Tuesday, August 24, 2021

BÊN TRỜI LẬN ĐẬN - TRẦN YÊN HÒA -

Buổi chiều Sài Gòn trời đã bớt nắng, dù cái nóng vẫn còn hầm hập xông xối xả vào mặt, vào mắt, vào miệng mọi người. Xe cộ chạy ùn ùn bên ngoài lộ chính.
Ngồi trong quán lẩu dê có bốn người, Chức, Ngàn, Phục và Thiệu. Bữa nhậu sau hơn chín, mười năm, có người mười một, mười hai năm mới gặp lại nhau. Mới đó mà đã lâu quá, thời gian trôi lẹ thiệt.
Bây giờ, gặp lại, người nào cũng tả tơi như cái mền rách. Chức và Phục thì đạp xích lô, Ngàn và Thiệu thì bỏ mối hàng xe đạp. Như vậy họ đã có một nghề để kiếm ăn, chẳng cần nhân danh Lao Động Là Vinh Quang, họ cũng tất tả tìm việc làm và làm việc chí cốt, cật lực. Đói thì đầu gối phải bò, câu nói từ ngàn xưa lúc nào cũng đúng. “Bộ tứ” Phục, Chức, Thiệu, Ngàn hẹn nhau mấy lần rồi nhưng mỗi người một công chuyện nên chưa gặp nhau được. Hôm nay coi như lần đầu tiên họ đoàn tụ. Tất cả là bạn tù cải tạo, mà đã qua lò cải tạo rồi thì ai cũng thấm mùi, thấm đòn, thấm gian nan khổ ải. Nếu có sự nhân quả, kiếp sau, diêm vương, chín cửa ngục, thì đó là cửa ngục thứ chín họ đã trải. Đúng y chan, không sai chạy vào đâu hết. 

Quán lẩu dê ở khu Phú Nhuận là quán bình dân, thụt vào sâu trong hẻm. Mới năm giờ chiều mà khách nhậu đã ngồi gần đầy các dãy bàn nhựa màu đỏ. Những cái bàn hình vuông nhỏ, bốn cái ghế cũng bằng nhựa, thấp lè tè.
Thiệu lên tiếng trước, ra chiều thông thạo:
“Ở đây có đủ loại món nhậu bằng thịt dê, vú dê nướng, có cả rượu huyết dê hay rượu ngọc dương. Các loại rượu này uống vô là bừng bốc sung độ ngay. Các bạn muốn gì kêu nấy.”
Phục đưa ra ý kiến:
“Mình chơi hai món trước là vú dê nướng và thịt dê luộc đi. Tôi đạp xe nhiều nên xin uống rượu ngọc dương cho lên gân cốt.”
Tiếng Ngàn góp ý:
“Tôi thì các bạn thế nào tôi theo thế đó, thằng này không ngán ai cả, chơi tới bến luôn, cùng lắm say xỉn thì có hai thằng “dân biểu” bạn tôi chở về nhà.”
Chức bây giờ mới lên tiếng:
“Các bạn sung độ thì còn có chỗ xả, chứ tôi độc thân côi cút một mình chỉ còn có nước chơi chị năm.”
Mọi người cùng cười, Ngàn cướp lời:
“Tau cũng như mày chứ có hơn gì đâu.”
Thiệu kêu món nhậu theo ý Ngàn kèm thêm một lít rượu ngọc dương.
Người phục vụ đem ra một đĩa thịt dê luộc, một đĩa vú dê nướng còn đang bốc khói, một lít đế ngọc dương, một cái ly nhỏ, một sô nước đá để “chữa lửa”. Thiệu là đàn anh nên anh coi như chủ xị, anh vừa rót rượu ra ly, vừa lên tiếng:
“Tôi dù sao cũng lớn tuổi hơn các anh nên tôi xin phép được uống trước ly nầy, chúng ta uống xoay vòng, không ai được làm rào cản, ly này tôi mừng cho chúng ta còn sống, còn được gặp nhau ngày hôm nay.”
Thiệu đưa ly rượu lên miệng ực một cái ngọt xớt.
