Thursday, October 10, 2019

Thi sĩ Du Tử Lê (1942 – 2019): ‘Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời’ October 9, 2019

Thi sĩ Du Tử Lê. (Hình: Triết Trần/Người Việt)
Lời Tòa Soạn: Trái tim thi sĩ Du Tử Lê vừa ngừng đập lúc 8 giờ 6 phút tối Thứ Hai, 7 Tháng Mười, tại tư gia ở Garden Grove, California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 77 tuổi.
Tin tức về tác giả “Khúc Thụy Du,” và hàng trăm thi phẩm nổi tiếng khác, ra đi đã gây xúc động mạnh trong lòng độc giả yêu văn chương ở hải ngoại và cả tại Việt Nam.
Trên số báo hôm nay, Nhật Báo Người Việt trân trọng dành trọn hai trang đặc biệt để người thân và một số nhà thơ, nhà văn, nhà báo, văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn học,… bày tỏ cảm xúc, kỷ niệm, hay các nhận định, đánh giá về di sản mà thi sĩ tài hoa Du Tử Lê để lại cho văn chương Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21.
Ông Bố ‘thích ăn phở’
Orchid Lâm Quỳnh (Trích: Bố Và, Mẹ Và, Tôi Là, Một Nhé)
“Này nhé, Bố tôi có thể ăn… phở không hề biết ngán là gì! Ăn ngày 3 lần. Tuần 7 bữa. Và, tháng 30 ngày. Bố ăn phở đến độ khó phân biệt được đâu là… nước hoa, đâu là… shampoo, đâu là mồ hôi; và đâu là… mùi phở! Mẹ tôi có lần ta thán: “Em nằm mơ thấy nhà mình mở quán… phở! Giật mình thức dậy, thấy một ‘Ông…Đạo Phở’ nằm bên cạnh.” Bố tôi quen với quán phở Nguyễn Huệ đến độ, có lần bác Bùi Vĩnh Hưng nói với bạn bè: “Lê nó mới đi xa về, gọi ra quán phở, đừng gọi về nhà. Nó chưa về nhà đâu.” Y chang. Bao giờ cũng vậy, Bố tôi từ phi trường về thẳng quán phở Nguyễn Huệ; trước khi về nhà. Ai muốn gửi thư từ gì cho Bố tôi, cứ gởi ở Nguyễn Huệ. Gọi phone về nhà không có, cứ gọi ra Nguyễn Huệ…Sáng nào Bố tôi cũng rủ mẹ, “…Tuyền ra ngoài tí đi.” Thấy mẹ quá kinh hãi… phở; thỉnh thoảng Bố cũng đưa đến Anh Thy, Viễn Đông… Nhưng thấy cách ăn uể oải của Bố, mẹ không đành lòng. Nên, có khi không đợi Bố nói, mẹ nói ngay… “ăn phở cũng được!”
Có một lần đi Nguyễn Huệ về, mẹ tôi vui ra mặt. Hỏi ra thì mới biết, vì ăn phở nhiều quá, hôm đó Bố tôi ra khỏi Nguyễn Huệ, với cái răng… gẫy… ở trong túi. Và…”nụ cười đã tắt trên môi…” Tưởng là Bố sẽ kinh hãi… phở. Vậy chứ, lên Washington, lại tiếp tục… phở nữa. Bố tôi lại gẫy thêm một chiếc răng khác. Mẹ tôi phone về nhà; giọng hân hoan: “Con ơi sắp tới giờ trình diễn, thì,… răng… với… phở đã vội vã… là… một nhé…”
Thi sĩ Du Tử Lê và gia đình.


