Monday, December 17, 2018

Thoả ước 2008 giữa Mỹ--Việt về trục xuất, hồi hương - Nguyễn Văn Thái PHD

Kính gửi quý đồng bào người Việt hải ngoại:

Đính kèm theo bức thư này là bản Thoả ước 2008 giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam về vấn đề trao trả cho Việt Nam những công dân của Việt Nam đã vi phạm luật lệ của Mỹ. Bản tiếng Việt do chúng tôi dịch từ bản tiếng Anh nhằm mục đích phục vụ những người cần được đọc bản Thoả ước bằng tiếng Việt hơn là bản tiếng Anh. Tiếp theo sau bản tiếng Việt là bản tiếng Anh dành cho những người cảm thấy đọc bản tiếng Anh dễ hiểu hơn.

Chúng tôi sẽ đóng góp một vài suy nghĩ về vấn đề quan trọng này với hy vọng phần nào làm sáng tỏ vấn đề nêu trên. Nếu quý vị đọc bản Thoả ước kèm theo dưới đây trước khi tiếp tục đọc bài này thì có lẽ quý vị sẽ có một nhận định về việc trục xuất di dân người Việt rõ ràng hơn.

Điểm đầu tiên mà chúng tôi muốn nêu lên là Thoả ước 2008 là một thoả ước giữa hai chính phủ Mỹ và Việt về việc trục xuất khỏi nước Mỹ và giao hoàn cho Việt Nam những công dân của Việt Nam đã vi phạm luật pháp của Mỹ. Thoả ước này có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký, ngày 22 tháng Giêng năm 2008 và sau đó tự động tiếp tục triển hạn cứ 3 năm một. Như vậy, đến tháng Giêng 2019 thì Thoả ước đã được triển hạn hai lần và sẽ tự động triển hạn lần thứ ba, trừ phi có văn bản chính thức thông báo không triển hạn của một Chính phủ này gửi cho chính phủ kia ít nhất là sáu tháng trước khi Thoả ước hết hạn kỳ (Điều khoản 6).

Một trong hai chính phủ có thể đình chỉ hoặc chấm dứt Thoả ước nếu chính phủ này báo tin cho chính phủ kia bằng văn bản chính thức. Việc đình chỉ hay chấm dứt sẽ có hiệu lực 30 ngày sau khi nhận được văn bản (Điều khoản 9). Điều khoản 7 và 8 nói về việc tu chính, bổ sung Thoả ước hay các tranh tụng về cách diễn nghĩa hoặc ứng dụng Thoả ước. Những việc này được thực hiện qua đường dây ngoại giao thích hợp.

Nếu Thoả ước 2008 được đình chỉ hay chấm dứt thì việc trao trả những công dân của Việt Nam về nước không còn là vấn đề nữa vì sẽ không có quốc gia tiếp nhận những người bị hồi hương. Vấn đề then chốt còn lại, do đó, sẽ là những trao đổi thoả hiệp giữa hai chính phủ về việc tu chính, bổ sung hay cách cắt nghĩa hoặc ứng dụng Thoả ước 2008.

Ngày 12 tháng 12, 2018 vừa rồi tờ báo the Atlantic tường trình là chính phủ của Tổng thống Trump đã thay đổi cách cắt nghĩa Thoả ước 2008, đòi hỏi những người tỵ nạn chiến tranh Việt Nam nhập cư vào nước Mỹ bất hợp pháp hoặc vi phạm luật pháp của Mỹ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995 phải bị trục xuất khỏi nước Mỹ và trao trả lại cho Việt Nam. (https://www.theatlantic.com/international/archive/2018/12/donald-trump-deport-vietnam-war-refugees/577993/).

Trong lúc đó, Điều khoản 2 của Thoả ước 2008 xác định là: “Công dân Việt Nam sẽ không bị trao trả về Việt Nam theo Thoả ước này nếu họ đến Hoa Kỳ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995, ngày mà các quan hệ ngoại giao đã được tái thiết lập giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam. Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam duy trì lập trường pháp lý của mình liên quan đến việc công dân Việt Nam đến Mỹ trước ngày này.”