Thiệu rót ly thứ hai, đưa cho Chức, rồi cho Phục, cho Ngàn. Có rượu, có thịt dê ngon, khiến ai cũng bừng bốc.
Chức cầm ly rượu của vòng thứ ba lên, để kề môi, nhưng chưa uống. Chức nói:
“Hạnh ngộ, thực là hạnh ngộ. Mười lăm năm rồi từ ngày đứt phim, từ ngày tôi khăn gói lên đường học tập, tưởng bỏ thân ở xó rừng, bờ bụi nào. Nào ngờ bây giờ anh em mình được gặp nhau. Thôi đừng nói đến ngày tháng cũ nữa, còn gặp nhau là vui rồi, hãy nói chuyện tương lai đi.”
Ngàn phát ngôn:
“Tụi mình, đứa nhẹ thì bốn năm như thằng Phục, đứa vừa thì sáu năm như tôi, thằng Chức, tám năm như anh Thiệu, còn một số đang đếm lịch dài dài. Tôi với anh Thiệu giống nhau, vợ con tan đàn xẻ nghé, không buồn sao được.”
Phục lúc này mới lên tiếng:
“Mình hôm nay uống rượu là mừng đoàn tụ mà, đừng nói chuyện không vui. Chẳng có chuyện gì buồn cả. Mất vợ chưa chắc chuyện đã buồn, biết đâu mày sẽ lấy một em thơm hơn, đẹp hơn, trẻ hơn thì sao?”
Xoay vòng thế mà đã năm ly, mặt người nào người nấy cũng đỏ gay. Phục xoay câu chuyện qua đề tài xuất cảnh:
“Thôi, tôi xin nghe lời anh Thiệu. Bỏ hết chuyện cũ, chuyện gia đình. Mình nói chuyện mới, như báo chí đã đăng thông cáo về chương trình HO. Anh em đã nộp hồ sơ hết chưa?”
Chức mau miệng:
“Tôi độc thân nên khoẻ re, anh chị tôi bên Mỹ đã bảo lãnh tôi mấy năm rồi, bây giờ tôi làm hồ sơ chỉ bổ túc thêm thôi, có thể Mỹ sẽ chuyển tôi qua diện HO để anh tôi khỏi tốn một khoản tiền trợ cấp.”
Ngàn tiếp lời:
“Tôi thật là rầu hết biết, ở tạm trú không ra tạm trú, mình đã cho thằng công an khu vực ăn tràn họng ra, đến khi ra phường nhờ nó ký giấy tạm trú, nó nói chẳng biết mình là ai.”
Phục than thở:
“Tôi cũng vậy chứ có khác gì ông, tôi ở kinh tế mới về, tạm trú ở phường hẳn hoi, cho công an ăn dài dài, khi mình ra phường làm hồ sơ nó lại bảo mình về kinh tế mới ký giấy, thế mới rầu. Thế nào tôi cũng phải về lại trên đó một chuyến.”
Phần Thiệu thì thê thảm hơn:
“Tôi về vợ tôi bỏ đi đâu tôi cũng không biết, thế mà khi nộp hồ sơ, trên phường bảo tôi phải kiếm vợ về cùng đi, không có vợ phường không chịu ký, không biết kiếm ở đâu bây giờ, bả bặt vô âm tín, bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm.”
Ngàn pha tro cho vui câu chuyện:
“Tìm em như thể tìm chim, em bay biển bắc anh tìm biển đông, sao anh không nhờ đàn em dưới quyền của ty cảnh sát đi tìm dùm cho, hở ông thiếu tá.”
Chức bấm vai Ngàn:
“Ở đây tai vách mạch rừng, đừng nói lang bang, nguy hiểm.”
Cái bấm vai của Chức làm Ngàn tỉnh cơn mê, trong cơn chuếnh choáng anh đã quên đi là anh đang ở trong một đất nước, mà một sơ hở nhỏ trong lời nói cũng bị kết tội là phản động và đủ mọi thứ tội khác, từ nhẹ đến nặng, khi đã nâng lên hàng quan điểm, thì chuyện con kiến cũng sẽ biến thành con voi.
