Tuesday, April 4, 2023

Donald Trump bị truy tố : Những hệ quả đối với việc ông ra ứng cử tổng thống năm 2024

Ảnh tư liệu : Donald Trump lúc còn là tổng thống Mỹ họp báo tại tòa Bạch Ốc ở Washington, Hoa Kỳ ngày 26/06/2020. REUTERS - Carlos Barria

Phan Minh
Sau khi cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chính thức bị công tố viên tiểu bang New York Alvin Bragg truy tố hình sự hôm 30/03/2023, câu hỏi đặt ra là điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc ứng cử tổng thống năm 2024 của ông ?! Trang mạng The Conversation ngày 31/03/2023 giải đáp một số câu hỏi. RFI xin giới thiệu.

Đại bồi thẩm đoàn của Manhattan vừa truy tố cựu tổng thống Donald Trump. Những cáo buộc cụ thể chưa được công khai, nhưng chúng liên quan đến cuộc điều tra của công tố viên Alvin Bragg, thuộc cơ quan công tố Manhattan về việc ông Trump đã trả một số tiền lớn cho một nữ diễn viên phim khiêu dâm ngay trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. 

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, một tổng thống hoặc cựu tổng thống bị truy tố hình sự. 

Tuy nhiên, ông Trump có thể sẽ không từ bỏ chiến dịch tranh cử tổng thống, với hy vọng vào năm 2024 sẽ lấy lại vị trí mà ông đã mất hồi năm 2020 vào tay ông Joe Biden. 

Việc truy tố và phiên tòa đi kèm sẽ mang lại những hậu quả gì đối với chiến dịch tranh cử của Donald Trump và nếu ông đắc cử, thì sẽ tác động ra sao đối với nhiệm kỳ tổng thống 2024-2028 ? 

Hiến pháp Mỹ quy định như thế nào ? 
Điều II của Hiến pháp Hoa Kỳ đặt ra những yêu cầu rất rõ ràng đối với việc thực thi chức vụ tổng thống : tổng thống phải ít nhất 35 tuổi, đã cư trú tại Hoa Kỳ ít nhất 14 năm và là công dân Mỹ từ lúc sinh. 

Trước đây, trong các vụ án tương tự liên quan đến các thành viên Quốc Hội, Tối cao Pháp viện đã quyết định rằng các điều kiện được quy định trong Hiến pháp để tiếp cận chức vụ dân cử là những « điều kiện hiến định cao nhất » và không áp dụng thêm bất kỳ điều kiện nào trong mọi trường hợp. 

Do Hiến pháp không quy định là tổng thống phải không bị truy tố, kết án hoặc bỏ tù, nên một người bị truy tố hoặc bỏ tù vẫn có thể ra tranh cử và thậm chí có thể giữ chức vụ tổng thống. 

Đây là quy định pháp lý được áp dụng với Donald Trump : theo Hiến pháp, bản cáo trạng và khả năng ông bị xét xử sẽ không ngăn cản đương sự ra tranh cử và thậm chí là thực thi chức vụ tối cao. 

Mặc dù vậy, một bản cáo trạng hay việc bị tuyên án, chưa kể đến án tù, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thực hiện các chức năng của một tổng thống. Và Hiến pháp không đưa ra câu trả lời rõ ràng cho việc thực thi quyền lực đối với một lãnh đạo bị suy yếu như thế. 

Bộ Tư pháp Mỹ quy định ra sao ? 
Một ứng cử viên tổng thống có thể bị buộc tội, truy tố và kết án bởi chính quyền ở bất kỳ bang nào trong số 50 bang của đất nước hoặc bởi chính quyền liên bang. Bản cáo trạng đối với một tội nhẹ cấp tiểu bang (vụ Trump/Daniels, thuộc thẩm quyền quận Manhattan, tiểu bang New York) ít nghiêm trọng hơn các cáo buộc ở cấp liên bang do bộ Tư Pháp đưa ra. Nhưng suy cho cùng, cảnh tượng một phiên tòa hình sự, dù được tổ chức tại tòa án tiểu bang hay liên bang, chắc chắn sẽ có tác động lớn đến chiến dịch tranh cử tổng thống của một ứng cử viên và sự tín nhiệm của ứng viên đó với tư cách là tổng thống nếu người đó được bầu. 

