Friday, July 16, 2021

NHẠC SĨ NGUYỄN ĐỨC, NGƯỜI THẦY TẬN TỤY VỚI TRÁCH NHIỆM – Biên soạn: Phan Anh Dũng

Chiều 26 tháng 5, 2015 trong lúc đang lái xe, tôi nhận được điện thoại của nhạc sĩ/nhà báo Trần Chí Phúc từ Nam Cali cho biết nhạc sĩ Nguyễn Đức vừa qua đời và anh đang viết bài tưởng niệm. Tôi hỏi:” Nhạc sĩ Nguyễn Đức nào? có phải là ‘Lò Nguyễn Đức’ chuyên đào tạo các ca sĩ không?”. Đúng rồi, Trần Chí Phúc cho biết thêm: Ông có thời gian qua ở Toronto, Canada nhưng đã về Sài Gòn và mất tại Sài Gòn!

Chiều về đến nhà thì nhận được email đính kèm Phân Ưu từ Nhạc sĩ Lê Dinh ở Montréal, Canada. Sau đó Trần Chí Phúc gởi thông báo bài viết sớm nhất: “Giã biệt nhạc sĩ Nguyễn Đức, người thầy ca nhạc kính mến” ở link của SBTN website.

Tôi nhớ mấy năm trước nhà văn Lê Văn Phúc ở Virginia cho biết Ông hay gọi điện thoại viễn liên với các nhạc sĩ Lê Dinh (Montréal), Phan Ni Tấn (Toronto) và Nguyễn Đức (Toronto). Chị Thy Nga – lúc còn làm phóng viên cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) – cũng đã thực hiện 2 buổi phỏng vấn rất hay và tự nhiên với Nhạc sĩ Nguyễn Đức năm 2005 và 2008 trong Chương trình Âm Nhạc Cuối Tuần do chị phụ trách. Giọng nói của Ông trong 2 kỳ phỏng vấn này còn mạnh và trí nhớ còn rất rõ ràng về kỷ niệm với các học trò do Ông đào tạo.

Tôi viết email cho Nhạc sĩ Phan Ni Tấn và nhà văn Song Thao là 2 người đã sinh sống nhiều năm ở Toronto. Nhạc sĩ Phan Ni Tấn gởi ngay cho tôi một tấm hình chụp với Ông và hứa sẽ viết bài kỷ niệm (mời xem bài viết ở dưới).

Ngược dòng thời gian về sinh hoạt ca nhạc ở miền Nam Việt Nam trước 1975, một số nhạc sĩ ngoài sáng tác nhạc, dạy nhạc chính thức tại các trường học, làm nhạc công cho ban nhạc, cộng tác với đài truyền thanh hay truyền hình, tham dự đại nhạc hội v v còn mở các lớp dạy nhạc, đào tạo ca, nhạc sĩ.  Nhiều lớp nhạc ở Sài Gòn đã mở ra do các nhạc sĩ sau đây đảm trách: Hoàng Trọng, Nguyễn Đức, Tùng Lâm, Lê Minh Bằng, Ngọc Sơn, Hoàng Lang, Lan Đài (có sự cộng tác của Hoàng Nguyên, Diên An, Phó Quốc Lân…), Hoài Nam, Bảo Thu, Lớp Nắng Hồng (Mặc Thế Nhân, Anh Sơn…), Lớp N.T. Nguyên Thảo (Trầm Tử Thiêng, Hoàng Nguyên …)

Nhạc sĩ Nguyễn Đức nổi tiếng với “lò” đào tạo ca sĩ thật trẻ (thường dưới 13 tuổi) và cho thực tập qua các ban Rạng Đông, Việt Nhi ở đài phát thanh. Ông được sự tín nhiệm của phụ huynh với phương pháp luyện thanh, phát âm cho chuẩn và học ký âm pháp … Một số ca sĩ từ lò của Ông đã thành danh và một số vẫn còn đi hát cho tới bây giờ như Hoàng Oanh, Thanh Lan, Phương Hồng Quế …

Xin tri ân Nhạc sĩ Nguyễn Đức, một người Thầy tận tụy, dễ mến và đáng kính, đã bỏ công sức đào tạo nhiều ca sĩ cho Việt Nam Cộng Hòa. Những “giọng ca có huấn luyện này” đã giúp đem lời ca, tiếng nhạc, tâm tình của nhạc sĩ đi xa hơn, bay bổng hơn.

Xin chia buồn cùng tang quyến, bạn thân và học trò của Nhạc sĩ Nguyễn Đức. Cầu mong hương linh Ông sớm tiêu diêu miền Cực Lạc.

Phan Anh Dũng (Richmond, Virginia USA – 31 tháng 5, 2015)









Nhạc sĩ Nguyễn Đức và khả năng đào tạo ca sĩ

Dù dòng thời gian đã thấm thoát đã bốn thập niên qua, âm hưởng trẻ trung ngọt ngào của ba giọng ca mầm non trong Ban Tam Vân vẫn còn vang vang trong lòng giới thưởng ngoạn văn nghệ của Sài Gòn năm xưa. Nhắc đến Bích Vân, Phước Vân, Ngọc Vân tức là nhắc đến bước đầu của một công trình đào tạo cam go và một đóng góp lâu dài cho nền Tân nhạc Việt Nam của một tên tuổi quen thuộc: Nhạc Sĩ Nguyễn Đức.

