Hiện nay, cả ba đang thi vấn đáp. Ngày 4 tháng 7 sẽ có kết quả.
Năm 2023, Pháp có cậu Tú 12 tuổi. Năm sau, ở Strasbourg, Miền Đông-Bắc, có một cô bé 9 tuổi dự thi Tú Tài nhưng chẳng may không đậu. Không biết năm nay, bé có thi lại hay không .
Ở Bỉ, năm 2018, báo chí rùm beng tin vui cậu bé Laurent 8 tuổi ở vùng Flandre, phía Bắc, đậu Tú Tài.
Chương trình 3 năm Đệ II cấp, theo Việt nam trước kia là Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhứt, sau là lớp 10, 11 vá 12, cậu bé chỉ học một năm rồi đi thi. Soạn thi, cậu bé học lớp luyện thi riêng vì chán học ở nhà trường. Laurent có chỉ số thông minh là 145, trong 2% những người có chỉ số thông minh trên 130 .
Tú Tài là tên gọi bằng cắp kết thúc bậc Trung học ở Việt nam. Tên gọi bằng cấp «TúTài» dường như chỉ có ở Việt nam và từ thời xa xưa trong hệ thống giáo dục và khoa cử nho học nên mới có Tú Xương (1870-1907) và có thơ « Không hay sao lại đỗ ngay Tú Tài » .
Tới lúc Tây cai trị, bằng cấp Trung học của Tây là « Le Baccalauréat » cũng được Việt nam gọi luôn là «Tú Tài» . Và Tú Tài tây !
Tú Tài
Tú Tài tây ra đời từ năm 1808 nhưng qua năm sau, mới có khóa thi đầu tiên có 31 người dự thi, 30 người thi môn văn chương, 1 người thi văn chương và khoa học. Điều lạ là Paris không có thí sinh dự thi khóa đó .
Ở Hà nội, năm 1902, đã có Trường Trung học Đệ I cấp Paul Bert. Năm 1912 mở Đệ II cấp có 143 học sinh, có 2 học sinh người Tàu và 1 Nhựt bổn. Năm 1914, Toàn quyền Albert Sarraut cho mở rộng Trung học Đệ II cấp. Năm 1919, Trung học Đệ II cấp khai giảng với tên «Trường Trung học Hà nội » (Lycée Hanoi) . Năm 1923, đổi thành Trung học Albert Sarraut. Tới năm 1940, trường được 1405 học sinh, tất cả đều học theo chương trình giáo dục như tại Pháp.
Như vậy Hà nội là xứ bảo hộ lại có Trung học Đệ Nhị cấp và có Tú Tài sớm trong lúc đó, Sài gòn là thuộc địa pháp, niên khóa 1922-1923, Trường Chasseloup-Laubat hảy còn là Collège chỉ dạy tới Brevet Elémentaire (Trung học Đệ I cấp) . Nhưng từ năm học 1926-27, nhà cầm quyền cho tổ chức bằng «Tú Tài bổn quốc» (Le Baccalauréat de l’Enseignement Secondaire local, thường gọi Le Bachot local). Muốn thi Tú Tài bổn quốc, sau bằng Brevet, học sinh học lên lớp Seconde, và 1 năm nữa rồi đi thi. Tú Tài bổn quốc chỉ có Một bằng duy nhứt, chớ không phải Tú Tài I và Tú Tài II như chương trình pháp. Nhưng học và thi khó giàn mây xanh vì phải học nhiều môn mà Tú Tài Tây không có. Như văn chương pháp và việt, Triết Đông và cận Đông, triết Tây như trong chương trình tây, Toán, khoa học như chương trình tây, lại thêm cả chữ nho, sử địa tây và cả ta. Môn nào cũng khó và nhiều. Học sinh học không kịp thở. Lý do có Tú Tài bổn quốc vì nhà cầm quyền thực dân bị các Cụ Bùi Quang Chiêu, với tờ La Tribune Indochinoise, và Nguyễn Phan Long, với tờ Echo Annamite, kịch liệt công kích là Nhà nước chỉ cho dân chúng học tới Trung học Đệ I cấp, theo chánh sách ngu dân của thực dân.
Học khó, thi khó, thế mà qua Tây lại không vào Đại học được, phải thi lại Tú Tài tây. Đi làm, chức phận và lương thấp hơn những người có Tú Tài tây .