Tất cả các bị cáo được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội. Nhưng nếu bị kết án, việc giam giữ — dù ở nhà tù tiểu bang hay nhà tù liên bang — rõ ràng sẽ dẫn đến những hạn chế về quyền tự do – làm suy yếu đáng kể khả năng lãnh đạo đất nước của tổng thống. 

Việc tổng thống sẽ khó có thể thực hiện nhiệm vụ của mình nếu ông bị truy tố hoặc kết án đã được nhấn mạnh trong một bản ghi nhớ do bộ Tư Pháp viết vào năm 2000. Bản ghi nhớ này dựa theo tinh thần một bản ghi nhớ trước đó, vào năm 1973, có tiêu đề « Khả năng tổng thống, phó tổng thống và các quan chức khác có thể bị truy tố hình sự liên bang khi đương chức ». Bản ghi nhớ năm 1973, liên quan đến vụ Watergate, lúc tổng thống Richard Nixon bị điều tra vì vai trò của ông trong vụ bê bối nghe trộm, trong khi phó tổng thống Spiro Agnew bị đại bồi thẩm đoàn điều tra vì tội trốn thuế. 

Cả hai bản ghi nhớ này đều đề cập đến câu hỏi liệu theo Hiến pháp, một tổng thống đương nhiệm có thể bị buộc tội khi đang tại vị hay không. Cả hai văn bản đều kết luận rằng tổng thống không thể bị buộc tội. 

Nhưng một tổng thống bị buộc tội, bị kết án hoặc bị cả hai, trước khi nhậm chức, như Donald Trump thì sao ? 

Bản ghi nhớ năm 1973 và 2000 nhấn mạnh đến hậu quả của một bản cáo trạng đối với việc thực hiện nhiệm vụ của tổng thống, bản ghi nhớ năm 1973 sử dụng ngôn từ đặc biệt mạnh mẽ : «Cảnh tượng một tổng thống bị truy tố vẫn tìm cách thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách là lãnh đạo đất nước thực sự vượt ra ngoài sức tưởng tượng. » 

Cụ thể, hai bản ghi nhớ nhận xét rằng một tổng thống đương nhiệm bị truy tố hình sự có thể dẫn đến «sự cản trở trực tiếp đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính thức của tổng thống», và một phiên tòa hình sự sẽ làm giảm đáng kể thời gian mà tổng thống sử dụng để giải quyết công việc nặng nề của mình, và một phiên tòa như vậy có thể dẫn đến việc nguyên thủ quốc gia bị bỏ tù. 

Một tổng thống bị cầm tù có thể thực hiện các nhiệm vụ thiết yếu của mình không? 

Theo bản ghi nhớ năm 1973, «tổng thống có một vai trò mà không một ai có ai trò tương tự trong việc thực thi luật pháp, điều hành các mối quan hệ đối ngoại và bảo vệ quốc gia». 

Các chức năng thiết yếu này đòi hỏi tổng thống phải tham dự các cuộc họp, giữ liên lạc hoặc tham vấn với quân đội, các nhà lãnh đạo nước ngoài và các quan chức chính phủ ở Hoa Kỳ và nước ngoài. Điều này rất khó hình dung đối với một tổng thống ở đằng sau song sắt. Đây là lý do tại sao học giả về luật Hiến pháp Alexander Bickel nhận xét vào năm 1973 rằng «rõ ràng không thể thi hành chức vụ tổng thống trong tù». 