Quê quán tận miền Tây (Bạc Liêu, Cà Mau), nhạc sĩ Nguyễn Đức đã bước chân vào ngưỡng cửa âm nhạc vào lúc tuổi đời còn rất trẻ. Năm lên 8, Nguyễn Đức đã biết sử dụng Mandoline và đến năm 15 tuổi, đã biểu diễn sử dụng hai nhạc khí Mandoline và Harmonica cùng một lúc trong chương trình chọn lựa tài tử do Ông Hoàng cao Tăng (Đài phát thanh Pháp Á) tổ chức. Vào năm 1953, Nhạc sĩ Nguyễn Đức bắt đầu dạy hát và thành lập nhóm Rạng Đông. Trong bước đầu dấn thân vào việc thực hiện công trình tuy lý thú nhưng đầy khó khăn này, nhạc sĩ Nguyễn Đức chú trọng đến các em thiếu nhi (đa số là các em gái tuổi từ 12-13) và đã lựa chọn 3 em để thành lập Ban Tam Vân (Bích Vân, Phước Vân và Ngọc Vân). Ban Tam Vân có lối trình diễn rất đặc biệt, vừa nhảy thiết hài (Claquette), vừa sử dụng maraccao, Guiero, Tambourin và hát ba bè.

                 

                

Bộ “tam ca kích động nhạc” này đã từng trình diễn trong các chương trình Đại Nhạc Hội và vài khiêu vũ trường tại Sài Gòn. Song song với việc thành lập ban Tam Vân, nhạc sĩ Nguyễn Đức còn đào tạo thần đồng Phương Lan và ca sĩ Thanh Phong lúc ấy mới 12 tuổi. Sau này, chính nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đưa Thanh Phong về hợp tác với Phương Đại và Duy Mỹ để thành lập Ban Sao Băng đã một thời vang tiếng trên Đài Phát Thanh và Đài Truyền hình Việt Nam trước 1975. Vào những năm vàng son của nền Tân nhạc Việt Nam, giới yêu nhạc Sài Gòn không ai là không biết đến những giọng ca nổi tiếng một thời như Hoàng Oanh, Thanh Lan, Kim Loan, Quốc Dũng, Anh Thoại… và một số ca sĩ bắt đầu bằng chữ “Phương” như Phương Hồng Quế, Phương Hồng Hạnh, Phương Hòai Tâm, Phương Hồng Ngọc… Đó đều là những công trình đào tạo của nhạc sĩ Nguyễn Đức từ năm 1960.

Cũng trong năm này, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã thành lập Ban Việt Nhi ở Đài Phát Thanh Quốc Gia vào năm 1962, cho ra đời ban Giờ Nhi Đồng, cả 2 qui tụ khoảng 40 em thiếu nhi. Về sau, vì số lượng quá đông, anh có lập thêm “Ban Gia Đình Văn Nghệ Nguyễn Đức” trên làn sóng của Đài Quân Đội. G.Đ.V.N.N.Đ gồm có 4 ban hợp ca nữ, mỗi ban có 14 ca sĩ và mỗi năm đều có mặt trên màn ảnh thời sự chiếu ở các rạp chiếu bóng để mừng xuân. Sự đóng góp của nhạc sĩ Nguyễn Đức vào lãnh vực văn nghệ hết sức đa dạng. Ngoài việc đào tạo ca sĩ và hướng dẫn tài năng trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Đức còn đào tạo xướng ngôn viên cho các đài truyền thanh và truyền hình như: Bạch Yến, Xuân Kiều, Phương Hồng Trinh. Anh cũng từng là cố vấn văn nghệ cho các đài truyền thanh và truyền hình như Tiếng Nói Thủ Đô, Chương trình Nha Động Viên, Chương trình Người cày có ruộng của Phòng Nông Nghiệp.

    

Người nghệ sĩ đa tài này rời khỏi quê hương và đến định cư tại Toronto vào tháng 11 năm 1991. Sự có mặt của nhạc sĩ Nguyễn Đức tại Toronto đã thổi một luồng gió mới sinh động vào những hoạt động văn nghệ của thành phố thương mại này. Kiếp tằm phải tiếp tục nhả tơ, mặc dầu tuổi đời đã cao, sức khỏe kém, nhạc sĩ Nguyễn Đức vẫn tiếp tục con đường đã định sẵn: phục vụ âm nhạc, phục vụ giới trẻ, lòng thiết tha mang tâm hồn của tầng lớp trẻ Việt Nam ở hải ngoại trở về với nét đẹp quê hương qua cung đàn tiếng nhạc. Trong niềm hòai vọng đó, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã tham gia trong chương trình Việt Ngữ (Heritage Languages Program) để hướng dẫn cho một số giáo viên về ký âm pháp để tập hát cho học sinh Việt Nam. Ngòai ra, nhạc sĩ còn giúp đào luyện một số tài năng trẻ say mê âm nhạc có cơ hội trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Trong chiều hướng đó, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã qui tụ được một số giọng ca đầy triển vọng vào năm 1993, nhóm Bừng Sáng ra đời tại Toronto với tiếng hát Hòan Vũ, Minh Nguyệt, Tử Lê, Lan Hương, Ái Ly, Huy Khang, Thùy Trang, Xuân Hằng và Thái Hòa. Được sự hướng dẫn tận tình của người nhạc sĩ và cũng là bậc thầy giàu kinh nghiệm, nhóm Bừng Sáng đã hoạch định cho mình một hướng đi trong tương lai: “Đoàn kết, luyện tập chu đáo với những tiết mục mới lạ mong đem lại cho giới mộ điệu một làn gió mới cho không khí văn nghệ ở Toronto”.

          

          Nhạc sĩ Nguyễn Đức & Trường Kỳ

Bước thời gian sẽ không bao giờ ngưng đọng và mỗi ngày qua đi sẽ để lại trong lòng người nghệ sĩ nhiều kỷ niệm khó quên. Giờ đây, với 75 tuổi đời qua, mái tóc phai màu, nhìn lại quá khứ, suốt đoạn đường dài, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã sống và cống hiến từng hơi thở mình cho giới trẻ và cho tiền đồ của nền Tân Nhạc Việt Nam. Rồi đây, nếu có lúc nào “đốt lò hương cũ, so phím tơ xưa”, người nghệ sĩ lão thành chắc sẽ cảm thấy mãn nguyện vì trong những công trình và những gắn bó yêu thương đã ràng buộc đời nghệ sĩ theo từng bước hưng vong của làng âm nhạc Việt Nam.

