xã Cao Lãnh. Năm 2007, thị xã Cao Lãnh trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Nam 2008, huyện Hồng Ngự trở thành thị xã Hồng Ngự. 

Nguồn: chuyenxua.net