Monday, January 30, 2023

50 NĂM HIỆP ĐỊNH PARIS: NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐƯỢC NÓI TỚI

Pierre Asselin

(GS Lịch sử tại Đại học San Diego, Mỹ)

* Tôi nghĩ hiệp định là một sự kiện cực kỳ quan trọng trong lịch sử Chiến tranh VN. Hệ quả chính của hiệp định là đưa lực lượng chiến đấu cuối cùng của Mỹ ra khỏi miền Nam VN và sau đó cũng dẫn đến việc chấm dứt các hành động thù địch của Mỹ chống lại Bắc VN. Vì vậy trên thực tế, Hiệp định Paris đặt dấu chấm hết cho cái gọi là cuộc chiến tranh của Mỹ ở VN. Và tôi nghĩ ở cấp độ đó, nó rất, rất quan trọng.

Nhưng đồng thời tôi không nghĩ chúng ta nên phóng đại tầm quan trọng của nó bởi vì đối với chính người VN, hiệp định này không thay đổi gì mấy theo nghĩa là mặc dù người Mỹ đã rời đi, cuộc nội chiến ở VN bắt đầu vào năm 1945 vẫn chưa kết thúc. Đó là một trong những lý do tại sao Hiệp định Paris chưa bao giờ thực sự có cơ hội mang lại một nền hòa bình lâu dài và sau này bị vi phạm và phá vỡ bởi cả miền Bắc lẫn miền Nam chỉ trong vài tuần sau khi được ký kết.

* Hiệp định Paris thực sự là sản phẩm của sự mệt mỏi vì chiến tranh ở cả phía Mỹ và Bắc VN. Và điều quan trọng cần hiểu là đây là một thỏa thuận về cơ bản gạt Việt Nam Cộng Hòa khỏi tiến trình đàm phán. Hiệp định Paris sau này được ký bởi miền Bắc, miền Nam và Mỹ. Nhưng điều chúng ta cần ghi nhớ là, chính xác là trong tiến trình đàm phán bí mật và riêng tư, VNCH đã bị Mỹ và Bắc VN gạt ra ngoài một cách có chủ đích. Vì vậy, về căn bản đây là một thỏa thuận giữa Washington và Hà Nội. Và điều thực sự đưa tới thỏa thuận này là sự mệt mỏi vì chiến tranh ở phía Mỹ và giới lãnh đạo Bắc VN sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân.

Vào đầu cuộc chiến, cả hai bên đều tự tin vào khả năng của mình chiến thắng kẻ thù. Nhưng rồi đến năm 1968-1969, cả Hà Nội và Washington đều nhận ra rằng kiểu thắng lợi mà họ hi vọng đạt được là rất khó xảy ra. Về phía Mỹ, Nixon cho rằng một thắng lợi như vậy là hoàn toàn không thực tế. Về phía Hà Nội, họ nhận ra sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân rằng việc giành được cái gọi là thắng lợi toàn diện có lẽ là bất khả dĩ. Và tôi nghĩ rằng những nhận thức này là yếu tố chính mà cuối cùng thúc đẩy Hà Nội và Washington bắt đầu nỗ lực hướng tới một sự dàn xếp thông qua thương thuyết.

Nhưng đối với tôi, đây không phải là một thỏa thuận cho thấy chiến thắng của bên này hay bên kia. Thỏa thuận này là sản phẩm của hoàn cảnh và cụ thể đó là sản phẩm của sự mệt mỏi vì chiến tranh của cả Washington và Hà Nội. Tôi nghĩ cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân là một bước ngoặt lớn. Nhưng một bước ngoặt thực sự quan trọng khác là cuộc tiến công mùa xuân năm 1972 (thường được biết tới với tên gọi ‘Mùa hè đỏ lửa’). Điều lạ là chúng ta luôn coi cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân là sự kiện lớn nhưng theo nhiều cách, cuộc tiến công mùa xuân 1972 là một chiến dịch thậm chí còn lớn hơn. Và giống như Tết Mậu Thân, về mặt quân sự, đó là một thảm họa đối với Hà Nội.

Hà Nội thua to trong cuộc tiến công mùa xuân, nhưng Mỹ và VNCH cũng chịu nhiều tổn thất. Đối với phía Mỹ, nó rất tổn hại về mặt chính trị vì nó dẫn đến việc tái tục ném bom miền Bắc VN vốn luôn bị phản đối. Và việc tái tục ném bom làm cho phong trào phản chiến càng bùng lên thêm. Vì thế, dù Hà Nội liểng xiểng vì thất bại quân sự nặng nề này vào năm 1972, Mỹ và chính quyền Nixon nói riêng lại điêu đứng với hậu quả chính trị của việc leo thang chiến tranh vào năm 1972 vào thời điểm mà Mỹ lẽ ra phải đang kết thúc chiến tranh. Đến tháng 1-1973, hai bên Hà Nội và Washington về cơ bản vì những lý do khác nhau đều nóng lòng kết thúc chiến tranh và đạt được thỏa thuận cuối cùng thông qua thương lượng.

* Có hai đợt đàm phán hòa bình diễn ra sau năm 1968. Đợt đầu tiên là cuộc đàm phán bán công khai. Ban đầu là giữa Mỹ và Bắc VN và sau đó là giữa Mỹ, Bắc VN, VNCH và Mặt trận DTGP miền Nam VN, tức Việt Cộng. Nhưng bởi vì những cuộc đàm phán đó công khai nên chúng chủ yếu nhằm mục đích tuyên truyền và không bao giờ thực sự đạt được bất cứ điều gì. Và đây là điều mà cả Hà Nội và Washington đều hiểu.