Trường Kỳ (12/9/2005)

Giã biệt nhạc sĩ Nguyễn Đức – người thầy ca nhạc kính mến
                                     Trần Chí Phúc / SBTN

Sinh năm 1929 tại tỉnh Bạc Liêu, nhạc sĩ Nguyễn Đức là người hăng say họat động lãnh vực truyền bá văn hóa nghệ thuật cho các em thiếu nhi.  Chơi đàn Mandoline và Guitar giỏi, năm 1949, lúc 20 tuổi, ông tham gia Hội Truyền Bá Chữ Quốc Ngữ và dạy hát cho ca sĩ Thanh Phong, sau này cùng với Phương Đại và Duy Mỹ lập ra ban tam ca Sao Băng. Sau đó ông dạy cho ba cô Ngọc Vân, Bích Vân, Phước Vân thành lập ban Tam Vân.

Qua các họat động này, Ban Văn Nghệ đài phát thanh Sài Gòn mời ông lập ban ca nhạc cho thiếu nhi lấy tên là Ban Việt Nhi vào năm 1960, chương trình phát mỗi tuần 1 lần được thính giả ưa thích. Ngòai ca hát, chương trình này còn có mục y học thường thức cho các em miền quê , mục kể chuyện vui và cung cấp những kiến thức bổ ích cho giới nhi đồng.

Sau đó nhạc sĩ Nguyễn Đức lập thêm Gia Đình Văn Nghệ Nguyễn Đức dành cho  các em trong ban Việt Nhi bước qua tuổi lớn hơn và tiếp tục dạy cho họ kiến thức về ca nhạc. Những ca sĩ thành danh đã từng ở trong ban Việt Nhi và học trò của ông như Hòang Oanh, Thanh Lan, Kim Loan, Phuơng Hồng Quế, Phương Hòai Tâm, Phương Hồng Ngọc…

Ca sĩ Thanh Lan kể rằng hồi còn bé nghe chương trình Việt Nhi trên đài phát thanh Sài Gòn nên rất thích và xin mẹ tham gia vào Ban Việt Nhi lúc 12 tuổi, hát hợp ca  bản Hội Nghị Diên Hồng và đi trình diễn ở  một số nơi như Tòa Đô Chính, trường Petrus Ký, và cô còn nhớ đã từng đơn ca bản Vui Đời Nghệ Sĩ trong chương trình này.

                              

Ca sĩ Phương Hồng Quế là người học trò thân thiết của nhạc sĩ Nguyễn Đức từ lúc còn bé cho đến khi nổi tiếng. Cô thường hay lén thầy để đi ca bên ngòai mặc dù chưa được phép. Khi chuyện lộ ra thì ông cũng chỉ la rầy sơ sơ và hỏi cô có bài hát nào cần ông chỉ dạy để đi trình diễn hay không. Thời truớc năm 1975, mỗi lần muốn lăng xê một cô ca sĩ học trò nào thì nhạc sĩ Nguyễn Đức mời báo chí đến để giới thiệu và nhờ viết bản tin.

                 

 Thầy Nguyễn Đức đệm đàn cho trò Phương Hồng Quế hát

Sau năm 1975, hòan cảnh sa sút từ thầy đến trò, Phương Hồng Quế nhân dịp Tết có mua trái dưa hấu đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Đức và ông rất cảm động, đó là kỷ niệm đáng nhớ. Chị tự hào là học trò ca nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đức, những học trò của ông dù có trở thành ca sĩ hay không cũng đều có căn bản về nhạc lý.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức định cư tại Toronto Canada vào tháng 10 năm 1991. Ở xứ người ông tiếp tục dạy ca nhạc cho giới trẻ, lập ra ban hợp ca năm 1993.

                  

Năm 2007 nhiều ca sĩ thành danh từng là học trò của ông và có tham dự ban Việt Nhi đã tụ họp tại Toronto để ca hát mừng nhật người thầy khả kính.

Là huynh trưởng Hướng Đạo cho nên tâm hồn trẻ trung, ông bảo học trò gọi ông là Anh Hai mặc dù tuổi của họ đáng hàng con cháu.

Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng cư ngụ tại Quận Cam cũng là người đồng thời nhận xét về nhạc sĩ Nguyễn Đức có công trong việc truyền bá kiến thức ca nhạc và tạo sinh họat vui tươi lành mạnh cho giới thiếu nhi, giới trẻ. Ông có bản Mùa Thi nổi tiếng mà ban hợp ca Việt Nhi nhiều lần trình bày trên đài phát thanh Sài Gòn.

Ca sĩ Thanh Lan bùi ngùi nhớ lại kỷ niệm về thời bé có sinh họat ca nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Đức. Ca sĩ Phương Hồng Quế mãi còn nhớ địa chỉ 223/31 đườngVĩnh Viễn ở Chợ Lớn, căn nhà của nhạc sĩ Nguyễn Đức rất thân quen.

Mặc dù không có ca khúc sáng tác nào để đời, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đào tạo nhiều ca sĩ thành danh, đã đóng góp rất nhiều trong việc truyền bá kiến thức ca nhạc, tinh thần sinh họat lành mạnh cho tuổi thơ và để lại sự mến phục trong lòng nhiều thính giả nghe Ban Việt Nhi trên đài phát thanh Sài Gòn của chế độ Việt Nam Cộng Hòa tự do trước năm 1975.

Giã biệt nhạc sĩ Nguyễn Đức, tinh thần dấn thân họat động văn nghệ đóng góp cho xã hội của ông là nguồn cảm hứng cho thế hệ sau tiếp nối công tác cao đẹp ấy.

