Aging in a Foreign Land
Andrew Lam
Cõi Già Trên Đất Lạ
Nguyễn Đức Nguyên chuyển ngữ
Andrew Lâm là một nhà văn trẻ, Việt Kiều, khá thành công trong những bài viết của ông về cộng đồng Việt cho độc giả Mỹ. Anh là con trai của Cựu Trung Tướng Lâm Quang Thi. Bài được viết theo tâm sự của mẹ tác giả, bà Lâm Quang Thi.
Cõi Già Trên Đất Lạ
Người Việt có một câu nói: Mỹ là thiên đường giới trẻ, địa ngục giới già. Nay tôi đã vào cái tuổi giữa 70, câu nói này thật là thấm thía. Mỹ có tất cả những sản phẩm dành cho thanh thiếu nhi: đồ chơi, phim ảnh, máy chơi điện tử thính thị, khu giải trí có chủ đề (theme parks). Còn đối với người già, thì chỉ có sự cô lập và nỗi cô đơn.
Căn bản nếp sống của người Việt dựa vào gia đình, cộng đồng, và khi ta mất những cái đó, ta mất đi một phần lớn cái tôi. Khi còn sống ở Việt Nam, tôi không bao giờ nghĩ đến việc sinh sống tại một nơi nào khác ngoài quê hương. Ta sống và chết nơi tiền nhân đã sống và đã chết. Ta có thân nhân, giòng họ; ta có gia đình, có những miếu đền.
Một khi ta đã quen miền đất với mồ mả tổ tiên, ta sẽ không còn sợ tử thần và cái chết. Nhưng tại Mỹ, lối sống cũ của chúng ta không còn nữa. Ngày nay, bạn bè và thân nhân của chúng ta tản mạn khắp nơi trên thế giới.
Tại Mỹ, càng già càng mất mát nhiều – bạn bè, thân nhân, trí nhớ, khả năng di chuyển, và ý nghĩ của chính mình. Chuông điện thoại kêu. Tôi nhấc ống máy. Đây là bà tên-này-tên-nọ ở Los Angeles. Bà mắc bệnh tiểu đường và mới bị cưa chân. Rồi chuông điện thoại lại reo nữa: Ông tên-ni-tên-nớ ở Georgia bị ung thư phổi, chỉ còn sống khoảng vài tháng. Ở Việt nam, chúng tôi đều là bạn thân. Nhưng với cái tuổi đời chồng chất như tôi, tôi làm sao đến thăm họ được khi họ hàng ngàn cây số cách xa? Làm sao ta tưởng tượng được đến việc gọi điện thoại cho người bạn thân khi họ nằm chờ chết trong bệnh viện, để nói lời xin lỗi là không thể tận mình đến viếng thăm được lần cuối. Ấy vậy, tôi làm điều này mỗi tháng, buồn lắm.
Tôi và chồng tôi, chúng tôi dự định đi một chuyến du lịch Âu châu vào kỳ hè tới đây. Chuyến đi này là chuyến đi cuối cùng, để nói lời giã biệt thân nhân bè bạn. Chúng tôi biết là sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ không đi đây đi đó được nữa vì sức khỏe đã kém, sẽ không thấy mặt họ nữa. Tôi gần như không bước xuống được cầu thang nhà vì đầu gối chân rất đau. Nhà thì đã bán, giờ thì chúng tôi ở trong một chung cư có thang máy vì đó là điều kiện duy nhất mà chúng tôi có thể sống độc lập không nhờ vả đến ai bây giờ.
Điều mà tôi quan tâm nhất là trí nhớ suy sụp rất nhiều. Tôi là người giữ gia phả của giòng họ, nhưng tất cả đều nằm ở trong đầu. Biết ai liên quan với ai như thế nào trong họ là nghề đặc biệt của tôi, người con gái trưởng trong nhà. Nhưng không một đứa con nào của tôi biết được những mối dây liên hệ gia đình trong gia tộc, ngay cả đến những người em của chính tôi. Không có tôi, họ hàng thân thích sẽ trở thành kẻ xa lạ nếu tình cờ gặp nhau trên đường phố. Tôi có thể nhớ đến được những bà con cô dì chú bác ba đời của gia đình bên tôi và của cả bên chồng. Tôi phải viết xuống trước khi trí nhớ tôi lụt hết.