Vì vậy vào năm 1969, khi [Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Henry] Kissinger tiếp cận Hà Nội về việc mở một kênh bí mật để đôi bên dễ dàng trình bày thẳng thắn quan điểm của mình về triển vọng kết thúc chiến tranh thì lúc đó Hà Nội mới cởi mở hơn. Thực sự nhờ kênh liên lạc bí mật này, chỉ trở thành riêng tư vào năm 72, mà tất cả những phần cho phép thỏa thuận được hoàn tất mới được sắp xếp ổn thỏa. Kênh đàm phán bí mật và riêng tư góp phần chung quyết Hiệp định Paris. Vì không có ai khác ngoài Kissinger và [cố vấn cao cấp Đoàn đại biểu Bắc Việt Nam] Lê Đức Thọ nên không có lý do gì để tuyên truyền. Không có lý do gì để thị uy. Vì thế, các cuộc đàm phán đó mang tính xây dựng hơn nhiều so với các cuộc đàm phán bán công khai mà chủ yếu là để tuyên truyền.

Về câu hỏi tại sao họ gạt VNCH ra? Tôi nghĩ người Mỹ từ lâu hiểu rằng Sài Gòn sẽ không bao giờ chấp nhận một giải pháp ngoại giao trừ phi nó giải quyết được tương lai chính trị của miền Nam VN. Và Mỹ nhận ra rằng nếu họ đưa VNCH vào các cuộc đàm phán bí mật thì việc này có nhiều phần chắc sẽ làm chệch hướng các cuộc đàm phán đó hoặc làm cho nó kéo dài lê thê. Vì vậy Mỹ quyết định gạt Sài Gòn ra khỏi tiến trình này bởi vì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho Mỹ đưa ra những nhượng bộ thay mặt VNCH hơn là để chính VNCH đưa ra nhượng bộ.

Và tôi nghĩ việc này cho thấy rất nhiều điều về chính quyền Sài Gòn là một chính quyền như thế nào. Đối với tôi, việc loại bỏ Sài Gòn là bằng chứng rõ ràng nhất mà chúng ta có cho thấy rằng chế độ của TT [Nguyễn Văn] Thiệu không phải là một chế độ bù nhìn. Đó là một chế độ rất độc lập. Đó là một chế độ có tính chính danh. Nền cộng hòa ở miền Nam, mà Hà Nội vẫn luôn mô tả là một chế độ bù nhìn và nhiều người Mỹ cũng cho là vậy, luôn là một thực thể chính trị có tính chính danh. Và người Mỹ nhận ra rằng nếu họ cho phép Sài Gòn tham gia đàm phán hòa bình thì Sài Gòn sẽ khẳng định quyền tự chủ của mình. Họ sẽ khẳng định chủ quyền của mình và thậm chí từ chối đàm phán với miền Bắc.

Vì vậy, để đơn giản hóa, và phần lớn vì những lý do vị kỷ, Mỹ đã chọn loại Sài Gòn ra khỏi tiến trình này và sau đó chỉ chia sẻ với Sài Gòn nội dung của các cuộc đàm phán bí mật sau khi một thỏa thuận đã được chung quyết. Ông Thiệu vì những lý do rất chính đáng đã bác bỏ hoàn toàn thỏa thuận này.

* Về việc Mỹ đã phản bội đồng minh, tôi nghĩ chúng ta phải cẩn thận ở đây. Tôi nghĩ khi nhìn lại, Chiến tranh VN rất bi thảm và tàn khốc. Nhưng tất cả các cuộc chiến đều bi thảm và tàn khốc. Vì vậy, tôi nghĩ Mỹ với tư cách là một cường quốc nước ngoài đã cố gắng đứng về phía đồng minh của mình lâu nhất có thể. Nhưng rồi sau một thời gian, một điều có thể đoán trước được và không thể nào tránh khỏi là Mỹ sẽ phải rút khỏi VN. Bởi vì chính trị đối nội sẽ luôn lấn át chính sách đối ngoại.

Nếu bạn là TT Mỹ, lo cho phần còn lại của thế giới là một chuyện, nhưng về cơ bản người dân của bạn mới chính là những người bạn phải chiều lòng. Nếu không thì uy tín của cá nhân bạn, của đảng chính trị của bạn sẽ tan tành. Vì vậy, tôi nghĩ khi bạn nhìn vào những gì Nixon đã làm chẳng hạn, và Lyndon Johnson trước đó nữa, dù bạn có cảm thấy thế nào về cuộc chiến thì thực tế là hai người họ đã đầu tư đáng kể vào việc cố gắng bảo vệ VNCH và rồi cho VNCH một cơ hội công bằng. Và tất nhiên điều đó không thể tiếp tục mãi mãi. Và vì vậy về phía Mỹ, việc Nixon đi sau lưng Sài Gòn và thương lượng thỏa thuận này mà không tham vấn VNCH, có thể nói đó là một sự phản bội ở một mức độ nào đó.

Điều rất thú vị là ở chỗ này. Mặc dù Mỹ bí mật tổ chức các cuộc đàm phán này với Bắc VN, Sài Gòn biết chuyện gì đang diễn ra. Sài Gòn, thông qua nhiều đầu mối liên lạc và những bằng hữu khác, có biết việc Mỹ đang đàm phán sau lưng mình. Ông Thiệu rõ ràng bất mãn về chuyện đó nhưng tôi nghĩ ông ấy đủ thông minh để hiểu rằng điều này là không thể tránh khỏi, vì Mỹ đã ở VN khá lâu, vì thái độ của người dân Mỹ, vì vụ thảm sát Mỹ Lai, vì vụ Hồ sơ Lầu Năm Góc, và vì việc Mỹ bí mật ném bom Campuchia.

Tôi nghĩ ông Thiệu hiểu hết tất cả những điều này. Nixon làm những gì ông ấy phải làm cho chính mình và cho đất nước của mình, giống như ông Thiệu làm những gì ông ấy phải làm cho chính mình và cho VNCH. Gọi đó là sự phản bội thì dễ đấy, nhưng đồng thời tôi nghĩ mọi người đều nhận ra rằng trong chiến tranh, hay trong những hoàn cảnh khác, các chính phủ sẽ hành động dựa trên lợi ích vị kỷ của chính họ.