Trần Chí Phúc / SBTN

Chút Kỷ Niệm (Vui) Với Nhạc Sĩ Nguyễn Đức
                                                   phan ni tấn

Tôi quen biết nhạc sĩ Nguyễn Đức tính đến nay cũng ngót 20 năm. Khởi đầu sự quen biết này cũng khá thú vị. Số là một hôm đang ăn cơm tôi nhận được một cú phone mà đến nay tôi vẫn nhớ hoài.
– Alô! (giọng khàn đục của một ông già miền Nam)
– Alô! Dạ, ai đó (tôi đáp)
– Dạ (ổng dạ), tôi là Nguyễn Đức. Vui lòng cho tôi nói chuyện với nhạc sĩ Phan Ni Tấn.
– Dạ, tôi đây. Xin hỏi ông là… Nguyễn Đức nào? Thưa… có việc gì không?
– Dạ, tôi là nhạc sĩ Nguyễn Đức, người sáng lập Ban Việt Nhi ở Sài Gòn trước 75…
– A! Chào nhạc sĩ. Tôi nghe danh nhạc sĩ Nguyễn Đức trước 75, hồi còn ở trong nước lận. Hân hạnh được quen biết anh. Mà sao anh biết số phone của tôi vậy anh?
– Thì ông Phúc cho. Tuần rồi ông nhà văn Lê Văn Phúc bên Washington, D.C gọi tôi nói về các văn nghệ sĩ ở Toronto, trong đó có nhắc đến tên anh.Tôi có xin số phone của anh để liên lạc. Cuối tuần này rảnh không? Mời anh ghé nhà tôi chơi.
– (…)
– Nè. Nhớ mang theo bản nhạc Lý Con Sáo Bạc Liêu của anh cho tôi xin nghen. (Giọng tuệch toạt, thân tình, trở nên sôi nổi). Bạc Liêu là quê  tôi mà. Anh có sẵn viết đó không? Địa chỉ nhà tôi nè…

Nói là nhà chớ thật ra vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Đức sống trong một khu nhà già, cách chỗ tôi ở khoảng 15 phút lái xe. Lần đầu tiên tôi tới gặp lúc anh đang chăm sóc cho chị X, vợ anh. Anh tâm sự tôi mới biết chị bị bệnh sưng chân, thấp khớp kinh niên, lại thêm chứng thần kinh tọa và áp huyết cao. Nhìn cảnh hai ông bà già lụm cụm, nương tựa nhau sống trong một căn phòng sơ sịa, chật hẹp mà thương. Trong hoàn cảnh về chiều, lẽ ra họ đáng được sống an nhàn, hưởng hạnh phúc, vì anh đã cống hiến suốt đời mình cho sự nghiệp đào tạo ca sĩ cho nền âm nhạc Việt Nam từ thời trong nước ra tới hải ngoại. Nhưng trớ trêu thay, về vật chất họ lại chịu sự thiệt thòi, thiếu may mắn. Dù vậy, tánh tình hiền hòa, hiếu khách rất miền Nam của nhạc sĩ Nguyễn Đức luôn luôn tạo cho anh một sự tự tin, một phong cách đứng thẳng, một sức mạnh đề kháng trong cơ thể đang hao mòn, ọp ẹp của anh. Con người này vốn yêu đời nồng nàn, an nhiên và tận tình.
Ra hải ngoại, định cư tại Toronto năm 1991, được sự khuyến khích của cộng đồng người Việt tại thủ phủ này, năm 1993 anh lại hăng hái tiếp tục mở lớp dạy nhạc.

      

Từ trái: Phan Ni Tấn, Nguyễn Đức, MiMi, Nguyễn Văn Hòa & Nguyễn Tấn Hách

Nhớ có lần tôi tới thăm vợ chồng anh, lại gặp anh đang dìu chị ngồi lên ghế nhìn ra ngoài cửa sổ cho khuây khỏa tinh thần, trong khi ở góc đằng kia có một cô bé đang tập hát. Nhìn đôi môi tròn vo đang hồn nhiên luyện giọng gợi tôi nhớ những mầm non trong Ban Việt Nhi ngày xưa do nhạc sĩ Nguyễn Đức thành lập ở Sài Gòn, nay đã thành danh.  Từ Hoàng Oanh, Kim Loan, Thanh Lan, Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Ngọc (từ thời trong nước), cho đến Phương Diễm Hạnh, Phương Thảo Ngọc, Phương Minh Nguyệt, Tường Vi, Tuấn Tài, Từ Lê, Xuân Uyên… (ở ngoài nước).
Tôi không phải là phóng viên hay nhà báo gì, nhưng lúc vui miệng tôi hỏi cách thức đào tạo ca sĩ ra sao thì anh cho biết:
“Tôi thích đào tạo những người chưa biết hát, chưa biết gì về âm nhạc. Phương pháp đào tạo một ca sĩ của tôi đòi hỏi, trước hết là cách phát âm cho chuẩn, cho thật đúng. (Nhạc sĩ Nguyễn Đức trở nên sôi nổi, hát) Cuộc đời vẫn đẹp sao. Tình yêu vẫn đẹp sao. Dù đạn bom man rợ thét gào… Ngừng hát, chồm người tới anh cao giọng vui tươi: Cuộc là C thì hát là Cuộc chớ không thể hát Cuột được; cũng như Tình yêu không thể hát Tìn yêu. Hát chữ  Thét gào là T…”
Nhạc sĩ tiếp: “Để thu hút cảm quan của người nghe, tôi đã ra sức hướng dẫn ca sĩ học về ký âm pháp để tối thiểu phải biết về nốt nhạc, về trường canh để giữ nhịp cho thật đúng…”
Tôi hỏi tiếp tại sao gọi là “lò Nguyễn Đức”, anh cười nói vì phụ huynh của các em học hát thích cách dạy của tôi nên họ vui miệng gọi vậy”.

