Thursday, November 21, 2019

Little Saigon: Thực hư chuyện ‘tranh chấp’ chùa Bảo Quang Ngọc Lan/Người Việt



Chánh điện Chùa Bảo Quang. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Kỳ 1: Ai thực sự là chủ chùa Bảo Quang?
WESTMINSTER, California (NV) -Gần đây, nhiều dư luận liên quan đến chủ sở hữu cũng như quyền hành tại ngôi chùa Bảo Quang trị giá hơn $10 triệu ở Santa Anna. Có hai nguồn tin tức ngược chiều; thứ nhất là có một gia đình muốn “cướp” chùa Bảo Quang, và thứ hai, chùa Bảo Quang có thể đang bị bàn tay của xấu từ trong nước thao túng, muốn cướp quyền lực.
Để rộng đường công luận, phóng viên Nhật báo Người Việt đã đi tìm hiểu vấn đề từ các bên có liên quan đến ngôi chùa này.
Nhắc đến chùa Bảo Quang trên đường Newhope thuộc thành phố Santa Ana, một trong những ngôi chùa bề thế nhất tại Orange County, là mọi người nhắc ngay đến Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, người có công xây dựng nên ngôi chùa này, từ năm 2002.
Trong nhiều năm qua, Phật tử và khách thập phương lui tới chùa Bảo Quang không chỉ vì Bảo Quang có vị trụ trì đa tài mà họ kính trọng, ngưỡng mộ, mà còn vì nơi đây được xem là Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Bảo Quang, cũng là nơi đặt Văn phòng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới.
Sau khi Hòa Thượng Thích Quảng Thanh viên tịch vào rạng sáng ngày 9 Tháng Sáu, 2019, Thượng Tọa Thích Phước Hậu, từ Bình Thuận, mới từ Việt Nam qua được nửa năm, được đưa vào thay thế vai trò trụ trì ngôi chùa này theo di ngôn của cố viện chủ chùa Bảo Quang.Chùa Bảo Quang là một tổ chức tôn giáo bất vụ lợi, có hội đồng quản trị, không ai là chủ
“Tại Mỹ, chùa Bảo Quang là một công hội bất vụ lợi hoạt động theo quy chế ‘501(c) 3 nonprofit corporation’ từ năm 1990,” anh Lộc Hoàng Bạch, còn được biết với tên là Na, thư ký Hội Đồng Quản Trị của chùa Bảo Quang, bắt đầu trình bày về quy chế hoạt động của chùa Bảo Quang với phóng viên Người Việt.
Theo hồ sơ liên quan đến chùa Bảo Quang mà Người Việt có được, từ Tháng Ba, 1990, chùa Bảo Quang (khi đó tọa lạc tại 11515 Rosemary Ave., Fountain Valley, CA 92708), đã được tiểu bang California chứng thực đây là một công hội tôn giáo và từ thiện bất vụ lợi (A Non-Profit Religious and Charitable Corporation) với tên gọi đầy đủ là Vietnamese-American Center for Buddhism and Charitable Services – Bao Quang, và người sáng lập là Tùng Thanh Dương, tức cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh.
Văn bản mà anh Lộc Hoàng Bách đưa ra để chứng minh 
các thành viên trong Hội Đồng Quản Trị của chùa Bảo Quang 
năm 2018, trong đó có tên anh Lộc Hoàng Bạch và 
cô Christie Hoàng Bạch. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Cũng theo chứng từ, thì “Công hội này (corporation) là một công hội tôn giáo và không được tổ chức hoạt động vì lợi ích của bất kỳ cá nhân nào. Nó hoạt động theo luật lệ của một công hội tôn giáo bất vụ lợi với mục đích duy nhất là tôn giáo.”
Theo anh Lộc, “Khoảng năm 1999-2000, tôi và chị gái tôi là Christie Hoàng Bạch, thường được gọi là Trâm, được thầy Quảng Thanh hỏi có thể cùng đứng tên trong Hội Đồng Quản Trị (Board of Directors) của chùa Bảo Quang được hay không, thì chúng tôi đồng ý.”
