Tuesday, December 30, 2014

Gia Định tập quán


Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức (1765-1825) là cuốn sách cẩm nang về địa dư, khí hậu, núi sông, phong tục, sản vật v.v...của các tỉnh miền Nam xưa. Sách này hiện nay được xếp vào hàng kinh điển vì là nguồn tài liệu chính của các sử thần nhà Nguyễn trước đây và các học giả sau này dùng để tham khảo tra cứu để viết về miền Nam. Gia Định Thành Thông Chí gồm 6 chí, trong chí thứ 5 có tên Phong Tục Chí, Trịnh Hoài Đức đã chép về phong tục tập quán của người Sài Gòn-Gia Định xưa như sau. Đắc Xuyên Gia Khang xin trích lược:

“Ở Gia Định, khi khách đến nhà, đầu tiên gia chủ bày trầu cau, sau dọn tiếp cơm bánh, thiết đãi chu đáo đầy đủ, không kể là người thân sơ, quen lạ, tông tích ở đâu, tất cả đều được đón nhận tiếp đãi đàng hoàng cho nên người đi chơi không cần đem theo lương thực. Nhưng lại khiến có nhiều người trốn tránh pháp luật hay đến xứ này, bởi đã có chỗ ăn ở vậy.

Ngày trước, người Tàu gọi dân Gia Định là người Xích Cước (nghĩa là đi chân không) vì từ trước chỉ có quan quyền, người giàu có phong lưu ở phố chợ mới đi giày vớ. Nay đã nhiễm tục người Tàu, dù là người làm thuê và bọn tì nữ cũng mang guốc quai da, dày vải.

Đất Gia Định nhiều sông, kinh, cù lao, bãi cát, nên trong 10 người đã có 9 người giỏi nghề lội bơi, chèo thuyền. Lại ưa ăn mắm, ngày ăn 3 bữa cơm mà ít khi ăn cháo.

Tục ở đây khi nhà có người sinh đẻ thì dùng một đoạn củi đã tắt rồi chẻ đầu cây cán gỗ kẹp ngang dựng ngay trước cửa. Nếu sinh con trai thì trở đầu củi đã tắt lửa vào trong nhà, con gái thì trở đầu củi ra ngoài để làm hiệu ngăn cấm. Nếu ai bị sản nạn như không nuôi được con, bệnh xây xẩm, bệnh cục máu hay có hung táng đều không cho vào.

Đầy tháng thì làm bánh trôi nước cúng tạ 12 mụ bà (tức vái 12 mụ bà, 13 đức thầy), con trai thì sụt lui một ngày, con gái sụt lui 2 ngày, ấy là lễ đầy tháng. Giáp năm làm lễ thôi nôi y như tục Trung Hoa. Chồng người sản phụ không kể quân hay dân đều được miễn cho 1 tháng xâu dịch, gọi là cáo lợi thủy. Đó cũng là hậu đạo châm chế cho người bận việc nuôi dưỡng vợ con.

Lại có tục của người thôn dã, khi có việc thù hiềm nhau thì đến miếu xưa hoặc ngã ba đường, chặt cây chuối trồng ngược lên, rồi xé con gà ở trên ấy, lén đem tên họ của người thù hằn thầm đọc thần chú. Người bị thù ấy có khi ngẫu nhiên đau ốm hoặc bị tai ách thật. Ấy là bắt chước theo tục man rợ vậy.

Ngày trước có bọn vô liêm sĩ, có việc gì tranh cãi nhau, bất luận người kia có đấm đá mình hay không, liền nằm vật xuống đất, xé rách áo quần, tự cào cấu thân thể, rên rỉ kêu la, vu hoạ cho người để yêu sách phạt vạ, gọi là nằm vạ. Gần đây phép quan đã trừng trị, nên tất cả đều bãi bỏ.

