Thursday, August 22, 2019

Thầy Thạch Trung Giả - BXC

Năm 1955, từ miền Bắc, tôi tránh họa cướp cộng sản, nên cùng gia đình bỏ lại quê hương thân yêu, nơi chôn nhau, cắt rốn để suôi Nam.
S học hành lem nhem của tôi ở xứ Bắc khiến tôi không biết mình thực sự đang có trình độ của lớp nào.
Khi tôi tới Saigon, thì các trường còn đang nghỉ hè. Tôi được phép ra Nha Trang tắm biển và nghỉ một tuần, rồi sẽ phải về Saigon học.
Tuy nhiên, Nha Trang đã chiếm được trái tim tôi. Hết một tuần được phép ở Nha Trang, tôi đã không trở lại Saigon, và ghi tên học lớp đê Tứ, tại một trường Tư thục nhỏ, là trường TƯƠNG LAI  ở số 7 đường Công Quán, Nha Trang.
Tôi xin ghi lại it dòng về một vị thày của Trường Tương Lai. Nếu quý bạn không thấy nhạt nhẽo, vô duyên, thì tuần tới, tôi lại xin viết về các thày khác thời Trung Học của tôi.
                   THẦY THẠCH TRUNG GIẢ
Thầy dạy Việt văn lớp Đệ Tứ  của tôi ở trường Tương Lai, Nha Trang,là giáo sư Thạch Trung Giả -Người Trong Đá-. Đây là biệt danh của thầy. Chỉ tới khi viết bài này, tôi mới tìm ra tên của thầy. Thầy viết sách, viết báo, dạy học, làm thơ…nhưng đều ký bút danh là Thạch Trung Giả, nên không ai biết tên thực của thầy.
Mấy ngày trước khi thầy tới dạy, ông Hiệu Trưởng Thái Văn Châu, trong lúc dạy toán, đã ngừng giảng it phút để quảng cáo về thầy Giả : “ Năm nay lớp này sẽ đậu hết ! Tôi đã mời được ông thầy lừng danh để dạy quốc văn. Rồi các anh sẽ được học với  thầy  Thạch Trung Giả , độc nhất của trường ta
Chúng tôi hồi hộp đợi ngày thầy Giả tới. Ông có vóc người tầm thước, vẻ mặt thanh tú, tóc hớt ngắn, phục sức giản dị, tiếng nói trầm ấm. Ngay buổi học đầu tiên, ông đã “hớp hồn” chúng tôi. Với phong cách của một nghệ sĩ, ông giảng bài cho học trò mà say sưa như đang diễn thuyết cho một đám thính giả vô hình nào đó. Đôi lúc ông mới “bừng tỉnh” và quay về với vai trò của một thầy giáo giảng bài trong lớp.
Những bài luận văn chúng tôi viết đều bị ông sửa be bét, từng câu, từng chữ.
Ngày nay, mỗi khi viết, dù chỉ là một câu giản dị, tôi cũng ngập ngừng suy nghĩ, vì tôi như vẫn còn thấy những trang giấy luận văn của tôi bị thầy Giả gạch xóa đầy mực đỏ. Tôi phải gắng hết sức khi làm các bài luận Việt văn,  cản thận dò từng dấu chấm, dấu phết và những từ ngữ Hán Việt. Nhờ sự cố gắng đó, ông không còn gạch xóa  bài viết của tôi nhiều như trước. Bài của tôi đôi khi được ông đọc cho cả lớp nghe.
Một hôm thình lình ông hỏi tôi có phải là người trong họ của ông Bùi Xuân Uyên không. Tôi ngạc nhiên và không biết tại sao ông hỏi như thế. Thì ra Bùi Xuân Uyên là chủ nhiệm tờ Tập san Thế Kỷ,  tờ báo ông thày thường đăng bài và thơ. Nghe tôi trả lời không biết Bùi Xuân Uyên là ai, ông có vẻ thất vọng, nhưng không nói gì.
Hồi ấy chúng tôi không  biết đang được một vị thày lừng danh dạy dỗ. Sau này rất lâu, khi đã vào Saigon, và học tới Đại học, tôi mới biết thầy tôi là một học giả uyên thâm, đã từng giảng dạy Quốc Văn và Triết học ở các trường danh tiếng, như trường Võ Tánh,Trường Bồ Đề, trường Lê Quý Đôn, và cũng là giảng sư Triết cuả Đại Học Vạn Hạnh.
Thầy cũng viết sách viết báo. Thầy viết nhiều bài cho tạp chí Thời Tập và là tác giả của cuốn  Văn Học Phân Tích Toàn Thư” dầy hơn 700 trang, một cuốn sách giáo khoa dạy đọc và viết văn, do Lá Bối xuất bản lần đầu năm 1973. Thày Giả cũng là tác giả những dịch bản nổi tiếng:  
Nhất Nguyên Thế Giới (tuyển dịch Swami Vivekananda, Thái Bình Dương xuất bản, 1971) -  
Áo Nghĩa Thư Upanishads (dịch kinh văn Shri Aurobindo với lời bình giải, An Tiêm in 1973) -  
Số Không với Vô Tận (dịch Le Zero et L'Infini của Arthur Koesler, An Tiêm 1973).