“Từ lúc đó cho đến nay, thầy Quảng Thanh cùng Christie (Trâm) và tôi là ba người trong Hội Đồng Quản Trị của chùa Bảo Quang,” anh Lộc nói tiếp.
Anh Lộc đưa giấy tờ để chứng minh rằng các thành viên trong “Board of Directors” này không hề thay đổi từ năm 2001 đến Tháng Năm, 2018, trong đó Hòa Thượng Thích Quảng Thanh là chủ tịch HĐQT (president), Lộc Bạch là Thư ký HĐQT (secretary) và Christie Bạch là trưởng ban tài chánh (chief financial officer).
Tuy nhiên, theo chứng từ của năm 2001 thì chùa Bảo Quang khi đó có trụ sở tại 11561 Magnolia St., Garden Grove, CA 92841.
Và từ năm 2002 cho đến nay, chùa Bảo Quang có trụ sở mới tại địa chỉ 713 N. Newhope St., Santa Ana, CA 92703.
Anh Lộc giải thích thêm, “Tuy chùa Bảo Quang là một ‘nonprofit corporation’ nhưng mỗi năm chùa vẫn phải làm hồ sơ khai thuế đầy đủ với chính phủ. Và từ xưa đến nay, việc khai thuế của chùa vẫn được tiến hành đúng thủ tục, chưa từng gặp rắc rối gì.”
“Việc anh và chị gái anh cùng đứng tên trong HĐQT chùa Bảo Quang từ xưa nay có được nhiều người biết không?,” phóng viên Người Việt hỏi.
“Không, không mấy người biết,” anh Lộc trả lời.
Anh Lộc cũng giải thích thêm, “Sau khi thầy Quảng Thanh mất, thì luật sư riêng của chùa cho biết cần phải có thêm một thành viên trong HĐQT, vì không thể chỉ có hai người. Tôi đã đi hỏi rất nhiều người nhưng không ai đồng ý để tên vào. Cuối cùng, có một người, cũng là Phật tử đi theo thầy Quảng Thanh lâu rồi đồng ý, nhưng chỉ là tạm thời cho đến khi có ‘board of directors’ mới. Nghĩa là hiện giờ, HĐQT của chùa Bảo Quang đã có đủ tên của 3 thành viên theo luật định.”
Mối quan hệ giữa cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh và các thành viên trong HĐQT chùa Bảo Quang
Chứng từ cho biết chùa Bảo Quang là một công hội tôn giáo và từ thiện 
bất vụ lợi (A Non-Profit Religious and Charitable Corporation) 
với tên gọi đầy đủ là Vietnamese-American Center for Buddhism and 
Charitable Services – Bao Quang từ năm 1990. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
“Anh có thể cho biết lý do vì sao Hòa Thượng Thích Quảng Thanh lại mời hai chị em anh cùng vào ‘board of directors’ của chùa Bảo Quang không?,” phóng viên Người Việt hỏi tiếp.
Bà Hoàng Thị Thương, mẹ của anh Lộc và chị Christie, cũng chính là người phụ trách bếp núc của chùa Bảo Quang từ hơn 20 năm qua, trả lời câu hỏi của Người Việt bằng một câu chuyện dài, liên quan đến những ân tình của gần 25 năm trước.
Theo lời bà Thương, vào năm 1996, khi con gái bà, tức cô Christie (Trâm), được 20 tuổi, đang học đại học University of California, Irvine (UCI) thì mắc bệnh liên quan đến tinh thần, phải nghỉ học một học kỳ để ở nhà chữa trị.
“Tôi đưa con đi bác sĩ bệnh viện cũng có, mà đưa đi chùa cũng có,” bà Thương kể.
Bà Thương cho rằng, “Không biết trúng bác sĩ hay trúng thầy mà gặp đúng khi tôi mang con tôi xuống chùa của thầy Quảng Thanh, xin ở lại 3 ngày, thì con tôi hết bệnh. Tôi nghĩ đó là cái duyên.”