Chính phủ Mỹ có cơ sở pháp lý khi chất vấn Điều khoản 2 bởi vì theo điều khoản này thì một công dân của Việt Nam nhập cư bất hợp pháp vào nước Mỹ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995 hoặc vi phạm luật pháp của Mỹ ở tại Mỹ trước ngày này cũng không thể bị trục xuất về Việt Nam. Đồng thời phép loại suy còn cho thấy là Điều khoản 2 này cũng có nghĩa là chỉ những công dân Việt Nam nào đến Mỹ sau ngày 12 tháng 7 năm 1995 mà vi phạm luật pháp của Mỹ (bao gồm cả luật di trú) mới bị trục xuất. Do đó, không ngạc nhiên khi Chính phủ Mỹ đưa ra một lối diễn nghĩa hợp lý hơn, nghĩa là những công dân Việt Nam đến Mỹ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995 mà vi phạm luật pháp của Mỹ (bao gồm cả luật di trú) cũng bị trục xuất và trao trả lại cho Việt Nam.

Bản Thoả ước 2008 nói rõ là Chính phủ Việt Nam chỉ chấp thuận tiếp nhận những người bị trục xuất nếu những người này hội đủ các điều kiện của Điều khoản 2 mục 1 gồm có tiểu mục (a), (b), (c), và (d). Điều khoản 2, mục 1(a) minh định là: “Đương sự là một công dân của Việt Nam và không phải là một công dân của Mỹ hay là của bất cứ quốc gia nào khác.” Điều khoản 2, mục 1(c), “Đương sự đã từng vi phạm luật pháp của Mỹ và đã bị giới chức thẩm quyền ra lệnh trục xuất khỏi Hoa kỳ.”

Những điểm nêu ra ở mục 1 của Điều khoản 2 cho thấy rõ là chỉ những công dân của Việt Nam mới nằm trong phạm vi thoả hiệp giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam về vấn đề trục xuất. Những người Việt đã có quốc tịch Mỹ là những công dân của Mỹ và có tất cả những quyền dân sự của Mỹ như tất cả các công dân Mỹ khác  thuộc bất cứ chủng tộc nào dù là da vàng, da trắng, da nâu, hoặc da đen, v.v…

Theo tờ báo the Atlantic thì Chính phủ Mỹ đề nghị với Chính phủ Việt Nam là những người “tỵ nạn chiến tranh” đến Mỹ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995 mà vi phạm luật pháp của Mỹ (bao gồm luật di trú) thì phải bị trục xuất khỏi nước Mỹ và trao trả lại cho Việt Nam. Lối dùng từ ngữ này của tờ the Atlantic, theo thiển ý, có thể chỉ là một sự hiểu lầm hoặc cố ý đã gây hoang mang không ít trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Trong Thoả ước 2008, cụm từ “công dân của Việt Nam” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, hầu như ở tất cả mọi điều khoản, và  “công dân của Việt Nam và không phải là công dân của Mỹ hay là của bất cứ của một quốc gia nào khác” (Điều khoản 2, mục 1(a) ) là điều kiện tiên quyết để Chính phủ Việt Nam chấp nhận việc Chính phủ Mỹ trao trả người Việt vi phạm luật pháp của Mỹ.

Do đó, vấn đề còn lại là ai là người được xem là công dân của Việt Nam. Trong số những người Việt đến Mỹ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995 gồm có những thành phần sau đây:
 Những sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ
  1. Những người Việt đến Mỹ theo diện du lịch
  2. Những người Việt xin và có thẻ xanh để lao động ở Mỹ
  3. Những người Việt tỵ nạn cộng sản chỉ có thẻ xanh mà chưa hoặc không có quốc tịch Mỹ vì hoặc không thi đỗ vào quốc tịch Mỹ hoặc không muốn vào quốc tịch Mỹ vì một lý do nào đó.
  4. Những người Việt đến Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình chỉ có thẻ xanh mà chưa hoặc không có quốc tịch Mỹ vì hoặc không thi đỗ vào quốc tịch Mỹ hoặc không muốn vào quốc tịch Mỹ vì một lý do nào đó.
Thành phần 1 và 2 đương nhiên là công dân của Việt Nam. Nếu những người này ở lại Mỹ bất hợp pháp (phạm tội về di trú) hay vi phạm luật pháp khác của Mỹ thì sẽ bị chính phủ Mỹ trục xuất và giao hoàn cho Việt Nam.
Thành phần 3, 4 và 5 là những thường trú nhân (permanent resident) và có thể vẫn được xét định là công dân của Việt Nam vì không phải là công dân của Mỹ.