Người nước ta đều học sách vở của Tàu. Nếu có quốc âm và tiếng địa phương thì dùng chữ trong sách Trung Quốc có âm thanh gần nhau rồi tùy loại mà gia thêm bên cạnh. Như kim loại thì thêm bộ kim, loại mộc thì thêm bộ mộc, loại ngôn ngữ thì thêm bộ khẩu v.v...phỏng theo phép lục thư hoặc giả tá, hoặc hội ý hay là hài thanh để ráp với nhau, chứ nước ta vốn không có loại chữ riêng.

Người ở đây nói tiếng địa phương thường hay pha tiếng Tàu, tiếng Cao Miên. Người nghe tập quen rồi tự biết, mà không để ý phân biệt chỗ khác lạ được một cách rõ ràng.

Ở Gia Định chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở, hoặc để đi chợ, hay để đi thăm người thân, hoặc chở gạo củi đi buôn bán, rất tiện lợi. Mà ghe thuyền đi lại chật sông suốt ngày đêm nối đuôi nhau, cho nên nhiều khi đụng nhau bị hư hỏng rồi sinh ra kiện cáo. Nhưng ai phải ai quấy thì thật khó xử đoán cho đúng lẽ.

Lúc bấy giờ có quan Điều khiển Tham mưu đồn dinh là Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh ra lệnh rằng: phàm ghe thuyền đi bất luận gặp gió nước thuận hay nghịch, khi gần gặp nhau thì phải hô là "bát" thì ghe mình đi về phía phải, ghe kia cũng phải đi về phía phải để thuận lái cho dễ điều khiển mà tránh nhau. Nếu ghe này đã hô "bát" mà ghe kia còn đi về phía trái không tránh để (hai ghe) đụng nhau làm hư hỏng, thì lỗi ấy về ghe không tránh kia.

Trên sông thường có bọn cướp bôi mặt để cướp bóc làm người chủ ghe do hốt hoảng nhất thời không nhận ra được là ai, lại không có vật gì làm bằng chứng nên rất khó cho việc truy cứu. Nên Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh ra lệnh tất cả ghe thuyền lớn nhỏ trong hạt, quan nha sở tại phải buộc chủ thuyền khai báo tên họ làm sổ sách rõ ràng, rồi khắc chữ đóng vào đầu thuyền, ai trái lệnh thì bị tội, làm hồ sơ ghe thuyền để lưu chiếu. Từ đó người bị cướp nhận ra được tên kẻ cướp, chỉ tên ra tố cáo, tìm ra được kẻ gian nên bọn côn đồ mới chịu yên.

Tục lệ cứ 10 giạ lúa gọi là trăm, 100 giạ gọi là thiên. Khi cân hoặc dùng cân Tư Mã đời (hậu) Lê, hoặc dùng cân đương thời, có khi thêm 3 thêm 5, nặng nhẹ không chừng. Thước đo thì chế ra dài, ngắn khác nhau. Việc mua bán trước hết phải nói rõ sẽ dùng thước nào, cân nào sau mới định giá, nếu không sẽ sinh ra tranh hơn thua, gây nên kiện cáo.

Vì vậy khi gặp giữa đường hỏi nhau, như nói mua một thước vải giá tiền 1 quan, dầu nghe chưa biết mắc rẻ ra sao, phải hỏi xem dùng loại thước nào mới biết rõ. Phàm hầu hết các vật khác cũng như thế, người mua cứ châm chước thầm trong bụng mà theo hoặc không, chứ không cần biết cân thước lớn nhỏ dài ngắn ra sao. Thật là lạ."
FB Đắc Xuyên Gia Khang

Friday, December 19, 2014

Đà Nẵng

Tiên Sa Đà Nng

Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên mình đặt chân đến Đà Nẵng, thành phố này đã chào đón tôi với con đường đèo Hải Vân đẹp như vừa được Manet vẩy cọ, với màu xanh thăm thẳm của biển và những rặng núi mướt một màu xanh của rừng cây. Tôi yêu Đà Nẵng từ giây phút ấy, một tình yêu ngây ngất với đúng nghĩa của từ ngưỡng mộ và tôn thờ. Tình yêu đó càng được đắp bồi sau 3 năm tôi chọn nơi đây làm nơi nghỉ hè. Mỗi phút giây tôi hít hà bầu không khí trong lành ở đây, ăn những món ngon lành với giá chỉ 15k ở một cửa hàng ven hè, hay chỉ đơn giản là ngồi nói chuyện với một người bán hàng xởi lởi, tôi biết tình yêu đó đã ngấm sâu vào trái tim mình.