“Trong thời gian 3 ngày ở chùa, tôi đã khấn trước Đức Phật rằng bất kỳ ai giúp con tôi lành bệnh thì tôi sẽ bán nhà để tạ ơn, và kể từ nay khi con tôi lành bệnh thì trong chùa này, những gì dơ bẩn nhất không ai làm, tôi sẽ làm, như chùi cầu tiêu, rửa ráy trong bếp núc chẳng hạn. Và tôi đã nguyện như thế nào thì từ ngày đó đến nay tôi đều làm như vậy, có nhiều người ở chùa cũng biết điều này,” bà Thương nói một cách xúc động.
Cũng theo bà Thương, chính vì ân nghĩa đó của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh mà các con của bà cũng đều yêu thương và quý trọng ông, xem ông như một người thân trong gia đình.
“Và đó cũng là lý do vì sao khi thầy Quảng Thanh cần có người giúp đỡ về mặt giấy tờ pháp lý khi mua ngôi chùa hiện nay, thì các con tôi đều sẵn sàng giúp thầy,” bà Thương cho biết thêm.
Phóng viên Người Việt hỏi: “Vậy ngôi chùa này có sự đóng góp tài sản của gia đình bà không?”
Trong khi bà Thương không muốn trả lời câu hỏi này, thì một số Phật tử của chùa Bảo Quang có mặt tại buổi gặp gỡ với báo Người Việt cho biết, “Gia đình bà Thương từng cho thầy Quảng Thanh mượn rất nhiều tiền khi mua miếng đất để xây dựng ngôi chùa này.”
Anh Lộc Hoàng Bạch (Na) và cô Christie Hoàng Bạch (Trâm), 
hai thành viên trong Hội Đồng Quản Trị của chùa Bảo Quang. 
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
“Ngày xưa chùa Bảo Quang nằm ở đường Magnolia. Khi chùa phát triển lớn hơn, thầy Quảng Thanh mới mua miếng đất lớn hơn, mà thầy chưa đủ tiền, trong khi đó chị Thương đang lúc làm ăn khấm khá nên có cho thầy mượn tiền mua đất, cũng như gia đình chị Thương giúp thầy làm toàn bộ giấy tờ liên quan đến chùa Bảo Quang để thầy chuyển chùa từ Magnolia sang chùa hiện nay. Đó là sự liên hệ giữa thầy và gia đình chị Thương để lập nên chùa cho tới hôm nay, mà trong một video clip thu lại những lời của thầy Quảng Thanh trước khi được đưa từ bệnh viện về chùa, thầy Quảng Thanh có nhắc lại điều này.” Ông Luyến Phạm, một Phật tử của chùa Bảo Quang lên tiếng, nhiều người có mặt cũng gật đầu đồng ý.
Khi được phóng viên Người Việt hỏi tiếp, “Vậy chùa Bảo Quang còn nợ tiền của gia đình bà không?” thì cả bà Thương và anh Lộc đều trả lời ngay, “Không còn thiếu gì nữa hết, trả hết lâu rồi.”
“Gia đình tôi làm việc giúp cho thầy Quảng Thanh chỉ vì thương thầy mà thôi,” anh Lộc nói thêm bằng giọng run run, xúc động.
Gia đình bà Hoàng Thị Thương có ý định “cướp” chùa?
Ông Luyến tóm tắt ngắn gọn những điều đang xảy ra tại chùa Bảo Quang như sau, “Khi thầy Quảng Thanh mất, thì cháu của thầy là Thượng Tọa Thích Phước Hậu lên làm trụ trì. Mà thầy Hậu từ Việt Nam mới sang nên không hiểu nguyên tắc hoạt động của chùa Bảo Quang là một ‘corporation’ là như thế nào. Từ đó đưa đến dư luận cho rằng gia đình bà Thương muốn cướp chùa.”
“Hôm Chủ Nhật, 17 Tháng Mười Một, các thành viên trong HĐQT có mời thầy Phước Hậu họp tại chùa Bảo Quang cùng với luật sư riêng của chùa, với mục đích giải thích mọi chuyện cho thầy Phước Hậu hiểu nguyên tắc hoạt động của một ‘nonprofit corporation’ là gì, và cuộc họp chỉ mang tính chất nội bộ. Tuy nhiên, thầy Phước Hậu lại đưa thông tin đó ra ngoài để các Phật tử khác cùng đến dự. Tại buổi đó, nhiều người có thái độ rất tức giận và có những lời lẽ đáng sợ đối với gia đình bà Thương. Chính vì vậy mà hôm nay HĐQT cũng như gia đình bà Thương mới quyết định đưa toàn bộ thông tin ra ngoài để rộng đường dư luận,” ông Luyến nói thêm.