Du Tử Lê đang về với biển

Nhà thơ Đỗ Quý Toàn
Du Tử Lê vốn tên Lê Cự Phách, lúc học lớp đệ thất trường Chu Văn An thì cũng vào Thiếu Đoàn Tây Hồ, Hướng Đạo Việt Nam, trở thành một đội sinh của tôi cùng đợt với người bạn cùng lớp là Nguyễn Gia Phái. Trong Hướng Đạo có điều luật bảo mọi người phải coi nhau như anh em ruột thịt. Nhưng không cần phải cố gắng theo luật chúng tôi cũng tự nhiên thân thiết nhau vì cả hai đều mồ côi cha từ lúc còn rất trẻ! Thời đó các trưởng hay đến thăm tận nhà từng đội sinh của mình và tôi hay đến nhà, cho nên biết nhiều về Du Tử Lê.
Một điều tôi biết được là Du Tử Lê thích làm thơ, vì lúc đó tôi cũng làm thơ. Tôi nhớ có lần tôi chép những bài thơ của Tagore, viết bằng tiếng Anh, đem cho Du Tử Lê coi. Hình như tôi đã tìm thấy tập thơ Tagore tại Phòng Thông Tin Hoa Kỳ, Sài Gòn. Tôi không nhớ mình đã chép những bài thơ nào, và chắc hồi đó tôi cũng không hiểu Tagore nói chuyện gì! Du Tử Lê chắc cũng vậy.
Khi tôi ngưng hoạt động trong thiếu đoàn thì cũng không còn hay gặp Lê Cự Phách nữa; chỉ nghe tin Phách đã nhập ngũ, như phần lớn thanh niên thời đó. Cho đến khi nghe tên Nhà Thơ Du Tử Lê tôi cũng không biết đó là chú đội sinh cũ của mình.
Nhưng Du Tử Lê làm thơ rất nổi tiếng, được nhiều người biết đến và được ưa chuộng hơn anh đội trưởng của mình! Nhiều nhạc sĩ phổ nhạc các bài thơ của Du Tử Lê, nhiều ca sĩ đã trình diễn suốt mấy chục năm qua. Dù những người không hay đọc thơ cũng phải biết những bài hay những câu thơ Du Tử Lê được truyền tụng. Những câu như “Ở cõi nhân gian không thể hiểu” hầu như ai cũng biết, dù không biết tên tác giả. Một bài thơ mang tựa “Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển” nhiều người biết tên dù chưa đọc bao giờ.
Du Tử Lê sắp được toại nguyện. Chú em Hướng Đạo của tôi đã qua mặt đội trưởng, ra đi trước đàn anh, trong tình thương tiếc của gia đình và bè bạn. Cầu chúc em về nơi bình an hơn cõi thế gian không thể hiểu này.

Thi sĩ Du Tử Lê. (Hình: Triết Trần/Người Việt)
Du Tử Lê/‘Chỗ ngồi thôi đã bỏ…’
Nhạc sĩ Đăng Khánh
Thi sĩ Du Tử Lê đã mệnh chung, ngôi sao vĩ đại của Thi Ca Việt Nam đã vụt tắt trên nền trời thu ảm đạm.
Tôi đã thực sự bàng hoàng cả buổi sáng trên đường đi khám bệnh, và vẫn còn bàng hoàng như thế khi đang ghi vội những trải lòng này, như một nén hương lòng tiễn đưa người bạn quí, người thi sĩ, “Ông Hoàng của Tình Ca,” đi về miền vĩnh cửu.
Tôi muốn được gọi thi sĩ Du Tử Lê là “Anh Lê” như lúc sinh thời anh đã muốn chúng tôi là “anh em” là “toa, moa” trong tình bạn đã gần nửa thế kỷ. Một tình bạn thuần khiết và chân thật, phát xuất từ thi ca Du Tử Lê và âm nhạc Đăng Khánh.
Là một trong những người có cơ hội gần gũi anh Lê, trên cả hai ngữ nghĩa, được anh trao và đón nhận những trao đổi nội tâm, càng ngày chúng tôi càng quí mến con người bên trong của tài năng thi ca ấy. Và lạ thay tôi đã hiểu được một cách rất hồn nhiên một điều mà nhiều người thấy lạ: Đó là “Tính Chung Thủy Tuyệt Đối” của thi sĩ đối với Phụ Nữ và Thi Ca. Dĩ nhiên chúng ta phải hiểu điều này dưới lăng kính rất hồn nhiên của người nghệ sĩ của mọi thời.
Và cứ như thế tôi đã yêu Thơ Tình Du Tử Lê và yêu Thi Sĩ Du Tử Lê trong cái hoàng hôn tranh sáng tranh tối của cuộc sống này.
Có một lần họa sĩ Đinh Cường đã viết cho tôi, mở đầu với câu: “Là người nghệ sĩ, chúng ta sống bằng cảm nhận…” Quả đúng vậy, anh Lê và chúng tôi đã đến với nhau bằng cảm nhận, và chính những cảm nhận ấy của tình bạn đã được thể hiện qua những hôn phối thi ca và âm nhạc của Du Tử Lê và Đăng Khánh.
Những ca khúc phổ từ thơ của Du Tử Lê như: K.Khúc của Lê, Em Ngủ Trong Một Mùa Đông, Lệ Buồn Nhớ Mi, Hạt Mưa Bay Cuối Đời,… đã ghi lại cho đời mối tình bạn thân thiết và trân quí ấy.
Thi sĩ Du Tử Lê vĩnh viễn rời bỏ chúng ta, nhưng ngôn ngữ, Tình Yêu bát ngát, sự hồn hậu và thủy chung trong dòng thi ca ấy vẫn cuồn cuộn chảy trong hàng triệu trái tim người yêu thơ nhạc Việt Nam.
Vĩnh biệt thi sĩ Du Tử Lê.
Nguyện cầu “Toa” an nghỉ bình an trên cõi vĩnh hằng.
“Một đời không dậy nữa, Một đời thôi cũng thôi”…
(Từ phải) Nhà thơ Du Tử Lê, ca sĩ Tuấn Ngọc và nhạc sĩ Đăng Khánh. (Hình: Đăng Khánh)

