Monday, September 16, 2013

. Chuyện Hứa Do từ chối ngai vàng

 
ĐƯỜNG HẠC BAY
  
Vua Nghiêu được xem là vị vua tài đức vẹn toàn ở thời thượng cổ, thường được hậu thế xem là mẫu mực điển hình để noi theo, còn Hứa Do cũng được sử sách ghi nhận là ẩn sĩ tài năng. Nhưng Nghiêu rất khiêm nhường, tự nhận mình kém cỏi, muốn nhường ngôi báu cho Hứa Do vì cho rằng tài Hứa Do ngời sáng như mặt trăng mặt trời, đức thấm nhuần thiên hạ như mưa tưới đất cằn. Hứa Do không nhận, bảo rằng thiên hạ đã thái bình rồi, nếu ông nhận ngôi báu thì tựa hồ vì lý do khác chứ không phải vì hạnh phúc người dân. Trang Tử cho Hứa Do trả lời vua như thế này :

Hứa Do viết : “ Tử trị thiên hạ, thiên hạ ký dĩ trị dã. Nhi ngã do đại tử, ngô tương vi danh hồ ? Danh giả, thực chi tân dã, ngô tương vi tân hồ ? Tiêu liêu sào ư thâm lâm, bất quá nhất chi; Yển thử ẩm hà, bất quá mãn phúc. Quy hưu hồ quân, dô sở dụng thiên hạ vi! Bào nhân tuy bất trị bào, thi chúc bất việt tôn trở nhi đại chi  hĩ ”

Dịch nghĩa :
Hứa Do nói: “ Ngài trị vì thiên hạ thì thiên hạ đã thái bình rồi. Nếu tôi thay chỗ ngài, chẳng phải vì tôi háo danh sao? Danh chỉ là vẻ ngoài của điều chân thật, chẳng lẽ tôi vì cái vẻ ngoài sao? Chim ri làm tổ trong rừng sâu không cần nhiều hơn một cành; chuột chũi đi uống nước sông không cần đầy hơn một bụng. Thôi nhà vua hãy về nghỉ đi, tôi chẳng biết dùng thiên hạ để làm gì ! Đầu bếp nấu nướng mà không rành thì thầy cúng cũng không thể bỏ chỗ để thế hắn được. ”
 
Vua cai trị mà dân chúng thái bình thì quá tốt rồi. Nếu như thiên hạ không thái bình thì Hứa Do cũng đành chịu, vì dù Hứa Do có tài đức đến đâu cũng không thể ngồi thế vào cái chỗ vua Nghiêu được, bởi vì bản tính hai người khác nhau chứ không phải vua cao sang hơn Hứa Do hay Hứa Do hèn mọn hơn vua. Người này không thể làm giống hệt người kia được, chỉ vì thiên tính mỗi người mỗi khác. Nếu như cố cưỡng lại bản tính thực sự của mình, có tham vọng sống theo cái mà thiên hạ ai cũng cho là cao quí đáng ước mơ, thì  không khác gì sống cho cái bề ngoài của mình thôi. Chẳng lẽ Hứa Do vì tham vọng sao ?

 Tham vọng trở thành nhân vật nào đó hay làm được điều gì cao cả xuất phát từ sự lẩn tránh cô đơn, lẩn tránh thực tại hay, nhưKrishnamurti thường gọi, cái đang là. Tham vọng như thế chỉ nuôi dưỡng và tăng cường thêm cho nỗi buồn và sự khốn khổ vốn có.
 
Trong khi làm tốt cho đời, chúng ta cũng đồng thời nuôi dưỡng chiến tranh và nỗi thống khổ khôn xiết. Tham vọng có phải là tiến bộ ? Ví sao chúng ta có tham vọng ? Vì sao chúng ta muốn thành công, muốn trở thành nhân vật nào đó ? Tại sao chúng ta nỗ lực để giành thế thượng phong ? Tại sao phải cố gắng hết sức để khẳng định mình, dù trực tiếp hoặc thông qua một ý thức hệ hay quốc gia ? Không phải sự tự khẳng định mình như thế này là lý do chính cho sự xung đột và hỗn loạn của chúng ta sao ? Nếu không có tham vọng thì chúng ta có chết không ? Thân xác chúng ta có thể tồn tại mà không cần đến tham vọng không ?... Tại sao chúng ta lại tinh ranh và đầy tham vọng như thế ? 

Không phải tham vọng này là do sự thôi thúc lẩn tránh cái đang là sao ? Không phải sự tinh ranh này thực ra chỉ là sự ngốc nghếch mà chúng ta đang có sao ? 

Tại sao chúng ta lại sợ hãi cái đang là ? Chạy trốn thì có ích lợi gì khi mà những gì chúng ta đang là luôn luôn hiện diện ở đó ? 

Chúng ta có thể thành công trong việc chạy trốn, nhưng những gì chúng ta đang là vẫn ở đó, nuôi dưỡng thêm cho xung đột và khốn khổ. 