* Tôi không biết hiệp định có định đoạt số phận VNCH hay không. Vào thời điểm hiệp định được ký kết, chỉ có 20.000 bộ binh Mỹ còn ở miền Nam VN. Vì thế việc này không tạo nên sự khác biệt lớn. Theo tôi, điều thực sự tạo ra sự khác biệt lớn là với việc ký kết hiệp định, VNCH không còn được hưởng lợi từ sức mạnh trên không của Mỹ nữa. Và điều này luôn là một lợi thế thực sự to lớn cho VNCH. Hà Nội rất lo ngại về lợi thế này.

Trong cuộc tiến công mùa xuân năm 1972, có hai điều khiến cho nó thất bại. Một mặt, không nghi ngờ gì là quân đội VNCH đã chiến đấu rất tốt. Lúc đầu có gặp khó khăn nhưng sau đó quân đội VNCH đã chiến đấu rất, rất tốt. Nhưng mặt khác là Mỹ ném bom miền Bắc VN, Lào và sau đó là miền Nam VN rất ác liệt. Tôi nghĩ rằng nếu bạn là một người lính VNCH, bất cứ khi nào bạn ra trận, biết rằng bạn được yểm trợ bởi máy bay B-52 và máy bay F-5, tôi nghĩ điều đó làm cho họ rất yên tâm. Nhưng khi bạn không còn máy bay ném bom nữa, bạn cảm thấy dễ bị tổn thương hơn rất nhiều. Tôi nghĩ một di sản lớn của hiệp định là nó loại bỏ sức mạnh trên không của Mỹ ra khỏi cuộc chiến. Nó làm cho VNCH dễ bị tổn thương hơn nhiều.

Và rồi đối với Bắc VN, nếu bạn không phải lo lắng về chuyện ném bom nữa thì bạn thực sự không phải lo lắng về bất cứ điều gì khác nữa, bởi vì sẽ luôn có cách. Bất cứ khi nào Bắc VN làm điều gì đó gây hại là Mỹ đã đáp trả bằng cách ném bom, cho dù đó là các tuyến tiếp tế ở Lào hay các vị trí đóng quân ở miền Nam hay các thành phố ở miền Bắc. Hiệp định đã chấm dứt điều đó. Tôi nghĩ nó làm cho VNCH dễ bị tổn thương hơn và làm cho Bắc VN bạo dạn hơn. Và trong những tuần và tháng sau Hiệp định Paris, Bắc VN thử nhiều cách khác nhau để xem liệu người Mỹ có phản ứng hay không và khi họ thấy rõ là Mỹ sẽ không phản ứng, cụ thể là tiếp tục ném bom, thì họ dốc toàn lực chiếm Sài Gòn.

* Tôi đã viết một cuốn sách này về thỏa thuận mà tôi đặt tựa đề là “Hòa bình Cay đắng”. Tôi nêu luận điểm rằng về cơ bản hiệp định là một thỏa thuận vì sự thuận tiện. Sài Gòn ký, Washington ký và Hà Nội ký vì nó cho phép họ đạt được một số mục tiêu tức thời. Nhưng không bên nào ưa thỏa thuận này cả. Và tất nhiên, tất cả họ đều vi phạm. Một khi Nixon nhận lại được tù binh, ông ấy không quan tâm chuyện gì xảy ra với thỏa thuận nữa. Nixon lẽ ra phải đóng các căn cứ của Mỹ nhưng ông ấy lại giao lại cho VNCH. Trên nguyên tắc đó là vi phạm thỏa thuận. TT Thiệu ngay lập tức nói là, tôi ký thỏa thuận này nhưng tôi sẽ không bao giờ tuân thủ. Và quân đội của ông ấy về cơ bản tiếp tục tấn công các vị trí của cộng sản sau hiệp định.

Hà Nội tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận, nhưng chỉ cho đến khi người Mỹ rời đi. Và rồi họ lại bắt đầu vi phạm bằng cách tuồn các loại vũ khí mới vào miền Nam. Ai vi phạm nhiều nhất? Theo tôi, tất cả họ đều góp phần vi phạm thỏa thuận. Không thể quy trách bên nào vi phạm nhiều hơn bên nào. Và tôi chưa thấy bất cứ bằng chứng nào đưa đến kết luận một cách chắc chắn đó là CS hoặc là Sài Gòn hay là Mỹ. Đối với tôi, tất cả họ đều chịu trách nhiệm. Ông Thiệu không bao giờ muốn thỏa thuận này, ông ấy đã nói rõ ngay từ đầu. Hà Nội dù gì đi nữa cũng quyết thống nhất VN dưới nền cai trị CS.

Vì vậy, rõ ràng là họ sẽ không bao giờ chấp nhận hiện trạng. Nếu không vi phạm năm 73 thì sẽ vi phạm năm 74 và 75. Không có cách nào mà một tình huống kiểu bán đảo Triều Tiên sẽ tồn tại được ở VN trừ phi người Mỹ duy trì sự hiện diện của quân đội như họ đã làm ở Hàn Quốc.

* Hiệp định Genève là một thất bại lớn và điều đó đã không mang lại lợi ích gì cho những người CS. Vì thế đó là lý do tại sao họ không bao giờ muốn có một thỏa thuận ngay từ đầu trong cuộc chiến chống Mỹ. Khi họ ký thỏa thuận vào năm 73, đó chỉ là vì họ đang khốn đốn. Nhưng chẳng có gì trong những tài liệu lưu trữ cho thấy họ thực sự có ý định tuân thủ. Họ sẽ phá vỡ thỏa thuận bởi vì mục tiêu của họ vẫn không thay đổi. Họ sẽ thống nhất VN dưới nền cai trị của họ. Vì vậy, tôi cho rằng đó là yếu tố chính ở đây.