Có lần, ca sĩ Hoàng Lợi mời nhạc sĩ Nguyễn Đức, họa sĩ Hoàng Đức, ca sĩ Nhất Duy và tôi tới club Đêm Màu Hồng nghe nhạc, lai rai vài sợi. Lúc cụng ly, tôi mới phục tửu lượng của anh Nguyễn Đức. Ngần ấy tuổi đời mà nốc rượu như nước lã. Anh không phải là con sâu rượu, cũng không phải là đệ tử của Lưu Linh, nhưng ai qua mặt anh về lượng tửu e cũng khó. Cụng ly bạn bè cùng bàn xong, anh lướt qua mấy bàn khác cụng tiếp với các bạn trẻ. Tay cầm ly rượu, vừa đi anh vừa nhún nhảy theo điệu nhạc kích động yêu đời làm tôi nhớ  cái hồi tôi còn độc thân, nhất là cái thời ở lính nhậu nhẹt sanh tử lửa; một mình tôi, nếu không nốc cạn 24 chai bia 33 hoặc 16 chai bia con cọp thì cũng cưa ngã nguyên chai Whisky Ông Già Chống Gậy (Johnny Walker). Cái thuở ngang tàng, hống hách không giống ai đó không còn nữa.
Bẳng đi một thời gian không liên lạc, tôi nghe anh đưa chị về Việt Nam rồi được tin chị qua đời. Tại Hội Chợ Tết Ất Mùi năm rồi do cộng đồng người Việt North York tổ chức, tôi lại gặp anh và họa sĩ Hoàng Đức. Đó là lần cuối cùng tôi gặp anh cho đến khi nghe tin anh về Việt Nam khoảng một tháng sau thì anh mất.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức tên thật là Nguyễn Đại Đức, sanh năm 1930 tại Bạc Liêu. Mất ngày 25 tháng 05 năm 2015 tại Sài Gòn. Linh cửu sẽ hỏa táng tại Trung Tâm Bình Hưng Hòa. Hưởng thọ 86 tuổi.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức mất đi để lại niềm thương tiếc cho gia đình nói riêng và cho người Việt trong và ngoài nước nói chung.

Phan Ni Tấn (Toronto, Canada)

  Phỏng Vấn Nhạc Sĩ Nguyễn ĐứcThy Nga, phóng viên đài RFA – 2005

                                  

Kỳ này, Thy Nga xin gởi đến quý thính giả một câu chuyện về âm nhạc để quý vị thư giãn thêm vào cuối tuần nhé …
Hôm nọ, cũng ngẫu nhiên thôi, Thy Nga có dịp điện đàm với nhạc sĩ Nguyễn Đức. Quý vị cao niên hoặc trung niên chắc còn nhớ thời trước 1975, ông là người chuyên đào tạo ca sĩ…

                            MP3               Youtube (Hung Ton thực hiên)

                            NHÓM TAM PHƯƠNG:   MP3

Trong sinh hoạt ca nhạc hải ngoại, Trung tâm Asia vào mùa Hè năm ngoái, đã tạo cơ hội cho các ca sĩ mà nghệ danh khởi đầu bằng tên Phương hát với nhau: đó là Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Quế và Phương Hồng Ngọc. Với Phương Hoài Tâm và Phương Hồng Ngọc thì là tái xuất hiện trên sân khấu sau nhiều năm vắng bóng. MC Nam Lộc cho biết là Trung tâm Asia có mời Phương Hồng Hạnh nhưng Phương Hồng Hạnh nhất định không ra sân khấu nữa. Ba ca sĩ kể trên xuất hiện bên nhau trong chương trình Asia DVD 55 với ca khúc “Chiều làng em” …Tiết mục này được khán thính giả đón nhận nhiệt tình nên Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Quế và Phương Hồng Ngọc được Trung tâm Asia đặt tên là “Nhóm Tam Phương” để tiếp tục trình diễn trong các chương trình kế tiếp của Asia.

             

Về việc ca hát của các ca sĩ này, chắc người biết nhiều hơn cả, là nhạc sĩ Nguyễn Đức vì chính ông đã đào tạo ra các tiếng hát ấy.
Sau khi xem thấy nhóm Tam Phương trong chương trình ca nhạc của trung tâm Asia, Thy Nga điện thoại sang Toronto, hỏi chuyện nhạc sĩ Nguyễn Đức, trước tiên là về cảm nghĩ của ông lúc thấy học trò cũ của mình hát với nhau như thế.

Thưa cô Thy Nga, tôi … cái buồn và cái vui, nó lẫn lộn, và có thể nói rằng có một lần, nước mắt tôi cũng lưng tròng, là khi tôi nhìn lại ba em đó hát, giống như hồi khi xưa mà tôi đã chỉ dẫn cho các em từng lời, từng hơi thở để mà hát được ra những tiếng hát tốt cho người nghe. Tôi rất lấy làm xúc động. Vui, rất vui nhìn lại ba phong cách trình diễn của ba em họ Phương, tôi thấy tiếng hát vẫn còn mượt mà, vẫn còn kỹ thuật mà hồi xưa, tôi đã hướng dẫn, chỉ bảo. Khán giả nhiệt tình vỗ tay, cổ võ, điều đó làm cho tôi rất vui mừng vì khán thính giả vẫn còn yêu mến ba ca sĩ họ Phương trong đại gia đình văn nghệ của tôi. Tôi nghĩ là họ cũng vẫn muốn thấy và nghe hát như hồi xưa đã từng nghe vậy.  

Thy Nga : Đối với khán thính giả trẻ thì ông thấy sự đón nhận như thế nào? có ưa thích các giọng ca cũ như vậy không?
Nhạc sĩ Nguyễn Đức : Người ta chắc có lẽ cũng quý và vẫn thích những tiếng hát mà có kỹ thuật cao, thứ nhất là cái phong cách trình diễn rất tốt. Tôi nghĩ rằng người ta dành sự ưu ái đó cho “Tam Phương”.

Thy Nga : Theo như ông là người đào tạo, tức là chuyên về kỹ thuật thì chắc hẳn, các làn hơi của họ không bằng như hồi trước, phải không ạ.
Nguyễn Đức : Tôi thấy rằng ba em đó hát, giọng cũng còn rất khỏe, rất tốt. Cái duyên dáng, tôi thấy là ba cô này mặc dù đã lớn tuổi rồi nhưng mà nhìn lại thì khó ai đoán được số tuổi.