Theo Thoả ước 2008 thì Chính phủ Việt Nam là đơn vị quyết định quốc tịch của những người Việt đã vi phạm luật pháp của Mỹ và đã bị Mỹ ra lệnh trục xuất. Thường thì Chính phủ Việt Nam không chấp nhận những người tỵ nạn cộng sản và con cái của họ là công dân của Việt Nam. Tuy nhiên chính phủ của Tổng thống Trump có thể áp lực Chính phủ Việt Nam chấp nhận họ là công dân của Việt Nam và Chính phủ Việt Nam có thể đồng ý, nhất là khi Chính phủ Việt Nam nhận thấy có thể có lợi nhuận cao trong việc thương thảo với Chính phủ Mỹ. Chính phủ Việt Nam có thể đòi hỏi Chính phủ Mỹ cung cấp một số tài trợ khá lớn nhằm mục đích hỗ trợ những người bị hồi hương để họ có phương tiện ngõ hầu có thể thích nghi lại với đời sống ở Việt Nam sau nhiều năm xa xứ. Trong thực tế thì có lẽ không ai tin là những người này sẽ nhận được số tiền trợ cấp này, nhưng chắc rằng ai cũng tin là những người này sẽ không tìm được sinh kế ở Việt Nam vì bị kỳ thị, và họ cũng sẽ không được Chính phủ Việt Nam giúp đỡ. Họ sẽ bị bỏ rơi vì họ chỉ là những con vật hy sinh. Do đó, họ rất cần cộng đồng người Việt hải ngoại, các tổ chức cộng đồng, các cơ quan thiện nguyện, các giới chức chính quyền, các dân biểu, nghị sĩ địa phương và liên bang người Mỹ gốc Việt cũng như người Mỹ can thiệp với Chính phủ Mỹ, yêu cầu chính phủ cứu xét hoàn cảnh những người Việt tỵ nạn cộng sản và những người đến Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình mà không phải là công dân Mỹ và đã có lần lầm lỡ vi phạm luật pháp của Mỹ. Họ là những người đã từng sát cánh với quân nhân Mỹ chống lại sự cưỡng chiếm miền Nam tự do của Đảng Cộng sản Việt Nam và đã liều chết trốn thoát khỏi sự đàn áp tàn nhẫn của chế độ Cộng sản Việt Nam.
 Tiểu Thạch Nguyễn văn Thái, Ph.D.
Philadelphia, ngày 17 tháng 12 năm 2018.


THOẢ ƯỚC
 GIỮA
CHÍNH PHỦ HIỆP CHỦNG QUỐC HOA KỲ
 VÀ
 CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

VỀ VIỆC
 CHẤP THUẬN VIỆC GIAO HOÀN CÔNG DÂN VIỆT TRỞ VỀ NƯỚC

 Chính phủ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (sau đây được gọi là “Chính phủ Mỹ”) và Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam (sau đây được gọi là “Chính phủ Việt Nam”),
 Với nguyện vọng phát triển những quan hệ thân hữu giữa hai quốc gia, và thiết lập các thủ tục cho các giới thẩm quyền của cả hai nước về vấn đề chấp thuận việc những công dân Việt Nam bị chính phủ Mỹ ra lệnh trục xuất được nhanh chóng và trật tự,

Để thiết lập những thủ tục chung cho các giới chức liên hệ dựa trên những nguyên tắc pháp lý của mỗi quốc gia và trên trách nhiệm quốc tế phải chấp thuận sự trao trả các công dân bị hồi hương; và để tuân thủ các nguyên tắc pháp lý quốc tế đã được thừa nhận, để cho phép sự quyết định việc hồi hương của từng trường hợp một, và để thừa nhận quyền quyết định về quốc tịch của quốc gia tiếp nhận,
             Đã thoả thuận như sau đây:
 