Thạch Trung Giả xuất hiện trên tạp chí Thế Kỷ ở Hà Nội từ 1950 tới 1954, bên cạnh những Bùi Xuân Uyên, Trúc Sĩ, Triều Ðẩu, Tạ Tỵ, vào Nam viết cho tạp chí Liên Hoa, Thời Tập, đặc biệt về thơ luận và triết thư. “Văn thơ ông rành rọt, khúc chiết, trải nghiệm, câu nào câu nấy như nét chạm trổ. ” (Viên Linh-  Tạp Chí Văn Học)
Trong Tạp chí Thời Tập, Chủ Nhiệm là nhà thơ Viên Linh viết về Thạch Trung Giả như sau:
Giáo sư, Học giả, Thạch Trung Giả tên thật là Trần Văn Long, không rõ ngày năm sinh, dạy Quốc văn và Triết học tại trung học Võ Tánh, Nha Trang. Thạch Trung Giả vóc người đầy đặn, trên trung bình, tóc cắt ngắn, gọn ghẽ, mang kính trắng, mặc đồ trắng, không để lại một cảm giác gì rõ rệt nơi người đối diện, ngoài cảm giác là một người chin chắn, chững chạc, ăn mặc xuề xoà xong thôi. Bài ông viết kỹ, lối viết không để ai có thể biên tập, thêm thắt… Ông thuộc lớp những nhà văn miền Bắc khi di cư vào Nam vừa có danh, nhưng chưa có tác phẩm in thành sách hoặc chỉ mới có một cuốn những năm 1952-1953. Phần lớn các nhà văn nhóm Thế Kỷ sinh khoảng 1920-1925, khi vài Nam vừa ở tuổi trên dưới 30. Tôi đoán Thạch Trung Giả sinh trong khoảng này”
Khi Ban Mê Thuột thất thủ vào tháng 3 năm 1975, Tạp chí Thời Tập của Viên Linh xuất bản số báo cuối cùng. Trong số báo này, ông Viên Linh có đặt ra hai câu hỏi cho các nhà văn. Một trong hai câu hỏi đó như sau : “ Anh/chị có phải từng tự hỏi về vai trò người cầm bút là mình, trước một tình thế đất nước biến động như trong những ngày qua hay không ?”
Giáo sư Thạch Trung Giả đã “trả lời” câu hỏi của Viên Linh bằng một bài thơ như sau:
                        Những Ai Nằm Đó?
Nhửng ai nằm đó?
Dưới khuya này thăm thẳm mấy ngàn năm
U minh hình bóng trập trùng
Miên miên Đất Tổ vua Hùng dựng nên
Bước chân chạm mấy cửu tuyền,
Mấy tầng huyết đổ lệ hoen chốn này
Những ai nằm đó?
( Thạch Trung Giả trả lời Viên Linh, Thời Tập số 23 Saigon 15-4-1975)
Tôi nghe tin giáo sư Thạch Trung Giả đã tự tử  tại một ngôi chùa nào đó, sau khi cộng sản chiếm Saigon năm 1975, nhưng không biết hư thực. Mới đây, đọc trên Net, thấy có người học trò cũ ở trường Võ Tánh viết về Thầy như sau:
Nhiều người cho biết là cứ đến mùa Hè, thầy [Thạch Trung Giả] lên chùa Vào Hạ(một khóa học của các tu sĩ) tham thiền với các vị sư. Sau năm 1975 thầy Giả thường hay lên chùa và thầy đã mất tại chùa. Vì hoàn cảnh khó khăn, chùa quá nghèo, không có tiền mua hòm, nên các vị sư chỉ còn cách quấn chiếu, và tìm ván cũ đóng hòm chôn thầy… Học sinh trường Võ Tánh cảm thương thầy quá, thầy ơi !
(Phạm Vũ Newvietstar.com)
Để tưởng nhớ một vị thày có một nhân cách cao quý và một tâm hồn kinh triết, xin mời độc gỉả đọc môt đọan thơ về biển của thầy, có lẽ được viết ra khi thầy ở Nha Trang.:
Châu Trầm Bé Nhỏ,
Mang tim người rỏ xuống đại dương kia
Biển vô cùng nhưng giọt mắt tan lià,
Mang vô tận mấy trùng kia thế giới.
Nước thăm thẳm nhưng sầu kia vời vợi
Toả vô cùng bao quát đại dương kia
Hằng ha sa góp lại cũng khôn bì
Mấy vạn lý với bao đời Kim tự tháp
Rút thiên cổ thu vào trong một hạt
Vạn sắc cờ phai nát với hư vô.
(Thạch Trung Giả, Thời Tập số 15-11-1974)
Một tâm hồn như Thạch Trung Giả, có lẽ sẽ héo hắt nếu phải sống xa quê hương đất nước, “ Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt/Học làm con trẻ nói ngu ngơ”, song càng không thể sống với một chế độ bất nhân, vô học và man rợ do bọn Bắc cộng chụp lên đầu dân Nam sau năm 1975, cho nên Thầy đã chọn cách rời trần thế về nơi tiên cảnh, trong một ngôi chùa.   
Nhớ công ơn và cảm phục tư cách của một ông thầy, tôi ghi lại it dòng tưởng nhớ này.
BXC

No comments:

Post a Comment