* Theo chị, khái niệm “lòng khoan dung” là gì? Phải chăng, thời nay, con người bỏ qua, tha thứ cho nhau, xóa đi những hận thù là rất khó, nếu không nói đôi khi là chuyện không tưởng?
- Có lẽ nên thêm vào câu hỏi này ba chữ “ở Việt Nam”.
Sống giữa hai lằn đạn, dĩ nhiên tôi bị nhiều trận vu oan tưởng phải bỏ ngang việc học đạo diễn hay bỏ làm nghề sau 1975. Nhớ hồi khi mới vào trường, tôi từng bị mật báo với Đảng bộ nhà trường là trước 1975, tôi đã là “em gái hậu phương” ra tiền đồn hát động viên chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa. Không khoan dung thì tôi làm gì đây, khi đa số những người từng gây bao khó khăn cho tôi, kẻ chết, người không sống bình thường thanh thản ở khúc cuối cuộc đời, còn tôi thì quỹ thời gian sắp hết, còn bao nhiêu dự định dang dở thú vị chưa kịp làm.
Khi nhắc đến “lòng khoan dung” tôi thường liên tưởng đến đoản văn của J.L. Borges viết về Abel và Cain. “Khi gặp lại nhau bên đống lửa, Abel nói, em không nhớ nữa, là anh đã giết em, hay em đã giết anh. Cain nói, như vậy là anh đã được tha thứ, vì quên có nghĩa là đã tha thứ”. Loài người từ khởi thủy đã được gắn vào mình thiên chức huynh đệ, nhưng đồng thời cũng đã bị mai phục thảm kịch phản bội lại thiên chức ấy. Có biết bao người đã chết tức tưởi dưới tay của chính những anh, chị của mình, khi họ cam tâm dứt bỏ tình thân ruột thịt định mệnh kia.
Khi ngồi viết những dòng này, tôi vừa đọc được một tin trên báo: Một cô giáo đang soạn giáo án thì bị 5 nam sinh lớp 9 lao vào nhà khống chế, chúng đã giở trò đồi bại với cô, mặc cô khóc lóc van xin. Thế kỷ trước, các “cô giáo vùng cao” cho biết ngoài việc lương thấp, đời sống tinh thần không được chăm sóc, lắm khi các cô còn bị các “quan” quấy rối, nay thì tới học trò “ra tay”! Gặp nạn kiếp như vậy, liệu các cô giáo ấy có quên được không, và liệu có tha thứ được không? Mà tha thứ cho ai? Còn không tha thứ thì có thể làm gì?
* Trong quá khứ, vì thiếu hụt chuyện giáo dục về lòng trắc ẩn, lòng thương người, sự bao dung…, chỉ đề cao chuyện lý tưởng, cống hiến, công danh, sự nghiệp… mà xã hội Việt Nam “đẻ” ra không ít những sản phẩm “lỗi” - những con người bị què quặt về mặt tinh thần. Theo chị, nên nhìn nhận vấn đề của lịch sử này ra sao? Và có cách nào sửa cái sai này không?
- Khi cùng cộng tác làm về sân khấu diễn đàn, một Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định với tôi là, giáo dục Việt Nam tụt hậu 50 năm khi đã dạy bằng phương pháp “áp bức”, độc thoại một chiều, không khuyến khích tinh thần phản biện. Cách dạy này khiến người đi học phản ứng bằng cách không nhớ gì hết, nói đúng hơn là họ chỉ chọn lọc nhớ những điều gì không mất sức nhiều mà tương lai sẽ đem lại "lợi nhuận cao" cho đời họ. Khi đi dạy, tôi đã đôi lần xém khóc khi làm việc với các sinh viên cao đẳng vì gần như họ không nhớ gì về lịch sử lẫn… địa lý của Việt Nam, không biết con sông Bến Hải lẫn sông Gianh thuộc tỉnh nào, thì càng chẳng nhớ gì máu xương hai miền của những người hữu danh lẫn vô danh đã rưới xuống đất này cho vết cắt đôi Việt Nam liền lại. Có những môn được dạy với thái độ đó nên đừng đòi hỏi chúng được các em học tử tế, và đừng ảo tưởng có lúc sẽ được các em “hành” điều học được. Những gì xảy ra trong thực tế cho thấy, ta cũng chẳng nên hy vọng rằng những việc như đề cao chuyện lý tưởng, cống hiến, công danh, sự nghiệp… được những người trẻ sống theo; nói gì đến việc người đi trước có khả năng làm gương cho họ về lòng trắc ẩn, lòng thương người, sự bao dung để những điều tốt đẹp này có điều kiện lan tỏa. Chỉ cần từng người đi trước cố gắng sống tử tế và làm hết mọi khả năng, sáng tạo với tâm thiện của mình trong các việc làm hằng ngày, dù là để mưu sinh, mưu danh, mưu lợi hay mua vui, ít ra cũng xua được ít nhiều bóng tối nặng nề của ba môi trường bị nhiễm độc mà những người trẻ đang gánh chịu: Gia đình, học đường và xã hội.