Muốn học thêm ở Việt nam, người có Tú Tài bổn quốc phải khăn gói ra Hà nội, vào học các trường Cao đẳng như Y, Dược, Kỹ thuật, Hành chánh. Thời hạn học từ 2 tới 4 năm. Tốt nghiệp trở thành Cán sự. Như học Y khoa trở thành Y sĩ Đông dương, làm việc phụ tá cho Quan Đốc-tờ Tây. Không có quyền mở Phòng khám bệnh. Về Công chánh, Cán sự, Phụ tá cho Kỷ sư Công chánh . Ở Nam kỳ, các ông này được dân nhà quê Miền Tây gọi «ông Họa đồ» vì các ông đo đất cát và vẽ lại ranh giới ruộng đất cho điền chủ. Học giả Nguyễn Hiến Lê cũng là ông «Họa đồ» khi ông được bổ nhiệm tới Cao lãnh làm việc. Dân Sài gòn thì gọi là ông «Trường tiền» . Thời đó chưa nghe ai nói «Công chánh» . Các ngành khác, như về Thương mại, Sư phạm hay Hành chánh, thì chỉ học 2 năm (Đào văn Hội, 15 năm Đèn sách, Sài gòn, 1971) .
Nhưng họ đều giỏi khi làm việc. Về sau này, những Y sĩ Đông dương được nhìn nhận là Y sĩ, Thầy thuốc, Médecin, có quyền mở Phòng mạch, Dưởng đường, trên bảng chỉ ghi Médecin . Ở ngã tư Lê văn Duyệt – Hồng Thập tự, có Dưởng Đường Như Lân. Ông chủ là Y sĩ Đông dương Trần Như Lân thuộc trường hợp được «điều chỉnh» dưới thời chánh phủ Nguyễn văn Tâm.
Vế sau, nhà cầm quyền Hà nội mở Đại học thì các Trường Cao đẳng được sáp nhập vào Đại học trở thành những Phân khoa.
Trở lại chương trình Trung học đông dương, qua niên khóa 1937-38, xét thấy Tú Tài bổn quốc quá rắc rối và thật sự không có giá trị lại bị dân chúng công kích nên nhà cầm quyền dẹp bỏ. Và Sài gòn đã có tổ chức thi Tú Tài tây . Trường Chasseloup-Laubat có thêm Đệ Nhị cấp, trở thành Lycée.
Tú kép, Tú mền, Tú đụp
Trong hệ thống Nho học ngày xưa, người thi đậu kỳ thi Hương được gọi là Sinh đồ. Tới năm 1828, vua Minh mạng cho đổi lại là «Tú Tài» .
Thi Hương, tức thi Tú Tài, đầu tiên tổ chức dưới triều vua Trần Thuận Tông năm 1396 . Gọi thi Hương vì kỳ thi được tổ chức ở quê hương của thí sinh. Nhưng một trường thi gồm nhiều địa phương hành chánh. Như trường Nam ở Nam định tập trung thí sinh của các tỉnh chung quanh Nam định. Trường Hà tập trung thí sinh chung quanh Hà nội.
Qua các đời vua Lê Thái Tông (1434-1439), Lê Nhân Tông (1443-1453), thi Hương qui định có 4 kỳ, gọi là bốn trường.
Kỳ 1: thí sinh thi kinh nghĩa, thư nghĩa;
Kỳ 2: chiếu, chế, biểu;
Kỳ 3: thơ phú;
Kỳ 4: văn sách.
Nền học củ chấm dứt vào những năm đầu thế kỷ XX .
Đậu Tú Tài chưa đủ để được nhà vua bổ đi làm quan, mà chỉ được làm Thầy Đồ đi dạy học. Nên mới có ông Tú, Cụ Đồ, rất được dân chúng trọng vọng. Làm quan như Quan Huyện, Quan Phủ, hay làm Quan ở Triều Đình, phải đậu Cử nhơn . Thí sinh phải đậu 4 kỳ thi Hương, tức 4 Tú Tài, rồi tới Huế dự thi Hội, từ Cử nhơn tới Tiến sĩ .
Người chỉ đậu 2 Tú Tài, tức đậu ở 2 trường thi, thì gọi là «Tú kép», 3 Tú Tài thì gọi là «Tú mền », 4 Tú Tài được gọi là «Tú đụp» .
Nhà thơ Trần Tế Xương ở Nam định (1870-1907) đi thi 8 lần thi Hương nhưng không đậu đủ 4 trường nên người đời gọi ông là Tú Xương .
Có một điều đáng ghi nhớ, ngay dưới thời quân chủ cực thịnh, trong việc tổ chức thi cử và bổ nhiệm người đi làm quan, chánh quyền phải tuyệt đối tông trọng «Luật Hồi tỵ». Như không được bổ nhiệm một quan chức về nơi quê quán, không được phép cho con em dự thi nơi thân nhơn làm việc trong ban khảo thí. Luật này vẫn được áp dụng cẩn thận cho tới thời Việt nam Cộng hòa .