Đọc đến đây, nếu bạn hỏi tại sao yêu Đà Nẵng đến thế thì đúng thật là khó trả lời. Tại sao ư? Nếu có một lý do thật rõ ràng thì chắc chắn là không thể. Nhưng nhiều lý do thì đúng là điều mà tôi đang chất chứa cần được chia sẻ. Thế nên, tôi sẽ ngồi xuống, trả lời câu hỏi của bạn bằng danh sách này, bản danh sách mà tôi đã chẳng tốn thời gian để ngồi viết ra nhưng lại mất rất nhiều thời gian để bổ sung với những người bạn Đà Nẵng và cả Hà Nội hay Sài Gòn, bởi ai cũng yêu Đà Nẵng theo một con mắt của riêng mình. Cũng vì thế, có thể nó không trọn vẹn, nhưng tôi nghĩ nó cũng đủ để khiến trái tim chúng ta ấm lại khi nghĩ về thành phố duyên dáng này.

1. "Gặp cả Hà Nội ở Đà Nẵng"
Đến Đà Nẵng vào một ngày hè bất kỳ trong năm, bạn sẽ phải tự hỏi là thế quái nào mà mình đi đâu cũng gặp bạn vậy, như là "gặp cả Hà Nội ở Đà Nẵng"? Kiểu như bạn đang hí hửng ăn mặc một cách rất ngớ ngẩn (quyền số 1 của khách du lịch, đập tay nào!) thế rồi bạn há hốc mồm và nhận ra người yêu cũ đang ngồi ăn ở bàn đối diện, sau đó bạn đi ra phố với tâm trạng choáng váng và đang ngơ ngác lạc giữa giao thông, thì bùm một phát bạn lại nhìn thấy người bạn đang thích đi từ đằng xa với đám bạn, và trời ơi ở những khu đông đúc như chợ Hàn hay biển Mỹ Khê, bạn cảm giác mình như đang ở nguyên Hà Nội chứ không phải là Đà Nẵng nữa.
Lý giải cho điều đấy, có một lý do rất đơn giản. 5 năm trở lại đây, từ khi Đà Nẵng bắt đầu hoàn thành những dự án, công trình hiện đại, đẹp mắt thì càng thu hút khách du lịch đến hơn. Cứ đến vào 3 tháng hè thì rất đông khách du lịch từ khắp mọi nơi đổ về, nhất là các bạn trẻ ở Hà Nội đã dành một tình cảm đặc biệt cho Đà Nẵng. Khi đến đây rồi Đà Nẵng luôn tạo cho người ta một cảm giác thân thiện, dễ chịu đến vô cùng hài lòng. Nên đó cũng là một lý do lớn để nhiều người cứ đến đây rồi lại muốn đến nữa, quay lại thường xuyên.

Nên nếu nói đây là thành phố du lịch ở Việt Nam được ghé thăm và quay lại nhiều nhất, thì cũng không có gì đáng bàn cãi cả.


2. Người Đà Nẵng luôn tự hào về một "thành phố của tôi"

Người Hà Nội yêu thành phố của mình vì vẻ cổ kính và lối sống thanh nghiêm, người Sài Gòn yêu thành phố của mình bởi những đêm không ngủ và những tòa nhà chộn rộn ánh đèn. Người Đà Nẵng cũng vậy, thậm chí tình yêu đó còn mang nhiều hương vị của sự tự hào, gần giống với một tình yêu tôn thờ và hết mình một cách say đắm.