* Vì sao những nhân vật nữ của chị đều chịu nhiều cay đắng, có những lúc như bị cả "thế giới" quay lưng, nhưng không vì thế mà họ mất đi tình người, lòng vị tha? Phải chăng, nhờ đó, phụ nữ mới là người cứu rỗi thế giới?
- Với cả ba bộ môn tôi đang dính líu: Văn học, sân khấu, điện ảnh, tôi luôn tâm nguyện mình sáng tác hay biên soạn, dàn dựng đều cố gắng nói giùm những người không nói được, như những người đã chết, tù nhân oan sai… trong đó có tôi. Cách đây vài năm, có một chuyện khiến tôi đã phải tự cười (hay khóc?) thầm, khi chuẩn bị ra tập truyện ngắn bằng tiếng Anh “Pearls of the Far-East” (Ngọc Viễn Đông) với mục đích lấy tiền tặng những em bé sớm bị quấy rối tình dục, thậm chí bị cha mẹ ruột mang đi bán, tôi có tâm sự với một bạn văn (kiêm nhà báo) là tôi đã có những khoảnh khắc tuổi thơ bị như vậy, bạn ấy can tôi là chị đừng dại dột công bố điều đó ra, vì sẽ bị hiểu lầm là bịa ra để tạo scandal, đua tranh với các hot-woman khác. Có phải chúng ta đang sống ở một thời lệch chuẩn, cái thật sẽ bị cho là giả; trong khi đó, vì mục đích kinh doanh, cái giả đang tung tiền ra để được truyền thông (kể cả các loại hình nghệ thuật) khoác áo thiên thần trong sáng, thậm chí thánh nữ đồng trinh.
* Một xã hội mà thiếu vắng lòng khoan dung là một xã hội hết thuốc chữa. Bạo lực, tội phạm, người thân giết người thân đang nổi lên trong những năm gần đây, cho thấy sự vô cảm, độc ác của con người ngày càng lớn. Chị nghĩ gì về điều này và theo chị, điều mà chúng ta nên làm ngay bây giờ là gì?
- Có người tin nếu sống có tình yêu nói riêng và tình người nói chung, sẽ hóa giải được sự nghiệt ngã của cái ác, lòng ghen ghét, hận thù. Hãy hình dung một đứa như tôi được lớn lên trong một gia đình mà cha và mẹ có chính kiến chính trị khác nhau, hoạt động cho hai phe đối nghịch nhau. May mắn là ba má tôi vẫn có với nhau 9 người con. Chúng tôi sống thương yêu và hòa thuận nhau mãi đến bây giờ.
Nếu đề cập tới lòng khoan dung thì chỉ như chuyện riêng tư của những tư thù, hận oán cá nhân. Tôi nghĩ nên mở rộng ra hơn khái niệm này. Nên chăng gọi đó là lòng từ tâm (Heart of kindness)? Trong đó bao gồm cả sự tương trợ, lòng cảm thông và tinh thần phụng hiến. Và từng người chúng ta, theo sức của mình, có thể cùng với nhau, có những công việc thiết thực hơn là chỉ kêu gọi suông. Từ 2008 đến nay, nhóm Ngọc Trong Tim của chúng tôi, trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của cả trong nước cũng như hải ngoại đã và đang làm bệ phóng cho những tài năng khuyết tật trong và ngoài Việt Nam biểu diễn ở Mỹ và phát hành DVD. Những lần về nước, tôi cùng các bạn bè vẫn thường đi tìm kiếm để giới thiệu nhiều hơn nữa những tài năng khuyết tật tương tự.
* Đến hôm nay, chị có nghĩ rằng, mình vẫn nhận được nhiều khoản tổ đãi hay không, hay ngược lại, vẫn phải sống tiếp, nhìn cuộc đời bằng con mắt khoan dung của một nhà văn độ lượng để viết hay hơn?
- Bạn tôi, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh thường khuyên: Kẻ sĩ, nên để người ta biết tên, hơn là cho biết mặt. Tôi hiểu ý anh Thanh dặn mình nên bỏ sức vào tác phẩm, hơn là phô lộ đời riêng. Kịch tính của tôi nằm ở chỗ, bên cạnh việc sáng tác cần phải rút vào trong bóng tối mới đủ độ sâu để viết, tôi còn chia đời cho nghề biểu diễn, cần chường ra ít nhiều những điều lẽ ra phải giấu đi. Để tạm biệt, xin được chúc tất cả những ai yêu ghét tôi một năm mới sẽ gặp nhiều hơn nữa, những người giàu có từ tâm.
Xin cảm ơn chị!