Điều khoản 1
Các Quy định Tổng quát
1.Chính phủ Mỹ sẽ thi hành việc hồi hương của những công dân Việt Nam đã vi phạm luật pháp của Mỹ theo luật của Mỹ và quốc tế và theo những quy định của Thoả ước này. Việc hồi hương cần phải xét đến khía cạnh nhân đạo, tính hợp nhất của gia đình, và những hoàn cảnh của mỗi người trong từng trường hợp cá nhân.
             2. Chính phủ Việt Nam có thể xét việc giao hoàn những công dân của mình đã vi phạm luật pháp của Mỹ dựa trên việc thẩm xét các thủ tục pháp lý và hộ tịch và những hoàn cảnh của từng trường hợp cá nhân. Các cá nhân đương sự và thủ tục chấp thuận sẽ được dựa trên các điều kiện của Thoả ước này.
             3. Việc hồi hương sẽ được thi hành một cách trật tự và an toàn, và với sự tôn trọng nhân phẩm cá biệt của mỗi người bị hồi hương. Chính phủ Mỹ sẽ cho phép những công dân Việt Nam đã bị lệnh trục xuất có một khoảng thời gian hợp lý để họ dàn xếp những công việc cá nhân trước khi gửi trả họ về Việt Nam.
             4. Những người bị hồi hương theo Thoả ước này có quyền chuyển tiền và tài sản cá nhân hợp pháp của họ về Việt Nam.
             5. Chính phủ Mỹ sẽ trả phí tổn cho việc giao hoàn những người bị hồi hương về Việt Nam theo Thoả ước này, như đã được quy định ở Điều khoản 5 và bản Phụ đính 1. Chính phủ Mỹ sẽ còn trả phí tổn cho việc giao hoàn bất cứ người nào đã bị hồi hương vì nhầm lẫn, theo Điều khoản 3 của Thoả ước này.

Điều khoản 2
Những Người Có Thể Bị Trục xuất và Các Điều kiện Chấp thuận
1.Chính phủ Việt Nam sẽ chấp thuận việc giao hoàn những công dân Việt theo Điều khoản 1 và mục 2 của Điều khoản 2 của Thoả ước này, nếu sau khi điều tra cá nhân hội đủ những yêu cầu sau đây:
           (a)         Đương sự là một công dân của Việt Nam và không phải là một công dân của Mỹ hay là của bất cứ quốc gia nào khác;
 (b)          Đương sự trước đây đã cư trú tại Việt Nam và không có nơi cư trú hiện tại ở một quốc gia thứ ba.
 (c)          Đương sự đã từng vi phạm luật pháp của Mỹ và đã bị giới chức thẩm quyền ra lệnh trục xuất khỏi Hoa kỳ; và

(d)          Nếu đương sự đã bị kết án phạm tội (bao gồm cả việc vi phạm di trú), người này sẽ phải hoàn tất án tù trước khi bị trục xuất, và bất cứ sự giảm án nào cũng sẽ phải được thẩm quyền ban lệnh.
 2. Công dân Việt Nam sẽ không bị trao trả về Việt Nam theo Thoả ước này nếu họ đến Hoa Kỳ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995, ngày mà các quan hệ ngoại giao đã được tái thiết lập giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam. Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam duy trì lập trường pháp lý của mình liên quan đến việc công dân Việt Nam đến Mỹ trước ngày này.
 3. Trong trường hợp một công dân của Việt Nam đã nhập cư vào Hoa Kỳ từ một đệ tam quốc gia nơi mà người này có nơi cư trú vĩnh viễn và đã bị Mỹ ra lệnh trục xuất thì Chính phủ Mỹ sẽ tìm cách giao hoàn người đó lại cho quốc gia thứ ba này hay là xét cho phép người này ở lại Mỹ, trước khi yêu cầu tống khứ về Việt Nam.
 4. Trong bất cứ trường hợp nào mà Chính phủ Việt Nam thủ đắc được thông tin về việc hồi hương của một cá nhân mà trước đó chưa từng được xét định bởi Chính phủ Mỹ thì Chính phủ Việt Nam có thể yêu cầu tái thẩm xét nhân đạo dựa vào những hoàn cảnh đặc biệt của người bị hồi hương theo luật pháp của Mỹ.