Anh Lộc tiếp lời, “Chúng tôi chỉ muốn cho thầy Phước Hậu biết là thầy làm trụ trì theo di ngôn của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, tức là làm người lãnh đạo tinh thần cho chùa Bảo Quang, làm lễ, Phật tử tới cần làm gì thì thầy tiếp. Còn về cơ sở vật chất của chùa là một nonprofit corporation thì thầy chưa có hiểu, mọi việc làm của ‘board of directors’ chỉ là muốn bảo vệ ý nghĩa đó của chùa Bảo Quang mà thôi.”
Các cửa vào bảo tàng của chùa Bảo Quang hiện đã bị chặn lại bằng bàn ghế.
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
“Như khi tôi hỏi thầy Phước Hậu những giấy tờ ‘receipt’ liên quan đến chùa, nhất là chi tiêu $200,000 mà thầy đã nhận sau khi thầy Quảng Thanh mất, để cuối năm khai thuế thì thầy nói thầy không biết receipt là gì hết, thì cũng không biết sắp tới đây khai thuế như thế nào,” anh Lộc đưa một ví dụ.
Anh Lộc nói thêm, “Vì thầy Phước Hậu không đưa chìa khóa hai phòng bảo tàng của chùa cho ‘board of directors’ nên hôm nay HĐQT cũng kêu người xuống thay ống khóa trong khi chờ người đến kiểm kê tài sản của bảo tàng xong thì sẽ mở lại cho mọi người đến xem, vì không muốn tài sản bị thất thoát, nhưng mà cũng bị ngăn cản vì họ cho rằng mình có ý định cướp chùa.”
Bà Thương cho biết, “Thực sự chúng tôi chỉ muốn thầy Phước Hậu làm trụ trì thì cứ làm trụ trì nhưng đừng để tài sản của chùa Bảo Quang thất thoát ra ngoài, hãy trả lại những đồ vật gì của thầy Quảng Thanh từ chánh điện ra đến bên ngoài y như cũ, không được thay đổi, chùa này không ai làm chủ hết, nó là một ‘nonprofit corporation.’”
Cô Christie Bạch (Trâm) bày tỏ, “Thật sự nếu thầy Quảng Thanh muốn hai chúng tôi không làm trong ‘board of directors’ nữa thì chúng tôi cũng không muốn làm nữa. Nhưng vì nhớ câu cuối cùng của thầy nói là ‘hứa với thầy, Na và Trâm sẽ ở lại’ nên chúng tôi mới ở lại.”
“Nếu thầy Phước Hậu cứ nói với người này người kia rằng chúng tôi muốn đầu độc thầy, muốn cướp chùa, thì thầy đang đặt chúng tôi vào hoàn cảnh rất nguy hiểm, vì có những người không hiểu, họ sẽ làm gì chúng tôi đây? Thầy Phước Hậu không được nói như vậy nữa!” Cô Trâm cố gắng diễn đạt vừa bằng tiếng Việt vừa bằng tiếng Anh trong sự kiềm nén nỗi bực tức.
 Thầy Thích Phước Hậu với đồng hương Bình Thuận trong tang lễ 
Thầy Thích Quãng Thanh
Sau buổi gặp gỡ với gia đình bà Hoàng Thị Thương, phóng viên Người Việt đã đến tìm và gặp Thượng Tọa Thích Phước Hậu, người đang trụ trì Chùa Bảo Quang, cùng Hòa Thượng Thích Chơn Thành, phó thượng thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới, viện chủ chùa Liên Hoa, để tìm hiểu về vị trụ trì Chùa Bảo Quang và những vấn đề liên quan đến tài chánh của ngôi chùa này sau khi Hòa Thượng Thích Quảng Thanh viên tịch đã được giải quyết ra sao.
Mời độc giả đón xem kỳ 2, trên số báo ngày mai, 22 Tháng Mười Một, 2019. (Ngọc Lan)

No comments:

Post a Comment