Họ đơn giản là tự hào về tất cả mọi thứ mà họ có, từ những món ăn bình dân cho đến những nét văn hóa bình dị (Nghiêm túc thì nếu sinh ra ở một thành phố như vậy, ai lại không tự hào cơ chứ!), nhưng trong cái tự hào của người Đà Nẵng vẫn luôn mang một chút khiêm tốn, họ tự hào nhưng lúc nào cũng vẫn muốn góp phần làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Đó là tinh thần, tình cảm vô cùng quý giá của người Đà Nẵng dành cho thành phố của mình.

Không chỉ thế, người Đà Nẵng họ còn tự hào về rất nhiều điều khác, những điều đã làm nên một cái tên Đà Nẵng hiền hòa, thân thương và mến khách. Và dưới đây là 43 điều còn lại:

3. Café Long
Quán café cóc vô cùng nổi tiếng và có lịch sử lâu đời nhất tại Đà Nẵng. Ra đời từ năm 1980, café Long đã và đang gắn liền với cuộc sống của con người nơi đây. Quán mở cửa từ 4h sáng phục vụ cho những khách đi làm từ rất sớm, đóng cửa lúc 18-20h tối tùy mùa. Dù không gian quán không quá đặc biệt, chỉ có những chiếc ghế và bàn gỗ thấp, giản dị và nhẹ nhàng, ấy thế nhưng lúc nào quán cũng đông nghịt khách, bất kể cả trời mưa hay nắng.


4. Con đường ven biển tuyệt đẹp nối Đà Nẵng đến Hội An

Con đường tuyệt đẹp ven biển này đã khiến khoảng cách 30km giữa Đà Nẵng và phố cổ Hội An trở nên gần hơn bao giờ hết. Đường đẹp. Các khu resort san sát nhau hai bên đường cũng rất xinh đẹp. Bạn nên thuê xe máy đi nếu muốn tận hưởng hết nắng gió biển tràn trề đúng kiểu miền Trung.

5. Đặc sản bồ câu chụp ảnh cưới

Trong 2-3 năm gần đây, chụp ảnh cưới với bồ câu đã tạo nên dấu ấn đặc biệt đối với ảnh cưới tại Đà Nẵng. Vào cuối tuần thứ 7 và chủ nhuận có đến hàng chục cặp cô dâu - chú rể từ khắp mọi nơi đổ về xếp hàng để được pose ảnh cùng "món đặc sản này". Chưa kể đến việc, đàn bồ câu còn được sự hỗ trợ đắc lực từ biển xanh ngắt phía sau, tạo nên một khung cảnh đẹp như... Tây mà chúng ta vẫn thường mê mẩn nhìn ngắm trên những bưu ảnh nước ngoài.


6. Ngồi pub ven sông Hàn
Phát triển cùng với du lịch và nhu cầu của giới trẻ, hàng loạt các quán pub nhỏ mở lên hoạt động từ chiều cho đến 2-3h sáng. Mặc dù pub thì ở đâu cũng có, nhưng cái đặc biệt của pub ở Đà Nẵng là có góc nhìn hướng ra sông vào ban đêm tuyệt đẹp, vừa sôi động, vừa tĩnh lặng. Một bên là nhộn nhịp tiếng nhạc, một bên là con sông mênh mông im ắng. Tất cả tạo thành một cảm giác khiến ai trải qua một lần rồi cũng cảm thấy nhớ mãi.

7. Uống nước dừa ngắm sông Hàn

Ban đêm trên khắp vỉa hè cặp dọc bờ sông Hàn lúc nào cũng đông nghịt người, từ các bạn trẻ, người trung niên đến các cặp đôi. Họ đến đây để hóng gió, để vui chơi, và đơn giản nhất chỉ là để uống ly nước dừa tươi ngọt và cảm nhận hương vị những cơn gió táp vào.