Bên Kia Đường
Nhà thơ Trần Mộng Tú
Tranh Ðinh Cường.
Mùa Thu đến thật rồi thêm một người bỏ đi đuổi theo những chiếc lá sang bên kia con đường
con đường không có mặt hoang mang như bài thơ niềm tin như hạt cải rắc trên dốc mơ hồ
con đường có thật không phải đi rồi mới biết đi có tới nơi không hun hút và biền biệt
họ rủ nhau bước tới vào những ngày cuối thu chạy theo những chiếc lá mất dấu trong sương mù
cứ thế họ theo nhau sang bên kia con đường trong nhịp tim cuối cùng chiếc lá thu có thật

‘Sáng cho đời đến giọt dầu cuối cùng’
Nhà văn Bùi Bích Hà
Tôi vẫn thường nói giữa bạn bè: “Đến tuổi này, chỉ còn là biệt ly.” Thế nhưng tin ông mất đến với tôi vẫn bất ngờ vì tuần trước, độc giả còn đọc ông trên Người Việt. Những bài viết ngắn của ông thời gian vài năm trở lại đây, thường dành cho bằng hữu và kỷ niệm. Là nhà thơ thành danh, sáng tạo cả một trường phái không dễ có tín đồ, ông có văn phong rất riêng, đậm chất nghệ thuật, mỗi con chữ ông viết, mỗi vần điệu ông gieo, ngoài sự cẩn trọng, đãi lọc, còn cho thấy nỗi khát khao khôn cùng của ông, muốn chúng chuyên chở nhiều hơn những gì có thể.
Ông luôn có nụ cười và tấm lòng tử tế đãi bạn bè, mọi người. Ông cởi mở, chí tình, nhường nhịn. Cả cuộc đời, ông đuổi theo mùa Xuân, tình yêu và hạnh phúc. Ông đã có tất cả những gì ông tìm kiếm, mong đợi, không ở đâu xa mà ngay chính bên trong mình.
Chúng tôi không gặp gỡ, chuyện trò nhiều. Chỉ một vài dịp, đó đây, và thường vội vã. Chưa bao giờ kịp nhớ để ngỏ lời tạ ơn ông về bài thơ Giữ Đời Cho Nhau được Từ Công Phụng phổ nhạc dưới tên mới: Ơn Em. Với tôi, đây là bài kệ đẹp nhất trong cõi nhân sinh nhiều khổ đau này.
Đàng nào cũng có lúc phải đi. Ông như ngọn đèn, sáng cho đời đến giọt dầu cuối cùng rồi nhẹ nhàng tắt. Ông chọn làm chiếc lá thu đầu tiên bay vào không gian mùa Thu tuyệt đẹp vừa chớm ở Cali.

Người ‘khơi gợi lòng yêu tiếng Việt’
Trần Lê Hoa Tranh (nhà nghiên cứu văn học, Sài Gòn)
“Tôi có đôi chút day dứt, đôi chút ngậm ngùi khi nhìn chú trên bục giảng, nói chuyện với lớp tiếng Việt cấp độ 1 và 2 ở UC Berkeley (“giết gà mà dùng đến gươm vàng”).
Người như chú, lẽ ra phải nói chuyện với đông đảo sinh viên, học viên cao học trong nước, thì mới khai thác hết những gì mà chú mong mỏi truyền đạt cho người sau, đằng này, bài soạn của chú rất công phu, nhưng chắc chắn là sinh viên lớp tiếng Việt không thể hiểu hết. Dẫu sao, những nỗ lực của chú cũng có ý nghĩa: đó là khơi gợi lòng yêu tiếng Việt, yêu văn chương Việt cho những thế hệ thứ hai, thứ ba ở Mỹ. Trong cái nước Mỹ mà tiếng Anh là “dòng chính,” để có được ba lớp tiếng Việt mỗi lớp 28 em là một nỗ lực không nhỏ… Tôi hiểu nỗi lòng của chú, hiểu cố gắng của chú, vẫn thấy chú nhiệt tình, đọc thơ, nói chuyện…”
Nhà văn Mai Thảo (trái) và thi sĩ Du Tử Lê.