“Bộ tứ” trông ra ai cũng lao đao về chuyện đơn từ, hồ sơ. Cái quan trọng nhất là cái hộ khẩu thường trú. Những người đi cải tạo trở về đều không được cho ở thành phố, dù trước đây họ từ thành phố theo lệnh của uỷ ban quân quản mà đi trình diện. Chính quyền đã lý luận một cách chắc như bắp là thành phố quá đông người, cần phải dãn dân, chỉ những vùng thôn quê hay vùng kinh tế mới, ở đó mới chính là môi trường để họ đem sức ra lao động sản xuất của cải vật chất. Nói đúng ra, thì họ phải đi đày, đày biệt xứ cho hết kiếp, mới xứng với tội ác của họ đã gây ra.
Trở về lại thành phố khi các vùng kinh tế mới không thể nào sản xuất ra được cái ăn. Nhưng thành phố vẫn không cho họ nhập lại hộ khẩu nơi họ từ đó đã ra đi. Cho nên sự việc này là một khó khăn quá lớn.
Thiệu đã say, anh ngất ngưởng nói, bắt đầu coi trời bằng vung:
“Mẹ kiếp nó chớ, tau không khai được ở thành phố tau về Long An, nơi tau sinh ra và lớn lên, coi thử bọn nó nói thế nào. Đồ chó má! Cho bọn nó ăn tràn họng ra, khi chúng nó quay mặt lại với mình là chúng quay mặt, không nhân nghĩa gì đâu.”
Chức là người còn tỉnh hơn hết trong bốn người, Chức lấy lòng Thiệu:
“Đừng nói lớn anh Thiệu, không lợi đâu, bọn chó săn lúc nào cũng lởn vởn ở đây, nhất là mấy quán rượu như thế này.”
Câu nhắc nhỡ của Chức làm ba người như tỉnh rượu. Họ nhớ lại những đêm nằm trong conec lạnh lẽo, bị cùm chân cùm tay vì ăng ten báo lên những chuyện không đâu vào đâu, đã làm họ khổ sở thế nào. Bây giờ có tức lên chửi đổng, cũng chỉ sướng cái miệng một chút mà mang họa vào thân.
Quán nhậu về đêm càng rộn ràng khách đến nhậu nhẹt. Tiếng la hét, tiếng chửi thề, tiếng nói cười vang động cả một khu vườn. Xã hội chỉ còn là hơi men, hơi men cho quên đi những tháng ngày cực nhục trước mắt.
Nhưng bộ tứ còn có một hy vọng lớn, đó là sự ra đi. Thoát khỏi cái hàng rào vô hình chụp xuống quanh đời họ suốt bao nhiêu năm nay.

***

Phục chuẩn bị đi về vùng kinh tế mới, nơi gia đình anh đã khai hộ khẩu, để đến công an xã chứng cái giấy tạm vắng. Đó là lệnh của công an phường nơi anh cư ngụ cho anh biết thế. Có giấy tạm vắng anh mới xin tạm trú dài hạn ở đây được. Mà có giấy tạm trú dài hạn thì mới có thể làm những bước tiếp theo, như đơn xin xuất cảnh chẳng hạn.
Anh ngó đi ngó lại trong căn phòng nhỏ anh thuê cho Nguyệt và hai con ở. Căn phòng chật, không có giường, tất cả vợ chồng con cái đều trải chiếu dưới sàn xi măng mà nằm, mà ngủ. Cái lò nấu bằng dầu hôi, nồi, niêu, xoong, chảo để trên kệ, choáng một khoảng rộng của căn phòng. Không có một cái gì có giá trị để bán. Hai đứa con ngồi học, viết, cũng trên nền ximăng, khi muốn viết chúng phải nằm dài xuống sát nền nhà.
Gom hết tiền để dành của Nguyệt bán bánh mì và tiền chạy xe của Phục đâu được khoảng trên dưới năm trăm ngàn. Nguyệt đi mua hai tuýp thuốc ba số năm, hai lít rượu đế Gò Đen loại hảo hạng để biếu ông Chánh, trưởng công an, và Dậu, phó công an. Vẫn biết Dậu khuynh loát mọi quyền hành nhưng ít ra anh cũng không giám qua mặt ông Chánh. Còn thêm Tốt, người công an khu vực nữa, nhưng Tốt thì anh nghĩ, chỉ cho hắn nhậu một bữa cũng được rồi.