Thỉnh thoảng vào buổi sáng khi thức dậy, tôi lặng nhìn cây cối ngoài phố và tự hỏi tôi đang ở nơi nào. Đôi lúc, tôi đi sang khu chung cư kế cận, nơi có một số mèo hoang, và cho chúng ăn những thức ăn thừa. Khi tôi cất tiếng gọi, chúng nhận ra giọng nói của tôi và bổ xua lại. Bây giờ, chúng là những niềm vui nhỏ của tôi.
Đương nhiên những ngày hạnh phúc nhất là những ngày con cháu đến thăm. Nhưng chúng cũng có đời sống riêng, thỉnh thoảng chỉ đến chơi được một lúc rồi về, tôi làm gì cho hết những khoảng thì giờ trống trải sau đó?
Mẹ tôi, bà mất năm bà 97 tuổi, và mẹ chồng tôi, qua đời lúc 95 tuổi; cả hai người có sống chung trong một khu dưỡng lão nhiều năm. Tôi thường đi xe buýt đến thăm hai bà mỗi ngày, ngay cả khi còn đi làm. Từ lúc đó tôi đã biết cái thảm não của người già trên đất Mỹ, ngay khi tôi còn trẻ trung mạnh khỏe. Các nhân viên điều dưỡng ở đó thường nói với tôi là hai bà có phước lắm, thường có được con cháu đến thăm. Tôi trả lời: “Đó là lối sống của người Việt Nam”. Còn những người già khác, con cháu họ ít đến. Tôi có nhớ một số bà lão, ngồi trên những chiếc xe đẩy, ngóng trông con cháu hay người thân, ngày này qua ngày khác, nhưng chẳng thấy ai. Có cả một bà cụ, cụ còn sống lâu hơn những người con trai; mỗi ngày bà vẫn ngồi chờ trông mong hình ảnh người con trai bước qua khung cửa. Thật tội nghiệp khi người ta sống dai như vậy trong sự cô đơn!
Ở xứ Mỹ này, tuổi già đúng là tuổi lỡ thời; cả hai đều không được người ta kính nể hay cho một chút gì quan trọng. Ở quê nhà, các ông già bà lão thì được nể vì nhất, vì họ là những người chia xẻ túi khôn cùng kinh nghiệm cho những người đi sau. Điều đó không có ở đây. Không ai muốn nghe tiếng nói của người già. Họ cảm thấy bị cô lập ngoài vòng ranh giới của con cháu Mỹ hóa của họ. Chúng cười vang về nhiều thứ mà tôi không hoàn toàn hiểu được. Mỹ đúng là một quốc gia của giới trẻ hơn là giới già như tôi.
Vào những buổi chiều mùa đông, tôi ngồi nhìn những hàng cây trơ trụi lá, tâm hồn lạc lõng. Tôi nghĩ về cái thế giới mà tôi đã biết, nay đã bay xa, như làn khói hương trầm. Tôi nghĩ đến cố hương, đến những mùa lễ Tết ở Saigon, đến những đám cưới, đám hỏi, đến những chuyến du lịch, những lần tíu tít họp mặt gia đình, ai ai cũng có mặt, con nít chạy quanh, người lớn ngồi nói chuyện đời chuyện gẫu, đàn bà con gái quây quần chung lo việc bếp nước. Và tôi cảm thấy rất khao khát những ngày quá khứ xa xưa.
Andrew Lam ( Lâm
Quang Dũng)
Andrew Lâm thân mến,
ReplyDeleteĐọc bài viết Tuổi già viễn xứ tôi thấy bạn bi quan quá.
Ngược lại bài viết bạn người Tây Phương gọi tuổi già là thời Hoàng Kim (Âge d ́ Or) là tuổi đẹp nhất.
Đẹp là vì lúc đó mình rãnh rang nhất, có lương hưu bổng, không phải chạy lo kiếm sống, con cái đã lớn thành đạt có đời chúng nó mình không phải bận rộn lo lắng. Cháu con đến chơi lâu lâu một lần cũng đủ vui rồi, không phải đòi hỏi gì hơn.
