Ba tôi
Mặc Lâm
Cứ mỗi lần nghe Paul Anka cất tiếng hát bài Papa là tim tôi lại đau thắt. Lời bài hát thật ra không giống chút nào với hoàn cảnh của cha con tôi nhưng giai điệu và bóng dáng người cha lom khom trong tiềm thức luôn làm tôi xao động tâm can khi nghĩ về những tháng ngày mà hai cha con vui vẻ lẫn buồn bã bên nhau.
Khi còn là một chú chim non trong mái trường trung học có lần tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy ba đứng nép một bên cửa sổ lớp nghe tôi thuyết trình bài văn “Tiêu sơn tráng sĩ” trong giờ kim văn. Hình ảnh của ba như chất xúc tác khiến tôi tự tin hơn khi miêu tả nhân vật của Khái Hưng một cách trọn vẹn và kết quả năm đó nhóm của tôi được phần thưởng hạng nhất. Tôi mang những cuốn sách được lãnh giải về nhà và ba là người cười nhiều nhất hôm ấy. Mặc dù giá trị của phần thưởng không lớn nhưng thái độ của ba là phần thưởng lớn nhất đầu đời của tôi khi nhận được ánh mắt sáng lên hạnh phúc từ ba.
Khi tôi lớn lên một chút thì cũng là lúc ba già đi một chút. Cả hai cha con không nhận ra điều ấy bởi sự khăng khít ngày một nhiều hơn. Ba thích uống rượu và nhâm nhi những món ăn dân dã, nhất là các món đặc sản như chuột đồng, rắn rít... Ban đầu tôi cũng ngại ngùng nhưng quen dần với hương vị đồng quê của món ăn tôi đã tự tay làm những món mà trước đó không hề nghĩ là nó ngon như vậy. Tôi nấu, ba ngồi chờ với ly rượu trắng trên tay, ba kể không biết bao nhiêu là chuyện ăn nhậu cũng như những nhân vật mà ba từng quen biết, hai ba con tôi trôi dần với thời gian và một lúc tôi nhận ra ba là người bạn nhậu đầu tiên trong cuộc đời của tôi mặc dù lúc ấy tôi chưa hề dám cụng ly với ba mà chỉ rón rén hớp những giọt rượu cay chát đầu đời với ba.
Sau 1975, cũng như mọi gia đình khác chúng tôi lâm vào bế tắc, ba đã già và mái ấm nhỏ bé của chúng tôi thỉnh thoảng được ba ghé thăm. Có một lúc ba sống với mấy anh chị trong rẩy và lâu lâu ra thị trấn thăm tôi và các cháu.
Tôi rất trông ngóng mỗi lần biết ba về. Thường hai cha con sẽ ghé một cái quán cóc nào đó để nghe ba kể chuyện trong rẩy cũng như ba nghe tôi kể chuyện làm ăn ngoài này. Hai ba con uống rất ít nhưng thời gian thường kéo dài cho tới khi bà chủ quán nhắc khéo mới rời quán về nhà. Tôi biết ba không muốn xa tôi khi vào ở với các anh chị bởi tôi là con út, cho tới một ngày ba xuất hiện trước sân nhà, tay cầm chiếc túi lát và nheo mắt cười với tôi: Ba về ở luôn với tụi con.
Tôi có lo lắng một chút vì chưa kịp chuẩn bị trong lúc cả nhà vẫn đang vật lộn với miếng ăn, nhưng sáng hôm sau tôi nhận ra rằng cái mà ba mang về cho tổ ấm nho nhỏ của chúng tôi nhiều hơn là những gì tôi lo lắng không mang lại được cho ba.
Ba mang về cái tổ bé con của gia đình chúng tôi những tiếng cười sảng khoái, những ánh mắt yêu thương và nhất là những che chở tuy vô hình nhưng bàng bạc khắp nhà. Ba tỉ mẩn từng chút khi bồng cháu, ba cõng đứa nhỏ, dắt đứa lớn đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật, ba nối liền tiếng “ông nội” từ những chiêc miệng tròn vo của cháu và ba đã mở rộng cánh cửa hạnh phúc trong gia đình chúng tôi.
Lúc ấy cả nhà sống bằng cách sơn xe đạp. Những chiếc sườn xe cũ mèm được cạo lớp sơn tơi tả và phủ lên một lớp sơn mới. Ba dành phần cạo sơn, tuy không nặng nhọc nhưng rất tốn công. Tôi nhìn ba cạo những lớp sơn một cách khó khăn nhưng bất lực không thể thay đổi ý định của ba muốn giúp chúng tôi trong những ngày ba sống chung.
Một buổi sáng nhiều mây xám, gió vần vũ trong cái chợ chồm hổm nghèo nàn nơi chúng tôi sống ba đã gục xuống trên chiếc sườn xe đạp sau khi uống cafe về. Tôi theo ba tới nhà thương và một ngày sau đưa ba về trên chiếc xe lam, bây giờ ba đã trở thành thi hài.
Dọc đường tôi không thể khóc, trí óc đông đặc và khô quánh. Tôi không tin ba mình ra đi nhẹ nhàng mà nhanh chóng như thế.
Hình ảnh và nụ cười của ba tiếp tục sống trong mái ấm nhỏ bé của chúng tôi. Mỗi lần con cái phạm lỗi tôi bắt chước ba xoa đầu và nheo mắt cười với chúng…Tôi nhớ ba và nhìn ba qua mỗi đứa con, bởi tôi biết chỉ có chúng mới làm cho hình ảnh ba lung linh trong trí nhớ của tôi.
Gia đình tôi hòa nhập vào một thói quen mới sau khi sang Mỹ. Ngày Father’s Day trở thành quen thuộc hàng năm. Tôi thường nhắc các con cái ngày này không phải dành cho mình sự kính trọng, biết ơn mà thâm tâm tôi muốn chúng nhớ tới ông nội, người chỉ nheo mắt cười mỗi khi cha chúng phạm lỗi.
Chúa Nhật này tôi lại gọi các con tụ tập để nhớ ba, qua chúng, tôi trở thành đứa con bé nhỏ và không bao giờ già…
Mặc Lâm
No comments:
Post a Comment