Tại sao chúng ta lại quá sợ hãi sự cô đơn, sự trống rỗng của mình ? Bất kỳ hành động nào lẩn tránh cái đang là hẳn nhiên sẽ mang đến nỗi buồn và khốn khổ. Xung đột là sự phủ nhận thực tại, hay nó chính là sự chạy trốn cái đang là; không có loại xung đột nào khác hơn.

Sự xung đột của chúng ta đang trở nên ngày càng phức tạp và vô phương giải quyết bởi vì chúng ta không đối mặt với cái đang là. Không có sự phức tạp nào trong trong cái đang là cả, chỉ có phức tạp trong các cách chạy trốn mà chúng ta đang đeo đuổi thôi.
 
Cái đang là chính là “ Chim ri làm tổ trong rừng sâu không cần nhiều hơn một cành; chuột chũi đi uống nước sông không cần đầy hơn một bụng. ” Sự phức tạp sẽ trở nên nghiêm trọng khi chim ri có tham vọng đặt tổ trên nhiều cành và chuột chũi uống nước mãi quên thôi.
 
Đối với người lý tưởng hóa, bình đẳng là một ý niệm, đối với người biết quan sát, nó là một sự kiện. Có sự bất bình đẳng thế này : Ngài khôn khéo hơn tôi, ngài có nhiều khả nặng hơn, ngài biết yêu còn tôi thì không; ngài biết vẽ, biết sáng tạo, biết suy nghĩ, còn tôi chỉ là kẻ bắt chước; ngài giàu có còn tôi nghèo khổ. Sự bất bình đẳng đó đang tồn tại, đó là một sự kiện, dù chúng ta có thích hay không. Lại có sự bất bình đẳng về năng lực, nhưng thật đáng buồn là chúng ta biến sự bất bình đẳng đó thành bất bình đẳng trong thân phận con người.

 Chúng ta không xem năng lực như là năng lực, mà dùng năng lực để chiếm quyền lực, địa vị, uy danh, và rồi các thứ ấy trở thành danh phận.

 Và vì chúng ta quan tâm đến danh phận nhiều hơn năng lực, chúng ta tiếp tục duy trì bất bình đẳng. Không chỉ có sự bất bình đẳng bên ngoài mà rõ ràng còn có bất bình đẳng bên trong tâm lý. Tất cả điều này là sự thực. Chẳng có pháp chế nào xóa tan được sự bất bình đẳng này. 

Nhưng nếu người ta có thể hiểu rằng phải có tự do nội tâm để thoát khỏi mọi quan điểm độc đoán, lúc đó bình đẳng sẽ có một ý nghĩa khác hẳn. Nếu người ta có thể xóa sạch sự bất bình đẳng tâm lý mà họ tự tạo qua danh phận, qua khả năng, qua ý tưởng, qua mong muốn, qua tham vọng, nếu xóa tan được sự phấn đấu tâm lý để trở thành gì đó, lúc đó có thể có tình yêu.

 Nhưng khi nào tôi còn nỗ lực, dùng năng lực về mặt tâm lý để trở thành ai đó, khi nào còn sự trở thành của cái tôi, sự bất bình đẳng trong tâm lý sẽ tồn tại. Khi đó sẽ có sự khác biệt giữa tôi và đấng cứu rỗi, sẽ luôn luôn có một khoảng cách giữa người biết và người không biết, và sẽ luôn luôn có sự vươn đến trạng thái cao hơn.

 Như thế nếu không có tự do thì mọi sự trở thành này bị lợi dụng để tăng lực cho sự bất bình đẳng đang có, và đó chính là hủy diệt.
 
Làm sao một người đầy tham vọng biết được bình đẳng hay biết được tình yêu ? Tất cả chúng ta đều có tham vọng và chúng ta nghĩ rằng đó là đức tính đáng kính. Từ thuở nhỏ chúng ta được huấn luyện để có tham vọng, để thành công, để trở thành ai đó, và vì thế trong tâm chúng ta mong mỏi sự bất bình đẳng. 

Hãy nhìn cách chúng ta đối xử với con người, cách chúng ta kính trọng người này và khinh miệt người kia. Nếu nhìn vào nội tâm mình chúng ta sẽ thấy rằng chính cảm thức bất bình đẳng này tạo ra giáo chủ, đạo sư, và chúng ta trở thành đệ tử, tín đồ, người bắt chước, người mong muốn trở thành.

Bên trong thâm tâm chúng ta xây dựng sự bất bình đẳng và lệ thuộc vào người khác, do đó không có tự do. Luôn luôn có sự phân hóa giữa người và người bởi vì mỗi chúng ta đều muốn thành công, muốn trở thành ai đó.

 Chỉ khi nào trong nội tâm chúng ta chẳng là gì cả vì chúng ta tự do, chúng ta mới không lợi dụng sự bất bình đẳng để thăng tiến cá nhân, và mới có thể mang lại bình yên và an lành.
 
                                   MỘC NHIÊN biên soạn

No comments:

Post a Comment