Một đời tài hoa, đa tình giữa hồn nhiên, đã khép
Nhà báo Nguyễn Hồng Lam (Sài Gòn)
“Hơn cả sự hồi sinh, sáng tạo còn giúp ông trẻ lại, hóa trẻ thơ. Mà ông trẻ thật, rất già nhưng vẫn trẻ, với nụ cười hiền lành, phúng phính rất ngây thơ. Mắt ông cứ cười nheo nheo không giấu nổi hai chữ đa tình. Hơn một lần, tôi đã từng thú vị ngồi ngó ông mút que kem giữa phố Sài Gòn. Tay đã run run, mút kem nhưng phải đỡ thêm chiếc dĩa bên dưới, sợ kem rớt. Bảo đổi dùng kem ly khỏi rớt, ông dứt khoát không chịu, cứ cười nheo nheo: “Sao mà sung sướng thế này.” Tôi hiểu và không nói gì, chỉ sợ khiến mạch hồn nhiên của ông kinh động. Giữa quê hương, lão thi sĩ đang mút tuổi thơ mình…
Bữa nay, tiết trùng cửu (9 Tháng Chín Âm Lịch), tôi nghe tin ông tạ thế (hôm Thứ Hai, 7 Tháng Chín 2019). Một đời tài hoa, đa tình giữa hồn nhiên đã khép.”
Thi sĩ Du Tử Lê và cháu ngoại. (Hình: H.T)

‘Thơ với ông là một!’
Nhà thơ Trần Dạ Từ
“Du Tử Lê là Thi Sĩ Một Đời. Thi sĩ Viết Hoa,” tôi viết và biết về thi sĩ như thế. Ông không chỉ làm thơ. Ông sống với thơ. Sống bằng thơ. Thơ với ông là một.
Thưa chị Hạnh Tuyền,
Thi Sĩ Ra Đi. Xin được cùng chị và bạn hữu nhớ thơ chàng: “Đốt thành tro, bụi vẫn yêu thương.”
Trân trọng cám ơn từng hạt bụi nhà thơ để lại cho chúng ta!
Thi sĩ Trần Dạ Từ (trái) và thi sĩ Du Tử Lê.

‘Ngậm ngùi khóc bạn’ 
Nhạc sĩ Từ Công Phụng
Như vậy là Lê đã vĩnh viễn ra khỏi cuộc đời ô trọc này, bỏ lại sau lưng những điều mà “Nhân gian không thể hiểu,” những điều mà Lê cho rằng “Đi và về cùng một nghĩa như nhau” và còn rất nhiều điều nữa kể cả những điều mà Lê chưa kịp nói ra.
Sáng nay tôi bàng hoàng sửng sốt khi nghe tin Lê ra đi một cách đột ngột. Cho đến bây giờ khi viết cho Lê mấy dòng vĩnh biệt này tôi vẫn chưa định thần được là phải bày tỏ cảm xúc như thế nào trước sự mất mát này. Nhớ lại khi tôi đang nằm miệt mài trên giường bệnh thì vợ chồng Lê đã cất cánh từ Santa Ana đến Portland thăm tôi. Tình bạn thắm thiết từ hơn nửa thế kỷ qua đã làm cho tôi xúc động tột cùng khi nghe tin Lê đã ra đi không một lời từ biệt. Từ hơn 10 năm trước trong cơn bạo bệnh tôi tưởng tôi đã ra đi trước Lê nhưng không ngờ tôi ngậm ngùi khóc cho bạn 10 năm sau.
Thi sĩ Du Tử Lê và bạn bè. (Hàng trước, từ trái): Nhà báo Ngọc Hoài P
hương, nhà thơ Tô Thùy Yên, nhạc sĩ Đăng Khánh, nhà thơ Du tử Lê. 
(Hàng sau, từ trái): Bà Phương Hoa, bà Tô Thùy Yên, N.Minh, 
ca sĩ Tuấn Ngọc, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ và ông Hiến. 
(Hình: Đăng Khánh)
Những kỷ niệm của lúc chúng ta mới quen biết nhau ở Pleiku, của một thời chúng ta cùng chia nhau từng điếu thuốc, chúng ta cùng ngồi tán gẫu với bạn bè bên ly cà phê đắng ở La Pagode Sài Gòn, tất cả tất cả những kỷ niệm cũng đứng lên rồi tan biến vào hư không! Nhưng dù sao tôi với Lê đã để lại chốn nhân gian này những “Trên Ngọn Tình Sầu.” Những “Ơn Em” và “Đừng nữa nhé chia lìa” như dấu vết của tình bạn từ hơn nửa thế kỷ.
Không thể nào nói được gì hơn nữa trong cơn bàng hoàng xúc động này. Vĩnh biệt Lê và chúc Lê bước qua phố đời bên kia bằng con đường thênh thang âm vang những nốt nhạc mà tôi đã dành riêng cho Lê.
Người Việt 

No comments:

Post a Comment