Và vì thế, việc khước từ Giải Nobel hòa bình theo tôi là một phần trong chiến lược ngoại giao lớn hơn nhằm làm cho những người CS trông như những người theo chủ nghĩa dân tộc, khiến họ trông như những người có chính nghĩa, trong khi thực tế họ chỉ là một đảng được dẫn dắt bởi ý thức hệ.

(Hoàng Long, VOA)

Thursday, January 19, 2023

LỜI CẦU XIN ĐÃ CÓ NGƯỜI NGHE! Nam Lộc

https://welcomecorps.org/

Cách đây khoảng một tháng, tôi đã phổ biến một bài viết trên nhiều cơ quan truyền thông trong cộng đồng người Việt, dưới tựa đề “Hy Vọng Đã Vươn Lên” (https://vietbao.com/a314471/hy-vong). Nội dung chính của bài viết là hy vọng chính phủ Hoa Kỳ sẽ mở rộng dự án “Bảo Trợ Tư Nhân” (Private Sponsorship) cho tất cả người tị nạn thuộc mọi chủng tộc khác nhau trên thế giới sau khi họ thành công với chương trình thử nghiệm (pilot program) dành cho người tị nạn thuộc hai quốc gia Afghanistan và Ukraine, mà trong đó, cộng đồng người Việt đã tham dự và bảo trợ giúp đỡ họ một cách rất tích cực, gây tiếng vang tốt đẹp đối với người bản xứ. Thật ra các tin tức trên đã được các viên chức thuộc Bộ Ngoai Giao Hoa Kỳ (U.S. State Department), cùng Nha Định Cư (Office of Refugee Resettlement) chia sẻ riêng với chúng tôi từ nhiều tháng trước qua các cuộc vận động để tranh đấu cho đồng bào tị nạn VN hiện đang lánh nạn tại Thái Lan.

Niềm hy vọng đó nay đã trở thành sự thật. Vào ngày Thứ Năm, 19 tháng Giêng, 2023, qua chương trình thử nghiệm mở rộng có tên là Welcome Corps, Bộ Ngoại Giao Mỹ đã chính thức loan báo và dự định sẽ cho phép khoảng 5000 người tị nạn thuộc nhiều chủng tộc được tư nhân bảo lãnh đến Hoa Kỳ trong niên khóa 2023. Cũng tương tự như Canada, chương trình “Bảo Trợ Tư Nhân” của Mỹ cũng đòi hỏi phải có 5 cá nhân ký tên bảo trợ cho một gia đình, bất kể số thành viên, miễn là các nhà bảo trợ phải chứng minh hội đủ số tiền là $2275.00 dollars cho mỗi đầu người tị nạn, cũng như nhận trách nhiệm giúp đỡ họ trong vòng 90 ngày. Đồng thời phải thông qua các cuộc điều tra lý lịch (background checks), cùng tham dự các buổi hướng dẫn về định cư.

Theo BNG/HK thì trong giai đoạn đầu của năm 2023, họ chỉ dành cho những người tị nạn đã được chính phủ HK chấp thuận hồ sơ định cư. Vào giai đoạn 2, cũng trong năm nay, thì các nhà bảo trợ có thể nhận diện những người tị nạn mà mình muốn bảo lãnh, giới thiệu họ qua bộ phận U.S. Refugee Assistance Program để được phỏng vấn, và nếu được chấp thuận thì người bảo trợ sẽ giúp họ định cư tại Hoa Kỳ.    

Qua bài viết “Hy Vọng Đã Vươn Lên”, ở phần cuối, tôi đã lên tiếng kêu gọi các cơ quan, hội đoàn, các tổ chức tôn giáo và những cá nhân có lòng trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại hãy đưa tay đón nhận, bằng cách bảo trợ đồng hương thiếu may mắn của chúng ta, những người tị nạn muộn màng, đang mòn mỏi đợi chờ được đến bến bờ tự do. Thì thưa quý vị, lời cầu xin đó dường như đã có người nghe. Trong danh sách các tổ chức tình nguyện tham dự và bảo trợ người tị nạn, chúng tôi nhận thấy đã có ít nhất là 5 hội đoàn người Việt, đó là nhóm  Viets for Afghans, VOICE, BPSOS, Bach Viet Association of Sacramento, và VANGO (Vietnamese American NonGovernmental Organization Network), Tôi vô cùng hãnh diện và tràn trề hy vọng, mong rằng các tổ chức người Việt nói trên sẽ thực sự tiếp tay chính phủ Hoa Kỳ để bảo lãnh người tị nạn không phân biệt chủng tộc, và sau đó sẽ là đồng bào ruột thịt của chúng ta. 

Muốn biết thêm chi tiết, mời quý vị vào thăm trang nhà của  
https://welcomecorps.org/

Wednesday, January 18, 2023

Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Cổ Thành Quảng Trị ‘trình làng’ mô hình tượng đài tại Little Saigon

 

GARDEN GROVE, California (NV) – Mô hình Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị vừa được giới thiệu trong cuộc họp báo do Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài tổ chức vào trưa Chủ Nhật, 9 Tháng Giêng, tại Thư Viện Việt Nam, Garden Grove.

Thành viên Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài gồm có các ông Nguyễn Minh Chánh (Biệt Động Quân), Tần Nam (Bộ Binh, chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California), Lê Văn Sáu (Không Quân), Hoàng Tấn Kỳ (Nhảy Dù), và ông Bob Harrison, cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.

Các vị dân cử có Nghị Viên Kimberly Hồ, thành phố Westminster; Nghị Viên Phát Bùi, thành phố Garden Grove, kiêm chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California; ông Nguyễn Văn Ức, cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH); ông Lê Quang Dật, phụ tá Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai; Kỹ Sư Tạ Trung, chủ tịch Hội Đồng Giám Sát Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California; ông Vũ Trung, Hội Thủ Đức Nam California; ông Bùi Đẹp, trung tâm trưởng Trung Tâm Điều Hợp Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại; bà Terry Rains, công dân thành phố Westminster; và nhiều người có quan tâm đến việc xây dựng Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị tại thành phố Westminster.