Thy Nga : Khi mà họ đến lớp học của ông thì họ bao nhiêu tuổi ạ?
Nguyễn Đức : Lúc đó, 9 tuổi có, 10 tuổi, 12, 13 tuổi có.

Thy Nga : Chẳng hạn với ba cô này thì ông đào tạo trong bao nhiêu lâu?
Nguyễn Đức : Có nhiều người đến học, cha mẹ họ hỏi thế này: Con tôi bao lâu mới thành công? Tôi nói: Cái đó nên hỏi cháu, là tại vì thế này: từ nơi cháu có năng khiếu hay không. Thí dụ như là ba cô đó học, thời gian học là thời gian đang phục vụ đài phát thanh và các đài truyền hình. Mỗi lần học là kỹ thuật mỗi cao hơn. Cho nên, mấy cô đó, có thể nói là từ 6 tháng hoặc 1 năm và hơn nữa. Mỗi ngày đều có những bài mới cho đài phát thanh và đài truyền hình. Các em phải ở lại học để mà trình bày trên các đài luôn.

“Chim sáo ngày xưa” Phương Hồng Ngọc hát …

“Lò Nguyễn Đức” là tên mà người ta thường gọi lớp dạy hát do ông mở tại Saigon hồi đó. Các ca sĩ kể trên đến với “Lò Nguyễn Đức” khi còn bé, được ông dạy những thanh âm đầu tiên, đưa vào ban Việt Nhi trên đài phát thanh, chăm sóc và dìu dắt trên bước đường ca hát.

Một số ca sĩ do ông đào tạo, mang nghệ danh khởi đầu bằng Phương. Về chuyện này, nhạc sĩ Nguyễn Đức giải thích:
Dạ, cái đó thì ai cũng thắc mắc, luôn cả mấy đứa học trò mang họ Phương nó cũng thắc mắc, và mãi tới nay, có nhiều đứa chưa biết. Như thế này: Hồi khi xưa, có một em tên Phương 12 tuổi, đẹp lắm và hát rất hay. Tôi rất mến em đó. Một hôm, em đó xin phép đi về Đà Lạt thăm bố mẹ trong vòng hai tuần, sẽ trở lại. Nhưng không dè, chừng một tuần thì cha mẹ nó cho biết là nó đã mất vì bệnh thương hàn. Tôi thương nó nên tôi muốn là những em nào xuất thân trong giai đoạn đó, thì sẽ mang họ Phương. Một số các em sau khi học xong lớp nhạc của tôi, xin “Phương” làm cái họ để kỷ niệm những ngày học với tôi, những ngày hát được thành công của các em, muốn mượn cái tên để làm kỷ niệm. Tôi sẵn sàng cho các em đó có tên Phương đứng đầu.

Học trò đầu tiên mang tên Phương, là Phương Hoài Tâm. Sau này thì có Phương Minh Nguyệt, Phương Thảo Ngọc, Phương Diễm Hạnh, Phương Hồng Diễm Mai nữa …

Thy Nga : Các học trò cũ có giữ liên lạc với ông không?
Nguyễn Đức : Dạ thưa, vẫn liên lạc và thân mật. Tôi thấy ngày càng gần nhau nhiều hơn. Có lẽ vì tuổi đời tôi xế chiều cho nên vào giờ chót, các em đứa nào cũng mến tôi. Và tôi cũng vậy, mỗi lần mà tôi nghe các em hát trong dĩa hát hoặc DVD thì … xin lỗi cô Thy Nga, tôi khóc đó.

Biến cố tháng Tư 1975 xảy tới, cuộc sống của nhạc sĩ Nguyễn Đức bị đảo lộn, như bao nhiêu người khác.Tới năm 1991 thì ông cùng gia đình sang Canada định cư ở Toronto. Chỉ một thời gian ngắn (là không đầy hai năm), ông bắt tay vào việc mở lớp dạy nhạc. Lớp này đến lớp khác, từ trong nước ra hải ngoại, số nhạc sinh là bao nhiêu, ông không nhớ nổi, chỉ biết là rất nhiều. Học trò cũ gọi ông một cách thân tình là “Anh Hai Nguyễn Đức”. Họ thỉnh thoảng điện thoại hỏi han sức khỏe, và khi có dịp đến Toronto thì lại thăm ông, như Phương Hồng Quế mỗi lần sang Toronto hát, đều không quên tới thăm thày.

Vào tháng 5 năm ngoái, nhân sinh nhật nhạc sĩ Nguyễn Đức, Phương Hồng Quế đã cùng Phương Hồng Ngọc phối hợp với các học trò của ông ở Canada, tổ chức buổi vinh danh Thày. Cuộc họp mặt này của “đại gia đình văn nghệ Nguyễn Đức” còn có Thanh Lan, Hoàng Oanh, và Kim Loan từ Đức sang.

“Chúc Xuân” nhạc bản của Thanh Sơn, Nhóm Tam Phương trình bày …

Về cuộc sống của “Tam Phương” thì Phương Hoài Tâm rời Việt Năm năm 75 sang định cư ở Mỹ. Tới năm 88, mở cơ sở về thẩm mỹ, và kinh doanh mỹ phẩm ở San Jose.
Phương Hồng Ngọc sang Pháp năm 85. Tới năm 89, qua Mỹ sinh sống tại Houston, Texas. Phương Hồng Quế qua Mỹ tháng 3, 1991 định cư tại vùng Quận Cam làm dịch vụ lữ hành, địa ốc, mở tiệm bán hoa, …Và khi chương trình này đến với quý thính giả thì hai tiếng đồng hồ nữa, Phương Hồng Quế sẽ đóng góp tiếng hát trong đại nhạc hội gây quỹ giúp thương binh và quả phụ Việt Nam Cộng Hòa, tổ chức tại Quận Cam, thủ phủ của người Việt tỵ nạn.