8. Tắm biển vào sáng sớm

Như một thói quen hàng ngày của người dân nơi đây, việc tắm biển hằng ngày không những là một hình thức giải trí mà còn là bài tập nâng cao thể lực. Ngoài tắm biển thì chạy bộ, chơi thể thao và đắp cát trên bãi biển là thú vui chưa ai từng bỏ qua.


9. Công viên 29/3

Là công viên cây xanh lớn nhất nằm ngay trong trung tâm thành phố, công viên 29/3 tập trung các hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động văn hóa và thể dục thể thao quanh năm. Đặc biệt vào mỗi dịp Xuân, các hội chợ, triển lãm nghệ thuật cũng thường diễn ra tại nơi này.

10. Đường Bạch Đằng

Bạch Đằng là con đường "nhịp đập" của thành phố biển Đà Nẵng. Còn đường nãy cũng được xếp loại là con đường đẹp nhất của Đà Nẵng tính đến thời điểm hiện tại.


11. Đằng trước là biển, phía sau là núi

Nếu có thành phố nào may mắn nhất, thì đó chính là Đà Nẵng. Thành phố này như được mẹ thiên nhiên vô cùng ưu đãi bởi biển và núi như "ôm" lấy nhau. Một thành phố mà khi muốn núi là có núi, muốn biển là có biển. Chính vì thế mà Đà Nẵng có vô số địa điểm đẹp, với phong cảnh hùng vĩ lẫn hữu tình.


12. Bà Nà
Nhiều người ví Bà Nà như "Đà Lạt" của miền Trung. Chỉ cách Đà Nẵng 25km, nhưng tại đây lại có thời tiết lạnh quanh năm, thậm chí vào những hôm mây nhiều thì cả Bà Nà được phủ một màu trắng xóa như sương mờ. Đến đây, việc bạn tản bộ bên cạnh những đám mây là chuyện cực kỳ bình thường.



13. Cáp treo
Đà Nẵng sở hữu cáp treo tuyến đi Bà Nà dài 5.042,62m - đồng thời xác lập kỷ lục Guinness thế giới về tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới. Đây là phương tiện di chuyển duy nhất mỗi khi du khách muốn đặt chân lên đỉnh Bà Nà. Được biết tuyến cáp có 22 trụ với 94 cabin phục vụ 1.500 khách/giờ. Thời gian đi từ ga đi đến ga đến và ngược lại là 15,05 phút với vận tốc 6m/giây.


14. Ngắm Đà Nẵng từ trên cao
Trong những năm gần đây Đà Nẵng phát triển đô thị với tốc độ chóng mặt, không khó để thấy những thay đổi rõ rệt qua góc nhìn từ máy bay hoặc các tòa nhà cao tầng. Tất nhiên là ngắm thành phố ở trên cao thì hầu như ở đâu cũng giống nhau, nhưng Đà Nẵng trên cao đẹp hơn là nhờ biển cả xanh thăm thẳm như viên ngọc, và dòng sông Hàn vắt duyên dáng qua thành phố như một điểm nhấn hài hòa.


15. Chợ Cồn
Những năm qua, hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mai,… được xây dựng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, chợ Cồn vẫn mãi giữ được không khí sầm uất, hoạt động mua bán tại chợ vẫn diễn ra tấp nập, đông đúc, nhộn nhịp mỗi ngày như chính nhịp sống của người dân thành phố từ xưa đến nay.


16. Pháo hoa quốc tế
Đây là cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế được tổ chức đầu tiên tại Việt Nam, do Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đứng ra tổ chức. Bắt đầu từ năm 2008, suốt hơn 7 năm qua cuộc thi pháo hoa quốc tế này đã dần trở thành một nét riêng cho Đà Nẵng. Là dịp để khách du lịch khắp cả nước lẫn thế giới đổ về, góp phần làm tăng dịch vụ du lịch cho Đà Nẵng.