Trước khi Phục lên đường, Nguyệt dặn dò tỉ mỉ về chuyện cho quà:
“Anh lên trên đó, nhớ tìm đến nhà từng người để biếu quà. Ông Chánh, một chai rượu và một trăm rưởi ngàn, ông Dậu một chai rượu và hai trăm ngàn. Như vậy cũng mất tiêu năm trăm ngàn tiền vợ chồng mình để dành từ nửa năm nay.”
“Thì muốn được chuyện phải vậy thôi chứ biết làm sao.”
Đó là câu nói vuốt đuôi của Phục cho vợ đừng buồn. Mà Nguyệt cũng chẳng có gì buồn vì nàng đã sống với chế độ này cũng mười lăm năm rồi. Mọi chuyện giấy tờ, cư trú, đi đường, đều được tính bằng tiền. Nói đúng ra, con người hùng hục đi làm kiếm ra tiền để chi cho người có chức có quyền ăn, để cho mình được một cái quyền duy nhất là ở yên, sống yên, mà thôi.
Từ ngày có thông báo về việc xuất cảnh, Phục lo việc đơn từ ngay. Nhưng anh đang đứng trước một tảng băng to bè, choáng trước mặt, đã làm hồ sơ thì phải có dấu chứng của chính quyền địa phương, mà nơi này thì anh chỉ là tạm trú ngắn hạn.
Khi anh mới về thành phố làm ăn. Anh ra phường xin tạm trú. Người công an cầm cái đơn anh hỏi trỏng:
“ Ở đâu về?”
Phục trả lời:
“Kinh tế mới Bình Minh”.
Người công an hỏi tiếp:
“Sao không ở trển mà về?”
“Dạ thưa anh, làm không ra ăn, vợ con nheo nhóc quá nên phải về”
“Không có lý do chính đáng.”
Cái đơn được trả lại cho anh với lời phê không cho tạm trú.
Anh về nhà buồn bã, than thở với người chủ nhà thuê, người chủ mách mối:
“Nó đòi ăn đó, anh mua cho tôi túp thuốc ba số, tôi lo cho.”
Phục làm theo, anh đưa tiền cho người chủ nhà và lá đơn. Hôm sau anh chạy xe về, người chủ nhà cầm cái giấy có mộc đỏ chót ra đưa anh. Anh mừng hết lớn.
Rồi Nguyệt và hai đứa con về theo anh, anh cũng tốn cả trăm ngàn mới ghép được vào đơn tạm trú.
Đến bây giờ làm đơn xuất cảnh, anh đem đơn ra phường xin con dấu, thì người công an phán một câu xanh rờn:
“Cái này anh phải về chỗ anh khai hộ khẩu, xin cái giấy tạm vắng, ở đây mới chứng được.”
Phục lủi thủi xách tờ đơn về. Đem chuyện nói với người chủ cho thuê phòng, đưa người chủ một trăm ngàn, người chủ đem ra phường, nhưng hôm sau lại đem trở về, bảo với anh:
“Chuyện này họ nói phải có giấy tạm vắng, thôi anh chịu khó đi về trên đó một lần cho xong.”
Nói thế nhưng người chủ không trả lại anh một trăm ngàn, có lẽ đã cho công an, đưa cho công an làm sao đòi lại.
Phục về bàn với Nguyệt. Cuối cùng thì quyết định anh phải về lại kinh tế mới chứng giấy mới được. Vợ chồng vét cạn hết số tiền gom góp từ bấy lâu nay cũng chỉ được trên dưới năm trăm ngàn. Anh đi mà sao thấy mình giống như Kinh Kha ngày xưa, mang con chủy thủ vào nước Tần đầy bất trắc. Dù chuyện chứng giấy và gặp lại mấy khuôn mặt công an cũng chỉ là chuyện thường. Có lẽ anh bị kìm kẹp lâu ngày nên anh luôn luôn bị mặc cảm của kẻ bị trị.