Ông Lê Văn Sáu, chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài, cho biết ủy ban gồm có 11 thành viên, và hai người dự khuyết, làm việc cật lực liên tục từ Tháng Chín năm rồi cho đến nay mới có được mô hình tượng đài, sau khi đã tham vấn các niên trưởng và đồng đội đã tham dự trong việc tái chiếm cổ thành Quảng Trị, cả những hình ảnh và chi tiết được thể hiện trong mô hình được trình bày.

Các thành viên Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị (từ trái): Ông Nguyễn Minh Chánh, ông Tần Nam, ông Lê Văn Sáu, ông Hoàng Tấn Kỳ, và ông Bob Harrison. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài đã được Hội Đồng Thành Phố Westminster chấp thuận cho xây dựng, đó là tin mừng và niềm vui cho tất cả đồng hương rất mong muốn có được một tượng đài uy nghi và đầy đủ về nội dung. Đây là một tượng đài có tính cách lịch sử nên chúng tôi cố gắng làm thật chính xác, về hình thức cũng như nội dung,” ông Sáu nói.

Tiếp đến ông Hoàng Tấn Kỳ, phó chủ tịch ủy ban, trình bày chi tiết và kích thước về mô hình tượng đài và bản thiết kế.

Mô hình tượng đài

Tượng của năm chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến cao từ 6 đến 7 ft cắm cờ trên đống gạch đá đổ nát của cổ thành phải là 3D ba chiều được đặt trên bệ cao 6 ft, dài theo chiều ngang từ trái sang phải 20-25 ft, bề sâu vào 11 ft theo hình dạng chân cổ thành Đinh Công Tráng, mặt trước có hai lô cốt nhô ra khỏi mặt tường cổ thành được áp đá hoa cương màu đen trên có khắc chi tiết đúng theo lịch sử trung thực của chiến dịch.

Sơ đồ khái niệm Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị được giới thiệu trong buổi họp báo. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Mặt trước bệ tượng đài, hàng trên cùng “Tổ Quốc Ghi Ơn,” hàng thứ nhì là “Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị – 1972 (và tên tiếng Anh ghi phía dưới là Retaking of Quang Tri Citadel 1972 Monument)” còn có gắn tất cả huy hiệu (logo) của tất cả các Quân Binh Chủng Quân Lực VNCH và Hoa Kỳ trực tiếp tham dự và yểm trợ tái chiếm cổ thành và toàn lãnh thổ tỉnh Quảng Trị (từ Lữ Đoàn trở lên).

Tiếp sát hai bên cách tường bệ tượng đài khoảng 2 ft và ngang với mặt tường sau của bệ đài là 2 trụ cờ cao, bên trái là cờ Hoa Kỳ và bên phải là cờ VNCH sẽ mãi tung bay.

Hai mặt tường hai bên (tiếng Anh mặt bên trái và tiếng Việt mặt bên phải) sẽ ghi lại sự kiện lịch sử trận đánh, các đơn vị trực tiếp, gián tiếp tham chiến và yểm trợ, kể cả con số hy sinh thương vong cả hai phía.

Cây cờ do các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến sẽ thấp hơn hai lá quốc kỳ Mỹ (bên trái) và VNCH (bên phải) phất phới bay hằng ngày trên hai trụ cao, đuôi cờ cắm sẽ ngang bằng với mũi súng M16 cao nhất, cờ cắm bằng tấm kim loại mỏng cùng màu theo mô hình tượng đài có ba cái khuy tròn bắt vào thân cây trụ cờ cắm để có thể quay di động theo chiều gió.

Rợp bóng cờ vàng khi người tham dự hân hoan đồng ca bài “Cờ Bay Trên Thành Phố Quảng Trị” trong buổi họp báo. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bức tường cổ thành Đinh Công Tráng

Được thu nhỏ nhưng giống như thật để tạo lại hình ảnh đáng nhớ trong ký ức của người Dân Cán Chính tỉnh Quảng Trị và chiến sĩ thuộc các Quân Binh Chủng Quân Lực VNCH đã từng chiến đấu và làm việc tại Quảng Trị, bức tường sẽ được xây phía sau cách tượng đài khoảng 5-6 ft với kích thước như sau:

-Chiều dài từ 28-33 ft, bề ngang 5 ft, tường thành cao 10-12 ft có cửa cổng thành vòm cong cao 8 ft, rộng 6 ft để có thể đi qua lại dễ dàng như thật, bên trên cửa cổng thành là tháp cổ thành cao 10 ft x ngang 10 ft x sâu 5 ft.

-Phía mặt tiền cổ thành có bảng ghi ĐINH CÔNG TRÁNG như trước năm 1975 thời VNCH (1954-1972), hai bên trụ cổng cổ thành có hai câu đối, mỗi bên năm chữ bên trên hình tròn nền màu trắng.

-Tiếp sát hai bên tháp cổ thành và bên trên tượng cổ thành sẽ có sẵn 16 lỗ để cắm cờ hiệu các Quân Binh Chủng VNCH và Hoa Kỳ khi có sự kiện ngày lễ tưởng niệm. [qd]


Trước đó, tại phiên họp Hội Đồng Thành Phố Westminster vào chiều Thứ Tư, 5 Tháng Giêng, Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài của thành phố công bố hình mẫu của Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị.

Ông Jake Ngô, giám đốc Sở Công Chánh, cho biết địa điểm đặt tượng đài sẽ được Ủy Ban Giải Trí và Dịch Vụ Cộng Đồng chọn sau khi Hội Đồng Thành Phố chấp thuận thiết kế.

Hội Đồng Thành Phố bỏ phiếu chấp thuận hình mẫu với kết quả 3-0-2, trong đó Phó Thị Trưởng Carlos Manzo, Nghị Viên Kimberly Hồ, và Nghị Viên Tài Đỗ bỏ phiếu thuận, còn Thị Trưởng Trí Tạ và Nghị Viên Charlie Nguyễn Mạnh Chí bỏ phiếu trắng.