Điều khoản 3
Giao hoàn Những Người Bị Hồi Hương vì Nhầm lẫn
Khi nhận được thông báo của Chính phủ Việt Nam là một người bị trao trả cho Việt Nam bởi Chính phủ Mỹ không hội đủ các tiêu chuẩn đề cập trong Điều khoản 2 của Thoả ước, thì Chính phủ Mỹ cần phải nhanh chóng tiếp nhận người này trở lại Hoa Kỳ mà không cần có thủ tục đặc biệt nào.
 Điều khoản 4
Các Thủ tục Chấp thuận
            1.Khi Chính phủ Mỹ tin rằng một người nào đó có thể bị trục xuất là công dân của Việt Nam và hội đủ các tiêu chuẩn trong khuôn khổ Điều khoàn 2 của Thoả ước này, thì Bộ Nội An của Mỹ, với tư cách của Chính phủ Mỹ, sẽ yêu cầu Chính phủ Việt Nam cung cấp những tài liệu du hành thích hợp và chuyển những hồ sơ thích hợp đến Chính phủ này. Những hồ sơ này sẽ bao gồm ba tập tài liệu, bản chính và hai bản sao. Bản chính và một bản sao sẽ phải được Toà Đại sứ Mỹ tại Việt Nam chuyển đến Bộ Công An Việt Nam (Ban Di Trú), và bản sao kia sẽ được gửi đến Bộ Ngoại giao Việt Nam (Ban Lãnh Sự).
             Mỗi hồ sơ sẽ gồm có một bản ghi chú ngoại giao yêu cầu Chính phủ Việt Nam tiếp nhận người bị trao trả, tên của người mà Chính phủ Mỹ tin là cần phải bị hồi hương về Việt Nam, những đơn đã được điền đầy đủ bởi người này (một tờ đơn mẫu được cung cấp ở Phụ đính 2 của Thoả ước này), một bản sao của lệnh trục xuất, và những tài liệu khác về tiểu sử, quốc tịch, lịch sử tội trạng, án lệnh thụ hình, và quyết định khoan hồng hay giảm án tội của người này. Lệnh trục xuất sẽ được dịch sang Tiếng Việt trên một mẫu chuẩn và lịch sử tội trạng bao gồm một hồ sơ của Trung Tâm Quốc Gia về Thông Tin Tội Ác [NCIC] bằng tiếng Anh được kèm theo bởi một khoá mật mã đã được dịch ra tiếng Việt. Tất cả các hồ sơ và các bản dịch sẽ được chứng thực bởi thẩm quyền Mỹ.
             2. Khi được Chính phủ Việt Nam yêu cầu, Chính phủ Mỹ sẽ sắp xếp và tạo thuận lợi cho việc phỏng vấn những người nằm trong phạm vi Điều khoản 2 (1) của Thoả ước bởi các giới chức di trú Việt Nam nhằm quyết định về các tình tiết liên quan đến quốc tịch Việt Nam, các chi tiết lý lịch, và nơi cư trú cuối cùng của các đương sự. Bộ Nội An của Mỹ sẽ sắp xếp nơi phỏng vấn. Chính phủ Mỹ cũng sẽ tạo thuận lợi cho các cuộc phỏng vấn những người có thể bị trục xuất mà Mỹ tin là công dân của Việt Nam bởi các giới chức lãnh sự của Chính phủ Việt Nam có căn cứ tại Mỹ.
             3. Chính phủ Việt Nam sẽ nhanh chóng phúc đáp Chính phủ Mỹ về những trường hợp được đề cập theo Điều khoản này sau khi việc chứng thực của Việt Nam đã được thực hiện. Nếu đã được quyết định là một người mà tên và hồ sơ đã được cung cấp cho Chính phủ Việt Nam theo Điều khoản này hội đủ các yêu cầu của Điều khoản 2, thì Bộ Công An của Chính phủ Việt Nam sẽ cấp một tài liệu du hành cho phép người đó được trở về Việt Nam, và sẽ gửi một văn bản thông báo cho Toà Đại sứ Mỹ tại Việt Nam biết.
             4. Khi chính phủ Việt Nam đã cấp giấy tờ du hành theo Thoả ước này thì Chính phủ Mỹ sẽ cung cấp một thông báo ít nhất là mười lăm (15) ngày trước chuyến bay và các dàn xếp du hành theo đó đương sự sẽ được trao trả về Việt Nam. Toà Đại sứ Mỹ tại Việt Nam sẽ thông báo cho Bộ Công An (Ban Di Trú) và Bộ Ngoại giao (Ban Lãnh sự) biết ngày và số chuyến bay, giờ đến, cảng đến (Phi cảng Nội Bài tại Hà Nội hay Phi cảng Tân Sơn Nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh), và các chi tiết liên hệ đến bất cứ những giới chức Mỹ nào hộ tống người bị giao hoàn (như là tên, ngày sinh, số của sổ thông hành, thời gian phỏng định ở lại tại Việt Nam, v.v…), và để cho phía Việt Nam xác nhận là đã nhận được những người bị trao trả.
 Khi một người đang chịu sự chăm sóc y tế bị trao trả về Việt Nam theo Thoả ước này, thì các giới chức hộ tống Mỹ sẽ cung cấp một bản hồ sơ bệnh lý của người đó cho các giới chức Việt Nam tiếp nhận ở tại cảng vào. Các giới chức hộ tống và tiếp nhận sẽ cùng ký một bản phúc trình chung chứng nhận việc hồi hương của đương sự.
 Điều khoản 5
Các Chi phí
             1.Chính phủ Mỹ sẽ trả phí tổn cho việc chuyên chở những công dân Việt Nam đến Việt Nam theo Thoả ước này.
             2. Chính phủ Mỹ sẽ trả các phí tổn cho việc tiếp nhận các người bị hồi hương bao gồm: chi phí nhận thực, sự tiếp nhận tại phi cảng và chuyên chở các đương sự từ phi cảng đến những nơi cư trú theo Phụ đính 1 đính kèm.
             3. Chính phủ Mỹ sẽ trả phí tổn cho việc sắp xếp các giới chức Việt Nam liên hệ phỏng vấn những người mà Chính phủ Mỹ tin là công dân Việt Nam và phải chịu bị hồi hương theo Thoả ước này.
             4. Chính phủ Mỹ sẽ trả phí tổn cho việc trở lại Hoa kỳ của những người bị hồi hương vì nhầm lẫn, như đã được quy định ở Điều khoản 3 của Thoả ước này.