17. Ngắm các "siêu cầu" Sông Hàn, Thuận Phước, Cầu Rồng, Cầu Trần Thị Lý về đêm

Các cây cầu ở Đà Nẵng được đánh giá rất cao và vẻ đẹp cho đến việc đầu tư, ý tưởng. Vì thế nhiều người đã có những câu nói so sánh rằng "Đà Nẵng đích thị là thành phố của những siêu cầu ở Việt Nam". Điển hình là cầu Rồng có khả năng phun lửa, phun nước, cầu Sông Hàn thì có thể quay đổi trục đến 90 độ. Việc đến Đà Nẵng mà bỏ qua việc chiêm ngưỡng những cây cầu như thế này thì quả là một thiếu sót.


18. Cuộc thi marathon quốc tế

Cuộc thi Maraton quốc tế Đà Nẵng là sự kiện thể thao văn hóa quy mô lớn thu hút đông đảo các vận động viên, du khách trong và ngoài nước và nhân dân Thành phố Đà Nẵng hưởng ứng tham gia trong 2 năm qua.


19. Chùa Linh Ứng

Linh Ứng Tự Bãi Bụt là ngôi chùa lớn nhất, mới nhất và đẹp nhất trong 3 ngôi chùa nổi tiếng của Đà Nẵng, hai chùa còn lại gồm: Linh Ứng Non Nước, và Linh Ứng Bà Nà. Ngôi chùa Linh Ứng Tự Bãi Bụt này có tượng Quan Thế Âm được xem là lớn nhất của Đông Nam Á. Và hầu hết những ai đến Đà Nẵng cũng đều muốn một lần được đến tham quan và cúng bái tại ngôi chùa này.


20. Đu quay Sun Wheel

Chỉ mới khánh thành được chưa đầy 1 năm, nhưng Sun Wheel - một trong 10 đu quay cao nhất thế giới được đặt tại Đà Nẵng đã vô cùng nổi tiếng và thu hút cực nhiều khách tham quan.


21. Tòa nhà hành chính

Với thiết kế hình ngọn hải đăng cao 37 tầng, tòa nhà hành chính này đã là một biểu tượng của thành phố Đà Nẵng.


22. Bệnh viện Ung thư nhân đạo

Hồi cuối tháng 10 năm 2013, Đà Nẵng bắt đầu khánh thành và đưa vào hoạt động bệnh viên Ung thư Đà Nẵng. Một điều quan trọng và thú vị nhất đó chính là bệnh viện này hoàn toàn hoạt động theo tính chất từ thiện, nhân đạo theo cơ chế phi lợi nhuận duy nhất ở Đà Nẵng và thậm chí là đầu tiên của Việt Nam.


23. Thành phố không có ăn xin

Sau hơn 5 năm thực hiện chương trình "5 không, 3 có". "5 không" là không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của "3 có" - có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Thì hiện thành phố Đà Nẵng đã là một thành phố rất không còn cảnh ăn xin, người không nhà hay sống cơ nhỡ.

24. Wifi miễn phí phủ sóng toàn thành phố

25. Bánh tráng thịt heo cuộn hai đầu da

Bạn đến Đà Nẵng và chưa ăn bánh tráng thịt heo? Xin đừng nói điều này với ai, hoặc hãy cứ nói dối là bạn đã ăn rồi. Bởi đây là món ăn đặc sản của Đà Nẵng mà ai cũng muốn thử, hay nói đúng hơn là phải thử! Nó như một sự tôn trọng với ẩm thực Đà Nẵng vậy, giống như khi bạn đến Hà Nội là phải ăn phở. Những miếng thịt được cắt thành lát mỏng, nhưng phía hai bên đầu miếng thịt vẫn còn dính phần mỡ. Món này ăn kèm với rau sống, và mắm nêm mặn theo khẩu vị của người miền Trung.

26. Sky Bar cao nhất Việt Nam

Đây là quán bar được công nhận là cao nhất Việt Nam khi nằm ở độ cao 166m. Nơi này cực kỳ thích hợp để ngắm toàn cảnh Đà Nẵng vào buổi đêm.


