Hồi mới qua Mỹ, tôi định cư ờ một thành phố nhỏ vùng biển, mà dân chúng đa phần là người Việt, nghe nói nguyên cái làng chài ngoài Trung vượt biển qua hết đây, họ sống túm tụm với nhau, hàng xóm quen biết thân thiện từ hồi nhỏ, gần như nhà nào cũng sống bằng nghề đi biển y như bên nhà, thành phố có việc làm quanh năm cho mọi người khi xây dựng nhà máy chế biến cua ghẹ đóng hộp bán khắp nơi.
Cuộc sống dân tình ở đây dĩ nhiên khấm khá gấp mấy lần bên quê nhà, vì tánh cần cù chịu khó của người quen với lao động tay chân dầm mưa dãi nắng, nên bước đầu khởi nghiệp của họ cũng dễ dàng hòa nhập trên quê hương mới, giàu thì sắm được vài chiếc ghe cào tôm, hay tàu cá, nghèo thì theo làm “ bạn ghe” ( người làm thuê cho chủ trên tàu trong mỗi chuyến ra khơi) cũng có của ăn của để, có nhà đẹp xe sang, nhưng cũng không bỏ được cái tật ham vui những lúc biển động nông nhàn sau những chuyến ra khơi vất vả, tàu về bến nghĩ ngơi là họ lại rủ nhau đi Casino miệt mài vui thú đỏ đen, nghe đâu có người thua sạch một chiếc tàu trong thời gian ngắn, từ chủ ghe lại biến thành “ bạn ghe” sống đắp đổi qua ngày..
Năm 2010 có một vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico (Deepwater Horizon oil spill) kéo dài gần 3 tháng trời, môi trường biển bị ô nhiễm nặng, ghe tàu không ra khơi được, xí nghiệp hải sản đóng cửa thợ thầy thất nghiệp... Tập đoàn dầu mỏ BP của Anh chịu trách nhiệm cho vụ tràn dầu gây ô nhiễm môi trường lớn nhất ở Mỹ này, nghe nói số tiền bồi thường cho các tiểu bang bị thiệt hại nặng nề thuộc vùng vịnh Mexico hơn 300 triệu đô la, luật sư gởi hồ sơ đến từng nhà để thu thập thông tin thiệt hại của cư dân trong khu vực bị ô nhiễm, để tính toán chuyện đền bù thỏa đáng.
Dân mình nhạy bén trong vụ này lắm, nhất là ở nhằm nơi mưa bão năm nào cũng bị, nên ăn tiền mấy hãng bảo hiểm dài dài, huống hồ cái vụ đền bồi tiền triệu này nghe đâu nhà nào cũng ấm.
Đó là những ngày của tháng 4/2010 khi chúng tôi đi bộ trên kè đá của cảng biển Port Arthur nhìn những vết dầu loang trên mặt nước đen ngòm, nghe tiếng quang quác của đàn chim hải âu sà xuống vội vàng săn mồi nhưng vướng víu dầu làm lấm lem đôi cánh trắng và tự hỏi không biết người ta sẽ làm thế nào để khắc phục “ sự cố” này để nguồn nước trở lại trong sạch như ban đầu, nên nhớ đây là biển chớ không phải con mương nhỏ ở quê tôi. Vậy mà chỉ vài tháng sau đó mọi thứ được dọn dẹp sạch sẽ như chưa hề có đợt thủy triều đen nào mà tôi đã từng thấy.
Có lẽ chuyện “vá biển lấp trời “ là có thật ở xứ sở này.
Mới đây thôi California lại bị dầu loang do việc rò rỉ đường ống dẫn đầu trên vùng biển phía Nam của tiểu bang này, nếu so với vụ tràn dầu vùng vịnh Mexico hơn 10 năm trước thì đây là chuyện nhỏ, nhưng đối với vùng Orange County chuyện tràn dầu này được coi là lớn nhất trong vòng mấy chục năm nay, gây thiệt hại nặng nề cho hệ sinh thái trong khu vực, cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế của khu du lịch với những bãi biển xinh đẹp, thành phố đã ban lệnh khẩn cấp đóng cửa các bãi biển từ Newport Beach đến Huntington Beach vô thời hạn.
Tôi buồn rầu với đợt thủy triều đen lần này thì ít vì tôi biết chắc người ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn với tất cả năng lực sức người sức của mà nước Mỹ đã có nhiều kinh nghiệm trãi qua.