“Giờ này anh ở đâu” …

Thy Nga xin kết thúc chương trình, và hẹn tái ngộ quý thính giả vào kỳ tới.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH 

(Quảng cáo về Lớp Nhạc Nguyễn Đức từ bìa sau một bản nhạc rời in trước 1975)  

NS Nguyễn Đức và MC Trần Quốc Bảo, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc, Hoàng Oanh …

MC của chương trình: Trần Quốc Bảo
Ban Nhạc: The Liberty Band (chơi thường trực trên sk Thuý Nga Paris By Night)
Chương Trình Vinh Danh Nhạc Sĩ Lão Thành Nguyễn Đức 78 tuổi – May 11, 2007

Mở đầu, MC Trần Quốc Bảo dẫn khán giả ngược dòng thời gian về lại tuổi thơ SG của những năm xa xưa bằng màn chiếu Slide Show với hình ảnh của Ban Rạng Đông, Ban Việt Nhi, Tam Ca Sao Băng, v.v. Riêng có 1 đoạn video clip ngắn, không có ghi chú tên tuổi của ca sĩ nhí nào hát bài “Làng Tôi” của ns Trung Quân. Trong clip nhạc này, nhạc sĩ Nguyễn Đức chơi Guitar, cô ca sĩ nhí đứng hát bài “Làng Tôi” và các bạn học quây quần xung quanh nhìn rất dễ thương. Một vị khán giả trung niên ngồi kế bên tôi nói đùa là “em bé” đứng hát đó chắc bây giờ ít nhất cũng “5 bó”. Lần lượt, khán giả được xem những hình ảnh giá trị của các cô Phương, Tam Vân, Thanh Phong, Hoàng Oanh, Thanh Lan, Quốc Dũng v.v. Theo lời của MC Trần Quốc Bảo thì lớp học của nhạc sĩ Nguyễn Đức ngày càng đông. Quá đông, cho nên ông chia Ban Việt Nhi ra thành nhiều lớp Việt Nhi với các độ tuổi khác nhau. Thời đó, hằng ngày ns Nguyễn Đức nhận được trên cả ngàn lá thư của các phụ huynh từ khắp miền Nam và miền Trung, muốn cho con em của mình theo học nhạc với thầy Nguyễn Đức. Và trong số những khán giả tối đêm nay, không ít người cũng đã từng là học trò của các lớp nhạc Nguyễn Đức ở SG ngày trước.

Bắt đầu phần ca nhạc, MC Trần Quốc Bảo mời khán giả hãy quên đi là mình đang ở trong một banquet hall sang trọng ở nước ngoài mà hãy thả hồn về với SG năm cũ… Vào lúc 3 giờ chiều… bật radio lên… và ca khúc mở đầu chương trình Ban Rạng Đông của ns Hùng Lân vang lên. Các “em bé” trong gia đình nhạc sĩ từng người bước lên sân khấu và hoà ca bài hát dễ thương này. Các “em bé” đều mặc áo trắng quần tây rất chỉnh tề. Theo lời đùa của MC Trần Quốc Bảo thì “em bé” nhỏ nhất trong nhóm hát bài này trên sân khấu đêm nay cũng hơn “5 bó”.

Đó là các em Kim Loan, P.H.Quế, P.H.Tâm, P.H. Ngọc, Thanh Lan, Hoàng Oanh, Xuân Kiều. Các ca sĩ cũ trong ban Việt Nhi và các ca sĩ mới trong gia đình nhạc sĩ Nguyễn Đức ở hải ngoại tiếp tục với những ca khúc vui tươi như “Sáng Rừng”, “Ghé Bến Sài Gòn”, “Đoàn Lữ Nhạc”… Ban Việt Nhi tiếp tục với nhạc phẩm Valse kỷ niệm “Trường Làng Tôi” của ns Phạm Trọng. Thanh Lan và Xuân Kiều song ca bài “Tiếng Sáo Thiên Thai” của ns Phạm Duy. Thanh Lan tâm sự là Xuân Kiều và Thanh Lan ko những là thành viên trong ban Việt Nhi mà còn học chung trung học, rồi ĐH Văn Khoa. Sau đó, Xuân Kiều không trở thành ca sĩ chuyên nghiệp mà trở thành xướng ngôn viên, có đời sống gia đình rất êm đềm và hạnh phúc.

Sau vài tiếc mục vui nhộn đầu tiên, các học trò của thầy Nguyễn Đức mời thầy lên ngồi “ghế vua” để các học trò cám ơn, chúc thọ, và cắt bánh sinh nhật lần thứ 78. Tất cả hoà ca bài “Ly Rượu Mừng” rất xúc động. Nhạc sĩ Nguyễn Đức được các học trò của ông gọi là “Anh Hai”. Theo cs Hoàng Oanh thì lối xưng hô này không biết do ai khởi xướng, chỉ biết là học trò của ông, ai cũng gọi ông là “Anh Hai” và gọi vợ ông là “Chị Hai”.

Các học trò ở hải ngoại thay nhau lên hát mỗi người một bài. Các tiếng hát của học trò gia đình ns Nguyễn Đức khá chuẩn. Những giọng hát hay trong số này có thể kể đến Từ Lê, Đoan Nguyên, Tuấn Tài, và Xuân Hải.

Trong phần gặp gỡ các học trò cũ tề tựu về đây, MC Trần Quốc Bảo nhắc lại nhiều kỷ niệm vui buồn qua lời kể của các thành viên. Thanh Lan thì nói là chiều đến là Kim Loan “dẫn” Thanh Lan và Phương Hoài Tâm đi học ở nhà ns Nguyễn Đức. Sau khi học xong, thì các cô hay la cà ở khu chợ Bến Thành để chọc các cặp tình nhân hò hẹn. Các cô hay rình phía sau lưng các cặp đang hò hẹn chuyện trò, bất ngờ cùng nhau “hù” một tiếng rồi bỏ chạy. Mấy cô cũng lí lắc quá trời. Đúng là “nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò” MC Trần Quốc Bải cũng nhắc đến cs Phương Hồng Loan (or Lan?). Cô là vợ của đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Sau năm 1975, cô cùng 2 đứa con lên tàu vượt biên mà ko đến được đất liền. Tin cô mất tích trên biển là năm 1978.