27. Tứ Linh hội tụ

Ở Đà Nẵng có 4 địa điểm được người dân nơi đây ví như 4 con Tứ Linh của thành phố. Trong đó Long đại diện cho cầu Rồng, Lân đại diện cho nhà nhà triển lãm, Quy đại diện Nhà thi đấu đa năng (vì có hình bầu như lưng rùa) và cuối cùng là Phụng đại diện cho Cung thể thao Tiên Sơn.

28. Ngắm bình minh trên Mũi Nghê - Sơn Trà

Nằm ở phía Đông Nam của bán đảo Sơn Trà, Mũi Nghê là nơi đón những ánh mặt trời đầu tiên của thành phố Đà Nẵng, cũng là nơi đầu sóng ngọn gió vươn mình ra biển.


29. Đi chợ cá lúc sáng sớm
Tờ mờ sáng khoảng 3-4h, hầu hết chợ cá ở Đà Nẵng đều đã đông nghịt người. Kẻ mua người bán, vài tiếng cãi vã, tiếng kêu í ới của những người đẩy xe hàng và gánh hàng ra khỏi chợ là những thứ vô cùng đặc trưng của những ngôi chợ cá ven vùng biển. Những con cá tươi ngon nhất, vừa đánh bắt trực tiếp từ dưới biển khơi, béo múp mời gọi giống như bạn đang tham dự một cuộc thi hoa hậu các loài cá, và con cá nào cũng cố gắng thu hút sự chú ý của bạn nhiều nhất có thể chỉ để được vinh hạnh nằm trên đĩa của bạn.


30. Nhà thờ Lớn Đà Nẵng (nhà thờ Con Gà)
Nhà thờ Con Gà Đà Nẵng là nhà thờ duy nhất được xây dựng tại Đà Nẵng vào thời Pháp thuộc. Mang nét kiến trúc Gothic đặc trưng của các nhà thờ Công giáo phương Tây. Nhờ vậy, Nhà thờ Con Gà có vẻ đẹp cổ kính và trầm mặc trong khoảng không gian nhộn nhịp của thành phố Đà Nẵng.


31. Bảo tàng điêu khắc Chăm
Bảo tàng điêu khắc Chăm Pa, Đà Nẵng là một địa danh lịch sử nổi tiếng của Đà Nẵng nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung. Đến đây bạn có thể chứng kiến một quá trình tiến hóa dài hơn tám thế kỷ với những kiệt tác của nền văn minh Chămpa một thời phát triển rực rỡ ở miền Trung Việt Nam trong nhiều thế kỷ qua.

32. Núi Ngũ Hành Sơn

33. Đi thử các món đặc sản miền Trung

Bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh xèo,... là những món ăn dân dã, đặc sản của miền Trung mà bạn nên thử.

34. Các món ăn vặt chỉ có ở Đà Nẵng

Đến Đà Nẵng ngoài việc tắm biển, bạn có thể tập trung cho mình hẳn một vài ngày... chỉ để ăn. Bánh tráng nướng, bún mắm, bún thịt nướng, và trời ơi, làm sao chúng ta có thể không nhắc đến hải sản? Sự thật là bạn cần 1 tuần để ăn trọn Đà Nẵng mà vẫn còn thòm thèm.




35. Tự mình khám phá những bãi biển mới

Do cả thành phố ôm dọc biển, nên tại đây có rất nhiều bãi biển cực đẹp mà ít khách du lịch biết đến. Vì thế tại sao chúng ta lại không thử khám phá một bãi biển nào đó vắng người để tận hưởng hương vị bao la của biển cả một cách thật riêng tư.

36. Khu ẩm thực Phạm Hồng Thái

Một khu ăn uống mà ai ai cũng biết, có đầy đủ các món ngon từ món ăn no như bún, cơm gà, phở... đến món ăn giải trí như chè, sinh tố. Mở cửa từ chiều cho đến đêm, khu ẩm thực Phạm Hồng Thái rất tiện cho những ai muốn đi ăn khuya hoặc tụ tập bạn bè thưởng thức ẩm thực nơi đây.