Tôi đã từng trải qua một cơn giải phẩu thay tỉnh mạch tim, mê mang cả tháng trời. Được sống lại tôi thấy cuộc đời quí giá vô cùng. Mình được sống tại Âu Mỹ, có đóng bảo hiểm xã hội, thuốc men, đi bác sĩ, đi nhà thương đều được miễn phí. Khác với em tôi tại Phan Thiết cùng bị bệnh vào bệnh viện, đầu tiên là tiền đâu, bác sĩ nhắm không đủ tiền là bảo đem về nhà, chờ chết. Vợ tôi có đứa cháu đi xe Honda, đụng xe chở vào nhà thương và chết không một cấp cứu, vì không có người nhà hay biết đi theo mà chi tiền, từ gát cổng đến y tá đến bác sĩ.. Cả tháng sau cả nhà tìm kiếm, mới biết được con cháu nằm nhà xác. Những điều bạn viết về một quê hương thiên đường, đầy tình người chỉ là ảo ảnh, tất cả chỉ có tiền, bạn phài giàu phải có tiền thì mua tiên cũng được.
Bạn ơi đừng quay về quá khứ xa xưa làm gì, phải còn cả trăm năm Việt Nam mới theo kịp xã hội Âu Mỹ chúng ta đang ở.
Tuổi già, bạn hãy sữa soạn và sống với tuổi già, đừng để nhàn cư vi bất thiện nghĩ những điều vớ vẫn. Dù cái quỷ thời gian cuộc sống không nhiều nhưng hãy sống có chất lượng, và quý trọng từng giây phút quý báu. Mỗi buổi sáng mở cửa nhìn nắng mai tươi đẹp, hãy cám ơn trời đất cho ta một ngày đẹp, ngày mưa ngày gió vẫn có cái đẹp của nó, Âu Mỹ hệ thống thư viện, hệ thống Viện Bảo Tàng miễn phí, biết bao cái hay cái đẹp ta chưa biết hãy đi viếng thăm, hãy mượn sách về đọc.Mở truyền hình có biết bao nhiêu chương trình du lịch thắng cảnh thế giới.
Trong mỗi thành phố ta đang ở đều có câu lạc bộ thể dục, thể thao, lớp dạy hát dạy đàn, dạy hội họa, điêu khắc. làm đồ gốm.. Bạn hãy ghi tên tham gia một cái bạn thích bạn sẽ khám phá ra tài năng đáng ngạc nhiên của bạn.
Hay bạn lên internet tìm các bài viết. Bạn hãy đánh tên TS Phạm Trọng Chánh site Chimvietcanhnam, nghiêncưulichsư, saimonthidan, khoahocnet xem hàng trăm bài tôi viết những khám phá mới lạ về Hồ Xuân Hương Nguyễn Du và rất nhiều thi hào Trung Quốc, Hy Lạp, Ý, Pháp..
Mong bạn sẽ tìm thấy cuộc đời lạc quan qua những bài tôi viết.
Tiến Sĩ Phạm Trọng Chánh PBC 69
Minh Nguyen Thi
DeleteĐoạn cmt chí lý !