Chuyến xe đò từ bến xe miền Đông tiến thẳng trên đường quốc lộ mười ba, hướng Thủ Dầu Một mà tiến tới. Ngồi trên xe đầy những hành khách buôn chuyến, tiếng ồn ào chuyện vãn chói tai mà Phục chẳng chú ý đến ai, anh chỉ lầm rầm khấn vái cho chuyến đi suôn sẽ, vì con đường thực hiện hồ sơ xuất cảnh của anh đang ở trước mặt, với biết bao khó khăn. Mà đoạn đường này là đoạn đường đầu tiên anh phải bước qua, phải được thông suốt, nếu nó bị bít lại, tất cả sẽ bị bít luôn.
Vùng đất hứa mà anh mơ tưởng được với tới, vẫn đang ở tít tắp đằng xa, trong bóng đêm dài ngoằn. Anh đang đứng bên này đại dương, chỉ muốn bay lên vút qua không gian, đến đó, mà rất tiếc, anh không có cánh, chỉ có cái thân trần trụi.
Chuyến về khu kinh tế mới, nơi mà gia đình Phục đã sống một thời gian khá dài, đã có kết quả. Ông Chánh rồi Dậu đã nhận tiền, quà của anh. Ông Chánh nói:
“Từ ngày gia đình anh về thành phố, nơi đây trở nên buồn hơn. Anh thấy đó, trụ lại đây có bao nhiêu người đâu, chỉ còn lại là thứ trôi sông lạc chợ, đến đó rồi đi đó. Trường hợp các anh đi cải tạo về được Mỹ đón đi, cũng là một tin mừng chung. Anh đi, đừng quên bọn tôi là được.”
Phục dạ, dạ, vâng, vâng rồi vội vàng rút lui.
Đến nhà Dậu, Dậu tỏ ra vui vẻ.
“Anh quà cáp làm gì cho mất công, tốn kém. Chúng ta sống với nhau vì cái tình. Các anh được đi Mỹ chúng tôi cũng vui, đi qua đó làm ăn khá giả rồi trở về xây dựng đất nước.”
Dậu nói như những cán bộ cốt cán, nói theo đường lối chính sách của nhà nước rặt ròng.
Dậu ký tờ giấy tạm vắng dài hạn, đóng con dấu đỏ lên chữ ký ngoằn ngoèo. Phục thở phào nhẹ nhõm, nhưng anh lại nghĩ, nếu không có hai trăm ngàn, cả ông Chánh và Dậu có vui vẻ ký giấy cho mình không? Chỉ có Tốt, người công an khu vực, vẫn xuề xòa. Chỉ mấy xị rượu đế là Tốt cầm bút đề nghị thuận, chuyển lên công an xã xét.
Sau đó, cả Dậu, cả Tốt, ai cũng đề nghị Phục làm ông anh kết nghĩa.
Phục trở về thành phố với tin vui vì chuyến đi kết quả, nhưng trong lòng anh vẫn ưu tư vô hạn. Trước mắt còn biết bao nhiêu chuyện phải làm, bao nhiêu cửa ải phải bước qua, mà mỗi cửa ải là mỗi tiền. Vợ chồng anh đã vét cạn những đồng tiền cuối cùng dành dụm. Không biết những bước tới sẽ xoay xở ra sao đây.
Trước tiên là phải đem hồ sơ ra công an phường xác nhận là gia đình anh đang tạm trú dài hạn tại địa phương. Cửa ngõ này là cửa ngõ đầu tiên, cần có tiền mới qua lọt, ít ra cũng năm trăm ngàn, giá bằng một chỉ vàng. Mà bây giờ thì anh chỉ còn cái thân cày lếch trên chiếc xích lô. Còn Nguyệt với cái xe bánh mì, ngoài cái xe, vốn liếng bỏ vào đó chỉ đáng giá một trăm ngàn đồng. Hàng ngày Nguyệt kiếm thêm được mười mấy ngàn, đủ tiền chợ cho cả gia đình.
Anh chưa biết đâu để xoay xở ra năm trăm nghìn.

TRẦN YÊN HÒA

No comments:

Post a Comment