37. Câu cá ven sông Hàn

Cứ đến buổi chiều, dễ dàng bắt gặp từ người già đến trung niên xách cần câu ra ngồi ven sông câu cá giải trí. Từ lâu việc câu cá không chỉ gắn liền với "gắn cơm manh áo", mà còn là 1 thói quen, 1 thú vui giải trí đối với nhiều người.

38. Phố bánh mì Phan Châu Trinh

Bánh mì Đà Nẵng cũng thuộc dạng món ăn "trứ danh". Tại đây có rất nhiều con phố chuyên bán bánh mì, nhưng đáng kể nhất có lẽ là phố Phan Châu Trinh. Nơi đây có hơn chục cửa hàng bán bánh mì nổi tiếng, lúc nào cũng nườm nượp khách du lịch lẫn người dân địa phương.



39. Làng bún mắm Trần Kế Xương

Cả một con phố này nhà nhà đều bán món bún mắm của Đà Nẵng. Vì thé người dân địa phương thường gọi đây là Làng bún mắm Trần Kế Xương.

40. Nổi tiếng với những khu resort ven biển

Cũng chẳng lạ lắm khi nói Đà Nẵng là một trong số ít thành phố sở hữu rất nhiều các resort ven biển thuộc dạng chất lượng cao cấp. Một số cái tên như: Vinpearl Luxury, Pullman, Intercontinental,... Tại sao phải cần ra nước ngoài để ở resort trong khi bạn đơn giản chỉ cần tới Đà Nẵng là cũng đủ để tận hưởng những resort chất lượng đẳng cấp nhất?


41. Cây đa nghìn năm

Đây là cây đa nằm trên bán đảo Sơn Trà, đã được UBND TP.Đà Nẵng đã lập hồ sơ đăng ký lên Hội bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam về việc xét công nhận cây đa đại thụ 1.000 năm tuổi, là “cây di sản Việt Nam” giai đoạn 2014-2020.

42. Lượn xe trên đèo Hải Vân

Nếu bạn mê phượt và muốn trải nghiệm một trong những con đèo đẹp nhất Việt Nam, tại sao bạn không thử lượn xe trên đèo Hải Vân một lần? Đó chắc chắn sẽ là một trong những trải nghiệm đẹp nhất mà bạn từng được tận hưởng khi du lịch trên đất nước mình.

43. Chụp ảnh mùa cỏ lau

Tại Đà Nẵng có một bãi cỏ lau rất lớn nằm trên đường biển Thọ Quang. Cứ vào tầm những ngày cuối thu thì cánh đồng cỏ lau này lại bắt đầu trở thành địa điểm tập kết của các tay mê chụp ảnh. Từ giới trẻ, khách du lịch, người bản địa, rồi chụp ảnh cưới cũng tập trung về đây để có cho mình những bức hình "nhìn xa xăm" giữa đồng lau bạt ngàn.


44. Đẹp mê hồn cảnh sông núi hồ thủy điện Hòa Trung


 45. A La Carte
 Là thành phố du lịch nổi tiếng, vì thế tại đây có vô số resort, khách sạn. Thế nhưng A La Carte lại đang là một "hiện tượng mới" và trở thành cái tên khách sạn hot nhất năm nay. Điều gì tạo nên sự khác biệt của A La Carte. Theo rất nhiều khách du lịch đánh giá thì có vài lí do chính. Nội thất tinh tế kiểu Tây với gam màu trắng chủ đạo. Thiết kế theo dạng những căn hộ nhỏ, cực thích hợp cho những nhóm bạn, gia đình muốn ở quây quần. Và giá cực kì hợp lí. Đặc biệt là hồ bơi tràn biển với góc nhìn trực tiếp ra bãi biển cát trắng đẹp đến ngỡ ngàng.


Hồ bơi tràn biển siêu đẹp tại khách sạn này.