Nói sao cho hết những tiện ích những sinh hoạt và điều kiện kinh tế ,y tế ,hưu bổng của các người lớn tuổi về hưu ở các nước tân tiến : dù tôi khg được ở các nước tân tiến nhưng nhìn cuộc sống của các bạn tôi đa số sau khi đã làm việc một thời gian dài đến gần 70 tuổi ,chỉ nói đa số các bạn làm nhân viên công hoặc tư khg phải là những Ông Chủ doanh nghiệp ...thế mà đời sống họ thật vui vẻ : người khá giả nhiều thì đi du lịch xa ra nước ngoài và ở những khách sạn sang ,người trung bình thì đi du lịch trong nước ở các tiểu bang ...rủ bạn hữu cùng trang lứa đã về hưu cùng đi du lịch đây đó và các bạn của họ cũng dư điều kiện để đi du lịch xa cùng nhau ...chứ ở trong nước với tiền lương về hưu thì muốn rủ bạn cùng đi du lịch xa cùng nhau cũng khó gặp bạn có đủ điều kiện về thời gian ,sức khoẻ và tiền bạc ...để đi chơi cùng ...mà bạn tôi ở các nước tân tiến như Mỹ Úc thì về Việt Nam! rủ bạn đi du lịch cùng thường là các bạn ở Mỹ ,Úc " bao tiêu " cho các bạn ở Việt Nam! thì mới có người đi cùng và rất hiếm khi được " bao " ngược lại ...nói vậy khg phải những bạn trong nước mong " lợi dụng " các bạn ở nước ngoài về ...nhưng mà điều kiện kinh tế của các bạn trong nước khi về hưu rồi thì khó khăn hơn ...nên khg thể " sánh bước " được như các bạn về hưu ở nước ngoài ...đó là thực tế khg thể chối cải hay sĩ diện mà nói dối là bằng nhau !
Thất thập khổ như ri!
ReplyDeleteThời buổi bây giờ lứa tuổi các cụ 70 không còn là của hiếm nữa. Nhưng cái tuổi 70 rất lạ. Trước đó nhiều người còn thấy khá dẻo dai, khỏe mạnh tưởng chừng cứ thế mãi đến lúc ra đi. Vậy mà bước sang 70, cứ như một bước ngoặt lớn. Nhiều người nghiệm thấy đến cái tuổi này bỗng dưng cảm thấy rõ những biến đổi trong cơ thể hơn bao giờ hết.
Ngày xưa chân nhảy lò cò, vỉa hè sân gạch, tung tăng, giờ có những lúc liêu xiêu khi đứng một chân, xỏ quần, xỏ giầy thấy loạng quạng. Chắc ai cũng có cảm giác đến cái tuổi này bỗng nhức đầu, chóng mặt bất tử. Ngồi lâu đứng dậy, tê cứng lưng, chân, thành đi lòng khòng. Các khớp chẳng cần trở trời cũng long sòng sọc, kêu khùng khục, răng rắc nghe chối cả tai. Mà cái tai nào có chịu thua, nghe tiếng được tiếng không, chữ tác tưởng chữ tộ. Đôi mắt ngày xưa trong veo, tuổi trẻ mơ màng, giờ mơ huyền. Trước đọc liền hàng trăm trang sách không mỏi, giờ loạng quạng bấm phím chữ díu vào nhau, muốn viết thế này nó lại thành thế khác, người ta đọc không hiểu nổi ý mình.
Đến tuổi này, có người thì gầy đi, càng ngày càng teo, có người thì càng ngày càng phình, mà lại phình những chỗ không mong muốn mới chán ��. Cổ cao ba ngấn còn có ngấn rưỡi. Hai mí mắt bỗng mất tiêu mất một, còn cái cằm giờ lại thành hai, làm khuôn mặt trở nên phúc hậu một cách bất ngờ ��. Quá tuổi sinh đẻ từ lâu mà lúc nào bụng cũng cứ như bụng bà bầu, 4, 5, 6 tháng tùy theo, chẳng giấu được ai ��.
Rồi bệnh nọ tật kia kéo đến ầm ầm. U cục mọc lung tung, trong ngoài phát ra như nấm độc. Cả đời đã ngấm bao đắng cay, chua chát, vậy mà bây giờ ngọt ngào phát sợ, ngọt đến tận máu. Không tin xin cứ thử đường huyết, nó tăng cao không ngờ ��! Ngày xưa nhẫn nhịn thế, xếp hàng mua hàng tem phiếu hàng tiếng đồng hồ không sao, bây giờ hơi tí là bốc hỏa, mặt đỏ tía tai, nhưng chẳng làm gì được ai mà chỉ có nước ngồi... thở và uống thuốc... hạ huyết áp! Trái tim khó bảo, chẳng vì một bóng hồng hay một trang nam tử nào, mà chỉ sau một gắng sức nho nhỏ cũng cứ đập loạn lên ��.