Điều khoản 6
Hiệu lực và Thời hạn
1.Thoả ước này sẽ có hiệu lực sau sáu mươi (60) ngày kể từ ngày có chữ ký của cả hai Chính phủ.
 2. Khi có hiệu lực, Thoả ước này có giá trị năm năm. Sau đó Thoả ước sẽ tự động triển hạn cho thời hạn cứ ba năm một trừ phi có văn bản thông báo không triển hạn của một Chính phủ này gửi cho chính phủ kia ít nhất là sáu tháng trước khi Thoả ước hết hạn.
 Điều khoản 7
Tu chính và Bổ sung
            Thoả ước này có thể được tu chính hoặc bổ sung bằng văn bản thoả hiệp của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ qua những đường dây ngoại giao thích hợp.
Điều khoản 8
Giải Quyết Tranh tụng
            Bất cứ những tranh tụng nào liên quan đến việc diễn nghĩa hay ứng dụng Thoả ước này sẽ được giải quyết qua những đường dây ngoại giao thích hợp.
Điều khoản 9
Đình chỉ hoặc Chấm dứt
            Thoả ước này có thể bị đình chỉ hay chấm dứt bởi một trong hai Chính phủ. Việc đình chỉ hay chấm dứt Thoả ước sẽ có hiệu lực ba mươi (30) ngày sau kể từ ngày một Chính phủ nhận được văn bản thông báo từ Chính phủ kia về ý định đình chỉ hay chấm dứt.
            Làm tại Hà Nội, ngày 22 tháng Giêng, năm 2008 thành hai bản bằng ngôn ngữ Anh và Việt, cả hai văn bản đều đồng thực thụ như nhau.
 
  KÝ THAY CHO CHÍNH PHỦ                             KÝ THAY CHO CHÍNH PHỦ 
HIỆP CHỦNG QUỐC HOA KỲ              CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨAVIỆT NAM
Julie Myen                                                 (không nhận ra tên của chữ ký)

 Người dịch: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

Vì không có nguyên bản tiếng Việt của Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nên TS. Nguyễn văn Thái đã tạm dịch sang tiếng Việt để phục vụ những người cần được đọc bản Thoả ước bằng tiếng Việt. Do đó, bản tiếng Việt này không nên dùng như một tài liệu chính thức trong việc diễn nghĩa hay trích dẫn. Văn bản bằng tiếng Anh được đính kèm theo sau đây để quý đồng bào có phương tiện đối chiếu.
 Tiểu Thạch Nguyễn văn Thái, Ph.D.

No comments:

Post a Comment