Mô hình về hình thức thì có hơn phía bên nhóm Trần Thái Văn.
Nhưng về nội dung có những phần sai nghiêm trọng sau đây :
1/ Có những đơn vị không có mặt trong cuộc hành quân Lam Sơn 72. Do tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy .
2/ Các đơn vị Hoa Kỳ không tham chiến, chỉ ở ngoài khơi yểm trợ hải pháo và phi pháo .
3/ Sư đoàn 3 BB là một SĐ chạy làng, lúc mở chiến dịch tái chiếm sư đoàn này mới được tái thiết và ở trong Đà Nẵng .
4/ Dùng cụm từ "Chiến Thắng"mới đúng với mô hình, mới gọi là tri ân và vinh danh.
5/ Cụm từ " tái chiếm " có nghĩa là chưa thắng dứt khoát, còn mập mờ .
6/ TQLC VN không được tham dự cuộc họp báo này là hoàn sai .
Qua những điểm trên cho thấy UBXDTĐ này không nắm rõ cuộc hành quân tái chiếm Thị Xã Quảng Trị. Tôi xin diễn giải tóm tắc như sau :
Sau khi Quảng trị lọt vào tay cộng sản BV . TT Nguyễn Văn Thiệu , cam kết lấy lại Thị Xã này.
Thay Tr /Tướng Ngô Quang Trưởng đảm trách TL/QĐ1 .
Ngày 28/6/1972 chiến dịch Lam Sơn 72 HQ tái chiếm QT mà nổ lực chính là 2 SĐ tổng trừ bị Nhảy Dù và TQLC.
Đợt 1; SĐ Nhảy Dù chịu trách nhiệm chính nhưng vì tổn thất quá nặng nên Tướng Trưởng ra lệnh SĐ TQLC thay thế .
Đợt 2 : SĐ/TQLC chịu trách từ ngày 26/7/1972 .
Để tạo nên một chiến thắng vẻ vang lừng lẫy cho QLVNCH này riêng sư đoàn TQLC đã hy sinh gần 4000 quân nhân, chưa kể bị thương .
Thế thì xin hỏi UBXDTĐ đài rằng tại sao công việc hệ trọng như vậy lại không có 1 đại diện của SĐ TQLC ? Và xin hỏi các Ông có biết sư đoàn TQLC Mỹ lúc đó ở đâu không ?
Kết luận : Các ông đưa những LOGO của Mỹ vào đó là bôi bác QLVNCH và tạo điều kiện cho cộng sản đánh phá , là làm cho chúng ta mất chính nghĩa !
.Qua các hành động trên các ông đã coi thường TQLC VN là cố tình làm lu mờ hình ảnh oai hùng của TQLC.
.Tượng Đài này không có ý nghĩa gì cả là xỉ nhục những Tử Sĩ ,những TPB , những gia đình Cô Nhi Tử Sĩ ở VN , là chà đạp lên danh dự những cựu chiến binh TQLC còn hiện hữu . " Đó là những người đã từng vào sanh ra tử cho cuộc chiến "!
Đề nghị :
1/ là Quý vị bỏ tất cả những LOGO của lính Mỹ ra ngoài .
2/ thêm vào Huy hiệu Bộ Tổng Tham Mưu vì đó là cơ quan chỉ huy đầu não của QLVNCH.
3/ phải xin lỗi các hội đoàn TQLC VN.
4/ huỷ bỏ dự án này cho yên chuyện. Vì chúng ta thắng có một trận chiến nhưng thua cả một cuộc chiến ..
Rất mong đón nhận được những ý kiến phản hồi của quý vị .!
Trân trọng !


"4/ huỷ bỏ dự án này cho yên chuyện. Vì chúng ta thắng có một trận chiến nhưng thua cả một cuộc chiến .."
Ðồng ý. Năm 1972, VNCH đại thắng tại 3 mặt trận An Lộc, Kontum, và Quảng Trị nên nếu làm tuợng đài ghi ơn thì không thể bỏ quên sự hy sinh của các đơn vị tại An Lộc và Kontum.



    Wednesday, January 11, 2023

    Tân Chủ Tịch Hạ Viện Kevin McCarthy và hướng đi mới của Hạ Viện

    Đêm Thứ Sáu rạng sáng Thứ Bảy ngày 7/1/2023, Dân Biểu Cộng Hòa Kevin McCarthy đã được bầu làm Chủ Tịch Hạ Viện sau 15 vòng bỏ phiếu. Đây là cuộc bầu cử Chủ Tịch Hạ Viện căng thẳng nhất, gây tranh cãi nhất kể từ năm 1859.  Dân Biểu Kevin McCarthy đã gặp sự chống đối của 21 dân biểu Cộng Hòa, sau nhiều lần thương lượng, McCarthy đã thuyết phục được 15 người, cựu TT Trump thuyết phục được 6 người chống đối mạnh mẽ nhất trong nhóm “Never McCarthy” và họ đồng ý bỏ phiếu “có mặt” thay vì ủng hộ hay chống đối.  Vòng bỏ phiếu cuối cùng, Dân Biểu McCarthy đã đạt được 216 phiếu, trở thành Chủ Tịch Hạ Viện thứ 55, Quốc Hội khóa 118, và Dân Biểu Hakeem Jeffries đạt được 212 phiếu, toàn bộ số phiếu của đảng Dân Chủ và ông ta đã trở thành Lãnh Đạo Khối Thiểu Số Hạ Viện. 

    Tân Chủ Tịch Hạ Viện McCarthy và các Dân Biểu Cộng Hòa cam kết sẽ mở nhiều cuộc điều tra và Hạ Viện sẽ có hướng đi mới để xây dựng lại đất nước sau hai năm dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Dân Chủ và Quốc Hội Dân Chủ.  Từ nay đảng Dân Chủ không còn chiếm độc quyền cai trị đất nước nữa, chương trình nghị sự của Biden sẽ bị khối Dân Biểu Cộng Hòa duyệt xét lại.   