Tiền "bạc" rất yêu, màu đen tăm tối chẳng mấy ai mê, vậy mà tóc " bạc" không ai thích, cứ muốn nó mãi đen nhánh. Dùng hết phẩm nọ màu kia mà các chân tóc cứ ngoi lên sáng trắng ��. Còn tóc để nhuộm là may. Có những người đầu cứ bị phát quang mãi đến lúc thành sân vận động. Mái tóc bồng bềnh, mượt mà hay gợn sóng một thời, nay chỉ còn trong những tấm ảnh kỷ niệm.
Lại nhìn lớp da nhăn nheo mà phát buồn. Chân chim chân cò, rãnh dọc rãnh ngang, những dấu vết thời gian chỉ ngày càng rõ nét hơn.
Đôi bàn tay mịn màng bất chấp mọi loại kem dưỡng, chúng cứ gân guốc dần, khẳng khiu dần.
Cái đầu nhớ nhớ quên quên! Nhìn mặt quên tên! Nhớ tên quên mặt!
Đi chợ được dặn mua 7 thứ quên 3!
Suốt ngày đi tìm chìa khóa và kính lão....!
Hỡi ôi! Thất thập khổ như ri, bát thập, cửu thập còn như thế nào nữa? Hu hu ����.
Minh Nguyen Thi
ReplyDeleteTác giả là người nhiều tuổi và sống ở nước ngoài nên nhớ quê hương và nhớ những điều hay của quê hương :viết nỗi buồn tiếc cho tuổi già ,so sánh ...rồi buồn !
Nhưng theo tôi nghĩ : thì tuổi già chắc chắn là buồn hơn tuổi trẻ rồi ...và so sánh thì so sánh tuổi già ở các nước với nhau : từ nước tân tiến đến nước nghèo ( các nước Đang Phát Triển )
Tác giả nói : tuổi già mà ở bên Mỹ mÂu thì khg được con cháu hay giới trẻ kính trọng ...,còn ở quê nhà thì được mọi người kính trọng ! Theo tôi thấy thì cũng tuỳ người ,tuỳ hoàn cảnh ,tuỳ vùng ...ngay cả ở trong nước mà người già ,ít hiểu biết ,hoặc lẩm cẩm ...thì nói ai nghe ? Tiếng nói làm sao có hía trị ??v v...
Còn tuổi già khoảng 67-70 tuổi như vài bạn tôi biết ở Mỹ vẫn còn có sức khỏe đi đây đi đó thì họ đã làm việc và có tiền hưu ở Mỹ đủ cho đời sống mỗi năm đi du lịch ra nước ngoài 2 lần thì các bạn ấy vẫn sung sướng hơn 1 số bạn của tôi ở trong nước : chỉ mong tiền hưu đủ sống ,khg phải nhờ vã đến con của mình ,và khg đau bệnh già chi nhiều ...để lương hưu và bảo hiểm y tế còn đủ chi trả ,nếu bệnh nặng thì chỉ trông vào tiền để dành của chính vợ chồng mình mình thời còn trẻ ....chứ đâu dám nghĩ đến việc một năm du lịch nước ngoài 1 lần ?? Chỉ có thể là du ngoạn loanh quanh trong nước ...đa số là như vậy ! Đó là khg đau bệnh chi nặng nhé !,
Cho nên tuổi già ở nước ngoài đừng than buồn vì các bạn ở trong nước sẽ thấy đó là Nỗi buồn xa xỉ ?
Khg phải tôi viết " cay cú " ,nhưng tôi chỉ muốn phân tích rõ đời sống tuổi già của các bạn tôi ở Mỹ ,hơn nữa : các bạn tôi ở Mỹ ,ở Úc lúc về hưu rồi còn có kinh tế khả quan để về nước " chiêu đãi " mời bạn học thời trung học hoặc Đại học họp mặt có lúc 40-50 người ,còn các bạn làm việc ở trong nước thì có mấy ai dù là " Đại Gia "cũng chỉ mời được chục người là đông lắm rồi đó là số ít khoảng 1-2 người " Đại gia " ,còn đa số thì phải chăm lo cho cháu nhỏ giúp con mình ...đó là thực tế và tuổi già ở quê hương thôi ,để tác giả viết bài nầy " bớt buồn " !