Nhưng đau đớn thay trong khoảng thời gian này, Việt Nam tôi cũng có một đợt thủy triều đen đã và đang chảy tràn trên quốc lộ 1A từ Nam ra Trung ra Bắc, hay xuôi về các tỉnh miền Tây, hàng triệu người đã tháo chạy khỏi Sài Gòn như cơn lũ lớn chỉ 1 ngày khi Sài Gòn có lệnh mở cửa, để vội vàng trở về quê sau mấy tháng trời bị nhốt trong đói khổ thiếu thốn vì các chủ trương, chính sách tồi tệ ngu dốt của chính quyền trong việc chống dịch COVID. Họ đi bất chấp những khó khăn phía trước, họ đi bằng các phương tiện thô sơ xe gắn máy, xe đạp, xe ba gác và cả “lô ca chân” trên đoạn đường dài hàng trăm, hàng ngàn cây số, họ đi lầm lũi trong nắng cháy mưa dầm, từ sáng tinh mơ đến trời chiều chạng vạng, họ đi với niềm tin sẽ sống sót được ở quê nhà hơn là tha phương ở một nơi mà cái ăn cái ở bị bóp nghẹt đầy khó khăn trong cơn đại dịch, hành trang của họ là những vật dụng nghèo nàn được ràng rịt sau yên xe, và vợ con nheo nhóc, đứa ẵm phía trước, đứa đeo sau lưng, thậm chí họ mang theo cả những con vật thân thiết, thấy đã thương khi chúng ngoan ngoãn thò đầu ra khỏi chiếc giỏ móc lủng lẳng bên hông xe, để cùng chủ đồng hành dọc đường gió bụi,
Nhà nước hô hào, “không ai bị bỏ lại phía sau” để nói đến chuyện cứu trợ với số tiền tỷ này tỷ nọ, nhưng mia mai thay con số hàng hóa hay tiền bạc đến tay người dân khiêm tốn như ngọn gió lùa nhà trống, có nơi người dân không hề nhận bất cứ thứ gì từ chính quyền trong suốt mấy tháng phong tỏa, Vậy thì họ làm sao để sống đây? Họ là công nhân nghèo hay tầng lớp buôn gánh bán bưng từ quê ra tỉnh, ở nhà trọ, khi chưa có dịch đã mưu sinh vất vả kiếm miếng ăn mỗi ngày, khi tai họa ập tới, họ cầm cự bằng những đồng tiền dành dụm ít ỏi, rồi cũng cạn túi, bữa đói bữa no.
Phải về thôi, biết là quê nhà cũng khó khăn, bởi nghèo túng nên phải bỏ quê lên Sài Gòn tha phương cầu thực mấy năm nay, nhưng trong tình cảnh này, họ không còn sự lựa chọn nào khác để cứu mình.
Về quê tuy sống lay lắt nhưng ít ra họ còn có sự ấm áp bên người thân rau cháo qua ngày.
Nếu dầu loang bên Mỹ là tai nạn thì người ta dễ dàng để khắc phục hậu quả, nhưng vết dầu loang của sự thất vọng phẫn nộ của tầng lớp dân nghèo bên Việt Nam ngay trong thời điểm này thì lại là vấn nạn của chính quyền. Không có cách gì để khôi phục lại niềm tin khi họ đã sống qua những tháng ngày uất ức đói khổ, bị bỏ rơi bị lừa dối bởi thứ nhà nước chỉ chống dịch bằng những khẩu hiệu đình đám, gây áp lực nặng nề thêm trong nỗi lo âu sợ hãi vì dịch bệnh mà cả nước phải chịu đựng, khi chính quyền chỉ biết vun vén phạt vạ mà không có biện pháp hữu hiệu để giúp dân trong cơn đại nạn,
Tôi và rất nhiều người nằm trong nệm ấm chăn êm bên trời Tây trời Mỹ đã bật khóc khi nhìn đoàn người lầm lũi đi trong mưa để trở về quê, chặng đường xa xôi có cả máu và nước mắt khi nghe tin ai đó bị tai nạn vì kiệt sức ngã xe, tiếng bà Mẹ gào khóc trên đỉnh đèo Hải Vân khi con mình lịm đi vì đói lạnh, Thương quá trên dọc đường về miền Tây biết bao bàn tay nhân ái đã chìa ra tiếp sức, chai nước, hộp cơm hay khúc bánh mì đều là tấm lòng thơm thảo của nghĩa cử “ lá lành đùm lá rách” của dân chúng ven lộ.
Thời chiến tranh người ta cũng bồng bế nhau chạy trốn thảm họa Cộng Sản trên đại lộ kinh hoàng, xác người chồng chất trên quốc lộ 13 máu lửa, hay hàng triệu người đã bỏ nước ra khơi tìm Tự Do sau ngày 30/4 quốc hận, số chết trên biển cả biết là bao nhiêu nhưng điều đó không thể làm chùn bước hải hành. Họ sợ Cộng Sản hơn cả cái chết!
Bây giờ thời bình, tuy không còn tiếng đại bác ru đêm suốt bốn mươi mấy năm nay, nhưng sao người ta vẫn có những cuộc di tản ào ạt như ngày này, họ vượt hàng trăm thậm chí hàng ngàn cây số để trở về nơi họ đã ra đi, họ chạy trốn trong sự thất vọng hoài nghi và tủi nhục khi thấy mình như bị tù tội ngay trước sân nhà.
Họ trở về chưa chắc đã yên thân với đám chính quyền sở tại, lại xét nghiệm, lại cách ly, lại bị moi tiền đến đồng bạc cuối cùng. Có nơi còn không được tiếp nhận như một đồng hương ruột thịt mà xem như một tai họa khi mang mầm mống dịch bệnh về lây lan cho chòm xóm.
Còn nỗi cay đắng, chua xót nào hơn khi họ bị lạc lõng giữa quê nhà, đọc bài thơ đứt ruột của ai đó ôm hũ sành chứa hài cốt vợ, mấy ngày dầm mưa dãi nắng về tới quê thì bị chặn lại
“Chốt quê như cổng nhà tù.
Chúng mình như thể kẻ thù biên cương
Ôm em ngần ấy đoạn đường
Giờ lưu vong giữa quê hương của mình”
Không phải là nhà thơ nổi tiếng nhưng khi quá đau buồn uất hận, người ta cũng có thể bật ra những câu những chữ nghe mà đau thấu tận tim gan.
Khi viết những dòng này thì vụ dầu loang ở California đã được dọn dẹp sạch sẽ chỉ trong một tuần, nhưng dòng thủy triều đen của Việt Nam hôm nay sẽ mãi mãi là nỗi đau buồn của tất cả chúng ta khi thảm họa Cộng Sản vẫn còn tồn tại trên Quê Mẹ oan khiên.
Ngọc Ánh 10/2021
No comments:
Post a Comment