    Những vấn đề Tân Chủ Tịch Hạ Viện và đảng Cộng Hòa cam kết sẽ thực hiện

    Cuộc bầu cử Chủ Tịch Hạ Viện trong tuần qua đã bị nhiều người cho rằng đảng Cộng Hòa đã có sự chia rẽ sâu sắc.  Thật ra thảo luận, tranh cãi, thương lượng là sắc thái cơ bản của sinh hoạt dân chủ.  Chọn lựa người lãnh đạo không thể dễ dàng, nhất là lãnh đạo ngành lập pháp.  Chủ Tịch Hạ Viện là một vị trí vô cùng quan trọng, có trách nhiệm hoạch định chính sách, kiểm soát ngân sách quốc gia, thêm vào đó, Chủ Tịch Hạ Viện còn là nhân vật thứ ba sau Tổng Thống và Phó Tổng Thống.  

    Ngay sau khi được bầu làm Chủ Tịch Hạ Viện, Dân Biểu McCarthy đã có một bài diễn văn dài 20 phút, ông ta cam kết sẽ buộc chính quyền Biden phải chịu trách nhiệm về những việc làm của họ, thêm vào đó là cam kết thực hiện nhiều vấn đề khác, nhất là phục hồi kinh tế và kềm chế Trung Cộng.  Vài điểm chính trong bài diễn văn của Tân Chủ Tịch Hạ Viện:  “Với tư cách là Chủ Tịch Hạ Viện, chúng tôi có trách nhiệm với đất nước.  Chúng tôi sẽ bảo vệ biên giới phía nam, sẽ kiểm soát chi tiêu của hành pháp, chúng tôi sẽ mở lại ngành sản xuất năng lượng, tạo công ăn việc làm, đem lại một nền kinh tế vững mạnh.  Tội phạm sẽ bị truy tố và an ninh của người dân sẽ được bảo đảm.”  

    Trong lá thư đầu năm gởi cho các dân biểu Cộng Hòa, Dân Biểu Steve Scalise Lãnh Đạo Khối Đa Số đã đưa ra 8 dự luật và 3 nghị quyết mà ông đã lên kế hoạch để thực hiện nhằm mục đích đưa đất nước trở lại đúng hướng.  Dân Biểu Scalise nói “Trong 2 năm qua, người dân đã quá thất vọng trước tình trạng khủng hoảng biên giới, lạm phát và tội ác gia tăng.  Chúng ta cam kết rằng Quốc Hội sắp tới sẽ khắc phục những vấn đề này để cải thiện đời sống của người dân.”  Dân Biểu Scalise đề cập tới những việc làm ưu tiên sẽ là: "Hủy bỏ việc IRS thuê mướn thêm 87,000 nhân viên để theo dõi người dân, hạn chế việc xử dụng dầu chiến lược quốc gia, cứng rắn với Trung Cộng, và lên kế hoạch cho dự luật bảo vệ dầu dự trữ chiến lược, đồng thời cấm bán dầu dự trữ này cho Trung Cộng."  

    Nhóm dân biểu chống đối Dân Biểu Kevin McCarthy đã đưa ra nhiều yêu cầu, trong đó có yêu cầu: “Một dự luật mới phải được thông báo trước 72 giờ trước khi dự luật đó được đem ra bỏ phiếu.”  Nếu dự luật này được thông qua thì Quốc Hội sẽ tránh được việc bỏ phiếu cho những dự luật quan trọng vào giờ chót như đã xảy ra trong những ngày cuối năm 2022 vừa qua.  Nhiều nhà lập pháp Cộng Hòa đã chỉ trích: “Dự luật chi tiêu lên tới 1,7 ngàn tỷ dollars, dài hơn 4,000 trang đã được thông qua vào giờ chót mà hầu như không có tranh luận.”    

    Một tiểu ban điều tra nguồn gốc của COVID 19 sẽ được thành lập, đặc biệt sẽ điều tra viện Nghiên Cứu Bệnh Dị Ứng và Truyền Nhiễm đã tài trợ cho các tổ chức khoa học ở nhiều quốc gia khác, trong đó có Trung Cộng.  Nhà phân tách chính trị David Bossie nhắc nhở các nhà lập pháp Cộng Hòa rằng “Nợ quốc gia đang ở mức báo động là 31 ngàn tỷ dollars và vẫn còn tiếp tục gia tăng, Quốc Hội phải quay trở lại vấn đề thông qua ngân sách và phân phối ngân sách một cách minh bạch.  Tiền đóng thuế của người dân cần được tôn trọng chứ không được phung phí vô tội vạ như bộ ba đầy kiêu căng, ngạo mạn của đảng Dân Chủ: Biden, Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và Lãnh Đạo Đa Số Thượng Viện Chuck Schumer.” 

    Đảng Cộng Hòa cam kết tiến hành nhiều cuộc điều tra, bao gồm vụ Hunter Biden, việc Hoa Kỳ rút quân thảm bại ra khỏi Afghanistan, điều tra sự lạm dụng quyền lực của Bộ Tư Pháp, FBI, . . . và nhất là việc làm thiếu tinh thần trách nhiệm của Bộ Trưởng Nội An Alejandro Mayorkas đã đưa đến tình trạng khủng hoảng biên giới.  Dân Biểu Jim Banks (Cộng Hòa-Indiana) nói “Giám sát là trách nhiệm của Quốc Hội nhưng trong mấy năm qua Quốc Hội đã không có một sự giám sát nào về chương trình nghị sự của Biden.”  