Ngày nay, ở Việt nam, nhứt là ở Miền Trung và Bắc, có nhiều nơi nhà cầm quyền gồm cả một gia đình hay một dòng họ. Và điều này được cho là tiên tiến vì tất cả mọi người đều có khả năng và đều là đảng viên cộng sản .
3 thế hệ Tú Tài
Bằng cắp Tú Tài tây ngày nay thường bị tra vấn về giá trị thiệt của nó, như về mặt hiểu biết, cách thi cử, hoặc giá trị thực dụng như cái thông hành cho phép học lên cấp cao hơn hoặc vào cửa xí nghiệp. Có dư luận cho rằng Tú Tài sau những lần cải tổ, lần cuối năm 2021, nay chỉ là một cái xác chết nhưng tim còn đập .
Hôm 16/06 ?2025, Radio France cho phát thanh bài điều tra của nhà báo Anne-Lyvia Tollinchi. Trước đó, bà tới thăm môt gia đình người pháp ở Vaucluse (miền Nam) gồm 3 thế hệ Tú Tài, bà ngoại Mireille, mẹ Emma, con gái thí sinh năm nay là Chiara, để tìm hiểu nhận xét của họ về văn bằng Tú Tài .
Emma, Mireille et Chiara à Grambois (Vaucluse), juin 2025 (ANNE-LYVIA TOLLINCHI / RADIO FRANCE)
Tú Tài vẫn còn nguyên giá trị của nó, khi trải dài qua 3 thế hệ của gia đình ở Vaucluse ?
Từ sau lần cải tổ gần đây, năm 2021, thí sinh chỉ có 4 môn thi viết, trước đây có gần cả chục phải vượt qua. Số thí sinh thi đậu ngày nay cũng lớn.Tiêu chuẩn phải từ 80%. Ngay trong một nhà, bà cháu, mẹ con đều thi Tú Tài, thời gian khác nhau theo thế hệ của mình . Chiara, 17 tuổi, thi năm nay, mẹ Emma, 50 tuổi, thi năm 1994 lúc 21 tuổi và bà, Mireille, 71 tuổi, thi năm 1973 .
Emma còn nhớ rỏ những lo âu, hồi họp lúc chờ vô vấn đáp . Bà ngồi ở hành lang để ôn bài. Bà phải đậu vì Tú Tài rất quan trọng. Chỉ có hơn phân nửa dân chúng pháp có được Tú Tài.
Bà cho biết thế hệ của bà phải đi học, có bằng cắp mới kiếm được việc làm. Bà nhận thấy rỏ cái khác biệt đó đối với thế hệ của cha mẹ bà và với con gái của bà.
Riêng về học lên cắp trên, bằng Tú Tài mở cửa vào các ngành khác nhau một cách rộng rải. Ngày nay, học sinh phải chọn ngành, chọn trường từ trước, và phụ thuộc vào số điểm có được của những năm học trước khi thi. Vậy mà năm nào, sau khi các trường Cao đẳng, Đại học khai giảng, vẫn còn hàng chục ngàn học sinh có Tú Tài không có chổ học .
Năm 1973, bà Mireille không cần thêm bằng cấp nào khác nữa để có việc làm. Với bằng Tú Tài G, về Quản trị và Thương mại, chỉ vài tháng sau, bà có ngay việc làm. Chủ xí nghiệp còn khen bà có khả năng cao hơn việc làm của bà . Tới năm 90, theo Emma, thì tình hình đã không còn được như vậy nữa . Chỉ có Tú Tài thì không kiếm được việc gì hết. Emma học thêm 2 năm lấy bằng Cao đẳng chuyên nghiệp. Nhưng sau đó, bà phải học lên Cử nhơn Khoa học Giáo dục để có việc làm khá hơn.
Chiara theo hồ sơ đã được nhận vào học ngành viễn thông ở Aix sau khi đậu Tú Tài cuối tháng 6 này.
Chuyện học lên sau Tú Tài ngày nay là cả một áp lực đè nặng lên thí sinh Tú Tài, còn nặng hơn cả việc rớt hay đậu Tú Tài.
Ngày trước nhiều người khóc vì không có Tú Tài. Ngày nay, nhiều người khóc vì không biết học ở đâu .
Bà Mireille làm một cử chỉ truyền thống trong gia đình có từ nhiều thế hệ để chúc may mắn cháu ngoại đậu Tú Tài vào đầu tháng 7 này là xoa ngón tay cái, ngón may mắn. Lấy ngón tay cái đặt vào lòng bàn tay và nghĩ về người mình cầu chúc may mắn. Người đi thi sẽ thi đậu .
Bà cầu chúc cháu ngoại của bà sẽ đậu Tú Tài kỳ thi này !
(*) Thơ của Tú Xương
Nguyễn thị Cỏ May