Sau khi giải lao 15 phút, MC Trần Quốc Bảo giới thiệu phần dạ vũ với cs Kim Loan mở đầu bằng ca khúc điệu paso doble “Ta Vang Ca Vui” của ns Văn Phụng. Tiếng hát cô Kim Loan còn rất bốc lửa. Cô tiếp tục với bài “Đêm Đông” của ns Nguyễn Văn Thương.

Phương Hồng Quế hát Phố Đêm. Cô nói là “Anh Hai” Nguyễn Đức là người đánh đàn guitar và “dợt” cho cô bài này. Và cũng chính bài hát này, cô đã được mọi người biết đến. Sau Phố Đêm của ns Tâm Anh là Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn. Giọng P.H. Quế vẫn tình tự và liêu trai như thuở nào.

Thanh Lan tiếp tục chương trình với “Bang Bang (Khi Xưa Ta Bé)”. Không biết Thanh Lan hát bài này bao nhiêu lần trong đời ca hát của mình rồi mà hầu như khi nào cô không hát “Bang Bang” trước thì cũng phải “Em Đẹp Nhất Đêm Nay”… chắc để đóng đinh cái “trade-mark” Thanh Lan trong lòng khán giả trước rồi sau đó hát bài nào cũng được. Sau “Bang Bang”, cô hát tiếp “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu”. Cô hát cả hai bài đều hay. MC Trần Quốc Bảo nói Thanh Lan lên sân khấu hát là “chắc ăn như bắp”, nhất là hát nhạc khiêu vũ như tối hôm nay.

Trần Quốc Bảo giới thiệu Hoàng Oanh. Con chim vàng trong gia đình ns Nguyễn Đức. Hoàng Oanh tâm sự là thật ra cô xuất thân từ ban Tuổi Xanh của cô Kiều Hạnh. Nhưng sau khi Tuổi Xanh không còn hoạt động nữa thì cô gia nhập ban Việt Nhi. Và cũng từ Việt Nhi, cô học được kỹ thuật hát rất vững vàng, giúp ích cho sự nghiệp ca hát cũng như sự tự tin của cô khi trình diễn rất nhiều. Hoàng Oanh hát một liên khúc nhạc Boléro gồm những bài hát đã gắn liền với tên tuổi của cô như “Chuyện Chúng Mình”, “Ngày Sao Sẽ Ra Sao”, “Chuyến Tàu Hoàng Hôn” … Cô hát tiếp bài “Mưa Trên Phố Huế”.

MC Trần Quốc Bảo giới thiệu ca sĩ sau cùng trong nhóm các cô mang họ Phương trước khi Sài Gòn thay đổi. Cô ca sĩ “Cẩm Hồng” Phương Hồng Ngọc. Phương Hồng Ngọc hát “Bông Hồng Cài Áo” của Phạm Thế Mỹ và tiếp theo là “Trở Về Cát Bụi” của ns Lê Dinh. Đã lâu không nghe cô hát. Rất bất ngờ, đêm nay nghe cô hát rất hay. Hình dáng và giọng ca của cô không thay đổi theo thời gian. Có lẽ, cô là người hát hay nhất tối hôm nay.

Ca sĩ “khách” lên hát giúp vui có Nguyễn Hưng và Nguyễn Hưng Long (con trai của Nguyễn Hưng). Hai bố con ca sĩ này “quậy” tưng bừng sân khấu với những ca khúc kích động.

MC Trần Quốc Bảo giới thiệu Kim Loan qua ca khúc yêu cầu “Căn Nhà Ngoại Ô” của Lê Minh Bằng. Cô hát bài đơn ca thứ 3 của đêm nay khá tốt. Cô hát bài này rất xúc động. Cô phiêu lưu theo từng câu hát, chắc cô nhớ đến một không gian xa xưa của SaiGon, với quê hương kỷ niệm.

Tam Ca P.H. Quế, P.H. Ngọc, và P.H. Tâm kết thúc chương trình với liên khúc Twist vui nhộn. Âm thanh của “Lính Đa Tình” và “Sáu Mươi Năm Cuộc Đời” vang lên. Thấy cô Kim Loan và cô Thanh Lan ra sàn nhảy để Twist cùng mọi người rất vui nhộn.

Phút tạm biệt, thầy trò gia đình Nguyễn Đức vòng tay ôm nhau, chia sẻ, xúc động.

Lâu lắm mới được thưởng thức 1 đêm ca nhạc rất đặc sắc, ấm cúng. Ban nhạc Liberty chơi rất hay. Con trai của nhạc sĩ Nguyễn Đức là tay trống trong ban nhạc Liberty này. Ra về, mới thấm thía câu nói của nhạc sỹ Nguyễn Đức là không biết bao giờ mới có được cơ hội hợp mặt như ngày hôm nay để được nghe những giọng hát kỷ niệm.

UtLem
(Toronto, Canada)

Ca sĩ Hoàng Oanh chúc mừng Thầy Nguyễn Đức, đứng bên cạnh là ca sĩ Kim Loan

Phương Hồng Ngọc, Thanh Lan, Phương Hoài Tâm

Ban Tam Phương: Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc

Tài liệu từ nhiều websites trên internet, đặc biệt từ: khanhly/phoxua; chương trình Âm Nhạc Cuối Tuần của RFA do Thy Nga thực hiện; và bài viết từ Nhạc sĩ: Trường Kỳ, Trần Chí Phúc và Phan Ni Tấn …

   XIN VUI LÒNG GỞI THÊM TÀI LIỆU & Ý KIẾN XÂY DỰNG VỀ PHAN ANH DŨNG: dathphan1@gmail.com

http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=1244&Itemid=47






No comments:

Post a Comment