    Chiều Thứ Hai ngày 9/1/2023, nhiều quy tắc mới cho Hạ Viện đã được thông qua với tỷ lệ 220 phiếu thuận và 213 phiếu chống, Dân Biểu Tony Gonzales (Cộng Hòa-Texas) đã bỏ phiếu chống theo đảng Dân Chủ.  Trong số những quy tắc được thông qua bao gồm việc chấm dứt bỏ phiếu ủy quyền do Nancy Pelosi chấp thuận trước đây, theo quy tắc mới, các dân biểu phải có mặt tại Hạ Viện để bỏ phiếu trực tiếp.  Và Quốc Hội sẽ trở lại chính sách “Cut As You Go” là chi tiêu sẽ được ấn định theo nhu cầu.  Biện pháp này nhằm kềm chế sự chi tiêu phung phí của chính quyền liên bang.  Việc Hạ Viện thông qua quy tắc điều hành đánh dấu sự thành công đầu tiên của Tân Chủ Tịch Hạ Viện Kevin McCarthy.  

    Twitter tiết lộ Dân Biểu đảng Dân Chủ Adam Schiff tham nhũng và lạm dụng quyền lực

    Trong tuần qua trên Twitter đã có nhiều tin nhắn kêu gọi điều tra và truy tố Dân Biểu Adam Schiff sau khi Elon Musk đưa ra một tin chấn động là nhiều cơ quan của chính phủ đã yêu cầu loại 250,000 tài khoản ra khỏi Twitter.  Và Dân Biểu Adam Schiff đã yêu cầu Twitter đóng tài khoản của nhà báo điều tra Paul Sperry.  Khi khám phá ra tin này, nhà tỷ phú Elon Musk đã tung ra tin nhắn: “Này! Dân Biểu Adam Schiff, chuyện gì vậy?”  

    Thứ Ba tuần qua, nhà báo Matt Taibbi đã phổ biến Hồ Sơ Twitter, tiết lộ nhiều cơ quan chính phủ như Bộ Ngân Khố, cơ quan An Ninh Quốc Gia, Bộ Y Tế, Bộ Nội An, FBI, . . . hầu hết các cơ quan chính phủ đã yêu cầu Twitter kiểm duyệt và ngăn chặn những tiếng nói đối lập.  Nhà báo Matt Taibbi cho hay “Văn phòng của Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Adam Schiff đã yêu cầu Twitter đóng tài khoản của nhà báo Paul Sperry.”   Dân biểu Adam Schiff sẽ không được tiếp tục ở trong Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện nữa, và rất có thể ông ta sẽ bị điều tra.  

    Trong một bài báo trên New York Post ngày 9/1/2023, nhà báo Paul Sperry cho biết “Adam Schiff, Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, một người quyền lực của đảng Dân Chủ, đã lạm dụng chức vụ của mình để loại tôi ra khỏi Twitter chỉ vì tư thù cá nhân.”   Nhà báo Matt Tabbi tiết lộ Adam Schiff đã gởi một bản ghi nhớ cho Twitter vào tháng 11 năm 2020 yêu cầu loại Paul Sperry ra khỏi Twitter, tài khoản của Paul Sperry đã bị đóng vĩnh viễn 3 tháng sau đó.  Paul Sperry tự hỏi “Tại sao một nhà lãnh đạo đầy quyền lực đã thề bảo vệ Hiến Pháp và Tu Chính Án Thứ Nhất lại bịt miệng một nhà báo kỳ cựu?”   Paul Sperry cho rằng Adam Schiff muốn trả thù về những bài báo điều tra mà Paul Sperry đã viết cho Real Clear Investigations về việc “người tố cáo ẩn danh” của Adam Schiff trong vụ luận tội TT Trump lần thứ nhất chính là Eric Ciaramella, một đảng viên của đảng Dân Chủ, từng làm việc tại Tòa Bạch Ốc dưới thời Obama, và có liên hệ chặt chẽ với Sean Misko, một nhân viên trong ủy ban luận tội của Adam Schiff.  Báo cáo của Paul Sperry đã đưa ra những nghi ngờ về lời tuyên bố luận tội của Adam Schiff vào năm 2019.  Ban đầu, Adam Schiff khẳng định rằng văn phòng của ông ta chưa bao giờ nói chuyện với người tố cáo trước khi ông ta tiến hành việc khiếu nại TT Trump.  Trong thực tế, Adam Schiff đã thảo luận với nhân viên, chính phát ngôn viên của Adam Schiff là Patrick Boland đã phải thừa nhận điều này sau khi câu chuyện bị New York Times phanh phui. 

    Paul Sperry nhắc lại một cuộc điều trần được trực tiếp truyền hình của Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện vào năm 2017: “Adam Schiff đã đọc tại Quốc Hội một loạt các thuyết âm mưu hoàn toàn vô lý về việc Trump thông đồng với Nga, những tin tức này lấy từ hồ sơ do chiến dịch tranh cử của Hillary Clinton tài trợ.  Adam Schiff đã thổi phồng lên như thể những chuyện đó có thật.  Nhưng tất cả là dối trá như Công Tố Viên Đặc Biệt John Durham đã chứng minh trong các tài liệu nộp trước tòa.”   James Clapper, Giám Đốc Tình Báo Anh Ninh Quốc Gia thời Obama cũng đã xác định “Tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ bằng chứng cụ thể nào cho thấy chiến dịch tranh cử của Trump hoặc ai đó có âm mưu hoặc thông đồng với Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử.”  Tới nay thì chúng ta đã biết tài liệu Trump thông đồng với Nga là hồ sơ ngụy tạo nhằm bôi nhọ uy tín và để luận tội cựu TT Trump.  Nhà báo Paul Sperry khẳng định rằng anh ta sẽ đưa Adam Schiff ra trước pháp luật.  

    Adam Schiff đã lạm dụng quyền lực nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân và đảng Dân Chủ.  Việc làm của đương sự đã đưa đến việc điều tra và luận tội cựu TT Trump trong suốt 4 năm, gây biết bao thiệt hại cho cá nhân TT Trump và những người liên hệ, điều quan trọng nhất là Adam Schiff đã gây chia rẽ đất nước.  Đảng Cộng Hòa cần điều tra Dân Biểu Adam Schiff. 

    Kim Nguyễn
    January 10, 2023