Ngoài ra, các tổng thống ngày nay thường xuyên đi công du trong nước và trên thế giới để gặp gỡ các quan chức địa phương và quốc tế, điều tra hậu quả của thiên tai trên lãnh thổ quốc gia, kỷ niệm những thành công lịch sử của đất nước và các sự kiện có tầm quan trọng quốc gia hoặc trao đổi trực tiếp với người dân và các nhóm đại diện cho họ về nhiều vấn đề khác nhau. Rõ ràng tất cả những điều này không thể được thực hiện bởi một tổng thống ở trong tù. 

Ngoài ra, tổng thống phải có khả năng truy cập các thông tin mật và tham gia vào các cuộc họp trao đổi thông tin. Việc bị giam giữ sẽ khiến điều này trở nên đặc biệt khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, vì những thông tin như vậy được lưu trữ và thao khảo trong một căn phòng được bảo đảm an ninh, chống mọi hình thức gián điệp bằng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả chặn sóng vô tuyến – điều mà các nhà tù không làm được. 

Do các chức năng và nhiệm vụ khác nhau của tổng thống, các bản ghi nhớ năm 1973 và 2000 kết luận rằng « tổng thống bị giam giữ sau khi bị kết án chắc chắn sẽ ngăn cản ngành hành pháp thực hiện các chức năng được Hiến Pháp giao ». Tức là tổng thống sẽ không thể đảm nhiệm công việc của mình. 

Lãnh đạo đất nước từ nhà tù 
Điều gì sẽ xảy ra nếu bất chấp mọi chuyện, các công dân bầu ra một tổng thống bị buộc tội hoặc đang ở trong tù ? Đó không phải là điều trong trí tưởng tượng. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1920, ứng cử viên Eugene Debs lúc bị giam trong tù, đã giành được gần một triệu phiếu bầu trong tổng số 26,2 triệu phiếu. 

Một trong những giải pháp cho tình huống này được nêu trong Tu chính án thứ 25, cho phép nội các của tổng thống tuyên bố rằng tổng thống « không thể thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ của của mình ». 

Tuy nhiên, hai bản ghi nhớ của bộ Tư pháp lưu ý rằng những người soạn thảo Tu chính án thứ 25 chưa bao giờ dự tính hoặc đề cập đến việc «bị giam giữ» như một lý do cản trở thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của tổng thống, và việc thay thế tổng thống theo Tu chính án thứ 25 «sẽ không đủ trọng lượng mang tính thuyết phục đối với sự lựa chọn được cân nhắc kỹ lưỡng của những cử tri đã bầu ra người họ chọn làm tổng thống». 

Tất cả những điều này gợi lại câu nói nổi tiếng của thẩm phán Oliver Wendell Holmes (1841-1935), là thành viên của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ từ năm 1902 đến 1932, về vai trò của Tòa án Tối cao : «Nếu đồng bào của tôi muốn xuống địa ngục, thì tôi sẽ giúp họ. Đó là công việc của tôi.» 

Phản ánh này xuất phát từ một bức thư trong đó Holmes bày tỏ ý kiến của mình về đạo luật chống độc quyền Sherman (Sherman Antitrust Act). Cá nhân ông nhấn mạnh rằng đây là đạo luật hoang đường, tuy nhiên, thẩm phán Holmes cho biết sẵn sàng làm những gì cần thiết để đạo luật được thực thi vì nó phản ánh ý chí chung được thể hiện một cách dân chủ, liên quan đến quyền tự quyết của người dân. Sẽ có những suy nghĩ tương tự trong bối cảnh hiện nay : nếu người dân bầu ra một tổng thống bị cản trở bởi các biện pháp trừng phạt hình sự, thì đó cũng là kết quả của quyền tự quyết của công dân Hoa Kỳ. Điều này sẽ tạo ra một tình huống nan giải mà Hiến pháp chưa đưa ra giải pháp xử lý thỏa đáng.

No comments:

Post a Comment